50 câu Trắc nghiệm Lịch sử 8 (Chân trời sáng tạo) Bài 1: Các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu và Bắc Mỹ có đáp án
Bộ 50 câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử 8 (có đáp án) Bài 1: Các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu và Bắc Mỹ đầy đủ các mức độ sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Lịch sử 8 Bài 1.
Nội dung bài viết
Trắc nghiệm Lịch sử 8 Bài 1: Các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu và Bắc Mỹ
Phần 1. 20 câu trắc nghiệm Lịch sử 8 Bài 1: Các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu và Bắc Mỹ
Câu 1. Nội dung nào sau đây phản ánh đúng ý nghĩa của cuộc cách mạng tư sản Anh (1642 - 1688)?
A. Là cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới.
B. Mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở Anh.
C. Lật đổ sự tồn tại của chế độ quân chủ lập hiến ở Anh.
D. Đưa nhân dân lao động lên nắm chính quyền ở Anh.
Đáp án đúng là: B
Thắng lợi của cách mạng tư sản Anh đã mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở quốc gia này.
Câu 2. Đến đầu thế kỉ XVII, người đứng đầu nhà nước phong kiến chuyên chế ở Anh là
A. vua Lu-I XVI.
B. vua Sác-lơ I.
C. Na-pô-lê-ông Đại đế.
D. vua Ni-cô-lai II.
Đáp án đúng là: B
Đến đầu thế kỉ XVII, người đứng đầu nhà nước phong kiến chuyên chế ở Anh là vua Sác-lơ I.
Câu 3. Nội dung nào không phản ánh đúng tình hình nước Anh đầu thế kỉ XVI?
A. Nền kinh tế chuyển sang thời kì phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa.
B. Nông dân mất đất, sống nghèo khổ, bất bình với nhà nước phong kiến.
C. Quý tộc mới có thế lực lớn về kinh tế, muốn giành quyền lợi chính trị.
D. Xã hội phân chia thành 3 đẳng cấp: tăng lữ, quý tộc và đẳng cấp thứ 3.
Đáp án đúng là: D
- Đến thế kỉ XV - XVI, đời sống kinh tế - chính trị - xã hội ở Anh có nhiều chuyển biến:
+ Nền kinh tế Anh chuyển sang thời kì phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa
+ Xã hội có nhiều biến động: nông dân bất bình với nhà nước phong kiến; tầng lớp quý tộc mới ra đời, có thể lực về kinh tế nhưng không có địa vị chính trị tương xứng,…
+ Nền cai trị chuyên chế của vua Sác-lơ I đã tạo ra nhiều bất ổn về chính trị.
Câu 4. Khi soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những câu nói nổi tiếng trong bản tuyên ngôn nào dưới đây?
A. Tuyên ngôn Độc lập (Mỹ, 1776)
B. Tuyên ngôn hòa bình (Ấn Độ, 1920).
C. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848).
D. Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ (Mỹ, 1862).
Đáp án đúng là: A
Khi soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những câu nói nổi tiếng trong bản 2 bản tuyên ngôn:
+ Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chúng quốc Mỹ (1776)
+ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (Pháp, 1789).
Câu 5. Sự kiện nào đã châm ngòi cho cuộc Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ bùng nổ?
A. Chính phủ Anh ra lệnh đóng cửa cảng Bô-xtơn sau sự kiện “chè Bô-xtơn”.
B. Chính phủ Anh cho phép công ty Đông Ấn độc quyền buôn bán chè ở Bắc Mỹ.
C. Thực dân Anh tấn công Bắc Mĩ khi các thuộc địa lần lượt tuyên bố tách khỏi Anh.
D. Thực dân Anh ban hành nhiều đạo luật hà khắc, kìm hãm sự phát triển của Bắc Mỹ.
Đáp án đúng là: A
Ngày 16/12/1773, một nhóm người Bắc Mỹ tấn công các tàu chở chè của Anh tại cảng Bô-xtơn. Nghị viện Anh lập tức ra lệnh đóng cửa cảng Bô-xtơn và ban hành thêm các đạo luật ngăn cản sự phát triển của kinh tế thuộc địa. Sự kiện này đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh bùng nổ.
Câu 6. Cách mạng tư sản Anh bùng nổ vào thời gian nào?
A. Tháng 8/1642.
B. Tháng 12/1688.
C. Tháng 12/1773.
D. Tháng 9/1783.
Đáp án đúng là: A
Tháng 8/1642, Vua Sác-lơ I tuyên chiến với Nghị viện, cách mạng bùng nổ.
Câu 7. Sự kiện nào đánh dấu Cách mạng tư sản ở Anh đạt đến đỉnh cao?
A. Ô. Crôm-oen thiết lập chế độ độc tài quân sự (1653).
B. Vua Sác-lơ I bị xử tử, Anh trở thành nước cộng hòa (1649).
C.Chế độ quân chủ chuyên chế được phục hưng (1660 - 1688).
D.Nghị viện đảo chính. Chế độ quân chủ lập hiến được thiết lập (1688).
Đáp án đúng là: B
Sự kiện Vua Sác-lơ I bị xử tử, Anh trở thành nước cộng hòa (1649) đã đánh dấu cách mạng tư sản Anh phát triển đến đỉnh cao.
Câu 8. Sắp xếp các sự kiện sau theo đúng tiến trình diễn ra cuộc Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ:
1. Tuyên ngôn Độc lập được thông qua. Hợp chúng quốc Mỹ được thành lập.
2. Hiệp định Pa-ri được kí kết. Anh công nhận nền độc lập của 13 thuộc địa Bắc Mỹ.
3. Chiến tranh giữa 13 thuộc địa Bắc Mỹ với thực dân Anh bùng nổ.
4. Quân đội Anh đầu hàng.
A. 4 - 3 - 2 - 1.
B. 2 - 3 - 1 - 4.
C. 3 - 1 - 4 - 2.
D. 1 - 3 - 2 - 4.
Đáp án đúng là: C
- Diễn biến chính:
+ Tháng 4/1775, chiến tranh bùng nổ giữa chính quốc và thuộc địa. Quân đội thuộc địa do G. Oa-sinh-tơn chỉ huy.
+ Ngày 4/7/1776, bản Tuyên ngôn độc lập được thông qua, xác định quyền con người và quyền độc lập của các thuộc địa. Hợp chúng quốc Mỹ ra đời.
+ Tháng 10/1781, quân đội Anh đầu hàng.
+ Tháng 9/1783, Hiệp định Pa-ri được kí kết. Anh buộc phải công nhận nền độc lập của 13 thuộc địa.
Câu 9. Cuộc Cách mạng tư sản Anh (1642 - 1688) diễn ra dưới hình thức nào?
A. Nội chiến cách mạng.
B. Cải cách, duy tân đất nước.
C. Chiến tranh giải phóng dân tộc.
D. Đấu tranh thống nhất đất nước.
Đáp án đúng là: A
Cách mạng Anh là cuộc cách mạng tư sản do liên minh tư sản - quý tộc mới lãnh đạo, diễn ra dưới hình thức nội chiến.
Câu 10. Lực lượng nào giữ vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ (thế kỉ XVIII)?
A. Chủ nô và nông dân.
B. Giai cấp tư sản và quý tộc mới.
C. Quý tộc mới và tăng lữ Giáo hội.
D. Giai cấp tư sản và chủ nô.
Đáp án đúng là: D
Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ do giai cấp tư sản và tầng lớp chủ nô lãnh đạo thực chất là cuộc cách mạng tư sản diễn ra dưới hình thức chiến tranh giải phóng dân tộc.
Câu 11. Cách mạng tư sản Anh và cuộc Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ đều
A. do giai cấp tư sản và tầng lớp chủ nô lãnh đạo.
B. diễn ra dưới hình thức chiến tranh giải phóng dân tộc.
C. mang tính chất của một cuộc cách mạng tư sản.
D. lật đổ sự tồn tại của chế độ phong kiến chuyên chế.
Đáp án đúng là: C
Cách mạng tư sản Anh và cuộc Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ đều mang tính chất của một cuộc cách mạng tư sản.
Câu 12. Ai là Tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Mĩ?
A. Ph. Ru-dơ-ven.
B. G. Oa-sinh-tơn.
C. B. Clin-tơn.
D. A. Lin-côn.
Đáp án đúng là: B
G. Oa-sinh-tơn là Tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Mĩ.
Câu 13. Đến cuối thế kỉ XVIII, xã hội Pháp chia thành ba đẳng cấp là
A. Tăng lữ, Quý tộc và Đẳng cấp thứ ba.
B. Tăng lữ, Quý tộc và Nông dân.
C. Tăng lữ, Tư sản và Nông dân.
D. Tăng lữ, Chủ nô và Nô lệ.
Đáp án đúng là: A
Đến cuối thế kỉ XVIII, xã hội Pháp chia thành ba đẳng cấp là Tăng lữ, Quý tộc và Đẳng cấp thứ ba.
Câu 14. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng tình hình nước Pháp cuối thế kỉ XVIII?
A. Sản xuất nông nghiệp lạc hậu, mất mùa thường xuyên diễn ra.
B. Trật tự ba đẳng cấp ngày càng khoét sâu mâu thuẫn trong xã hội.
C. Chế độ quân chủ lập hiến kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
D. Trào lưu Triết học Ánh sáng được sự đón nhận rộng rãi trong xã hội.
Đáp án đúng là: C
- Cuối thế kỉ XVIII, đời sống kinh tế - chính trị - xã hội và tư tưởng ở Pháp có nhiều chuyển biến quan trọng:
+ Chính trị: Pháp vẫn là một nước quân chủ chuyên chế.
+ Kinh tế: nông nghiệp lạc hậu, mất mùa thường xuyên diễn ra; công - thương nghiệp phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa nhưng bị chính sách thuế của nhà vua kìm hãm.
+ Xã hội: trật tự ba đẳng cấp ngày càng khoét sâu mâu thuẫn trong xã hội.
+ Tư tưởng: trào lưu Triết học Ánh sáng được sự đón nhận rộng rãi trong xã hội, thúc đẩy người dân đứng lên làm cách mạng.
Câu 15. Người đứng đầu nhà nước phong kiến chuyên chế ở Pháp trong những năm 1774 - 1789 là
A. vua Lu-I XVI.
B. vua Sác-lơ I.
C. Na-pô-lê-ông Đại đế.
D. vua Ni-cô-lai II.
Đáp án đúng là: A
Người đứng đầu nhà nước phong kiến chuyên chế ở Pháp trong những năm 1774 - 1789 là vua Lu-i XVI.
Câu 16. Trong Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII, đứng đầu nền chuyên chính dân chủ Gia-cô-banh là
A.Vôn-te.
B. Rô-be-spie.
C. Lu-i XVI.
D. Mông-te-xki-ơ.
Đáp án đúng là: B
Trong Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII, đứng đầu nền chuyên chính dân chủ Gia-cô-banh là luật sư Rô-be-spie.
Câu 17. Cuộc Cách mạng tư sản Pháp (1789 - 1794) diễn ra dưới hình thức nào?
A. Nội chiến cách mạng.
B. Cải cách, duy tân đất nước.
C. Chiến tranh giải phóng dân tộc.
D. Nội chiến và chiến tranh vệ quốc.
Đáp án đúng là: D
Cuộc Cách mạng tư sản Pháp (1789 - 1794) diễn ra dưới hình thức nội chiến và chiến tranh bảo vệ tổ quốc
Câu 18. Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ (thế kỉ XVIII) và Cách mạng tư sản Pháp (thế kỉ XVIII) đều
A. lật đổ sự tồn tại của chế độ phong kiến chuyên chế.
B. do giai cấp tư sản và tầng lớp chủ nô mới lãnh đạo.
C. diễn ra dưới hình thức nội chiến và chiến tranh vệ quốc.
D. mở đường cho sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Đáp án đúng là: D
Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ (thế kỉ XVIII) và Cách mạng tư sản Pháp (thế kỉ XVIII) đều mở đường cho sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Câu 19. Trong Cách mạng tư sản Pháp (cuối thế kỉ XVIII), ngày 26/8/1789, Quốc hội Lập hiến đã thông qua bản
A. Tuyên ngôn Độc lập.
B. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
C. Tuyên ngôn giải phóng nô lệ.
D. Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân Quyền.
Đáp án đúng là: D
Trong Cách mạng tư sản Pháp (cuối thế kỉ XVIII), ngày 26/8/1789, Quốc hội Lập hiến đã thông qua bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân Quyền.
Câu 20. Sự kiện nào dưới đây đã đánh dấu sự bùng nổ của Cách mạng tư sản Pháp (cuối thế kỉ XVIII)?
A. Quần chúng nhân dân Pa-ri đánh chiếm ngục Ba-xti (tháng 7/1789).
B. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền được thông qua (tháng 8/1789).
C. Vua Lu-i XVI bị xử tử với tội danh phản bội Tổ quốc (tháng 1/1793).
D. Rô-be-spie thiết lập nền chuyên chính dân chủ cách mạng (tháng 7/1793).
Đáp án đúng là: A
Ngày 14/7/1789, quần chúng nhân dân Pa-ri tấn công ngục Ba-xti. Cách mạng bùng nổ.
Phần 2. Lý thuyết Lịch sử 8 Bài 1: Các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu và Bắc Mỹ
1. Cách mạng tư sản Anh
a) Nguyên nhân
- Đến thế kỉ XV - XVI, đời sống kinh tế - chính trị - xã hội ở Anh có nhiều chuyển biến:
+ Nền kinh tế Anh chuyển sang thời kì phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa
+ Xã hội có nhiều biến động: nông dân bất bình với nhà nước phong kiến; tầng lớp quý tộc mới ra đời, có thể lực về kinh tế nhưng không có địa vị chính trị tương xứng,…
+ Nền cai trị chuyên chế của vua Sác-lơ I đã tạo ra nhiều bất ổn về chính trị.
- Năm 1640, do cần tiền để đàn áp cuộc nổi dậy ở Xcốt-len, vua Sác-lơ I triệu tập Nghị viện để đặt thêm thuế mới, nhưng bị từ chối. Mâu thuẫn giữa nhà vua với nghị viện ngày càng sâu sắc.
Vua Sác-lơ I (đứng thứ 2 từ bên trái sang) đang bàn bạc kế hoạch chống lại Nghị viện
b) Diễn biến chính
- Giai đoạn 1 (1642 - 1648)
+ Tháng 8/1642, Vua Sác-lơ I tuyên chiến với Nghị viện, cách mạng bùng nổ. Ưu thế ban đầu nghiêng về phía quân đội nhà vua.
+ Năm 1648, phe Nghị viện đánh bại quân đội của vua Sác-lơ I.
- Giai đoạn 2 (1649 - 1688)
+ Năm 1649, vua Sác-lơ I bị xử tử. Anh trở thành nước Cộng hòa. Cách mạng Anh đạt đến đỉnh cao.
+ Năm 1653, Ô.Crôm-oen thiết lập chế độ độc tài quân sự.
+ Năm 1660, sau khi Ô.Crôm-oen qua đời, chế độ quân chủ được thiết lập lại tại Anh
+ Tháng 12/1688, Nghị viện tiến hành đảo chính. Dự luật về các quyền được thông qua, chế độ quân chủ lập hiến được thiết lập.
c) Kết quả, ý nghĩa, tính chất và đặc điểm
- Kết quả: Chế độ quân chủ chuyên chế bị lật đổ; chế độ quân chủ lập hiến được thiết lập.
- Ý nghĩa: Mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở nước Anh
- Tính chất:
+ Cách mạng Anh mang tính chất của một cuộc cách mạng tư sản.
+ Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng không triệt để, do: lực lượng phong kiến chưa bị xóa bỏ hoàn toàn (vẫn duy trì ngôi vua và thế lực của quý tộc mới,…); thành quả cách mạng không đáp ứng quyền lợi của phần đông nhân dân lúc đó.
- Đặc điểm:
+ Lực lượng lãnh đạo: giai cấp tư sản và quý tộc mới
+ Hình thức: nội chiến.
2. Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa anh ở Bắc Mỹ
a) Nguyên nhân
- Nguyên nhân sâu xa: thực dân Anh ban hành nhiều đạo luật hà khắc nhằm hạn chế sự phát triển kinh tế của 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ, khiến quan hệ giữa chính quốc với thuộc địa ngày càng căng thẳng.
- Nguyên nhân trực tiếp: Ngày 16/12/1773, một nhóm người Bắc Mỹ tấn công các tàu chở chè của Anh tại cảng Bô-xtơn. Nghị viện Anh lập tức ra lệnh đóng cửa cảng Bô-xtơn và ban hành thêm các đạo luật ngăn cản sự phát triển của kinh tế thuộc địa.
Tranh vẽ minh họa về sự kiện chè Bô-xtơn (16/12/1773)
b) Diễn biến chính
- Ngày 16/12/1773, nhân dân Bốt-tơn tấn công ba tàu chở chè của Anh.
- Từ 5/9 đến 26/10/1774, Hội nghị lục địa họp tại Phi-la-đen-phi-a đòi vua Anh xóa bỏ các luật cấm vô lý. Nhưng vua Anh không chấp thuận.
- Tháng 4/1775, chiến tranh bùng nổ giữa chính quốc và thuộc địa. Quân đội thuộc địa do G. Oa-sinh-tơn chỉ huy.
- Ngày 4/7/1776, bản Tuyên ngôn độc lập được thông qua, xác định quyền con người và quyền độc lập của các thuộc địa. Hợp chúng quốc Hoa Kì ra đời.
Đại biểu 13 thuộc địa Bắc Mỹ thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập (tranh vẽ)
- Quân đội thuộc địa gặp nhiều khó khăn nên lúc đầu thất bại ở nhiều nơi. Tuy nhiên, nghĩa quân vẫn giữ được lực lượng và từng bước đánh bại các đợt tấn công của quân Anh.
- Tháng 10/1781, quân đội Anh đầu hàng.
- Tháng 9/1783, Hiệp định Pa-ri được kí kết. Anh buộc phải công nhận nền độc lập của 13 thuộc địa.
c) Kết quả, ý nghĩa, tính chất và đặc điểm
- Kết quả:
+ Lật đổ sự thống trị của thực dân Anh; giành được độc lập cho 13 thuộc địa.
+ Đưa đến sự ra đời của một quốc gia mới: Hợp chúng quốc Hoa Kì
- Ý nghĩa:
+ Mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Bắc Mỹ
+ Cổ vũ cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân thuộc địa khắp nơi trên thế giới
- Tính chất:
+ Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ là mang tính chất của một cuộc cách mạng tư sản.
+ Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng tư sản không triệt để do: không thủ tiêu được chế độ nô lệ; thành quả cách mạng không đáp ứng quyền lợi của phần đông nhân dân lúc đó.
- Đặc điểm:
+ Lực lượng lãnh đạo: giai cấp tư sản và tầng lớp chủ nô
+ Hình thức: chiến tranh giải phóng dân tộc
3. Cách mạng tư sản Pháp
a) Nguyên nhân
- Cuối thế kỉ XVIII, đời sống kinh tế - chính trị - xã hội và tư tưởng ở Pháp có nhiều chuyển biến quan trọng:
+ Chính trị: Pháp vẫn là một nước quân chủ chuyên chế, đứng đầu là vua Lu-i XVI. Sự chuyên chế và hà khắc của vua Lu-i XVI đã gây nên nhiều bất bình trong nhân dân.
+ Kinh tế: nông nghiệp lạc hậu, mất mùa thường xuyên diễn ra; công - thương nghiệp phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa nhưng bị chính sách thuế của nhà vua kìm hãm.
+ Xã hội: trật tự ba đẳng cấp ngày càng khoét sâu mâu thuẫn trong xã hội. Đẳng cấp thứ ba bất bình với chính sách của vua và hai đẳng cấp trên.
+ Tư tưởng: trào lưu Triết học Ánh sáng được sự đón nhận rộng rãi trong xã hội, thúc đẩy người dân đứng lên làm cách mạng.
- Ngày 5/5/1789, vua Lu-i XVI triệu tập Hội nghị ba đẳng cấp để tăng thuế cũ và đặt thuế mới, nhưng không đạt được sự đồng ý của Đẳng cấp thứ ba. Mâu thuẫn giữa Đẳng cấp thứ ba với chính quyền phong kiến chuyên chế lên cao.
b) Diễn biến chính
- Ngày 14/7/1789, quần chúng nhân dân Pa-ri tấn công ngục Ba-xti. Cách mạng bùng nổ.
Nhân dân Pa-ri tấn công ngục Ba-xti (tranh vẽ)
- Tháng 8/1789, Quốc hội lập hiến công bố Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, nêu khẩu hiệu nổi tiếng: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”.
- Tháng 9/1792, chế độ phong kiến chuyên chế bị lật đổ. Nền cộng hòa được thành lập.
- Tháng 1/793, vua Lu-I XVI bị xử tử. Liên minh phong kiến châu Âu tấn công nước Pháp.
Vua Lu-I XVI bị xử tử (tranh vẽ)
- Tháng 7/1793, Rô-be-spie thiết lập nền chuyên chính cách mạng, lãnh đạo nhân dân Pháp đánh bại cuộc tấn công của liên minh phong kiến châu Âu. Cách mạng Pháp đạt tới đỉnh cao.
- Tháng 7/1794, lực lượng tư sản phản cách mạng tiến hành đảo chính, lật đổ Rô-be-spie. Cách mạng Pháp thoái trào
- Năm 1799, Na-pô-lê-ông lên nắm quyền. Cách mạng kết thúc.
c) Kết quả, ý nghĩa, tính chất và đặc điểm
- Kết quả:
+ Xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế; thiết lập nền cộng hòa ở Pháp;
+ Khẳng định các quyền tự do dân chủ của công dân
- Ý nghĩa:
+ Mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản ở Pháp.
+ Tạo ra những thay đổi sâu rộng trong phạm vi nước Pháp và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong tiến trình lịch sử châu Âu.
- Tính chất: cách mạng tư sản
- Đặc điểm:
+ Lực lượng lãnh đạo: giai cấp tư sản
+ Hình thức: nội chiến và chiến tranh bảo vệ tổ quốc