Tác giả tác phẩm Lão Hạc (Chân trời sáng tạo 2024) Ngữ văn 12 chi tiết nhất
Tác giả tác phẩm Lão Hạc Ngữ văn lớp 12 sách Chân trời sáng tạo đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 12. Mời các bạn đón xem:
Tác giả tác phẩm: Lão Hạc - Ngữ văn 12
I. Tác giả Nam Cao
- Nam Cao (1917- 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri.
- Quê quán: làng Đại Hoàng, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân), tỉnh Hà Nam.
- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:
+ Năm 1941, ông có tập truyện đầu tay là Đôi lứa xứng đôi, tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ rất được đón nhận, sau đó đã được dổi tên là Chí Phèo.
+ Tháng 4 năm 1943, Nam Cao gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc và là một trong số những thành viên đầu tiên
+ Đến năm 1946, ông ra Hà Nội hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc.
+ Năm 1950 Nam Cao làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam và làm việc trong toà soạn tạp chí Văn nghệ.
+ Ông được nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 1996.
+ Những tác phẩm tiêu biểu: Chí Phèo, Cái chết của con Mực, Con mèo…
- Phong cách sáng tác: Ông là một nhà văn hiện thực xuất sắc viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và những người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ.
II. Tìm hiểu tác phẩm Lão Hạc
1. Thể loại Lão Hạc
- Tác phẩm Lão Hạc thuộc thể loại: truyện ngắn.
2. Xuất xứ Lão Hạc
- Tác phẩm được in trong Tuyển tập Nam Cao, tập 1, NXB Văn học, Hà Nội.
3. Phương thức biểu đạt Lão Hạc
- Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
4. Bố cục đoạn trích Lão Hạc
- Phần 1: Từ đầu đến “cũng xong”: Lão Hạc kể chuyện bán chó và nhờ ông giáo hai việc.
- Phần 2: Tiếp theo đến “đáng buồn”: Cuộc sống của lão sau khi bán chó.
- Phần 3: Còn lại: Cái chết của lão Hạc.
5. Giá trị nội dung Lão Hạc
- Qua đoạn trích tác giả đã thể hiện sự chân thực và cảm động về số phận đau thương của người nông dân trong xã hội phong kiến cũ và ca ngợi những phẩm chất cao quí của họ. Đồng thời cũng cho thấy sự yêu thương trân trọng của Nam Cao đối với những người nông dân như thế.
6. Giá trị nghệ thuật Lão Hạc
- Nam Cao đã thể hiện tài năng nghệ thuật của mình trong việc miêu tả tâm lí nhân vật, cách kể chuyện giản dị, tự nhiên chân thực, giọng điệu linh hoạt và tình huống độc đáo.
III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Lão Hạc
1. Tình cảnh Lão Hạc
- Nhà nghèo, vợ chết con trai bỏ đi đồn điền cao su
- Làm thuê để kiếm ăn.
- Sau ốm: tiêu hết tiền dành dụm ... không có việc, bán chó
-> Cuộc sống nghèo khổ, cùng quẫn và cô đơn
=> Lớp người nông dân nghèo khổ trước CMT8
2. Tình cảm của Lão Hạc dành cho con trai và cho cậu Vàng
a. Tình cảm của lão Hạc đối với con trai và phẩm chất của lão.
- Nhờ ông giáo:
+ Giữ hộ ba sào vườn cho con trai.
+ Gửi 30 đồng để lo hộ đám tang cho mình.
=> Lão là người cha tốt, cao thượng giàu đức hi sinh.
=> Người nông dân nghèo nhưng có lòng tự trọng cao.
b. Tình cảm của Lão Hạc đối với “cậu Vàng”.
- Trước khi bán con chó Vàng
+ Nói với ông giáo về ý định bán chó
+ Lão phải suy tính, đắn đo nhiều lần, coi đó là việc rất hệ trọng.
- Sau khi bán con Vàng:
+ Cố làm ra vui vẻ, cười như mếu, mắt ầng ậc nước, mặt co rúm lại, vết nhăn xô lại, ép nước mắt chảy ra, đầu ngoẹo về một bên, mếu như con nít, hu hu khóc.
+ Sử dụng các từ tượng hình, tượng thanh, động từ có sức gợi tả cao, biểu hiện chân thực, cụ thể, chính xác, đặc tả ngoại hình đầy ấn tượng.
+ Thể hiện một sự ngậm ngùi, chua chát, nỗi đau đớn, hối hận, xót xa, sự thương tiếc, nỗi buồn và sự bất lực trước cảnh sống hiện tại cùng cực.
=> Là con người sống tình nghĩa, thuỷ chung, một người cha yêu thương con sâu sắc muốn dành dụm tất cả những gì có thể cho con để con có một cuộc sống hạnh phúc, một con người có nhân cách cao quí.
3. Cái chết của Lão Hạc
- Lão Hạc chuẩn bị cho cái chết của mình:
+ Làm văn tự, nhờ ông giáo trông nom hộ 3 sào vườn để khi con về sẽ có đất ở, có vườn làm... văn tự để tên ông giáo, về sau này nhờ ông giáo trông nom cho con ông.
+ Gửi ông giáo 30 đồng bạc để khi lão chết nhờ hàng xóm chi tiêu lo hộ việc ma chay.
- Chuẩn bị âm thầm, chu đáo.
+ Lão Hạc chủ động và tự nguyện tìm đến cái chết.
=> Là một người cha hết lòng vì con. Là người sống chu đáo, giàu lòng tự trọng.
- Cách xây dựng tình huống truyện đầy bất ngờ, có tác dụng “đánh lừa”...
- Lão Hạc vật vã, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc, tru tréo, bọt mép sùi ra...
+ Một loạt các từ tượng hình và tượng thanh liên tiếp gợi tả về một cái chết dữ dội và thê thảm...
+ Tình huống truyện được đẩy lên đến đỉnh điểm.
+ Lão tự giải thoát bằng cách tự trừng phạt mình.
* Nguyên nhân về cái chết của lão Hạc
- Do tình cảnh đói khổ, túng quẫn.
- Xuất phát từ từ tình yêu thương, trách nhiệm với con, từ lòng tự trọng đáng kính.
- Thực trạng xã hội thực dân phong kiến đương thời
=> Phản ánh số phận đau thương và phẩm chất cao quý tiềm tàng của người nông dân nghèo trước cách mạng tháng Tám.
=> Lão Hạc là một nhân vật lương thiện, bị bần cùng hoá nên phải chọn cái chết thảm thương, đau đớn. Đó là một người cha giàu lòng yêu thương con, một người tình nghĩa thủy chung, trung thực, là một tâm hồn, một tính cách cao thượng, một nhân cách cao cả.
- Cách xây dựng tình huống truyện đầy bất ngờ, có tác dụng “đánh lừa”...
IV. Các bài văn mẫu
Đề bài: Phân tích bài Lão Hạc
Bài tham khảo 1
Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc. Hai mảng đề tài chính trong các tác phẩm của ông là người nông dân và tri thức nghèo. Một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về người nông dân là truyện ngắn Lão Hạc.
“Lão Hạc” được đăng báo lần đầu năm 1943. Truyện kể về Lão Hạc là một người nông dân nghèo khổ. Lão có một đứa con trai nhưng vì nhà nghèo, không có tiền lấy vợ nên bỏ đi đồn điền cao su. Cả gia tài của lão chỉ có mảnh vườn vốn là của hồi môn của con trai và con chó Vàng sống cùng để bầu bạn. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, nhà lão không còn gì để ăn. Lão đành phải bán con Vàng đi. Số tiền bán chó và bán mảnh vườn, lão đem gửi ông giáo và nhờ khi nào anh con trai về sẽ trao lại cho anh. Còn bản thân thì đến xin Binh Tư một ít bả chó để tự tử.
Nhân vật chính trong truyện là lão Hạc, một người nông dân nghèo khổ nhưng sống tình cảm. Điều này được thể hiện rõ qua sự gắn bó, đau xót, tiếc thương của lão khi phải bán đi cậu Vàng. Bên cạnh đó, lão còn là một người cha yêu thương con hết mực, luôn nghĩ cho con và dành dụm cho con. Không chỉ vậy, Lão cũng là một người có lòng tự trọng. Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn nhưng không có những suy nghĩ, việc làm trái với lương tâm và cũng không muốn ảnh hưởng, phiền hà đến bất cứ ai.
Nhân vật ông giáo xuất hiện với vai trò người kể chuyện, xưng “tôi”. Nhân vật này là hàng xóm cũng có thể coi là người bạn tâm giao của lão Hạc. Ông giáo là người được lão Hạc tin tưởng. Lão kể cho ông giáo nghe về việc bán con chó Vàng, lão nhờ ông giáo giữ hô số tiền bán mảnh vườn và con chó để khi con trai của lão trở về sẽ giao lại. Không chỉ vậy, qua nhân vật ông giáo, Nam Cao cũng gửi gắm một số triết lí về cuộc sống, tư tưởng sâu sắc.
Bên cạnh những thành công về nội dung, truyện ngắn còn gây ấn tượng với người đọc bởi nghệ thuật tác giả sử dụng vô cùng đặc sắc. Đầu tiên phải kể đến nghệ thuật xây dựng và khắc họa nhân vật vô cùng tiêu biểu, đậm nét. Lấy hình ảnh một con người để nói đến một bộ phận người. Tiếp đến là nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật vô cùng tài tình. Sự kết hợp giữa phương thức tự sự và trữ tình cũng tạo nên sự đa chiều của câu chuyện. Có lúc là giọng văn tự sự mẫu mực, có lúc lại khiến người đọc rưng rưng xúc động với những xúc cảm do tác giả thể hiện.
Lão Hạc của nhà văn Nam Cao xứng đáng là một tác phẩm hay. Truyện không chỉ thành công bởi những giá trị về nội dung mà còn cả bởi giá trị về nghệ thuật.
Bài tham khảo 2
Nam Cao là một trong những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của văn học hiện thực trước cách mạng. Các tác phẩm của ông sáng tác trên hai đề tài lớn là người trí thức và người nông dân, nhưng thành công hơn cả là khi ông viết về đề tài người nông dân. Viết về người nông dân, nhà văn có khuynh hướng khám phá, phát hiện những vẻ đẹp phẩm chất ẩn sâu trong con người họ. Truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm như vậy.
Trước hết về nhân vật lão Hạc, lão có số phận bi thảm nhưng ẩn sau đó là những phẩm chất cao đẹp, đại diện cho người nông dân. Số phận lão Hạc cũng là số phận chung của biết bao người nông dân trước cách mạng. Vợ lão chết sớm, lão ở vậy gà trống nuôi con. Đứa con lớn lên vì không lấy được người mình yêu nên phẫn chí bỏ nhà ra đi. Lão ở vậy một mình với cậu Vàng – kỉ vật người con trai để lại. Nhưng cuộc đời lão càng ngày lại càng bi đát hơn, lão bị ốm, lão tiêu tốn nhiều tiền dành dụm cho con, bởi vậy lão đành bán cậu Vàng – người bạn đã ở bên giúp lão vơi bớt nỗi buồn khi phải xa con. Khi bán cậu Vàng lão vô cùng đau đớn, ân hận. Nỗi ân hận đó được thể hiện qua đoạn văn miêu tả đặc sắc: cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co rúm lại, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít, hu hu khóc. Tình cảnh của lão thật đáng thương, lão luôn sống trong sự day dứt, dằn vặt bản thân.
Nhưng ẩn đằng đó chính là những phẩm chất cao đẹp của người nông dân lương thiện. Lão là một người giàu tình yêu thương, tình yêu thương đó được thể hiện ngay cả với một con vật: lão gọi chó là cậu Vàng, gọi nịnh như gọi một đứa trẻ, ông chăm sóc cậu Vàng chu đáo: cho ăn cơm trong bát như một nhà giàu, không chỉ vậy ông còn trò chuyện, mắng yêu cậu vàng, cậu Vàng làm lão bớt cô đơn, vơi đi nỗi nhớ con. Tình cảm sâu nặng của ông với cậu Vàng có nguồn gốc sâu xa từ tình yêu thương con của lão Hạc, con chó là kỉ vật thiêng liêng mà người con để lại cho ông trước khi đi đến đồn điền cao su.
Tình phụ tử ở lão Hạc cũng vô cùng sâu sắc, thiêng liêng. Vì cảnh nghèo không cưới được vợ cho con, lão vô cùng đau đớn, bởi vậy bao nhiêu tiền của làm được lão đều dành dụm cho con, lão chịu kham khổ, để người đời chửi mắng chứ nhất định không chịu tiêu lạm vào tiền của con. Sau khi bị bệnh nặng, lão chỉ ăn khoai, hết khoai lão ăn củ chuối, rồi ăn sung luộc, rau má, củ ráy, nghĩa là vớ được thứ gì lão ăn thứ ấy,… Và cuối cùng lão lo lắng sẽ tiêu hết tiền cho con nên lão đành chọn cái chết để bảo toàn tài sản cho con trai mình. Cái chết đau đớn của lão Hạc xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao.
Mặc dù nghèo khổ nhưng lão luôn giữ lòng tự trọng. Lão không nhận bất cứ sự giúp đỡ của ai, ngay cả khi ông giáo đề nghị giúp, lão từ chối một cách hách dịch, bởi lão hiểu hoàn cảnh gia đình ông giáo cũng nghèo túng chẳng khác gì gia đình mình. Lòng tự trọng đó còn được thể hiện trong cách thức tìm đến cái chết của ông. Trước khi chết ông để lại tiền nhờ bà con lo ma chay, không muốn phiền hà đến hàng xóm. Lão chết bằng cách ăn bả chó, cái chết đau đớn, dữ dội như một lời tạ tội với cậu Vàng. Cái chết của lão Hạc chính là sự khẳng định cho sức sống bất diệt của nhân cách trong ông.
Ngoài nhân vật lão Hạc trong tác phẩm ta còn thấy nổi bật lên hình ảnh của một ông giáo nghèo, người bạn thân thiết của lão Hạc. Ông giáo có sự đồng cảm sâu sắc với cảnh ngộ đáng thương của lão Hạc: an ủi, động viên khi lão bán chó, chia sẻ nỗi buồn với lão Hạc, luôn tìm mọi cách làm cho lão khuây khỏa, lạc quan. Ông còn là người am hiểu tường tận nhất vẻ đẹp nhân cách của lão hạc: “Không cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Nghĩa khác ấy chính là con người có nhân cách cao đẹp nhưng lại phải chết vật vã, đau đớn và cái chết ấy lại càng làm sáng hơn nhân cách cao đẹp của lão.
Nghệ thuật kể chuyện xuất sắc: câu chuyện được kể bởi nhân vật tôi (ông giáo) người luôn bên cạnh lão Hạc, bởi vậy khiến câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi, ngoài ra khiến mạch kể trở nên tự nhiên, linh hoạt, tạo điều kiện kết hợp tả, kể với bình luận một cách tự nhiên, sinh động. Giọng văn đa dạng, thay đổi linh hoạt. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ, hợp lí, những bước ngoặt của truyện giúp bộc lộ rõ tính cách, phẩm chất của nhân vật. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn của văn bản: nhân vật được khắc họa qua diện mạo, ngôn ngữ đối thoại, diễn biến tâm trạng và qua lời nhận xét, bình luận của các nhân vật khác, bởi vậy chân dung nhân vật hiện lên chân thực, sinh động hơn.
Với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, ngôn ngữ giản dị, lôi cuốn Nam Cao đã cho người đọc thấy chân dung số phận bất hạnh của người nông dân trước cách mạng, họ bị đẩy đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết. Nhưng đằng sau đó còn là chân dung tinh thần đẹp đẽ: giàu tình yêu thương và nhân cách cao đẹp.