30 câu Trắc nghiệm Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên (có đáp án 2024) – GDCD 8 Kết nối tri thức
Bộ 30 câu hỏi trắc nghiệm GDCD 8 (có đáp án) Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm GDCD 8 Bài 5.
Nội dung bài viết
Trắc nghiệm GDCD 8 Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
Phần 1. 15 câu trắc nghiệm GDCD 8 Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
Câu 1. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng tầm quan trọng của môi trường và tài nguyên thiên nhiên?
A. Là cơ sở để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
B. Tạo cho con người phương tiện sinh sống.
C. Là yếu tố duy nhất thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
D. Là điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại, phát triển của con người.
Đáp án đúng là: C
- Môi trường và tài nguyên thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người, là cơ sở để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo cho con người phương tiện sinh sống, phát triển trí tuệ, đạo đức, tinh thần.
- Môi trường và tài nguyên thiên nhiên không phải là nhân tố duy nhất giúp kinh tế đất nước phát triển. Sự phát triển kinh tế của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố (ví dụ: Nhật Bản là quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng vẫn là một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới).
Câu 2. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên sẽ giúp cho
A. môi trường trong lành, sạch đẹp.
B. môi trường sinh thái được cân bằng.
C. hệ sinh thái phong phú, đa dạng.
D. nguồn tài nguyên không bị cạn kiệt.
Đáp án đúng là: D
- Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên sẽ giúp cho nguồn tài nguyên thiên nhiên không bị cạn kiệt.
Câu 3. Điền cụm từ thích hợp vào chỗ trống (….) trong khái niệm sau đây: “…….. là các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người (không khí, nước, độ ẩm, sinh vật,…) ảnh hưởng trực tiếp và tác động đến các hoạt động sống của con người”.
A. Môi trường.
B. Tài nguyên thiên nhiên.
C. Biến đổi khí hậu.
D. Thời tiết.
Đáp án đúng là: A
Môi trường được hiểu là các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người (không khí, nước, độ ẩm, sinh vật,…) ảnh hưởng trực tiếp và tác động đến các hoạt động sống của con người.
Câu 4. “Những của cải có sẵn trong tự nhiên mà con người có thể khai thác, chế biến, sử dụng phục vụ cuộc sống (mỏ khoáng sản, dầu khí, động vật,…)” - đó là nội dung của khái niệm nào sau đây?
A. Môi trường sinh thái.
B. Tài nguyên thiên nhiên.
C. Tài nguyên du lịch.
D. Môi trường tự nhiên.
Đáp án đúng là: B
Tài nguyên thiên nhiên là những của cải có sẵn trong tự nhiên mà con người có thể khai thác, chế biến, sử dụng phục vụ cuộc sống (mỏ khoáng sản, dầu khí, động vật,…)
Câu 5. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm thực hiện hành vi nào dưới đây?
A. Khai thác hợp lí nguồn lợi thủy - hải sản.
B. Đổ chất thải, chất độc hại ra môi trường.
C. Khai thác hợp lí tài nguyên thiên nhiên.
D. Sử dụng các nguồn năng lượng sạch.
Đáp án đúng là: B
- Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm thực hiện hành vi đổ chất thải, chất độc hại ra môi trường làm ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Câu 6. Pháp luật Việt Nam không nghiêm cấm thực hiện hành vi nào sau đây?
A. Xả thải chất độc hại trực tiếp vào nguồn nước.
B. Khai thác trái phép các khoáng sản, cát, sỏi,…
C. Hạn chế dùng các nguồn năng lượng hóa thạch.
D. Săn bắt, buôn bán các loài động vật quý hiếm.
Đáp án đúng là: C
Việc hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên,…) là một trong những biện pháp bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
=> Pháp luật Việt Nam không nghiêm cấm thực hiện hành động này.
Câu 7. Ý kiến nào dưới đây đúng khi bàn về vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên?
A. Để bảo vệ cây trồng thì phải phun nhiều thuốc trừ sâu hóa học.
B. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là trách nhiệm riêng của nhà nước.
C. Muốn phát triển kinh tế thì phải chấp nhận môi trường bị ô nhiễm.
D. Bảo vệ môi trường, tài nguyên là vấn đề cấp bách của mỗi quốc gia.
Đáp án đúng là: D
Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là vấn đề cấp bách của mỗi quốc gia là ý kiến đúng.
Câu 8. Ý kiến nào dưới đây không đúng khi bàn về vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên?
A. Môi trường và tài nguyên có tầm quan trọng đặc biệt với đời sống con người.
B. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là trách nhiệm riêng của các cơ quan nhà nước.
C. Bảo vệ môi trường là quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân.
D. Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường và tài nguyên.
Đáp án đúng là: B
Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
Câu 9. “Đề ra các chính sách bảo vệ môi trường; quản lí, và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên” là vai trò của chủ thể nào dưới đây?
A. Nhà nước.
B. Cá nhân công dân.
C. Các tổ chức xã hội.
D. Các cơ sở giáo dục.
Đáp án đúng là: A
Nhà nước đề ra các chính sách bảo vệ môi trường; quản lí, và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu,…
Câu 10. Hành vi nào dưới đây thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên?
A. Phá rừng nguyên sinh để trồng cà phê.
B. Dùng mìn, kích điện để đánh bắt cá.
C. Sử dụng tiết kiệm điện, nước, khoáng sản,…
D. Săn bắn, buôn bán động vật quý hiếm.
Đáp án đúng là: C
Sử dụng tiết kiệm điện, nước, khoáng sản,… là hành vi thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Câu 11. Hành vi nào dưới đây đã vi phạm với quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên?
A. Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng.
B. Khai thác rừng trồng theo quy hoạch của nhà nước.
C. Sử dụng tiết kiệm điện, nước và các loại khoáng sản.
D. Tố cáo hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Đáp án đúng là: A
Khoản 3, Điều 9 trong Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: nghiêm cấm thực hiện các hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng; thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.
Câu 12. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng biện pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên?
A. Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân.
B. Chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường.
C. Sử dụng túi vải, giấy,… để gói, đựng sản phẩm thay cho túi ni-lông.
D. Dùng nhiều năng lượng hóa thạch, hạn chế dùng năng lượng tái tạo.
Đáp án đúng là: D
Một trong những biện pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên là: tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều,…); hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên,…).
Câu 13. Chủ thể nào trong tình huống dưới đây đã có ý thức bảo vệ môi trường?
Tình huống. Trên đường đi học về, H và T phát hiện một chiếc ô tô đang đổ phế thải xuống bờ mương thoát nước của xóm mình. H rủ T đi báo công an xã, nhưng T từ chối vì cho rằng: đây không phải là việc của mình. Không đồng tình với T, H đã bí mật dùng điện thoại, chụp lại hành vi vi phạm và biển số của chiếc ô tô kia, sau đó nhanh chóng báo cho lực lượng công an xã.
A. Bạn H.
B. Bạn T.
C. Cả hai bạn H và T.
D. Không có bạn học sinh nào.
Đáp án đúng là: A
Trong tình huống trên, bạn H đã có ý thức và hành động phù hợp trong việc bảo vệ môi trường.
Câu 14. Thấy mọi người trong xóm lén vào trong núi đào vàng, P hẹn với K sáng hôm sau cùng tham gia. Nếu là K, em nên lựa chọn cách ứng xử nào dưới đây?
A. Mặc kệ, không quan tâm vì việc đó không ảnh hưởng gì đến mình.
B. Khuyên P không tham gia và báo cáo sự việc với lực lượng công an.
C. Từ chối không tham gia nhưng cũng không can ngăn hành động của P.
D. Lập tức đồng ý và rủ thêm nhiều người khác cùng tham gia cho vui.
Đáp án đúng là: B
Hành động lén vào núi đào vàng của những người dân trong xóm là hành vi trái pháp luật (khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên). Do đó, nếu là K, em nên: khuyên P không nên thực hiện hành vi này; đồng thời bí mật báo cáo cho lực lượng công an về hành vi vi phạm của người dân.
Câu 15. Để góp phần bảo vệ môi trường, em có thể thực hiện hành động nào sau đây?
A. Xả thật nhiều nước để tắm, giặt cho thỏa thích.
B. Không tắt đèn và các thiết bị điện khi ra khỏi nhà.
C. Sử dụng các loại túi vải, giấy,… thay cho túi ni-lông.
D. Phun thuốc trừ sâu để tiêu diệt hết các loại côn trùng.
Đáp án đúng là: C
Sử dụng các loại túi vải, giấy, một số loại lá,… để gói, đựng sản phẩm thay cho túi ni-lông là một biện pháp thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường.
Phần 2. Lý thuyết GDCD 8 Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
1. Sự cần thiết bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
- Môi trường và tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, là nền tảng để xây dựng kinh tế, văn hoá và xã hội.
- Chúng cung cấp cho con người các nguồn tài nguyên và điều kiện sống, giúp cho sự phát triển trí tuệ, đạo đức và tinh thần của con người.
- Bảo vệ và bảo tồn môi trường, tài nguyên thiên nhiên để duy trì sự phát triển bền vững cho tương lai của con người và hành tinh chúng ta.
- Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là nhiệm vụ cấp thiết đối với tất cả mọi người, tổ chức, cộng đồng và nhà nước, bởi vì chúng đóng vai trò quan trọng trong đời sống và phát triển của con người.
- Bảo vệ môi trường có thể giúp duy trì một môi trường trong lành, sạch đẹp và đảm bảo cân bằng sinh thái, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của con người và thiên nhiên.
- Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn tài nguyên không bị cạn kiệt.
2. Quy định cơ bản của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
- Pháp luật Việt Nam đặt ra những quy định nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
- Những hành vi chặt, phá, lấn chiếm, đốt rừng, đưa chất cháy nổ, săn bắn, nuôi nhốt, giết, tàng trữ, buôn bán động vật rừng trái quy định đều bị cấm.
- Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật và chỉ được thực hiện khi được cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Các hoạt động liên quan đến thuỷ sản cũng phải được thực hiện đúng quy định.
- Nghiêm cấm việc huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản, nơi cư trú của các loài thuỷ sản, khai thác hoặc nuôi trồng thuỷ sản ảnh hưởng đến môi trường sống.
- Việc đổ chất thải hoặc chất độc hại vào nguồn nước, vào lòng đất cũng bị nghiêm cấm, vì gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
- Việc khai thác trái phép khoáng sản, cát, sỏi trên sông, suối, kênh rạch cũng làm ảnh hưởng đến dòng chảy của nước, gây sạt lở, biến dạng dòng chảy, do đó cũng bị nghiêm cấm theo pháp luật.
3. Một số bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
- Tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ tài nguyên và môi trường.
- Tham gia tích cực các hoạt động và phong trào bảo vệ môi trường tại địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế ít chất thải, kinh tế tuần hoàn, trồng rừng.
- Nghiêm cấm mọi hoạt động làm suy kiệt tài nguyên và gây hại cho môi trường.
- Phê phán và đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường và phá hoại tài nguyên thiên nhiên.
Sơ đồ tư duy Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên