TOP 12 mẫu Giới thiệu về Con đường mùa đông (HAY NHẤT 2024)

Giới thiệu về Con đường mùa đông Ngữ văn 11 Kết nối tri thức gồm 12 bài văn mẫu hay nhất năm 2024 giúp học sinh viết bài tập làm văn 11 hiệu quả hơn.

1 140 lượt xem


Giới thiệu về Con đường mùa đông

Đề bài: Em hãy viết bài giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật Con đường mùa đông.

loading...

Giới thiệu về Con đường mùa đông - mẫu 1

Chào thầy cô và các bạn! Em tên là… Sau đây, em xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật “Con đường mùa đông”.

Bài thơ được coi là bức tranh phong cảnh Nga đặc sắc với vẻ đẹp hoang sơ, lạ lùng của mùa Đông nước Nga.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh:

“Xuyên những làn sương gợn sóng

Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua

Buồn rải ánh vàng lai láng

Lên cánh đồng buồn dăng xa”.

Một đêm Đông quạnh hiu với làn sương mờ, ánh trăng mờ, cánh đồng mờ xa. Không gian đó trải dài tít tắp tưởng chừng vô tận. Cảnh vắng lặng, bao la và buồn man mác.

Càng buồn hơn khi không gian mờ ảo đó không dấu vết của con người, của sự sống, không ánh lửa hy vọng.

“Không một mái lều ánh lửa

Tuyết trắng và rừng bao la

Chỉ những cột dài cây số

Bên đường sừng sững chào ta”.

Tất cả hun hút vô tận, xa thẳm, mông lung, quạnh quẽ. Chiếc xe tam mã và người lữ hành như bị bao vây bởi rừng sâu và tuyết. Chỉ có lung linh màu tuyết trắng, rừng Tai ga bạt ngàn, sương mù bao phủ. Chỉ thấy những cột cây số hữu hình mà vô cảm đang chạy ngược chiều… Không gian đã trải rộng lại thêm trải rộng. Con đường mùa Đông đã dài lại được kéo dài tưởng chừng như vô tận. Nước Nga đấy, một bình nguyên vĩ đại với những khoảng không bờ bến, một nước Nga trải dài bất tận, đất rộng người thưa.

Người “họa sỹ” Puskin, bằng ngôn từ của mình đã “vẽ” lên một bức tranh thủy mặc với gam màu đen trắng: ánh trăng trắng, tuyết trắng, mặt trăng trắng, sương trắng trên cái nền đen sẫm của rừng.

Trên con đường mùa Đông “Cỗ xe tam mã băng đi” - một cỗ xe rất “Nga”, vô cùng thân thiết với những tâm hồn Nga. Có phải vì thế mà không gian ở đây mang đặc trưng của nước Nga ?

Không gian đó, ngoài những hình ảnh, đường nét, màu sắc còn có cả khúc nhạc dịu êm, du dương: tiếng lục lạc đơn điệu buồn tẻ, khúc hát dân ca của người xà ích “Như niềm vui mừng khôn xiết/ Như nỗi buồn nặng đìu hiu”, làm dấy lên trong lòng lữ khách một nỗi buồn dịu ngọt. Kết thúc bài thơ vẫn là tiếng: “Nhạc ngựa đều đều buông xa thẳm”, gieo vào lòng người một nỗi buồn da diết.

Không gian đêm trên “con đường mùa Đông” tĩnh lặng, hiu quạnh quá. Ở đây, nhà thơ đã “lấy động để tả tĩnh”. Những âm thanh khe khẽ tuy giúp cho bức tranh cựa mình nhưng lại làm nổi bật cái im lìm của đêm Đông.

Không cần đến những màu sắc rực rỡ, thiên nhiên trong bài thơ trong trẻo, thanh khiết, đẹp chân thực, tự nhiên, gần gũi và sống động lạ thường. Nó rất “Nga” và đậm hồn quê hương xứ sở. Cảnh sắc thiên nhiên mùa Đông nước Nga đã được Puskin miêu tả một cách tinh tế, chọn lọc.

Nhưng có bức tranh thiên nhiên nào không mang vóc dáng và tâm hồn con người? Trong thơ Puskin, thiên nhiên nhiều khi chỉ làm khung cảnh cho tâm trạng, nơi ký thác cái tôi trữ tình của tác giả.

Người ta thường nói đến tâm hồn đầy “nữ tính” của người Nga trong con mắt của nhân gian, đó là bản sắc của người Nga không trộn lẫn. “Tính nữ” ấy trong bài thơ “Con đường mùa Đông” trước hết bộc lộ trong tình yêu thiên nhiên đất nước. Cảnh sắc đã được lữ khách cảm nhận bằng tất cả giác quan, bằng sự hòa nhập của tâm hồn. Có cảm giác nhân vật trữ tình đăm chiêu, mơ màng xúc động nhìn bao quát toàn cảnh, nhìn từ trên không trung xuống dưới mặt đất, từ gần đến xa… lặng ngắm con đường mùa Đông vắng vẻ. “Tính nữ” ấy còn bộc lộ trong “nỗi buồn Nga”, một “nỗi sầu không lời và vô duyên cớ”. Nỗi buồn của những tâm hồn đa cảm, nhạy cảm, giàu yêu thương mà cố nhà thơ Phạm Tiến Duật có lần đã nói: “Nỗi buồn Nga thực đáng gọi là thày”.

Hơn nữa, Puskin con mang trong mình nỗi buồn riêng tư bị lưu đày, nỗi buồn chung của Tổ quốc, nhân dân bị sống dưới ách chế độ nông nô, cách mạng không thành… Âm điệu chủ đạo của bài thơ là âm điệu buồn - Một nỗi buồn xa vắng, mênh mông và trong sáng tuyệt trần. Nỗi buồn đó tỏa rộng và thấm sâu từ cảnh vật đến lòng người. Trong bài thơ, từ “buồn” xuất hiện với tần số rất cao: có trăng buồn và cánh đồng buồn, có con đường mùa Đông buồn tẻ, có khúc hát ngân nga buồn của người xà ích, có tâm hồn chán ngán buồn bã của lữ khách, có tiếng lục lạc đơn điệu buồn tẻ. Sự xuất hiện của rừng sâu, tuyết, sương, những cột cây số càng làm cho nỗi buồn thêm phần cô đơn, lạnh lẽo. Đến nỗi nhân vật trữ tình phải thốt lên: “Ôi buồn đau, ôi cô lẻ”, “Sầu lắm…”.

Nhưng nhân vật trữ tình không chìm đắm trong nỗi buồn. Vượt lên trên thực tại, Puskin không tuyệt vọng, không bi lụy. Bài thơ đột ngột bừng sáng, nỗi buồn lấp lánh ánh sáng của niềm tin, của khao khát một hạnh phúc bình dị. Trong tâm trạng nặng nề cô lẻ, nhân vật trữ tình thầm gọi tên người con gái Nga yêu thương, mơ ước về một về một không gian nhỏ hẹp, bình yên, ấm áp, một hạnh phúc đơn sơ: có lò lửa đỏ, có tiếng đồng hồ kêu tích tắc. Và “ta” được ở bên “em” “Ngắm em, ngắm mãi không thôi”, câu thơ diễn tả khát vọng da diết. Câu: “Để ta bên nhau trong đêm” là kết tinh của trái tim và khát vọng thăng hoa của nhân vật trữ tình.

Suốt hai khổ thơ 5 và 6 là cảm hứng đoàn tụ, yêu thương. Cảm hứng ấy trong nguyên tác được thể hiện bằng hai tiếng “Ngày mai…” “Ngày mai…” như một điệp khúc của tâm trạng xốn xang, mong đợi. Trong tuyết lạnh mà nghĩ về lửa đỏ, mái ấm gia đình hạnh phúc, trong chia ly mà nghĩ về sum họp, trong xa vắng mà hy vọng trở về gặp người thương. Niềm khao khát ấy trở thành bến đợi, thành ngọn lửa sưởi ấm trái tim giá lạnh cô đơn, sẻ chia và an ủi nhân vật trữ tình trên đường đời sóng gió, gian truân. Chính sự khắc khoải về hạnh phúc ấy nên những nỗi buồn không làm nhân vật trữ tình ủy mỵ mà thêm tha thiết yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp và củng cố niềm tin để vượt lên số phận, hoàn cảnh. Tâm trạng buồn nhưng luôn hướng tới tương lai của nhân vật trữ tình đã tạo nên một “nỗi buồn trong sáng” (Biêlinxki), có tác dụng thanh lọc tâm hồn. Nỗi buồn ấy rất “Puskin”, rất “Nga”, nó nói lên “vẻ đẹp tâm hồn Nga” đáng yêu, đáng quý biết bao.

Sinh thời, Puskin từng tâm niệm: “Tiếng nói tôi liêm khiết/Tiếng vọng nhân dân Nga”. Phải chăng, với bài thơ “Con đường mùa Đông” Puskin đã phần nào thực hiện được sứ mệnh thi ca cao cả đó.

1 140 lượt xem