50 câu Trắc nghiệm Lịch sử 7 (Kết nối tri thức) Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên có đáp án

Bộ 50 câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử 7 (có đáp án) Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Lịch sử 7 Bài 14.

1 146 lượt xem


Trắc nghiệm Lịch sử 7 Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên

Phần 1. Trắc nghiệm Lịch sử 7 Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên

Câu 1. Nhân vật lịch sử nào được đề cập đến trong câu đố dân gian sau?

“Đố ai nổi sáng sông Rừng

Đã vui Hàm Tử lại mừng Chương Dương,

Vân Đồn cướp sạch binh cường,

Nội Bàng mai phục chặn đường giặc lui?”

A. Lý Thường Kiệt.

B. Lê Hoàn.

C. Ngô Quyền.

D. Trần Hưng Đạo.

Đáp án đúng là: D

- Câu đố trên có nhiều dữ liệu về Trần Hưng Đạo:

+ “Nổi sáng sông Rừng” => đề cập đến chiến thắng Bạch Đằng của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ 3 (sông Bạch Đằng còn có tên gọi khác là sông Rừng).

+ Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 và lần thứ 3, dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo, quân dân Đại Việt đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang ở: Hàm Tử, Chương Dương, Vân Đồn, Nội Bàng…

(SGK Lịch Sử 7 – trang 69).

Câu 2. Nội dung nào không thể hiện chính xác nguyên nhân ba lần giặc Mông-Nguyên thất bại trong cuộc xâm lược Đại Việt?

A. Đường lối quân sự của Đại Việt rất độc đáo, linh hoạt, sáng tạo.

B. Lực lượng quân Mông-Nguyên ít, khí thế chiến đấu kém cỏi.

C. Đại Việt có đội ngũ tướng lĩnh tài giỏi với nhiều danh tiếng kiệt xuất.

D. Nhân dân Đại Việt có tinh thần yêu nước, đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm.

Đáp án đúng là: B

Quân Mông - Nguyên là đế chế hùng mạnh nhất thế giới thời bầy giờ. Trong 3 lần xâm lược Đại Việt, quân Mông – Nguyên đã huy động lực lượng chiến đấu rất lớn, ví dụ: trong lần xâm lược thứ hau, quân Nguyên đã huy động hơn 50 vạn quân (500.000 quân) tiến đánh Đại Việt.

Câu 3. Tháng 1/1258, khi 3 vạn quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt, trước thế giặc mạnh, vua Trần Thái Tông đã có quyết định

A. lui quân để bảo toàn lực lượng.

B. cho sứ giả sang cầu hòa.

C. dâng biểu xin hàng.

D. dốc toàn lực để phản công.

Đáp án đúng là: A

Tháng 1/1258, khi 3 vạn quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt, trước thế giặc mạnh, vua Trần Thái Tông đã có quyết định lui quân để bảo toàn lực lượng (SGK Lịch Sử 7 – trang 69 ).

Câu 4. Tác giả của câu nói Nếu bệ hạ muốn đầu hàng giặc thì trước hãy chém đầu thần rồi hãy hàng” là

A. Trần Bình Trọng.

B. Trần Quang Khải.

C. Trần Hưng Đạo.

D. Trần Nhật Duật.

Đáp án đúng là: C

Tác giả của câu nói Nếu bệ hạ muốn đầu hàng giặc thì trước hãy chém đầu thần rồi hãy hàng” làTrần Hưng Đạo(SGK Lịch Sử 7 – trang 70 ).

Câu 5. Khi quân Mông Cổ tiến vào Thăng Long (năm 1258), vua Trần đã chỉ đạo nhân dân thực hiện chủ trương

A. kiên quyết chống trả để bảo vệ Thăng Long.

B. “Vườn không nhà trống”.

C. tấn công trước để chặn thế mạnh của giặc.

D. đầu hàng quân giặc để tránh tổn thất.

Đáp án đúng là: B

Khi quân Mông Cổ tiến vào Thăng Long (năm 1258), vua Trần đã chỉ đạo nhân dân thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống” (SGK Lịch Sử 7 – trang 69 ).

Câu 6. Thắng lợi của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông- Nguyên ở thế kỉ XIII gắn liền với sự lãnh đạo của vương triều nào?

A. Nhà Tiền Lê.

B. Nhà Lý.

C. Nhà Trần.

D. Nhà Hồ.

Đáp án đúng là: C

Thắng lợi của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông- Nguyên ở thế kỉ XIII gắn liền với sự lãnh đạo của nhà Trần (SGK Lịch Sử 7 – trang 68).

Câu 7. Tác giả của câu nói: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” là

A. Trần Bình Trọng.

B. Trần Thủ Độ.

C. Trần Quốc Tuấn.

D. Trần Khánh Dư.

Đáp án đúng là: B

Tác giả của câu nói: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” làTrần Thủ Độ (SGK Lịch Sử 7 – trang 69).

Câu 8. Nhân vật lịch sử nào được đề cập đến trong câu đố dân gian dưới đây?

“Ai người bóp nát quả cam,

Hờn vua đã chẳng cho bàn việc quân,

Phá cường địch báo hoàng ân,

Dựng lên cờ nghĩa xả thân diệt thù?”

A. Trần Quốc Toản.

B. Trần Hưng Đạo.

C. Trần Khánh Dư.

D. Trần Nhật Duật.

Đáp án đúng là: A

Ở hội nghị Bình Than, vua thấy Trần Quốc Toản tuổi còn nhỏ, không cho dự bàn việc nước. Quốc Toản trong lòng thấy hổ thẹn, phẫn kích, tay cầm quả cam mà bóp nát lúc nào không biết. sau đó, Trần Quốc Toản huy động hơn nghìn gia nô và người nhà, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ “phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, báo ơn vua) - (SGK Lịch Sử 7 – trang 69).

Câu 9. Trước nguy cơ nhà Nguyên đang lăm le xâm lược Đại Việt lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn đã soạn Hịch Tướng sĩ để

A. kêu gọi quân sĩ và nhân dân hạ vũ khí, đầu hàng giặc.

B. khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân Đại Việt.

C. huy động quân sĩ xây dựng phòng tuyến trên sông Như Nguyệt.

D. vận động nhân dân thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”.

Đáp án đúng là: B

Trước nguy cơ nhà Nguyên đang lăm le xâm lược Đại Việt lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn đã soạn Hịch Tướng sĩ để khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân Đại Việt (SGK Lịch Sử 7 – trang 69).

Câu 10. Trước nguy cơ nhà Nguyên lăm le xâm lược Đại Việt lần thứ hai, năm 1284, nhà Trần đã tổ chức hội nghị Diên Hồng, mời các vị bô lão trong cả nước đến để bàn kế sách đánh giặc. Việc nhà Trần tổ chức Hội nghị Diên Hồng không thể hiện ý nghĩa nào dưới đây?

A. Nhà Trần biết đoàn kết với nhân dân để đánh giặc.

B. Nhà Trần sợ giặc Nguyên nên mới nhờ đến nhân dân.

C. Cuộc kháng chiến của nhà Trần là cuộc chiến tranh nhân dân.

D. Sự nhất trí đồng lòng đánh giặc của triều đình và nhân dân.

Đáp án đúng là: B

Hội nghị Diên Hồng của nhà Trần đã thể hiện: sự đoàn kết, nhất trí đồng lòng đánh giặc của triều đình và nhân dân; đồng thời cho thấy cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của nhà Trần là một cuộc chiến mang tính nhân dân sâu sắc.

Câu 11.Chiến thuật quen thuộc của quân Mông – Nguyên khi xâm lược Đại Việt là

A. phối hợp với quân Chăm-pa để tiến đánh Đại Việt.

B. xâm lược Chăm-pa trước để làm bàn đạp đánh Đại Việt.

C. chia thành 2 đạo quân thủy – bộ cùng tiến đánh Đại Việt.

D. cho quân áp sát biên giới để uy hiếp và cử sứ giả đến dụ hàng.

Đáp án đúng là: D

Chiến thuật quen thuộc của quân Mông – Nguyên khi xâm lược Đại Việt là cho quân áp sát biên giới để uy hiếp và cử sứ giả đến dụ hàng. Trước khi tiến đánh Đại Việt, quân Mông – Nguyên đã 3 lần cử sứ giả đến Thăng Long. Tuy nhiên, cả 3 lần cử sứ giả đi thì đều không thấy trở về (SGK Lịch Sử 7 – trang 68).

Câu 12. Để đối phó với thế mạnh của quân Mông – Nguyên, cả ba lần nhà Trần đều thực hiện kế sách

A.“đánh nhanh thắng nhanh”.

B.“tiên phát chế nhân”.

C.“vây thành, diệt viện”.

D.“vườn không nhàtrống”.

Đáp án đúng là: D

Cả ba lần quân Mông-Nguyên xâm lược, nhà Trần đều hạ lệnh cho nhân dân Thăng Long rút lui, quân Mông Cổ chiếm được Thăng Long chỉ là một toà thành trống rỗng.

Câu 13. Trận Bạch Đằng năm 938 (do Ngô Quyền lãnh đạo) với trận Bạch Đằng năm 1288 (do Trần Quốc Tuấn lãnh đạo) đều

A. diễn ra khi giặc từ ngoài biển tiến vào.

B. diễn ra khi quân giặc rút lui về nước.

C. giết chết được chủ tướng của quân giặc.

D. sử dụng kế sách “đóng cọc gỗ”.

Đáp án đúng là: D

- Trận Bạch Đằng năm 938 (do Ngô Quyền lãnh đạo) với trận Bạch Đằng năm 1288 (do Trần Quốc Tuấn lãnh đạo) đều sử dụng kế sách “đóng cọc gỗ” làm thành trận địa cọc ngầm để phục kích quân xâm lược.

- Nội dung các đáp án A, B, C không phù hợp, vì:

+ Trận Bạch Đằng năm 938 diễn ra khi quân xâm lược Nam Hán mới theo đường biển tiến vào Việt Nam

+ Trận Bạch Đằng năm 1288 diễn ra khi quân Nguyên đã thua, phải rút chạy về nước.

+ Trong trận Bạch Đằng năm 938, chủ tướng của quân Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo đã tử trận; trong trận Bạch Đằng năm 1288, chủ tướng chỉ huy quân giặc lúc này là Ô Mã Nhi bị bắt sống.

Câu 14. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể vận dụng bài học kinh nghiệm nào từ thắng lợi của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên thời Trần?

A. Chuẩn bị thật nhiều vũ khí để đánh giặc.

B. Khi giặc đến thì phải rút lui ngay.

C. Ngoại giao thật khôn khéo để tránh chiến tranh.

D. Bồi dưỡng sức dân, dựa vào dân để đánh giặc.

Đáp án đúng là: D

Thắng lợi của quân dân Đại Việt trong 3 lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên đã để lại bài học kinh nghiệm quý giá về: chăm lo sức dân, củng cố khối đoàn kết dân tộc; phát huy sức mạnh của toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Câu 15. Nội dung nào không phản ánh đúng kế sách đánh giặc của nhà Trần trong ba lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược?

A. Chủ động tiến công trước để chặn thế mạnh của giặc.

B. Tích cực, chủ động chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.

C. Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu.

D. Rút lui chiến lược; chớp thời cơ để phản công.

Đáp án đúng là: A

- Kế sách đánh giặc của nhà Trần trong ba lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược:

+ Tích cực, chủ động chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.

+ Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu.

+ Rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng; chớp thời cơ địch suy yếu để tiến hành phản công.

Phần 2. Lý thuyết Lịch sử 7 Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên

1. Cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên năm 1258

- Hoàn cảnh:

+ Từ cuối năm 1257, quân Mông cổ chuẩn bị xâm lược Đại Việt.

+ Sự chuẩn bị của nhà Trần: chủ động đề ra kế hoạch đối phó như tăng cường phòng thủ ở biên giới, chuẩn bị lực lượng, vũ khí,…

- Diễn biến:

Lý thuyết Lịch Sử 7 Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên - Kết nối tri thức (ảnh 1)

Lược đồ cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ năm 1258

+ Tháng 1/1258, 3 vạn quân Mông Cổ do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, từ Vân Nam tiến vào Đại Việt.

+ Vua Trần trực tiếp chỉ huy trận Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc). Trước thế giặc mạnh, quân tạm rút lui để bảo toàn lực lượng.

+ Nhà Trần đã thi hành kế sách “vườn không nhà trống”, quân Mông Cổ chiếm được thành Thăng Long nhưng chỉ là một tòa thành trống rỗng.

+ Trước tình cảnh khó khăn của quân giặc, nhà Trần mở cuộc tấn công quyết định vào Đông Bộ Đầu (Hà Nội ngày nay). Quân Mông Cổ thua trận, rút chạy khỏi Thăng Long, đến phủ Quy Hóa lại bị dân bình đại phương chặn đánh.

- Kết quả: cuộc kháng chiếm kết thúc thắng lợi sau chưa đầy một tháng.

2. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285

- Hoàn cảnh lịch sử: năm 1271, nhà Nguyên được thành lập. Năm 1279, nhà Nguyễn ráo riết chuẩn bị xâm lược Chăm-pa và Đại Việt.

- Sự chuẩn bị của nhà Trần:

+ Vua Trần đã triệu tập Hội nghị Bình Than (Bắc Ninh), mở Hội nghị Diên Hồng (Thăng Long) bàn kế sách và khẳng định quyết tâm chống giặc.

+ Cử Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế - tổng chỉ huy lực lượng kháng chiến.

+ Trần Quốc Tuấn soạn Hịch tướng sĩ để khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân Đại Việt.

+ Tổ chức cuộc tập trận lớn và duyệt binh ở Đông Bộ Đầu, chia quân đóng giữ những nơi trọng yếu.

- Diễn biễn:

+ Tháng 1/1285, hơn 50 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tràn vào xâm lược Đại Việt Trần Quốc Tuấn cho lui quân về đóng ở Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương).

+ Quân dân nhà Trần kiên cường chiến đấu, bảo vệ được bộ chỉ huy kháng chiến, phá vỡ kế hoạch hội quân của Toa Đô (từ Chăm-pa đánh ra) và Thoát Hoan tại vùng Thiên Trường, từng bước làm tiêu hao lực lượng địch.

+ Quân Nguyên rút về Thăng Long chờ tiếp viện trong tình cảnh thiếu lương thực và bị động đối phó trước các cuộc tập kích của quân dân nhà Trần.

+ Tháng 5/1285, quân Trần tổ chức phản công, đánh bại quân giặc ở nhiều nơi như Tây Kết (Hà Nội), Hàm Tử (Hưng Yên), Chương Dương (Hà Nội) rồi tiến vào giải phóng Thăng Long.

- Kết quả: cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi.

Lý thuyết Lịch Sử 7 Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên - Kết nối tri thức (ảnh 1)

3. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1287 - 1288

- Hoàn cảnh:

+ Sau hai lần thất bại thảm hại, vua Nguyên tức tối cử Thoát Hoan tiếp tục chỉ huy 50 vạn quân theo hai đường thủy, bộ tấn công Đại Việt lần thứ ba.

+ Đoán được dã tâm và ý đồ xâm lược của kè thù, nhà Trần lại tích cực chuẩn bị kháng chiến.

- Diễn biến:

+ Cuối năm 1287, quân Nguyên ồ ạt tiến vào nước ta. Quân dân nhá Trần chặn đường tiến quân của giặc đến Thăng Long.

+ Trần Khánh Dư chỉ huy quân phục kích đoàn thuyền lương của quân Nguyên  giành thắng lợi tại Vân Đồn - Cửa Lục (Quảng Ninh).

+ Đầu năm 1288, quân Nguyên chiếm Thăng Long, nhưng vẫn trúng kế “vườn khỏng nhà trống” của nhà Trần.

+ Ngày càng lâm vào tình cảnh khó khăn, Thoát Hoan quyết định kéo quân sang Vạn Kiếp rồi cúng theo hai đường thuỷ, bộ để về nước.

+ Đầu tháng 4/1288, Nhà Trần quyết định tổ chức phản công, bố trí trận địa mai phục tại vùng cửa sông Bạch Đằng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trần Quốc Tuấn.

 Trận Bạch Đằng đại thắng. Cánh quân bộ trên đường rút lui cũng bị quân dân nhà Trần đánh cho tan tác.

Lý thuyết Lịch Sử 7 Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên - Kết nối tri thức (ảnh 1)

Lược đồ kháng chiến chống quân Nguyên năm 1287 - 1288

- Kết quả: cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1287 - 1288 kết thúc thắng lợi.

4. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên

a) Nguyên nhân thắng lợi

- Lòng yêu nước, tinh thần đòan kết, ý chí độc lập tự chủ và quyết tâm đánh giặc của quân dân Đại Việt.

- Nhà Trần đã đề ra kế sách đánh giặc đúng đắn và sáng tạo: chủ động chuẩn bị kháng chiến, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu....

- Sự lãnh đạo, chỉ huy tài ba của các vua Trần và nhiều tướng lĩnh tài ba, như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải,...

b) Ý nghĩa lịch sử

- Đối với Việt Nam:

+ Đập tan tham vọng và ý chí xâm lược của quân Mông - Nguyên, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.

+ Viết tiếp trang sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc, đóng góp vào truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

+ Để lại những bài học lịch sử quý giá: chăm lo sức dân, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn dân trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Đối với thế giới:

+ Ngăn chặn cuộc xâm lược của quân Nguyên đối với Nhật Bản và các nước ở Đông Nam Á

+ Góp phần làm suy yếu đế chế Mông - Nguyên.

1 146 lượt xem