TOP 21 mẫu Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (HAY NHẤT 2024)

TOP 21 mẫu Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (HAY NHẤT 2024) - Trọn bộ văn mẫu Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức giúp bạn học tốt Tiếng Việt lớp 4.

1 71 lượt xem


Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích

Đề bài: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (mẫu 1)

Ngày xưa, có một em bé rất thông minh tên em là Mã Lương. Cha mẹ em mất sớm. Em thích học vẽ từ nhỏ nhưng không có tiền để mua bút. Hàng ngày em tập vẽ bằng cách đi kiếm củi, em lấy que vạch xuống đất vẽ những con chim bay trên trời. Lúc cắt cỏ, em nhúng tay xuống nước vẽ con cá con tôm. Khi về nhà, em vẽ mọi đồ đạc lên tường.

Mã Lương học vẽ rất say mê và em tiến bộ rất mau. Em vẽ cái gì cũng giống như thật nhưng chỉ khổ nỗi là không có bút.

Một hôm, nằm mơ em thấy có một ông già râu tóc bạc phơ hiện ra đưa cho em một chiếc bút và nói:

- Đây là bút thần, nó sẽ giúp con nhiều.

Mã Lương vui sướng reo lên.

- Cây bút đẹp quá! Cháu cảm ơn ông, cảm ơn ông!

Mã Lương chưa kịp nói hết lời ông già đã biến mất. Khi tỉnh dậy, em thấy mình đang cầm cây bút thần đó và rất lấy làm lạ.

Mã Lương cầm cây bút vẽ con chim, chim tung cánh hay, vẽ con cá, cá trườn xuống nước. Mã Lương rất thích, rồi em cầm cây hút này đi vẽ cho những người nghèo khó trong làng, nhà nào thiếu cái gì Mã Lương vẽ cho cái đấy.

Chuyện đến tai tên địa chủ. Hắn liền sai người đến bắt Mã Lương về nhà vẽ theo ý hắn. Mã Lương tính tình khảng khái nên không vẽ bất cứ cái gì mà tên nhà giàu độc ác yêu cầu. Hắn tức giận nhốt em vào trong chuồng ngựa. Vài hôm sau, hắn cứ tưởng là Mã Lương chết vì đói và lạnh. Lúc nhìn thì thấy Mã Lương đang ăn bánh và ngồi cạnh lò sưởi, hắn tức quá, bắt bọn đầy tớ đến giết Mã Lương để lấy cây bút thần.

Mười tên đầy tớ xông vào chuồng ngựa thì Mã Lương đã vượt qua tường bằng chiếc thang mà em vẽ. Thoát khỏi nhà tên địa chủ, Mã Lương vẽ một con ngựa và nhảy lên mình ngựa phóng đi. Chẳng bao lâu có tiếng ồn ào ở sau lưng, Mã Lương biết là bọn chúng tới gần, em giương cung bắn vào lên địa chủ và cưỡi ngựa phi thẳng. Sau mấy ngày đêm em dừng lại bên thị trấn nhỏ. Hàng ngày em vẽ tranh để đem bán sống qua ngày nhưng đều cố tình vẽ dở dang. Một hôm khi vẽ một con chim không có mắt, em vô tình đánh rơi giọt mực, mực rơi đúng vào chỗ mắt chim, con chim tung cánh bay. Việc đó làm chấn động đến cả thị trấn, rồi đến tai vua, vua bắt Mã Lương vào cung để vẽ. Mã Lương biết vua là kẻ tham lam nên em không vẽ, vua bảo em vẽ con rồng thì em vẽ con cóc ghẻ, vua bảo em vẽ con phượng thì em vẽ con gà trụi lông, nhà vua tức tối nhốt Mã Lương vào ngục và cướp cây bút thần. Nhà vua vẽ núi vàng song khi xem lại thì không phải là quả núi vàng mà là những tảng đá lớn. Rồi lão lại vẽ tiếp những thỏi vàng. Một viên chưa đủ, hắn còn muốn vẽ một thỏi vàng dài thật là dài, lúc nhìn lại thì không phải là thỏi vàng mà là một con mãng xà đang bò lại phía hắn. May có người đến cứu, nếu không thì nó đã cắn chết nhà vua. Biết nếu không có Mã Lương thì sẽ không làm gì được, vua đành thả Mã Lương ra và hứa sẽ gả công chúa cho. Mã Lương giả vờ đồng ý. Vua trả bút thần cho em vào bảo em vẽ biển, biển mênh mông không có sóng. Nhà vua ngắm nhìn rồi bảo:

- Sao biển này không có cá?

Mã Lương chấm vài chấm, biển hiện lên đầy cá khiến vua rất thích thú. Vua bảo Mã Lương vẽ một con thuyền để đi dạo. Có thuyền rồi, vua và các quần thần cùng hoàng hậu, công chúa, thái tử lên thuyền ra khơi.

Thuyền đi quá chậm. Vua đứng trên mũi thuyền kêu lớn:

- Cho gió to lên, cho gió to lên!

Mã Lương tô thêm vài nét bút đậm. Sóng biển nổi lên. Mã Lương lại tô thêm vài nét sóng nữa, sóng biển nổi lên cuồn cuộn. Biển động, Vua cuống quýt kêu lên:

- Đừng cho gió thổi nữa. Đừng cho gió thổi nữa!

Mã Lương không hề đếm xỉa đến những lời nói đó mà cứ thế vẽ những đường cong lớn. Sóng biển xô vào bờ hết đợt này đến đợt khác.

Vua bị ướt hết quần áo một tay ôm lấy cột buồm một tay ra hiệu gào to:

- Mã Lương không vẽ nữa!

Mã Lương vờ như không nghe thấy, cứ tiếp tục vẽ. Gió bão càng to rồi vùi chôn cả thuyền vua vào lớp sóng dữ. Sau khi vua chết, câu chuyện Mã Lương được truyền khắp nước. Không ai biết là Mã Lương đi đâu. Người ta đồn rằng chàng về nơi thôn dã sống yên bình bên những người nông dân lương thiện.

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (mẫu 2)

Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm. Người anh tham lam, khi chia gia tài liền chiếm hết nhà cửa, ruộng vườn cha mẹ để lại, chỉ cho người em một túp lều nhỏ và mảnh vườn, trong đó có cây khế ngọt. Người em không chút phàn nàn, ngày ngày chăm bón cho mảnh vườn và cây khế.

Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em ra quả rất sai. Từng chùm quả chín vàng như nặng lúc lỉu trên cành. Người em nhìn cây khế mà vui mừng, tính đem bán để lấy tiền mua gạo.

Một hôm, có con chim lạ từ đâu bay đến ăn khế. Thấy cây khế bị chim ăn xơ xác người em ôm mặt khóc. Chim bỗng cất lời: “Ăn một quả trả một cục vàng. May túi ba gang, mang đi mà đựng”

Người em nghe chim nói tiếng người lấy làm kinh ngạc, bèn về kể cho vợ nghe. Hai vợ chồng may một chiếc túi vừa đúng ba gang, chờ chim đến. Hôm sau, chim bay đến, bảo người em ngồi lên lòng mình. Chim bay rất xa, đến một hòn đảo đầy vàng bạc giữa biển khơi bao la. Người em lấy vàng bỏ đầy túi ba gang rồi lại theo chim trở về nhà. Từ đó, người em trở nên giàu có.

Người anh nghe thấy em giàu liền sang chơi và lân la hỏi chuyện. Em không giấu giếm kể lại cho anh tường tận mọi điều. Người anh nằng nặc đòi đổi nhà cửa ruộng vườn của mình lấy mảnh vườn và cây khế, người em dù không muốn nhưng thấy anh cương quyết quá cũng đành đổi cho anh.

Mùa năm sau, cây khế lại sai trĩu những quả vàng chín mọng, người anh khấp khởi mừng thầm, ngày ngày ngóng chờ con chim lạ tới. Thế rồi một hôm, chim tới ăn khế, người anh giả vờ khóc lóc, chim cũng nói: “Ăn một quả trả một cục vàng. May túi ba gang, mang đi mà đựng”

Người anh nghe vậy, mừng như mở cờ trong bụng, vội vã cùng vợ may một chiếc túi to thật là to. Hôm sau chim tới đưa người anh đi lấy vàng ở hòn đảo xa lạ nọ. Nhìn thấy vàng bạc châu báu trên đảo, người anh vội vàng nhét đầy túi to, lại còn giắt khắp người. Khi người anh leo lên lưng chim, chim phải vỗ cánh mấy lần mới bay lên được. Vì quá nặng nên chim bay chậm, mãi vẫn ở trên biển. Chim bảo người anh vứt bớt vàng bạc đi nhưng anh ta không chịu. Chim nặng quá, nghiêng cánh, thế là người anh tham lam cùng túi vàng rơi xuống biển sâu, không bao giờ trở về được nữa.

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (mẫu 3)

Truyện cổ tích Tấm Cám là một câu chuyện có từ rất lâu, và đã đồng hành với biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam ta.

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là cô Tấm dịu dàng, nết na. Cô Tấm mồ côi mẹ từ sớm. Cha sau khi đi bước nữa không lâu thì qua đời, dể cô sống một mình với bà dì ghẻ và người con riêng của bà là Cám. Biết bao đau khổ của đời Tấm đều do hai mẹ con độc ác này gây nên.

Suốt những năm tháng tuổi thơ đến khi lớn lên, Tấm bị dì ghẻ bắt làm việc quần quật suốt ngày, lại chịu cảnh mắng nhiếc, thiếu thốn đủ đường. Một lần, dì ta lấy chiếc yếm đào mới để tổ chức cho Tấm và Cám thi mò cua bắt ốc. Dĩ nhiên với tính chăm chỉ của mình, phần hơn sẽ phải nghiêng về Tấm. Ngờ đâu Cám gian xảo đã bày mưu lừa Tấm đi gội đầu sạch sẽ, để cướp giỏ tôm cua về nhà trước. Chờ Tấm lên bờ thì trong giỏ chỉ còn mỗi con cá bống nhỏ xíu. Tấm bật khóc nức nở, thì ông Bụt hiện lên và dặn dò cô mang cá bống về nuôi.

Tấm nuôi cá trong cái giếng sau nhà. Hôm nào cũng mang cơm ra cho cá ăn, và hát bài hát riêng của mình thì bống mới ngoi lên. Ngờ đâu, mụ dì ghẻ độc ác đã rình mò và nghĩ ra kế xấu. Mụ ta lừa Tấm đi chăn trâu ở đồng xa, rồi ở nhà bắt chước Tấm gọi cá bống lên và ăn thịt. Ăn xong, mụ chôn xương cá ở góc bếp. Chờ đến lúc Tấm về nhà, mang cơm ra giếng, gọi bống lên thì chỉ còn cục máu đỏ tươi mà thôi. Buồn bã, Tấm bật khóc nức nở. Ông Bụt lại hiện lên, chỉ cho Tấm lấy nắm thóc cho gà ăn, để nó bới đất tìm xương cá bống cho. Rồi ông dặn Tấm chôn xương vào bốn chiếc bình, đặt ở chân giường.

Ít lâu sau, nhà vua mở hội tuyển vợ, con gái khắp nơi xúng xính váy áo để đi trảy hội. Tấm cũng hớn hở theo. Cô xin dì ghẻ cho được đi trảy hội. Ngờ đâu, bà ta bắt cô phải nhặt hết một đống đầy hạt gạo, hạt đỗ lẫn vào nhau xong mới được đi hội. Đau khổ, lần nữa Tấm lại òa khóc. Ông Bụt lại hiện lên lần nữa, gọi đàn chim sẻ đến giúp Tấm. Nhờ vậy, cô nhanh chóng hoàn thành xong công việc dì ghẻ giao. Nhưng bây giờ, cô lấy gì mặc để đi hội, khi cô chỉ toàn những bộ trang phục cũ rích? Thấy cô băn khoăn, ông Bụt bảo cô lấy những chiếc bình ở chân giường lên. Chao ôi, bên trong là bộ váy và đôi hài lộng lẫy. Mặc lên, Tấm đẹp như một nàng công chúa vậy.

Có váy áo, Tấm cảm ơn ông Bụt rồi hớn hở đến hội. Lúc đi qua sông, cô đánh rơi một bên giày xuống nước. Người đến hội đông quá, cô không sao xuống tìm giày được. Đúng lúc đó, voi của vua đi ngang qua, vướng chiếc giày nên mãi chẳng chịu đi. Vua cho lính xuống mò lên, ngắm đôi giày một lát, vua ra chỉ: Ai đi vừa chiếc giày ấy, sẽ được làm vợ vua. Biết bao cô gái đến thử vận may, nhưng chẳng ai vừa cả. Đến lượt Tấm, cô vừa đi thử là vừa ngay như in. Thế là Tấm trở thành hoàng hậu.

Tuy trở thành vợ vua, nhưng cô Tấm vẫn giữ nguyên những đức tính chăm chỉ ngày nào. Năm đó, đến giỗ cha, cô xin vua được trở về quê lo giỗ. Về nhà, cô tự tay mình chuẩn bị một mâm cũng tươm tất để thờ cha. Đến lúc sau, mụ dì ghẻ nhờ Tấm trèo lên cây hái buồng cau. Rồi nhân lúc cô ở trên cau thì chặt gốc, khiến cô ngã xuống ao rồi qua đời.

Nhờ phép lạ, Tấm không chết mà hóa thành vàng anh bay vào cung vua. Vua quý vàng anh lắm, đi đâu cũng mang theo. Điều này khiến Cám - kẻ mặc áo của Tấm vào cung để thay chị hầu vua ghen tức vô cùng. Nhân một hôm vua đi vắng, Cám bắt chim ăn thịt, rồi vứt lông chim ở góc vườn. Từ đống lông chim ấy, mọc lên một cây xoan cao lớn xum xuê lạ thường. Ở dưới bóng mát của cây, vua cảm thấy rất thoải mái, nên cho lính mắc võng dưới cây rồi thường xuyên ra đó nghỉ ngơi. Ghen tức với cây xoan, chờ vua đi tuần, Cám cho người chặt cây làm thành khung cửi. Nhưng mỗi lần Cám dệt vải, khung cửi lại kêu lên kẽo cà kẽo kẹt những tiếng chửi mắng đáng sợ khiến cô ta khiếp vía. Nên cô ta cho người đốt khung cửi thành tro, rồi đem ra đổ ở ngã tư thật xa cung vua.

Cám cứ tưởng thế là xong nên hả hê lắm. Ngờ đâu từ đống tro ấy, mọc lên một cây thị to lớn, rồi cây cho ra một quả thị duy nhất, tỏa hương thơm ngát. Có bà bán nước ở gốc cây thấy vậy đã xin cây cho lấy trái thị về nhà để ngửi, và hứa là không ăn quả. Thế là quả thị rớt vào bị của bà. Từ hôm đó, chờ bà cụ đi vắng, cô Tấm từ trong quả thị bước ra, giúp bà việc nhà, cơm nước. Bà cụ thấy lạ, nên rình xem và phát hiện ra cô. Bà đã ôm chầm lấy Tấm và xin được nhận cô làm con nuôi. Từ đó, hai người trở thành mẹ con của nhau.

Một hôm, nhà vua đi tuần về, nghỉ chân ở quán nước của bà cụ. Nhìn những miếng trầu cánh phượng hệt như vợ têm, vua liền mời người têm trầu ra gặp mặt. Khi nhìn thấy nhau, hai người mừng mừng tủi tủi, ôm chầm lấy nhau trọng hạnh phúc. Sau đó, Tấm theo vua về cung, chung sống hạnh phúc. Còn mẹ con Cám thì bị đuổi đi biệt xứ, không bao giờ trở về nữa. Thật xứng đáng cho hai kẻ độc ác.

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (mẫu 4)

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện hay và ý nghĩa. Câu chuyện cổ tích đầu tiên mà em được đọc, cũng là câu chuyện mà em yêu thích nhất. Đó là câu chuyện cổ tích Cây khế.

Cây khế kể về hai anh em ruột cùng chung sống trong một ngôi nhà nhưng lại có tính cách trái ngược nhau. Người anh trai tham lam, lười biếng bao nhiêu, thì người em lại chăm chỉ, lương thiện bấy nhiêu. Một ngày nọ, người cha đột ngột qua đời mà không để lại lời dặn dò nào. Người anh trai liền nhân cơ hội đó, dành lấy hết mọi tài sản và chia cho em mình duy nhất một cây khế già, rồi đuổi em ra sống ở túp lều nhỏ cạnh cây khế. Tuy bị anh trai đối xử như vậy, người em vẫn không hề oán hận. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng người em vẫn lạc quan, chăm chỉ tiến tới. Cậu còn thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở trong làng, nên rất được mọi người yêu quý.

Mùa hè năm đó, cây khế già nhà người em trai bất ngờ sai trái. Quả nào cũng to và ngọt nước, nên thu hút nhiều chim chóc đến ăn. Một hôm, từ phương xa bay đến một con chim lớn. Nó ăn rất nhiều quả, mà ngày nào cũng đến ăn nên tán khế thưa thớt quả dần. Thấy vậy, người em bèn ra đứng dưới gốc cây than thở với chim về hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, mong chim đừng đến ăn trái nữa. Ngờ đâu, con chim ấy lại biết nói tiếng người, đã vậy còn hứa hẹn sẽ dùng vàng trả tiền cho số khế nó đã ăn. Nó hẹn người em trai may túi ba gang, rồi chờ nó đến chở ra đảo lấy vàng. Hôm sau, chim thần thật sự xuất hiện và đưa người em ra một hòn đảo lớn chứa đầy vàng bạc châu báu. Nhờ chuyến đi đó, mà gia đình người em trở nên giàu có, sung túc.

Hay tin, người anh trai tham lam lập tức lân la sang nhà để hỏi thăm. Biết chuyện chim thần, hắn đem hết gia sản của mình để đổi lấy cây khế của em trai. Rồi lại bắt chước em ra gốc cây than thở với chim thần. Nhờ vậy, hắn cũng được chim thần hứa hẹn đưa ra đảo vàng như đã hứa với người em. Tuy nhiên, sự tham lam và xảo trá, đã khiến hắn ta may một chiếc túi những mười hai gang. Đã vậy, hắn còn cố nhồi nhét thêm vàng vào túi áo, túi quần. Điều đó làm chim thần chật vật mãi mới bay lên cao được. Nhưng xui xẻo thay, trên đường về bất ngờ có cơn bão lớn ập đến, khiến chim rớt xuống biển. Tuy nhiên, chim thần nhanh chóng vỗ cánh vùng bay lên được. Còn tên anh trai tham lam thì vì buộc lên người số vàng quá lớn, nên đã nhanh chóng chìm sâu xuống biển

Kết cục ấy của câu chuyện đã dạy cho người đọc bài học ý nghĩa. Rằng ở đời, người sống hiền lành sẽ được hưởng may mắn, còn kẻ tham lam, xảo trá thì sẽ bị trừng phạt.

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (mẫu 5)

Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con. Một hôm, người vợ vào rừng lấy củi. Trời nắng to, khát nước quá, thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bèn bưng lên uống. Thế rồi, về nhà, bà có mang. Ít lâu sau, người chồng mất. Bà sinh ra một đứa con không có chân tay, mình mẩy, cứ tròn lông lốc như một quả dừa. Bà buồn, toan vứt nó đi thì đứa bé lên tiếng bảo.

- Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp.

Bà lão thương tình để lại nuôi rồi đặt tên cho cậu là Sọ Dừa. Lớn lên, Sọ Dừa vẫn thế, cứ lăn lông lốc chẳng làm được việc gì. Bà mẹ lấy làm phiền lòng lắm. Sọ Dừa biết vậy bèn xin mẹ đến chăn bò cho nhà phú ông.

Nghe nói đến Sọ Dừa, phú ông ngần ngại. Nhưng nghĩ: nuôi nó thì ít tốn cơm, công sá lại chẳng đáng là bao, phú ông đồng ý. Chẳng ngờ cậu chăn bò rất giỏi. Ngày ngày, cậu lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về nhà. Cả đàn bò, con nào con nấy cứ no căng. Phú ông lấy làm mừng lắm!

Vào ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm hết cả, phú ông bèn sai ba cô con gái thay phiên nhau đem cơm cho Sọ Dừa. Trong những lần như thế, hai cô chị kiêu kỳ, ác nghiệt thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô em vốn tính thương người là đối đãi với Sọ Dừa tử tế.

Một hôm đến phiên cô út mang cơm cho Sọ Dừa. Mới đến chân núi, cô bỗng nghe thấy tiếng sáo véo von. Rón rén bước lên cô nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Thế nhưng vừa mới đứng lên, tất cả đã biến mất tăm, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường, bèn đem lòng yêu quý.

Đến cuối mùa ở thuê, Sọ Dừa về nhà giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ. Bà lão thấy vậy tỏ ra vô cùng sửng sốt, nhưng thấy con năn nỉ mãi, bà cũng chiều lòng.

Thấy mẹ Sọ Dừa mang cau đến dạm, phú ông cười mỉa mai:

- Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.

Bà lão đành ra về, nghĩ là phải thôi hẳn việc lấy vợ cho con. Chẳng ngờ, đúng ngày hẹn, bỗng dưng trong nhà có đầy đủ mọi sính lễ, lại có cả gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà của phú ông. Phú ông hoa cả mắt lúng túng gọi ba cô con gái ra hỏi ý. Hai cô chị bĩu môi chê bai Sọ Dừa xấu xí rồi ngúng nguẩy đi vào, chỉ có cô út là cúi đầu e lệ tỏ ý bằng lòng.

Trong ngày cưới, Sọ Dừa cho bày cỗ thật linh đình, gia nhân chạy ra chạy vào tấp nập. Lúc rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa trọc lốc, xấu xí đâu chỉ thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đứng bên cô út. Mọi người thấy vậy đều cảm thấy sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc lại vừa ghen tức.

Từ ngày ấy, hai vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra rất thông minh. Chàng ngày đêm miệt mài đèn sách và quả nhiên năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Thế nhưng cũng lại chẳng bao lâu sau, Sọ Dừa được vua sai đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà nói là để hộ thân.

Ganh tị với cô em, hai cô chị sinh lòng ghen ghét rắp tâm hại em để thay làm bà trạng. Nhân quan trạng đi vắng, hai chị sang rủ cô út chèo thuyền ra biển rồi cứ thế lừa đẩy cô em xuống nước. Cô út bị cá kình nuốt chửng, nhưng may có con dao mà thoát chết. Cô dạt vào một hòn đảo, lấy dao khoét bụng cá chui ra, đánh đá lấy lửa nướng thịt cá ăn. Sống được ít ngày trên đảo, hai quả trứng gà cũng kịp nở thành một đôi gà đẹp để làm bạn cùng cô út.

Một hôm có chiếc thuyền đi qua đảo, con gà trống nhìn thấy bèn gáy to: “Ò… ó… o…. Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về”.

Quan cho thuyền vào xem, chẳng ngờ đó chính là vợ mình. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Đưa vợ về nhà, quan trạng mở tiệc mừng mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra chiều thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì, tiệc xong mới cho gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ.

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (mẫu 6)

Ngày xưa, có một người con trai thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân thuộc giống rồng. Thần có sức khỏe vô địch, lại nhiều phép lạ. Thần giúp dân trừ yêu quái, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và ăn ở. Ở vùng núi cao phương Bắc, có nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần. Nàng đến thăm vùng đất Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ. Hai người gặp nhau, yêu nhau và trở thành vợ chồng.

Ít lâu sau Âu Cơ mang thai và sinh ra một cái bọc trăn trứng, nở ra trăm người con, người nào cũng đều hoàn hảo, đẹp lạ thường. Lạc Long Quân vốn quen sống ở dưới nước, nên thường xuyên trở về dưới thuỷ cung.

Âu Cơ ở lại nuôi đàn con, tháng ngày chờ đợi Lạc Long Quân trở lại, nhưng nỗi nhớ chồng khiến nàng buồn tủi. Cuối cùng nàng gọi chồng lên than thở:

- Sao chàng đành bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi đàn con nhỏ?

Lạc Long Quân nói:

- Ta vốn ở miền nước thẳm, nàng thì ở chốn núi cao. Nhiều điều khác nhau, khó mà ở cùng nhau một nơi được lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Khi có việc gì cần giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn, đây là giao ước của vợ chồng, con cái.

Âu Cơ ưng thuận. Trước khi đưa năm mươi con lên núi, nàng nói với chồng:

- Thiếp xin nghe lời chàng. Vợ chồng ta đã sống với nhau thắm thiết, nay phải chia hai, lòng thiếp thật là đau xót.

Lạc Long Quân cũng cố nén nỗi buồn trong buổi chia li, chàng khuyên giải vợ:

- Tuy xa nhau nhưng tình cảm đôi ta không hề phai nhạt, khi nào cần chúng ta lại gặp nhau.

Âu Cơ vẫn quyến luyến, rồi buồn bã nói:

- Thiếp rất nhớ chàng và thương các con, biết đến khi nào chúng ta mới gặp nhau.

Lạc Long Quân nắm chặt tay vợ, an ủi:

- Xa nàng và các con lòng ta cũng đau lắm! Âu cũng là mệnh trời, mong nàng hiểu và cảm thông cùng ta.

Âu Cơ và các con nghe theo lời cùng nhau chia tay lên đường.

Lạc Long Quân và các con về nơi biển cả, Âu Cơ đưa các con về đất Phong Châu. Người con trưởng được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Cũng bởi sự tích này mà người Việt Nam ta đều luôn tự hào mình là dòng dõi con Rồng cháu Tiên.

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (mẫu 7)

Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về. Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống. Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ.

- Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bên mình, về với mẹ thôi.

Cậu liền tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ đi đâu rồi, con đói quá ! - Cậu bé gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc.

Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé.

Cậu bé cắn một miếng thật to. Chát quá! Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cứng quá. Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.

Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ.

Cây rung rinh cành lá, thì thào :

- Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ.

Cậu oà lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây, Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về.

Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình. Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (mẫu 8)

Thuở xưa, ở vùng đất Lạc Việt có vị thần tên là Lạc Long Quân, con trai của thần Long Nữ sống ở dưới biển Đông. Thần mình rồng, sức khỏe phi thường và có nhiều phép lạ. Thỉnh thoảng thần lên sống trên cạn, giúp dân diệt trừ các loài yêu quái như Ngư Tinh, Hồ tinh, Mộc Tinh. thần còn dạy dân cách trồng trọt và sinh sống. Âu Cơ là một tiên nữ dòng dõi Thần Nông ở vùng núi cao phương Bắc. Nàng thích ngao du đây đó, những nơi có phong cảnh đẹp. Bên trai tài, bên gái sắc, họ yêu nhau rồi kết thành vợ chồng.

Ít lâu sau, Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con khôi ngô tuấn tú lạ thường. Chẳng còn bú mớm mà đàn con lớn nhanh như thổi, khỏe mạnh như thần.

Một hôm, nhớ biển cả và cảm thấy mình không thể sống lâu trên cạn được, Lạc Long Quân đành từ biệt Âu Cơ để trở về chốn thủy cung. Âu Cơ một mình nuôi con. Ngày lại ngày qua, nàng sốt ruột trông ngóng chồng với tâm trạng buồn tủi. Cuối cùng, nàng gọi chồng lên mà than thở:

- Sao chàng nỡ bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi các con?!

Lạc Long Quân ân cần giải thích:

- Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao. Kẻ trên cạn người dưới nước, tính tình tập quán khác nhau, khó lòng mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì khó khăn thì giúp đỡ nhau, đừng quên lời hẹn.

Âu Cơ nghe theo đưa năm mươi người con lên đất Phong Châu. Người con trưởng được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, lập ra nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (vùng Bạch Hạc, Lâm Thao, Phú Thọ ngày nay). Triều đình có quan văn, quan võ (Lạc tướng, Lạc hầu). Con trai của vua gọi là lang, con gái vua gọi là mị nương. Vua cha chết, con trai trưởng nối ngôi. Mười tám đời vua kế tiếp nhau đều lấy hiệu Hùng Vương.

Từ sự tích này mà dân tộc Việt Nam thường nhắc đến nguồn gốc cao quý của mình là con Rồng cháu Tiên. Tất cả các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều là anh em cùng chung một bọc sinh ra (đồng bào). Các dân tộc đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (mẫu 9)

Ở trước nhà em có trồng rất nhiều cây tre. Mỗi khi rảnh rỗi, em thường ngồi đếm các đốt của cây tre. Có lần em hỏi ông: “Ông ơi, có cây tre nào có một tấm đốt không ạ?”. Nghe vậy ông bật cười: “Muốn có cây tre trăm đốt thì phải có thần chú cơ.” Nghe vậy em liền quấn lấy ông đòi biết được câu thần chú. Vậy là ông bảo em ngồi xuống rồi kể cho em nghe câu chuyện cổ tích Cây tre trăm đốt.

Chuyện kể về một anh chàng thanh niên tuy nghèo khó nhưng rất khỏe mạnh, chịu khó làm lụng. Anh làm đầy tớ cho một ông lão, và được ông ta hứa là nếu chịu khó làm lụng cho nhà lão mà không lấy tiền thì lão sẽ gả cô con gái xinh đẹp của mình cho. Nghe vậy, anh vui lắm, nên ra sức làm lụng mà không lấy dù chỉ một đồng điền công.

Tuy nhiên, khi đến lúc cô con gái xinh đẹp trưởng thành thì ông ta đổi ý. Muốn gả cô cho tên phú hộ trong làng. Vì vậy, hắn nói với chàng trai rằng, hãy tìm cho được một cây tre trăm đốt về làm đũa cưới thì mới gả con gái cho. Thế là chàng trai hì hục thi tìm cây tre trăm đốt. thế nhưng chàng tìm mãi, tìm mãi vẫn không tìm được cây tre trăm đốt nào cả. Quá mệt mỏi và tuyệt vọng, chàng ngồi xuống bật khóc tức tưởi. Đúng lúc đó bụt hiện lên, bảo anh hãy chặt một trăm đốt tre và dạy cho anh hai câu thần chú. Câu thần chú “Khắc nhập, khắc nhập” để một trăm đốt tre tự gắn lại với nhau tạo thành cây tre trăm đốt. Câu thần chú “Khắc xuất, khắc xuất” để các đốt tre tự rời nhau ra để tiện di chuyển.

Thế là chàng trai mừng rỡ mang tre về nhà. Về đến nơi, chàng thấy trên sân là đám cỗ linh đình thì nhận ra là mình bị lừa. Thế là, chàng vội chạy lại, gọi ông lão lại xem cây tre trăm đốt. Khi lão ta vừa lại gần, chàng đọc ngay “Khắc nhập, khắc nhập” khiến lão bị dính luôn vào cây tre, trở thành đốt tre một trăm linh một. Cả nhà hỗn loạn, đầy tờ tìm mọi cách vẫn không gỡ lão ra được. mãi sau, lão đồng ý gả con gái cho chàng đúng như đã hứa. Chàng không tin ngay, mà bắt lão thề thốt nhiều lần mới thả cho lão xuống.

Từ đó, mọi người ai cũng nể phục chàng lắm. Còn chàng thì cưới được cô vợ xinh đẹp, chung sống bên nhau hạnh phúc.

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (mẫu 10)

Những câu chuyện cổ tích với các chi tiết thần kì, huyền ảo luôn có sức hấp dẫn khó mà từ chối đối với em. Trong các câu chuyện đã đọc, Cây tre trăm đốt là câu chuyện mà em ấn tượng nhiều nhất.

Câu chuyện kể về anh Khoai - một chàng thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn lại cần cù, chịu khó. Biết anh không có người thân, tên địa chủ đã gọi anh đến và hứa hẹn sẽ gả con gái cho anh ta. Và điều kiện, là anh Khoai phải làm việc cho nhà ông ta ba năm không lấy tiền công. Anh Khoai đồng ý, và từ hôm đó, anh làm việc quần quật sớm hôm, không quản nắng mưa. Nhờ vậy, của cải nhà phú ông ngày càng đầy lên. Thế nhưng, khi ngày hẹn đến, phú ông lại đưa ra thêm một yêu cầu, đó là sính lễ. Ông đòi anh Khoai đem đến cây tre trăm đốt, thì mới gả con gái cho. Anh nông dân ngây thơ, nghe thấy vậy liền vác rìu lên rừng tìm tre. Còn phú ông, thì chờ anh vừa rời đi, liền lập tức tổ chức đám cưới cho con gái và một cậu ấm nhà phú ông làng bên.

Anh Khoai đi mãi qua nhiều ngọn đồi, nhiều khu rừng mà mãi vẫn không tìm được cây tre dài đủ trăm đốt. Khi anh đang bế tắc, đau khổ, thì ông Bụt đã hiện ra. Ông bảo anh đi chặt về một trăm đốt tre rời. Rồi dạy anh câu thần chú “khắc nhập, khắc nhập” để nối chúng lại thành cây tre dài trăm đốt. Ông còn dạy anh câu thần chú “khắc xuất, khắc xuất” để các đốt tre tách ra, bó gọn lại cho dễ mang về nhà. Nhờ có ông Bụt, anh Khoai có được sính lễ mà phú ông yêu cầu. Anh hăm hở trở về nhà với niềm vui sướng vô cùng. Ngờ đâu, khi anh về đến nơi, đám cưới đang được tổ chức linh đình, mà chú rể không phải anh. Anh Khoai tức giận lắm, liền đọc thần chú, nối liền tên phú ông gian manh vào một trăm đốt tre, khiến ông ta vừa xấu hổ lại đau đớn vô cùng. Tên phú hộ kia cũng muốn chạy lại cứu giúp, thì bị anh Khoai đọc thần chú cho dính liền vào với cây tre luôn. Cuối cùng, anh yêu cầu tên phú ông phải thực hiện lời hứa, thì anh mới thả họ ra. Quá đau đớn, tên phú ông đành phải đồng ý. Thế là, đám cưới của anh Khoai và con gái phú ông được tổ chức linh đình trong sự chúc phúc của bà con.

Trong câu chuyện Cây tre trăm đốt, anh Khoai đã sử dụng phép thuật để trừng phạt trực tiếp những kẻ xấu xa. Chi tiết đó khiến người đọc vô cùng hả dạ. Đó cũng là bài học cho những kẻ có ý định lừa dối, lợi dụng kẻ khác thì phải dừng lại ngay, nếu không sẽ phải nhận hậu quả nặng nề. Bài học ấy đã được tác giả dân gian gửi gắm khéo léo trong câu chuyện trên.

1 71 lượt xem