Lý thuyết Lịch sử 10 (Chân trời sáng tạo 2024) Bài 14: Hành trình phát triển và thành tựu văn minh Đông Nam Á cổ - trung đại
Tóm tắt lý thuyết Bài 14: Hành trình phát triển và thành tựu văn minh Đông Nam Á cổ - trung đại sách Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo ngắn gọn, chính xác sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Lịch sử 10.
Nội dung bài viết
Lịch sử lớp 10 Bài 14: Hành trình phát triển và thành tựu văn minh Đông Nam Á cổ - trung đại
A.Lý thuyết Lịch sử 10 Bài 14:Hành trình phát triển và thành tựu văn minh Đông Nam Á cổ - trung đại
I. Hành trình phát triển
1. Giai đoạn từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X
- Từ đầu Công nguyên, nhiều quốc gia sơ kì hình thành và phát triển ở Đông Nam Á. Đây là thời kì dung hợp giữa nền văn hoá bản địa với văn hoá Ấn Độ tạo nên bước phát triển mới của nền văn minh Đông Nam Á.
- Từ thế kỉ VII đến thế kỉ X, ở nhiều nước Đông Nam Á đã hình thành các quốc gia “dân tộc”. Đây là giai đoạn khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, Phật giáo được truyền bá mạnh vào Đông Nam Á và ảnh hưởng lớn mọi mặt đời sống văn hoá – xã hội ở nhiều nước.
2. Giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV
- Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế thịnh vượng và xã hội ổn định.
- Sự tiếp biến có chọn lọc những ảnh hưởng văn hoá từ bên ngoài thúc đẩy văn minh Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu rực rỡ.
- Ngoài ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc, sự du nhập và ảnh hưởng của Hồi giáo đã bổ sung thêm những giá trị mới cho văn hoá khu vực.
3. Giai đoạn từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX
- Từ thế kỉ XVI, nhiều nước ở Đông Nam Á bước vào thời kì khủng hoảng, suy thoái vàphải đối diện với sự xâm nhập của các nước phương Tây.
- Văn hóa phương Tây từng bướcảnh hưởng đến khu vực, xuất hiện thêm nhiều thành tựu văn minh mới.
- Đây là giai đoạnvăn minh Đông Nam Á có những chuyển biến quan trọng cho sự phát triển của khu vực ở thời cận và hiện đại.
II. Thành tựu văn minh tiêu biểu
1. Tín ngưỡng và tôn giáo
a. Tín ngưỡng
- Tín ngưỡng bản địa Đông Nam Á là tin ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước, vừa lệ thuộc vừa gắn bó với thiên nhiên.
- Cư dân Đông Nam Á thờ các con vật gần gũi với cuộc sống của xã hội nông nghiệp (trâu, cóc, chim, rắn, cả sấu,...), thờ thần Lúa, Hồn Lúa, Mẹ Lúa,...
- Tín ngưỡng phồn thực – tục cầu sinh sôi nảy nở tồn tại phổ biến ở khu vực Đông Nam Á dưới hình thức thờ sinh thực khí Lin-ga và I-ô-ni, quan niệm về âm dương,…
- Tín ngưỡng, phong tục thờ cúng tổ tiên có vị trí linh thiêng của cư dân Đông Nam Á.
Lễ hội Đền Hùng gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt
b. Tôn giáo
- Đông Nam Á phổ biến các loại hình tôn giáo bản địa dựa trên tín ngưỡng vạn vật hữu linh có từ thời nguyên thuỷ.
- Bà La Môn giáo, Ấn Độ giáo: được truyền bá vào Đông Nam Á từ đầu Công nguyên, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức xã hội, khẳngđịnh vương quyền ở một số nhà nước đầu tiên.
- Phật giáo: du nhập vào Đông Nam Á từ Trung Quốc và Ấn Độ từ đầu Công nguyên, có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và văn hoá ở nhiều quốc gia Đông Nam Á.
- Hồi giáo: du nhập vào Đông Nam Á khoảng thế kỉ VII – VIII qua con đường thương mại biển, đến thế kỉ XIII trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở nhiều nước Đông Nam Á.
- Công giáo: xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á gắn liền với sự hiện diện của người phương Tây.
2. Chữ viết và văn học
a. Chữ viết
- Các nước Đông Nam Á tiếp nhận nhiều chữ viết từ bên ngoài và sáng tạo thành chữ viết của mình:
+ Việt Nam tiếp nhận chữ Hán (Trung Quốc) từ đầu Công nguyên để tạo thành chữ Nôm.
+ Chữ Phạn - Xan-xkrít, chữ Pali (Ấn Độ) du nhập vào nước Đông Nam Á từ thế kỉ III - IV để hình thành chữ Chăm-pa cổ, chữ Thái cổ, chữ Khmer cổ.
+ Chữ viết A-rập du nhập vào các quốc gia Nam Đảo, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a,…
Chữ viết cổ của dân tộc Thái ở Việt Nam
- Từ thế kỉ XVI, chữ viết của nhiều quốc gia Đông Nam Á được La-tinh hoá và được sử dụng đến ngày nay.
b. Văn học
- Văn học dân gian có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của các cư dân Đông Nam Á. Kho tàng văn học dân gian của các dân tộc Đông Nam Á hết sức phong phú về thể loại:
+ Thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn,…
+ Thơ ca dân gian với nhiều loại ca dao, tục ngữ, những bài hát dân ca phản ánh những tình cảm của con người với thiên nhiên, cuộc sống, cộng đồng....
Tranh mô phỏng truyện Tấm Cám (văn học dân gian của Việt Nam)
- Văn học viết ra đời muộn do các quốc gia cổ Đông Nam Á có chữ viết muộn.
+ Ban đầu phát triển chủ yếu trong giới quý tộc, quan lại, nên được coi là văn học chính thống, bác học hay văn học cung đình.
+ Về sau dần phổ biến trong dân gian.
- Nội dung: Bên cạnh những đề tài, những “điển tích văn học” khai thác từ nước ngoài (chủ yếu từ Ấn Độ, A-rập và phương Tây), những tác phẩm văn học khai thác đề tài trong nước xuất hiện ngày càng nhiều như: Xin Xay (Lào); Phờ-ra A-phay-ma-ni, Khủn Chang Khủn Phèn (Thái Lan); truyện Hang Tút (In-đô-nê-xi-a); truyện Áp-đu-la (Ma-lai-xi-a),...
3. Kiến trúc và điêu khắc
a. Kiến trúc
- Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của kiến trúc Ấn Độ (kiến trúc Hin-đu giáo và Phật giáo) và kiến trúc Hồi giáo; phổ biến là kiểu kiến trúc tháp hình vuông hay hình chữ nhật (điển hình là tháp Chăm ở Việt Nam và Ăng-co Vát ở Cam-pu-chia).
Đền Pram-ba-nan (In-đô-nê-xi-a)
- Kiến trúc Phật giáo đặc trưng phổ biến là kiểu kiến trúc Xơ-tu-pa (tháp) (điển hình là kiến trúc Bô-rô-bu-đua ở In-đô-nê-xi-a và Thạt Luổng ở Lào).
Chùa Thạt Luổng (Lào)s
- Trên nền chung của kiến trúc Ấn Độ, mỗi dân tộc lại có những nét riêng độc đáo (tiêu biểu như di tích Thánh địa Mỹ Sơn ở Việt Nam, tổng thể kiến trúc Bô-rô-bu-đua ở In-đô-nê-xi-a).
b. Điêu khắc
- Nghệ thuật điêu khắc ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng rõ nét của điêu khắc Ấn Độ vàTrung Quốc, đã phát triển đạt trình độ cao với nhiều tác phẩm như tượng thần, tượng Phật, phù điêu, bức chạm nổi,…
B.Bài tập trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 14:Hành trình phát triển và thành tựu văn minh Đông Nam Á cổ - trung đại
Câu 1. Phật giáo được du nhập vào Đông Nam Á từ những quốc gia nào?
A. Trung Quốc và Ấn Độ.
B. A-rập và Ai Cập.
C. Ba Tư và Ấn Độ.
D. Trung Quốc và Nhật Bản.
Đáp án đúng là: A
Đầu Công nguyên, Phật giáo du nhập vào Đông Nam Á từ Trung Quốc và Ấn Độ, có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa ở nhiều quốc gia Đông Nam Á. (SGK - Trang 83)
Câu 2. Nội dung nào sau đây phản ánh đúng về tín ngưỡng bản địa của cư dân Đông Nam Á?
A. Mang đậm ảnh hưởng từ bên ngoài.
B. Mang màu sắc tôn giáo rõ nét.
C. Là tín ngưỡng của cư dân du mục.
D. Lệ thuộc và gắn bó với thiên nhiên.
Đáp án đúng là: D
Tín ngưỡng bản địa Đông Nam Á là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước, vừa lệ thuộc vừa gắn bó với thiên nhiên. Cư dân Đông Nam Á thờ các con vật gần gũi với cuộc sống của xã hội nông nghiệp (trâu, cóc, chim, rắn, cá sấu,...), thờ thần Lúa, Hồn Lúa, Mẹ Lúa,... (SGK - Trang 82)
Câu 3. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng tình hình tôn giáo ở Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại?
A. Tôn giáo ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của cư dân.
B. Khu vực đa tôn giáo, du nhập nhiều tôn giáo lớn trên thế giới.
C. Các tôn giáo cùng tồn tại và phát triển một cách hòa hợp.
D. Các tôn giáo luôn đối lập và xung đột gay gắt với nhau.
Đáp án đúng là: D
Đông Nam Á là khu vực đa tôn giáo, có sự du nhập của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Hin-đu giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo,… Các tôn giáo này có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần của cư dân từng quốc gia trong khu vực. Nhìn chung, thời kì cổ - trung đại, các tôn giáo ở khu vực Đông Nam Á cùng tồn tại và phát triển một cách hòa hợp.
Câu 4. Trong giai đoạn từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX, yếu tố nào sau đây đã dẫn tới sự suy sụp của các vương quốc trong khu vực Đông Nam Á?
A. Sự xâm chiếm và cai trị của người Mãn.
B. Quá trình giao lưu văn hóa với phương Tây.
C. Sự giao lưu kinh tế giữa các nước trong khu vực.
D. Sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Đáp án đúng là: D
Từ thế kỉ XVI, nhiều nước Đông Nam Á bước vào thời kì khủng hoảng, suy thoái và phải đối diện với sự xâm nhập của các nước phương Tây. Văn hóa phương Tây từng bước ảnh hưởng đến khu vực, làm xuất hiện thêm nhiều thành tựu mới. Đồng thời, đây cũng là thời kì hầu hết các vương quốc Đông Nam Á dần suy sụp và trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây.
Câu 5. Loại chữ viết nào sau đây được sáng tạo trên cơ sở chữ Hán?
A. Chữ Chăm cổ.
B. Chữ Khơ-me cổ.
C. Chữ Miến cổ.
D. Chữ Nôm.
Đáp án đúng là: D
Chữ Nôm của người Việt được sáng tạo trên cơ sở chữ Hán của người Trung Quốc. (SGK - Trang 83)
Câu 6. Hồi giáo được du nhập vào Đông Nam Á thông qua con đường nào?
A. Con đường áp đặt tôn giáo.
B. Con đường thương mại biển.
C. Con đường bành trướng xâm lược.
D. Con đường buôn bán đường bộ.
Đáp án đúng là: B
Hồi giáo du nhập vào Đông Nam Á khoảng thế kỉ VII - VIII qua con đường thương mại biển, đến thế kỉ XIII trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở nhiều nước Đông Nam Á. (SGK - Trang 83)
Câu 7. Loại chữ viết nào sau đây được sáng tạo trên cơ sở chữ Phạn?
A. Chữ Chăm cổ.
B. Chữ Hán.
C. Chữ La-tinh.
D. Chữ giáp cốt.
Đáp án đúng là: A
Chữ Chăm cổ được sáng tạo trên cơ sở chữ Phạn. (SGK - Trang 83)
Câu 8. Cư dân các nước Đông Nam Á tiếp nhận chữ viết cổ Ấn Độ, Trung Quốc và sáng tạo thành chữ viết của mình nhằm mục đích gì?
A. Ghi ngôn ngữ bản địa của mình.
B. Dùng làm ngôn ngữ liên quốc gia.
C. Làm phong phú tiếng Hán và tiếng Phạn.
D. Chứng minh sự khác biệt giữa các tiếng.
Đáp án đúng là: A
Trên cơ sở chữ viết cổ Ấn Độ và Trung Quốc, cư dân các nước Đông Nam Á đã sáng tạo ra một hệ thống chữ viết riêng để ghi ngôn ngữ bản địa của mình như chữ Chăm cổ, Khơ-me cổ, Mã Lai cổ, Miến cổ, chữ Nôm,…
Câu 9. Nghệ thuật điêu khắc ở Đông Nam Á thời cổ - trung đại chịu ảnh hưởng rõ nét của những quốc gia nào?
A. Ai Cập và Lưỡng Hà.
B. Hy Lạp và La Mã.
C. A-rập và Ba Tư.
D. Ấn Độ và Trung Quốc.
Đáp án đúng là: D
Nghệ thuật điêu khắc ở Đông Nam Á thời cổ - trung đại chịu ảnh hưởng rõ nét của điêu khắc Ấn Độ và Trung Quốc. (SGK - Trang 85)
Câu 10. Giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV được coi là thời kì
A. hình thành nền văn minh Đông Nam Á.
B. phát triển mạnh mẽ của văn minh Đông Nam Á.
C. suy thoái của văn minh Đông Nam Á.
D. văn minh Đông Nam Á bước vào thời kì cận đại.
Đáp án đúng là: B
Giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV được coi là thời kì phát triển mạnh mẽ của văn minh Đông Nam Á với nhiều thành tựu rực rỡ. (SGK - Trang 82)
Câu 11. Riêm Kê là tác phẩm văn học nổi tiếng của quốc gia nào sau đây?
A. Thái Lan.
B. Lào.
C. Cam-pu-chia.
D. Việt Nam.
Đáp án đúng là: C
Riêm Kê là bản trường ca sáng tác bằng thơ ca dân gian nổi tiếng của Cam-pu-chia. Cốt truyện của tác phẩm chủ yếu vay mượn từ sử thi Ra-ma-y-a-na của Ấn Độ.
Câu 12. Ăng-co Vát là công trình kiến trúc tiêu biểu của quốc gia nào?
A. Cam-pu-chia.
B. Thái Lan.
C. Mi-an-ma.
D. Ma-lai-xi-a.
Đáp án đúng là: A
Ăng-co Vát là công trình kiến trúc tiêu biểu của Cam-pu-chia. (SGK - Trang 84)
Câu 13. Tháp Thạt Luổng (Lào) là công trình kiến trúc chịu ảnh hưởng của tôn giáo nào?
A. Hin-đu giáo.
B. Phật giáo.
C. Nho giáo.
D. Hồi giáo.
Đáp án đúng là: B
Thạt Luổng là một tháp Phật giáo ở Viêng Chăn, Lào. Tòa tháp này được cho xây từ năm 1566, dưới triều của vua Xệt-tha-thi-lạt. Tháp xây theo hình dáng một nậm rượu, ở trên phế tích của một ngôi đền Ấn Độ vào thế kỷ XIII.
Câu 14. Giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển của văn minh Đông Nam Á tồn tại trong khoảng thời gian nào?
A. Từ thế kỉ X TCN đến đầu Công nguyên.
B. Từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X.
C. Từ thế kỉ X đến thế kỉ XV.
D. Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX.
Đáp án đúng là: B
Giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển của văn minh Đông Nam Á tồn tại trong khoảng thời gian từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X. (SGK - Trang 82)