TOP 12 bài Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (HAY NHẤT 2024)
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo gồm 12 bài văn mẫu hay nhất năm 2024 giúp học sinh viết bài tập làm văn 8 hiệu quả hơn.
Nội dung bài viết
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi
Đề bài: Câu lạc bộ Văn học trường em tổ chức cuộc thi viết với chủ đề “Tác phẩm tôi yêu”. Em hãy viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi này.
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 1)
Thượng tướng Trần Quang Khải là một vị tướng văn võ song toàn, từng có công rất lớn trong hai cuộc chiến chống quân Mông- Nguyên. Sau chiến thắng vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, chiến thắng giải phóng kinh đô năm 1285, ông được cử đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về kinh. Trên đường đi, ông đã sáng tác bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”. Đây là khúc khải hoàn đầu tiên của dân tộc ta trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Hai câu đầu của bài thơ thể hiện chiến thắng hào hùng vang dội của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông xâm lược.
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan”
(Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù)
Như chúng ta đã biết, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thời vua Trần, nhân dân ta đã giành nhiều chiến thắng trong nhiều chiến dịch, nổi tiếng nhất là chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Nhưng tại sao Trần Quang Khải chỉ nói đến chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử mà không hề nhắc đến trận Bạch Đằng? Phải chăng đây là hai chiến thắng tiêu biểu, có tính quyết định dứt khoát để giành thắng lợi cuối cùng? Phải chăng nhờ hai chiến thắng này, nhà vua và cả triều đình sau thời gian sơ tán, được trở về kinh đô, trở về nhà trong niềm vui sướng? Trong thực tế lịch sử, chiến thắng Hàm Tử diễn ra trước, chiến thắng Chương Dương sau. Tại sao tác giả lại nói ngược lại, nêu Chương dương trước, sau đó là Hàm Tử? Tìm hiểu lịch sử, ta thấy rằng, người chỉ huy trận Hàm Tử là tướng Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải chỉ tham gia hỗ trợ. Còn ở trận Chương Dương, Trần Quang Khải thống lĩnh ba quân, trực tiếp chỉ huy và giành thắng lợi giòn giã, để rồi ngay sau đó được cử hộ giá nhà vua về kinh. Niềm vui chiến thắng, đi liền với niềm vui được “phò giá” dồn dập nối tiếp cộng hưởng cho nhau. Có lẽ vì thế mà trong phút ngẫu hứng, vị tướng đã nhắc ngay đến chiến thắng Chương Dương, rồi mới hồi tưởng Hàm Tử. Trong cả hai chiến dịch, quân ta đã chiến đấu rất dũng cảm, khí thế, quyết đoán. Song, tác giả chỉ đúc lại trong hai câu thơ ngắn gọn với hai động từ mạnh đó là “đoạt” và “cầm”. “Đoạt” nghĩa là “lấy hẳn được về cho mình qua đấu tranh với người khác”. Như vậy, dùng từ “đoạt sáo”, nhà thơ vừa ghi nhận chiến công vừa ngợi ca hành động chính nghĩa, dũng cảm của quân ta. Ở Chương Dương, ta giành được gươm giáo, vũ khí của giặc thì ở Hàm Tử, ta bắt sống được tướng giặc ngay tại trận. Trong chiến trận chắc chắn có thương vong, tổn hại lực lượng của cả bên ta lẫn bên địch. Nhưng lời thơ không đề cập đến, vì mục đích chiến đấu của dân tộc ta không phải là giết kẻ thù mà là giành lại nền độc lập, bắt kẻ thù phải trả lại đất nước cho ta. Giọng thơ khỏe khoắn, hùng tráng, âm điệu tươi vui, rộn ràng làm ta có cảm giác vị tướng ấy đang ngẩng cao đầu, vừa đi vừa cất tiếng ngâm thơ. Có thể nói, hai câu thơ trên đã tái hiện không khí chiến thắng oanh liệt, tình cảm phấn chấn, tự hào của nhà thơ trên đường hộ tống nhà vua về kinh.
Dời xuống hai câu sau, âm điệu thơ như lắng lại. Nhà thơ dường như đang suy nghĩ về tương lai đất nước:
“Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.”
(Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.)
Đây là lời tự nhủ của vị thượng tướng về tương lai của đất nước, cũng là lời nhắn nhủ toàn thể quân dân ta bấy giờ. Tiếng nói, khát vọng của một người đã trở thành động lực, quyết tâm của toàn dân tộc. Trần Quang Khải tự nhắc mình nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng “tu trí lực”, bởi tu dưỡng trí tuệ, rèn luyện sức lực là hai yếu tố tiên quyết của một con người và một dân tộc nếu muốn làm nên chiến thắng, muốn xây dựng hòa bình. Đồng thời, ông động viên quân dân gắng sức, đồng lòng phát huy thành quả chiến thắng để xây dựng đất nước thanh bình, bền vững dài lâu chứ không được ngủ quên trên chiến thắng. Câu thơ cuối vừa chỉ ra cái chặng đường đi tiếp của đất nước vừa bày tỏ lòng mong muốn, niềm khát khao mãnh liệt về một tương lai tươi sáng muôn đời của dân tộc. Nghĩa của thơ biểu ý, nhưng nhạc của thơ lại mang tính biểu cảm. Lời răn dạy hài hòa với niềm tin, niềm hi vọng của quân dân ta.
Hai câu thơ sau là khát vọng hòa bình sau khi giành được chiến thắng vang dội và sự mong muốn xây dựng nền hòa bình cho đất nước lâu dài. Đây là lời tự nhủ của vị thượng tướng, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ với quân dân: chúng ta không được phép ngủ quên trên chiến thắng. Điều đó thể hiện trí tuệ, biết lường trước được mọi việc, tầm nhìn xa trông rộng của một vị lãnh đạo tài ba biết lo cho dân cho nước. Để cho non nước được nghìn thu, hòa bình bền vững, thì khát vọng hòa bình không chỉ là khát vọng của riêng của người lãnh đạo mà còn là khát vọng chung của cả dân tộc.
Bằng cách nói chân thành, với câu chữ giản dị, mộc mạc, “Tụng giá hoàn kinh sư” đã thể hiện hào khí chiến thắng vang dội và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta trong thời đại nhà Trần.
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 2)
Quê hương luôn là đề tài không bao giờ cạn kiệt đối với các thi sĩ. Mỗi người có một cách nhìn, cách cảm nhận riêng, đặc trưng về quê hương của mình. Chúng ta bắt gặp những bài thơ viết về quê hương của Đỗ Trung Quân, Giang Nam, Tế Hanh. Trong đó sự nhẹ nhàng, mộc mạc của bài “Quê hương” tác giả Tế Hanh khiến người đọc xốn xang khi nhớ về nơi đã chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mình.
“Quê hương” là hai tiếng thân thương, được tác giả dùng làm nhan đề của bài thơ. Mở đầu bài thơ bằng sự mộc mạc, chân thành mà sâu sắc:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Hai câu thơ như một lời kể tâm tình rất đỗi bình dị nhưng đã khiến người đọc hình dung được mảnh đất mà tác giả đáng sống là một vùng biển có truyền thống lâu đời làm nghề chài lưới. Một ngôi làng giản dị, chân chất. Hình ảnh “nước”, “biển” rất đặc trưng cho một vùng quê làng biển. Có lẽ những điều bình dị đó khiến cho tác giả vẫn luôn mong ngóng, nhớ nhung khi xa quê hương.
Những câu thơ tiếp theo gợi tả lên một khung cảnh tuyệt đẹp mỗi khi sáng mai thức dậy. Sự tinh tế của ngôn từ và cảm xúc khiến cho vần thơ trở nên trữ tình, tuyệt đẹp:
Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Một loạt từ ngữ mang tính chất liệt kê khung cảnh, không gian thanh bình, tươi đẹp của cảnh biển vào buổi sáng như: “gió nhẹ”, “sớm mai hồng” là những gì còn neo giữ trong lòng của tác giả khi nhớ về quê hương. Và một hoạt động vẫn diễn ra đầu ngày là “bơi thuyền đi đánh cá” được tác giả vẽ nên rất nhẹ nhàng nhưng khỏe khoắn.
Chiếc thuyền hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Nếu những câu thơ trên nhẹ nhàng, tinh tế bao nhiêu thì hai câu thơ này càng mạnh mẽ, quyết liệt và khỏe khoắn bao nhiêu. Với hai động từ “hăng”, “phăng” kết hợp với phép so sánh độc đáo khiến cho bức tranh đi đánh cá trở nên giàu chất tạo hình, giàu đường nét và giàu cá tính mạnh. Với động từ “phăng” đã phần nào gợi tả lên sự khéo léo kết hợp sự tinh tế và khỏe mạnh của những người dân vùng chài lưới.
Hai câu sau lại trở về với vẻ lãng mạn đến bất ngờ:
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
Một hình ảnh bình dị, thân quen như cánh buồm nhưng trong thơ của Tế Hanh lại có hồn, đậm chất thơ. Phép so sánh cánh buồm “như mảnh hồn làng” có sức gợi rất sâu sắc, bởi rằng đối với những người làm nghề chài lưới thì cánh buồm chính là biểu tượng cho cuộc sống của họ. Một sự so sánh hữu hình và vô hình đã làm nên sự sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời. Con thuyền đã mang theo cả tin yêu, hạnh phúc và hi vọng của những người dân nơi đây. Câu thơ khỏe khoắn và tự nhiên đã phần nào làm toát lên được khí thế hào hùng trong công cuộc chinh phục biển khơi.
Tế Hanh đã miêu tả nên một bức tranh thiên nhiên và bức tranh lao động sáng tạo tuyệt vời nhất. Đó là niềm tự hào, sự ca ngợi quê hương, đất nước. Đặc biệt, khung cảnh dân chài lưới chào đón thành quả sau một ngày căng thẳng vất vả được miêu tả chân thực và đầy niềm vui:
Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn giời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Hình ảnh dân làng “ồn ào”, “tấp nập” đã phần nào tái hiện được không khí vui tươi và phấn khởi của người dân chài sau một ngày hoạt động hết công suất. Những con cá “tươi ngon” nằm im lìm là những thành quả mà họ đạt được.
Và có lẽ hình ảnh con người mạnh mẽ, khỏe khoắn là hình ảnh trung tâm không thể thiếu trong bức tranh ấy:
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Hình ảnh thơ mặn mòi, đậm chất biển, vừa khỏe khoắn, vừa chân chất vừa mộc mạc toát lên được vẻ đẹp của những con người vùng biển quanh năm vất vả. Tế Hanh đã phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn đó như một điều bình dị trong cuộc sống này.
Và có lẽ những hình ảnh thân quen nơi làng quê ấy đã khiến cho Tế Hanh dù đi xa nhưng vẫn không thể nào quên, vẫn nhớ về đau đáu:
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh cá bạc chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.
Một khổ thơ dạt dào tình cảm, nghèn nghẹn ở trong trái tim tác giả khi nhớ về mảnh đất thân yêu một thời. Nỗi nhớ quê dạt dào không nguôi khi những hình ảnh thân quen ấy cứ ùa về.
Thật vậy bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh không chỉ là riêng tình cảm của tác giả dành cho quê hương; mà bài thơ này còn nói hộ rất nhiều tấm lòng khác đang ở xa quê hương. Chúng ta càng trân trọng hơn nữa mảnh đất chôn rau cắt rốn, yêu hơn nữa những điều bình dị nhưng thiêng liêng.
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 3)
Tố Hữu là nhà thơ lớn của nền thơ hiện đại Việt Nam. Với bảy tập thơ lớn, thơ ông được xem là biên niên sử bằng thơ của cách mạng Việt Nam. Đối với Tố Hữu, con đường thơ ca cũng là con đường cách mạng. Thơ ông song hành với con đường cách mạng và phản ánh những chặng đường cách mạng quan trọng của dân tộc. Bài thơ Nhớ đồng là nỗi niềm thương nhớ đồng quê, cảnh vật con người, đồng bào đồng chí của người tù cộng sản trẻ tuổi trong những ngày tháng bị giam ở nhà lao Thừa Thiên Huế.
Tháng 7 năm 1939 Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà tù Thừa Thiên Huế. Tuy bị giam cầm trong tù ngục nhưng ông vẫn làm thơ. Bài thơ Nhớ đồng được sáng tác trong hoàn cảnh đó và được trích trong tập thơ: Từ ấy trong phần xiềng xích. Đây là một bài thơ tiêu biểu của tập thơ Từ ấy.
“Cô đơn thay là cảnh thân tù/ Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực..” đó là cảm giác rõ nhất khi Tố Hữu bị bắt, cách biệt với cuộc sống bên ngoài. Vì vậy một âm thanh, một tiếng động nào bên ngoài dội vào cũng gợi lên trong lòng nhà thơ một nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Không phải là tiếng chim tu hú khắc khoải gọi hè như trong bài thơ Khi con tu hú, mà là một tiếng hò quen thuộc của đồng quê:
Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!
Bài thơ gợi từ tiếng hò thân thuộc trở thành điệp khúc trở đi trở lại: Nỗi thương nhớ; nỗi hiu quạnh. Bằng cách lặp đi lặp lại 4 lần hình ảnh một tiếng hò nhà thơ đã nói lên được sự đồng cảm với tâm trạng cô đơn, cảm giác lạnh lẽo của người tù.
Tiếng hò như một điểm nhấn gợi nhớ, khiến cho bao nhiêu hình ảnh quen thuộc của đồng quê hiện về:
Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi
Đâu ruồng che mát thở yên vui
Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn
Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?
Âm thanh tiếng hò gợi nhớ về quê hương. Thế giới bên ngoài là đồng quê, hình ảnh con người, mùi hương, màu sắc, âm thanh. Đó là những hình ảnh thân thuộc, da diết của quê hương, xứ sở. Trong xa cách, nỗi nhớ của nhà thơ dường như da diết hơn. Trong xa cách, hình ảnh, mùi vị, âm thanh, màu sắc của quê hương càng trở nên gần gũi lạ thường.
Nỗi nhớ đồng quê ấy còn là nỗi nhớ con người lao động – những người dân quê cần cù, chất phác, quen “dãi gió dầm mưa”,”hiền như đất”, “rất thật thà”:
Đâu những lưng cong xuống luống cày
Mà bùn hy vọng nức hương ngây
Và đâu hết những bàn tay ấy
Vãi giống tung trời những sớm mai?
Đó là những người dân cày quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đó người nông dân với luống cày vất vả, gian nan, lưng còng theo năm tháng. Thế nhưng, ở họ, toát lên một vẻ đẹp sáng ngời của phẩm chất trong sáng, dù có ở trong bùn đen nhưng vẫn nức hương. Chính họ, chính những người lao động chân chất thôn quê ấy còn là những người gieo những tia hi vọng vào tương lai.
Nhà thơ tiếp tục nỗi nhớ của mình với các hình ảnh: sương, lúa, tiếng xe lùa nước, giọng hò. Tất cả đều là hình ảnh, âm thanh thân thuộc của đồng quê. Và nhà thơ nhớ da diết những hình ảnh ấy. Từ nỗi nhớ ấy, nghĩ về cảnh tù đày của bản thân, một chút chạnh lòng chợt len lỏi trong tâm khảm nhà thơ cách mạng:
Đâu dáng hình quen, đâu cả rồi
Sao mà cách biệt, quá xa xôi
Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ
Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi!
Tất cả những gì quen thuộc nhất, thân thương nhất, nhưng giờ đây “đâu cả rồi“. Một câu hỏi lớn vang lên không lời đáp như là một nhát dao đâm vào lòng người tù, trở nên đau đớn, xót xa. Giờ đây, khi ở trong lao, mọi thứ đã cách biệt và trở nên xa xôi hơn bao giờ hết. Chao ôi thương nhớ, điệp khúc lặp lại hai lần trong câu thơ đã thể hiện nỗi nhớ da diết khôn nguôi của nhà thơ. Và trong nỗi nhớ thương ấy, hiện lên hình ảnh người mẹ già – người mà tác giả nhớ nhất trong nỗi nhớ của mình.
Mạch thơ tiếp diễn với nỗi nhớ thương da diết, dâng trào. Khi người ta nhớ, người ta thương mà không được nhìn, không được ngắm, không được trở về để yêu thương thì càng khiến con người thêm day dứt, thêm cồn cào ruột gan. Và sau những thoáng buồn thương cho cảnh ngộ của mình trong tù, người chiến sĩ thiết tha yêu cuộc sống lại kiên trì – đấu tranh với những giây phút yếu mềm để vượt lên. Anh nhớ lại hình ảnh của chính mình của “những ngày xưa”, từ cái thời “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, “theo mãi vòng quanh quẩn” để có ngày đến với cách mạng, gặp gỡ lí tưởng cộng sản. Và thế là người tù lại khát khao tự do, thèm muốn được thoát khỏi lao tù để lại được dấn thân vào trường tranh đấu vì sự nghiệp cách mạng.
Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say hương đồng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời
Hình ảnh con chim sơn ca như là một biểu tượng cho ước muốn được tung bay trên bầu trời tự do bát ngát, được trở lại với hoạt động trong lòng dân, được trở về với cuộc sống con người tự do. Đây là tâm trạng vui nhất của người chiến sĩ trong tù.
Diễn biến tâm trạng của tác giả trong bài thơ được thể hiện khá chân thực, trọn vẹn và liền mạch. Nỗi nhớ được đánh thức từ một “tiếng hò đưa hố não nùng“. Tiếng hò gợi dậy thế giới đồng quê bên ngoài từ cảnh sắc đến những dáng hình quen thuộc. Rồi nhớ về những ngày còn được thỏa sức hoạt động cho cách mạng, cuối cùng lại trở lại thực tại đau thương của cảnh nhà tù và khát vọng muốn được tự do, được cống hiến. Cả bài thơ thấm đượm nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi; khiến độc giả thêm cảm phục hình ảnh người chiến sĩ cách mạng – nhà thơ Tố Hữu.
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 4)
Nếu thơ Xuân Diệu có giọng điệu say đắm, rạo rực, thơ Hàn Mặc Tử có chút điên loạn, thơ Huy Cận có nỗi buồn ảo não thì thơ Vũ Đình Liên lại mang một giọng điệu hoài cổ. Mỗi người nghệ sĩ có phong cách thơ khác nhau, đây là nét riêng biệt để họ được phân biệt với các tác giả khác và cũng là ấn tượng riêng để bạn đọc nhớ đến họ. Tuy sáng tác không nhiều nhưng Vũ Đình Liên đã để lại cho văn học Việt Nam những tác phẩm giá trị, tiêu biểu là bài thơ “Ông đồ”
Bài thơ được sáng tác năm 1936 và được đăng trên tạp chí “Tinh hoa”. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nền Hán học đang mất dần vị thế của mình do sự xâm nhập của nền văn hóa phương Tây. Đây cũng là lúc các ông đồ không còn được trọng vọng do thời thế đã thay đổi. Nhan đề bài thơ gợi nhớ một nét đẹp đã lùi sâu vào dĩ vãng cùng sự tiếc thương vô cùng.
Nhắc đến ông đồ là nhắc đến những thầy dạy chữ Nho ngày xưa, mỗi dịp Tết đến xuân về ông thường xuất hiện bên đường phố để viết những câu đối đỏ:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”.
Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc bởi Tết nào ông đồ già cũng xuất hiện cùng với mực tàu và giấy đỏ. Đó là thời đắc ý, thời vàng son của ông. Như một sự tuần hoàn của chu kì thời gian, mỗi dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi những cánh đào hồng tươi khoe sắc thắm thì đó cũng là lúc ông đồ xuất hiện. Không gian làm việc của ông là bên phố. Ta hãy hình dung dưới những bông hoa đào cùng tiết trời se lạnh có một ông đồ già đang vẽ những nét chữ điêu luyện và sự nhộn nhịp của bước chân người qua lại tạo nên một bức tranh thật tươi vui. Từ “mỗi”, “lại” đã phần nào thể hiện nhịp điệu đều đặn ấy.
Hoa đào và ông đồ đã song hành, sóng đôi cùng nhau để tôn thêm vẻ đẹp của ngày Tết. Màu hồng của hoa đào, màu đen của thỏi mực, màu đỏ của giấy đã làm bức tranh thật sinh động. Tài năng viết chữ của ông đồ được mọi người ngợi khen, thán phục:
“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.
Rất nhiều người thuê ông viết chữ, họ không chỉ quý trọng những nét chữ của ông mà họ còn dành cho ông một lòng kính trọng. Ông đã phô diễn tài năng của mình qua các câu đối đỏ, qua những nét chữ rồng bay phượng múa. Phải là một người am hiểu về Hán học, chữ Nho thì ông đồ mới có thể viết những nét chữ tài hoa đến như vậy. Phép tu từ so sánh “như phượng múa rồng bay” đã thể hiện được lòng ngưỡng mộ, sự tôn trọng của Vũ Đình Liên cũng như của nhân dân ta dành cho ông đồ. Đây cũng là sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chơi chữ là một thú vui thể hiện cốt cách thanh cao của người thưởng thức nó. Đồng thời, người viết chữ cũng được xem như một nghệ sĩ tài ba bởi nét chữ thể hiện được cái tâm, cái chí của người sáng tạo. Không những viết đẹp mà ông còn viết nhanh, điều này thật đáng khâm phục. Những nét chữ uốn lượn một cách tài tình dưới đôi tay của một người có học thức khiến ai cũng muốn thuê ông viết cho câu đối đỏ. Có thể nói, thời đắc ý ông đồ vô cùng đông khách, người ta đến với ông vì sự thán phục những nét chữ phóng khoáng. Cả người viết chữ và người chơi chữ như có mối đồng cảm sâu sắc vì họ đều là người biết yêu và thưởng thức cái đẹp.
Nhưng khi thời thế thay đổi cũng là lúc ông đồ không còn được trọng vọng, ngưỡng mộ:
“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…”
Trước đây, người thuê ông đồ viết chữ nhiều là thế nhưng nay họ đã đi đâu hết? Họ vẫn ở đó, vẫn xuất hiện trong cuộc sống thường nhật nhưng sự xâm nhập của văn hóa phương Tây đã làm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị mai một. Tác giả đã miêu tả một khung cảnh quạnh hiu, vắng vẻ đến thê lương. Thời gian đã cuốn trôi đi những gì tươi đẹp của quá khứ khiến con người không khỏi xót xa, tiếc nuối.
Câu hỏi tu từ: “Người thuê viết nay đâu?” vang lên với bao đau đớn. Thực tại thú chơi chữ đã không còn được ưa chuộng, người chơi chữ, mua chữ cũng ít dần đi theo năm tháng. Nỗi buồn đã nhuốm sang cả cảnh vật, sang cả những gì vô tri vô giác. Giấy đỏ cũng biết buồn nên đã chẳng còn thắm, màu giấy đã phôi phai đi rồi nhạt dần, thỏi mực đã mài nhưng không được dùng đến nay cũng đọng lại trong nghiên. Biện pháp nhân hóa đã thể hiện tâm trạng u uất của ông đồ và cũng là sự xót xa, thương cảm của nhà thơ.
Nền Hán học đã suy tàn nhưng với mong muốn lưu giữ lại những giá trị văn hóa mà ông đồ già vẫn kiên trì ngồi bên hè phố như bao năm trước:
“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay”
Nhưng sự xuất hiện của ông không được mọi người chú ý, quan tâm như thời vàng son. Bóng dáng ông cứ lặng lẽ qua đường, lặng lẽ bên phố mà không một ai hay biết. Hình ảnh ông đồ đã rơi vào quên lãng. Hình ảnh ấy chỉ là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Vũ Đình Liên). Sự tàn phai, úa rụng được thể hiện qua hình ảnh chiếc lá vàng cùng không khí lạnh lẽo của làn mưa bụi lất phất đã bao trùm lên toàn bộ khung cảnh khiến cảnh vật nhuốm màu sắc tâm trạng. Mọi người đã gạt ông đồ ra khỏi trí nhớ và kí ức, họ coi ông như người vô hình trong xã hội đương thời.
Vũ Đình Liên đã bộc lộ nỗi xót xa, niềm hoài cổ của mình qua khổ thơ cuối:
“Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Ông đồ đã thực sự vắng bóng, đào vẫn khoe sắc hương, cảnh vật vẫn tuần hoàn theo quy luật tự nhiên nhưng ta không còn thấy sự xuất hiện của ông đồ nữa. Sự vắng bóng của ông khiến chúng ta không khỏi thương tiếc cho một giá trị tinh thần đã không còn tồn tại. Những con người trước đây từng thuê ông đồ viết câu đối, những người từng tôn trọng ông đồ nay đã hoàn toàn thay đổi. Họ bận thích nghi với nền văn hóa mới từ Tây phương nên tâm hồn họ cũng không còn chỗ cho những tinh túy của văn hóa truyền thống. Câu hỏi tu từ vang lên ở cuối bài đọng lại bao sự cảm thương, hối tiếc cho những gì đã mất.
Bằng việc sử dụng hình ảnh hoa đào, ông đồ ở đầu và cuối bài thơ, tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh trái ngược của ông đồ ở thời kì vàng son và ông đồ khi thất thế. Thể thơ năm chữ đã giúp nhà thơ bày tỏ cảm xúc một cách dễ dàng. “Ông đồ” là sự hoài niệm về những giá trị xưa cũ, bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc của tác giả Vũ Đình Liên.
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 5)
Bài thơ Nam quốc sơn Hà là lời khẳng định đanh thép chủ quyền lãnh thổ của quốc gia dân tộc cũng như nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù:
'Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.'
Khi kể về sự ra đời của bài thơ, đã có rất nhiều truyền thuyết. Nhưng nổi tiếng nhất là vào năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy sang xâm lược nước ta. Vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Bỗng một đêm, quan sĩ nghe từ trong đền thờ hai anh em trương Hống và Trương Hát - hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục được tôn là thần sông Như Nguyệt - có giọng ngâm bài thơ này.
Trong quan niệm của xã hội xưa thì toàn bộ diện tích lãnh thổ, của cải vật chất, con người của một đất nước đều thuộc về nhà vua. Người có quyền quyết định tất cả mọi thứ, thậm chí cả quyền sinh sát. Cách dùng từ “hoàng đế nước Nam” muốn chỉ người đứng đầu của một quốc gia - thể hiện sự ngang hàng với phương Bắc. Câu thơ thứ hai tiếp tục là một lời khẳng định. Hình ảnh “thiên thư” có nghĩa là sách trời. Lãnh thổ, địa phận của đất nước đã được ghi tại sách trời. Điều này khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta là một chân lý không thể chối cãi và thay đổi được.
Với lời khẳng định đó, hai câu thơ sau tiếp tục khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc. Câu hỏi tu từ “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?” giống như một lời răn đe, cảnh cáo cho những kẻ xâm lược đi xâm lược lãnh thổ là đang làm trái ý trời. Và từ đó, câu thơ cuối cùng vang lên đầy đanh thép. Những kẻ đi xâm lược, cướp nước của dân tộc khác sẽ không có được kết thúc tốt đẹp. Giọng thơ dõng dạc, hùng hồn, đanh thép nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Có thể khẳng định, “Nam quốc sơn hà” được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Bài thơ đã thể hiện được tinh thần yêu nước, cũng như ý chí quyết tâm bảo vệ của nhân dân ta trước mọi kẻ thù xâm lược.
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 6)
Trong những ngày Tết đến xuân về náo nức trên mọi nẻo đường, người yêu thơ lại khẽ lắng mình trong một nhịp thơ giản dị đầy nhân văn của nhà thơ Vũ Đình Liên - bài thơ 'Ông đồ'. Bài thơ ra đời khi ông đồ đã trở thành cái di tích của một thời tàn. Nho học đã bị thất sủng, người ta đua nhau chạy theo thời đại với chữ Pháp chữ Tây.
Hai đoạn đầu bài thơ, tác giả giới thiệu những ngày huy hoàng của ông đồ:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.
Những lời khen thật hào phóng, nhưng nghĩ kĩ đó chỉ là lời khen của những người ngoài giới bút nghiên. Đi viết câu đối thuê, bản thân việc ấy đã là nỗi lận đận, là bước thất thế của người theo nghiệp khoa bảng. Đỗ cao thành quan nghè, quan thám, đỗ thấp thì cũng ông cử, ông tú, chứ ông đó là chưa đỗ đạt gì, công chưa thành, danh chưa toại, đành về quê dạy học, bốc thuốc, hay xem lí số ở nơi đô hội như có lần Tản Đà đã làm.
Ngày tết, mài mực bán chữ ngoài vỉa hè chắc cũng là việc bất đắc dĩ của nho gia. Chữ thì cho chứ ai lại bán. Bán chữ là cái cực của kẻ sĩ ở mọi thời. Bà con yêu quý và cũng thán phục cái thú chữ mà bà con không biết, hay chỉ võ vẽ, nên mới khen lao đến vậy. Lời khen này không mang lại vinh quang cho ông đồ, có thể ông còn tủi nữa, nhưng nó an ủi ông nhiều, nó là cái tình của người đời vào hồi vận mạt của ông. Tác giả giới thiệu: cùng với hoa đào, mỗi năm mới có một lần chứ nhiều nhặn gì đâu, giấy đỏ mực tàu, chữ nghĩa thánh hiền bày trên hè phố. Đừng nghĩ đến chuyện khoa bảng, hãy nghĩ trên cương vị người bán, thì đây là hai đoạn thơ vui vì nó nói được sự đắt hàng, ông đồ còn sống được, có thể tồn tại trong cái xã hội đang biến động này.
Nhưng cuộc đời đã không như thế mãi, cái ý thích của người ta cũng thay đổi theo thời cuộc. Lớp người mới lớn không có liên hệ gì để mà quyến luyến cái thứ chữ tượng hình kia. Cái tài viết chân, thảo, triện, lệ của ông đồ chữ tốt kia, họ không cần biết đến:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay
Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc: 'Còn duyên kẻ đón người đưa, / Hết duyên đi sớm về trưa một mình'. Ông đồ vẫn ngồi đấy mà không ai hay. Cái hiện thực ngoài đời là thế và chỉ có thế, nó là sự ế hàng. Nhưng ở thơ, cùng với cái hiện thực ấy còn là nỗi lòng tác giả nên giấy đỏ như nhạt đi và nghiên mực hóa sầu tủi, hay nhất là cộng hưởng vào nỗi sầu thảm này là cảnh mưa phùn gió bấc. Hiện thực trong thơ là hiện thực của nỗi lòng, nỗi lòng đang vui như những năm ông đồ 'đắt khách' nào có thấy gió mưa.
Gió thổi lá bay, lá vàng cuối mùa rơi trên mặt giấy, nó rơi và nằm tại đấy vì mặt giấy chưa được dùng đến, chẳng có nhu cầu gì phải nhặt cái lá ấy đi. Cái lá bất động trên cái chỗ không phải của nó cho thấy cả một dáng bó gối bất động của ông đồ rồi nhìn mưa bụi bay. Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt của ông đồ. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không ai hay.
Thể thơ năm chữ vốn có sức biểu hiện những chuyện dâu bể, hoài niệm, đã tỏ ra rất đắc địa, nhịp điệu khơi gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm. Màn mưa bụi khép lại đoạn thơ thật ảm đạm, lạnh, buồn, vắng. Như vậy cũng chỉ với tám câu, bốn mươi chữ, đủ nói hết những bước chót của một thời tàn. Sự đối chiếu chi tiết ở đoạn này tới đoạn trên: mực với mực, giấy với giấy, người với người, càng cho ta cái ấn tượng thảng thốt, xót xa của sự biến thiên.
Có một khoảng thời gian trôi qua, khoảng trống của đoạn thơ trước khi vào bốn câu kết:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Hãy trở lại câu thơ đầu bài 'Mỗi năm hoa đào nở' để thấy quy luật cũ không còn đúng nữa. Ông đồ đã kiên nhẫn vẫn ngồi đấy, nhưng năm nay ông không còn kiên nhẫn được nữa: Không thấy ông đồ xưa. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại, lũ người hiện đại chúng ta đã nhìn thấy sự cố sức của ông, đã thấy ông chới với, nhưng chúng ta đã không làm gì, để đến bây giờ quay nhìn lại, mới biết ông đã bị buông rơi tự bao giờ. Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người, của một nghề, mà là dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của chính tâm hồn chúng ta. Đến bây giờ chúng ta mới thấy luyến tiếc, nhưng quá muộn rồi.
Chúng ta hỏi nhau hay tự hỏi mình? Hỏi hay khấn khứa tưởng niệm, hay ân hận sám hối. Hai câu thơ hàm súc nhất của bài, chúng ta đọc ở đấy số phận của ông đồ và nhất là đọc được thái độ, tình cảm của cả một lớp người đối với những gì thuộc về dân tộc, về ngữ pháp câu thơ này rất lạ, nhưng không ai thấy cộm: Những người muôn năm cũ. Muôn năm, thật ra chỉ là vài ba năm, nhưng nói muôn năm mới đúng, thời ông đồ đã xa lắc rồi, đã lẫn vào với những bút, những nghiên rất xa trong lịch sử. Chữ muôn năm cũ của câu trên dội xuống chữ bây giờ của câu dưới càng gợi bâng khuâng luyến nhớ. Câu thơ không phải là nỗi đau nức nở, nó chỉ như một tiếng thở dài cảm thương, nuối tiếc khôn nguôi.
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 7)
Ai trong đời cũng có một mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Dù như con chim non sớm lạc bay hay cánh đại bàng đã vút bay lên, hỏi ai mà không một lần tưởng nhớ về nơi ấy? Đã có rất nhiều nhà thơ sáng tác về quê hương, nhưng bài thơ Quê hương của Tế Hanh thực sự là một bài thơ cảm động.
Bài thơ được tác giả viết năm 1938, khi ông mới 17 tuổi, phải xa quê vào Huế học tập. Bài thơ là nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết cùng những người dân thân thiết và bình dị! Bài thơ đau đáu, rưng rưng như một tiếng gọi mẹ âm thầm.
Mở đầu bài thơ là những hồi ức thật trong sáng hồn nhiên:
'Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông'
Quê ông như một cù lao nổi giữa bốn bề sông nước. Dân làng ông gắn chặt đời mình với biển cả thiên nhiên đầy dữ dội. Đây là một làng nghèo giống như bao làng biển khác, nhưng khi xa rồi, nỗi nhớ đến quặn lòng:
'Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…'
Qua đoạn thơ này, tác giả đã sử dụng những sắc màu thật tươi thắm để phác họa một bức tranh quê vui tươi mộc mạc: bầu trời trong vắt, nắng hồng, gió nhẹ. Những chàng trai lực lưỡng trẻ trung giong thuyền ra khơi như chàng Gióng cưỡi ngựa ra trận mạc. Những từ thật đắt được sử dụng cùng âm điệu liên tiếp nhau: 'hăng, phăng, giang, làng...' tạo thành một âm thanh ngân nga mênh mông giữa biển rộng trời cao. Một cảnh lao động vừa yên bình, lại vừa mạnh mẽ biết bao! Hình như ở đó ẩn chứa bao niềm kiêu hãnh và tự hào về quê hương thân yêu:
'Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió'
Vâng, mảnh hồn làng nghe khiêm tốn bao nhiêu, thì cái khả năng 'thâu góp gió' của làng chài ấy lại lớn lao kì vĩ bấy nhiêu. Hình ảnh cánh buồm là một hình ảnh hữu hình, được đem ví với một 'mảnh hồn làng' vừa thiêng liêng, lại vừa trừu tượng. Ở đây, tác giả không nói đến một vị thần 'hoàng làng' hay một cá nhân nào, chỉ duy nhất một danh từ độc đáo được nhắc đến là: 'mảnh hồn làng' nghe thật lạ lùng, trữ tình, tha thiết và thiêng liêng biết bao! Cánh buồm từ một vật vô tri đã được biến thành một vật thể mới, có tâm hồn riêng, có sức sống riêng, và là sức sống của cả một làng quê hun đúc lại!
Cảnh ra khơi lãng mạn như một bức tranh thắm sắc, như một bài thơ đượm màu lãng mạn, thì cảnh đoàn thuyền trở về lại ồn ào một không khí ấm no:
'Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.'
Có lẽ hình ảnh này là niềm ước mong của toàn dân chài. Người ra biển và người đón thuyền đều chỉ có một ước mong: 'nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe'. Hỏi có niềm vui nào hơn là biển êm, sóng lặng không có phong ba bão tố, không có hiểm nguy giữa trùng dương. Với cánh buồm mong manh chẳng chút tối tân, dân chài đã phó mặc tất cả sinh mệnh mình cho đại dương suốt mấy ngày đi biển. Cái kết quả sau cùng thật bí ẩn, thật quyết định cho hạnh phúc của làng chài: cá đầy ắp khoang thuyền!
Chẳng còn sự sung sướng nào hơn, tác giả thốt lên một câu thơ, như thay mặt cả làng, cảm tạ ơn trời đất, như tiếng reo mừng của người em nhỏ, người vợ hiền:
'Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe'.
Cũng trong niềm vui đoàn tụ ấy, nhà thơ đã thật sự xúc động trước vẻ đẹp của những chàng trai quanh năm vật lộn với phong ba bão tố:
'Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm'
Và chiếc thuyền thân yêu cũng như một chiến binh mệt mỏi sau một trận chiến hào hùng với nhiều công trạng:
'Chiếc thuyền im, bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ'
Tế Hanh tả tâm trạng của 'chiếc thuyền' mà sao ta cứ ngỡ như tác giả tả một chú ngựa ngoan cường dũng mãnh? Câu thơ như một bàn tay vuốt ve chú ngựa, vuốt ve con thuyền với tấm lòng trìu mến, ánh mắt biết ơn. Cảm xúc chưa hết dạo dào yêu thương trong đoạn trên, tác giả lại cho chúng ta một cảm giác nhung nhớ xót xa vì xa xôi cách trở:
'Nay xa cách, lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.'
Nỗi nhớ trong lòng tác giả chẳng diễn đạt bằng những từ lớn lao, mà chỉ bằng một cảm xúc giản dị:
'Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá'
'Cái mùi nồng mặn' ấy nghe thật là chân quê, nhưng đó là những từ chân thành nhất, chính xác nhất nếu ai đã từng ngửi mùi cá tươi trên biển, mùi muối đang khô. Đó là tất cả cảm xúc yêu quê hương của một tâm hồn thơ lúc mười bảy tuổi. Một tài năng thơ đã sớm phát tiết và lưu lại cho chúng ta một bài thơ dạt dào cảm xúc về một vùng quê biển bình yên. Có lẽ khi tha hương, ai nhớ về quê hương, cũng nhớ những phút giây bình yên nơi đó, để mà thương yêu, để mà nuối tiếc. Có phải thế không?
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 8)
Qua Đèo Ngang là một tác phẩm tiêu biểu của Bà Huyện Thanh Quan. Bài thơ gửi gắm tấm lòng yêu nước sâu nặng của nhà thơ.
Mở đầu, tác giả gợi mở về thời gian, không gian cũng như điểm nhìn của bài thơ. Hai từ “bước tới” gợi đến một sự ngạc nhiên khi nhìn thấy hay tiếp cận đèo Ngang. Đó cũng là thời khắc “bóng xế tà” khi ngày đã sắp tàn và màn đêm đang dần buông xuống. Đứng trước đèo Ngang với rừng núi hoang vu xa lạ, những xúc cảm của lòng người đã trào dâng. Tiếng “tà” với âm bằng xuất hiện trong văn cảnh tạo nên giai điệu buồn thương man mác, trở thành “vần” của ý thơ:
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”
Khung cảnh thiên nhiên hiện lên với sức sống mãnh liệt. Điệp từ “chen”, kết hợp với việc sử dụng vần lưng “đá - lá”, lại vừa sử dụng vần chân “tà - hoa” đã làm cho nhạc điệu thơ du dương và réo rắt. Cảnh đèo hiện lên thật hoang vu và có chút cằn cỗi.
Không chỉ thiên nhiên, con người cũng đã xuất hiện trong bức tranh đó:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Cách sử dụng từ láy “lom khom” và “lác đác” kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh vào sự nhỏ bé, thưa thớt của con người.
Ngoại cảnh đã hòa hợp với râm cảnh người nữ sĩ trong buổi chiều tà nơi đèo hút hút gió. Nữ sĩ đã sử dụng bút pháp miêu tả tượng trưng và ước lệ của thi pháp cổ (ngư, tiều, canh, mục) kết hợp với cảm hứng đầy thi cảm và sáng tạo.
“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Nghệ thuật đối và đảo ngữ được sử dụng ở phần thực đã tiếp tục được phát huy tác dụng một cách triệt để ở phần luận. Đó là tiếng chim cuốc, chim đa trong bóng chiều tà. Đó là “nhớ nước đau lòng” và “thương nhà mỏi miệng” đã được đặt trong thế đăng đối và hòa hợp. Ý thơ đã thể hiện người nữ sĩ lấy ngoại cảnh để phô diễn tâm tình. Đây cũng là một nét đặc sắc và nổi bật trong phong cách sáng tác của bà huyện Thanh Quan. Thơ tả cảnh ngụ tình nên nhạc, nên họa đã diễn tả cảnh đèo Ngang lúc hoàng hôn với nỗi niềm thi sĩ làm ta cảm thương, vương vấn.
“Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Hai câu thơ kết cuối bài như dồn lại biết bao nhớ thương sâu lắng và dạt dào của người nữ sĩ trong khung cảnh chiều tà. Đứng một mình nơi đèo cao lộng gió trong buổi hoàng hôn, nữ sĩ thấy mình như sống trong tâm trạng lẻ bóng, cô đơn, giữa một khung cảnh thiên nhiên hoang vắng bao la của “trời, non, nước”.
Hai chữ “đứng lại” diễn tả một tư thế, một tâm trạng xúc động và bồi hồi. “Ta với ta” là ba chữ đắt giá kết hợp với điệp ngữ láy âm, đặt trong mối tương phản với “trời, non, nước” đã cho thấy cái mênh mang bao la với sự lẻ loi, đơn côi và nhỏ bé của lòng người. Nó gợi lên một sự trống vắng không thể nào kể xiết.
“Qua Đèo Ngang” là bài thơ Nôm kiệt tác được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bài thơ đã cho thấy phong cách sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan.
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 9)
Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự trân trọng trước vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm cho cuộc đời lận đận của họ:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Bài thơ mang hai nét nghĩa. Trước hết là nét nghĩa tả thực - miêu tả hình ảnh bánh trôi nước. Tác giả đã miêu tả hình dáng bên ngoài: màu sắc (vừa trắng), hình dáng (vừa tròn). Cùng với đó là cách thức làm bánh luộc bánh trong nước, khi nào bánh nổi lên mặt nước có nghĩa là đã chín. Bên trong nhân bánh thường được làm bằng đường phên. Viên bánh rắn hay nát phụ thuộc vào tay người nắn có khéo léo. Hình ảnh tả thực chiếc bánh trôi từ hình thức đến cách thức.
Nhưng không chỉ mang nét nghĩa như vậy, Hồ Xuân Hương còn muốn nói đến vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa qua hình ảnh “bánh trôi nước”. Mở đầu bằng cụm từ “thân em” - đây là một mô-típ đã rất quen thuộc trong ca dao:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”
Hay như:
“Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng”
Ở bài thơ “Bánh trôi nước” hay các bài ca dao, dân ca đều xuất phát từ niềm thương cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ là những con người nhỏ bé trong xã hội. Cuộc đời trôi nổi, bấp bênh và không được tự quyết định cuộc sống của bản thân, chịu sự chi phối của người khác.
Vẻ đẹp của người phụ nữ hiện lên “vừa trắng lại vừa tròn” gợi ra một thân hình khá đầy đặn, nước da trắng hồng. Đó là chuẩn mực của người phụ nữ đẹp trong xã hội xưa. Xinh đẹp là vậy, nhưng cuộc đời lại nhiều bất hạnh. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” gợi ra một cuộc đời vất vả, gặp nhiều gian truân. Câu thơ “rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn” đã nói lên số phận phải phụ thuộc vào người khác, không được tự mình quyết định. Nhưng dù có chịu nhiều bất hạnh, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn gìn giữ được tâm hồn cao quý: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. : Dù cuộc đời có khó khăn, khổ cực thì họ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắc và không thay đổi. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên với đầy đủ nét đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn. Bài thơ sử dụng ngôn ngữ bình dị, hình ảnh ẩn dụ, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cô đọng, hàm súc… nhằm làm nổi bật nên ý nghĩa mà nhà thơ muốn gửi gắm.
Như vậy, “Bánh trôi nước” là một tác phẩm giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Từ đó, chúng ta cần phải trân trọng, yêu thương những người phụ nữ hơn.
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 10)
Hàn Mặc Tử là một thi sĩ có phong cách thơ rất riêng biệt, độc đáo. Ông để lại cho đời nhiều tập thơ nổi tiếng như Gái Quê, Thơ Điên hay Chơi Giữa Mùa Trăng. Bài thơ 'Mùa xuân chín' là một bài thơ tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ.
Tựa đề bài thơ đầy ấn tượng' Mùa xuân chín', ta nghe như có sự mềm mại, hương thoang thoảng của vị xuân rạo rực mà không kém phần đằm thắm, ý tứ chất chồng những tầng sâu ý nghĩa khiến ta tò mò muốn khám phá, thôi thúc ta đi sâu vào nội dung tác phẩm để khám phá nét 'chín' của mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử ra sao.
'Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang'
Bức tranh mùa xuân chốn thôn quê thật thanh bình, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương. Trong làn nắng nhẹ của của bầu trời, làn khói xa như tan đi, tạo nên vẻ đẹp như mơ như thực, không quá chi tiết, chỉ đôi nét chấm phá nhưng khiến ta không khỏi xuyến xao trước khung trời đầy yên bình lúc này. Trên những mái nhà tranh nơi quê nghèo lấm tấm màu hoa thiên lý điểm tô, cơn gió khẽ đung đưa những chiếc lá xanh biếc tạo nên thứ âm thanh lạ lùng' sột soạt', tất cả đều quá đỗi nhẹ nhàng mà thân thương. Mùa xuân đang len lỏi vào cảnh vật, trên giàn thiên lý báo xuân về, mùa xuân đến, cây cỏ, thiên nhiên, đất trời, và lòng người như hòa quyện lấy nhau:
'Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;'
Vạn vật mang sức xuân, làn mưa xuân tưới thêm cho cỏ cây sức sống mới đầy xanh tươi 'gợn tới trời' như đang đùa giỡn với nắng, với gió với mây. Tiếng hát đón xuân của bao cô gái thôn quê đầy tình tứ, mùa xuân đến khiến ai cũng vui tươi, phấn khởi, tâm hồn đầy trẻ trung, yêu đời. Giai điệu nhạc cất lên cùng lời ca:
' Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.'
Niềm vui xuân hoà cùng niềm vui của hạnh phúc lứa đôi, thế là ngày mai trong đám cô thôn nữ ấy, có người đi lấy chồng bỏ lại sau lưng những cuộc vui, có chút gì đó tiếc nuối đan xen trong niềm vui ấy. Mùa xuân điểm tô cho đời, kết nên quả ngọt cho tình yêu, mùa của niềm hạnh phúc tràn đầy.
'Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây...'
Niềm yêu đời họa trong lời hát thơ ngây, trong sáng, tinh nghịch 'tiếng ca vắt vẻo' trên lưng núi, hoà vào cảnh vật, âm vang mãi. Những âm thanh như đang chuyển động theo nhịp thời gian, 'hổn hển' 'thì thầm' với nhau đầy ý vị, thân thương. Tiếng thơ nghe sao khiến người bâng khuâng, xao xuyến đến lạ kỳ.
'Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang'
Nếu ở khổ thơ đầu là hình ảnh cỏ cây tươi xanh thì đây chính là hình ảnh đối lập khi xuân chín, xuân đã không còn thơ mộng như khi vừa sang nữa, nó mang màu của nỗi tiếc nuối ngậm ngùi, mang màu của nắng gió thôn quê: 'Dọc bờ sông trắng nắng chang chang'. m 'ang' cuối bài làm cho câu thơ mang tâm trạng mênh mang khó tả, như nỗi lòng thì nhân đang băn khoăn, trĩu nặng xót xa về thân phận người con gái:
' Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang'
Nếu ngày xưa khi đang tuổi xuân thì, nhịp xuân sang cùng lòng bao cô gái ngân nga lời ca, tiếng hát chào mừng thì giờ đây khi xuân chín, xa rời xuân xanh năm nào, 'chị ấy' giờ trở thành một người phụ nữ với bao nỗi lo toan. Trách nhiệm cuộc sống và công việc của người mẹ, người vợ thêm nặng, song, dù vất vả, nhọc nhằn vẫn ánh lên nét đẹp rạng ngời.
Bài thơ thật nhẹ nhàng, ngôn ngữ dù giản dị nhưng được nhà thơ chọn lọc rất tinh tế. Mỗi tiếng thơ thốt lên là cả một bầu trời thương yêu vừa mang nỗi thương cảm vừa mang nỗi nhớ mênh mang chốn quê nhà vất vả, gian nan. Với ngôn ngữ kết tinh cùng tấm lòng hồn hậu của thi nhân, Hàn Mạc Tử đã viết nên một 'mùa xuân chín' vẹn tròn, đầy đặn, thiết tha.
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 11)
Mùa thu, cái mùa làm xao xuyến lòng người gợi cho ta bao hoài niệm. Mùa thu giấu trong mình những bầu trời xanh cao vợi, cái nắng hanh vàng, chút se lạnh về đêm. Vì mùa thu đẹp quá nên nó đã trở thành chất liệu thi ca của biết bao nhà văn nhà thơ trong đó có Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.
Mùa thu qua cảm nhận của Lưu Trọng Lư thật khác biệt. Ông không dùng mắt để quan sát vẻ đẹp tuyệt diệu của mùa thu mà ông lắng nghe từng hơi thở, từng âm thanh của mùa thu.
Mùa thu dường như gợi rất nhiều vấn vương trong thơ ca của những người thi sĩ. Đối vớ Lưu Trọng Lư cũng như thế, mùa thu cũng khiến cho ông có rất nhiều cảm xúc. Tác giả đã chọn cho mình một góc riêng để ngắm thu để mơ mẩn vè thu để rồi đứng ngồi không yên khi cảm xúc ùa về và để rồi viết lên những trang thu tuyệt diệu.
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hai câu thơ mở ra cho chúng ta cả một trời thương nhơ vấn vương. Cả bài thơ là một cuộc đối thoại giữa chàng trai và cô gái giữa người đang ngoài chiến trận với người đang mòn mỏi từng ngày ở nhà ngóng tin. Thật là bồi hồi biết bao khi một người đang thổn thức dang rạo rực đang bừng cháy còn một người thì không nghe thấy gì. Hoặc em cũng đang nghe thấy nhưng anh giả vờ như em không nghe thấy mà hỏi vậy. Em mà tác giả đang gọi là ai? Phải chăng là một người đang buồn rầu ngóng tin hay một người tưởng tượng trong tâm trí nhà thơ hay đó chính là nhà thơ đang nói chuyện với chính lòng mình. Ở đây ta đặt ra một câu hỏi mà rất khó trả lời được. Nhưng là ai không quan trọng, quan trọng chính là người đó đang nghĩ gì đang có tâm sự ra sao trước cảnh đời đang trôi?. Mùa thu trăng mờ, phải trăng ánh trăng chính là một hình ảnh mà các thi nhân rất thích sử dụng khi nói về thu hay khi người ngắm trăng đang mang nhiều tấm trạng. Một mình đứng ngắm trăng rất nhiều tâm sự trong lòng không thể san sẻ cùng ai, nhưng dường như dưới ánh trăng vằng vặc kia như đang hiểu thấu nỗi lòng người thi nhân. Như vậy chủ đề mùa thu đã được nhà thơ diễn tả trước hết bằng từ ngữ. Xuất hiện xuyên suốt bài thơ là một từ 'nghe' xuất hiện cả ba lần trong câu thơ đầu tác phẩm. Chúng ta nghe lời thổn thức của mùa thu đã được nhân cách hóa, nghe tiếng lòng rạo rực trong rừng vắng của người phụ nữ đi đánh trận nghe tiếng lá thu rơi. Bên cạnh đó tiếng thu còn được tác giả diễn tả bằng âm thanh “em không nghe”. Hai câu thơ tiếp theo cho người đọc hiểu rõ hơn về nhân vật trữ tình trong bài thơ.
“Hình ảnh người chinh phụ
Trong lòng người cô phụ”
Hình ảnh người lính ra đi lên đường chiến trận là một hình ảnh có lẽ không thể nào quên được trong tâm trí những người tới đưa tiễn chồng lên chiến trường . Hình ảnh ấy cứ khuất dần khuất dần rồi mất hút hẳn theo mù thu theo dáng hình người lính. Đó là tâm sự chủ yêu của những người cô phụ trong thời kì này.
Khổ thơ cuối cùng khép lại bài thơ nhưng nó lại mang một âm hưởng lưu luyến bởi tiếng nhạc khiến ta không thôi bồi hồi.
“em không nghe rừng thu
Lá thu rơi xao xác
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?”
Cách gieo vần liền kết hợp với các từ láy đặt ở cuối câu đã khiến liên kết các câu trong khổ thơ cuối trở nên đều đặn. Khi hình ảnh con nai vàng xuất hiện ta đã nghe được gì khi hình ảnh con nai vàng xuất hiện. Phải chăng ta đã nghe thất tiến lá vàng vỡ vụn dưới bước chân của những con nai vàng ngơ ngác. Tiếng thơ đích thực trong thơ của Lưu Trọng Lư là như thế đó ta không nghe thấy được thu bằng tai mà nghe thấy thu qua trí tưởng tượng nghe vang lên trong tâm hồn. Thu thanh của Lưu Trọng Lư chính là một vô thanh . Đó là cái vô thanh thắng hữu thanh . Có người cho rằng “Thực tế Việt Nam làm gì có khu rừng vàng”. Đấy là rừng châu Âu. Rừng Việt Nam là rừng luốm nhuốm. Mùa thu Việt Nam đúng như Nguyễn Du mô tả trong Kiều: 'Rừng thu từng biếc chen hồng'. Và con nai Việt Nam cũng nhanh nhẹn lắm, tinh ranh lắm, nó đâu có ngơ ngác!
Tác phẩm đã để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc . Đó là một con mắt nhìn đời nhìn thơ khá khác biệt của Lưu Trọng Lư. Tác phẩm đã khiến cho chúng ta thấy được mùa thu mơ màng bất tận của người thi sĩ đồng thời cũng cho chúng ta thấy được nỗi lòng của người cô phụ đối người chồng nơi chinh chiến.
Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (mẫu 12)
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc là một trong những nhà thơ sáng tác những tác phẩm về chủ đề quê hương đất nước. Thơ ông luôn thể hiện những tình yêu quê hương đất nước to lớn mà ông dành cho Tổ quốc. Cũng chính nhờ có cảm xúc dâng trào ấy mà ông đã sáng tác biết bao bài thơ hay khiến ai đọc cũng phải nhớ đến. Trong tất cả tác phẩm của ông thì có tác phẩm Đảo Sơn Ca đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Bài thơ đã khắc họa chân thực vẻ đẹp của đảo Sơn Ca, không chỉ có vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ mà còn có cả vẻ đẹp oai hùng của anh lính trẻ đứng canh gác miền hải đảo cho quê hương đất nước thân yêu.
Mở đầu bài thơ tác giả Lê Cảnh Nhạc đã cho chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên với màu xanh non của cây bàng cùng với mùi nắng tươi mới ở đảo Sơn Ca.
Quả bàng vuông xanh non màu lá
Mơn mởn thơm mùi nắng Sơn Ca
Hoa giấy đỏ dưới trời nắng cháy
Chim líu lo rót mật trước hiên nhà
Thiên nhiên nơi đây được bao trùm bởi màu xanh non của những cây bàng. Bên cạnh đó, cảnh quan nơi đây còn được tô điểm thêm màu đỏ của những cây hoa giấy dưới trời nắng vàng. Nhờ có những điểm nhấn của những bông hoa giấy này mà khung cảnh đảo Sơn Ca không bị quá đơn điệu bởi một màu xanh của lá cây. Ngoài việc thưởng thức cảnh đẹp bằng thị giác thì tác giả còn cho chúng ta cảm nhận vẻ đẹp ấy bằng cả khứu giác và thính giác. Chúng ta dùng khứu giác để cảm nhận được mùi nắng nơi đây thơm biết nhường nào. Có thể nói mùi nắng nơi đây chất chứa thêm thêm mùi vị mặn mà của biển cả khiến chúng ta ngửi một lần là không thể nào quên được. Tiếp theo là chúng ta cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên của đảo Sơn Ca qua thính giác. Từng tiếng chim hót líu lo bên hiên nhà vừa tạo một khung cảnh thanh bình nhưng không bị tĩnh lặng.
Đến với khổ thơ thứ hai chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính ở nơi đây.
Mái chùa cong veo chiều cổ tích
Tiếng cầu kinh bịn rịn níu hồn tôi
Khát từng giọt mưa mùa khô trên đảo
Cây vẫn mướt xanh vẫy gọi chim trời
Hình ảnh mái chùa cong vút đã tạo nên một khung cảnh cổ kính mà những mái chùa cong veo ấy chúng ta thường được nghe các bà, các mẹ kể cho mình nghe qua những câu truyện cổ tích. Tiếng tụng kinh trong những ngôi chùa cổ kính mới bình yên làm sao. Từng tiếng tụng kinh bịn rịn giữ hồn tôi lại, khiến tâm hồn tôi thanh tịnh và yên lòng hơn bao giờ hết. Ngoài ra, mùa khô trên đảo cũng thường thiếu những giọt nước mưa tươi mát. Tuy nhiên cây cối vẫn luôn xanh mướt vẫy gọi và chào đón những chú chim trời bay đến. Cảnh vật nơi đây luôn mang một vẻ đẹp nao lòng khiến chúng ta không thể nào miêu tả được hết vẻ đẹp ấy.
Kết thúc bài thơ là hình ảnh của người lính và những cánh chim trời như một lời tuyên bố của tác giả rằng con người và thiên nhiên nơi đây luôn hòa hợp với nhau tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động.
Anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ
Tiếng chim rơi nòng súng ngỡ sáo diều
Đảo Sơn Ca vẫn bốn mùa lảnh lót
Chim và người xây cột mốc tiền tiêu.
Khổ thơ cuối cùng là hình ảnh anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ. Hình ảnh ấy khiến chúng ta liên tưởng đến việc anh lính trẻ đứng canh giữ hải đảo, bảo vệ đất nước ta khỏi ánh mắt của kẻ thù. Những tiếng chim vẫn lảnh lót kêu suốt bốn mùa ở đảo làm cho không khí nơi đây luôn rộn ràng mà không bị trầm tĩnh. Tác giả liên tưởng tiếng chim rơi trước nòng súng như những tiếng sáo diều vi vu mà yên bình. Cả hình ảnh chim và người đều mang đến một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, đó là hình ảnh chim và người xây dựng cột mốc tiền tiêu. Hai hình ấy hòa hợp với nhau tạo nên một bức tranh đẹp đến rung động lòng người.
Qua bài thơ Đảo Sơn Ca, tác giả Lê Cảnh Nhạc đã mang đến cho chúng ta một bức tranh về thiên nhiên nơi hải đảo hùng vĩ nhưng không kém phần bình yên. Từ những lời thơ mộc mạc mà giản dị đã cho chúng ta được dạo quanh đảo Sơn Ca để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngút ngàn ấy. Chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn được chiêm ngưỡng cả những vẻ đẹp của những người lính ngày ngày canh giữ hải đảo cho chúng ta. Nếu có cơ hội thì chúng ta hãy đến nơi đây để được tận hưởng hết những vẻ đẹp ở nơi đây.