Lý thuyết Mở đầu (Kết nối tri thức 2024) Hóa 10

Tóm tắt lý thuyết Hóa 10 Bài : Mở đầu ngắn gọn, chính xác sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Hóa 10.

1 148 lượt xem


Lý thuyết Hóa học 10 Bài: Mở đầu

A. Lý thuyết Mở đầu

I. Đối tượng nghiên cứu của hóa học

Hóa học nghiên cứu về thành phần, cấu trúc, tính chất, sự biến đổi của các chất và các hiện tượng kèm theo.

Hóa học có mối liên hệ chặt chẽ với các ngành khoa học tự nhiên nghiên cứu về chất và vật thể như vật lí, sinh học và địa chất.

 Đối tượng nghiên cứu của hóa học bao gồm các chất hữu cơ, các chất vô cơ, các loại vật liệu tự nhiên và nhân tạo.

II. Vai trò của hóa học đối với đời sống và sản xuất

Hóa học có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống và sản xuất. Cụ thể:

- Các chất hóa học có trong mọi thứ xung quanh ta như lương thực – thực phẩm; nhiên liệu; nguyên liệu, vật liệu để sản xuất; các loại thuốc chữa bệnh; …

- Ngành công nghiệp hóa học sản xuất các hóa chất từ đơn giản đến phức tạp.

Ví dụ: Sản xuất phân bón hóa học làm tăng năng suất cây trồng.

- Hóa học phóng xạ nghiên cứu và sử dụng sự phân rã hạt nhân cho các quá trình hóa lí, sinh hóa, …

- Các nhà khoa học có đóng góp rất lớn trong việc chế tạo vật liệu mới giúp tăng hiệu suất chuyển hóa năng lượng mặt trời (nguồn năng lượng được coi là vô tận đối với loài người).

III. Phương pháp học tập và nghiên cứu hóa học

1. Khi học tập môn Hóa học, học sinh cần thực hiện các hoạt động tìm kiếm thông tin, xử lí thông tin và nắm vững những thông tin cần thiết qua sách giáo khoa.

2. Để học tốt môn Hóa học, học sinh cần nắm vững và vận dụng các kiến thức đã học, đồng thời chú ý rèn các kĩ năng thực hiện thí nghiệm, phát hiện, giải quyết vấn đề, sáng tạo.

Học sinh làm thí nghiệm theo nhóm

3. Học, tìm hiểu và nghiên cứu hóa học có nhiều điểm chung với các môn khoa học tự nhiên khác, cụ thể là quy trình nghiên cứu cần thực hiện các bước dưới đây:

Bước 1: Quan sát và đặt câu hỏi

Bước 2: Đặt ra giả thuyết khoa học

Bước 3: Lập kế hoạch thí nghiệm để kiểm chứng giả thuyết khoa học

Bước 4: Tiến hành thí nghiệm

Bước 5: Phân tích kết quả thí nghiệm

Bước 6: So sánh kết quả với giả thuyết

Bước 7: Báo cáo kết quả

4. Phương pháp mô hình được sử dụng để mô tả, mô phỏng cấu tạo của các hạt quá nhỏ không quan sát được bằng mắt thường như phân tử, nguyên tử và các hạt nhỏ hơn. Từ đó suy ra cấu tạo các vật thể thật trong cuộc sống.

Ví dụ: Mô hình cấu tạo nguyên tử của Rutherford (Rơ-dơ-pho). Từ thực nghiệm bắn phá lá vàng bằng tia a, Rutherford phát hiện ra cấu tạo rỗng của nguyên tử, phát hiện ra lõi nguyên tử là hạt nhân có khối lượng xấp xỉ khối lượng nguyên tử. Rutherford đề xuất mô hình hành tinh nguyên tử, coi các electron quay xung quanh hạt nhân như các hành tinh quay xung quanh mặt trời.

5. Phương pháp thực nghiệm đóng vai trò cốt lõi của nghiên cứu hóa học. Các giả thuyết và mô hình hóa đều phải được kiểm chứng bằng thực nghiệm và từ thực nghiệm người ta có thể mô hình hóa thành quy luật. Phương pháp thực nghiệm được sử dụng xuyên suốt toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông môn Hóa học.

Ví dụ: Sử dụng phương pháp thực nghiệm để nghiên cứu chlorine:

- Từ hiểu biết về cấu tạo nguyên tử và liên kết hóa học để dự đoán tính chất hóa học đặc trưng của chlorine.

- Thực nghiệm các thí nghiệm cho chlorine tác dụng với kim loại, hydrogen, dung dịch muối của halogen để chứng minh dự đoán trên.

- Vận dụng tính chất hóa học của chlorine vào thực tế: dùng dung dịch nước chlorine, clorua vôi, … để tẩy trắng.

1 148 lượt xem