Giải Lịch sử 11 (Cánh Diều) Bài 1: Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản

Sinx.edu.vn xin giới thiệu giải bài tập Lịch sử lớp 11 Bài 1: Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản sách Cánh Diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh so sánh và làm bài tập Lịch sử 11 Bài 1 dễ dàng. Mời các bạn đón xem:

1 130 lượt xem


Giải bài tập Lịch Sử lớp 11 Bài 1: Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản

Video bài giải Lịch Sử 11 Bài 1: Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản - Cánh diều

Mở đầu trang 4 Lịch Sử 11

Vậy vì sao cách mạng tư sản lại diễn ra? Mục tiêu, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, động lực, kết quả và ý nghĩa của cách mạng tư sản là gì?

Lời giải:

- Các cuộc cách mạng tư sản bùng nổ do đã xuất hiện những tiền đề về kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng.

Mục tiêu: Các cuộc cách mạng tư sản có mục tiêu chung là:

+ Lật đổ chế độ phong kiến, thực dân cùng tàn tích của nó, tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

+ Thiết lập nền thống trị của giai cấp tư sản, mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Nhiệm vụ: Các cuộc cách mạng tư sản có hai nhiệm vụ cơ bản là dân tộc và dân chủ.

Nhiệm vụ dân tộc là: xóa bỏ tình trạng phong kiến cát cứ, đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc, thống nhất thị trường, tạo thành một quốc gia dân tộc gồm đầy đủ bốn yếu tố lãnh thổ chung, ngôn ngữ chung, nền văn hóa chung và nền kinh tế chung.

Nhiệm vụ dân chủ thể hiện thông qua việc: xóa bỏ chế độ phong kiến chuyên chế, xác lập nền dân chủ tư sản, mỗi người dân đều có quyền tự do chính trị, tự do kinh doanh và có quyền tư hữu.

- Lãnh đạo cách mạng tư sản: là giai cấp tư sản và các giai cấp, tầng lớp đại diện cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

- Động lực cách mạng là những giai cấp, tầng lớp tiến hành cách mạng, bao gồm lực lượng lãnh đạo và quần chúng nhân dân (nông dân, công nhân, thị dân, nô lệ,…).

- Kết quả:

+ Các cuộc cách mạng tư sản đều giành thắng lợi, lật đổ chế độ phong kiến, thực dân và thiết lập chế độ tư bản chủ nghĩa.

+ Do điều kiện lịch sử ở mỗi nước khác nhau nên mức độ thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản cũng khác nhau.

- Ý nghĩa: các cuộc cách mạng tư sản đã: dẫn đến xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển; tạo ra nền dân chủ và các thể chế nhà nước dân chủ theo nguyên tắc Tam quyền phân lập.

Câu hỏi trang 5 Lịch Sử 11

Đọc thông tin, quan sát Bảng 1, Hình 2, trình bày tiền đề kinh tế dẫn đến Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và Cách mạng tư sản Pháp.

Đọc thông tin quan sát Bảng 1 Hình 2 trình bày tiền đề kinh tế dẫn đến Cách mạng tư sản Anh

Lời giải:

- Tiền đề kinh tế dẫn đến cách mạng tư sản Anh: Đến đầu thế kỉ XVII, Anh là nước có nền kinh tế phát triển nhất châu Âu, đặc biệt là công nghiệp len, dạ. Sản xuất của công trường thủ công chiếm ưu thế hơn sản xuất của phường hội. Giai cấp tư sản và quý tộc mới giàu lên nhanh chóng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngoại thương.

- Tiền đề kinh tế dẫn đến chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: Đến giữa thế kỉ XVI, công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tại 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ ngày càng phát triển. Ở miền Bắc, các công trường thủ công rất phổ biến. Ở miền Nam, kinh tế đồn điền, trang trại phát triển.

- Tiền đề kinh tế dẫn đến cách mạng tư sản Pháp: đến cuối thế kỉ XVIII, công thương nghiệp ở Pháp đã rất phát triển, đặc biệt là ở những vùng ven biển. Máy móc được sử dụng ngày càng nhiều. Ngoại thương có bước tiến mới, các công ty thương mại Pháp đầy mạnh buôn bán với nhiều nước châu Âu và châu Á.

Câu hỏi trang 6 Lịch Sử 11

Đọc thông tin và quan sát Bảng 2, Hình 3, trình bày tiền đề chính trị của Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và Cách mạng tư sản Pháp.

Đọc thông tin và quan sát Bảng 2 Hình 3 trình bày tiền đề chính trị của Cách mạng tư sản Anh

Lời giải:

- Tiền đề chính trị dẫn đến cách mạng tư sản Anh:

+ Đầu thế kỉ XVII, Anh vẫn là một nước quân chủ chuyên chế, đứng đầu là vua Sác-lơ I. Nhà vua nắm mọi quyền lực, cai trị độc đoán và là chỗ dựa của tầng lớp quý tộc và Giáo hội Anh.

+ Sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế đã gây nên những bất bình sâu sắc trong nhân dân đồng thời cản trở việc kinh doanh làm giàu của tư sản và quý tộc mới.

- Tiền đề chính trị dẫn đến chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ:

+ Đến giữa thế kỉ XVIII, người Anh đã lập được 13 thuộc địa dọc theo bờ Đại Tây Dương ở Bắc Mỹ. Chính phủ Anh thi hành nhiều chính sách kìm hãm sự phát triển kinh tế của Bắc Mỹ. Ví dụ như: đạo luật về ruộng đất năm 1763 ngăn cấm dân di cư về phía tây; các sắc luật về thuế mới năm 1764 đánh vào hàng nhập cảng; luật tem thuế năm 1765 đánh vào các hàng nhập khẩu,...

+ Những chính sách cai trị và đạo luật hà khắc của thực dân Anh đã xâm phạm đến quyền tự do và cản trở sự phát triển kinh tế của Bắc Mỹ, làm cho quan hệ giữa chính quốc với nhân dân thuộc địa ngày càng trở nên căng thẳng.

- Tiền đề chính trị dẫn đến cách mạng tư sản Pháp:

+ Đến cuối thế kỉ XVIII, nước Pháp vẫn duy trì chế độ quân chủ chuyên chế, đứng đầu là vua Lui XVI. Vua có quyền lực tối cao và tuyệt đối.

+ Sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế đã kìm hãm sự phát triển của đất nước, gây nên những bất bình sâu sắc trong nhân dân đồng thời cản trở việc kinh doanh làm giàu của giai cấp tư sản.

Câu hỏi trang 7 Lịch Sử 11

Nêu tiền đề xã hội của Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và Cách mạng tư sản Pháp.

Lời giải:

- Tiền đề xã hội dẫn đến cách mạng tư sản Anh:

+ Sự xâm nhập của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào nông nghiệp đã dẫn đến sự ra đời của tầng lớp quý tộc mới. Sự phát triển của các ngành công - thương nghiệp cũng tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của giai cấp tư sản. Đến giữa thế kỉ XVII, giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc mới ở Anh tuy có thế lực về kinh tế, nhưng lại không có địa vị chính trị tương xứng, lại bị chính quyền phong kiến chuyên chế kìm hãm, do đó họ đã tìm cách tập hợp quần chúng nhân dân để làm cách mạng.

+ Bên cạnh đó, giai cấp nông dân, tầng lớp bình dân thành thị,.. ở Anh bị bóc lột, chèn ép bởi các chính sách cai trị hà khắc của lãnh chúa, quý tộc, nên họ sẵn sàng đi theo giai cấp tư sản và quý tộc mới để làm cách mạng.

- Tiền đề xã hội dẫn đến chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ:

+ Phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa trong các đồn điền đã đưa đến sự hình thành của tầng lớp chủ nô giàu có ở các bang thuộc miền nam Bắc Mỹ. Trong khi đó, ở các bang miền bắc, sự phát triển của các ngành công - thương nghiệp cũng tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của giai cấp tư sản. Đến cuối thế kỉ XVIII, giai cấp tư sản và tầng lớp chủ nô ở Bắc Mỹ tuy có thế lực về kinh tế, nhưng lại không có địa vị chính trị tương xứng, lại bị chính quyền thực dân Anh kìm hãm, do đó họ đã tìm cách tập hợp quần chúng nhân dân để làm cách mạng.

+ Bên cạnh đó, những chính sách cai trị hà khắc của thực dân Anh đã xâm phạm đến quyền tự do của nhân dân Bắc Mỹ, khiến cho mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân Bắc Mỹ với chính quyền thực dân ngày càng sâu sắc.

- Tiền đề xã hội dẫn đến cách mạng tư sản Pháp: xã hội Pháp được chia thành ba đẳng cấp (Tăng lữ, Quý tộc và Đẳng cấp thứ ba) với địa vị chính trị, kinh tế khác nhau:

+ Đẳng cấp Tăng lữ và đẳng cấp Quý tộc chỉ chiếm khoảng gần 2 % dân số nhưng nắm toàn bộ chức vụ quan trọng trong Giáo hội và bộ máy chính quyền.

+ Đẳng cấp thứ ba bao gồm nhiều giai cấp và tầng lớp như: tư sản, nông dân, bình dân thành thị.... Trong đó: giai cấp tư sản đứng đầu Đẳng cấp thứ ba, có thế lực về kinh tế nhưng không có quyền lực chính trị; nông dân và bình dân thành thị chiếm hơn 90% dân số, chịu nhiều áp bức, bóc lột,…

=> Đến cuối thế kỉ XVIII, mâu thuẫn giữa Đẳng cấp thứ ba với tăng lữ và quý tộc ngày càng sâu sắc.

Câu hỏi trang 8 Lịch Sử 11

Dựa vào thông tin ở mục d, trình bày tiền đề tư tưởng của Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và Cách mạng tư sản Pháp.

Lời giải:

- Tiền đề tư tưởng của cách mạng tư sản Anh: Giai cấp tư sản và quý tộc mới ở Anh sử dụng Thanh giáo làm ngọn cờ tư tưởng trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến và chống lại Anh giáo.

- Tiền đề tư tưởng của Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: Tư tưởng dân chủ tư sản của giai cấp tư sản và chủ nô thể hiện qua khẩu hiệu: “Tự do và tư hữu”, “Thống nhất hoàn toàn hay là chết'. Tổ chức tiến bộ là “Hội những người con tự do” với đại diện tiêu biểu là Thô-mát Giép-phéc-sơn.

- Tiền đề tư tưởng của cách mạng tư sản Pháp:

Trào lưu Triết học Ánh sáng (với các đại diện tiêu biểu là: Môngtexkiơ, Vônte, Rútxô,…) đã kịch liệt phê phán tình trạng mục nát, lỗi thời của chế độ phong kiến và Giáo hội Thiên Chúa giáo đương thời, đưa ra những lí thuyết về việc xây dựng nhà nước mới.

Những quan điểm tiến bộ của trào lưu Triết học Ánh sáng đã tấn công vào hệ tư tưởng của chế độ phong kiến, dọn đường cho cuộc cách mạng tư sản bùng nổ, thúc đẩy cách mạng đi lên.

Câu hỏi trang 9 Lịch Sử 11

Phân tích mục tiêu, nhiệm vụ của Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và Cách mạng tư sản Pháp.

Lời giải:

♦ Mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng tư sản Anh:

- Mục tiêu: Lật đổ chế độ phong kiến đứng đầu là vua Sác-lơ I, thiết lập nền thống trị của giai cấp tư sản và quý tộc mới, mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

- Nhiệm vụ: xóa bỏ tính chất chuyên chế phong kiến; xác lập nền dân chủ tư sản.

♦ Mục tiêu, nhiệm vụ của cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ:

- Mục tiêu: Lật đổ ách thống trị của thực dân Anh, giành độc lập dân tộc, thiết lập chính quyền của giai cấp tư sản và chủ nô, mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

- Nhiệm vụ:

+ Nhiệm vụ dân tộc: giành độc lập dân tộc; thống nhất thị trường dân tộc, hình thành quốc gia dân tộc.

+ Nhiệm vụ dân chủ: xác lập nền dân chủ tư sản, đảm bảo các quyền tự do chính trị, tự do kinh doanh và tư hữu tài sản.

♦ Mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng tư sản Pháp:

- Mục tiêu: Lật đổ chế độ phong kiến đứng đầu là vua Lu-i XVI, thiết lập nên thống trị của giai cấp tư sản, mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

- Nhiệm vụ:

+ Nhiệm vụ dân tộc: hình thành thị trường dân tộc thống nhất; Chống ngoại xâm và nội phản, bảo vệ độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng.

+ Nhiệm vụ dân chủ: xác lập nền dân chủ tư sản; xóa bỏ chế độ đẳng cấp, ban hành các quyền tự do, bình đẳng; đảm bảo quyền tư hữu về ruộng đất cho nông dân.

Câu hỏi trang 10 Lịch Sử 11

Đọc thông tin và quan sát Bảng 6, Hình 6, phân tích giai cấp lãnh đạo, động lực cách mạng của Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và Cách mạng tư sản Pháp.

Đọc thông tin và quan sát Bảng 6 Hình 6 phân tích giai cấp lãnh đạo

Lời giải:

♦ Giai cấp lãnh đạo:

- Cách mạng tư sản Anh

+ Cách mạng tư sản Anh đặt dưới sự lãnh đạo của liên minh giữa giai cấp tư sản với tầng lớp quý tộc mới.

Sự tham gia của tầng lớp quý tộc mới trong lực lượng lãnh đạo, là một trong những nguyên nhân đưa đến tính “không triệt để” của cuộc Cách mạng tư sản Anh. Vì: tầng lớp quý tộc mới muốn lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế để tự do sản xuất và kinh doanh, nhưng tinh thần chống phong kiến của họ không triệt để, không quyết tâm xóa bỏ tận gốc chế độ phong kiến mà chỉ muốn cải tạo chế độ phong kiến chuyên chế cho phù hợp với lợi ích của mình.

- Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ:

+ Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ đặt dưới sự lãnh đạo của liên minh giữa giai cấp tư sản với tầng lớp quý tộc mới.

Sự tham gia của tầng lớp chủ nô trong lực lượng lãnh đạo, là một trong những nguyên nhân đưa đến tính “không triệt để” của cuộc cách mạng này. Vì: cơ sở kinh tế của tầng lớp chủ nô là nền kinh tế đồn điền dựa trên sự bóc lột sức lao động của nô lệ, do đó, tầng lớp chủ nô ra sức bảo vệ chế độ nô lệ.

Trong Cách mạng tư sản Pháp: giai cấp tư sản độc quyền lãnh đạo cách mạng.

♦ Động lực cách mạng:

- Động lực của cách mạng tư sản Anh, chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và cách mạng tư sản Pháp bao gồm: lực lượng lãnh đạo và quần chúng nhân dân (nông dân, công nhân, thị dân, nô lệ,…). Trong đó, quần chúng nhân dân là lực lượng chính tham gia vào quá trình đấu tranh chống chế độ phong kiến.

Câu hỏi trang 11 Lịch Sử 11

Trình bày kết quả của Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và Cách mạng tư sản Pháp.

Lời giải:

Kết quả của Cách mạng tư sản Anhlật đổ chế độ quân chủ chuyên chế; thiết lập chế độ quân chủ lập hiến.

- Kết quả của Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ:

+ Lật đổ sự thống trị của thực dân Anh, giành độc lập dân tộc;

+ Đưa đến sự ra đời của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

- Kết quả của Cách mạng tư sản Pháp: lật đổ chế độ phong kiến; thiết lập chế độ Cộng hòa.

Câu hỏi trang 12 Lịch Sử 11

Trình bày ý nghĩa của Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và Cách mạng tư sản Pháp.

Lời giải:

- Ý nghĩa của Cách mạng tư sản Anh: Lật đổ nền quân chủ chuyên chế, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, mở đường cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển.

- Ý nghĩa của Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ:

+ Giải phóng nhân dân Bắc Mỹ khỏi sự thống trị của thực dân Anh, thành lập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, mở đường cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển.

+ Góp phần thúc đẩy phong trào chống phong kiến ở châu Âu và phong trào đấu tranh giành độc lập ở Mỹ Latinh.

+ Là cuộc cách mạng tư sản nêu lên yêu cầu giải phóng dân tộc. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ đã trở thành ngọn cờ tự do với những nguyên lí bất hủ, có ảnh hưởng lớn đối với phong trào cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

- Ý nghĩa của Cách mạng tư sản Pháp:

+ Lật đổ và xóa bỏ mọi tàn dư của chế độ phong kiến.

+ Nông dân được giải phóng, vấn đề ruộng đất được giải quyết; những cản trở đối với công thương nghiệp bị xóa bỏ,.. tạo điều kiện cho chỗ nghĩa tư bản phát triển.

+ Làm cho chế độ phong kiến bị lung lay trên khắp châu Âu.

+ Mở ra thời đại mới: thời đại thắng lợi và củng cố của chủ nghĩa tư bản ở các nước Âu - Mỹ.

Luyện tập 1 trang 12 Lịch Sử 11

Hoàn thành bảng theo mẫu sau về một trong số các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu:

Tiêu chí

Nội dung

Tiền đề

Tiền đề kinh tế: phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh ở các nước Âu - Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công thương nghiệp.

Mục tiêu

 

Nhiệm vụ

 

Lãnh đạo

 

Động lực

 

Kết quả

 

Ý nghĩa

 

Lời giải:

Tiêu chí

Nội dung

Tiền đề

Tiền đề kinh tế: phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời và phát triển mạnh ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, sự phát triển này gặp phải nhiều rào cản từ phía nhà nước phong kiến hoặc chính sách cai trị hà khắc của chính quyền thực dân.

- Tiền đề chính trị: chính sách cai trị của nhà nước phong kiến hoặc chính quyền thực dân đã gây sự bất mãn cho các tầng lớp nhân dân.

- Tiền đề xã hội: bên cạnh giai cấp phong kiến và nông dân, trong xã hội các nước Âu - Mỹ đã xuất hiện những giai cấp và tầng lớp mới như tư sản, quý tộc mới.... Họ đại diện cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và có mâu thuẫn với giai cấp phong kiến hoặc chủ nghĩa thực dân.

- Tiền đề tư tưởng: Các trào lưu tư tưởng của giai cấp tư sản phê phán những giáo lí lạc hậu quan điểm lỗi thời của giai cấp phong kiến và đề xuất những tư tưởng mới tiến bộ thúc đẩy xã hội phát triển.

Mục tiêu

- Lật đổ chế độ phong kiến, thực dân cùng tàn tích của nó, tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

- Thiết lập nền thống trị của giai cấp tư sản, mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Nhiệm vụ

- Nhiệm vụ dân tộc: xóa bỏ tình trạng phong kiến cát cứ, đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc, thống nhất thị trường, tạo thành một quốc gia dân tộc gồm đầy đủ bốn yếu tố lãnh thổ chung, ngôn ngữ chung, nền văn hóa chung và nền kinh tế chung.

- Nhiệm vụ dân chủ thể hiện thông qua việc: xóa bỏ chế độ phong kiến chuyên chế, xác lập nền dân chủ tư sản, mỗi người dân đều có quyền tự do chính trị, tự do kinh doanh và có quyền tư hữu.

Lãnh đạo

- Lãnh đạo cách mạng là giai cấp tư sản và các giai cấp, tầng lớp đại diện cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Động lực

Động lực cách mạng là những giai cấp, tầng lớp tiến hành cách mạng, bao gồm lực lượng lãnh đạo và quần chúng nhân dân (nông dân, công nhân, thị dân, nô lệ,…).

Kết quả

- Các cuộc cách mạng tư sản đều giành thắng lợi, lật đổ chế độ phong kiến, thực dân và thiết lập chế độ tư bản chủ nghĩa.

- Do điều kiện lịch sử ở mỗi nước khác nhau nên mức độ thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản cũng khác nhau.

Ý nghĩa

- Cách mạng tư sản thắng lợi đã đặt dấu mốc cho sự ra đời của chế độ tư bản chủ nghĩa.

- Các bản tuyên ngôn, hiến pháp được công bố trong hoặc sau cách mạng mang tư tưởng tiến bộ về dân tộc, quyền con người, quyền công dân. Do đó, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc cách mạng chống phong kiến và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Á - Phi - Mĩ Latinh.

 

Vận dụng 2 trang 12 Lịch Sử 11

Chọn một trong hai nhiệm vụ sau:

- Sưu tầm tư liệu về các nhà lãnh đạo của Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ, Cách mạng tư sản Pháp. Giới thiệu những tư liệu đó với thầy cô và bạn học.

- Tìm hiểu mối liên hệ giữa bản Tuyên ngôn Độc lập (Mỹ, năm 1776) và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (Pháp, năm 1789) với bản Tuyên ngôn Độc lập (năm 1945) của Việt Nam.

Lời giải:

(*) Thực hiện nhiệm vụ 1:

- Tư liệu về Ô-li-vơ Crôm-oen (lãnh đạo cách mạng tư sản Anh)

+ Ô-li-vơ Crôm-oen (1599 - 1658) là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp quý tộc mới, có nhiều công lao đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi và đã nắm quyền độc tài quân sự trong những năm 1653 - 1658.

+ Năm 1640, Ô. Crôm-oen được bầu làm đại biểu Quốc hội. Trong Quốc hội, ông đã hăng hái chống lại nhà Vua và Giáo hội Anh. Khi cách mạng Anh nổ ra (1642), ông đã tổ chức đạo quân kiểu mới, làm hạt nhân cho quân đội của Quốc hội. Dưới sự lãnh đạo của Ô. Crôm-oen, quân đội Quốc hội đã đánh bại quân đội của nhà vua.

+ Sau khi vua Sác-lơ I bị xử tử (1649), chế độ Cộng hoà được thiết lập. Chính phủ Cộng hoà đã phái Crôm-oen mang quân đội sang chinh phục và đàn áp những cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ai-len.

+ Năm 1650, Crôm-oen dẫn quân đội lên Xcốt-len và mau chóng thu được thắng lợi. Hai năm sau, Crôm-oen lại tiến hành chiến tranh với Hà Lan, buộc nước này phải chấp nhận Luật Hàng hải của Anh. Khi trong nước xảy ra nhiều biến động do quần chúng lớp dưới không thoả mãn với những chính sách của Chính phủ Cộng hoà, bọn sĩ quan cao cấp và bọn đại tư sản ở Luân Đôn đã ủng hộ Crôm-oen thực hiện chế độ độc tài quân sự.

+ Năm 1653, Hội đồng Sĩ quan bầu Crôm-oen làm người đứng đầu Chính phủ và phong cho ông chức vụ suốt đời làm bảo hộ công. Lúc đầu, Crôm-oen còn chia sẻ quyền lợi với Hội đồng Quốc gia, nhưng từ năm 1655, ông nắm tất cả mọi quyền hành, thậm chí không triệu tập cả Quốc hội. Chính vì vậy, lịch sử nước Anh gọi thời kì do ông nắm quyền là Chế độ độc tài quân sự Crôm-oen.

+ Ngày 3/9/1658, Ô. Crôm-oen qua đời, chế độ Bảo hộ công cũng nhanh chóng sụp đổ.

- Tư liệu về Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn (lãnh đạo chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ)

+ G. Oa-sinh-tơn (1732 - 1799) sinh trưởng trong một gia đình chủ nô giàu có ở bang Viếc-gi-ni-a. Ông có thân hình cao lớn, khuôn mặt dài với đôi gò má cao, mũi thẳng, cặp mắt xanh xám ẩn dưới hàng lông mày rậm và mái tóc nâu sẫm. Oa-sinh-tơn là người vô cùng trầm lặng, về cơ bản ông là người tốt bụng nhưng nóng nảy.

+ Năm 16 tuổi, ông đã trở thành kĩ sư và được nhận danh hiệu Thiếu tá quân đội. Trước khi diễn ra cuộc đấu tranh giành độc lập, ông đã từng là chỉ huy quân đội ở bang Viếc-gi-ni-a, tích cực đấu tranh chống lại các chính sách cai trị hà khắc của chính quyền Anh.

+ Ngay từ đầu cuộc Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ, Đại hội đã bầu Oa-sinh-tơn làm tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang của nghĩa quân (15/6/1775). Ở chức vụ này, ông đã thể hiện những phẩm chất đạo đức cao cả, lòng dũng cảm, tài chỉ huy quân sự của mình. Với ông, “gươm đao là giải pháp cuối cùng để bảo vệ tự do của chúng ta, vì thế nó phải là vật đầu tiên cần dỡ bỏ khi tự do ấy được thiết lập vững vàng”. Quốc hội đã nhiều lần trao cho ông những quyền hạn lớn, thậm chí quyền độc tài. Ông rất có uy tín trong quần chúng nhân dân và là người có vai trò thúc đẩy cuộc Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ giành thắng lợi. Vào cuối cuộc chiến tranh, một nhóm sĩ quan phản động âm mưu tổ chức xây dựng chế độ quân chủ và đề nghị trao ngai vàng cho Oa-sinh-tơn. Ông đã từ chối lời đề nghị đó. Trong quá trình diễn ra cuộc chiến tranh, ông dựa vào thế hiểm trở của rừng núi, tạo ra cách đánh du kích, bắn tỉa từ xa. Quân Anh chỉ quen cách đánh dàn trận hàng ngang và đánh giáp lá cà, nên bị thất bại nhanh chóng.

+ Tháng 10/1777, quân khởi nghĩa dưới sự chỉ huy của G. Oa-sinh-tơn đã giành thắng lợi lớn tại Xa-ra-tô-ga. Tiếp đó, nghĩa quân giành thắng lợi ở nhiều trận khác, buộc Anh phải kí Hiệp ước Véc-xai năm 1783.

+ Với Hiệp ước Véc-xai năm 1783, cuộc Chiến tranh giành độc lập kết thúc, các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ được giải phóng và thực dân Anh phải công nhận nền độc lập ở nơi này. Năm 1787, Hiến pháp của Mĩ được soạn thảo dưới sự chủ trì của G. Oa-sinh-tơn. Năm 1789, G. Oa-sinh-tơn được bầu làm tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và được tái cử nhiệm kì hai vào năm 1792. Với những đóng góp to lớn đó, tên của ông đã được đặt cho thủ đô của nước Mĩ - Thủ đô Oa-sinh-tơn.

- Tư liệu về M. Rô-be-spi-e (lãnh đạo tiêu biểu trong cách mạng tư sản Pháp)

+ M. Rô-be-spie, nhà cách mạng tư sản cánh tả trong thời kì Cách mạng tư sản Pháp (1789 - 1794), người lãnh đạo chủ chốt của phái Giacôbanh - phái đã đưa cuộc cách mạng lên đỉnh cao nhất.

+ M. Rô-be-spie sinh năm 1758 ở An-rát, trong một gia đình luật sư. Trước năm 1789, ông từng làm luật sư ở An-rát và nổi tiếng ở quê hương qua những vụ kiện chính trị, những tác phẩm triết học và những bài báo đả kích chế độ phong kiến. Rô-be-spie chịu ảnh hưởng sâu sắc những tư tưởng triết học của Rut-xô.

+ Năm 1789, đẳng cấp thứ ba ở An-rát đã cử Rô-be-spie làm đại biểu tham gia Hội nghị ba đẳng cấp và ông được bầu vào Quốc hội. Ông đứng đầu cánh tả, còn gọi là phái Núi, đấu tranh kiên quyết chống lại phái hữu để bảo vệ quyền lợi của bình dân và đòi đưa vua Lu-i XVI ra xét xử.

+ Ban đầu, những bài phát biểu của ông ở Quốc hội lập hiến không có kết quả gì. Người ta không chú ý đến ông và không nghe những gì ông nói. Họ buồn cười vì điệu bộ có vẻ khoa trương mà giọng nói lại nhỏ nhẹ của ông. Song, chẳng có gì khiến Rô-be-spie sợ hãi và bối rối. Ông yêu cầu được phát biểu về mọi vấn đề quan trọng và bất chấp thái độ của phần lớn đại biểu trong Quốc hội lập hiến, kiên quyết, nhẫn nại bảo vệ quyền lợi của nhân dân, đòi thi hành quyền phổ thông đầu phiếu, quyền bình đẳng chính trị. Những đề nghị của Rô-be-spie bao giờ cũng bị đại đa số dại biểu trong Quốc hội lập hiển bác bỏ. Nhưng có điều lạ là những lời phát biểu của ông tuy không có kết quả gì, nhưng lại buộc những người nghe dần dần thay đổi thái độ của mình. Khi Rô-be-spie bước lên diễn đàn, không còn có sự thờ ơ, không có tiếng cười mà chỉ có sự im lặng thù địch, cảnh giác bao trùm cả phòng họp. Điều này chứng tỏ người ta phải chú ý lắng nghe giọng nói của ông.

+ Trong những năm 1790 - 1791, ông trở thành nhà hoạt động chính trị chung của cả nước. Năm 1793, là lãnh tụ xuất sắc của phái Giacôbanh. Mỗi khi ông xuất hiện ở các cuộc họp của phái Giacôbanh, thì người ta vỗ tay nồng nhiệt đón tiếp.

+ Cuộc khởi nghĩa ngày 31/5/1793 do nhân dân Pa-ri tiến hành, đưa phái Giacôbanh - đứng đầu là Rô-be-spie lên nắm chính quyền. Quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của phái Giacôbanh đã liên tiếp đánh bại và đẩy lùi quân đội can thiệp của các nước châu Âu ra ngoài biên giới. Nhưng rồi trong nội bộ của phái Giacôbanh có sự phân hoá: một bộ phận giàu có muốn dừng cuộc cách mạng lại, còn đa số những người nghèo khổ muốn thúc đẩy cách mạng tiến lên hơn nữa. Mặt khác, những chính sách của phái Giacôbanh không đáp ứng đầy đủ quyền lợi cho quần chúng nghèo khổ, cho nên nhiệt tình cách mạng của họ không được như trước nữa.

+ Ngày 9 tháng Téc-mi-do (tháng nóng), năm thứ II của nền Cộng hoà (27/7/1794), bọn phản động và thoái hoá trong Quốc hội đã tấn công và bắt giam Rô-be-spie. Sáng ngày 10 tháng Téc-mi-do (28/7), Rô-be-spie cùng các bạn chiến đấu của mình đã bị đưa lên máy chém không qua xét xử.

1 130 lượt xem