Nội dung chính Nắng mới – sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng (chuẩn nhất 2024) – Ngữ văn 8 kết nối tri thức

Nội dung chính Nắng mới – sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng Ngữ văn lớp 8 sách Kết nối tri thức chính xác nhất giúp học sinh nắm được trọng tâm văn bản Nắng mới – sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng để học tốt môn Ngữ văn 8.

1 98 lượt xem


Nội dung chính Nắng mới – sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng - Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức

Nội dung chính Nắng mới – sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng

Bài thơ là những dòng hồi tưởng về mẹ được tác giả mô tả đầy tình cảm, tươi vui và đẹp đẽ. Những hình ảnh như nắng mới cất tiếng reo vui, gà trưa gáy, áo đỏ mẹ đưa trước giậu phơi... đều đem lại cho người đọc những cảm xúc ấm áp và nhớ nhung. Điều này càng thể hiện tình yêu mẹ vô bờ bến của tác giả, cho thấy rằng tình mẫu tử là một giá trị vô giá trong cuộc sống.

loading...

Bố cục Nắng mới – sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng

+ Phần 1: Từ đầu đến “tràn lan trên mặt giấy”: Giới thiệu vấn đề, nêu ý kiến khái quát.

+ Phần 2: Tiếp theo đến “tách rời hình ảnh người mẹ”: Làm rõ những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Nắng mới”.

+ Phần 3: Phần còn lại: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

Ý nghĩa nhan đề Nắng mới – sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng

Hai chữ 'nắng mới' vừa ghi nhận một thời điểm đặc biệt trên dòng chảy thời gian vừa diễn tả không gian.

Tóm tắt Nắng mới – sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng

Trong tiếng gà trưa xao xác, những kỷ niệm xưa bỗng nhiên ùa về, đong đầy trong nỗi nhớ của tác giả. “Nắng mới” tựa như sợi dây kết nối, một nhịp cầu gắn kết quá khứ ngày xưa . Trong con mắt của tác giả, nắng không chỉ là ánh nắng mặt trời quan thuộc. Nắng ở đây còn đại diện cho sức mạnh ánh sáng, soi rọi vào trong tiềm thức của nhà thơ. Nó gọi về biết bao những kỷ niệm của một thời tươi đẹp ngày xưa. Đi cùng với ánh nắng ấy là âm thanh gà trưa rất đỗi quen thuộc nhưng cũng lạ lùng không kém, tiếng gà trưa “xao xác”. Kỷ niệm ngày xưa ùa về, lung linh trong màu nắng mới. Thiên nhiên dường như đang đánh thức trong tác giả cả một thời quá khứ tưởng như đã phai nhòa.

Đọc tác phẩm Nắng mới – sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã bộc lộ thành thực một tâm trạng: “… Dầu có ưa thơ người này người khác, mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng tư. Có những bài thơ cứ vương vấn trong trí tôi hàng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”.

Khi viết những dòng ấy, chắc hẳn nhà phê bình có nghĩ đến bài Nắng mới.

Trong cuộc đời mỗi con người, ai mà chẳng có tình cảm mẹ con. Bao kỉ niệm tươi vui và đau buồn của tình cảm ấy không ít khi làm cho ta thổn thức. Nắng mới đã rọi vào cái tình cảm muôn thuở mà bảo giờ cũng mới mẻ ấy. Bài thơ có chất mộng của hoài niệm, của tâm trạng “chập chờn sống lại” nhưng rất thành thực, thành thực đến mức kì lạ. Nắng mới đã hội tụ được những vẻ đẹp nơi tâm hồn thơ Lưu Trọng Lư: thành thực phiêu lưu trong cõi mộng, cứ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy.

Bài thơ được cấu tứ theo một mô–típ khá “cổ điển”: từ một điểm gợi hứng ở hiện lại nhớ về dĩ vãng xa xưa. Kể cũng lạ: một tay tranh luận,một nhà diễn thuyết hùng hồn từng hăng hái cổ vũ cho Thơ mới như Lưu Trọng Lư mà khi sáng tác lại khá chừng mực. Người thanh niên có khi dõng dạc, to tiếng (đến hơi quá đáng) ấy lại hay mơ màng trong bao vần thơ êm ái ru ta về quá khứ xa xưa với những không gian huyền diệu.

Hai chữ ”nắng mới” vừa ghi nhận một thời điểm đặc biệt trên dòng chảy thời gian vừa diễn tả không gian. Cái nắng đầu mùa, mỗi năm chỉ có một lần, báo hiệu đã hết những tháng ngày lạnh ẩm. Thời điểm ấy, trong cuộc đời một con người, một gia đình, dễ nhớ kĩ, nhớ sâu lắm. Bởi nó gắn với sự bừng nở, sự rộng rãi, phơi phong. Nỗi nhớ nhưng của Lưu Trọng Lư cũng được gợi lên từ đó. Song có một điều lạ: nắng mới lúc này sao mà buồn, mà mung lung đến thế. Nói khác đi, ngay khi đặt bút viết Nắng mới, thi sĩ đã chập chờn sống trong cõi mộng:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song

Xao xác, gà trưa gáy não nùng

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại những ngày không.

Cái động của tiếng gà trưa xao xác chỉ thêm rõ cái tĩnh, vẻ mông lung mà thôi. Các từ láy: xao xác, não nùng, chập chờn gợi một nỗi buồn nhẹ, một tâm trạng quạnh hiu, xa vắng. “Mỗi lần” lại nhắc nhớ “mỗi lần”. Nói là “chập chờn sống lại” nhưng nhà thơ nhớ rõ lắm. Nhớ tiếng reo của nắng mới tưng bừng ngoài nội. Nhớ màu áo mẹ từng đưa phơi trước giậu:

Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Cái nắng mới của hoài niệm này nao nức. tươi vui bởi gắn với một cậu bé lên mười, với một người mẹ chăm chút, hiền dịu. Màu đỏ của chiếc áo trong tiếng nắng reo làm cho câu thơ sáng hơn, ấm nóng hơn. Có lẽ cũng nhờ màu đỏ ấy mà việc phơi áo của mẹ càng trở thành một điểm son trong nỗi nhớ về tuổi thơ.

Từ “nắng mới hắt bên song” nhớ “nắng mới reo ngoài nội”, nhớ người mẹ phơi áo trước giậu. Cứ thế, nỗi nhớ ngày một thành hình, rõ nét hơn. Dù đã có tả nhưng khổ thơ thứ hai vẫn thiên về xác định thời điểm, địa điểm. Song khổ thơ cuối, cảnh và tình mới thật quấn quyện, mới thật là “thi trung hữu họa”:

Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra:

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

Dáng vào ra của người mẹ như đang hiện lên rõ rệt trong tâm tưởng nhà thơ. Chi tiết gây ấn tượng nhất trong Nắng mới là “nét cười đen nhánh” của người mẹ. Không phải “miệng” cười hay “nụ” cười mà là “nét”. Lại “đen nhánh”! Hình ảnh thơ bỗng sắc, bỗng lấp lánh hơn. Nét cười ấy lại thêm sáng, thêm duyên khi thấp thoáng “sau tay áo”. Chính vì thấp thoáng thế mà nó càng đáng nhớ, càng được nhớ lâu, nhớ mãi. Sau này, tâm hồn thi sĩ, ngòi bút tài hoa của Hoàng Cầm cũng khiến ta chẳng thể nào quên nụ cười của những cô gái miền quê Kinh Bắc:

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng.

(Bên kia sông Đuống – 1948).

Với Lưu Trọng Lư, khuôn mặt, nét cười đáng kính, đáng yêu của người mẹ cứ thấp thoáng trong một không gian ấy thôi: “Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa”. “Nắng mới” và “giậu thưa” qủa đã thành một thời gian – không gian nghệ thuật ám ảnh không tách rời hình ảnh người mẹ… Có thể nói mẹ là tâm điểm của nỗi nhớ về tuổi thơ trong nắng mới, là nét son giữa những ngày không khiến nó đi suốt cuộc đời với nhà thơ.

Nắng mới là một bài thơ hết sức thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng. Tác giã đã thả hồn mộng đi tận hết cõi lòng để trở về với những hồi ức thấm thía.

Ngôi buồn nhớ mẹ ta xưa…

(Ca dao)

Bài thơ có cấu tứ đơn giản với không nhiều hình ảnh nhưng hình ảnh nào cũng linh động, cũng rất có hồn. Chính vì thế, Nắng mới gợi niềm đồng vọng sâu xa ở tâm hồn nhiều bạn đọc. Nó đã chạm gợi tới một trong những tình cảm thiêng liêng, ấm cúng nhất trong mỗi con người. Nói kỉ niệm riêng nhưng chính Lưu Trọng Lư đã làm bao người đọc phải chập chờn bâng khuâng.

Đọc bài thơ này chắc ta chẳng còn thờ ơ trước mỗi năm một lần nắng mới.

Làm được như thế đã là điều vô cùng vinh dự đối với một nhà thơ.

loading...

Giá trị nội dung Nắng mới – sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng

Văn bản thể hiện tâm hồn giàu mơ mộng của nhà thơ Lưu Trọng Lư qua bài thơ Nắng mới.

Giá trị nghệ thuật Nắng mới – sự thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng

- Sử dụng hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ, dẫn chứng cụ thể.

- Ngôn ngữ xúc tích, ngắn gọn

1 98 lượt xem