Giải Kinh tế pháp luật 11 Bài 3 (Kết nối tri thức): Lạm phát

Sinx.edu.vn xin giới thiệu giải bài tập Kinh tế pháp luật lớp 11 Bài 3: Lạm phát sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh so sánh và làm bài tập Kinh tế pháp luật 11 Bài 3 dễ dàng. Mời các bạn đón xem:

1 86 lượt xem


 

Nội dung bài viết

 

Câu hỏi trang 16 KTPL 11: Em hãy chia sẻ hiểu biết của mình về vấn đề kinh tế đang diễn ra trong trường hợp dưới đây:

Ngày cuối tuần, H được cùng bố đi chợ. Khác với mọi lần, H thấy bố rất băn khoăn, cân nhắc khi mua sắm vì giá hàng hóa nào cũng tăng cao. H còn được nghe cô bán hàng tạp hoá nói với bố: 'Giá cả tăng, khách mua hàng ít hơn nên kinh doanh cũng gặp khó khăn, bác ạ!”.

Lời giải:

- Vấn đề kinh tế diễn ra trong trường hợp trên là: lạm phát.

- Lạm phát được hiểu là sự tăng mức giá chung của các hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế một cách liên tục trong một thời gian nhất định.

- Lạm phát gây ra những hậu quả tiêu cực đến hoạt động của nền kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội.

Câu hỏi 1 trang 16 KTPL 11: Em có nhận xét gì về sự biến động chỉ số giá tiêu dùng các năm trong giai đoạn 2016 - 2021?

Thông tin. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, lạm phát ở Việt Nam được kiểm soát ở mức thấp là 1,84%. Trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giá cước vận chuyển liên tục tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước.

(Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2021, NXB Thống kê, 2022)

Lời giải:

- Nhận xét: trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam có nhiều biến động. Cụ thể:

+ 2016 - 2018, chỉ số CPI có xu hướng tăng, từ 2,66% (năm 2016), tăng lên mức 3,54% (năm 2018).

+ 2018 - 2021, chỉ số CPI có xu hướng giảm, từ mức 3,54% (năm 2018), giảm xuống còn 1,84% (năm 2021).

Câu hỏi 2 trang 16 KTPL 11: Chỉ số 1,84% phản ánh điều gì?

Lời giải:

- Chỉ số 1,84% cho thấy: mặc dù bối cảnh lạm phát toàn cầu ngày càng tăng nhưng lạm phát ở Việt Nam trong năm 2021 được kiểm soát ở mức thấp.

Thông tin 1. Cuối năm 2010, lạm phát hai con số kéo dài 13 tháng đến tháng 10 năm 2011 khiến CPI tăng 11,75% năm 2010 và 18,13% năm 2011. Trước tình hình đó, Chính phủ và các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp kiềm chế và kiểm soát lạm phát nên chỉ số giá tiêu dùng đã giảm xuống mức một con số (6,81% năm 2012; 6,04% năm 2013;...). Đẩy lùi lạm phát cao trong những năm qua là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đưa kinh tế vĩ mô Việt Nam đi dần vào thế ổn định.

Thông tin 2. Năm 1985, chỉ số CPI tăng đến 92%, năm 1986 lên tới 775%, nền kinh tế bước vào thời kì lạm phát dữ dội với tỉ lệ tăng 3 con số kéo dài trong 2 năm tiếp theo. Phân phối lưu thông trong tình trạng rối ren, diễn biến theo chiều hướng xấu. Giá cả tiếp tục biến động phức tạp. Đồng tiền mất giá nhanh, tâm lí người tiêu dùng không muốn giữ tiền mặt, tìm cách mua hàng dự trữ để bảo đảm, làm tăng thêm tình trạng căng thẳng về hàng hóa vốn đã thiếu so với nhu cầu.

Lời giải:

- Nhận xét:

+ Năm 1986, ở Việt Nam, chỉ số tiêu dùng (CPI) ở mức rất cao, đạt 775%. Mức tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ như vậy, được xếp vào loại hình lạm phát phi mã.

+ Trong những năm 2010 - 2011, chỉ số CPI liên tục ở mức cao (năm 2010 đạt 11,75%; năm 2011 đạt 18,13%). Mức tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ như vậy được xếp vào loại hình lạm phát phi mã.

+ Trong những năm 2012 - 2013, nhờ những giải pháp kiềm chế và kiểm soát lạm phát của nhà nước, nên chỉ số CPI đã giảm xuống ở mức một con số (đạt 6,81% năm 2012 và 6,04% năm 2013). Mức tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ như vậy, được xếp vào loại hình lạm phát vừa phải.

Câu hỏi 2 trang 18 KTPL 11: Ở mỗi mức độ đó, lạm phát tác động đến kinh tế - xã hội nước ta như thế nào?

Lời giải:

- Mức lạm phát phi mã (trong các năm 1986, 2010 - 2011) gây bất ổn nghiêm trọng cho nền kinh tế. Lúc này, đồng tiền bị mất giá một cách nhanh chóng; lãi suất thực tế giảm.

- Lạm phát ở mức vừa phải (năm 2012 - 2013), giá cả hàng hóa thay đổi chậm, khiến nền kinh tế phát triển tương đối ổn định; đời sống của người dân bớt khó khăn.

Câu hỏi 1 trang 19 KTPL 11: Theo em, vì sao giá thực phẩm, giá năng lượng tăng là nguyên nhân khiến lạm phát năm 2021 tăng?

Thông tin. Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân năm 2021 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

- Giá xăng dầu trong nước tăng 31,74% so với năm trước, giá gas tăng 25,89%.

- Giá gạo tăng 5,79% so với năm trước.

- Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,03% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng.

Lời giải:

- Giải thích:

+ Năng lượng (xăng dầu, ga), thực phẩm và vật liệu,… là những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất.

+ Khi các yếu tố đầu vào tăng giá, thì chi phí sản xuất sẽ tăng cao, từ đó đẩy giá cả của nhiều sản phẩm, hàng hóa trên thị trường tăng => dẫn đến tình trạng lạm phát.

Câu hỏi 2 trang 19 KTPL 11: Thông tin 2 - mục các loại hình lạm phát - cho biết nguyên nhân nào dẫn đến lạm phát tăng cao ở nước ta giai đoạn 1985 - 1987?

Lời giải:

- Nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng cao ở nước ta giai đoạn 1985 - 1987 là do: đồng tiền mất giá quá nhanh, khiến tâm lí người tiêu dùng bất an; lúc này, người tiêu dùng không muốn giữ tiền mặt mà tìm cách mua hàng hóa để dự trữ, dẫn đến tình trạng cầu lớn hơn cung => từ đó, đẩy giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao.

Câu hỏi 1 trang 19 KTPL 11: Em hãy chỉ ra hậu quả do lạm phát tăng cao gây ra trong thông tin trên.

Thông tin. Tháng 10 năm 2022, lạm phát các nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng mức kỉ lục 10,7%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, mùa đông năm nay hơn một nửa quốc gia trong khu vực này sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế.

Lời giải:

- Hậu quả:

+ Lạm phát ở mức 10.7% có thể khiến hơn một nửa quốc gia trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế;

+ Mặt khác, khi giá cả hàng hóa tăng cao, chi phí sinh hoạt đắt đó sẽ khiến cho mức sống của người dân châu Âu bị giảm sút.

Câu hỏi 2 trang 19 KTPL 11: Theo em, lạm phát tăng do giá lương thực và năng lượng tăng có ảnh hưởng thế nào đến đời sống và các hoạt động kinh tế - xã hội?

Lời giải:

- Lương thực và năng lượng là những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Khi giá cả của yếu tố đầu vào tăng sẽ khiến cho chi phí sản xuất tăng, đẩy giá thành sản phẩm lên cao hơn.

- Khi giá thành sản phẩm cao, nhu cầu tiêu dùng của người dân hạn chế lại, từ đó tác động trực tiếp đến việc giảm quy mô đầu tư của các doanh nghiệp, làm cho kinh tế suy thoái, tình trạng thất nghiệp gia tăng.

- Mặt khác, cũng bởi giá cả hàng hóa không ngừng tăng, nên dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tạo nên sự khan hiếm, thị trường nhiễu loạn.

Câu hỏi 3 trang 19 KTPL 11: Em hãy kể những hậu quả khác mà lạm phát có thể gây ra đối với nền kinh tế và xã hội

Lời giải:

Một số hậu quả mà lạm phát có thể gây ra:

- Đối với nền kinh tế:

+ Làm tăng chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm lên cao.

+ Tác động trực tiếp đến quyết định giảm quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp làm cho kinh tế suy thoái.

+ Dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa khiến thị trường nhiễu loạn.

- Đối với đời sống xã hội:

+ Giá cả hàng hóa cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ làm cho mức sống của người dân trong xã hội giảm sút, các nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ bị tiết chế, giảm thiểu lại.

+ Do quy mô sản xuất bị thu hẹp, nên nhiều người mất việc làm, không có thu nhập, đời sống bấp bênh, gặp nhiều khó khăn.

+ Lạm phát tăng cao, kéo dài có thể gây ra khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội,....

Thông tin 1. Điều 3 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định một số nội dung liên quan đến lạm phát như sau:

“2. Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. [...]

4. Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm. Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ”

Lời giải:

- Trong việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát, vai trò của Nhà nước được thể hiện thông qua việc:

+ Luôn theo dõi biến động giá cả trên thị trường, duy trì tỉ lệ lạm phát ở mức cho phép.

+ Đưa ra chính sách, biện pháp và sử dụng các công cụ điều tiết để kiềm chế, đẩy lùi lạm phát.

Câu hỏi 2 trang 20 KTPL 11: Nhà nước đã có vai trò như thế nào trong việc kiềm chế lạm phát giai đoạn 2016 - 2020?

Thông tin 2. Công tác điều hành kiểm soát lạm phát những năm gần đây đạt được kết quả quan trọng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành trong việc xây dựng và thực hiện các kịch bản điều hành giá những mặt hàng quan trọng, thiết yếu như dịch vụ y tế, xăng, dầu, điện,... phù hợp trong từng giai đoạn. Nhờ vậy, giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn thành công trong việc kiểm soát lạm phát

Lời giải:

- Trong những năm 2016 - 2020, để kiềm chế lạm phát, nhà nước đã: xây dựng và thực hiện các kịch bản điều hành giá những mặt hàng quan trọng, thiết yếu như dịch vụ y tế, xăng, dầu, điện,... phù hợp trong từng giai đoạn.

Luyện tập 1 trang 21 KTPL 11: Em tán thành hay không tán thành với các ý kiến sau? Vì sao?

a. Giá cả một vài hàng hóa tăng chứng tỏ nền kinh tế đang lạm phát.

b. Trong thời kì lạm phát tăng cao, người gửi tiền tiết kiệm sẽ bị thiệt.

c. Lạm phát là biểu hiện đồng tiền của quốc gia bị mất giá.

d. Lạm phát luôn ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Lời giải:

- Ý kiến a. Không đồng tình, vì: lạm phát là sự tăng mức giá chung của các loại hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế một cách liên tục trong một thời gian nhất định. Nếu chỉ có một vài hàng hóa tăng, các mặt hàng khác vẫn giữ nguyên giá cả thì chưa thể kết luận nền kinh tế đang trong tình trạng lạm phát.

Ý kiến b. Đồng tình, vì:

+ Lạm phát và lãi suất huy động thường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thông thường, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng sẽ cao hơn so với mức lạm phát một chút để đảm bảo giá trị tiết kiệm cho khách hàng.

+ Trường hợp lạm phát tăng cao và quá nhanh, đồng tiền bị mất giá, trong khi lãi suất huy động không có sự điều chỉnh, thì những người gửi tiết kiệm sẽ chịu thiệt thòi.

- Ý kiến c. Đồng tình, vì: ở mỗi quốc gia, trong điều kiện bình thường: một đơn vị tiền sẽ mua được một đơn vị hàng hóa, dịch vụ tương ứng. Tuy nhiên, khi lạm phát xảy ra, với một đơn vị tiền đó, người tiêu dùng chỉ mua được một lượng hàng hóa/ dịch vụ ít hơn so với trước đây.

- Ý kiến d. Không đồng tình, vì: lạm phát chỉ gây ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế khi ở mức lạm phát phi mã và siêu lạm phát. Lạm phát ở mức độ vừa phải sẽ kích thích sản xuất kinh doanh phát triển.

Luyện tập 2 trang 21 KTPL 11: Em hãy cho biết những biến động sau đây có thể làm cho lạm phát tăng hay không. Vì sao?

a. Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh.

b. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều nguyên, nhiên liệu nhập khẩu trong khi giá của chúng đang tăng cao.

c. Giá xăng tăng cao.

Lời giải:

- Trường hợp a. Có thể gây ra lạm phát. Vì:

+ Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ hàng hóa (của thị trường nước ngoài) tăng lên. Từ đó, dẫn đến việc tổng cầu (của cả thị trường trong và ngoài nước) tăng.

+ Nếu tổng cầu tăng, nhưng tổng cung không thay đổi (các doanh nghiệp không mở rộng sản xuất) sẽ dẫn đến tình trạng hàng hóa khan hiếm => đẩy giá sản phẩm lên cao => gây lạm phát.

- Trường hợp b và c. Có thể gây ra lạm phát, vì:

+ Nguyên liệu, nhiên liệu và xăng (năng lượng) là những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất.

+ Việc tăng giá các yếu tố đầu vào của sản xuất, khiến chi phí sản xuất tăng cao, từ đó làm cho giá cả của nhiều loại hàng hóa trên thị trường tăng => gây lạm phát.

Luyện tập 3 trang 21 KTPL 11: Em hãy thể hiện thái độ của mình đối với hành vi của chủ thể ở các trường hợp dưới đây trong việc chấp hành chủ trương, chính sách nhà nước về lạm phát.

a. Ngân hàng Y muốn duy trì mức lãi suất huy động vốn thấp trong khi Chính phủ đang chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

b. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, Uỷ ban nhân dân huyện C phát động phong trào tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu công của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước.

c. Giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao, thành phố H tăng cường kiểm soát giá và sử dụng hiệu quả mạng lưới phân phối của các siêu thị để bình ổn giá.

Lời giải:

- Trường hợp a. Không đồng tình với hành vi của ngân hàng Y, vì:

+ Việc Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ (tăng lãi suất huy động, giảm mức cung tiền,…) là một biện pháp tích cực góp phần kiềm chế và đẩy lùi lạm phát; đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân và hộ dân gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

+ Việc ngân hàng Y mong muốn duy trì mức lãi suất huy động vốn thấp sẽ gây cản trở cho chính sách phát triển kinh tế chung của nhà nước; đồng thời, gây thiệt hại cho các khách hàng của ngân hàng Y.

- Trường hợp b. Đồng tình với hành động của Uỷ ban nhân dân huyện C. Vì: cắt giảm chi tiêu công cũng là một biện pháp tích cực, góp phần kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.

- Trường hợp c. Đồng tình với hành động của thành phố H. Việc tăng cường kiểm soát giá cả và mạng lưới phân phối sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, từ đó góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.

Vận dụng trang 21 KTPL 11: Em hãy viết bài chia sẻ cách chi tiêu hợp lí khi lạm phát tăng cao.

Lời giải:

(*) Gợi ý: Một số cách chi tiêu hợp lí khi lạm phát tăng cao:

- Sử dụng tiết kiệm năng lượng (xăng dầu, điện, gas,…)

- Chỉ mua những hàng hóa thiết yếu, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả.

- Theo dõi sát sao các khoản chi tiêu nhằm tăng tính kỉ luật và cân đối tài chính.

- Chuyển sang sử dụng những mặt hàng thay thế có giá trị chất lượng gần tương đương nhưng giá thành rẻ hơn (ví dụ: chuyển từ việc sử dụng đồ nhập khẩu sang các thương hiệu uy tín trong nước,…).

- Tái sử dụng các đồ dùng cũ (với những món đồ không quá thiết yếu, ví dụ: đồ chơi, quần áo,…).

- Tránh giữ nhiều tiền mặt mà nên lựa chọn kênh đầu tư phù hợp với tình hình (ví dụ: bất động sản, vàng,…).

- Không thực hiện hành vi đầu cơ, tích trữ hàng hóa.

- …


1 86 lượt xem