30 câu Trắc nghiệm KHTN 6 (Chân trời sáng tạo 2024) Bài 8: Sự đa dạng và các thể cơ bản của chất. Tính chất của chất có đáp án
Bộ 30 câu hỏi trắc nghiệm Bài 8: Sự đa dạng và các thể cơ bản của chất. Tính chất của chất đầy đủ các mức độ sách Khoa học tự nhiên 6 (có đáp án) Chân trời sáng tạo giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm KHTN 6 Bài 8.
Nội dung bài viết
Trắc nghiệm KHTN 6 Bài 8: Sự đa dạng và các thể cơ bản của chất. Tính chất của chất
Phần 1: 15 câu trắc nghiệm Khoa học tự nhiên 6 Bài 8: Sự đa dạng và các thể cơ bản của chất. Tính chất của chất
Câu 1: Tất cả các trường hợp nào sau đây đều là chất?
A. Đường mía, muối ăn, con gà.
B. Con dao, cái bát, cái thìa nhôm.
C. Nhôm, muối ăn, đường mía.
D. Con dao, đôi đũa, muối ăn.
Lời giải
Đáp án C
A sai do con gà là vật thể.
B sai do con dao, cái bát, cái thìa là vật thể.
D sai do con dao, đôi đũa là vật thể.
Câu 2: Quá trình nào sau đây thể hiện tính chất hóa học?
A. Hòa tan muối ăn vào nước.
B. Cô cạn nước muối thành muối.
C. Đun nóng đường tới lúc xuất hiện màu đen.
D. Đun nóng đường ở thể rắn để đường chuyển sang đường ở thể lỏng.
Lời giải
Đáp án C
Đun nóng đường đến lúc xuất hiện màu đen thể hiện tính chất hóa học, vì quá trình này có chất mới sinh ra (chất carbon).
Câu 3: Thể khí (hay hơi) kí hiệu là
A. s. B. l. C. g. D. m.
Lời giải
Đáp án C
Chất tồn tại ở 3 thể (trạng thái) cơ bản: rắn (solid, kí hiệu là s); lỏng (liquid, kí hiệu l) và khí hay hơi (gas, kí hiệu g).
Câu 4: Quá trình chuyển từ thể lỏng sang thể hơi của chất gọi là
A. Sự nóng chảy.
B. Sự đông đặc.
C. Sự bay hơi.
D. Sự ngưng tụ.
Lời giải
Đáp án C
Sự bay hơi là quá trình chuyển từ thể lỏng sang thể hơi của chất.
Câu 5: Sự ngưng tụ là
A. Quá trình chuyển từ thể rắn sang thể lỏng của chất.
B. Quá trình chuyển từ thể lỏng sang thể hơi của chất.
C. Quá trình chuyển từ thể rắn sang thể hơi của chất.
D. Quá trình chuyển từ thể khí sang thể lỏng của chất.
Lời giải
Đáp án D
Ngưng tụ là quá trình chuyển tử thể khí (hơi) sang thể lỏng của chất.
Câu 6: Thể nào sau đây dễ bị nén?
A. thể lỏng. B. thể rắn. C. thể khí. D. không có thể nào.
Lời giải
Đáp án C
Chất khí dễ bị nén.
Câu 7: Đặc điểm nào sau đây không có ở thể rắn?
A. Các hạt liên kết chặt chẽ.
B. Có hình dạng và thể tích xác định.
C. Rất khó bị nén.
D. Có hình dạng và thể tích không xác định.
Lời giải
Đáp án D
Do đặc điểm ở ý D là của thể khí.
Câu 8: Quá trình chuyển từ thể rắn sang thể lỏng của chất gọi là
A. Sự nóng chảy.
B. Sự đông đặc.
C. Sự bay hơi.
D. Sự ngưng tụ.
Lời giải
Đáp án A
Sự nóng chảy là quá trình chuyển từ thể rắn sang thể lỏng của chất.
Câu 9. Quá trình thể hiện tính chất vật lí là
A. quá trình chất biến đổi có tạo ra chất mới.
B. quá trình chất biến đổi mà vẫn giữ nguyên là chất ban đầu.
C. quá trình chất bị phân hủy.
D. quá trình biến đổi chất, có thể tạo ra chất mới hoặc không.
Lời giải
Đáp án B
Tính chất vật lí: Không có sự tạo thành chất mới
Câu 10: Vật thể tự nhiên là
A. vật thể không có các đặc trưng sống.
B. vật thể có các đặc trưng sống.
C. vật thể do con người tạo ra để phục vụ cuộc sống.
D. vật thể có sẵn trong tự nhiên.
Lời giải
Đáp án D
Vật thể tự nhiên là các vật thể có sẵn trong tự nhiên.
Câu 11: Có các vật thể sau: quả chanh, máy tính, cây mít, cái chậu, lọ hoa, xe máy, cây tre. Số vật thể tự nhiên là
A. 5 B. 4 C. 3 D. 2.
Lời giải
Đáp án C
Vật thể tự nhiên là những vật thể có sẵn trong tự nhiên. Vậy quả chanh, cây mít, cây tre là vật thể tự nhiên.
Câu 12: Quá trình hòa tan muối ăn vào nước thể hiện tính chất gì của muối?
A. Tính chất vật lí.
B. Cả tính chất vật lí và hoá học.
C. Tính chất hoá học.
D. Không thể hiện tính chất gì.
Lời giải
Đáp án A
Quá trình hòa tan muối ăn vào nước thể hiện tính chất vật lí của muối do không có sự tạo thành chất mới.
Câu 13: Có các vật thể sau: xe máy, xe đạp, con người, con suối, con trâu, bóng đèn, thước kẻ. Số vật thể nhân tạo là
A. 4. B. 2. C. 5. D. 3.
Lời giải
Đáp án A
Vật thể nhân tạo là những vật thể do con người tạo ra để phục vụ cuộc sống. Vậy xe máy, xe đạp, bóng đèn, thước kẻ là các vật thể nhân tạo.
Câu 14: Dãy nào sau đây đều gồm các vật sống (vật hữu sinh)?
A. Cây mía, con ếch, xe đạp.
B. Xe đạp, ấm đun nước, cái bút.
C. Cây tre, con cá, con mèo.
D. Máy vi tính, cái cặp, tivi.
Lời giải
Đáp án C
Vật hữu sinh (vật sống) là các vật thể có các đặc trưng sống.
Vậy cây tre, con cá, con mèo là vật sống.
Câu 15: Trường hợp nào sau đây thể hiện tính chất hóa học?
A. Thanh sắt bị dát mỏng.
B. Cồn để trong lọ không kín bị bay hơi.
C. Thủy tinh nóng chảy được thổi thành bình cầu.
D. Đốt cháy mẩu giấy.
Lời giải
Đáp án D
Do sau khi đốt, mẩu giấy đã chuyển thành than, không còn giữ những tính chất của mẩu giấy ban đầu.
Phần 2: Lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 Bài 8: Sự đa dạng và các thể cơ bản của chất. Tính chất của chất
1. Sự đa dạng của chất
- Những gì tồn tại xung quanh chúng ta gọi là vật thể. Các vật thể đều do một hoặc nhiều chất tạo nên. Mỗi chất có thể tạo nên nhiều vật thể và mỗi vật thể có thể được tạo nên từ nhiều chất khác nhau.
Ví dụ:
+ Gỗ tạo nên nhiều vật thể như: bàn, ghế, giường , tủ quần áo,...
+ Chiếc cốc uống nước có thể tạo nên từ nhiều chất như: thủy tinh, giấy, nhựa,...
- Có các loại vật thể sau:
+ Vật thể tự nhiên: là những vật thể có sẵn trong tự nhiên.
Ví dụ: cây cối, đồi núi, con người,...
+ Vật thể nhân tạo: là những vật thể do con người tạo ra để phục vụ cuộc sống.
Ví dụ: bàn, ghế, máy tính,...
+ Vật hữu sinh (vật sống) là vật thể có các đặc trưng sống.
Ví dụ: con mèo, con người,...
+ Vật vô sinh (vật không sống) là vật thể không có các đặc trưng sống
Ví dụ: cái bàn, núi đá vôi,...
2. Các thể cơ bản của chất
- Chất tồn tại ở ba thể: rắn, lỏng, khí (hơi).
- Đặc điểm cơ bản ba thể của chất:
+ Thể rắn: các hạt liên kết chặt chẽ, có hình dạng và thể tích xác định, rất khó nén.
+ Thể lỏng: các hạt liên kết không chặt chẽ, có hình dạng không xác định, có thể tích xác định, khó bị nén.
+ Thể khí/hơi: các hạt chuyển động tự do, có hình dạng và thể tích không xác định, dễ bị nén.
3. Tính chất của chất
- Tính chất vật lí:
+ Thể (rắn, lỏng, khí).
+ Màu sắc, mùi, vị, hình dạng, kích thước, khối lượng riêng.
+ Tính tan trong nước hoặc chất lỏng khác.
+ Tính nóng chảy, sôi của một chất.
+ Tính dẫn điện, dẫn nhiệt.
- Tính chất hóa học: Có sự tạo thành chất mới
+ Chất bị phân hủy
+ Chất bị đốt cháy
Ví dụ: quá trình đường bị hóa đen khi đun tạo chất mới là tính chất hóa học.
4. Sự chuyển thể của chất
- Trong tự nhiên và trong các hoạt động của con người, các chất có thể chuyển từ thể này sang thể khác.
+ Sự nóng chảy: quá trình chuyển từ thể rắn sang thể lỏng của chất.
Ví dụ: Khi cây kem mang ra khỏi tủ lạnh một thời gian bị chảy.
+ Sự đông đặc: quá trình chuyển từ thể lỏng sang thể rắn của chất.
Ví dụ: Vào mùa đông, nhiệt độ thấp, nước bị đông đặc tạo thành băng tuyết.
+ Sự bay hơi: quá trình chuyển từ thể lỏng sang thể hơi của chất.
Ví dụ : Hơi nước từ các hồ nước nóng
+ Sự sôi: là quá trình bay hơi xảy ra trong lòng và cả trên bề mặt thoáng của chất lỏng. Sự sôi là trường hợp đặc biệt của sự bay hơi.
Ví dụ: Nước sôi
+ Sự ngưng tụ: quá trình chuyển từ thể khí (hơi) sang thể lỏng của chất.
Ví dụ: Thả đá vào cốc nước bình thường, một lúc sau xung quanh cốc có các giọt nước li ti đọng lại. Hiện tượng này là do hơi nước trong không khí gặp lạnh ngưng tụ lại thành nước lỏng bám quanh cốc.
Tổng kết bài học
- Sự bay hơi và ngưng tụ xảy ra tại mọi nhiệt độ
- Sự nóng chảy, sự đông đặc, sự sôi của một chất xảy ra tại nhiệt độ xác định
- Ở điều kiện thích hợp, chất có thể chuyển từ thể này sang thể khác