Bố cục Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya (chuẩn nhất 2024) – Ngữ văn 8 Cánh diều

Bố cục Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya Ngữ văn lớp 8 hay nhất sách Cánh diều giúp học sinh nắm được trọng tâm văn bản Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya để học tốt môn Ngữ văn 8.

1 291 lượt xem


Bố cục Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya

- Phần 1 (từ đầu đến “như lắng suy”): giới thiệu bài thơ Cảnh khuya

- Phần 2 (tiếp đến “tao nhã”): cảm nhận về âm thanh tiếng suối

- Phần 3 (tiếp đến “như cắt”): cảm nhận về khung cảnh thiên thơ mộng

- Phần 4 (tiếp đến “trời đất”): cảm nhận về hình dáng xuất hiện

- Phần 5 (còn lại): Khẳng định vẻ đẹp bài thơ Cảnh khuya

loading...

Nội dung chính Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya

Văn bản bàn luận, phân tích những nét đặc sắc của bài thơ Cảnh khuya, giúp người đọc tiếp nhận được nhiều góc nhìn của bài thơ.

Ý nghĩa nhan đề Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya

Bàn về vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya.

Đọc tác phẩm Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya

Bài thơ Cảnh khuya nằm trong chùm thơ năm 1947 của Bác.

Đêm đã khuya, núi rừng, chim muông từ lâu đã im lặng. Bản làng ở xa, cơ quan ở gần, từ lâu cũng đã ngủ yên. Đêm có trăng, sáng và mát. Gió cũng ngừng. Cây cối im lìm không động. Cảnh vật như lắng suy.

Trên nền im lặng bao la ấy nổi bật lên một âm thanh văng vẳng mơ hồ nhưng êm dịu như một tiếng hát xa – tiếng suối:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

[…] Câu thơ vang lên những hai thứ tiếng: tiếng suối và tiếng hát. Tưởng chừng cái im lặng của cảnh khuya bị phá vỡ. Hóa ra lại không. Cũng như tiếng gõ cửa ban đêm trong thơ Giả Đảo, tiếng ngỗng đêm thu trong thơ Nguyễn Khuyến, tiếng suối trong đêm càng tăng thêm cái tĩnh mĩnh, sâu lắng của cảnh khuya.

Tiếng suối rất trong ấy văng vẳng mơ hồ như một tiếng hát từ xa vọng lại. Tiếng hát nghe xa đồng vọng, có quãng cách gạn lọc, không hay cũng hóa dịu êm. Đã nghe suối chảy thành lời hát, tiếng suối thành giọng người thì tiếng hát tất nhiên là đẹp, là hay. […]

Nguyễn Du, Bạch Cư Dị so tiếng đàn với tiếng suối. Thế Lữ lại so tiếng hát trong với nước ngọc tuyền. Những tác giả này không miêu tả trực tiếp tiếng suối.

Chỉ có Nguyễn Trãi ví tiếng suối là tiếng đàn cầm. Có lẽ đó là hình ảnh gần nhất với hình ảnh trong câu thơ này. Có thể chẳng phải là ngẫu nhiên: Nguyễn Trãi so sánh âm nhạc, Bác Hồ cũng không lạ chi lĩnh vực này. Có thể chẳng phải là ngẫu nhiên: Nguyễn Trãi so sánh âm nhạc, Bác Hồ cũng không lạ chi lĩnh vực này. Và tiếng hát đó như một hồi âm vọng về, liên tưởng tới một giọng hát từng lưu lại trong kí ức hay là sản phẩm của trí tưởng tượng trong khoảnh khắc trời khuya. Dù sao đó vẫn là một hồi âm, một tưởng tượng mĩ lệ xứng đáng với một tâm hồn đẹp và một cảnh khuya tao nhã.

Trong không khí lắng sâu ấy của đất trời, một hình ảnh hiện lên:

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Ánh trăng bao phủ trùm lên cổ thụ. Ánh trăng lồng vào tán lá. Cành lá cắt ánh trăng thành những mảng trắng đen lẫn lộn, những bóng trăng và bóng cây. Hai lớp bóng ấy lại trùm lên, lồng vào khóm hoa và bóng hoa, bóng trăng, bóng cây lại in lên mặt đất. Chỉ có tối và sáng, trắng và đen loang loáng ánh bạc. Sắc màu bề ngoài mát lạnh. Mọi vật im phăng phắc. Ấy thế mà bên trong, thiên nhiên lại vận động ấm áp vô chừng. […]

Nếu hai chữ tiếng ở câu trên chỉ làm tăng vẻ tĩnh mịch thì ở câu này, hai chữ lồng cũng không hề tạo ra một cử động nào cả. Không có gió, cây lá không hề rung rinh, ánh trăng trên trời trong không hề ẩn hiện. Mọi vật đứng yên không động. Các mảng tối của lá cành in hình lên nền trăng sáng, đường viền rõ mồn một như cắt.

Thế là hòa nhịp với âm thanh của suối cũng có hình dáng; ánh trăng, cổ thụ, khóm hoa như một bức thủy mặc: Cảnh khuya như vẽ. Đẹp mà có hồn. Tĩnh mà sâu:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

[…] Câu thơ cắt ngang ở giữa, cái thế chạm nhau cảnh khuya như vẽ và người chưa ngủ đã bày ra nhưng không phải để đối lập người với cảnh vốn chan hòa sâu sắc như vừa thấy mà cốt cho nổi bật lên vị trí con người: dù bất kì ở đâu cũng vẫn một mực “Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”. Cho nên đây là chưa ngủ chứ không phải không ngủ, càng không phải là không ngủ được. Con người ở thế chủ động và hoàn toàn thoải mái.

Chưa ngủ vì mải mê với cảnh, cũng là một lí do đẹp, đó là cái chưa ngủ của nghệ sĩ. Ví thử bài thơ đến đó chấm dứt thì người đọc có quyền nghĩ rằng đó là lí do duy nhất. Nhưng không. Chưa ngủ trước có thể nguyên nhân là vậy còn chưa ngủ sau lại là cái chính, đúng hơn, như bổ sung: chưa ngủ vì một lí do khác, lí do chiến sĩ. Con người còn thức vì những tình cảm cao sâu: vì lo nỗi nước nhà.

Không thể nào lầm được, con người đó phải là Bác Hồ. Đâu phải ai cũng dễ nói về những đêm không ngủ của mình là do nỗi nước nhà. Nguyễn Trãi, thời gian đang còn tìm đường, nung nấu bao nỗi nước nhà thật sự mà chỉ nói: “Khách lí giang san chỉ thử tình” và nhàu nát một chiếc gối từ khuya cho chí sáng. Còn Tú Xương, lúc lắng mình buồn não cho nước nhà thì chỉ ném vào cảnh đời một cái bực mình lẩn trốn: “Ngủ quách sự đời thây kẻ thức”.

Cho nên hạ một câu: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” đâu phải mọi người đều nói được. Trong khi Bác nói một cách rất tự nhiên. Cái nhẹ nhàng, hồn nhiên và giản dị ấy ai ngờ lại hiện ngay trong cách ghép của tổ hợp từ này. Ta thường nghe nói nỗi nhớ, nỗi nhà, nỗi mình, còn nỗi nước nhà thì chưa thấy đâu nói. Bởi nó tiêu biểu, nó tập hợp ở đỉnh cao nhất mọi tình cảm và mọi nghĩ suy và điều đó chỉ có Bác Hồ nói là thích hợp nhất; nhẹ nhàng, hồn nhiên nhất. Kể cả cái lo không giấu giếm gì ấy cũng chẳng làm vẩn bợm được ánh trăng sáng và tiếng suối trong ở trên. Bởi vì nó không làm xáo trộn được tâm hồn con người vĩ đại mặc dù niềm lo cho nước nhà ở năm 1947 là vô cùng to lớn, nặng nề. […]

Trong nỗi lo dằng dặc về nước nhà, Bác tạm ngừng một phút để lo lắng sâu vào cảnh vật và Bác đã bắt gặp cảnh đẹp giữa rừng khuya trong khoảnh khắc dành cho trái tim nghệ sĩ của mình. Ban đầu, con người như hòa tan với thiên nhiên, chỉ có cảnh vật lắng sâu trong im lặng và vẻ đẹp xôn xao ngấm ngầm của nó. Đến cuối, hình ảnh con người cũng lắng sau trong suy tư về nỗi nước niềm nhà mới hiện lên với vẻ đẹp của một tâm hồn cao cả, rạng ngời giữa cảnh đẹp mênh mông của trời đất.

Thiên nhiên và con người, cảnh đẹp và niềm lo, nghệ sĩ và chiến sĩ, truyền thống và hiện đại, lãng mạn và hiện thực, bình thường và siêu việt, giản dị và vĩ đại,… tất cả đều nhịp nhàng trong một sự hài hòa, một thế cân bằng tuyệt đỉnh.

Luyện cho cái thế cân bằng ấy thành tác phong con người kể đã khó. Nhưng trong lúc cuộc kháng chiến còn chồng chất gian nan như năm 1947 mà nhìn ra ngay trong ấy những cái đẹp, cái vui, giữa tiếng bom đạn mà nghe ra tiếng suối, giữa mông lung lo nghĩ mà thấy sáng ánh trăng, nhìn ra những điểm thức trong cảnh ngủ, thấy mầm mống của cái mới đang sinh thành giữa bao la cái cũ… thì đó thật là một vị thuốc trường sinh của con người cách mạng. Ở bài thơ này cũng như ở bao bài thơ khác của Người đã in đậm phong cách thơ Hồ Chí Minh.

loading...

Tóm tắt Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya

Những ý chính của văn bản:

- Bài thơ Cảnh khuya nằm trong chùm thơ năm 1947 của Bác

- Trên nền thơ im lặng bao la ấy nổi bật lên một âm thanh văng vẳng mơ hồ nhưng êm dịu như một tiếng hát xa - tiếng suối

- Trong không khí lắng sâu ấy của đất trời, một hình ảnh hiện lên

- Hòa nhịp với âm thanh của suối cũng có hình dáng; ánh trăng, cổ thụ, khóm hoa như một bức thủy mặc: Cảnh khuya như vẽ

- Thiên nhiên và con người, cảnh đẹp và niềm lo, nghệ sĩ và chiến sĩ, truyền thống và hiện đại, lãng mạn và hiện thực, bình thường và siêu việt, giản dị và vĩ đại,... tất cả đều nhịp nhàng trong một sự hài hòa, một thế cân bằng tuyệt đỉnh

Giá trị nội dung Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya

Vẻ đẹp nghệ thuật tả cảnh trong bài thơ Cảnh khuya.

Giá trị nghệ thuật Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya

Các luận điểm có sự gắn bó mật thiết với luận đề và được sắp xếp theo hệ thống hợp lí (phân tích bài thơ theo trình tự các câu thơ) giúp người đọc dễ theo dõi, cảm nhận. Luận đề của văn bản được làm sáng tỏ, thuyết phục.Các lí lẽ giải thích, làm rõ luận điểm, tăng sức thuyết phục, cho bài viết

1 291 lượt xem