TOP 12 mẫu Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật (HAY NHẤT 2024)
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật Ngữ văn 11 Kết nối tri thức gồm 12 bài văn mẫu hay nhất năm 2024 giúp học sinh viết bài tập làm văn 11 hiệu quả hơn.
Nội dung bài viết
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật
Đề bài: Em hãy viết bài giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng.
Dàn ý: Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật
- Mở đầu: Nêu tên tác phẩm được giới thiệu và lý do chọn giới thiệu tác phẩm đó.
- Triển khai: Miêu tả đặc điểm của tác phẩm (thể loại, tính chất, quy mô, dung lượng…) và nêu nhận xét, đánh giá về tác phẩm theo các góc độ tiếp cận khác nhau.
- Kết luận: Khẳng định giá trị chung và ý nghĩa của tác phẩm.
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 1
Em chào cô và các bạn. Em tên là .... Hôm nay, em xin được trình bày bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật nghệ thuật 'Thu hứng' - Đỗ Phủ.
Trong những ngày thu năm 766, nhà thơ Đỗ Phủ đã sáng tác bài thơ 'Thu hứng' (Bài 1). Đây là bài đầu tiên nằm trong chùm tám bài thơ thất ngôn bát cú có nhan đề chung là 'Thu hứng'. Bài thơ đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt của con người khi thu đến, đồng thời thể hiện nỗi nhớ quê hương sâu đậm của Đỗ Phủ.
Các bạn ạ, khi đọc bài thơ này, chúng ta dễ dàng thấy được mạch cảm xúc của bài thơ: đi từ tâm trạng trước không gian thiên nhiên đến cảm nhận về khung cảnh sinh hoạt của con người.
Trong bốn câu thơ đầu, nhà thơ Đỗ Phủ đã phác họa bức tranh thiên nhiên mùa thu ảm đạm, hắt hiu. Không gian rộng lớn của rừng phong được bao trùm bởi làn sương trắng xóa 'Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm'. Xa xa kia, núi Vu, kẽm Vu với những vách núi cao lớn đã thu hút tầm nhìn của nhân vật trữ tình. Hai địa danh này dường như cũng u ám, mờ mịt bởi làn sương dày đặc 'Núi vu, kẽm Vu hơi thu hiu hắt'. Từ láy 'hiu hắt' càng làm cho không gian núi rừng trở nên hoang sơ, lạnh lẽo. Ở hai câu thơ tiếp theo 'Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng/ Tái thượng phong vân tiếp địa âm', nhà thơ đã chuyển tầm nhìn của mình xuống dòng sông. Giữa lòng sông, sóng tung những dòng nước cuồn cuộn như muốn bao trùm lấy bầu trời. Đặc biệt, gió mây ở trên cao như đang sà xuống, làm cho mặt đất càng thêm âm u. Tất cả các cảnh vật với những sắc thái khác nhau đã tạo nên bức tranh thiên nhiên mùa thu tiêu điều, hiu hắt.
Tiếp đến, ở bốn câu thơ cuối, Đỗ Phủ khéo léo bộc lộ nỗi nhớ quê hương da diết của mình. Đứng trước khung cảnh sinh hoạt của con người, nhà thơ không thể ngăn nổi nỗi xúc động. Hai lần khóm cúc nở hoa cũng là hai năm xa nhà của Đỗ Phủ 'Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ'. Không chỉ vậy, hình ảnh con thuyền lẻ loi như gợi ra lênh đênh của kiếp người 'Cô chu nhất hệ cố viên tâm'. Câu thơ cũng đã làm nổi bật hoàn cảnh cô đơn của tác giả nơi đất khách. Nỗi nhớ quê nhà càng thêm da diết khi nhà thơ nghe thấy âm thanh rộn ràng của dao thước may quần áo mùa rét và sự dồn dập của tiếng chày nện vải.
Qua bài thơ, nhà thơ đã khắc họa nên bức tranh thiên nhiên và khung cảnh sinh hoạt của con người trong tiết trời thu ảm đạm, hắt hiu. Đồng thời, từ cảnh vật ấy, nhà thơ khéo léo bày tỏ nỗi nhớ thương quê nhà của mình. Bên cạnh những thành công về nội dung, chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp trong hình thức nghệ thuật của 'Thu hứng' (Bài 1). Bài thơ sử dụng ngôn từ hàm súc, giàu sức gợi.
Ngoài ra, cách gieo vần, ngắt nhịp, phép đối cùng lối viết tả ít gợi nhiều đã khơi gợi nỗi nhớ quê nhà một cách tinh tế của nhà thơ.
Trên đây là bài trình bày của em về Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật 'Thu hứng' - Đỗ Phủ. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã theo dõi, lắng nghe!
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 2
Em chào cô và các bạn. Em xin tự giới thiệu, em tên là …. Sau đây, em xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật 'Mùa xuân chín'.
Các bạn ơi, chắc hẳn mỗi người chúng ta đã từng đọc hoặc học về một bài thơ viết về mùa xuân đúng không nào? Mình nhớ chúng ta đã từng học đoạn trích 'Cảnh ngày xuân' (trích 'Truyện Kiều' - Nguyễn Du) và bài thơ 'Mùa xuân nho nhỏ' của nhà thơ Thanh Hải. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu tới các bạn một bài thơ cũng viết về mùa xuân, nằm trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống. Đó là bài thơ 'Mùa xuân chín' của tác giả Hàn Mặc Tử.
Đọc nhan đề bài thơ, mình thấy sự kết hợp tinh tế giữa danh từ 'mùa xuân' với động từ chỉ trạng thái 'chín'. Nhan đề ấy đã khiến mình hình dung về khung cảnh mùa xuân tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh. Mạch cảm xúc ấy được khắc họa rõ nét qua các hình ảnh thơ và ngôn ngữ tinh tế.
Đầu tiên, ở khổ thơ thứ nhất, hình ảnh thơ 'làn nắng ửng', 'khói mờ tan', 'bóng xuân sang' đã gợi ra khung cảnh mùa xuân ấm áp. Biện pháp nhân hóa 'gió trêu tà áo biếc' kết hợp với từ láy 'sột soạt' và phép đảo ngữ 'Sột soạt gió trêu tà áo biếc' cho thấy những tinh tế trong quan sát của nhà thơ khi xuân đến. Ngọn gió không còn là vật vô tri vô giác mà trở nên sống động với âm thanh tình tứ, đang trêu đùa tà áo biếc. Ngoài ra, biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác 'bóng xuân sang' còn góp phần miêu tả dáng điệu nhẹ nhàng của mùa xuân.
Trên nền thiên nhiên mùa xuân căng tràn sức sống còn xuất hiện hình ảnh con người 'Bao cô thôn nữ hát trên đồi'. Lắng nghe tiếng hát ấy, nhân vật trữ tình càng thêm tiếc nuối trước độ xuân thì của người con gái '- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc cuộc chơi'. Biện pháp ẩn dụ 'xuân xanh' kết hợp cùng các từ láy 'hổn hển', 'vắt vẻo' và biện pháp nhân hóa 'tiếng ca vắt vẻo', so sánh 'hổn hển như lời nước mây' đã mang đến cho người đọc vẻ duyên dáng của người con gái. Vẻ đẹp ấy hòa trong tiếng hát trầm bổng, thiết tha như tô đậm khung cảnh thiên nhiên căng tràn sức sống.
Đặc biệt, trong khổ thơ cuối, mình cảm nhận được tâm trạng chùng xuống của nhân vật trữ tình - 'khách xa'. Từ láy 'bâng khuâng' gợi ra cảm xúc lâng lâng, xen chút buồn tiếc nuối trong lòng. Nhưng rồi, nhân vật trữ tình lại có sự chuyển biến đột ngột trong cảm xúc khi 'sực' nhớ làng và '- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc theo bờ sông trắng nắng chang chang?'. Câu hỏi cuối bài thơ cùng đại từ nhân xưng không cụ thể 'chị ấy' đã phác họa nỗi niềm cô đơn, hụt hẫng cùng tấm lòng nhớ quê hương của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Qua bài thơ 'Mùa xuân chín', mình thấy được nét độc đáo trong hình thức nghệ thuật như cách tổ chức ngôn ngữ và hình ảnh thơ độc đáo, kết hợp với nhiều biện pháp nhân hóa, cách gieo vần chân ('vàng-sang, 'trời-chơi',...). Bên cạnh đó, bài thơ đã vẽ nên bức tranh mùa xuân từ những chất liệu như âm thanh, hình ảnh, màu sắc sống động của thiên nhiên và con người. Đọc bài thơ, chúng ta không khỏi rung động trước tình yêu thiên nhiên tha thiết cùng khát khao giao cảm với đời, với người của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 3
Chắc hẳn những bộ phim về chiến tranh Việt Nam không còn quá xa lạ với thầy cô và các bạn. Nhưng có một bộ phim luôn khiến em tâm đắc và day dứt khi xem mà hôm nay em muốn giới thiệu đến mọi người.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng những nỗi đau để lại dường như còn mãi, đặc biệt đối với những người có người con, người anh, người chị của mình đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. “Mùi cỏ cháy” là một bộ phim ấn tượng nói về Việt Nam năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị - nơi biết bao người thanh niên trẻ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc. Bộ phim như nhắc nhở chúng ta về cái giá phải trả cho độc lập tự do là quá lớn.
Mùi cỏ cháy là bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tâm lý xã hội và chiến tranh được công chiếu vào năm 2012. Bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Kịch bản do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chấp bút, dựa trên quyển Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đạo diễn phim là Nguyễn Hữu Mười – một đạo diễn tài năng và được nhiều người biết đến. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị.
Giá trị của phim không chỉ được kể đến bởi sự tỉ mỉ trong kịch bản, góc quay… mà nó đến từ nội dung đầy ý nghĩa, sâu sắc về thế hệ trẻ một thời hết lòng phụng sự cho Tổ quốc. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về 4 chàng sinh viên Hà thành Hoàng, Thành, Thăng và Long ở lứa tuổi đôi mươi, khi họ vừa mới bước chân và làm quen với môi trường đại học. Sống trong cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo và đứng trước lệnh tổng động viên của Chính phủ, 4 chàng thanh niên trẻ đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, dấn thân vào chiến tranh và trở thành những chiến sĩ quả cảm. Tinh thần quả cảm, bất diệt đó của họ đã chiến thắng những ham muốn cuộc sống nhàn hạ, vui vẻ của tuổi đôi mươi, họ ra đi vì độc lập của Tổ quốc. Trong phim có một câu nói khiến em ấn tượng mãi đó là khi Thủ trưởng Phong hỏi bốn chàng thanh niên trẻ có thấy hối tiếc vì lựa chọn của mình không, Hoàng đã không ngần ngại nói: “Chúng em cũng hơi tiếc ạ. Nhưng còn hối tiếc hơn nếu như trong đội ngũ những người ra trận hôm nay không có chúng em”. Đó là câu trả lời chứa đựng đầy sự hồn nhiên, nhưng pha lẫn đầy khí phách của một chàng thanh niên tuổi đôi mươi nhưng thấu hiểu sự đời và hoàn cảnh của đất nước. Họ chính là đại biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam lúc bấy giờ, luôn mang trong mình nhiệt huyết dâng trào của tuổi trẻ, một lòng muốn phụng sự cho Tổ quốc, khi Tổ quốc lâm nguy, sẵn sàng từ bỏ tất cả và đi vào chiến trường, chiến đấu để giành lấy độc lập cho Tổ quốc. Những người thanh niên trẻ ấy từ sự hồn nhiên của tuổi trẻ, được thể hiện qua câu hát của Long trên chiếc xe chở quân vào chiến trường: “Ta là con của bố mẹ ta. Nhớ nhà ta trốn ta về”; thú bắt ve sầu rồi áp tai nghe tiếng kêu ve ve của Thành và niềm đam mê chơi chọi dế của Thăng…” Và rồi, trải qua sự rèn luyện khắc nghiệt trong quân đội và trực tiếp chiến đấu với kẻ thù, tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hy sinh, họ dần trưởng thành và trở thành những chiến sĩ dũng cảm, sống vì mục tiêu cao cả hơn.
Cùng với đó là những hình ảnh về sức tàn phá của chiến tranh, chân thực đến đau lòng. Bằng cách tạo dựng bối cảnh của cuộc chiến hết sức chân thật, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười đã khiến người xem không thể kìm nổi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh hàng trăm chiến sĩ bị trúng bom mìn khi vượt sông Thạch Hãn, máu nhuộm đỏ dòng sông; cảnh Long đứng giữa trời đạn bom kêu gào thảm thiết: “Đừng tấn công nữa!…” và bị bom giặc cướp mất tính mạng; hay hình ảnh một chiến sĩ mù vẫn cầm lựu đạn mò mẫm ra chiến trường chiến đấu với kẻ thù… Khung cảnh chiến tranh năm 1972 đó dường như đang được hiện hữu rõ ràng trước mắt người đọc, nó khiến chúng ta không khỏi xúc động, nghẹn ngào mà thậm chí là căm thù kẻ thù xâm lược, về những đau thương mà chúng gây ra cho chúng ta trong những năm tháng chiến tranh thảm khốc.
Bên cạnh đó, một chi tiết rất đắt giá vẫn được ekip làm phim thể hiện rất tài tình, đó là ở nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết đang cận kề ấy, đạo diễn vẫn dành cho những nhân vật của mình những giây phút bình yên suy ngẫm về gia đình, chiến tranh, tình cảm đồng chí, đồng đội… Đó là một dấu ấn mang đậm nét tình cảm của phim. Họ khẳng định dù trong hoàn cảnh sự sống luôn bị đe dọa như vậy, nhưng những tình cảm, cảm xúc chân thực của con người vẫn được thể hiện, họ vẫn tin yêu vào cuộc sống và đó chính là động lực để họ đứng đến đấu tranh và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đó đều là tình cảm chân thành, sự quý mến sâu sắc.
Như vậy, qua những trang nhật ký của Thăng, những vần thơ của Hoàng, những bức thư thấm đẫm nước mắt của Thành vĩnh biệt mẹ và lời hứa trở lại (không thực hiện được) của Long đối với một cô gái anh gặp trên đường hành quân… “Mùi cỏ cháy” đã tố cáo tội ác của chiến tranh một cách đầy đủ nhất, chân thực và sinh động nhất. Không những thế, nó đã chạm đến những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc về tình người, về lẽ sống của cả một thế hệ trẻ thời chống Mỹ.
Trên đây là toàn bộ phần trình bày của em về bộ phim “Mùi cỏ cháy”, rất mong nhận được sự góp ý của cô và các bạn để bài trình bày của em được hoàn thiện hơn. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 4
Thưa thầy cô và các bạn. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, dân tộc ta đã đánh thắng hai kẻ thù là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đã có hàng triệu người phải ngã xuống. Trong sự hy sinh lớn lao ấy, có công ơn lớn lao của gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng, những bà mẹ cả đời chịu thương, chịu khó, tần tảo nuôi nấng con khôn lớn bằng dòng sữa chắt chiu ngọt ngào, bằng hạt gạo thấm đẫm mồ hôi, nuôi nấng các con bằng tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương, chí anh hùng sẵn sàng bảo vệ non sông đất nước. Khi Tổ quốc cần các mẹ cũng sẵn sàng hiến dâng những đứa con yêu quý để bảo vệ gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Từ ý nghĩa sâu xa và lớn lao đó, được sự nhất trí cao của trung ương, của các ngành, các cấp, tỉnh Quảng Nam quyết định xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ làm biểu tượng cho gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước. Mẹ Thứ tên thật là Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904 (theo giấy căn cước, mẹ sinh 1902). Bà sinh tại Xóm Rừng, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ Thứ có chồng cùng 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại đều là liệt sỹ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhiều nhất qua 2 cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ. Mẹ mất vào lúc 01 giờ 40 phút ngày 10 tháng 12 năm 2010 tại bệnh viện Đà Nẵng, thượng thọ 104 tuổi.
Trong hai cuộc Chiến tranh chống Pháp chống Mỹ, Nguyễn Thị Thứ lần lượt nhận 9 giấy báo tử của các con. Tại khu vườn của nhà bà có 5 hầm bí mật, nơi bà và con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội, du kích Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên miệng hầm bà thả hàng chục con bò ăn cỏ ngay trong vườn. Lúc không có quân đối phương, hai mẹ con bà mở hé cửa hầm cho họ dễ thở, khi có động thì lại giả vờ đi coi bò để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm.
Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào ngày 17 tháng 12 năm 1994. Khi đến thăm bà, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã cầm tay bà và nói: “Mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho chúng con vững bước. Mẹ là Mẹ Việt Nam
Với tình cảm và sự ngưỡng mộ sâu sắc với các bà mẹ Việt Nam anh hùng, với nguồn cảm hứng từ ý tưởng: ” Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, Mẹ là linh hồn của Đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời với các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Mẹ vẫn tiếp thêm nguồn sức sống mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững chắc, giàu mạnh ” mà tác giả đã lựa chọn và điều chỉnh trong quá trình thể hiện tỷ lệ 1/1 để thể hiện hình tượng mẹ Việt Nam anh hùng trong toàn khối tượng đài có chiều cao: 18.37m, chiều rộng: Theo đường thẳng: 84.7m, đường cong: 117m, bề dày khối tượng chỗ lớn nhất là 24.3m, chỗ mỏng nhất ở 2 đầu vách đá là 8.0m với chất liệu bằng đá sa thạch. Bên trong khối tượng là nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng ghi danh gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với đất nước. Vị trí cửa ra vào chính ở 2 đầu vách đá, mặt sau lưng tượng có 2 cửa ra vào phụ.
Khối tượng đài chính gắn kết với một hồ nước lớn: Khoảng 981m2 (có hình dáng hồ bán nguyệt). Toàn khối tượng đài có hình dáng của một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần ở hai bên. Ở chính giữa toàn khối tượng đài là chân dung bán thân mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn thị Thứ. Thể hiện một chiều sâu nội tâm: Mẹ nén lại những đau thương, mất mát lớn lao của người mẹ, khi những người con đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, bằng một nghị lực phi thường. Chân dung mẹ thể hiện vẻ đẹp của sự nhân hậu, bao dung độ lượng. Với nét bình thản, ung dung tự tại, mẹ vẫn như đang động viên và tiếp thêm nguồn sống mạnh mẽ cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững chắc, giàu mạnh. Hai bên khối tượng mẹ là hai vách đá được tạo hình giống như những khối đá tự nhiên kết nối liên tục với nhau, nhưng được cách điệu khéo léo bằng những hình khối đa dạng, đa chiều theo một nhịp điệu uyển chuyển nhưng khúc triết mạch lạc, với các cung bậc của tiết tấu và giai điệu từ thấp đến cao, như một bản giao hưởng hùng tráng, được biểu đạt bằng ngôn ngữ điêu khắc đá. Hai bên vách đá thể hiện gương mặt những người con thấp thoáng theo phương pháp nghệ thuật gợi tả, chấm phá để làm tôn vinh thêm hình tượng bà mẹ và gợi mở cho người xem nhiều suy tưởng sâu sắc, đẹp đẽ về mẹ, về đất nước, về con người Việt Nam cả trong quá khứ, hiện tại, tương lai. Hình tượng này cũng gợi cho ta hình ảnh hoành tráng về một đất nước hoà bình thống nhất, các con cháu mọi miền Bắc- Trung- Nam sum vầy quanh mẹ hiền Tổ quốc, luôn hướng về mẹ với tình cảm trìu mến, thương yêu nhất.
Sự kết hợp giữa tượng đài chính với hồ nước lớn, tạo nên một hình ảnh hoà quyện của Sơn- Thủy. Những làn nước trong vắt chảy lặng lẽ từ các vách đá xung quanh thân mẹ xuống các tầng hồ thể hiện sự hiến dâng âm thầm của mẹ hiền đối với các con, đối với Tổ quốc. Tình cảm đó như bát nước đầy không bao giờ vơi cạn.
Qui hoạch chi tiết không gian kiến trúc và cảnh quan cho Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng nhằm làm tôn tạo hơn các giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật cho tác phẩm điêu khắc ” Mẹ Việt Nam anh hùng ” đã được lựa chọn. Không gian đó không chỉ là nơi ta đến để tôn vinh và tưởng nhớ người Mẹ anh hùng, mà còn là nơi trải nghiệm và cảm nhận các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Là nơi các con của mẹ, các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau thăm quan, vui chơi hằng ngày và tổ chức sinh hoạt văn hoá tư tưởng cũng như các lễ hội.
Không gian đó là công viên, với một hình thái đặc thù riêng đó là công viên tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng. Với một cấu trúc quy hoạch, mặt bằng mang tính dẫn dắt tạo nên một khả năng dẫn nhập tình cảm đối với người xem: Từ xao xuyến bồi hồi, xúc động đến ngập tràn tình cảm yêu thương, ngưỡng mộ sâu sắc đối với hình tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng, theo từng lớp lang không gian kiến trúc, từ ngoài vào trong. Hình thái này hoàn toàn khác biệt với không gian công viên vui chơi giải trí, không gian công viên dành cho các vị lãnh tụ, không gian quảng trường dành cho việc biểu dương sức mạnh của quân đội, của các tầng lớp nhân dân. Cũng như hoàn toàn khác với không gian công viên dành cho các đài tưởng niệm liệt sĩ, tượng đài chiến thắng khác.
Ý nghĩa và cách tổ chức không gian và hình thái kiến trúc cảnh quan:
Sử dụng hình thái ” yên ngựa ” như một phông thiên nhiên cho Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Đặt tượng đài ở vị trí có cao độ 15.0m (cao hơn đường An Hà – Quảng Phú: 15.0m – 6.25m = 8.75m ). Với độ cao tượng 18.37m, độ rộng: 84.7m ( theo đường thẳng ) của tượng đài, tổng thể cảnh quan tượng đài như một nhịp đồi với 3 độ cao thấp dần về hướng Tây Nam : Mỏm đồi hướng Đông núi Cấm có cao độ 35.0m ( so với mực nước biển) cao hơn đường An Hà – Quảng Phú: 35.0m – 6.25m = 28.75m, tượng đài 33,37m ( cao hơn đường An Hà – Quảng Phú: 33.37m – 6.25m = 27.12m ), mỏm đồi hướng Tây có cao độ là 26,0m ( so với mực nước biển) cao hơn đường An Hà – Quảng Phú: 26.0m – 6.25m = 19,5m . Hình thái này tạo cảm nhận hoành tráng cho tổng thể tượng đài. Hệ thống không gian công viên tượng đài được tổ chức theo hình thức không gian nghi lễ truyền thống: Có quảng trường – cổng – đường dẫn chính – sân hành lễ – đài và hậu đài. Hai bên là các vườn, đường dẫn chính có các bậc cấp cao dần từ cổng đến đài theo trình tự như sau:
– Tiếp cận công viên tượng đài ” Mẹ Việt Nam anh hùng ” là một quảng trường tiền môn, có độ thoáng rộng để từ xa có thể nhận biết tượng Mẹ Việt Nam anh hùng. Quảng trường tiền môn còn là nơi đón tiếp du khách trong dịp lễ hội hay thường nhật đến thăm quan tìm hiểu về Mẹ anh hùng, có 30 ô thảm cỏ tượng trưng cho 30 năm kháng chiến trường kỳ giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc của nhân dân ta.
– Tại quảng trường này có 8 trụ biểu, có chiều cao 9m, đường kính 1.65m, con số 8 ở đây theo quan niệm của người phương Đông là con số biểu tượng cho sự phồn vinh, sự sung túc, sự đoàn tụ tốt đẹp. Là một trong những số tốt nhất theo quan niệm phương Đông là 3, 5, 8, 9 , nhưng con số 8 là con số chẵn phù hợp với sự sắp xếp, bố cục 2 bên, mỗi bên 4 trụ trước khi vào đường dẫn chính. Khoảng cách giữa 2 nhóm trụ ở 2 bên đường dẫn chính là 45m để không ảnh hưởng đến tầm nhìn từ đường An Hà đến khối tượng chính. Các trụ biểu này khắc chạm các huyền thoại về Mẹ anh hùng, những hình ảnh về các bà mẹ Bắc Bộ, bà mẹ Trung Bộ, bà mẹ Nam Bộ, bà mẹ Tây Nguyên. Huyền thoại về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, các chị đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đây là những biểu tượng đẹp đẽ, đầy tự hào về người phụ nữ Việt Nam. Đan xen với những biểu tượng đó là những chạm khắc huyền thoại về suối nguồn, huyền thoại về lời ru của mẹ phảng phất câu dân ca Bắc bộ, điệu hò Trung bộ, điệu lý Nam bộ cùng với những nét văn hoá đặc trưng của vùng miền. Với ngôn ngữ chạm khắc hiện đại kế thừa những nét tinh hoa của điêu khắc thời Lý, Trần, điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên, sẽ có tác dụng khơi gợi và ghi sâu vào tâm thức mỗi người chúng ta tình mẫu tư,í về nét đẹp đầy tính nhân văn, nét đẹp văn hoá từ ngàn xưa của dân tộc ta. Những hình ảnh chạm khắc trên các 8 trụ huyền thoại có tác dụng định tâm và dẫn nhập tình cảm của ta với Mẹ trước khi bước vào đường dẫn chính đến với tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng: Tám trụ huyền thoại Mẹ là hình thức kiến trúc như một ” cổng ảo ” cho công viên Tượng đài.
– Phía sau Tám trụ là Hai hồ lớn tượng trưng bằng hai thảm hoa với màu sắc đan xen tạo cảm giác nước chảy. Hai hồ nước là nơi hội tụ của ” suối nguồn ” như muốn nói lên ý nghĩa sâu nặng từ trong câu ca dao Việt Nam: ” Cha mẹ thương con biển hồ lai láng ” .
– Đường dẫn chính dài 200m, được phân thành 4 đợt cấp với các bậc thang: Gồm 5+5+8+9 bậc ( đến gần sân hành lễ có 8 + 9 là 17 bậc), tạo sự tôn vinh khối Tượng mẹ. Hai bên đường dẫn chính là 2 suối nước, cũng tượng trưng bằng thảm hoa, được trồng đan xen màu sắc và cách điệu như nước chảy: Dài 150m, rộng 3.6m. Dòng nước trong xanh chảy mãi như ” suối nguồn vô tận ” . Dọc theo suối nước hai bên đường dẫn chính là 30 ngọn đèn bằng đá, tượng trưng cho 30 năm mẹ đợi ngày đất nước hoà bình, thống nhất, 30 năm mẹ đón chờ các con cháu Bắc – Trung – Nam về sum họp một nhà. Ở cao độ + 12,150m hai bên có hai thác nước cao từ 2,4m đến 3m đổ xuống, tượng trưng bằng thảm hoa đan xen màu sắc, tạo cảm giác như thác nước, khởi nguồn cho dòng nước động như sức sống mãnh liệt của đất nước, của thế hệ con cháu luôn được mẹ tiếp thêm nguồn sức mạnh vô biên. Nguồn nước, suối nước, thác nước là các dạng thái động là cho cảnh sắc có âm thanh, tô đậm hơn ý tưởng ” lòng mẹ như suối nguồn, bao la, vô tận “.
– Hai bên đường dẫn chính là hai khu vườn truyền thống và hiện đại :Thể hiện sự giao hoà giữa bản sắc văn hoá dân tộc với xu thế hiện đại trong tương lai. Là sự hoà nhập tình cảm giữa thế hệ đi trước với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ở các vườn hiện đại, chủ yếu là các thảm cỏ rộng, điểm xuyết các cây trồng địa phương.
– Trên các thảm cỏ có các phiến đá trắng nổi lên, trên các phiến đá có khắc các vần thơ hay về mẹ. Trước khi đến với tượng đài ta bắt gặp câu thơ ” Con ơi lòng mẹ như sông cả, chảy mãi nào ai lấp được nguồn ” . Chắc sẽ cho ta cảm nhận sâu sắc hơn cái lớn lao vô hạn của tình mẫu tử. Ngôn ngữ giúp tình cảm đi sâu hơn, trực tiếp hơn và lắng đọng hơn. Ngôn ngữ giúp cho hình tượng tạo hình đến với lòng người sâu sắc hơn.
– Ở vườn truyền thống là các dòng suối nhỏ, cây cảnh, cầu đá, bờ ao, các chòi nghỉ và các trường lang. Các chòi nghỉ và trường lang vừa để che nắng, vừa để khuôn định hình thức vuông, tròn của không gian vườn trong không gian tự nhiên và thoáng mở. Một mai, khi có điều kiện, các trường lang sẽ là nơi trưng bày các tác phẩm hội hoạ và phù điêu về Mẹ, như một ước định nữa về cái đẹp của Mẹ.
– Cuối đường dẫn chính là quảng trường nghi lễ, nơi có thể tổ chức các lễ, các hội để tưởng nhớ và tôn vinh Mẹ. Quảng trường được trồng cỏ lá gừng và các khóm cây tập trung hai bên như: Cây sao đen, chò chỉ, vạn tuế, cau vua, cau ta, cau lùn, hoàng linh… giảm được cái nắng chói chang xứ Quảng và khi cần có thể dùng chứa một số lượng người lớn tập trung. Hồ nước trước Tượng đài, hình bán tròn ôm lấy tượng Mẹ Việt Nam anh hùng. Hai bên tượng đài là hai thảm hoa lớn với diện tích 600m2 được trang trí với nhiều hoạ tiết, với sắc thái của 54 dân tộc Việt Nam, tượng trưng cho những cánh hoa của các con thuộc 54 dân tộc Việt Nam dâng lên Mẹ.
– Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng là trung tâm của tổ hợp không gian.
– Phía sau tượng đài là một vườn đá. Những tảng đá lớn có khắc những bài thơ về mẹ như một vần kết về khúc tráng ca Mẹ anh hùng. Hình tượng tạo hình, hình thức không gian kiến trúc và hình ảnh cảnh quan được khép lại với ngôn ngữ thơ ca làm cho ta ngập trong một tổng hoà nghệ thuật ngợi ca về Mẹ Việt Nam anh hùng. Lòng ai không lắng đọng, buâng khuâng và da diết với một tình yêu Mẹ khi đã đến đây.
Xưa kia những người Việt “Bắc địa tòng vương” (dân vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc trung bộ theo chân vua Lê Thánh Tông đi mở đất, lập ra Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam) sống ở phương Nam nhưng lòng vẫn hướng về quê cha đất tổ ở phương Bắc như tâm trạng 2 câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:
“….. Từ thuở mang gươm đi mở nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long …”
Chính vì thế mà tượng Mẹ hướng mặt về nơi phát tích của người Việt; tuy nhiên không phải là hướng chính Bắc, mà là hướng Đông – Bắc.
Theo hình sông, thế núi của khu vực xây dựng tượng đài thì: Tượng Mẹ là trung tâm ( tượng ứng với Thổ ). Cây cối ( Mộc ) ở hướng Đông được đất Mẹ (Thổ) nuôi dưỡng, thêm nguồn nước ( Thuỷ ) ở phía Bắc thì càng tốt tươi. Thuỷ (nước) ở hướng Bắc có thể nuôi dưỡng Mộc (phía Đông) nhưng cũng có thể dập tắt hoả ở hướng Nam. Do vậy mẹ hướng về phía Đông – Bắc có thể tránh được sức mạnh cuồn cuộn của Thuỷ, đồng thời kết hợp được Thuỷ và Mộc thì vạn vật sẽ sinh sôi tươi tốt; lưng mẹ che chở cho Hoả ở phía Nam tránh được sức mạnh của Thuỷ, nuôi dưỡng ngọn lửa cho thế gian.
Như vậy nhìn theo góc độ lịch sử, tâm linh và phong thuỷ thì hướng Đông – Bắc là hướng tốt nhất cho tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng.
Tượng đài Mẹ Thứ mang giá trị nhân văn và lịch sử vô cùng to lớn. Khu tượng đài được xây dựng như một lời tri ân sâu sắc đến sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất. Quần thể kiến trúc này là công trình điêu khắc kỳ công bậc nhất tại mảnh đất Quảng Nam.
Trên đây là bài trình bày của tôi về việc giới thiệu tượng đài mẹ Thứ, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 5
Chào thầy cô và các bạn! Tôi tên là… Sau đây, tôi xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật bài hát “Tiến quân ca”.
“Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền…” đó là những giai điệu thân thuộc được ca vang trong không khí trang nghiêm thuộc phần nghi thức của vô vàn những sự kiện diễn ra ở khắp mọi nơi mà chúng ta thường hay thấy. Mỗi khi âm hưởng bài Quốc ca vang lên hùng tráng ấy là lúc mọi người dân Việt Nam yêu nước đều dường như cùng hòa chung một niềm đồng cảm - niềm đồng cảm về sự thiêng liêng và lòng tự hào.
Quốc ca Việt Nam là bài “Tiến quân ca” do Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, với những giai điệu thiêng liêng, hào hùng. Bài hát ra đời gắn với những ký ức Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám cùng những kỷ niệm khó quên của tác giả.
Theo lời kể lại vào năm 1976 của tác giả về hoàn cảnh ra đời của bài Quốc ca, đó là vào những ngày mùa đông năm 1944, khi cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc đang sục sôi khí thế. Ông gặp Vũ Quý, là một cán bộ Việt Minh, cũng là một người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của ông. Ông Vũ Quý hỏi như đề nghị ông Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng và giao nhiệm vụ đầu tiên cho ông là sáng tác một bài hát cho quân đội cách mạng.
Lúc ấy, chưa biết đến chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ (Hà Nội) theo thói quen đi và cũng chưa gặp các chiến sĩ quân đội cách mạng trong khóa quân chính đầu tiên và không biết họ hát như thế nào... tác giả “đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được…”.
Ông đã trăn trở, tìm kiếm những âm thanh, hình ảnh trong buổi chiều đi dọc các con phố Hà Nội… và ông đã viết được những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca”. Ông đã chỉnh sửa và hoàn thiện bài hát nhiều ngày sau đó tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội trong những ngày đông ảm đạm, đói, rét, khổ cực.
“Đoàn quân Việt Nam đi,
Chung lòng cứu quốc
Bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa…”.
“…Nhịp điệu ngân dài của bài hát mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng”… Nhạc sĩ Văn Cao nhớ lại, khi bài hát viết xong, ông Vũ Quý đã rất hài lòng: “Da mặt anh đen sạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh”
Bài hát “không những chỉ là một bản nhạc hay so với nhiều bài quốc ca của các nước khác mà nó còn có đầy đủ giá trị tiêu biểu, vì nó đã gắn bó tình cảm với nhiều thế hệ nối tiếp nhau trải qua nhiều chặng đường gian nan và vinh quang của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Và hơn hết, nó được ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, không chỉ với cá nhân tác giả và dân tộc Việt Nam, những người học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường như chúng ta đây.
Nhiều năm trôi qua, bài hát trở thành hành khúc, đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.
Bài trình bày của tôi đến đây là kết thúc. Tôi xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 6
Chào thầy cô và các bạn! Tôi tên là… Sau đây, tôi xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ”.
Tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” được xem là một trong những tác phẩm hội họa kinh điển do họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ vào năm 1943. Vào khoảng những năm 1945 về trước, tranh sơn dầu thiếu nữ bên hoa huệ gây ấn tượng với người xem bởi nét đẹp của người thiếu nữ Việt, thêm chút buồn vương vấn, nhẹ nhàng, gợi nhắc đến nền văn hóa truyền thống, cổ xưa. Bức tranh này không đơn thuần chỉ thể hiện cái đẹp của người thiếu nữ mà còn mang trong mình thú vui tao nhã của người Hà Thành xưa rất đậm chất nghệ thuật, đó là thú thưởng hoa loa kèn.
Quan sát tranh, chúng ta thấy được rằng bức tranh mô tả chân dung một thiếu nữ mặc áo dài trắng bên cạnh lọ hoa huệ trắng. Với hình dáng cô gái cùng những chi tiết và màu sắc xung quanh. Tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn vương vấn, nhẹ nhàng. Người thiếu nữ bên tà áo dài thể hiện sự thuần khiết và trong trắng của người phụ nữ Việt Nam. Những hòa sắc và đường nét, hình khối giản dị của bức tranh toát lên một nét buồn vương vấn, nhẹ nhàng, không duyên cớ.
Trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, cụm từ “thiếu nữ và hoa” dường như đã đi vào tiêu chuẩn và phổ biến hơn. Ông vô cùng điêu luyện trong việc biết cách vận dụng những nét độc đáo theo từng chi tiết trong cụm từ “ thiếu nữ và hoa”. Tô Ngọc Vân vẽ bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” là chủ động biểu hiện hệ đối tượng: thiếu nữ - hoa huệ. Thiếu nữ má hồng tân thời e ấp làm dáng. Sự chuyển động hình thể của cô gái cho thấy một sức sống tươi trẻ và trong sáng tuổi đôi mươi yêu cái đẹp. Búp tay tay nõn nà nâng nhẹ cánh hoa trắng tinh. Những cử chỉ động tác đều toát lên những cảm xúc lay động.
Với đường nét hài hòa, hình khối giản dị bức vẽ tranh sơn dầuđã khắc họa chân dung người thiếu nữ trong tà áo dài trắng, khẽ nghiêng đầu về phía lọ hoa huệ tây trắng ngát. Thêm vào đó, bằng tài hoa và sự sáng tạo của mình người nghệ sĩ đã thổi hồn vào bức vẽ tranh sơn dầu thiếu nữ hoa huệ khiến nó thêm phần ấn tượng, nghệ thuật sâu sắc.
Bài trình bày của tôi đến đây là kết thúc. Tôi xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 7
Chào thầy cô và các bạn! Em tên là… Sau đây, em xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật “Con đường mùa đông”.
Bài thơ được coi là bức tranh phong cảnh Nga đặc sắc với vẻ đẹp hoang sơ, lạ lùng của mùa Đông nước Nga.
Mở đầu bài thơ là khung cảnh:
“Xuyên những làn sương gợn sóng
Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua
Buồn rải ánh vàng lai láng
Lên cánh đồng buồn dăng xa”.
Một đêm Đông quạnh hiu với làn sương mờ, ánh trăng mờ, cánh đồng mờ xa. Không gian đó trải dài tít tắp tưởng chừng vô tận. Cảnh vắng lặng, bao la và buồn man mác.
Càng buồn hơn khi không gian mờ ảo đó không dấu vết của con người, của sự sống, không ánh lửa hy vọng.
“Không một mái lều ánh lửa
Tuyết trắng và rừng bao la
Chỉ những cột dài cây số
Bên đường sừng sững chào ta”.
Tất cả hun hút vô tận, xa thẳm, mông lung, quạnh quẽ. Chiếc xe tam mã và người lữ hành như bị bao vây bởi rừng sâu và tuyết. Chỉ có lung linh màu tuyết trắng, rừng Tai ga bạt ngàn, sương mù bao phủ. Chỉ thấy những cột cây số hữu hình mà vô cảm đang chạy ngược chiều… Không gian đã trải rộng lại thêm trải rộng. Con đường mùa Đông đã dài lại được kéo dài tưởng chừng như vô tận. Nước Nga đấy, một bình nguyên vĩ đại với những khoảng không bờ bến, một nước Nga trải dài bất tận, đất rộng người thưa.
Người “họa sỹ” Puskin, bằng ngôn từ của mình đã “vẽ” lên một bức tranh thủy mặc với gam màu đen trắng: ánh trăng trắng, tuyết trắng, mặt trăng trắng, sương trắng trên cái nền đen sẫm của rừng.
Trên con đường mùa Đông “Cỗ xe tam mã băng đi” - một cỗ xe rất “Nga”, vô cùng thân thiết với những tâm hồn Nga. Có phải vì thế mà không gian ở đây mang đặc trưng của nước Nga ?
Không gian đó, ngoài những hình ảnh, đường nét, màu sắc còn có cả khúc nhạc dịu êm, du dương: tiếng lục lạc đơn điệu buồn tẻ, khúc hát dân ca của người xà ích “Như niềm vui mừng khôn xiết/ Như nỗi buồn nặng đìu hiu”, làm dấy lên trong lòng lữ khách một nỗi buồn dịu ngọt. Kết thúc bài thơ vẫn là tiếng: “Nhạc ngựa đều đều buông xa thẳm”, gieo vào lòng người một nỗi buồn da diết.
Không gian đêm trên “con đường mùa Đông” tĩnh lặng, hiu quạnh quá. Ở đây, nhà thơ đã “lấy động để tả tĩnh”. Những âm thanh khe khẽ tuy giúp cho bức tranh cựa mình nhưng lại làm nổi bật cái im lìm của đêm Đông.
Không cần đến những màu sắc rực rỡ, thiên nhiên trong bài thơ trong trẻo, thanh khiết, đẹp chân thực, tự nhiên, gần gũi và sống động lạ thường. Nó rất “Nga” và đậm hồn quê hương xứ sở. Cảnh sắc thiên nhiên mùa Đông nước Nga đã được Puskin miêu tả một cách tinh tế, chọn lọc.
Nhưng có bức tranh thiên nhiên nào không mang vóc dáng và tâm hồn con người? Trong thơ Puskin, thiên nhiên nhiều khi chỉ làm khung cảnh cho tâm trạng, nơi ký thác cái tôi trữ tình của tác giả.
Người ta thường nói đến tâm hồn đầy “nữ tính” của người Nga trong con mắt của nhân gian, đó là bản sắc của người Nga không trộn lẫn. “Tính nữ” ấy trong bài thơ “Con đường mùa Đông” trước hết bộc lộ trong tình yêu thiên nhiên đất nước. Cảnh sắc đã được lữ khách cảm nhận bằng tất cả giác quan, bằng sự hòa nhập của tâm hồn. Có cảm giác nhân vật trữ tình đăm chiêu, mơ màng xúc động nhìn bao quát toàn cảnh, nhìn từ trên không trung xuống dưới mặt đất, từ gần đến xa… lặng ngắm con đường mùa Đông vắng vẻ. “Tính nữ” ấy còn bộc lộ trong “nỗi buồn Nga”, một “nỗi sầu không lời và vô duyên cớ”. Nỗi buồn của những tâm hồn đa cảm, nhạy cảm, giàu yêu thương mà cố nhà thơ Phạm Tiến Duật có lần đã nói: “Nỗi buồn Nga thực đáng gọi là thày”.
Hơn nữa, Puskin con mang trong mình nỗi buồn riêng tư bị lưu đày, nỗi buồn chung của Tổ quốc, nhân dân bị sống dưới ách chế độ nông nô, cách mạng không thành… Âm điệu chủ đạo của bài thơ là âm điệu buồn - Một nỗi buồn xa vắng, mênh mông và trong sáng tuyệt trần. Nỗi buồn đó tỏa rộng và thấm sâu từ cảnh vật đến lòng người. Trong bài thơ, từ “buồn” xuất hiện với tần số rất cao: có trăng buồn và cánh đồng buồn, có con đường mùa Đông buồn tẻ, có khúc hát ngân nga buồn của người xà ích, có tâm hồn chán ngán buồn bã của lữ khách, có tiếng lục lạc đơn điệu buồn tẻ. Sự xuất hiện của rừng sâu, tuyết, sương, những cột cây số càng làm cho nỗi buồn thêm phần cô đơn, lạnh lẽo. Đến nỗi nhân vật trữ tình phải thốt lên: “Ôi buồn đau, ôi cô lẻ”, “Sầu lắm…”.
Nhưng nhân vật trữ tình không chìm đắm trong nỗi buồn. Vượt lên trên thực tại, Puskin không tuyệt vọng, không bi lụy. Bài thơ đột ngột bừng sáng, nỗi buồn lấp lánh ánh sáng của niềm tin, của khao khát một hạnh phúc bình dị. Trong tâm trạng nặng nề cô lẻ, nhân vật trữ tình thầm gọi tên người con gái Nga yêu thương, mơ ước về một về một không gian nhỏ hẹp, bình yên, ấm áp, một hạnh phúc đơn sơ: có lò lửa đỏ, có tiếng đồng hồ kêu tích tắc. Và “ta” được ở bên “em” “Ngắm em, ngắm mãi không thôi”, câu thơ diễn tả khát vọng da diết. Câu: “Để ta bên nhau trong đêm” là kết tinh của trái tim và khát vọng thăng hoa của nhân vật trữ tình.
Suốt hai khổ thơ 5 và 6 là cảm hứng đoàn tụ, yêu thương. Cảm hứng ấy trong nguyên tác được thể hiện bằng hai tiếng “Ngày mai…” “Ngày mai…” như một điệp khúc của tâm trạng xốn xang, mong đợi. Trong tuyết lạnh mà nghĩ về lửa đỏ, mái ấm gia đình hạnh phúc, trong chia ly mà nghĩ về sum họp, trong xa vắng mà hy vọng trở về gặp người thương. Niềm khao khát ấy trở thành bến đợi, thành ngọn lửa sưởi ấm trái tim giá lạnh cô đơn, sẻ chia và an ủi nhân vật trữ tình trên đường đời sóng gió, gian truân. Chính sự khắc khoải về hạnh phúc ấy nên những nỗi buồn không làm nhân vật trữ tình ủy mỵ mà thêm tha thiết yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp và củng cố niềm tin để vượt lên số phận, hoàn cảnh. Tâm trạng buồn nhưng luôn hướng tới tương lai của nhân vật trữ tình đã tạo nên một “nỗi buồn trong sáng” (Biêlinxki), có tác dụng thanh lọc tâm hồn. Nỗi buồn ấy rất “Puskin”, rất “Nga”, nó nói lên “vẻ đẹp tâm hồn Nga” đáng yêu, đáng quý biết bao.
Sinh thời, Puskin từng tâm niệm: “Tiếng nói tôi liêm khiết/Tiếng vọng nhân dân Nga”. Phải chăng, với bài thơ “Con đường mùa Đông” Puskin đã phần nào thực hiện được sứ mệnh thi ca cao cả đó.
Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 8
Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ Mới, thơ ông có một bản sắc và giọng điệu riêng, có chiều sâu xã hội cũng như triết lí. Thơ Huy Cận mang một nỗi buồn sâu lắng, miên man, ảo não và thảm đạm; nỗi buồn của 'đêm mưa', của 'người lữ thứ', nỗi buồn của 'quán chật đèo cao', của 'trời rộng sông dài'. Tràng Giang là một bài thơ nổi tiếng của Huy Cận, sáng tác vào năm 1939, đăng lần đầu trên báo Ngày nay, sau đó in vào tập thơ Lửa thiêng. Bài thơ mang phong vị Đường thi khá rõ. Đây là bài thơ được cảnh sông nước mênh mông của sông Hồng gợi tứ. Huy Cận đã có lần tâm sự: Tôi có thú vui thường chiều chủ nhật hàng tuần đi lên vùng Chèm để ngoạn cảnh sông Hồng và Hồ Tây. Phong cảnh sông nước đẹp, gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Tuy nhiên bài thơ không chỉ so sông Hồng gợi cảm mà còn mang cảm xúc chung về những dòng sông khác của quê hương'.
Lời đề từ 'Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài' khái quát chủ đề của cả bài thơ là một nỗi niềm không biết bày tỏ cùng ai khi đứng giữa đất trời mênh mông, rộng lớn và bao la. Bài thơ toát lên vẻ đẹp vừa hiện đại, vừa cổ điển, cũng là một nét đặc trưng trong thơ của Huy Cận.
Mở đầu bài thơ là cảnh sông nước, khổ thơ đầu làm người đọc liên tưởng đến con sông thăm thẳm chứa đựng biết bao nỗi buồn miên man
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Vẻ đẹp cổ điển của bài thơ được thể hiện khá rõ ngay từ bốn câu đầu tiên này. Với một loạt những từ ngữ gợi nỗi buồn thê lương 'buồn', 'sầu trăm ngả', 'lạc mấy dòng' kết hợp với từ láy 'điệp điệp', 'song song' ở cuối hai câu thơ mang đậm sắc thái của thơ Đường thi dường như đã lột tả được hết thần thái và nỗi buồn vô biên, vô tận của nhà thơ. Trên dòng sông gợn sóng ấy là hình ảnh một 'con thuyền xuôi mái', lững lờ trôi thể hiện trong tĩnh có động nhưng sao người đọc vẫn cảm thấy vẻ lặng tờ, mênh mông của thiên nhiên, một dòng 'tràng giang' dài và rộng mênh mang, vô tận biết bao. Dòng sông thì bát ngát vô cùng, vô tận và lòng người cũng đầy ắp những nỗi buồn khó tả. Hình ảnh 'thuyền', 'nước' vốn đi liền với nhau, thế mà Huy Cận lại để chúng xa cách nhau 'thuyền về nước lại' sao nghe mà xót xa thế. Chính vì thế mà gợi lên trong lòng người một nỗi 'sầu trăm ngả'. Lượng từ 'trăm' kết hợp cùng chỉ số 'mấy' đã thổi vào câu thơ một nỗi buồn dài vô tận, không có điểm dừng.
Nỗi buồn ấy được trút hết vào câu thơ cuối 'củi một cành khô lạc mấy dòng', Huy Cận đã khéo dùng phép đảo ngữ kết hợp với các từ ngữ chọn lọc, thể hiện sự cô đơn, lạc lõng trước cảnh sắc bao la, rộng lớn. 'Một' gợi lên sự cô đơn, đơn chiếc, 'cành khô: gợi lên sự khô héo, cạn kiệt nhựa sống, còn lại thân xác trơ trụi, khô héo, 'lạc'mang nỗi sầu vô định, trôi nổi, không có định hướng trên 'mấy dòng' là thể hiện sự chảy trôi một cách hư vô. Hình ảnh cành củi khô cứ trôi mãi trong vô định khiến người đọc cảm thấy trống vắng, cô đơn đến lạ, thể hiện một kiếp người long đong, đang trôi dạt giữa cuộc sống bộn bề chật chội.
Đến khổ thơ thứ hai dường như muốn đẩy nỗi hiu quạnh tăng lên gấp bội.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Hai câu thơ đầu phảng phất một khung cảnh đìu hiu, buồn man mác của một làng quê nghèo, thiếu sức sống. Hình ảnh 'cồn nhỏ' với tiếng gió thổi 'đìu hiu' như phủ lên mình một nỗi buồn mặc định đến da diết. Đến nỗi nhà thơ phải đặt một câu hỏi sao ngay cả tiếng ồn ào của phiên chợ chiều cũng không nghe thấy hay phải chăng phiên chợ đó cũng buồn hiu quạnh như ở nơi đây. Từ 'đâu' cất lên thật thê lương, không điểm tựa để bấu víu. 'Sông dài, trời rộng, bến cô liêu' , khung cảnh hiện lên qua câu thơ của Huy Cận sao mà hoang sơ, tiêu điều thế, nơi bến nước không có một bóng người qua lại, không có một tiếng động của cỏ cây hay tiếng thở của con người xung quanh chỉ có đất trời dài rộng, cô đơn lẻ loi một mình. Hai câu thơ cuối tác giả đã mượn 'trời', 'sông' để tả cái mênh mang vô định của đất trời, của lòng người. Nhà tơ không dùng trời 'cao' mà lại dùng trời 'sâu' để đo chiều sâu thực sự là nét tinh tế, độc đáo trong thơ Huy cận. Câu cuối đoạn như nói hết, lột tả hết nỗi buồn sâu thẳm không biết ngỏ cùng ai, nhà thơ đã phải nói thẳng sự 'cô liêu'.
Sang khổ thơ thứ ba, tác giả muốn tìm sự ấm áp của đất trời mênh mông nhưng dường như cảnh sắc thiên nhiên lại không như lòng người mong đợi
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Đọc khổ thơ thứ 3, người đọc cảm nhận một sự chuyển biến, vận động của thiên nhiên, không còn buồn rầu, u mê như những khổ thơ đầu và khổ thơ thứ 2. Từ “dạt” đã diễn tả tinh tế sự chuyển biến của vạn vật thiên nhiên Tuy nhiên nó lại được gắn liền với hình ảnh “bèo” mà “bèo” thì vốn vô định, trôi nổi khắp nơi, không có nơi bấu víu cứ lặng lẽ dạt “về đâu”, chẳng biết dạt về đâu, cũng chẳng biết dạt được bao nhiêu lâu nữa. Mặt nước mênh mông không có một chuyến đò. Tác giả chỉ đợi chờ một chuyến đò để thấy được rằng sự sống đang tồn tại nhưng dường như điều này là không thể.
Đến khổ thơ cuối cùng, những cảm xúc, bút pháp của tác giả được đẩy lên đỉnh điểm, nét vẽ chấm phá dùng rất đắc điệu
'Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà'.
Nét chấm phá trong hình ảnh “mây cao” và “núi bạc” giống như trong thơ Đường càng khắc sâu sự cô đơn, buồn phiền. Hình ảnh “chim nghiêng cánh” và “bóng chiều sa” là sự hữu hình hóa cái vô hình của tác giả. Bóng chiều làm sao có thể nhìn thấy được nhưng qua ngòi bút và con mắt của tác giả người ta đã hình dung ra được trời chiều đang dần buông xuống. Mây ở đây chất chồng lên nhau, ánh lên trong nắng chiều, làm cho cả bầu trời trở nên đẹp đẽ và rực rỡ. Giữa khung cảnh ấy, một cánh chim nhỏ nhoi xuất hiện. Cánh chim bay giữa những lớp mây cao đẹp đẽ, hùng vĩ như càng làm nổi bật lên cái nhỏ bé của nó. Nó đơn côi giữa đất trời bao la, như tâm hồn nhà thơ bơ vơ giữa cuộc đời chông chênh vậy.
Sang hai câu thơ cuối cùng chính là nỗi nhớ nhà nhớ, nhớ quê được tác giả bộc lộ một cách rõ ràng, tất cả những tình cảm ấy nhà thơ chẳng biết gửi vào đâu mà chỉ biết chất chứa đong đầy trong trái tim mình. Hai từ 'dờn dợn' gợi nỗi nhớ trào dâng của nhà thơ khi đứng trước cảnh hoang vắng của một chiều khi hoàng hôn buông xuống. Câu thơ muốn nói lên nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ khi đứng trước sông nước rợn ngợp. “Không khói hoàng hôn” nghĩa là không một yếu tố ngoại cảnh nào tác động trực tiếp nhưng cảnh vật vẫn gợi trong lòng nhà thơ một nỗi nhớ quê cha đất tổ. Câu thơ cuối như bộc lộ tư tưởng, tình cảm mà nhà thơ muốn gửi gắm xuyên suốt bài thơ. Lúc nào trong lòng Huy Cận cũng mang một cái tình quê sâu đậm, một nỗi nhớ quê da diết khôn nguôi.
Tràng giang của Huy Cận là bài thơ mang vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại. Bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận với sự kết hợp bút pháp hiện thực và cổ điển đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên u buồn, hiu quạnh. Qua đó khắc họa được tâm trạng cô liêu, đơn độc của con người và một tình yêu quê hương, mong ngóng về quê hương chân thành, sâu sắc của Huy Cận. Dưới hình thức một bài thơ mang đậm phong cách thơ Đường thi, kết cấu mạch lạc và cái tài sáng tạo ngôn ngữ, hình ảnh của tác giả, bài thơ hiện lên như một bản hòa ca mà ở đó, các nốt nhạc đều hợp sức tấu lên khúc ca yêu thiên nhiên, đất nước. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết: Tràng giang là một bài thơ ca non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc'.
Bài thơ 'Tràng giang' là bài thơ đặc sắc trong cuộc đời thơ ca của Huy Cận. Bài thơ là sự kết hợp bút pháp hiện thực đan xen bút pháp cổ điển đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên u buồn, hiu quạnh, qua đó bộc lộ tâm trạng cô liêu, đơn độc của con người và một tình yêu quê hương, mong ngóng về quê hương chân thành, sâu sắc của nhà thơ. Bài thơ 'tràng giang' của Huy Cận đã để lại rất nhiều tình cảm, ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 9
Chào thầy cô và các bạn! Em tên là… Sau đây, em xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật “Nhớ đồng”.
Như các bạn đều biết, Tố Hữu là nhà thơ lớn của nền thơ hiện đại Việt Nam. Với bảy tập thơ lớn, thơ ông được xem là biên niên sử bằng thơ của cách mạng Việt Nam. Đối với Tố Hữu, con đường thơ ca cũng là con đường cách mạng. Thơ ông song hành với con đường cách mạng và phản ánh những chặng đường cách mạng quan trọng của dân tộc.
Bài thơ Nhớ đồng là nỗi niềm thương nhớ đồng quê, cảnh vật con người, đồng bào đồng chí của người tù cộng sản trẻ tuổi trong những ngày tháng bị giam ở nhà lao Thừa Thiên Huế.
Tháng 7 năm 1939 Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà tù Thừa Thiên Huế. Tuy bị giam cầm trong tù ngục nhưng ông vẫn làm thơ. Bài thơ Nhớ đồng được sáng tác trong hoàn cảnh đó và được trích trong tập thơ: Từ ấy trong phần xiềng xích. Đây là một bài thơ tiêu biểu của tập thơ Từ ấy.
“Cô đơn thay là cảnh thân tù/ Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực..” đó là cảm giác rõ nhất khi Tố Hữu bị bắt, cách biệt với cuộc sống bên ngoài. Vì vậy một âm thanh, một tiếng động nào bên ngoài dội vào cũng gợi lên trong lòng nhà thơ một nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Không phải là tiếng chim tu hú khắc khoải gọi hè như trong bài thơ Khi con tu hú, mà là một tiếng hò quen thuộc của đồng quê:
Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!
Bài thơ gợi từ tiếng hò thân thuộc trở thành điệp khúc trở đi trở lại: Nỗi thương nhớ; nỗi hiu quạnh. Bằng cách lặp đi lặp lại 4 lần hình ảnh một tiếng hò nhà thơ đã nói lên được sự đồng cảm với tâm trạng cô đơn, cảm giác lạnh lẽo của người tù.
Tiếng hò như một điểm nhấn gợi nhớ, khiến cho bao nhiêu hình ảnh quen thuộc của đồng quê hiện về:
Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi
Đâu ruồng che mát thở yên vui
Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn
Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?
Âm thanh tiếng hò gợi nhớ về quê hương. Thế giới bên ngoài là đồng quê, hình ảnh con người, mùi hương, màu sắc, âm thanh. Đó là những hình ảnh thân thuộc, da diết của quê hương, xứ sở. Trong xa cách, nỗi nhớ của nhà thơ dường như da diết hơn. Trong xa cách, hình ảnh, mùi vị, âm thanh, màu sắc của quê hương càng trở nên gần gũi lạ thường.
Nỗi nhớ đồng quê ấy còn là nỗi nhớ con người lao động – những người dân quê cần cù, chất phác, quen “dãi gió dầm mưa”,”hiền như đất”, “rất thật thà”:
Đâu những lưng cong xuống luống cày
Mà bùn hy vọng nức hương ngây
Và đâu hết những bàn tay ấy
Vãi giống tung trời những sớm mai?
Đó là những người dân cày quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đó người nông dân với luống cày vất vả, gian nan, lưng còng theo năm tháng. Thế nhưng, ở họ, toát lên một vẻ đẹp sáng ngời của phẩm chất trong sáng, dù có ở trong bùn đen nhưng vẫn nức hương. Chính họ, chính những người lao động chân chất thôn quê ấy còn là những người gieo những tia hi vọng vào tương lai.
Nhà thơ tiếp tục nỗi nhớ của mình với các hình ảnh: sương, lúa, tiếng xe lùa nước, giọng hò. Tất cả đều là hình ảnh, âm thanh thân thuộc của đồng quê. Và nhà thơ nhớ da diết những hình ảnh ấy. Từ nỗi nhớ ấy, nghĩ về cảnh tù đày của bản thân, một chút chạnh lòng chợt len lỏi trong tâm khảm nhà thơ cách mạng:
Đâu dáng hình quen, đâu cả rồi
Sao mà cách biệt, quá xa xôi
Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ
Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi!
Tất cả những gì quen thuộc nhất, thân thương nhất, nhưng giờ đây “đâu cả rồi“. Một câu hỏi lớn vang lên không lời đáp như là một nhát dao đâm vào lòng người tù, trở nên đau đớn, xót xa. Giờ đây, khi ở trong lao, mọi thứ đã cách biệt và trở nên xa xôi hơn bao giờ hết.
Chao ôi thương nhớ, điệp khúc lặp lại hai lần trong câu thơ đã thể hiện nỗi nhớ da diết khôn nguôi của nhà thơ. Và trong nỗi nhớ thương ấy, hiện lên hình ảnh người mẹ già – người mà tác giả nhớ nhất trong nỗi nhớ của mình.
Mạch thơ tiếp diễn với nỗi nhớ thương da diết, dâng trào. Khi người ta nhớ, người ta thương mà không được nhìn, không được ngắm, không được trở về để yêu thương thì càng khiến con người thêm day dứt, thêm cồn cào ruột gan. Và sau những thoáng buồn thương cho cảnh ngộ của mình trong tù, người chiến sĩ thiết tha yêu cuộc sống lại kiên trì – đấu tranh với những giây phút yếu mềm để vượt lên.
Anh nhớ lại hình ảnh của chính mình của “những ngày xưa”, từ cái thời “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, “theo mãi vòng quanh quẩn” để có ngày đến với cách mạng, gặp gỡ lí tưởng cộng sản. Và thế là người tù lại khát khao tự do, thèm muốn được thoát khỏi lao tù để lại được dấn thân vào trường tranh đấu vì sự nghiệp cách mạng.
Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say hương đồng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời
Hình ảnh con chim sơn ca như là một biểu tượng cho ước muốn được tung bay trên bầu trời tự do bát ngát, được trở lại với hoạt động trong lòng dân, được trở về với cuộc sống con người tự do. Đây là tâm trạng vui nhất của người chiến sĩ trong tù.
Diễn biến tâm trạng của tác giả trong bài thơ được thể hiện khá chân thực, trọn vẹn và liền mạch. Nỗi nhớ được đánh thức từ một “tiếng hò đưa hố não nùng“. Tiếng hò gợi dậy thế giới đồng quê bên ngoài từ cảnh sắc đến những dáng hình quen thuộc.
Rồi nhớ về những ngày còn được thỏa sức hoạt động cho cách mạng, cuối cùng lại trở lại thực tại đau thương của cảnh nhà tù và khát vọng muốn được tự do, được cống hiến. Cả bài thơ thấm đượm nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi; khiến độc giả thêm cảm phục hình ảnh người chiến sĩ cách mạng – nhà thơ Tố Hữu.
Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 10
Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường.........
Nhắc tới Huy Cận, người ta nhớ ngay đến một “hồn thơ ảo não” (Hoài Thanh). Trước cách mạng tháng Tám 1945, ông đã góp mặt vào thơ ca đương thời một nỗi sầu nhân thế, một cái tôi cô đơn, buồn bã trước dòng đời. Với sự pha trộn giữa chất cổ điển và hiện đại, ông đã gửi gắm nỗi niềm ấy trong nhiều bài thơ, trong đó phải kể đến Tràng giang. Bài thơ in trong tập “Lửa thiêng” (1940) rất tiêu biểu cho phong cách thơ Huy Cận.
Vào một buổi chiều thu năm 1939, khi nhà thơ đứng trước bãi Chèm – phía Nam dòng sông, trước cảnh sóng nước mênh mông, đã không kìm nén nổi cảm xúc buồn bã, cô đơn và nhớ nhà da diết nên sáng tác bài thơ Tràng giang. “Tràng giang” là một từ Hán Việt đầy trang trọng, cổ kính, chỉ một con sông dài. Nhưng nhà thơ không dùng “trường giang” (có cùng nghĩa) để thay thế, bởi cách điệp vần “ang” giúp nhan đề vừa gợi âm hưởng ngân vang, vừa gợi nên cảm giác một dòng sông không những dài mà còn rộng. Thêm lời đề từ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài càng làm rõ hơn sắc thái cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Đó là nỗi buồn của con người trước một không gian mênh mông, rộng lớn có thể bao trùm cả vũ trụ.
Từ nhan đề và câu thơ đề từ của bài thơ, khổ thơ thứ nhất đã mở ra một không gian sông nước sông nước rộng lớn. Câu thơ mở đầu khổ thơ thứ nhất đã mở ra một hình ảnh sông nước mênh mang.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Dường như, dòng sông “tràng giang” đã dài nay lại như trải dài ra hơn với từng đợt sóng “điệp điệp” cứ nối đuôi nhau vỗ vào bờ không ngừng nghỉ, không dứt. Những đợt sóng ấy như trải dài đến vô tận càng tô đậm thêm không gian rộng lớn, bao la của sông nước. Và để rồi, trên cái nền sông nước mênh mông ấy, hình ảnh con thuyền hiện lên thật nhỏ nhoi, cứ thế “xuôi mái nước song song”. Hình ảnh đối lập giữa không gian sông nước mênh mông với hình ảnh con thuyền nhỏ bé càng gợi lên trong chúng ta sự cô đơn, le loi. Đặc biệt, khổ thơ thứ nhất còn để lại ám ảnh sâu sắc trong lòng người đọc bởi hai câu thơ cuối của khổ thơ.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Từ xưa cho đến nay, thuyền và nước là hai hình ảnh luôn đi liền với nhau, ấy vậy mà ở đây dường như thuyền và nước như có một nỗi buồn chia lìa đang đón đợi. Có lẽ bởi thế mà cảnh vật ấy càng khiến cho lòng “sầu trăm ngả”. Đặc biệt, giữa cảnh sông nước mênh mông ấy, hình ảnh “củi một cành khô lạc mấy dòng” gợi lên trong lòng người đọc ám ảnh khôn nguôi về cõi nhân sinh, lạc lõng, bơ vơ, không biết rồi sẽ trôi dạt về đâu bởi trăm dòng mênh mông vô định. Như vậy, trong khổ thơ thứ nhất, nếu ví dòng tràng giang là dòng đời vô tận thì hình ảnh con thuyền, cành củi khô chính là hình ảnh tượng trưng cho kiếp người nhỏ nhoi, vô định. Đồng thời, khổ thơ cũng gợi lên nỗi buồn không nguôi, không dứt của tác giả.
Nếu trong khổ thơ mở đầu của bài thơ, tác giả vẽ nên không gian sông nước mênh mông thì trong khổ thơ thứ hai, tác giả lại mở ra không gian nơi cồn nhỏ. Hai câu thơ mở đầu khổ thơ thứ hai đã vẽ nên một không gian hoang vắng, hiu quạnh.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Với việc sử dụng nghệ thuật đảo ngữ cùng từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu” đặc biệt gợi cảm tác giả đã vẽ nên một bức tranh nơi cồn nhỏ vừa thưa thớt, hoang vắng, lạnh lẽo vừa gợi nên một nỗi buồn mênh mang. Thêm vào đó, sự hoang vắng, tĩnh mịch của không gian như càng được tô đậm thêm qua câu thơ “đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Có thể nói, đây là một câu thơ có nhiều cách hiểu, “đâu” là đâu có, là phủ nhận âm thanh của tiếng chợ chiều hay là đâu đó, gợi lên âm thanh yếu ớt của tiếng chợ.
Nhưng có lẽ dẫu hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì câu thơ vẫn gợi lên trong lòng người đọc nỗi buồn, sự hoang vắng, tàn tạ, thiếu vắng đi sự sống của con người. Nếu hai câu thơ đầu khổ hai gợi lên không gian cồn nhỏ vắng vẻ, hiu quạnh thì dường như trong câu ba và câu bốn, không gian ấy như được mở rộng cả về bốn phía làm cho cảnh vật vốn đã vắng vẻ lại càng thêm cô liêu và tĩnh mịch hơn.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu
Trong hai câu thơ, tác giả dùng “sâu chót vót” thay vì “cao chót vót” bởi lẽ chữ “sâu” không chỉ tả cảnh mà còn tả tình, nó không chỉ gợi lên một khoảng không gian rộng lớn, thẳm thẳm mà còn gợi lên cả nỗi buồn, sự cô đơn đến tột cùng của lòng người trước cái mênh mông, hoang vắng của cảnh vật. Như vậy, trong hai khổ thơ đầu của bài thơ, nỗi buồn của nhà thơ như bao phủ lên mọi cảnh vật, lên không gian rộng lớn và mênh mông. Và để rồi, trong khổ thơ thứ ba của bài thơ, tác giả lên trở về với không gian sông nước với khung cảnh mênh mang, đìu hiu, thiếu vắng đi sự sống của con người.
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bài vàng
Hình ảnh “bèo dạt về đâu hàng nối hàng” một lần nữa gợi lên trong người đọc hình ảnh về kiếp người, cõi nhân sinh trôi nổi, không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu. Thêm vào đó, khổ thơ với việc sử dụng nghệ thuật phủ định lặp lại nhiều lần đã nhấn mạnh sự hiu quạnh, thiếu sự sống của cảnh vật. Lẽ thường, chúng ta vẫn thường thấy rằng, thuyền và cầu là những phương tiện, những hình ảnh thể hiện sự giao lưu, kết nối giữa con người với con người, giữa miền đất này với miền đất khác nhưng ở đây “không một chuyến đò”, “không một cây cầu”.
Dường như, ở nơi đây chẳng có bất cứ thứ gì gắn kết đôi bờ với nhau, nó thiếu đi dấu vết của sự sống, của bóng hình con người và hơn hết là tình người, mối giao hòa, thân mật giữa con người với nhau. Có lẽ bởi thế mà hai bờ của dòng sông cứ thể chạy dài, chạy dài mãi mà chẳng bao giờ gặp nhau, chỉ còn lại ở nơi đây những bờ xanh, những bãi vàng nối tiếp nhau – một bức tranh đẹp nhưng tĩnh lặng và thật buồn.
Trên đây là bài trình bày của tôi về bài giới thiệu về tác phẩm nghệ thuật cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 11
Xin chào thầy cô và các bạn. Sau đây em xin giới thiệu về bài hát “Làng tôi” của Văn Cao.
Đầu năm 1947, sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Văn Cao cùng các văn nghệ sĩ tản cư đi kháng chiến về đóng quản rải rác tại các thôn xóm thuộc huyện Ứng Hòa - Hà Đông. Trong một lần đi công tác, con đò chở ông xuôi trên sông Đáy, hai bên bờ sông rợp bóng tre xanh dưới nắng chiều nhẹ êm. Bỗng một hồi chuông từ nhà thờ ngân lên…, tiếng chuông tỏa lan trên mặt nước hòa trong tiếng mái chèo khua nước. Tiếng chuông khiến tâm hồn nhạy cảm của Văn Cao bồi hồi xao xuyến đưa ông về với miền quê thân thương đầy ắp những kỷ niệm… Từ những cảm xúc đó ông viết:
Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
…
Kỉ niệm về những tháng ngày dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương đã được nhạc si Văn Cao thể hiện qua đoạn:
Ngày diệt quân Pháp tan
Là lúc tiếng chuông ngân
Tiếng chuông nhà thờ rung
Làng tôi cùng đoàn quân chiến thắng
Đánh tan lũ quân thù về làng xưa
Dân tưng bừng chặt tre phá cầu
Cùng lập chiến lũy đào hào sâu
Giặc chưa tan chiến đấu không thôi
Đồng quê chào đón ngày mai.
Bài hát được viết ở nhịp 6/8, điệu valse nhịp nhàng, sâu lắng, giàu tình cảm, bố cục gọn gàng, chặt chẽ. Nét nhạc chủ đạo phỏng theo nhịp điệu đung đưa của tiếng chuông nhà thờ. Bài hát gồm có ba lời, như một câu chuyện kể có mở đầu, có dẫn dắt tình tiết và có phần kết thúc đầy lạc quan và tin tưởng vào ngày mai sáng lạn. Từ điệu luân vũ cung đình sang trọng của châu Âu, Văn Cao đã biến thành một bài hát bình dị, nhẹ nhàng về làng quê Việt Nam. Có thể nói ông là vua valse thập niên 40 với những bài hát nổi tiếng như Ngày mùa, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Làng tôi...
Tóm lại, Làng tôi của Văn Cao có sức sống lâu bền trong đời sống âm nhạc của nhân dân ta. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý để phần giới thiệu được hoàn thiện hơn.
Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật - mẫu 12
Em chào cô và các bạn. Em xin tự giới thiệu, em tên là …. Sau đây, em xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật 'Mùa xuân chín'.
Các bạn ơi, chắc hẳn mỗi người chúng ta đã từng đọc hoặc học về một bài thơ viết về mùa xuân đúng không nào? Mình nhớ chúng ta đã từng học đoạn trích 'Cảnh ngày xuân' (trích 'Truyện Kiều' - Nguyễn Du) và bài thơ 'Mùa xuân nho nhỏ' của nhà thơ Thanh Hải. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu tới các bạn một bài thơ cũng viết về mùa xuân, nằm trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống. Đó là bài thơ 'Mùa xuân chín' của tác giả Hàn Mặc Tử.
Đọc nhan đề bài thơ, mình thấy sự kết hợp tinh tế giữa danh từ 'mùa xuân' với động từ chỉ trạng thái 'chín'. Nhan đề ấy đã khiến mình hình dung về khung cảnh mùa xuân tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh. Mạch cảm xúc ấy được khắc họa rõ nét qua các hình ảnh thơ và ngôn ngữ tinh tế.
Đầu tiên, ở khổ thơ thứ nhất, hình ảnh thơ 'làn nắng ửng', 'khói mờ tan', 'bóng xuân sang' đã gợi ra khung cảnh mùa xuân ấm áp. Biện pháp nhân hóa 'gió trêu tà áo biếc' kết hợp với từ láy 'sột soạt' và phép đảo ngữ 'Sột soạt gió trêu tà áo biếc' cho thấy những tinh tế trong quan sát của nhà thơ khi xuân đến. Ngọn gió không còn là vật vô tri vô giác mà trở nên sống động với âm thanh tình tứ, đang trêu đùa tà áo biếc. Ngoài ra, biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác 'bóng xuân sang' còn góp phần miêu tả dáng điệu nhẹ nhàng của mùa xuân.
Trên nền thiên nhiên mùa xuân căng tràn sức sống còn xuất hiện hình ảnh con người 'Bao cô thôn nữ hát trên đồi'. Lắng nghe tiếng hát ấy, nhân vật trữ tình càng thêm tiếc nuối trước độ xuân thì của người con gái '- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc cuộc chơi'. Biện pháp ẩn dụ 'xuân xanh' kết hợp cùng các từ láy 'hổn hển', 'vắt vẻo' và biện pháp nhân hóa 'tiếng ca vắt vẻo', so sánh 'hổn hển như lời nước mây' đã mang đến cho người đọc vẻ duyên dáng của người con gái. Vẻ đẹp ấy hòa trong tiếng hát trầm bổng, thiết tha như tô đậm khung cảnh thiên nhiên căng tràn sức sống.
Đặc biệt, trong khổ thơ cuối, mình cảm nhận được tâm trạng chùng xuống của nhân vật trữ tình - 'khách xa'. Từ láy 'bâng khuâng' gợi ra cảm xúc lâng lâng, xen chút buồn tiếc nuối trong lòng. Nhưng rồi, nhân vật trữ tình lại có sự chuyển biến đột ngột trong cảm xúc khi 'sực' nhớ làng và '- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc theo bờ sông trắng nắng chang chang?'. Câu hỏi cuối bài thơ cùng đại từ nhân xưng không cụ thể 'chị ấy' đã phác họa nỗi niềm cô đơn, hụt hẫng cùng tấm lòng nhớ quê hương của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Qua bài thơ 'Mùa xuân chín', mình thấy được nét độc đáo trong hình thức nghệ thuật như cách tổ chức ngôn ngữ và hình ảnh thơ độc đáo, kết hợp với nhiều biện pháp nhân hóa, cách gieo vần chân ('vàng-sang, 'trời-chơi',...). Bên cạnh đó, bài thơ đã vẽ nên bức tranh mùa xuân từ những chất liệu như âm thanh, hình ảnh, màu sắc sống động của thiên nhiên và con người. Đọc bài thơ, chúng ta không khỏi rung động trước tình yêu thiên nhiên tha thiết cùng khát khao giao cảm với đời, với người của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.