TOP 15 bài Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) (HAY NHẤT 2024)

Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) Ngữ văn 9 Kết nối tri thức gồm 15 bài văn mẫu hay nhất năm 2024 giúp học sinh viết bài tập làm văn 9 hiệu quả hơn.

1 188 lượt xem


Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện)

Đề bài: Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện)

Dàn ý Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện)

1, Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận (một phương diện nội dung, nghệ thuật...)

2, Thân bài:

Dù là dạng bài nào, học sinh cũng cần đảm bảo đủ ba luận điểm cơ bản sau:

* Luận điểm 1: Khái quát chung

  • Nêu hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung khái quát của tác phẩm.
  • Hoặc là nêu vị trí, dẫn dắt nội dung tác phẩm đến nội dung của đoạn trích.

* Luận điểm 2: Làm rõ vấn đề nghị luận

  • Phân tích, làm sáng tỏ vấn đề nghị luận theo yêu cầu của đề. Chia vấn đề thành các luận điểm và lấy các chi tiết, hình ảnh, nhân vật để làm sáng tỏ cho luận điểm.
  • Hoặc là phân tích, cảm nhận, bình luận về một vấn đề trong phạm vi của một đoạn trích.

*Luận điểm 3: Đánh giá chung (bình luận)

  • Đánh giá khái quát về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích hoặc của tác phẩm.

3, Kết bài: Khái quát, khẳng định vấn đề nghị luận.

Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) (mẫu 1)

Đa số những câu chuyện truyền thuyết của dân gian Việt Nam đều mang một ý nghĩa nhân văn về giá trị lịch sử hoặc những bài học tôn vinh tinh thần dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Trong kho tàng của văn học dân gian chất chứa trong đó không biết bao những tác phẩm đã hoàn toàn chinh phục trái tim độc giả. Nổi bật trong đó phải kể đến Sơn Tinh Thủy Tinh, chính từ phần nhan đề của câu chuyện đã được coi là một đặc sắc, vì thế không kể đến giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật - một linh hồn tạo nên thành công của tác phẩm. Hơn thế nữa, bởi Sơn Tinh Thủy Tinh mang tính chất là thể loại truyền thuyết thế nên những đặc sắc về hình thức nghệ thuật được coi là một trong số yếu tố cốt lõi của tác phẩm.

Sơn Tinh Thủy Tinh kể về một vị Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, xinh đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Vua Hùng đã tổ chức một buổi kén rể với mong muốn tìm cho con gái một người chồng xứng đáng. Ngày nọ có hai chàng trai đến cầu hôn. Một người ở vùng núi Tản Viên – chúa miền non cao tên Sơn Tinh. Một người trị vì biển Đông – chúa miền nước thẳm. Hai người đều có tài năng, và đang thống trị nơi mà họ đang sống. Vì thế vua ra điều kiện, một trong hai ai mang sính lễ đến trước, vua sẽ gả con gái cho. Sơn Tinh đến trước và rước được Mị Nương về, Thủy Tinh đến sau đùng đùng nổi giận, giao tranh với Sơn Tinh. Sơn Tinh thắng, Thủy Tinh đành rút quân. Nhưng cũng vì lí do đó mà hàng năm Thủy Tinh vẫn dâng nước đánh Sơn Tinh.

Qua câu chuyện trên ta thấy, Sơn Tinh Thủy Tinh không chỉ giải thích cho hiện tượng lũ báo hàng năm của nhân dân ta, đó còn nói lên khát khao chiến thắng được thiên tai bão lũ của người dân đất Việt thời bấy giờ. Không những thế sự ra đời của tác phẩm còn thay cho những niềm tự hào, niềm kiêu hãnh trước thành tựu trị thủy của nhân dân. Bởi vậy có thể nói Sơn Tinh Thủy Tinh như một tượng đài bất hủ trong thể loại truyền thuyết nói chung và văn học dân gian nói riêng.

L.Ton-xtoi độc giả nổi tiếng nói: “Chỉ có tác phẩm nghệ thuật nào truyền đạt cho mọi người những tình cảm mới mà họ chưa từng thể nghiệm thì mới là tác phẩm nghệ thuật đích thực”. Đúng vậy! Sơn Tinh Thủy Tinh đã ghi dấu giá trị qua từng nội dung từng nghệ thuật hấp dẫn. Nội dung thì nhân văn mà thực tế, nghệ thuật thì sẽ không thể bàn cãi được vì tính phong phú quá đỗi khác biệt. Tác giả dân gian đã không hạn chế sử dụng nghệ thuật, có lẽ Sơn Tinh Thủy Tinh là truyền thuyết lí tưởng để những tác giả ấy gửi gắm một loạt những nghệ thuật đặc sắc vào trong truyền thuyết này.

Đầu tiên chúng ta phải kể đến nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc sắc, đặc sắc ở đây bởi cốt truyện có nhiều yếu tố kì ảo và li kì, không những thế đó còn nổi bật với tính cấp thiết và sự tò mò về kết quả của cuộc kén rể Vua Hùng đặt ra. Một tác phẩm, một câu chuyện mà không có sự tồn tại và xuất hiện của nhân vật thì có lẽ sẽ không để lại ấn tượng với người đọc, Sơn Tinh Thủy Tinh đã đi cùng chiều với sự thực đó, truyền thuyết là sự tồn tại của các nhân vật chính như Vua Hùng, Mị Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh - đó được coi như bốn điểm nhìn để độc giả hướng đến và cảm nhận. Ngoài ra đó còn là nghệ thuật xây dựng nhân vật mang dáng dấp thần linh với nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo hai vị thần với nhiều phép lạ, những món sính lễ quý hiếm không thể gặp được ở cuộc sống bình thường.

Cách kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, được ví như nhịp cầu kết nối người đọc với truyền thuyết này, đó là những từ ngữ chứa đầy tính tò mò bí ẩn, từ ngữ chứa hàm ý khiến người đọc phải tư duy và chiêm nghiệm để hoàn toàn thấu hiểu được nội dung. Không những thế Sơn Tinh Thủy Tinh còn là truyền thuyết mang đậm chất dân gian khi liên tục giải mã và lí giải những hiện tượng của đời sống. Bởi vậy những nghệ thuật trên đã góp phần tạo nên tính hấp dẫn và thu hút các thế hệ bạn đọc. Đặc biệt nghệ thuật trong Sơn Tinh Thủy Tinh sẽ là cơ sở để tạo nên sự phong phú trong cách sử dụng nghệ thuật đối với nhiều tác phẩm khác. Bởi nghệ thuật của truyền thuyết này thể như sự tiên phong về điểm nhìn mới mẻ trong thể loại truyền thuyết văn học dân gian.

Một tác câu chuyện hay là một câu chuyện nổi bật bởi những ấn tượng. Cho đến hiện tại ta có thể công nhận rằng Sơn Tinh Thủy Tinh là một câu chuyện hay. Bởi chất chứa trong tác phẩm là sự xuất hiện và tồn tại ấn tượng của nội dung và nghệ thuật. Đặc biệt điểm nhìn được chú ý nhất ở đây là đặc sắc về hình thức nghệ thuật. Bởi những nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo, dàn dựng tình huống truyện đặc sắc,… những sự kết hợp đó đã tạo nên những thành công nhất định nhất cho tác phẩm.

Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) (mẫu 2)

Nguyễn Dữ là một trong những tác giả nổi tiếng về truyện truyền kỳ. Trong những tác phẩm của ông, có lẽ “Chuyện người con gái Nam Xương” là câu chuyện đặc sắc nhất. Tác phẩm viết về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của họ. Đồng thời, qua đó ta thấy được sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với hoàn cảnh của họ.

Vũ Nương là người con gái “tính tình thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Chồng nàng là Trương Sinh, một người đa nghi và hay ghen. Mặc dù vậy, với tính cách dung hòa của mình, “nàng luôn giữ gìn khuôn phép”, cuộc sống gia đình của hai người luôn ổn định, không hề xảy ra bất hòa. Khi Trương Sinh phải sung binh, nàng lại là người vợ chung thủy, một lòng một dạ với chồng, chỉ mong chàng lên đường bình an trở về, không mong đeo được ấn phong hầu. Tình yêu và ước mơ của nàng thật giản dị và ý nghĩa. Chồng đi xa, nàng sinh con và chăm sóc mẹ chồng một cách chu đáo. Khi mẹ ốm, “nàng hết sức thuốc thang, lễ Phật cầu thần”, câu nói “Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, mong ông xanh kia chẳng phụ con cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ.” của mẹ chồng nàng đã cho ta thấy Vũ Nương là một người vợ chu đáo, một người con hiếu thảo biết chừng nào. Khi mẹ chồng mất, nàng đau xót, lo liệu ma chay như với cha mẹ đẻ của mình.

Tuy nhiên, người phụ nữ đức hạnh ấy lại phải chịu đựng một nỗi oan và dẫn đến cái chết thương tâm của nàng. Trong thời gian chồng đi tòng quân, nàng thường hay đùa với con bằng cách trỏ vào bóng mình trên tường và nói đó là cha Đản. Khi bị Trương Sinh nghi ngờ, nàng vẫn cố gắng hỏi rõ sự tình và thanh minh với chàng: “Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn, từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói.” Tuy nhiên, khi Trương Sinh một mực không tin, nàng đã gieo mình xuống bến Hoàng Giang mà chết. Chi tiết này đã nói lên nét đẹp con người Vũ Nương, nàng sẵn sàng lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Hành động mà Vũ Nương nhờ Phan Lang về nói với Trương Sinh yêu cầu của nàng cũng một lần nữa nói nên tấm lòng chung thủy, một lòng son sắt của nàng. Khi hiểu ra sự tình, Trương Sinh đã vô cùng ân hận, đàn giải oan đã khiến cho Vũ Nương được trả lại sự trong sạch, yên lòng, nàng đã được đức Linh Phi cho hiện về, dẫu không thể trở lại cõi trần được nữa.

Tác phẩm của Nguyễn Dữ, một tác phẩm truyền kỳ có sử dụng những yếu tố hoang đường kỳ ảo. Nhưng từ đó lại thấy được cái nhìn, sự trân trọng và cảm thông của tác giả đối với số phận người phụ nữ xưa, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của họ.

Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) (mẫu 3)

Thạch Lam là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Văn chương của ông trong sáng, giản dị mà thâm trầm sâu lắng. Một trong những tác phẩm thú vị của ông là truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa.

Truyện được mở đầu bằng những câu văn miêu tả khung cảnh buổi sáng mùa đông. Sau một đêm mưa rào, trời nổi gió bấc, thời tiết chuyển lạnh. Sơn - nhân vật chính của truyện xuất hiện. Cậu thức dậy, thấy mọi người trong nhà, mẹ và chị Lan đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Khung cảnh mùa đông được miêu tả tinh tế qua những hình ảnh đặc trưng:“gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo”; “bầu trời không u ám, toàn một màu trắng đục”; những cây lan trong chậu “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”.

Tiếp đến, Thạch lam khắc họa cảnh sinh hoạt của gia đình Sơn. Mẹ Sơn đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống, bảo Lan bê thúng quần áo ra. Lan vâng lời mẹ, vào buồng bê thúng quần áo ra. Còn Sơn thì kéo chăn lên đắp cho em, rồi lại ngồi xếp bằng bên khay nước. Không khí ấm cúng trong nhà trái ngược hẳn với cái lạnh lẽo ngoài trời. Cuộc trò chuyện được bắt đầu khi mẹ Sơn nhìn thấy cái áo bông của Duyên - đứa em gái đã mất của Sơn. Giọng của mẹ Sơn đầy xúc động, rơm rớm nước mắt: “Đây là áo của cô Duyên đây”. Còn người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Sơn nghe mẹ nói cũng thấy“nhớ em, cảm động và thương em quá”. Hình ảnh cái áo bông nhỏ bé nhưng chính là kỉ vật gợi lên tình cảm mẫu tử thiêng liêng, tình anh em sâu đậm và tình thương của vú già nhân hậu.

Khi Lan bê thùng quần áo vào. Mẹ Sơn đã mặc cho Sơn được mặc cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm. Chi tiết này cho thấy gia đình của Sơn có hoàn cảnh khá giả, cuộc sống khá đầy đủ. Dù vậy, hai chị em Sơn và Lan đều có tốt bụng, giàu tình yêu thương. Hai nhân vật này được nhà văn xây dựng để gửi gắm bài học ý nghĩa về tình yêu thương trong cuộc sống. Dù có hoàn cảnh gia đình khác nhau, Sơn và Lan vẫn thích chơi với những đứa trẻ con xóm chợ nghèo như Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc,... mà không tỏ ra kiêu kì và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

Ở đây, Thạch Lam cũng đã khắc họa được cuộc sống nghèo khổ của một bộ phận người dân lao động lúc bây giờ. Những đứa trẻ xóm chợ sống trong hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu thốn. Mùa đông tới, chúng vẫn mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Dù vậy, chúng không bất hạnh mà vẫn nhận được tình yêu thương của cha mẹ, những người xung quanh. Khi nhìn thấy Sơn và Lan, lũ trẻ con xóm chợ đều lộ vẻ “vui mừng”. Hai chị em Sơn tỏ ra thân thiết với chúng chứ không khinh khỉnh như các em họ của Sơn. Đặc biệt, điều này còn được thể hiện qua nhân vật Hiên.

Chị Lan là người đã phát hiện ra Hiên. Cô bé đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Thấy vậy, Sơn đã “động lòng thương” và chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Hai chị em còn bàn với nhau cho cái Hiên chiếc áo bông cũ. Sau đó, Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Sơn yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”. Cái áo mà chị em Sơn đem cho cái Hiên chứa đựng biết bao tình yêu thường.

Ở phần cuối truyện, khi Sơn và Lan trở về nhà, người vú già nói rằng mẹ đã phát hiện. Hai chị em lo sợ bị mẹ mắng nên đã chạy sang nhà Hiên đòi áo. Điều này là phản ứng dễ hiểu của mỗi đứa trẻ khi phạm lỗi. Đến khi về nhà, điều ngạc nhiên là mẹ Hiên đã đem cái áo bông đến trả. Bất ngờ hơn khi hiểu rõ sự việc, mẹ Sơn đã không trách mắng chị em Sơn mà còn cho mẹ Hiên vay tiền để may áo cho con. Khi mẹ con Hiên ra về, mẹ Sơn đã “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Các chi tiết trên cho thấy mẹ Hiên là một người có lòng tự trọng, dù nghèo khó nhưng vẫn “đói cho sạch, rách cho thơm”; còn mẹ Sơn là một người nhân hậu, giàu tình yêu thương.

Như vậy, truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam là một câu chuyện nhẹ nhàng, nhưng lại đầy tính nhân văn, sâu sắc.

Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) (mẫu 4)

Nguyễn Thành Long là một trong số những nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi hiện đại nói riêng. Bằng lối viết nhẹ nhàng, giàu tình cảm cùng ngôn ngữ trong sáng, giàu chất thơ và những hình tượng nhân vật độc đáo, những sáng tác của Nguyễn Thành Long về cuộc đấu tranh chống Mĩ cứu nước của dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Truyện ngắn 'Lặng lẽ Sa Pa', sáng tác năm 1970 là một trong số những sáng tác tiêu biểu của ông.

Trước hết, truyện ngắn 'Lặng lẽ Sa Pa' đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên Sa Pa đẹp, thơ mộng và tràn đầy sức sống. Bằng ngòi bút giàu chất thơ, tác giả Nguyễn Thành Long đã tái hiện lại khung cảnh Sa Pa thật tuyệt 'Nắng bất ngờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên những vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe,...' Bằng thủ pháp liệt kê kết hợp với biện pháp nhân hóa, tác giả Nguyễn Thành Long như đã làm hiện lên trước mắt người đọc những nét đặc trưng, độc đáo rất riêng của mảnh đất Sa Pa. Tất cả cảnh vật như mang cái hồn điệu, dáng vẻ của Sa Pa và không gian rộng lớn ấy như bừng sáng, lung linh, rực rỡ.

Và để rồi, trên cái nền của thiên nhiên Sa Pa thơ mộng ấy, nhà văn đã khắc họa thành công chân dung các nhân vật với những vẻ đẹp đáng trân trọng. Trước hết đó chính là nhân vật anh thanh niên - nhân vật chính của truyện ngắn 'Lặng lẽ Sa Pa'. Nhân vật anh thanh niên hiện lên với nhiều phẩm chất tốt đẹp. Đầu tiên, ở anh thanh niên, ta thấy hiện lên một con người yêu nghề, luôn đam mê và hết mình vì công việc. Có lẽ vì yêu nghề nên anh thanh niên chấp nhận làm việc trong một điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt và đầy sự khắc nghiệt của thiên nhiên, khí hậu. Anh sống và làm việc 'trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, quanh năm chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo'. Ở cái độ cao ấy, lại sống một mình nên với anh, công việc cũng chính là bạn của mình, 'khi ta làm việc, ta với công việc là đôi' và có lẽ bởi vậy nên anh luôn tìm thấy niềm vui, tìm thấy ý nghĩa trong chính công việc ấy - 'báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu'. Với tình yêu và niềm đam mê với công việc, anh luôn hoàn thành công việc của mình một cách xuất sắc. Dẫu trong hoàn cảnh nào, anh vẫn báo kết quả công việc về nhà đúng giờ, mỗi đêm bốn lần.

Thêm vào đó, anh thanh niên còn là một người luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống và sống lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Sống một mình trên đỉnh núi cao, chắc hẳn nhiều người nghĩ anh sẽ sống cô đơn lắm, buồn lắm nhưng với anh lại hoàn toàn khác bởi lẽ anh luôn biết cách tự tạo ra niềm vui cho bản thân mình bằng những công việc rất giản dị, đời thường như trồng đủ các loài hoa với muôn vàn màu sắc quanh ngôi nhà của mình, nuôi gà, nuôi ong,... Cùng với đó, anh còn chăm chỉ đọc sách để tìm niềm vui cho bản thân và làm tăng thêm vốn sống, vốn hiểu biết của mình. Đồng thời, anh còn là người biết sắp xếp căn phòng, cuộc sống của mình một cách ngăn nắp, gọn gàng - 'một căn nhà ba gian sạch sẽ khiến ông họa sĩ phải trầm trồ và bất ngờ'.

Không dừng lại ở đó, anh thanh niên còn là một người chân thành, cởi mở và giàu lòng hiếu khách. Trong anh thanh niên luôn hiện hữu một 'nỗi thèm người', muốn được trò chuyện cùng mọi người và vì vậy nên anh đã lấy khúc gỗ để chắn ngang đường để dừng những chuyến xe đi qua nơi đây. Khi gặp được người, anh vui mừng không xiết đến nỗi không thể làm chủ được cảm xúc của mình 'anh chạy vụt đi, cũng tất tả như khi đến' hay 'người con trai nói to những điều đáng lẽ người ta chỉ nói'. Thêm vào đó, anh rất cởi mở, hiếu khách và quan tâm đến tất cả mọi người, cho dù đó là những người mới chỉ lần đầu gặp gỡ. Khi có khách đến nhà, anh hồ hởi pha trà, rồi lúc họ ra về anh còn tặng họ hoa, trứng và hoa quả để ăn dọc đường. Anh còn tặng cho bác lái củ tam thất cho vợ bác vì anh tình cờ biết được việc vợ bác bị bệnh.

Cuối cùng, anh thanh niên là một con người khiêm tốn. Mọi người, ai cũng biết, công việc của anh góp phần phục vụ cho sản xuất và lao động, tạo nên những bước chuyển mình cho đất nước mình. Nhưng anh lại cho rằng đó là công việc rất nhỏ bé, đơn sơ và giản dị. Chính vì vậy mà khi ông họa sĩ muốn được vẽ anh thì anh từ chối, e ngại và muốn được giới thiệu người khác mà với anh họ xứng đáng hơn mình.

Như vậy, có thể thấy anh thanh niên hiện lên với nhiều vẻ đẹp cao quý, anh là hiện thân cho thế hệ trẻ trong công cuộc đổi mới đất nước. Cùng với anh thanh niên, trong tác phẩm còn có sự xuất hiện của các nhân vật khác như ông họa sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe,... Mỗi người hiện lên với những vẻ đẹp khác nhau trong tâm hồn, trong lối sống và góp phần làm bật nổi chủ đề của tác phẩm.

Đầu tiên không thể không nói đến đó chính là nhân vật ông họa sĩ. Mặc dù không phải là nhân vật chính của tác phẩm nhưng ông họa sĩ lại là nhân vật giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi ông mang điểm nhìn trần thuật của tác giả. Suốt cả câu chuyện, dường như, tác giả đã đặt mình vào vị trí của ông để quan sát và cảm nhận. Đồng thời, ở ông họa sĩ cũng hiện lên nhiều vẻ đẹp. Ông là một người họa sĩ chân chính, nghiêm túc, say mê và không ngần ngại khó khăn để đi tìm cái đẹp 'Hơn bao nhiêu người khác, ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời... Đối với chính nhà họa sĩ, vẽ bao giờ cũng là một việc khó, nặng nhọc và gian nan'. Thêm vào đó, khi gặp anh thanh niên, chứng kiến công việc và cuộc sống của anh, ông họa sĩ xúc động và bối rối còn trước vẻ đáng yêu của anh, ông lại thấy 'nhọc quá' vì những điều người ta nghĩ về anh. Những cảm xúc, suy tư của ông họa sĩ về nhân vật anh thanh niên đã góp phần cho chân dung nhân vật anh thanh niên hiện lên sáng rõ.

Cùng với ông họa sĩ, nhân vật cô kĩ sư cũng là nhân vật để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Cô chính là hiện thân, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Cuộc gặp gỡ bất ngờ cũng những câu chuyện, những lời tâm sự của anh thanh niên đã khiến cô cảm thấy 'bàng hoàng', giúp cô hiểu hơn về anh, về những con người như anh và có lẽ đó chính là động lực, là niềm tin để cô có thể tự tin vững bước trên con đường cô đã lựa chọn.

Cuối cùng, đó chính là nhân vật bác lái xe. Nhân vật bác lái xe xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm và cũng là người tạo ra cuộc gặp gỡ bất ngờ, thú vị giữa anh thanh niên, ông họa sĩ và cô kĩ sư. Bác là một người yêu nghề và có trách nhiệm với công việc, bác đã làm nghề lái xe ba mươi năm và có vốn hiểu biết phong phú về Sa Pa. Bác còn là một người niềm nở và cởi mở và có tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Sa Pa. Đồng thời, bác còn là cầu nối giữa anh thanh niên với miền xuôi, với cuộc đời - bác mua sách cho anh thanh niên, giới thiệu với anh những người bạn mới,...

Tóm lại, với cách xây dựng tình huống truyện tự nhiên, hợp lí, lời văn mượt mà, giàu chất thơ, truyện ngắn 'Lặng lẽ Sa Pa' đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động âm thầm, lặng lẽ trong công cuộc xây dựng xã hội mới.

Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) (mẫu 5)​​​​​​​

'Truyền kì mạn lục' là tác phẩm tạo nên tên tuổi của Nguyễn Dữ trong nền văn học Việt Nam mà cụ thể hơn là văn học thời kì trung đại. Tác phẩm này ra đời vào khoảng thời gian nửa đầu thế kỉ XVI, bao gồm 20 truyện được viết bằng chữ Hán. Một trong những truyện tiêu biểu của 'Truyền kì mạn lục' là 'Chuyện chức phán sự đền Tản Viên'.

Truyền kì là 'một thể văn xuôi tự sự thời trung đại phản ánh hiện thực qua những yếu tố kì lạ, hoang đường. Trong truyện truyền kì, thế giới con người và thế giới cõi âm với những thánh thần, ma quỷ có sự tương giao'. Đó cũng chính là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn đối với người đọc bao thế hệ. Ẩn đằng sau những chi tiết hoang đường ấy là những vấn đề then chốt của hiện thực, những quan niệm, tư tưởng và thái độ của tác giả. 'Chuyện chức phán sự đền Tản Viên' kể về việc kẻ sĩ Ngô Tử Văn đốt đền của viên Bách hộ họ Thôi đã tử trận làm yêu làm quái, gây hại cho dân lành. Hắn đe dọa và kiện Tử Văn ở Minh ti. Được Thổ công mách bảo cách đối phó với tên hung thần ấy nên khi bị giải đi xuống âm phủ Ngô Tử Văn đã vạch trần những tội ác mà hồn viên Bách hộ gây ra. Kẻ ác bị trừng phạt, Ngô Tử Văn được sống lại. Nhờ sự tiến cử của Thổ công mà chàng được nhận một chức phán sự ở đền Tản Viên. Sau đó, Tử Văn 'thu xếp việc nhà rồi không bệnh mà mất'.

Nhân vật Ngô Tử Văn được Nguyễn Dữ giới thiệu một cách trực tiếp bằng những lời văn ngắn gọn: 'Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực'. Đó cũng là những lời văn thể hiện thái độ ngợi khen về tính cách, phẩm chất con người Ngô Tử Văn của tác giả. Tức giận vì không thể chịu được sự gian tà nên chàng đã đốt đền của viên Bách hộ họ Thôi đã tử trận 'làm yêu làm quái trong dân gian'. Trước khi thực hiện hành động này, Tử Văn đã 'tắm gội sạch sẽ, khấn trời' rồi châm lửa đốt. Trong khi tất cả mọi người xung quanh đều lo sợ thay cho chàng thì chàng 'vẫn vung tay không cần gì cả', không mảy may suy nghĩ đến hậu quả khôn lường. Hành động đốt đền của Tử Văn đã thể hiện sự quyết liệt, dũng cảm, ngay thẳng, chính trực của một kẻ sĩ trong xã hội. Chàng tiêu diệt cái ác vì muốn mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Ngỡ tưởng chỉ cần đốt đền là mọi việc xong xuôi nhưng Ngô Tử Văn 'thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét'. Chàng thấy hồn ma tướng giặc đến đòi lại đền và nói những lời đe dọa: 'Biết điều thì dựng trả ngôi đền như cũ. Nếu không thì, vô cớ hủy đền Lư Sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ'.Trước những lời đe dọa ấy, Tử Văn không chút run sợ, 'ngồi ngất ngưởng tự nhiên' bởi đấu tranh cho cái thiện chưa bao giờ là việc làm sai trái. Hồn ma viên Bách hộ họ Thôi có ngoại hình cao lớn, khôi ngô, trên đầu đội mũ trụ, nói những lời đạo lý nhưng thực chất lại là một kẻ hung ác, gian xảo. Khi sống, hắn theo Mộc Thạnh sang 'lấn cướp' nước ta, đến khi chết đi trở thành hồn ma thì hắn lại chiếm đền của Thổ công làm nơi trú ngụ cho mình. Những lời đạo lí giả dối không thể che giấu đi bản chất xảo trá, bạo tàn của hắn.Ngô Tử Văn tin rằng hành động của mình là đúng, là việc chính nghĩa nên làm để bảo vệ cuộc sống của nhân dân nước Việt.

Nhờ có cuộc gặp gỡ với Thổ công mà Tử Văn thấy rõ được những hành động 'hung yêu tác quái', quấy rầy hại dân của hồn ma tướng giặc. Thổ công bày cách giúp Tử Văn 'khỏi phải chết một cách oan uổng' khi bị hồn ma kiện ở dưới chốn Minh ti. Chàng bị hai tên quỷ sứ bắt xuống dưới âm phủ. Đó là một không gian đáng sợ đến mức ghê rợn: 'gió tanh sông xám, hơi lạnh thấu xương', 'mấy vạn quỷ Dạ Xoa đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác',...Cảnh tượng ấy không làm cho Tử Văn khiếp sợ, chàng rất cứng cỏi, 'không chịu nhún nhường' trước những lời buộc tội của hồn ma tướng giặc. Cuộc cãi cọ của Tử Văn và hồn ma tướng giặc mãi chưa phân phải trái nên Tử Văn đã xin Diêm Vương 'đem tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi' để xác nhận sự thật, phân xử cho công bằng. Thấy vậy, người đội mũ trụ đã có những lời nói đỡ cho Tử Văn: 'Gã kia một kẻ học trò, thật là ngu bướng, quả đáng tội lắm. Nhưng đã trách mắng như vậy, cũng đủ răn đe rồi. Xin đại vương khoan dung tha cho hắn để tỏ cái đức rộng rãi. Chẳng cần đòi hỏi dây dưa. Nếu thẳng tay trị tội nó, sợ hại đến cái đức hiếu sinh'. Thoạt đầu người đọc ngỡ tưởng đó là lòng tốt của hồn ma tướng giặc nhưng thực chất đó chỉ là cách mà hắn tự bao biện, bênh vực cho chính mình.

Sau khi Diêm Vương sai người đi chứng thực, sự thật được làm sáng tỏ, tướng giặc bị 'lồng sắt chụp vào đầu, khẩu gỗ nhét vào miệng', bỏ vào ngục Cửu U. Ngôi mộ của tên tướng giặc 'tự dưng thấy bị bật tung lên, hài cốt tan tành ra như cám vậy'. Đó là sự trừng phạt thích đáng cho những kẻ làm điều phi nghĩa, gian tà. Tử Văn về nhà mới biết mình đã chết được hai ngày, một tháng sau đó, chàng nhận chức phán sự ở đền Tản Viên do Thổ công tiến cử rồi 'không bệnh mà mất'.

'Chuyện chức phán sự đền Tản Viên' hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bởi các chi tiết kì ảo, có sự đan xen các câu chuyện về con người, ma quỷ, chuyện trần gian, địa ngục, chuyện chết đi và sống lại của Ngô Tử Văn,...Chi tiết Diêm Vương xử kiện ở dưới âm phủ đã thể hiện niềm tin của con người vào công lí xã hội. Nếu trên cõi trần gian cái ác có thể hoành hành, không bị trừng trị thì xuống dưới âm phủ mọi tội ác đều bị trừng trị thích đáng. Chi tiết này đã đẩy xung đột truyện lên cao trào để Ngô Tử Văn có cơ hội bộc lộ sự cương trực và bản lĩnh của mình. Đồng thời cũng có ý nghĩa giáo dục ý thức sống và hành động của con người, con người hãy sống hướng thiện, làm theo lẽ phải bởi 'ở hiền gặp lành', 'ác giả ác báo'.

'Chuyện chức phán sự đền Tản Viên' của Nguyễn Dữ đã ngợi ca sự cương trực, khảng khái và bản lĩnh chống lại cái ác, bảo vệ lẽ phải của Ngô Tử Văn. Chàng là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp trí thức của nước ta lúc bấy giờ dũng cảm đấu tranh với cái ác. Bên cạnh đó, truyện cũng thể hiện niềm tin tưởng của tác giả Nguyễn Dữ vào công lí và chính nghĩa trong xã hội. Đó là lí do mà 'Chuyện chức phán sự đền Tản Viên' vẫn còn vẹn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) (mẫu 6)

đang cập nhật

1 188 lượt xem