Tác giả tác phẩm Chiếc lược ngà (Cánh Diều 2024) Ngữ văn 9 chi tiết nhất
Tác giả tác phẩm Chiếc lược ngà Ngữ văn lớp 9 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 9. Mời các bạn đón xem:
Tác giả - Tác phẩm: Chiếc lược ngà - Ngữ văn lớp 9 Cánh diều
I. Tác giả văn bản Chiếc lược ngà
- Nguyễn Quang Sáng (1932- 2014)
- Quê quán: Thị trấn Mỹ Luông-huyện Chợ Mới-tỉnh An Giang
- Sự nghiệp sáng tác:
+ Ông bắt đầu viết truyện từ năm 1954
+ Năm 1955, ông làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng
+ Sau khi đất nước thống nhất, ông về thành phố Hồ Chí Minh và làm Tổng thư kí Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh các khóa I,II,III
+ Năm 2000 ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật
+ Các tác phẩm tiêu biểu: “Người con đi xa”, “Người quê hương”, “Bông cẩm thạch”
- Phong cách sáng tác: Các sáng tác của ông thường là về cuộc sống và con người Nam Bộ. Truyện ông thường có cốt truyện và lựa chọn các tình huống hết sức đặc sắc và giàu kịch tính. Truyện ngắn của ông thường rất giản dị vừa hiện đại và có âm hưởng.
II. Tìm hiểu văn bản Chiếc lược ngà
1. Thể loại
- Tác phẩm Chiếc lược ngà thuộc thể loại: truyện ngắn.
2. Xuất xứ
- Trích trong 25 truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, NXB Thông tin, Hà Nội, 1990.
3. Phương thức biểu đạt
- Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
4. Bố cục đoạn trích
- Phần 1 (từ đầu đến 'chị cũng không muốn bắt nó về'): Ông Sáu trở về thăm nhà trong ba ngày nghỉ phép nhưng bé Thu không nhận ông là ba.
- Phần 2 (tiếp theo đến 'vừa nói vừa từ từ tuột xuống'): Bé Thu nhận ra ba và cuộc chia tay của hai cha con.
- Phần 3 (đoạn còn lại): Ông Sáu hi sinh ở chiến trường và chuyện chiếc lược ngà.
5. Giá trị nội dung
- Truyện ngắn nói về tình cảm gia đình đặc biệt là tình cha con sâu nặng cao đẹp trong hoàn cảnh chiến tranh éo le.
6. Giá trị nghệ thuật
- Truyện kể theo điểm nhìn của bác Ba giúp tăng tính khách quan.Truyện thành công trong việc tạo dựng tình huống bất ngờ, tự nhiên và hợp lí, thành công nữa là miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc qua suy nghĩ, hành động và lời nói.
III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Chiếc lược ngà
1. Ông Sáu và bé Thu phải sống trong hoàn cảnh chia li bởi chiến tranh
- Ông Sáu là một chiến sĩ hoạt động trên chiến trường, suốt 8 năm ròng ông chưa từng được gặp mặt đứa con gái của mình
- Đồng nghĩa suốt 8 năm bé Thu chỉ biết cha qua tấm ảnh chụp chung với mẹ nó
⇒ Chiến tranh đẩy con người vào hoàn cảnh xa cách
2. Tình cảm cha con sâu nặng giữa ông Sáu và bé Thu
a. Lúc còn ở rừng
- Ông Sáu nhớ thương con vô cùng, khao khát gặp con, được sống trong tình yêu thương của con
- Khi gặp con:
+ Thuyền chưa cập bến đã nhảy vội lên bờ gọi con
+ Đáp lại bé Thu ngạc nhiên , sợ hãi, vụt bỏ chạy
b. Trong ba ngày ngày nghỉ phép
- Ông Sáu khao khát tình cảm của con bao nhiêu thì bé Thu lại hoàn toàn lạnh lùng trước mọi tình cảm của cha
+ Ông càng xích lại gần, bé Thu càng lùi xa
+ Ông càng chiều bé Thu bao nhiêu, bé Thu càng lẩn tránh
+ Ông càng mong nghe được tiếng ba, bé Thu coàng cố tình trốn tránh
+ Ngay cả khi bé Thu bị lâm vào thế bí “nồi cơm sôi sùng sục nó cũng không chịu cất lên cái tiếng mà ba nó mong đợi
+ Trong bữa cơm, hành động hất cái trứng cá của bé Thu là hành động đỉnh điểm nhất khiến ông Sáu thực sự đau lòng
⇒ Ông Sáu nhận ra tình cảm không dễ gì gượng ép, vì vậy ông cam chịu
- Bé Thu cũng là một người thương yêu ba của mình vô cùng
+ Tất cả những thái độ ương nhạnh ngang bướng của bé Thu đối với ông Sáu lại là biểu hiện tuyệt vời của tình phụ tử bởi Thu chỉ có duy nhất một người cha là người trong bức ảnh chụp với má nó
+ Khi Thu được bà ngoại giảng giải người có vết thẹo chính là ba em ⇒ Tình yêu thương dành cho ông Sáu tăng lên gấp bội
+ Trong khoảnh khắc cuối cùng trước lúc ông Sáu lên đường, Thu chạy ra ôm hôn cha
+ Hành động cùng giọt nước mắt ân hận của bé Thu chảy đầm đìa trên má, trên cằm khiến ông không kìm nén được xúc động
⇒ Tình cảm giữa hai cha con ông Sáu và bé Thu là vô cùng sâu nặng
c. Lại những ngày ông Sáu xa con
- Ông Sáu thương nhớ con, ân hận vì mình đã đánh con.
- Tình yêu thương con đã khiến ông tự tay làm chiếc lược ngà thực hiện lời hứa với con.
- Khi bị thương nặng ông đã dồn tất cả tàn lực của mình trao chiếc lược ngà cho ông Ba như một lời chăng chối cuối cùng.
⇒ Tình cảm cha con trong lòng ông Sáu là một tình cảm bất diệt, chiến tranh có thể hủy diệt thân xác ông nhưng không thể hủy diệt tình cảm cha con của ông Sáu và bé Thu kết tinh trong chiếc lược ngà.
IV. Các bài văn mẫu
Đề bài: Phân tích bài Chiếc lược ngà
Bài tham khảo 1
“Khi con tát cạn biển Đông
Thì con mới hiểu tấm lòng của cha”
Tình cảm cha con mãi mãi là đề tài sâu sắc và ý nghĩa. Nguyễn Quang Sáng thấu hiểu được vấn đề ấy nên đã có những bài văn viết về tình cha con rất đặc sắc. Nguyễn Quang Sáng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông bắt đầu viết văn sau năm 1954 và đề tài chủ yếu là cuộc sống con người Nam Bộ. Ông sáng tác nhiều truyện ngắn nhưng tác phẩm tạo được tiếng vang nhất là truyện ngắn “Chiếc lược ngà”. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966 khi hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. “Chiếc lược ngà” đã thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong tình cảnh éo le của chiến tranh.
Chiến tranh đi qua nhưng mãi mãi để lại trong lòng mọi người một nỗi khiếm khuyết, một nỗi đau rất khó lành. Nó đã chia cắt con người ta rất nhiều thứ, như tình cảm gia đình, tình cha con hay tình mẫu tử. Thấu hiểu được nỗi đau khổ ấy, Nguyễn Quang Sáng đã viết nên một câu chuyện ngắn “Chiếc lược ngà” là câu chuyện về tình cha con gây xót xa người đọc. Tình huống chuyện được Nguyễn Quang Sáng xây dựng rất tinh tế. Tình huống thứ nhất là anh Sáu được về thăm nhà 3 ngày sau mấy năm trời xa cách. Thế nhưng éo le thay là bé Thu lại không chấp nhận anh Sáu là ba vì một số hiểu lầm của cô bé. Nhưng đến khi anh Sáu sắp quay lại chiến khu thì cô bé mới chịu nhận anh Sáu là ba. Tình huống thứ hai là khi quay lại chiến khu anh Sáu đã làm tặng con gái một chiếc lược ngà, nhưng chưa kịp trao tặng tay cho con thì anh Sáu đã hi sinh. Tình huống truyện có phần éo le, bi kịch, nhưng tình tiết diễn ra đều rất tự nhiên như đúng ý tưởng mà nhà văn sáng tác nên.
Thu - một nhân vật được Nguyễn Quang Sáng xây dựng đặc sắc với ngôn ngữ thoại và tính cách nổi bật. Đầu tiên, là thái độ và hành động của bé Thu trước khi nhận anh Sáu là ba. Một cô bé sống với mẹ sau mấy năm trời ròng rã xa bố. Thu chỉ biết nhìn bố qua tấm ảnh mẹ đưa. Đến khi thuyền anh Sáu cập bến anh cất tiếng gọi “Thu!Con” đã làm cô bé giật mình. Một cô bé chừng tám tuổi, “tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi”. Với cái độ tuổi và sự hồn nhiên ấy sẽ dễ bị hoảng sợ khi gặp một người lạ mà có cách kêu thân mật với mình. Bé Thu “giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác lạ lùng”. Một cảm giác hoảng hốt và đầy nỗi sợ hãi của Bé Thu. Với việc miêu tả tâm lí nhân vật qua tài tình Nguyễn Quang Sáng đã tái hiện lại y như thật với cách viết rất tinh tế. Sau đó con bé “vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má”. Tiếng kêu ấy như xé lòng, cho thấy bé Thu thật sự rất sợ hãi. Bé chỉ biết dựa vào mẹ của mình, vì nhiều năm trời chỉ biết mỗi có mẹ. Một sự thiếu thốn tình cảm ấy khiến cô bé trở nên rất đáng thương. Những nỗi đau khổ ấy đều cho chiến tranh mà ra.
Khi anh Sáu ở nhà ba ngày đã có những lần anh Sáu và bé Thu giao tiếp với nhau nhưng tất cả con bé đều trả lời trống rỗng không đầu không đuối khiến anh Sáu đau lòng. Như gọi anh Sáu ăn cơm bé Thu nói rỗng: “Vô ăn cơm” hay “cơm chín rồi”. Với cách miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc và am hiểu tính cách trẻ con nên tác giả đã xây dựng những câu thoại rất tự nhiên và hợp tình hợp lí. Từ đó, khiến không ít đọc giả đau lòng thay anh Sáu biết bao. Xa con bao nhiêu năm ròng rã, ngày trở về chỉ mong con gái nhận ba. Nhưng hoàn cảnh đã đi ngược lại mọi dự tính của anh Sáu, tất cả đều khiến anh đau lòng. Ngoài ra cô bé này còn nhiều lần nói rỗng khi chưa chịu nhận anh Sáu là ba như: “Cơm sôi rồi chắt nước giùm cái!” hay “Cơm sôi rồi nhão bây giờ”.
Những lời nói trống không ấy không thể nào trách cứ được bé Thu vì đó cũng là tâm lí của bao đứa trẻ con trong hoàn cảnh ấy. Ngay cả khi lên ăn cơm anh Sáu gắp cá cho mà cô bé còn hất văng ra đất. Sự ương ngạnh của bé Thu đúng là tâm lí và tính cách trẻ nhỏ nên không đáng trách. Trong hoàn cảnh chiến tranh, Thu còn quá nhỏ nên không thể hiểu được những tình thế khắc nghiệt, éo le. Phản ứng rất tự nhiên chứng tỏ bé Thu có cả tính mạnh mẽ, tình cảm sâu sắc và chân thật. Bé chỉ yêu khi tin chắc người đó đúng là ba của mình. Trong thái độ cứng đầu của bé ẩn chứa cả sự kiêu hãnh dành cho người cha thân yêu - tức là người đàn ông điển trai trong tấm hình chụp chung với má.
Bé Thu mãi mãi là cô bé đáng yêu nhất trong việc xây dựng nhân vật trong truyện ngắn này của tác giả Nguyễn Quang Sáng. Sau tất cả tác giả cũng để cho nhân vật mình nhận ra ba của mình, một chuỗi chi tiết lấy đi không ít nước mắt của người đọc, người nghe. Bé Thu nhận ra ba khi được bà ngoại dạy và kể câu chuyện cảm động: Thu không nhận anh Sáu là ba vì trên mặt anh Sáu có vết sẹo dài không giống như lúc mẹ cho Thu coi. Bà đã kể đó là vết sẹo đó do anh Sáu đi đánh Tây để lại. Cô bé hiểu chuyện nên đã biết mình nên làm gì vào sáng hôm sau khi anh Sáu chuẩn bị quay lại chiến trường. Thu đã nhận ba: con bé kêu thét lên: “Ba…a…a…! Ba!”.
Tiếng kêu ấy thật xé lòng cả anh Sáu và lẫn bé Thu và biết bao những người chứng kiến lúc ấy. Những điều ấy cho thấy nghệ thuật tài hoa trong việc miêu tả tâm lí và diễn biến cốt truyện của Nguyễn Quang Sáng. Cô bé Thu đã ôm chầm lấy ba của mình và nhất định không cho ba đi: “Con bé hét lên, hai tay ôm chặt lấy cổ…”. Chi tiết ấy được Nguyễn Quang Sáng miêu tả rất chân thật và lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Qua việc miêu tả diễn biến tâm lí, ngôn ngữ và hành động của bé Thu, tác giả đã làm nổi rõ một số nét trong tính cách nhân vật. Tình cảm cha con của bé Thu thật sâu sắc, mạnh mẽ, nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi. Cá tính của bé Thu cứng cỏi đến mức ương ngạnh, nhưng thực ra Thu rất hồn nhiên, ngây thơ. Tác giả tỏ ra am hiểu và diễn tả rất sinh động tình cảm trẻ thơ trong sáng.
“Người ba nào mà chẳng thương con-chỉ là cách thể hiện tình cảm của mỗi người mỗi khác”. Câu nói ấy thật đúng! Anh Sáu khi quay lại chiến trường đã luôn thương nhớ về đứa con gái bé bỏng của mình. Lúc chuẩn bị ra đi anh Sáu “Hai tay buông lỏng xuống như bị gãy…” Anh Sáu lúc ấy rất đau khổ, đau hơn cả trăm mũi tên cùng bắn vào tim anh. Cảm giác ấy có lẽ ai đã làm ba sẽ hiểu, nhưng với lối viết và ngôn ngữ gợi tả tinh tế chi tiết đã làm mọi người đều cảm nhận sự đau khổ tột cùng của anh Sáu. Anh thương con! Thương hơn cả sinh mệnh của bản thân anh. Nhưng vẫn còn chuyện làm anh ray rứt mãi là đã đánh bé Thu trong lúc con bé ương ngạnh không nhận tình cảm của anh.
Về chiến khu anh đã làm ngay một chiếc lược ngà bằng tất cả tình yêu và tâm huyết. Anh vui mừng khi tìm được “khúc ngà” và “mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”! “Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”. Những chi tiết ấy được Nguyễn Quang Sáng miêu tả tỉ mỉ và rất chân thực. Điều đó làm người đọc cảm nhận được nhiều hơn tình cảm và tâm huyết của anh Sáu vào chiếc lược ngà. Anh hi vọng với chiếc lược này sẽ chảy lên mái tóc óng ánh của con gái, chảy đi bao muộn phiền uẩn khúc của hai cha con. Để mai này con gái anh lớn lên nó sẽ luôn nhớ về người ba từng yêu con bé rất sâu sắc!
Với việc xây dựng tính cách và tâm lí nhân vật rất tinh tế, sâu sắc, tình huống truyện tự nhiên hợp lí. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đã tái hiện chân thật và sâu sắc về tình cảm cha con sâu nặng. Qua đó, tố cáo tội ác chiến tranh đã gây ra biết bao nghịch cảnh éo le, ngang trái mà điển hình là câu chuyện của cha con bé Thu và anh Sáu. Nhưng sau tất cả “ba vẫn mãi là ba của con” đúng như câu nói ấy. Bé Thu, anh Sáu đã trao yêu thương cho nhau qua “Chiếc lược ngà” mà anh Sáu dành tặng cho con gái-đó là tài sản quý báu nhất của bé Thu! Từ đó, tác giả đã cho ta thấy một triết lí sống rất nhân văn:
“Cha là tất cả cha ơi
Ngàn năm con vẫn trọn đời yêu thương”
Bài tham khảo 2
Nguyễn Quang Sáng viết tác phẩm “Chiếc lược ngà” khi mà miền Bắc nước ta đã giải phóng đang tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, tăng gia sản xuất và chi viện cho tiền tuyến Miền Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nam - Bắc chia hai nhiều người con miền Bắc đã phải đi bộ dọc rừng Trường Sơn để vào Miền Nam đánh Mỹ cứu nước thống nhất nước nhà, nhiều gia đình vì thế mà ly biệt.
Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” tố cáo tội ác của chiến tranh, tố cáo chiến tranh phi nghĩa mà giặc Mỹ đã gieo xuống dân tộc ta, làm cho đất nước ta phải chia hai. Nhiều người con phải xa cha, người vợ xa chồng.
Truyện ngắn kể về cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của anh Sáu một chiến sĩ cách mạng với ba ngày nghỉ phép về thăm nhà, được gặp cô con gái đầu lòng chưa từng nhìn thấy mặt. Con bé Thu không nhận ra ba mình, bởi nó chỉ nhìn thấy hình ảnh anh Sáu qua bức ảnh chụp ngày ba mẹ cưới nhau. Còn anh Sáu hiện tại thì già hơn, sương gió hơn, đặc biệt là vết sẹo do chiến tranh để lại làm khuôn mặt anh có nhiều biến dạng.
Thu là một có bé cá tính, có chút ngang ngạnh, gai góc. Nhưng cũng là người sống vô cùng nội tâm, sâu sắc. Những ngày anh Sáu về phép nó nhất quyết không chịu nhận anh làm ba. Nói năng với anh chỉ trống không. Nhưng khi anh sắp phải lên đường đi công tác nhận nhiệm vụ mới, thì nó òa khóc. Ôm chầm lấy ba mà nói “Không cho ba đi. Ba phải ở nhà với con”. Tình cảm cha con thật thiêng liêng, xúc động khiến nhiều người đọc phải nghẹn ngào bật khóc.
Tác giả Nguyễn Quang Sáng đã vô cùng tinh tế khi khắc họa cô bé Thu láu lỉnh, gai góc nhưng có cá tính riêng, nội tâm sâu sắc. Anh Sáu là người cha thương con, nhẫn nhịn thể hiện tình cảm cha con bền chặt, ruột thịt gắn bó không gì có thể chia cắt được.
Những ngày ở khu căn cứ, anh Sáu đã dành thời gian tình cảm của mình làm tặng cho con gái một chiếc lược ngà để tặng cô con gái bé bỏng. Trong một trận càn của giặc, không may anh Sáu bị thương nặng. Trước lúc nhắm mắt, anh chỉ biết trao cây lược ngà cho người bạn thân, đồng đội chiến đấu của mình để mang về tặng cô con gái giúp mình.
Món quà đầu tiên và cũng là cuối cùng chứa đựng biết bao tình cảm sâu sắc, thiêng liêng của người cha dành cho con. Tình huống truyện vô cùng độc đáo, thể hiện nỗi đau của chiến tranh khi đã làm tan nát nhiều gia đình hạnh phúc, yên ấm.
Tình huống truyện được tác giả Nguyễn Quang Sáng thể hiện vô cùng khéo léo, tinh tế: Cuộc gặp gỡ định mệnh của hai cha sau bao năm xa cách. Bé Thu là một cô bé mong muốn có cha, luôn khao khát gặp ba. Nhưng khi gặp ba thì em lại không nhận ra. Sự lạnh nhạt của em dành cho ba ông Sáu trong những ngày nghỉ phép thể hiện sự trẻ con của một cô bé tám tuổi.
Anh Sáu khi được nghỉ phép về nhà nhìn thấy con gái anh vui mừng ôm chầm lấy con bằng tình cảm nồng nàn của người cha phải xa đứa con gái bé bỏng lâu ngày. Nhưng đáp lại tình cảm của anh con bé Thu chỉ hững hờ tránh né, tỏ vẻ xa lánh và coi anh như người lạ.
Khi má bảo gọi bà vào ăn cơm con bé chỉ ra ngoài và đáp trống không “Vô ăn cơm”. Kể cả khi má không có nhà nó muốn nhờ anh Sáu bỏ bớt nước nồi cơm cho mình nhưng không biết xưng hô như thế nào. Nó cũng nói trống không nhất quyết không gọi anh Sáu bằng ba. Không nhờ anh Sáu. Anh Sáu im lặng chú ý xem con định làm như thế nào thì con bé nhanh nhẹn lấy muôi múc từng ít nước bỏ đi cho cơm khỏi nhão.
Trong bữa ăn cơm anh Sáu thương con gắp thức ăn cho nó nhưng nó hất tay anh ra làm cho miếng thức ăn rơi xuống đất, hành động của nó khiến anh giận dữ và đánh cho con bé một cái vào mông. Con bé bỏ cơm rồi chèo thuyền sang nhà bà ngoại.
Diễn biến tâm lý của cô bé Thu được tác giả Nguyễn Quang Sáng thể hiện rất sinh động chi tiết, khiến người đọc cảm nhận được cô bé là người cá tính, gai góc giống như một con nhím nhỏ luôn xù lông của mình ra để bảo vệ lớp thịt mềm yếu bên trong. Nội tâm của con bé Thu vô cùng sâu sắc, tình cảm.
Trong thái độ cứng đầu của bé Thu thể hiện tình cảm thiêng liêng mãnh liệt của cô bé dành cho cha mình, bởi cô bé không biết ông Sáu mặt có vết sẹo kia chính là ông Sáu trong bức hình chụp cùng mẹ ngày cưới. Nên cô bé mới có thái độ chống đối như vậy mà thôi.
Ba ngày phép ngắn ngủi rồi cũng qua, ngày ông Sáu chuẩn bị lên đường đang bịn rịn chia tay người nhà thì bất chợt cô bé Thu cất tiếng gọi rồi nó lao vào ôm ba “không cho ba đi” vừa nói nó vừa khóc, nghe thật cảm động xót xa, thể hiện tình cảm của một người con không muốn ba mình đi xa. Tiếng ba mà cô bé Thu gọi thể hiện sự dồn nén bao lâu trong tâm hồn cô bé. Nó là tiếng gọi tha thiết từ đáy lòng của người con dành cho ba của mình.
Tác phẩm Chiếc lược ngà hấp dẫn người đọc bởi cốt truyện đơn giản nhưng chặt chẽ. Tác giả đã khai thác tâm lý nhân vật vô cùng tinh tế, thể hiện sự chuyển đổi tâm lý nhân vật vô cùng sâu sắc, khắc họa thành công nhân vật bé Thu vừa trẻ con ngây thơ, vừa người lớn gan góc cứng đầu. Nhưng dù ở hướng nào thì cô bé Thu cũng là người con vô cùng đáng yêu.
Sự hy sinh của anh Sáu và kỷ vật mà anh để lại cho con gái mình khiến cho nhiều người đọc cảm thấy xót xa, nghẹn ngào, tội ác của chiến tranh là vô cùng to lớn. Chính chiến tranh đã làm cho những người con không được gần cha, nhiều người vợ không được gần chồng. Nhiều gia đình ly tán.
Truyện ngắn 'Chiếc lược ngà” đã miêu tả thành công, xúc động sự chuyển biến tâm trạng của nhân vật bé Thu và tình cảm sâu sắc của người cha anh Sáu dành cho cô con gái bé bỏng của mình.