Đề cương ôn tập văn 11 Học kì 1 Kết nối tri thức (2024 có đáp án)

Sinx.edu.vn biên soạn và giới thiệu Đề cương ôn tập Văn 11 Học kì 1 sách Kết nối tri thức giúp bạn đạt kết quả cao trong bài thi Văn 11 Học kì 1.

1 167 lượt xem


Đề cương ôn tập Ngữ văn 11 Học kì 1 (Kết nối tri thức 2024)

I. NỘI DUNG KIẾN THỨC CẦN ÔN TẬP

A. Phần 1: Nội dung kiến thức cần ôn tập

1. Văn bản:

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện ngắn hiện đại: không gian, thời gian, câu chuyện, nhân vật, người kể chuyện ngôi thứ ba, người kể chuyẹn ngôi thứ nhất, sự thay đổi điểm nhìn, sự nối kết giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật.

- Phân tích được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, sự kiện, nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm; nhận xét được những chi tiết quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.

- Đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ: ngôn từ, cấu tứ, hình thức bài thơ thể hiện trong văn bản; nhận biết và phân tích được vai trò của yếu tố tượng trưng trong thơ.

- Phân tích và đánh giá được tình cảm, cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản thơ; phát hiện được các giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh từ văn bản thơ.

- Phân tích được nội dung và ý nghĩa của văn bản, mối quan hệ giữa các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng, quan hệ giữa chúng với luận đề; nhận biết và giải thích được sự phù hợp giữa nội dung nghị luận với nhan đề văn bản.

- Nhận biết và phân tích được mục đích, thái độ và tình cảm của người viết; vai trò của các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm trong văn bản nghị luận.

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện thơ dân gian: cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, bút pháp miêu tả.

- Nhận biết và phân tích được ý nghĩa, tác dụng của yếu tố tự sự trong thơ trữ tình.

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của bi kịch: xung đột, hành động, lời thoại, nhân vật, cốt truyện, hiệu ứng thanh lọc.

a. Truyện

* Truyện ngắn hiện đại

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Truyện ngắn hiện đại là thể loại tự sự cỡ nhỏ, ở đó, sự ngắn gọn được nhìn nhận là một đặc trưng nổi bật, phản ánh nét riêng của tư duy thể loại.

2. Cốt truyện

Truyện ngắn thường chỉ xoay quanh một, hai tình huống diễn ra trong khoảng thời gian, không gian hạn chế. Tuy nhiên, những lát cắt đời sống này lại giàu sức khơi gợi, có thể gây ấn tượng mạnh đối với người đọc. Do dung lượng bị giới hạn, truyện ngắn đòi hỏi sự chắc lọc, dồn nén của các chi tiết và việc vận dụng bút phát chấm phá trong trần thuật.

3. Đề tài

Những câu chuyện của đương thời, của đời sống thường nhật, không nhất thiết phải hướng tới những nhân vật và sự kiện kì lạ, phi thường.

4. Cấu trúc

Thường được tổ chức xoay quanh một lát cắt của đời sống, ít thể hiện tham vọng bao quát toàn bộ sự kiện hay số phận nhân vật.

5. Xây dựng tính cách

Diễn tả những thay đổi về tâm lí, ứng xử của nhân vật trong quá trình phát triển của câu chuyện.

6. Nghệ thuật trần thuật

Thường có sự chuyển đổi linh hoạt điểm nhìn và sử dụng ngôn ngữ gần gũi với đời thường, trong đó việc miêu tả nét riêng của ngôn ngữ nhân vật được đặc biệt chú trọng.

 

* Câu chuyện và truyện kể

Câu chuyện

Truyện kể

Là nội dung của tác phẩm tự sự bao gồm nhân vật, bối cảnh và sự kiện được sắp xếp theo trật tự thời gian.

Gắn liền với câu chuyện nhưng không đồng nhất: nó bao gồm các sự kiện được tổ chức theo mạch kể của văn bản tự sự, gắn liền với vai trò của người kể chuyện, hệ thống điểm nhìn và lớp lời văn nghệ thuật. Chú ý đến truyện kể tức là chú ý đến cách câu chuyện được kể như thế nào.

 

* Điểm nhìn trong truyện kể

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Điểm nhìn là vị trí quan sát, trần thuật, đánh giá.

2. Phân loại

- Điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật được kể.

- Điểm nhìn bên ngoài (miêu tả sự vật, con người ở những bình diện ngoại hiện, kể về những điều mà nhân vật không biết) và điểm nhìn bên trong (kể và tả xuyên qua cảm nhận, ý thức của nhân vật).

- Điểm nhìn không gian (nhìn xa – nhìn gần) và điểm nhìn thời gian (nhìn từ thời điểm hiện tại, miêu tả sự việc như nó đang diễn ra hay nhìn lại quá khứ, để lại qua lăng kính hồi ức,…).

3. Điểm nhìn trong câu chuyện

- Câu chuyện được kể có thể gắn với một điểm nhìn thấu suốt mọi sự việc, một quan điểm, một cách đánh giá mang tính định hướng cho người đọc.

- Câu chuyện được kể cũng có thể gắn với nhiều quan điểm, cách đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau, xoay quanh sự việc hay nhân vật.

* Lời người kể chuyện và lời nhân vật

Lời người kể chuyện

Lời nhân vật

- Gắn với ngôi kể, điểm nhìn, ý thức và giọng điệu của người kể chuyện.

- Chức năng: miêu tả, trần thuật, đưa ra những phán đoán, đánh giá đối với đối tượng được miêu tả, trần thuật cũng như định hướng việc hình dung, theo dõi mạch kể của người đọc.

- Là ngôn ngữ độc thoại hay đối thoại gắn với ý thức, quan điểm, giọng điệu của chính nhân vật.

Lời người kể chuyện và lời nhân vật có khả năng kết nối, cộng hưởng, giao thoa với nhau tạo nên hiện tượng đặc biệt về lời văn như lời nửa trực tiếp, lời độc thoại nội tâm, lời nhại,..

b. Thơ

* Cấu tứ trong thơ

Cấu tứ

Tứ thơ

- Là một khâu then chốt, mang tính chất khởi đầu của hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo thơ nói riêng.

- Gắn liền với việc xác định, hình dung hướng phát triển của hình tượng thơ, cách triển khai bài thơ, sao cho toàn bộ nhận thức, cảm xúc, cảm giác của nhà thơ về một vấn đề, đối tượng, sự việc nào đó có thể được bộc lộ chân thực, tự nhiên, sinh động và trọn vẹn nhất.

- Là sản phẩm của hoạt động cấu tứ trông thơ.

- Giúp đưa bài thơ thoát khỏi sơ đồ ý khô khan, trừu tượng để hiện diện như một cơ thể sống; tổ chức của bài thơ mới trở nên chặt chẽ, mọi yếu tố cấu tạo đều liên hệ mật thiết với nhau và đều hướng về một ý tưởng – hình ảnh trung tâm.

* Yếu tố tượng trưng trong thơ

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Trước một hình ảnh, hình tượng chứa đựng nhiều tầng nghĩa và gợi lên những cảm nhận đa chiều, người ta có căn cứ để nói đến sự hiện diện của yếu tố tượng trưng. Yếu tố tượng trưng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên tính chất tượng trưng của bài thơ.

2. Yếu tố tượng trưng trong thơ tượng trưng

Mọi hình ảnh, hình tượng thơ, xét từ bản chất, đã có tính chất tượng trưng. Nhưng với những sáng tác thuộc trường phái thơ tượng trưng hoặc thuộc loại hình thơ tượng trưng, tính chất này đã đạt một chất lượng mới. Điều này liên quan đến sự tự ý thức sâu sắc của nhà thơ về các mối tương giao bí ẩn trong đời sống, nổi bật là tương giao giữa con người với tạo vật, vũ trụ.

- Tác giả rất chú ý tô đậm tính biểu tượng của các hình ảnh, chi tiết, sự việc,…

- Việc phối hợp các âm tiết, thanh điệu, nhịp điệu nhằm khơi dậy những cảm giác bất định, mơ hồ.

- Những thủ pháp nghệ thuật: hòa trộn cảm nhận của nhiều giác quan; diễn tả chi tiết những sắc thái chuyển động tinh vi của sự vật, hiện tượng,…

* Ngôn ngữ văn học

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ biểu đạt đặc thù của sáng tác văn học.

2. Nguồn gốc

Ngôn ngữ văn học hình thành và phát triển phong phú nhờ lao động tinh thần đặc biệt và đầy cảm hứng của nhà văn.

3. Đặc điểm

- Thể hiện rõ cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của người viết.

- Tính hình tượng và tính thẩm mĩ là hai tính chất quan trọng nhất của ngôn ngữ văn học, chi phối các tính chất khác như tính chính xác, tính đa nghĩa, tính tạo hình, tính biểu cảm, tính cá thể hóa,…

- Tính đa nghĩa là tính chất nổi bật của ngôn từ trong tác phẩm văn học.

c. Văn bản nghị luận

Nội dung

Kiến thức

1. Cấu trúc

- Các thành tố (luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng…) được tổ chức thành một chỉnh thể, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhằm đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất.

+ Luận đề có tính chất bao trùm, có chức năng định hướng việc triển khai các luận điểm.

+ Các luận điểm với sự thống nhất của lí lẽ và bằng chứng, có nhiệm vụ làm rõ từng khía cạnh và thể hiện tính nhất quán của luận đề.

2. Yếu tố bổ trợ

- Các yếu tố bổ trợ: thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm,…

+ Thuyết minh trong văn bản nghị luận có tác dụng giải thích, cung cấp những thông tin cơ bản xung quanh một vấn đề, khái niệm, đối tượng nào đó, làm cho việc luận bàn trở nên xác thực.

+ Miêu tả được dùng để tái hiện rõ nét, sinh động hơn những đối tượng có liên quan.

+ Tự sự đảm nhiệm việc kể câu chuyện làm bằng chứng cho luận điểm mà người viết nêu lên.

+ Biểu cảm giúp người viết bộc lộ cảm xúc, tình cảm làm cho văn bản có thêm sức lôi cuốn, thuyết phục.

d. Truyện thơ và truyện thơ dân gian

* Truyện thơ

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Thuộc loại hình tự sự, có cốt truyện, câu chuyện, nhân vật, lời kể,… nhưng lại được thể hiện dưới hình thức thơ.

2. Đặc điểm

- Dung lượng lớn, bao quát được nhiều sự kiện, con người, chi tiết cụ thể, sinh động của đời sống thường nhật.

- Hiện diện trong nhiều nền văn học, có lịch sử lâu đời, phát triển thành một số dòng riêng theo sự chi phối của các điều kiện văn hóa, xã hội cụ thể.

* Truyện thơ dân gian

Nội dung

Kiến thức

1. Nguồn gốc

Do tầng lớp bình dân hoặc các trí thức sống gần gũi với tầng lớp bình dân sáng tác; lưu hành chủ yếu bằng con đường truyền miệng nhưng cũng có khi thông qua các văn bản viết.

2. Đề tài

Khai thác đề tài từ nhiều nguồn khác nhau như truyện cổ, sự tích tôn giáo hay những câu chuyện đời thường.

3. Đặc điểm

- Kế thừa truyền thống của dân ca với sự kết hợp hài hòa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình.

- Thể hiện được một cách sinh động đời sống hiện thực và những tình cảm, ước mơ, khát vọng của nhiều lớp người trong xã hội, nhất là những người lao động nghèo.

4. Ngôn ngữ

Giản dị, chất phác, giàu hình ảnh, gắn liền với cách tư duy hình ảnh rất đặc trưng của những người sống hòa đồng, gắn bó với đất đai, muông thú, cỏ cây,…

* Yếu tố tự sự trong thơ trữ tình: Là những bài thơ ưu tiên việc thể hiện cảm xúc nhưng người đọc vẫn thấy bóng dáng câu chuyện, sự kiện với những đường nét cốt yếu của nó. Câu chuyện có tác dụng làm nền cho tiếng nói trữ tình và chịu sự chi phối của mạch cảm xúc tác giả triển khai.

e. Bi kịch

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

- Bi kịch là một thể loại thuộc về kịch.

2. Đặc điểm

- Bi kịch tập trung diễn tả những xung đột hệ trọng, đạt tới mức căng thẳng tột độ giữa những mong muốn, hành động cao đẹp, hào hùng của con người với những tình thế bi đát không thể đảo ngược của thực tại hay với những trở ngại tồn tại ngay trong bản tính con người.

- Việc thắt nút, triển khai và giải quyết những xung đột như vậy làm nên cốt truyện bi kịch.

- Kết thúc của bi kịch là thảm cảnh hoặc cái chết của loạt nhân vật; cái đẹp, cái hùng bị thất bại đã đưa đến nỗi đau khổ cùng cực. Từ đó khẳng định sự bất tử của ý chí, khát vọng và chiến thắng tinh thần của con người trong cuộc đấu tranh chống lại những tình thế bi đát của thực tại và những yếu hèn của cá nhân con người.

2. Nhân vật

- Nhân vật chính trong bi kịch mang khát vọng cao đẹp, có tính cách mạnh mẽ, có khả năng lựa chọn hành động tự do xuất phát từ chính kiến, đức tin của mình, song lựa chọn này xung đột với hoàn cảnh thực tế hoặc gặp phải những trở ngại ngay trong bản tính cố hữu.

- Nhân vật chính thường phải trải qua những trạng thái giằng xé, bế tắc, rơi vào những tình huống hết sức nặng nề và có kết thúc bi thảm.

3. Xung đột

Xung đột trong bi kịch là những mâu thuẫn gay gắt giữa lựa chọn hành động tự do của nhân vật như một nhân cách mạnh mẽ với cái tất yếu vốn được thể hiện qua những thế lực như định mệnh, bản tính tự nhiên, định kiến thời đại, thực tại xã hội,…

4. Hiệu ứng thanh lọc

Người tiếp nhận bi kịch có thể sợ hãi, kinh hoàng, thương cảm, xót xa cùng nhân vật trước những diễn biến và kết cục bi thảm, thấy căm ghét cái đê tiện, giả dối; ngưỡng mộ, cảm phục cái cao cả; tâm hồn như được thanh lọc, trở nên hài hòa, thăng bằng hơn.


 

g. Bảng hệ thống hóa thông tin về các văn bản đọc

Bài

Văn bản

Tác giả

Loại, thể loại

Đặc điểm nổi bật

Nội dung

Hình thức

1

Vợ nhặt

Kim Lân

Truyện ngắn

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện đưuọc bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

- Xây dựng tình huống truyện độc đáo, tự nhiên, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố hiện thực và nhân đạo.

- Bút pháp phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.

- Nghệ thuật đối thoại, độc thoại nội tâm làm nổi rõ tâm lí của từng nhân vật.

- Ngôn ngữ kể chuyện phong phú, cách kể chuyện gần gũi, tự nhiên.

- Kết cấu truyện đặc sắc.

Chí Phèo

Nam Cao

Truyện ngắn

- Lời tố cáo đanh thép của Nam Cao về xã hội đương thời tàn bạo, thối nát đã đẩy người dân lương thiện vào con đường tha hóa, lưu manh hóa.

- Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của con người ngay cả khi bị vùi dập mất hết cả nhân hình, nhân tính.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình bất hủ vừa có tính chung tiêu biểu vừa có những điểm riêng biệt không trộn lẫn.

- Nam Cao có biệt tài phân tích tâm lí nhân vật khiến nhân vật của ông thật hơn con người thật.

- Nghệ thuật trần thuật hết sức linh hoạt phóng túng nhưng nhất quán và chặt chẽ.

- Ngôn ngữ giàu có đậm hơi thở cuộc sống.

- Giọng văn biến hóa đa dạng.

Cải ơi

Nguyễn Ngọc Tư

Truyện ngắn

Nội dung của tác phẩm chủ yếu nói về lòng yêu thương của người cha, tình phụ tử thiêng liêng và đầy lòng yêu thương của con người đó cũng chính là giá trị nhân văn sâu sắc về tình cha trong xã hội qua đó đòi hỏi mỗi người cần yêu thương cha hơn trong cuộc sống.

Bằng những câu từ đầy sáng tạo và ý nghĩa sâu sắc đã cho thấy được tài năng của Nguyễn Ngọc Tư, một tài năng trong khai thác tâm lí nhân vật.

2

Nhớ đồng

Tố Hữu

Thơ bảy chữ

Tác phẩm đã cho chúng ta thấy một nỗi lòng nhớ thương da diết với cuộc đời, những tự do và chìm đắm trong sự say mê cách mạng của nhân vật trữ tình trong bà thơ. Cũng là điều mà tác giả muốn gửi gắm về một khát vọng tự do, khát vọng hòa bình, yêu quê hương và đất nước sâu nặng.

Tố Hữu với câu từ đầy chân thực và mộc mạc đã khắc họa thành công tác phẩm Nhớ đồng, sử dụng các phép điệp từ, so sánh, những hình ảnh thơ đầy màu sắc qua từng chi tiết. Qua đó, cho thấy tài năng của Tố Hữu với sự nghiệp phát triển văn học dân tộc Việt Nam.

Tràng giang

Huy Cận

Thơ bảy chữ

– Bức tranh Tràng Giang hiện lên với tất cả sự đối lập, tương phản giữa thiên nhiên, không gian vũ trụ mênh mông với sự sống nhỏ bé đơn chiếc, lạc lõng, mong manh…( không gian với 2 sắc thái rõ nét: mênh mông vô biên và hoang sơ hiu quạnh)

– Thể hiện nỗi cô đơn, nỗi sầu vô tận của kẻ lữ thứ- cái “Tôi” bơ vơ trước thiên nhiên vũ trụ rộng lớn, bao la, mênh mông rợn ngợp.

=> Thể hiện niềm khát khao hòa hợp giữa những con người và tình yêu quê hương đất nước kín đáo của nhà thơ. (Con người sống trên quê hương mà vẫn thấy thiếu quê hương, thấy bơ vơ ngay trên quê hương của mình. Cho nên ẩn trong nỗi bơ vơ của một cá thể trước trời đất vũ trụ là nỗi bơ vơ của một người dân mất nước và thiết tha với tạo vật ở đây cũng chính là thiết tha với chính giang sơn tổ quốc mình.…)

- Bài thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển, nhất là yếu tố Đường thi với yếu tố thơ mới.

- Nhiều yếu tố hiện đại thể hiện “tinh thần Thơ mới” và sự sáng tạo mới mẻ của Huy Cận.

- Vẻ đẹp cổ điển thể hiện trên nhiều phương diện: mỗi dòng 7 chữ ngắt nhịp đều đặn, mỗi khổi 4 dòng, tách ra như bài thơ tứ tuyệt; cách thức miêu tả thiên nhiên theo bút pháp hội họa cổ điển: một vài nét đơn sơ nhưng ghi được hồn tạo vật; tả cảnh ngụ tình; sự trang nhã, thanh thoát từ hình ảnh, ngôn từ.

- Chất hiện đại thể hiện trong cách cảm nhận sự việc, tâm trạng bơ vơ, buồn bã phổ biến của cái tôi lãng mạn đương thời.

Con đường mùa đông

A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Puskin

Thơ trữ tình

Bài thơ hiện lên là một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc của phong cảnh Nga với khả năng hội họa và sự kết hợp màu sắc của thiên nhiên như trắng đen, sáng tối như thể hiện một tâm hồn nghệ sĩ, yêu chuộng thiên nhiên, muốn hòa mình vào thiên nhiên với một trái tim đầy nghị lực, đầy ước mơ của nghệ sĩ Pushkin.

Có lẽ tài năng của Pushkin thể hiện rõ qua những cấu tứ, những câu từ đầy tinh tế và chuẩn mực, ông đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên Nga qua tác phẩm Con đường mùa đông.

Thời gian

Văn Cao

Thơ tự do

Gợi cho tâm hồn người đọc biết bao suy ngẫm về cuộc đời, về con người trong cuộc sống này, mặc cho thời gian vẫn không ngừng chảy trôi.

- Thể thơ tự do giúp tác giả thể hiện được hết tâm tư vào tác phẩm.

- Ngôn ngữ thơ hay và giản dị nhưng ấn tượng.

- Khắc họa hiện thực chân thật và mang ý nghĩa to lớn.

3

Cầu hiền chiếu

Ngô Thì Nhậm

Chiếu

Bài chiếu là một văn kiện quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn nhằm động viên trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước.

Bài chiếu được viết với nghệ thuật thuyết phục, đặc sắc và thể hiện tình cảm của tác giả với sự nghiệp xây dựng đất nước.

Tôi có một ước mơ

Mác-tin Lu-thơ Kinh

Văn nghị luận

- Mục đích của văn bản khẳng định quyền bình đẳng của người da đen

- Lời kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen.

- Sử dụng những hình ảnh, câu văn có sức truyền cảm.

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục

Một thời đại trong thi ca

Hoài Thanh

Văn nghị luận

Tác phẩm đã nêu rõ nội dung cốt yếu của tinh thần Thơ mới: Lần đầu tiên chữ tôi với cái nghĩa tuyệt đối của nó, xuất hiện trong thi ca đồng thời cũng nói lên cái bi kịch ngấm ngầm trong hồn người thanh niên lúc bấy giờ.

Nghệ thuật lập luận khoa học, chặt chẽ, thấu đáo, văn phong tinh tế, tài hoa, giàu cảm xúc.

Tiếp xúc với tác phẩm

Thái Bá Vân

Văn bản nghị luận

Văn bản chỉ ra các bước tiếp xúc với nghệ thuật:

- Đời sống vật thể và đời sống hình tượng của tác phẩm.

- Giá trị chủ quan của tác phẩm.

- Nội dung của tác phẩm được người xem mở rộng.

- Các luận điểm trong văn bản triển khai theo một trật tự logic, các luận điểm có sự liên kết với nhau, có tính định hướng nhằm giải đáp những vấn đề nhận thức và tư tưởng đặt ra trong tác phẩm (quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng).

- Các luận điểm đi thẳng vào vấn đề, có tính nghệ thuật, hợp tình hợp lí.

4

Lời tiễn dặn

Tác giả dân gian

Truyện thơ dân gian

Qua tâm trạng đầy đau khổ, rối bời của chàng trai và cô gái, đoạn trích đã khắc hoạ nổi bật tình yêu tha thiết thuỷ chung và khát vọng tự do yêu đương của các chàng trai, cô gái Thái.

- Kết hợp tự sự và trữ tình.

- Lối diễn đạt mộc mạc, gần gũi với cách nghĩ cách cảm của người Thái, vừa rất chân tình tha thiết.

- Mượn thiên nhiên để biểu lộ tâm trạng.

Dương phụ hành

Cao Bá Quát

Hành

Dương phụ hành là một bài thơ hay khi tác giả khắc họa chân dung người thiếu phụ Tây Dương, qua đó nhà thơ nghĩ về giai nhân và tài tử, về hạnh phúc trong sum họp và nỗi đau trong li biệt. Trong chuyến đi này, ông có dịp tiếp xúc với những người châu Âu, thấy nhiều điều mới lạ.

- Thể hành viết lối đơn giản nhưng dễ hiểu

- Lời thơ mộc mạc chứa ý nghĩa sâu sắc

Thuyền và biển

Xuân Quỳnh

Thơ năm chữ

Mượn hình ảnh của tự nhiên để thể hiện nỗi niềm, khát khao được một tình yêu của nhà thơ và hứa sẽ sống hết mình với tình yêu ấy. Dù có ra sao vẫn không lìa xa nhau.

- Sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, các phép điệp từ.

- Thể thơ 5 chữ, đặc sắc.

- Hình ảnh gợi hình, gợi cảm.

Nàng Ờm nhắn nhủ

 

Truyện thơ

Nội dung tác phẩm chủ yếu phản ánh sự hủ bại của chế độ xã hội cũ. Đó là sự bóc lột và áp bức quyền con người. Tuy nhiên, đâu đó ta cũng thấy được sự phản kháng mạnh mẽ của những người dân.

Tác phẩm Nàng Ờm nhắn nhủ chứa những nét nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm dân tộc dân gian.

5

Sống, hay không sống - đó là vấn đề

William Shakespeare

Bi kịch

Đoạn trích Sống, hay không sống - đó là vấn đề được tác giả thể hiện không chỉ nêu lên tư tưởng, chủ đề của tác phẩm mà con nêu lên những suy ngẫm về bản tính của con người, những trăn trở, lo âu của con người trong cuộc sống đầy gian nan, vất vả, những rủi ro vẫn đang thường trực xảy ra.

Nhờ tài năng của Shakespeare mà các tác phẩm của ông đã để lại những ấn tượng nhờ tài năng xây dựng nhân vật trong tác phẩm kịch độc đáo, tinh tế, các tình huống kịch hấp dẫn gây nên những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người tiếp nhận, các tác phẩm kịch của ông sẽ còn mãi trong hiện tại và tương lai.

Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

Nguyễn Huy Tưởng

Bi kịch

Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thủa về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy cao siêu muôn đời với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân.

- Mâu thuẫn kịch tập trung dẫn đến cao trào, phát triển thành đỉnh điểm với những hành động kịch dồn dập đầy kịch tính.

- Ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao.

- Xây dựng nhân vật kịch đặc sắc, khắc họa rõ tính cách, miêu tả đúng tâm trạng qua ngôn ngữ và hành động.

- Lớp kịch trong hồi V được chuyển một cách linh hoạt, tự nhiên, logic, liền mạch tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.

Prô-mê-tê bị xiềng

Tác giả dân gian

Thần thoại Hy Lạp

Hình ảnh Prô-mê-tê bị xiềng cho ta thấy được một sức mạnh, một sự hiên ngang, một niềm tin, một ý chí chiến đấu không đầu hàng của người anh hùng Prômêtê dẫu bị xiềng xích bị diều hâu hằng ngày đến moi gan, chịu bao nhiêu là cực hình của Dớt nhưng vẫn không chịu khuất phục trước sức mạnh đầy đe dọa đó.

- Ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao.

- Xây dựng nhân vật kịch đặc sắc, khắc họa rõ tính cách, miêu tả đúng tâm trạng qua ngôn ngữ và hành động.

 

2. Tiếng Việt:

- Nhận biết đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.

- Nhận biết đặc điểm và tác dụng của một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường.

- Nắm được các kiểu lỗi về thành phần câu, biết cách sửa lỗi và vận dụng vào việc sử dụng tiếng Việt của bản thân.

STT

Nội dung tiếng Việt

Khái niệm cần nắm vững

Dạng bài tập thực hành

1

Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

- Ngôn ngữ nói (còn gọi là khẩu ngữ) là ngôn ngữ âm thanh, được tiếp nhận bằng thính giác. Ngôn ngữ nói gắn liền với hoạt động giao tiếp của con người trong đời sống thường nhật.

+ Ngôn ngữ nói cũng xuất hiện dưới hình thức văn bản viết (tin nhắn qua điện thoại, văn bản bóc băng ghi âm một cuộc phỏng vấn hay lời khai, đoạn hội thoại giữa các nhân vật trong tác phẩm truyện,...

- Ngôn ngữ viết là ngôn ngữ được thể hiện bằng chữ viết, được dùng trong sách, báo, văn bản hành chính, thư từ,…

+ Những văn bản viết mà nội dung thông tin được truyền tải bằng âm thanh (bài diễn văn, bản tin trên truyền hình,…) Tuy các văn bản này được tiếp nhận bằng thính giác, những ngôn ngữ trong đó vẫn mang đầy đủ đặc điểm ngôn ngữ viết.

Phân biệt ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

2

Một số hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường

- Tạo ra những kết hợp từ trái logic nhằm “lạ hóa” đối tượng được nói tới.

- Sử dụng hình thức đảo ngữ để nhấn mạnh một đặc điểm nào đó của đối tượng miêu tả.

- Cung cấp nét nghĩa mới cho từ ngữ nhằm đưa đến phát hiện bất ngờ về đối tượng được đề cập.

- Bổ sung chức năng mới cho dấu câu.

Chỉ ra và nêu tác dụng của việc phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường.

3

Lỗi thành phần câu

* Thiếu thành phần nòng cốt

- Câu thiếu chủ ngữ

+ Cách sửa:

• Dựa vào ngữ cảnh để bổ sung chủ ngữ phù hợp.

• Lược bỏ quan hệ từ (kết từ) để câu văn trở nên hợp lí.

- Câu thiếu vị ngữ

+ Cách sửa:

• Thêm từ để biến thành phần phụ thành vị ngữ.

• Dựa vào ngữ cảnh để bổ sung vị ngữ phù hợp.

- Câu thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ

+ Cách sửa: Dựa vào ngữ cảnh, bổ sung thành phần nòng cốt để hoàn thành câu.

* Sắp xếp sai vị trí thành phần câu

+ Cách sửa: sắp xếp vị trí thành phần câu cho phù hợp với ngữ cảnh, hợp lí.

* Thiếu vế câu

+ Cách sửa: bổ sung quan hệ từ phù hợp, tương ứng với quan hệ từ đã có ở vế câu trước.

Chỉ ra và sửa lỗi thành phần câu

 

3. Viết:

- Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện (những đặc điểm về cách kể chuyện của tác giả).

- Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ.

- Viết bài văn nghị luận về vấn đề xã hội.

- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội.

a. Dàn ý viết văn bản nghị luận một tác phẩm truyện (những đặc điểm về cách kể chuyện của tác giả).

Mở bài

Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tên tác giả,...) và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm. Nêu khía cạnh trong nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết tập trung làm rõ.

Thân bài

- Miêu tả yếu tố đặc sắc trong cách kể chuyện của tác giả (kể ở ngôi thứ mấy?, trần thuật theo điểm nhìn nào?).

- Chỉ ra chức năng, vai trò của yếu tố đặc sắc đó.

- Đánh giá hiệu quả của yếu tố đặc sắc đó (thể hiện góc nhìn như thế nào tời đời sống, con người?)

Kết bài

Khái quát nội dung chính đã trình bày ở thân bài, khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện

 

b. Dàn ý viết bài văn phần tích một tác phẩm thơ.

Mở bài

Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ (tác giả, thời điểm sáng tác, nơi xuất bản, đánh giá chung của dư luận,...) và nêu vấn đề chính sẽ được tập trung phân tích trong bài viết.

Thân bài

Triển khai các ý:

- Cảm giác chung mà cấu tứ cùng những hình ảnh và cách diện tả kahcs lạ trong bài thơ đã gợi cho người đọc.

- Sự khác biệt của bài thơ này so với các bài thơ khác trên phương diện xây dựng hệ thống hình ảnh và tạo sự kết nối giữa các bộ phận cấu tạo trong bài thơ.

- Những khả năng hiểu (cắt nghĩa) khác nhau đối với một số yếu tố, hình ảnh trong bài thơ.

- Điều được làm sáng tỏ qua việc đọc thăm dò và thử nghiệm các cách đọc khác nhau đối với bài thơ.

- Sự gợi mở về cách nhìn mới đối với thế giới và con người được đề xuất từ mạch ngầm văn bản bài thơ.

Kết bài

Khẳng định sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho độc giả.

 

c. Dàn ý viết bài văn nghị luận về vấn đề xã hội (hình thành lối sống tích cực ở xã hội hiện đại).

Mở bài

Nêu vấn đề cần bàn luận, hướng bàn luận và ý nghĩa chung của việc bàn luận về vấn đề.

Thân bài

- Miêu tả khái quát hoàn cảnh đời sống làm nảy sinh vấn đề.

- Phân tích lần lượt từng khía cạnh vấn đề theo trình tự từ hẹp đến rộng hoặc từ rộng đến hẹp với những lí lẽ và bằng chứng phù hợp.

- Làm rõ sự cần thiết phải nhận thức đầy đủ về vấn đề.

- Nêu trải nghiệm của bản thân với vấn đề được bàn luận.

- Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều.

Kết bài

Tóm tắt những luận điểm chính đã trình bày và khẳng định ý nghĩa của vấn đề trên cơ sở thu thập nhiều tư liệu và bằng chứng mới.

d. Dàn ý viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội.

Đặt vấn đề

Nêu rõ đề tài và vấn đề nghiên cứu

Giải quyết vấn đề

Trình bày các kết quả nghiên cứu chính thông qua hệ thống luận điểm, có các dữ liệu, bằng chứng.

Kết luận

Khẳng định kết quả nghiên cứu và ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu, gợi mở những hướng tiếp cận mới.

Tài liệu tham khảo

Ghi lại danh mục tài liệu tham khảo để hoàn thành đề cương.

 

II. MỘT SỐ DẠNG BÀI TẬP MINH HỌA

1. Dạng 1: Đọc – hiểu

Bài tập 1. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(Lược dẫn: Con Mực là con chó có nhiều tật xấu. Người ta đã định giết thịt nó, nhưng vì nhiều lí do nên ngày xử con Mực liên tục bị hoãn lại. Cuối cùng, người ta quyết định sẽ giết con Mực để mừng người con trai tên Du xa nhà nhiều năm nay mới trở về).

Bữa ăn xong, con Hoa cầm bát cơm ra: một tay nó xách cái thúng như để rồi xếp bát. Thấy được ăn, tất cả thú tính của con Mực hoàn toàn nổi dậy. Nó nhảy tới vẫy đuôi hếch mõm nhìn và đợi. Cơm vừa đổ xuống nó vội vàng chúi mõm ăn ngay. Miếng chưa qua cổ thì cái thúng đã chụp quanh trên mình. Nó rít lên, vùng mạnh; nhưng Hoa đã tì cả người lên cái thúng rồi, và con Mực bị thu gọn ở trong vừa vặn đến nỗi không còn giẫy và kêu được. Lũ trẻ con réo ầm lên. Người ta lấy sẵn dao thớt và dây để trói. Phần mở thúng đã đành phải về Du: ông chủ đi vắng, cả nhà chỉ có chàng là đàn ông, mà không lẽ đi mượn hàng xóm trói giùm một con chó đã úp gọn gàng chỉ việc hơi hé cạp thúng lên, hễ chó thò đầu ra thì một đứa em đặt gậy lên cổ nó để chân chàng dận xuống. Nhưng tay chàng thấy run run. Và khi con chó vừa thò đầu ra thì nó quẫy luôn một cái mạnh, vùng ra được. Con Hoa tủm tỉm cười. Lũ em ngơ ngác nhìn theo con chó vừa ẳng ẳng vừa chạy ở ngoài vườn. Còn Du thì mặt đỏ như gấc chín. Chàng thấy mình yếu tay hơn cả con Hoa. Có lẽ nào chàng lại dịu lòng hơn cả một người con gái. Và tự nhiên chàng giận con Mực. Người ta còn lo con Mực sợ hãi mà đi mất. Quả nhiên suốt ngày hôm ấy nó không về. Nó vẩn vơ vườn hàng xóm, lẩn lút như một con chó trước khi hóa dại.

Người ta tưởng đã mất toi. Nhưng tối hôm ấy nó lần vào gầm giường rồi Du lại nghe thấy cái thứ tiếng gà gáy của nó rít lên ở phía ngõ.

Sáng hôm sau nó vẫn bỏ cơm. Trưa cũng thế. Và cứ thấy bóng người lại cúp đuôi chạy mất. Du thương hại sai người đem cơm đổ ra vườn. Một lúc sau Mực lại gần. Nó trông trước trông sau, đưa mõm rê trên những hạt cơm rồi vô cớ giật mình chạy thẳng. Có lẽ cái kỷ niệm khủng khiếp vừa lóe ra và đập mạnh vào thần kinh nó như luồng điện. Du thấy bồn chồn và vẩn vơ: thương, hối hận hay là thẹn.

Sau cùng thì chàng bực mình: chàng nhận ra rằng một con chó đã làm mất sự bình tĩnh của tâm hồn chàng. Và đột nhiên chàng muốn giết con Mực lắm. Chàng muốn có đủ can đảm để giết người. Phải dám giết mà không run tay khi cần phải giết. Còn làm được trò gì nữa nếu chỉ giết một con chó mà tim cũng đập?

Sự do dự đã hết rồi. Khi có một ý định thì ý định ấy chóng thành mạnh mẽ. Du thấy lòng cứng cỏi. Ðã có lúc chàng tưởng đến cái thú dí con dao vào súc thịt giẫy lên đành đạch để máu ấm phọt vào tay. Và chiều hôm ấy khi thấy con chó ở vườn thì chàng gần như mừng rỡ. Con vật khốn nạn đói và sợ đã mệt lử đi rồi. Nó hiện ngủ bên bờ giậu. Du cầm cái gậy to rón rén lại gần. Nhưng giơ gậy lên chàng bỗng thấy tim run một cái. Chàng tưởng như ngạt thở và ngừng lại một giây để nhìn con chó. Giấc ngủ của nó có lẽ đầy ác mộng vì thỉnh thoảng khắp mình nó lại giật lên. Du thấy lòng quả quyết tiêu tán hết. Nhưng con chó bỗng giật mình. Du hoảng hốt thẳng cánh vụt mạnh trên mình nó, bụng nó thót hẳn vào rồi lại phình ra như một khối cao su. Nó rống lên gượng dậy loạng choạng mấy vòng rồi chui bừa qua giậu trong khi Du vụt cuống cuồng theo xuống đất... Ðêm đã khuya. Du lại nghe tiếng Mực rống lên. Chàng thấy toát mồ hôi và nhất định không giết con chó nữa.

Nhưng trời gần sáng chàng còn đương mơ mộng, thì đã nghe tiếng Hoa gọi cuống cuồng lên. Con vật khốn nạn không biết mỏi mệt thế nào mà ngủ quên đi ngay ở giữa sân để đến nỗi bị Hoa úp được. Lần này thì người ta cẩn thận hơn. Hai ba người nắm vào hai đầu gậy tre ngáng sẵn bên cạnh thúng rồi Hoa mới hơi hé miệng thúng lên. Thấy sáng con Mực nhô ra ngoài cái mõm ướt phì phì. Hoa nhích lên tí nữa nhưng một cái gối đã tì sẵn trên thúng. Mực lách cả cái đầu ra. Cái gậy đè mạnh xuống. Con vật khốn nạn không còn kịp kêu.

- Ðè chặt, thật chặt, đừng buông nó ra nó cắn đấy!

Du kêu lên như thế nhưng tiếng chàng đã hơi run run. Con chó phì một cái nữa: hơi thở mới thoát ra một nửa bị tắc. Cái gậy đè sát đất, mắt nó trợn lên. Lòng đen ươn ướt cứ đờ dần rồi ngược lên lần một nửa vào mí trên. Lòng trắng đã hơi đục. Lúc Hoa trói xong cả chân trước, chân sau và buộc mõm rồi thì con chó đã mềm ra không còn cựa quậy nữa.

Du nghẹn ngào nén khóc...

(Trích Cái chết của con Mực, Tuyển tập Nam Cao, Nxb Văn học)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích ?

Câu 2. Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật nào?

Câu 3. Tình huống chính trong truyện ngắn trên là gì ?

Câu 4. Qua quá trình tìm cách giết con Mực, nhân vật Du là một con người như thế nào?

Câu 5. Anh/ chị rút ra được bài học gì sau khi đọc truyện ngắn trên?

Câu 6. Từ truyện ngắn trên, hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vai trò của tình yêu thương trong cuộc sống? (Đoạn văn khoảng 8 – 10 dòng).

Bài tập 2. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH

( Nguyễn Thi)

(Lược phần đầu: Việt là một chiến sĩ Giải phóng quân, xuất thân từ một gia đình nông dân có mối thù sâu nặng với Mĩ – nguy: ông nội và bố Việt đều bị giặc giết hại; mẹ Việt vừa phải vất vả nuôi con vừa phải đương đầu với những đe doạ, hạch sách của bọn giặc, cuối cùng cũng chết vì bom đạn. Truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình và những đau thương mất mát nặng nề do tội ác của Mĩ – nguy gây ra đối với gia đình Việt đều được chủ Nam ghi chép vào một cuốn sổ của gia đình.

Việt và Chiến hàng hát tòng quân đi giết giặc. Trong trận chiến đấu ác liệt tại một khu rừng cao su, Việt đã hạ được một xe bọc thép của địch nhưng bị thương nặng và lạc đồng đội. Việt ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh lại, dòng hồi ức lại đua anh trở về với những kĩ niệm thân thiết đã qua: kỉ niệm về má, chị Chiến, chú Năm, về đồng đội và anh Tánh,...)

Việt tỉnh dậy lần thứ tư, trong đầu còn thoáng qua hình ảnh của người mẹ. Đêm nữa lại đến. Đêm sâu thăm thẳm, bắt đầu từ tiếng dế gáy u u cao vút mãi lên. Người Việt như đang tan ra nhè nhẹ. Ước gì bây giờ lại được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuống lên cho Việt ăn... Nhưng mấy giọt mưa lất phất trên cổ làm Việt choàng tỉnh hẳn. Một sự vắng lặng như từ trên trời lao xuống chạy từ cổ Việt, lan dài cho tới ngón chân. Việt có một mình ở đây thôi ư? Câu hỏi bật ra trong đầu Việt rồi dội lại trong từng chân lông kẻ tóc. Cái cảm giác một mình bật lên một cách rõ ràng nhất, mênh mông nhất, trong đêm thứ hai này, khi Việt cảm thấy không còn bò đi được nữa, khi những hình ảnh thân yêu thường kéo đến rất nhanh rồi cũng vụt tan biến đi rất nhanh chỉ vì một cành cây gãy, một giọt mưa rơi trên mặt, hoặc một tiếng động nhỏ của ban đêm. Việt muốn chạy thật nhanh, thoát khỏi sự vắng lặng này, về với ánh sáng ban ngày, gặp lại anh Tánh, níu chặt lấy các anh mà khóc như thằng Út em vẫn níu chân chị Chiến, nhưng chân tay không nhấc lên được. Bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo bao tròn lấy Việt, kéo theo đến cả con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mua ngoài vàm sông', cái mà Việt vẫn nghe các chị nói hồi ở nhà, Việt nằm thở dốc...

Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến ầm ĩ trên ngọn cây. Rồi loạt thứ hai... Việt ngóc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lăng của giặc. Đó là những tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng môi và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hỏi Đồng khởi. Đúng súng của ta rồi! Việt muốn reo lên. Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó. Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi! Đó, lại tiếng hụp hùm... chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy. Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ. Những khuôn mặt anh em mình lại hiện ra... Cái cằm nhọn hoắt ra của anh Tánh, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công mỗi lần anh động viên Việt tiến lên... Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổi lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ...

Việt đã bò đi được một đoạn, cây súng đẩy đi trước, hai cùi tay lôi người theo. Việt cũng không biết rằng mình đang bò đi nữa, chính trận đánh đang gọi Việt đến. Phía đó là sự sống. Tiếng súng đã đem lại sự sống cho đêm vắng lặng. Ở đó có các anh đang chờ Việt, đạn ta đang đổ lên đầu giặc Mĩ những đám lửa dữ dội, và những mũi lê nhọn hoắt trong đêm đang bắt đầu xung phong..

(Truyện và kí, NXB Văn học Giải phóng, 1978)

Câu 1. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Nếu tác dụng của ngôi kể.

Câu 2. Người kể chuyện chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn của ai? Nêu một số câu văn cho thấy được cảm xúc xuất phát từ điểm nhìn đó.

Câu 3. Em hãy nêu hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh trong câu “Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng môi và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hỏi Đồng khởi.”

Câu 4. Hãy xác định 03 câu văn là lời của nhân vật Việt, tìm hiểu tâm trạng của việt bộc lộ trong những câu văn đó.

Câu 5. Qua văn bản, em hãy nêu phẩm chất của nhân vật Việt?

Câu 6. Bằng việc tìm hiểu về cảm xúc của nhân vật Việt trước khó khăn, kết hợp với hiểu biết xã hội của em, em hãy trình bày suy nghĩ của em về vấn đề: Bản lĩnh một người được thể hiện rõ nhất ở thái độ của họ khi đối mặt với khó khăn

Bài tập 3. Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu phía dưới:

Anh nhớ không những con đường quê ta
Thân thương từ thuở nhỏ ?
Bao năm tháng đi về trên ngõ
Bao hoàng hôn rậm rịch bước chân trâu
Đường lập loè đom đóm bay cao
Ta ghé cửa nhà nhau xin lửa
Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở
Da diết lòng hương dịu tự vườn cau...

Xưa xóm nghèo mái rạ chen nhau
Gồ ghề lối hẹp
Hun hút bờ tre gió rét
Mưa dầm lầy lội bùn trơn
Bà lưng còng chống gậy bước run
Còm cõi vai gầy gánh nặng
Sương trắng mùa đông ngõ vắng
Quét hoài không hết lá khô...
Ôi những con đường hẹp ngày xưa
Cùng ruộng nhỏ ao con bó luôn tầm mắt
Khiến lòng người nhiều khi cũng chật...
Ta dựng ngày mai rộng biển lúa vàng
Bước đi dài đường phải thênh thang
Vui mở với đời ta như trời rộng…

(Những con đường, Trích Hương cây – 1968 – Lưu Quang Vũ)

Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?

A. Tự do.
B. Hiện đại.
C. Bảy chữ.
D. Tám chữ.

Câu 2. Các từ láy trong khổ thơ đầu:

A. rậm rịch, lập loè, lầy lội, còm cõi.
B. rậm rịch, lập loè, se sẽ, da diết.
C. ghồ ghề, hun hút, lầy lội, còm cõi.
D. se sẽ, da diết, ghồ ghề, hun hút.

Câu 3. Hình ảnh nào không xuất hiện trong đoạn trích?

A. Xóm nghèo mái rạ.
B. Bờ tre hun hút.
C. Đom đóm lập lòe.
D. Dòng sông xanh mát.

Câu 4. Dòng thơ “còm cõi vai gầy gánh nặng” sử dụng biện pháp tu từ nào?

A.So sánh.
B. Nhân hóa.
C. Đảo ngữ.
D. Ẩn dụ.

Câu 5. Cảm xúc chủ đạo của tác giả trong đọan thơ là

A. Ngỡ ngàng.
B. Nhớ thương.
C. Hân hoan.
D. Đau buồn.

Câu 6. Con đường ngày xưa và con đường ngày mai có gì khác nhau?

A. Con đường ngày xưa thân thương, con đường ngày mai xa lạ.
B. Con đường ngày xưa gồ ghề, con đường ngày mai bằng phẳng.
C. Con đường ngày xưa hẹp, con đường ngày mai thênh thang.
D. Con đường ngày xưa lầy lội bùn trơn, con đường ngày mai rực rỡ ánh điện.

Câu 7. Theo văn bản, các câu thơ sau được hiểu như thế nào?

Ôi những con đường hẹp ngày xưa
Cùng ruộng nhỏ ao con bó luôn tầm mắt
Khiến lòng người nhiều khi cũng chật...

A. Điều kiện sống thiếu thốn ảnh hưởng đến tầm nhìn của con người.
B. Điều kiện sống sung túc ảnh hưởng đến tầm nhìn của con người.
C. Điều kiện sống không ảnh hưởng đến lối sống của con người.
D. Cần tạo môi trường sống tốt đẹp để con người được phát triển.

Câu 8. Nêu ngắn gọn nội dung chính của đoạn trích.

Câu 9. Anh/chị có đồng tình với ước vọng của tác giả trong hai câu thơ sau không? Vì sao?

Ta dựng ngày mai rộng biển lúa vàng
Bước đi dài đường phải thênh thang

Câu 10. Thông điệp có ý nghĩa tích cực mà anh/ chị nhận được sau khi đọc đoạn trích?

2. Dạng 2. Viết

Bài 1. Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện (những đặc điểm về cách kể chuyện của tác giả).

Bài 2. Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ.

Bài 3. Viết bài văn nghị luận về vấn đề xã hội.

Bài 4. Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội.

1 167 lượt xem