Bài 6: Nghề nào cũng quý Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 – Cánh diều
- 1Làm xong biết đáp án, phương pháp giải chi tiết.
- 2Học sinh có thể hỏi và trao đổi lại nếu không hiểu.
- 3Xem lại lý thuyết, lưu bài tập và note lại các chú ý
- 4Biết điểm yếu và có hướng giải pháp cải thiện
Đố vui Họ làm nghề gì: Mỗi học sinh chuẩn bị một câu đố: Người này (những người này) làm nghề gì?
a) Dùng ảnh làm câu đó
M:
?
b) Nêu một câu đố (hoặc dùng ca dao, thơ, văn làm câu đố)
M:
Ai mặc áo trắng
Có chữ thập xinh
Chăm sóc chúng mình
Để mau khỏi bệnh?
c) Dùng động tác làm câu đố
M:
Các tổ hoặc nhóm lần lượt cử người tham gia thi đố vui.
Câu chuyện chiếc đồng hồ
Năm 1954, các cán bộ đang dự hội nghị thì có lệnh của cấp trên rút bớt một số người sang học lớp tiếp quản Thủ đô. Ai nấy đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nay được dịp trở về công tác, nhiều người đề nghị cấp trên quan tâm, cho được toại nguyện.
Giữa lúc đó, Bác Hồ đến thăm hội nghị. Khi tiếng vỗ tay đã ngót, Bác hiển từ nhìn khắp hội trưởng và nói chuyện về tinh hình thời sự. Nói đến nhiệm vụ trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi: – Các cô chú có trông thấy cái gì đây không?
Mọi người đồng thanh:
– Cái đồng hồ ạ.
– Thế trên mặt đồng hồ có những chữ gì?
– Có những chữ số ạ.
– Cái kim ngắn, kim dài để làm gì?
– Để chỉ giờ, chỉ phút ạ.
– Cái máy bên trong dùng để làm gì?
– Để điều khiển cái kim chạy ạ.
Bác mỉm cười, hỏi tiếp:
– Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?
Mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:
– Trong cái đồng hồ, bỏ đi một bộ phận có được không?
– Thưa Bác, không được ạ.
Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ chiếc đồng hồ lên cao và kết luận:
– Các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các nhiệm vụ cách mạng. Đô là nhiệm vụ thì đều quan trọng. Các cô chú thử nghĩ xem: Trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ,... thì còn là cái đồng hồ được không?
Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những thắc mắc riêng tư.
Theo sách Bác Hồ kính yêu
Đọc hiểu
Câu chuyện diễn ra trong hoàn cảnh nào?
Vì sao nhiều cán bộ đang dự hội nghị muốn chuyển sang lớp học tiếp quản Thủ đô?
Bác Hồ đã làm cách nào để giúp mọi người “tự đánh tan được những thắc mắc riêng tư”?
Em thích nhất câu nói nào cảu Bác Hồ trong bài đọc?
Từ câu chuyện trên, em có suy nghĩ gì về giá trị của các nghề nghiệp trong xã hội?
Tìm đọc thêm ở nhà:
- 2 câu chuyện (hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về nghề nghiệp.
- 1 bài văn (hoặc bài báo) miêu tả hoặc cung cấp thông tin về nội dung trên.
Viết vào phiếu đọc sách:
Tên bài đọc, tác giả bài đọc và tình cảm, cảm xúc của em về bài đọc (hoặc sự việc, nhân vật, hình ảnh, cầu văn, câu thơ trong bài đọc).
Chuẩn bị nội dung để giới thiệu bài em đã đọc cho các bạn trong lớp.
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Đầu năm học mới, chúng em được học bài thơ Khi bé Hoa ra đời của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Ngay từ đầu, lời thơ dịu dàng, âu yếm đã cuốn hút em. Em yêu những cánh cô nhẹ nhàng bay vào giấc ngủ, đậu trên vành nôi của em bé theo lời ru của mẹ. Em yêu đôi bàn tay của mẹ đan len thành áo, lấy bông làm tấm gối êm. Thật thú vị khi thấy những cánh bướm và trái cây chín hồng in trên gối, trên chắn, trên áo quần của bé như cũng từ bên ngoài bay vào với bé. Con búp bê bỗng trở thành một người bạn cầm quà đến chơi. Ông trăng trên trời, đám mây, ngọn gió ghé vào thăm, thì thầm kể cho bé biết bao điều mới lạ. Bài thơ không có câu nào tả em bé nhưng vẫn hiện lên hình ảnh em nằm trong nôi, như chiếc búp trên cành, nhận được biết bao tình yêu mến. Đọc bài thơ, em thấy yêu thêm em bé của mình ở nhà và hiểu thêm về tình thương yêu mà cha mẹ đã dành cho mỗi đứa con.
LÊ MINH THẢO
Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của người viết về điều gì?
Những câu văn nào thể hiện các nội dung sau:
a) Giới thiệu bài thơ.
b) Nêu tình cảm, cảm xúc về những chi tiết, hình ảnh trong bài thơ.
c) Củng cố, nâng cao chủ đề của đoạn văn bằng cách liên hệ với thực tế
Trao đổi với bạn về tình cảm, cảm xúc của em trước một sự việc (hoặc câu chuyện, bài thơ), chuẩn bị cho Bài viết 2.
Gợi ý:
– Có thể sự việc đó em đã được đọc trên báo, được nghe kể hoặc được chứng kiến, tham gia.
– Có thể bài thơ (câu chuyện) đó em đã được học, được đọc trong sách báo hoặc được nghe.
– Em cần cho biết sự việc (hoặc bài thơ, câu chuyện) đó đem lại cho em những tình cảm, cảm xúc gì và những chi tiết (từ ngữ, hình ảnh) nào đem lại cho em những tình cảm, cảm xúc ấy.
Trình bày ý kiến của em về 1 trong 2 nội dung sau:
Nói về một nghề mà em biết.
Em thích nghề nào? Vì sao?
Tiếng chổi tre
Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác
Hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác....
Những đêm đông
Khi con dông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác...
Sáng mai ra
Gánh hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường rực nở
Hương bay xa
Thơm ngát
Đường ta
Nhớ nghe hoa
Người quét rác
Đêm qua.
Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe!
TỐ HỮU
Đọc hiểu
Tìm những từ ngữ, hình ảnh nói lên sự cần cù của chị lao công.
Em có cảm nghĩ gì về hình ảnh “Chị lao công / Như sắt / Như đồng”.
Tác giả muốn nói gì qua lời dặn dò: 'Nhớ nghe hoa / Người quét rác / Đêm qua'
Em hiểu khổ thơ cuối như thế nào?
Theo em, các từ điển duới đây cho biết những thông tin gì?
Chọn từ điển thích hợp để thực hiện một trong các yêu cầu dưới đây:
a) Tìm các từ đồng nghĩa với thơm ngát.
b) Tìm và giải thích nghĩa của câu tục ngữ Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
c) Tìm hiểu và giới thiệu về nhân vật mà một trường học hoặc đường phố ở địa phương em mang tên.
Tìm ý và sắp xếp ý cho đoạn văn viết theo 1 trong 2 đề sau:
Nêu tình cảm, cảm xúc của em về một câu chuyện hoặc bài thơ đã học ở Bài 6 (Câu chuyện chiếc đồng hồ, trang 77; Tiếng chổi tre, trang 80 – 81).
Gợi ý:
– Nêu tên câu chuyện (hoặc bài thơ) và ấn tượng chung của em về câu chuyện (bài thơ) đó.
– Nêu tình cảm, cảm xúc của em về một số chi tiết, hình ảnh nổi bật.
– Nêu ý nghĩa của câu chuyện (bài thơ), liên hệ thực tế.
Nêu tình cảm, cảm xúc của em về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (hoặc cô chú lao công, cô thủ thư,..) ở trường em.
Gợi ý:
– Nêu sự việc và ấn tượng chung của em về sự việc.
– Nêu tình cảm, cảm xúc của em về một số chi tiết nổi bật.
– Nêu ý nghĩa của sự việc, tình cảm của em đối với nhân vật.
Hoàng tử học nghề
Vua nước Ba Tư kén vợ cho hoàng tử. Thật kì lạ, hoàng tử chỉ muốn lấy con gái một người chăn cừu. Nhà vua khuyên mãi không được, đành cử sứ giả đến tìm cô gái.
Cô gái hỏi:
– Hoàng tử làm nghề gì?
Sứ giả ngạc nhiên:
– Hoàng tử là con vua, chàng không phải làm gì cả.
Cô gái bảo:
– Chàng phải học một nghề gì đó mới được!
Nghe sứ giả trở về tâu lại, nhà vua hỏi hoàng tử:
– Cô gái ấy muốn con học một nghề nào đó. Con còn muốn lấy cô ta nữa hay thôi?
Hoàng tử thưa:
– Con sẽ học nghề dệt thảm rơm.
Nhà vua đành mời một thợ giỏi đến dạy chàng. Chỉ sau vài ba ngày, hoàng tử đã dệt được những tấm thảm rơm rất đẹp. Sứ giả bên trở lại nhà cô gái, đưa cho cô xem những tấm thảm ấy. Thế là cô gái đồng ý. Nàng trở thành vợ hoàng tử.
Một hôm, hoàng tử đi chơi xa. Chàng rẽ vào một quán ăn, không ngờ đầy là sào huyệt của bọn cướp. Chúng nhốt hoàng tử vào một phòng giam, đòi tiền chuộc. Hoàng tử bảo:
– Tôi là thợ dệt thảm rơm. Tôi sống một mình nên không ai đem tiền chuộc đến được đâu. Nhưng hôm qua, nhà vua vừa cho người đến đặt tôi làm một tấm thảm lớn. Nếu mang thảm đến đó bán thì sẽ được một món tiền to.
Thế là bọn cướp mang rơm cho chàng dệt, rồi đem thảm đến cung vua. Nhà vua đua tấm thảm cho vợ hoàng tử. Nàng chăm chú ngắm nhìn từng nét hoa văn trên thảm. Hoá ra, đó là một bức một thư, chỉ chỗ bọn cướp giam giữ hoàng tử. Nhà vua liền cho quân đến cứu chàng. Gặp lại vợ, hoàng tử cảm động cầm tay nàng, bảo:
– Cảm ơn nàng. Nhờ có nàng mà ta thoát chết.
Truyện dân gian Ba Tư
Đọc hiểu
Câu chuyện trên gồm mấy đoạn? Tóm tắt nội dung mỗi đoạn.
Vì sao sứ giả ngạc nhiên khi cô gái hỏi hoàng tử làm nghề gì?
Khi sa vào ổ cướp, hoàng tử đã làm cách nào để thoát nạn?
Vì sao hoàng tử nói với vợ : “Nhờ có nàng mà ta thoát chết.”?
Câu chuyện trên đem lại bài học gì cho mỗi người?
Dựa vào dàn ý đã lập ở tiết học trước, viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của em trước một sự việc hoặc một câu chuyện, bài thơ.
Gợi ý:
- Dựa vào các ý đã nêu ở tiết học trước để viết nhưng có thể bổ sung một số ý hoặc thay đổi cách sắp xếp ý cho phù hợp hơn.
- Câu mở đoạn cần nêu được ý khái quát, các câu tiếp theo phát triển ý của câu mở đoạn. Chú ý sắp xếp các câu theo trình tự hợp lí.
- Thể hiện tình cảm, cảm xúc, ấn tượng sâu sắc của em về sự việc hoặc câu chuyện, bài thơ.
- Viết xong, đọc lại, sửa các lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả,...
Giới thiệu một tác phẩm (câu chuyện hoặc bài thơ, bài văn, bài báo, vở kịch) về nghề nghiệp mà em đã đọc.
Gợi ý
– Lớn lên em làm gì? (Giơ-gin-na Xi-ga-ra, Bơ-na-đét Kiu-xét)
– Em muốn trở thành bác sĩ (Pe-gơ-sót)
– Bạn hợp với nghề gì nhỉ? (Oang Xi-ao-xi-ao)
Trao đổi về nội dung tác phẩm được giới thiệu.
a) Em thích nhân vật (hoặc chi tiết, hình ảnh) nào trong tác phẩm đó? Vì sao?
b) Nêu cảm nghĩ của em về tác phẩm đó.
Tìm việc
Một người đàn ông đúng tuổi đến xin việc ở công ti nọ. Sau khi phỏng vấn, vị giám đốc bảo ông:
– Hãy cho tôi địa chỉ thư điện tử của anh để công ti gửi cho anh các thông tin cần thiết.
Người đàn ông thú thật là ông không có máy vi tính và cũng không dùng thư điện tử.
– Rất tiếc, một công ti lớn như chúng tôi chỉ giao dịch với nhân viên qua thư điện tử, nên không thể tuyển dụng anh được. Rất tiếc...
Người đàn ông đi lang thang trong thành phố, rồi tình cờ đến một của hàng rau quả. Khi nhìn lên bảng giá, ông bất ngờ thấy giá cà chua ở đây cao gần gấp đôi giá ở ngoại thành, nơi ông đang sống. Hôm sau, ông đem toàn bộ số tiền mình có mua cà chua và mang vào trung tâm thành phố bày bán. Chưa đầy hai tiếng, ông đã bán hết tất cả cả chua và kiếm được gần gấp đôi số vốn bỏ ra.
Từ hôm đó, ông bắt đầu kinh doanh cà chua. Ngày ngày, ông dậy từ lúc trời chưa sáng để đi lấy hàng rồi chở đến bán tại một khu trung tâm đông đúc nào đó. Sang tuần lễ thứ hai, ông mua được chiếc xe kéo để vận chuyển hàng. Một thời gian sau, ông mua được chiếc xe tải nhỏ. Hai người con trai phụ ông buôn bản, vợ ông phụ mua cà chua, còn cô con gái đi học thêm lớp kế toán để làm sổ sách giúp ông.
Thời gian dần trôi qua. Cuối năm thứ năm, ông đã có một công ti nhỏ chuyên chế biến và kinh doanh cà chua. Công ti của ông đã tạo việc làm cho hàng chục người.
Theo THANH GIANG
Đọc hiểu
Vì sao người đàn ông không được nhận vào làm việc ở công ti nọ?
Người đàn ông đã chủ động tìm công việc phù hợp với mình như thế nào?
Sáng kiến của ông đem lại lợi ích gì cho gia đình và những người khác?
Theo em, 'xin việc' và 'tìm việc' khác nhau như thế nào?
Từ điển có thể xuất bản dưới dạng sách in và tài liệu trên mạng in-tơ-nét. Hãy tìm hiểu trên mạng in-tơ-nét về một kiến thức em cần biết.
M: Gõ từ khóa Vàm Cỏ Đông
Tra cứu nhanh một trong những kiến thức sau trong từ điển (sách in hoặc tài liệu trên mạng in-tơ-nét):
a) Một nhân vật nổi tiếng (có thể là nhân vật mà trường em mang tên).
b) Một cảnh đẹp nổi tiếng (ở nước ta hoặc một nước khác).
Mỗi tổ thực hiện một trong những nội dung sau:
a) Tổ chức bàn trưng bày (hoặc góc trưng bày) tranh, ảnh đã sưu tầm hoặc tự vẽ về các nghề nghiệp (ở tiết Trao đổi - Câu chuyện nghề nghiệp, trang 80).
b) Giới thiệu về một số nghề nghiệp thông qua các trò chơi, đố vui, đọc thơ, diễn kịch,...
Bình chọn những sản phẩm, hoạt động hay.
Cô giáo em
Mỗi năm em lên một lớp và được học một cô hoặc thầy giáo mới. Riêng hai năm cuối cấp, em được học cô Hằng.
Cô có dáng người thanh thanh, nước da trắng hồng. Mái tóc cô đen mượt, ống ả, buông xuống ngang lưng. Đôi mắt cô mở to dưới cặp lông mày thanh, mịn. Đôi mắt ấy mỗi lần nhìn chúng em vừa bao dung vừa trìu mến.
Cô giảng bài rành rọt, hấp dẫn. Giọng cô nhỏ nhẹ, nét mặt vui tươi.
Giờ Tiếng Việt, cô dạy chúng em biết bao bài thơ, bài văn hay. Cô luyện cho chúng em thói quen lập dàn ý, gọi cho chúng em tìm những từ đồng nghĩa để diễn đạt được sinh động. Giờ Toán, cô hướng dẫn chúng em bao cách giải hay, sáng tạo. Khi chấm bài, cô sửa cho chúng em từng lỗi nhỏ. Cứ thế, cô kiến trì dìu dắt chúng em từng bước cho đến hết năm học.
Suốt hai năm học, em chưa thấy cô nặng lời với một học sinh nào mà lớp em vẫn trật tự, kỉ luật tốt. Thỉnh thoảng, cô còn kể cho chúng em nghe nhiều câu chuyện lí thú, gợi cho mọi người ý thức đoàn kết, cùng nhau làm việc tốt, tránh điều xấu.
Đối với em, cô Hằng là người mẹ thứ hai. Mai đây khôn lớn, dù đi bất cứ nơi đâu, làm việc gì, em vẫn nhớ mái trường quen thuộc của thời thơ ấu. Ở đó có cô giáo Hằng thân yêu và bao thầy cô khác đã dìu dắt em nên người.
Theo TRẦN LƯU PHƯƠNG
* Câu hỏi và bài tập
Đặc điểm ngoại hình nào nói lên tính cách của cô giáo Hằng? Tìm ý đúng.
a) Cô có dáng người thanh thanh, nước da trắng hồng.
b) Mái tóc cô đen mượt, óng ả, buông xuống ngang lưng.
c) Đôi mắt cô mở to dưới cặp lông mày thanh, mịn.
d) Đôi mắt ấy mỗi lần nhìn chúng em vừa bao dung vừa trìu mến.
Tác giả muốn nói lên điều gì về cô giáo qua các hoạt động của cô được tả trong bài văn? Tìm các ý đúng.
a) Cô có cách dạy, cách giáo dục rất hay.
b) Cô thường kể chuyện cho học sinh.
c) Giọng cô nhỏ nhẹ, nét mặt vui tươi.
d) Cô rất thương yêu học sinh.
Bài văn áp dụng cách mở bài và kết bài nào? Tìm ý đúng nhất:
a) Mở bài trực tiếp, kết bài không mở rộng.
b) Mở bài gián tiếp, kết bài không mở rộng.
c) Mở bài gián tiếp, kết bài mở rộng.
d) Mở bài trực tiếp, kết bài mở rộng.
Tìm và chép lại 4 từ ngữ trong bài đọc chỉ hoạt động của các thầy, cô trên lớp.
Viết một đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của em khi đọc bài văn Cô giáo em
Em đạt yêu cầu ở mức nào?
Em cần cố gắng thêm về mặt nào?