Bài 11: Cuộc sống muôn màu Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 – Cánh diều

  • 1Làm xong biết đáp án, phương pháp giải chi tiết.
  • 2Học sinh có thể hỏi và trao đổi lại nếu không hiểu.
  • 3Xem lại lý thuyết, lưu bài tập và note lại các chú ý
  • 4Biết điểm yếu và có hướng giải pháp cải thiện

Câu 1:
Tự luận

Trò chơi: Tìm địa chỉ

Mỗi bức ảnh dưới đây thể hiện cảnh đẹp hoặc sinh hoạt văn hoá ở vùng miền nào trên đất nước ta? Hãy nêu cảm nghĩ của em về một trong những hình ảnh đó.

Câu 2:
Tự luận

Bài đọc 1: Quang cảnh làng mạc ngày mùa

* Nội dung bài Quang cảnh làng mạc ngày mùa: Bài đọc viết về quang cảnh của một làng quê vào những ngày mùa gặt lúa với bức tranh thiên nhiên sống động nhiều màu sắc.

Quang cảnh làng mạc ngày mùa

Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng – những màu vàng rất khác nhau.

Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra thì trông thấy màu trời có vàng hơn thường khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm [...]. Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối lốm đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối x xuống như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, đốt ngầu phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Lác đác cây lụi có mấy chiếc lá đỏ. Qua khe giậu, ló ra mấy quả ớt đỏ chói. Tất cả đượm một màu vàng trù phú, đầm ấm lạ lùng.

Không còn có cảm giác héo tàn, hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông. Hơi thở của đất trời, mặt nước thơm thơm, nhè nhẹ. Ngày không nắng, không mưa, hồ như không ai tưởng đến ngày hay đêm, mà chỉ mải miết đi gặt, kéo đá, cắt rạ, chia thóc hợp tác xã. Ai cũng vậy, cứ buông bát đũa lại đi ngay, cứ trở dậy là ra đồng ngay.

Đọc hiểu

Bài đọc tả cảnh gì, vào mùa nào trong năm?

Câu 3:
Tự luận

Vì sao có thể nói các từ ngữ chỉ màu sắc trong bài đã tạo nên bức tranh đẹp về một vùng quê trù phú và đa dạng?

Câu 4:
Tự luận

Tìm những từ ngữ miêu tả thời tiết và hoạt động của con người trong ngày mùa.

Câu 5:
Tự luận

Bài văn thể hiện tình cảm của tác giả đối với làng quê như thế nào?

Câu 6:
Tự luận

Qua bài đọc này, em học được điều gì về cách quan sát và tả phong cảnh?

Câu 7:
Tự luận

Tìm đọc thêm ở nhà:

- 2 câu chuyện ( hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và cuộc sống quanh em.

- 1 bài văn tả phong cảnh.

Câu 8:
Tự luận

Viết vào phiếu đọc sách:

Tên bài đọc, tác giả, tình cảm, cảm xúc của em về bài đọc (hoặc sự việc, nhân vật, hình ảnh, câu văn, câu thơ trong bài)

Câu 9:
Tự luận

Chuẩn bị nội dung để giới thiệu bài em đã đọc cho các bạn trong lớp.

Câu 10:
Tự luận

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi

Con suối bản tôi

Bản tôi chạy dọc hai bên bờ suối, trên hai sườn núi tương đối bằng phẳng. Con suối khá to từ những dãy núi xa lắc xa lơ chảy về.

Con suối chảy qua bản tôi bốn mùa nước xanh trong. Những ngày lũ, suối cũng chỉ đục vài ba ngày. Để tiện đi lại, người bản tôi bắc khá nhiều cầu qua suối. Cầu ghép bằng đôi thân cây to hoặc một thân cây cổ thụ. Gần đây, chiếc cầu bằng xi măng cốt thép đã được bắc qua con suối quê tôi. Mặt cầu rộng rãi. Trẻ nhỏ thường tụ tập hai bên thành cầu nhìn xuống nước xem những con cả lườn đỏ, cả lưng xanh,... lên thác, ngửa bụng trắng xoá. Cá bơi lượn lấp loáng, như hàng trăm, hàng nghìn ngôi sao rơi xuống lòng suối. Chỉ có đoạn suối qua bản tôi là còn nhiều cá như vậy, vì các già bảo giữ cá để làm đẹp cho bản và để mọi người có thể câu lấy vài con mà ăn.

Đoạn suối chảy qua bản tôi có hai cái thác, nước chảy khá xiết. Nước gặp những tảng đá ngầm chồm lên thành những con sóng bạc đầu. Hết đoạn thác dài chừng trăm mét lại đến vực. Vực khá sâu, nước lũng thũng như kẻ nhàn rỗi dạo xuôi dòng. Con suối đơn sơ, bình dị ấy đã đem lại cho bản tôi vẻ thanh bình, trù phú với bao nhiêu điều hữu ích.

VI HỒNG – HỒ THUỶ GIANG

Bài văn có mấy đoạn? Nêu nội dung của từng đoạn.

Câu 11:
Tự luận

Xếp các đoạn văn vào mỗi phần phù hợp: Mở bài, thân bài, kết bài

Câu 12:
Tự luận

Theo em, ngoài trình tự miêu tả như trong phần thân bài nói trên, còn có thể miêu tả phong cảnh theo trình tự nào khác?

Câu 13:
Tự luận

Bài văn sau có những điểm nào giống và khác bài Con suối bản tôi:

a) Về cấu tạo?

b) Về trình tự miêu tả?

Chiều tối

Nắng bắt đầu rút lên những chòm cây cao, rồi nhạt dần như hoà lẫn với ánh sáng trắng nhọt cuối ngày.

Lúc đó, trong những bụi cây đã thấp thoáng, thập thò những mảng tối. Màu tối lan dần dưới từng gốc cây, ngả dài trên thảm cỏ, rồi đổ lốm đốm trên lá cành, nhất là những vòm xanh rậm rạp. Bóng tối như bức màn mỏng, như thứ bụi xốp, mờ đen, phủ dần lên mọi vật.

Trong nhập nhoạng, thỉnh thoảng lại bật lên một mảng sáng mờ của ánh ngày vương lại. Một vài tiếng dế gáy sớm, vẻ thăm dò, chờ đợi. Có đôi ảnh đom đóm chấp chới, lúc lên cao, lúc xuống thấp, lúc lại rơi xuống mặt cỏ không còn rõ hình cây lá nữa mà mịn màng hoà lẫn như một mặt nước lặng êm.

Trong im ắng, hương vườn thơm thoảng bắt đầu rón rén bước ra và tung tăng trong ngọn gió nhẹ, nhảy trên cỏ, trườn theo những thân cành.

PHẠM ĐỨC

Câu 14:
Tự luận

Chọn 1 trong 2 đề sau: Trong bốn mùa, em thấy mùa nào đẹp nhất? Hãy trình bày ý kiến của em về vẻ đẹp của mùa đó

Câu 15:
Tự luận

Phát biểu cảm nghĩ của em về một bài ca dao (hoặc bài thơ) đã học (hoặc đã đọc) nói về cảnh đẹp quê hương đất nước.

Câu 16:
Tự luận

Bài đọc 2: Sắc màu em yêu

* Nội dung bài Sắc màu em yêu : Bài thơ miêu tả về các loại màu sắc trong cuộc sống mà bạn nhỏ yêu thích và mỗi màu lại ứng với những sự vật sự việc khác nhau

Sắc màu em yêu

(Trích)

Em yêu màu đỏ:

Như máu con tim,

Lá cờ Tổ quốc

Khăn quàng đội viên.

 

Em yêu màu xanh:

Đồng bằng, rừng núi,

Biển đầy cá tôm,

Bầu trời cao vợi.

 

Em yêu màu vàng:

Lúa đồng chín rộ,

Hoa cúc mùa thu,

Nắng trời rực rỡ.

 

Em yêu màu trắng:

Trang giấy tuổi thơ,

Đoá hoa hồng bạch,

Mái tóc của bà.

 

Em yêu màu đen:

Hòn than óng ánh,

Đôi mắt bé ngoan,

Màn đêm yên tĩnh.

 

Em yêu màu tím:

Hoa cà, hoa sim,

Chiếc khăn của chị,

Nét mực chữ em.

 

Em yêu màu nâu:

Áo mẹ sờn bạc,

Đất đai cần cũ,

Gỗ rừng bát ngát.

 

Trăm nghìn cảnh đẹp

Dành cho em ngoan.

Em yêu tất cả

Sắc màu Việt Nam.

PHẠM ĐÌNH ÂN

Đọc hiểu

Bạn nhỏ yêu những màu sắc nào?

Câu 17:
Tự luận

Mỗi màu sắc gợi cho bạn nhỏ liên tưởng đến những hình ảnh đẹp nào?

Câu 18:
Tự luận

Theo em, khổ thơ cuối bài nói lên điều gì?

Câu 19:
Tự luận

Em yêu màu nào? Hãy viết một đoạn văn ngắn (4-5 câu) hoặc 2-4 dòng thơ về màu mà em yêu.

Câu 20:
Tự luận

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Biển luôn thay đổi màu tùy theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng xanh thẳm như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu, giận dữ.

VŨ TÚ NAM

Đánh số thứ tự các câu trong đoạn văn trên; xác định chủ ngữ, vị ngữ trong từng câu.

Câu 21:
Tự luận

Xếp các câu trên vào nhóm thích hợp:

a) Câu đơn (câu do một cụm chủ ngữ - vị ngữ tạo thành)

b) Câu ghép (câu do hai hoặc nhiều cụm chủ ngữ - vị ngữ tạo thành).

Câu 22:
Tự luận

Có thể tách mỗi cụm chủ ngữ - vị ngữ trong các câu ghép ở đoạn văn trên thành một câu đơn được không? Vì sao?

Câu 23:
Tự luận

Tìm câu ghép trong đoạn văn dưới đây. Xác định các vế câu trong từng câu ghép.

Vườn cây vào đông, lá vàng bay lả tả trên nền đất lạnh. Sương giá quấn quanh ngọn những cành khô. Đêm xuống, gió bấc thổi hun hút. Chú chim sâu rét. Chú đâm nản lòng. Chú nằm vo tròn trong cái tổ lá ngải treo đu đưa. Mặt Trời đã lên cao, chú mới ra khỏi tổ.

NGUYỄN KIÊN

Câu 24:
Tự luận

Một bạn học sinh chép theo trí nhớ một đoạn văn của nhà văn Phong Thu nhưng chưa thật chính xác. Em hãy giúp bạn chuyển những cặp câu đơn có quan hệ chặt chẽ với nhau thành câu ghép.

Tất cả các bà mẹ đều yêu thương con mình. Con rết thì mẹ lạnh. Con ngã thì mẹ đau. Con đói. Ruột gan mẹ cồn cào. Con ngoan. Mặt mẹ nở hoa. Con hư. Lòng mẹ rầu rĩ...

Câu 25:
Tự luận

Hãy tìm ý và sắp xếp ý cho đoạn văn viết theo 1 trong 2 đề sau

Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:

Chiều ngoại ô

Chiều hè ở ngoại ô thật mát mẻ và cũng thật là yên tĩnh. Khi những tia nắng cuối cùng nhạt dần cũng là khi gió bắt đầu lộng lên. Không khí dịu lại rất nhanh và chỉ một lát, ngoại ô đã chìm vào nắng chiều.

Những buổi chiều hè êm dịu, tôi thường cùng lũ bạn đi dạo dọc con kênh nước trong vắt. Hai bên bờ kênh, dải cỏ xanh êm như tấm thảm trải ra đón bước chân người. Qua căn nhà cuối phố là những ruộng rau muống. Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn, hoa rau muống tím lấp lánh. Rồi những rặng tre xanh đang thì thầm trong gió. Đằng sau lưng là phố xá, trước mặt là đồng lúa chín mênh mông và cả một khoảng trời bao la, những đám mây trắng vui đùa đuổi nhau trên cao. Con chim sơn ca cất tiếng hót tự do, thiết tha đến nỗi khiến người ta phải ao ước giá mình có một đôi cánh. Trải khắp cánh đồng là rằng chiều vàng dịu và thơm hơi đất, là gió đưa thoang thoảng hương lúa chín và hương sen. Vẻ đẹp bình dị của buổi chiều hè vùng ngoại ô thật đáng yêu.

Nhưng có lẽ thú vị nhất trong chiều hè ngoại ô là được thả diều cùng lũ bạn.Khoảng không gian vắng lặng nơi bãi cỏ gần nhà tự nhiên chen chúc những cánh diều. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Ngồi bên nơi cắm diều, lòng tôi lâng lâng, tôi muốn gửi ước mơ của mình theo những cánh diều lên tận mây xanh.

Theo NGUYỄN THUỴ KHA

a) Bài văn tả cảnh gì? Theo trình tự nào?

b) Tác giả quan sát các sự vật bằng những giác quan nào?

c) Bằng mọi giác quan, tác giả cảm nhận được điều gì?

Câu 26:
Tự luận

Mỗi đoạn trong bài văn dưới đây tả phong cảnh ở thời điểm nào của buổi sáng mùa hè? Tìm những hình ảnh tiêu biểu cho phong cảnh ở từng thời điểm, thể hiện sự quan sát tinh tế của tác giả.

Buổi sáng mùa hè trong thung lũng

Rừng núi còn chìm trong màn đêm. Trong bầu không khí đầy hơi ẩm và lãnh lạnh, mọi người đang ngon giấc trong những chiếc chăn đơn. Bỗng một con gà trống vỗ cánh phành phạch và cất tiếng gáy lanh lảnh ở đầu bản. Tiếp đó, rải rác khắp thung lũng, tiếng gà gáy râm ran. Trên mấy cây cao cạnh nhà, ve kêu ra rả. Đó đây, ảnh lửa hồng bập bùng trên các bếp. Bản làng đã thức giấc.

Tảng sáng, vòm trời cao xanh mênh mông. Gió từ trên đỉnh núi tràn xuống thung lũng mát rượi. Khoảng trời sau dãy núi phía đông ủng đỏ. Những tia nắng đầu tiên hắt chéo qua thung lũng, trải lên đỉnh núi phía tây những vệt sáng màu lá mạ tươi tắn. Nắng vàng lan nhanh xuống chân núi rồi rải vội lên đồng lúa.

Mặt Trời nhô dần lên cao. Ánh nắng mỗi lúc một gay gắt. Dọc theo những con đường mới đắp, vượt qua những chiếc cầu gỗ bắc qua con suối, từng tốp nam nữ thanh niên thoăn thoắt gánh lúa về sân phơi. Tiếng cười giòn tan vọng vào vách đá.

Theo HOÀNG HỮU BỘI

Câu 27:
Tự luận

Bài đọc 3: Mưa Sài Gòn

* Nội dung bài Mưa Sài Gòn: Bài đọc miêu tả về cơn mưa bất chợt vội vàng vào một buổi chiều sài gòn

Mưa Sài Gòn

Người ta thường biết đến Sài Gòn với những ngày nắng chói chang, những trưa hè bỏng da trên từng con phố, hay về sự ồn ào, hối hả và cả những giờ tan tầm kẹt xe, khỏi bụi,... nhưng ít ai nghĩ về mưa. Ấy vậy mà, chiều nay, Sài Gòn bất chợt mưa.

'Đột ngột, “vội vàng”, 'ráo riết, 'chợt đến chợt đi là những từ ngữ mà người ta thường nói về mưa Sài Gòn. Có những buổi sáng trời Sài Gòn trong vắt, nắng chói chang, tưởng hôm nay sẽ là một ngày nắng to. Nhưng không phải vậy, đang nắng chói chang đấy, bất chợt lại mưa ngay. Mưa ào ào. Ầm ầm. Xối xả. Hối hả như chính nhịp sống tại nơi này.

Sài Gòn cái gì cũng nhanh, ngay cả những cơn mưa cũng vậy, nhanh đến mà cũng nhanh đi. Tưới mát cho Sài Gòn độ khoảng nửa giờ hoặc có thể ngắn hơn, mưa tạnh, trời lại trở về với cái nắng thường thấy. Đường lại ráo như mưa chưa từng đến.

Sau cơn mưa, trời lại trong xanh, chẳng còn gì ngoài những giọt mưa đọng trên mặt, trên tóc, trên áo người đi đường. Sau cơn mưa, trời lại sáng và lòng người cũng vậy. Có lẽ cơn mưa bất chợt đã làm dịu đi những muộn phiền vất vả, làm trôi đi những cơ cực bao ngày.

Theo HÀ LINH

Đọc hiểu

Theo em, vì sao tác giả chọn cảnh mưa Sài Gòn để tả?

Câu 28:
Tự luận

Ấn tượng của tác giả về mưa Sài Gòn được thể hiện ở những từ ngữ, chi tiết nào trong đoạn 2?

Câu 29:
Tự luận

Tác giả liên hệ mưa Sài Gòn với những đặc điểm nào của cuộc sống ở thành phố này?

Câu 30:
Tự luận

Cơn mưa đem lại những niềm vui như thế nào?

Câu 31:
Tự luận

Em học được gì ở bài đọc Mưa Sài Gòn về cách tả phong cảnh?

Câu 32:
Tự luận

Quan sát một phong cảnh mà em thích (một cánh đồng, một công viên hoặc cảnh bình minh ở nơi em sống).

Gợi ý nội dung và cách quan sát:

1. Em định quan sát phong cảnh nào? Phong cảnh đó ở đâu?

2. Em quan sát phong cảnh đó vào thời gian nào? Theo trình tự nào?

3. Em quan sát những gì

– Quan sát các bộ phận của phong cảnh (hoặc sự thay đổi của phong cảnh

theo thời gian trong một buổi, một ngày).

– Phát hiện những đặc điểm độc đáo của phong cảnh được tả so với phong

cảnh khác.

4. Em quan sát bằng cách nào, quan sát như thế nào?

– Quan sát bằng nhiều giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác).

– Quan sát kĩ những điểm nổi bật của phong cảnh.

5. Lập phiếu quan sát và ghi lại kết quả quan sát.

Câu 33:
Tự luận

Giới thiệu một tác phẩm (câu chuyện hoặc bài thơ, bài văn, bài báo, vở kịch) mà em đã đọc ở nhà về vẻ đẹp của thiên nhiên hoặc của con người, cuộc sống quanh em.

Gợi ý

– Ai dậy sớm (Võ Quảng)

– Dạt dào sông nước (Nguyễn Như Mai, Nguyễn Quốc Tin, Nguyễn Huy Thắng)

– Chậm lại nào (Nhiều tác giả)

– Câu chuyện của cây xanh (Hoàng Phương Thuỷ, Chu Đức Thắng)

Câu 34:
Tự luận

Trao đổi về nội dung tác phẩm được giới thiệu

a) Em thích nhân vật ( hoặc chi tiết, hình ảnh, câu văn, câu thơ,..) nào trong tác phẩm đó? Vì sao?

b) Tác phẩm đó có ý nghĩa gì?

Câu 35:
Tự luận

Bài đọc 4: Hội xuân vùng cao

* Nội dung của bài Hội xuân vùng cao: Bài thơ là câu chuyện kể về thiên nhiên và con người dân tộc vùng cao với các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc

Hội xuân vùng cao

Xúng xính áo quần đẹp nhất

Hoa đào cười với sương đêm

Hương xuân ngồi trên khoé mắt

Nao nức hơn ngày chợ phiên.

 

Trẻ già bắt tay rất chặt

Người Tày mở hội Lồng Tồng

Mâm cỗ cúng trời khẩn đất

Trống chiêng vang khắp cánh đồng.

 

Thoăn thoắt anh cấy, chị cấy

Điệu Then, đàn tính ngất ngây

Chúng em tung còn, đẩy gậy

Ríu rít như chim gọi bầy.

 

Người Nùng, người Dao, Sán Chỉ

Cũng hân hoan hội xuống đồng

Kéo co, chơi đu, hát lượn

Hò reo ấm cả nắng hồng

 

Gió thơm rộn ràng về bản

Ngỡ vui như tuổi lên mười

Cái bụng hẹn năm sau đến

Đúng mùa hoa núi bừng tươi.

HOÀI KHÁNH

Đọc hiểu

Bài thơ nói về ngày hội xuống đồng của những dân tộc nào?

Câu 36:
Tự luận

Tìm những hình ảnh đẹp và âm thanh rộn ràng trong ngày hội.

Câu 37:
Tự luận

Qua các hình ảnh và âm thanh nói trên, em có cảm nghĩ gì về không khí của hội xuân vùng cao?

Câu 38:
Tự luận

Em hiểu khổ thơ cuối bài như thế nào?

Câu 39:
Tự luận

Tìm câu đơn, câu ghép trong mỗi đoạn văn dưới đây:

a) Những tia nắng cuối cùng luyến tiếc rời bỏ ngăn là xanh bên kia bờ, vạn vật trở nên buồn buồn trong bóng hoàng hôn. Trên không, vài con cò về tổ trễ đập nhanh đôi cánh trắng phau rồi khuất trong lùm cây lá rậm rạp. Những đám mây

trắng đã ngả sang màu sẫm.

NGỌC LINH

b) Tôi ngắt một chiếc lá sồi đỏ thắm thả xuống dòng nước. Một chú nhái bén nhỏ xíu như đã phục sẵn từ bao giờ nhảy phốc lên ngồi chễm chệ trên đó. Chiếc lá thoáng tròng trành, chủ nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng rồi chiếc thuyền đò thầm lặng lẽ xuôi dòng.

TRẦN HOÀI DƯƠNG

Câu 40:
Tự luận

Chỉ ra các vế câu trong mỗi câu ghép sau

a) Mùa thu, những khu vườn đầy lá vàng xao động, trái bưởi bỗng tròn căng chờ đêm hội trăng rằm phá cỗ.

THEO HUỲNH THỊ THU HƯƠNG

b) Ở mảnh đất ấy, tháng Giêng, tôi đi đốt bãi, đảo ổ chuột; tháng Tám nước lên, tôi đánh giậm, úp cá, đơm tép; [..]

THEO NGUYÊN KHẢI

c) Tuy mảnh vườn ngoài ban công nhà Thu thật nhỏ bé nhưng bầy chim vẫn

thường rủ nhau về tụ hội.

THEO VĂN LONG

Câu 41:
Tự luận

Hãy viết một câu ghép để thể hiện nội dung bức tranh ở bên:

Câu 42:
Tự luận

Góc sáng tạo

Muôn màu cuộc sống

Chọn 1 trong 2 đề sau:

a) Viết đoạn văn tả vẻ đẹp của một mùa mà em yêu thích. Trang trí hoặc vẽ hình minh hoạ cho bài viết.

b) Tưởng tượng em vừa cùng gia đình đi du lịch đến một vùng quê (hoặc đô thị), hãy viết đoạn văn giới thiệu về vùng đó. Trang trí hoặc về hình minh hoạ.

Câu 43:
Tự luận

Giới thiệu bài viết với các bạn.

Câu 44:
Tự luận

Bình chọn bài viết hay, trình bày đẹp.

Câu 45:
Tự luận

Tự đánh giá

Mầm non

Dưới vỏ một cành bàng

Còn một vài lá đỏ

Một mầm non nhỏ nhỏ

Còn nằm nép lặng im.

Mầm non mắt lim dim

Cố nhìn qua kẽ lá

Thấy máy bay hồi hả

Thấy lất phất mưa phùn

Rào rào trận lá tuôn

Rải vàng đầy mặt đất

Rừng cây trông thưa thớt

Thấy chỉ cội với cành

Một chú thỏ phóng nhanh

Chạy nấp vào bụi vắng

Và tất cả im ắng

Từ ngọn cỏ làn rêu...

Chợt một tiếng chim kêu:

– Chíp chiu chiu! Xuân đến!

Tức thì trăm ngọn suối

Nổi róc rách reo mừng

Tức thì ngàn chim muỗng

Nổi hát ca vang dậy.

 

Mầm non vừa nghe thấy

Vội bật chiếc vỏ rơi

Nó đứng dậy giữa trời

Khoác áo màu xanh biếc...

VÕ QUẢNG

Câu hỏi và bài tập

Trong bài thơ, mầm non được nhân hoá bằng những cách nào? Tìm ý đúng

a) Gọi sự vật bằng từ ngữ dùng để gọi người.

b) Tả sự vật bằng từ ngữ dùng để tả người.

c) Nói với sự vật như nói với người.

d) Tác giả sử dụng cả ba cách trên.

Câu 46:
Tự luận

Nhờ đâu mầm non nhận ra mùa xuân về? Tìm ý đúng.

a) Nhờ những màu sắc tươi tần của cỏ cây, hoa lá.

b) Nhờ những cơn mưa phùn và sự im ắng của mọi vật.

c) Nhờ những âm thanh rộn ràng, náo nức của cảnh vật.

d) Nhờ có sự xuất hiện của những đám mây và chú thỏ.

Câu 47:
Tự luận

Nội dung chính của bài thơ là gì? Tìm các ý đúng.

a) Miêu tả vẻ đẹp của mầm non.

bị Miêu tả sự phát triển của rừng cây.

c) Miêu tả sự chuyển mùa kì diệu của thiên nhiên.

d) Miêu tả vẻ đẹp tươi xanh, dịu dàng của mùa xuân.

Câu 48:
Tự luận

Từ “mầm non” trong bài thơ được dùng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển ? Em hãy đặt một câu có từ 'mầm non' được dùng theo nghĩa khác với nghĩa trong bài thơ

Câu 49:
Tự luận

Viết một đoạn văn ngắn thể hiện cảm nhận của em về vẻ đẹp, sức sống của mầm non, trong đoạn văn có ít nhất một câu ghép. Chỉ ra câu ghép đó.

Câu 50:
Tự luận

Em đạt yêu cầu ở mức nào?

Câu 51:
Tự luận

Em cần cố gắng thêm về mặt nào?