Tác giả tác phẩm Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước (Cánh Diều 2024) Ngữ văn 6 chi tiết nhất
Tác giả tác phẩm Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước Ngữ văn lớp 6 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 6. Mời các bạn đón xem:
Tác giả tác phẩm: Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước - Ngữ văn 6
I. Tác giả
- PGS. TS Bùi Mạnh Nhị sinh ngày 21 - 2 - 1955, quê quán ở xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hiện nay, ông đang là Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương. Chuyên ngành chính của ông là Văn học dân gian Việt Nam.
- Một số tác phẩm đã xuất bản:
+ Sen Tháp Mười (Ca dao miền Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh) (1980)
+ Ca dao Dân ca Nam Bộ (Đồng tác giả), (1985)
+ Văn học dân gian: Những công trình nghiên cứu (Chủ biên) (1995)
+ Phân tích tác phẩm văn học dân gian (2012)
- Danh hiệu giải thưởng, huân huy chương: Nhà giáo Ưu tú Huân chương Lao động hạng Nhất.
II. Đọc tác phẩm Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước
Thánh Gióng – Tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước
(1) Chủ đề đánh giặc cứu nước là chủ đề lớn, cơ bản, xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam nói chung, văn học dân gian Việt Nam nói riêng. Thánh Gióng thể hiện tập trung chủ đề đánh giặc cứu nước, thuộc loại tác phẩm hay nhất cho chủ đề này.
(2) Gióng ra đời kì lạ
Mẹ Gióng có thai Gióng không bình thường. Bà ướm chân mình vào vết chân khổng lồ rồi mang thai; lại có thai không phải chín tháng mười ngày mà mười hai tháng. Sự sinh nở thần kì, ta vẫn thường thấy trong truyện cổ dân gian. Chẳng hạn, truyện dân gian kể, lúc Lê Lợi sinh ra có ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi hương lạ khắp xóm; còn Nguyễn Huệ, khi ra đời, có hai con hổ chầu hai bên. Những chi tiết hoang đường kể về Gióng như thế là cách dân gian tưởng tượng ra để nhân vật của mình trở thành phi thường. Nhân dân muốn tạo những nét kì lạ, biểu hiện niềm yêu mến, sự tôn kính với nhân vật và tin rằng nhân vật đã ra đời kì lạ thì tất cũng lập chiến công kì lạ. […]
(3) Gióng lớn lên cũng kì lạ
Ba năm, Gióng không nói không cười, chỉ nằm im lặng. Nhưng bắt đầu cất lên tiếng nói thì đó là tiếng nói yêu nước, cứu nước. Tiếng nói ấy không phải là tiếng nói bình thường […].
Gióng lớn nhanh như thổi, “cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc đã căng đứt chỉ”. […] Gióng lớn lên bằng những thức ăn, thức mặc của nhân dân. Sức mạnh dũng sĩ của Gióng được nuôi dưỡng từ những cái bình thường, giản dị. Tất cả dân làng đùm bọc, nâng niu, nuôi nấng. “Nhân dân ta rất yêu nước, ai cũng mong Gióng lớn nhanh đánh giặc cứu nước. Gióng đâu còn là con chỉ của một bà mẹ, mà là con của mọi người, của nhân dân. Một người cứu nước sao đặng? Phải toàn dân góp phần chuẩn bị cho sức mạnh đánh giặc. Có vậy, khả năng đánh giặc, cứu nước mới lớn lên mau chóng. Gióng tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân đó” (Lê Trí Viễn). […]
(4) Gióng vươn vai ra trận đánh giặc
Giặc đến. Thế nước rất nguy. Chú bé Gióng đã vươn vai đứng dậy, biến thành tráng sĩ, mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Sự vươn vai của Gióng có liên quan đến mô típ[1] truyền thống của truyện cổ dân gian. Thời cổ, nhân dân quan niệm người anh hùng phải khổng lồ về hình thể, sức mạnh, chiến công. Thần Trụ Trời và Sơn Tinh,… đều là những nhân vật khổng lồ. Cái vươn vai của Gióng là để đạt đến sự phi thường ấy […]. Gióng vươn vai là tượng đài bất hủ[2] về sự trưởng thành vượt bậc, về hùng khí, tinh thần của dân tộc trước vận nước lâm nguy […].
Quang cảnh Gióng ra trận rất hùng vĩ, hoành tráng. Tất cả sức mạnh của ý chí cộng đồng, của thành tựu lao động, văn hoá được bộc lộ trong cuộc đối đầu với kẻ thù: ngựa sắt phun ra lửa, giáp sắt, nón sắt chở che cho người anh hùng, roi sắt dân dã, rất Việt Nam, cũng xuất hiện. Gây sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giăc. Gióng đánh giặc cả bằng cây cỏ đất nước, bằng những gì có thể tiêu diệt được giặc. […]
(5) Gióng bay lên trời và dấu xưa còn lại
Dẹp giặc tan, Gióng đến chân núi Sóc, cởi áo sắt đế lại, rồi cả người lẫn ngựa bay lên trời. Gióng ra đời đã phi thường thì ra đi cũng phi thường. Nhân dân trân trọng, yêu mến, muốn giữ mãi hình ảnh người anh hùng, nên đã để cho nhân vật trở về với cõi vô biên bất tử, để nhân vật sống mãi. Đó là phần thưởng cao nhất, đẹp nhất trao tặng người anh hùng. Hình tượng Gióng đã được bất tử hoá. Bay lên trời, Gióng hoá rồi. Gióng là non nước, đất trời, là mọi người Văn Lang, Gióng sống mãi. […]
Chiến công của Gióng còn để lai cho quê hương, xứ sở nhiều chứng tích địa danh, sản vật,… Đó là dấu vết ngựa sắt phun ra lửa làm nên màu tre đằng ngà vàng óng, dấu chân ngựa thành những ao hồ chi chít. Nhân dân còn kể chỗ nào Gióng bắt đầu xuất quân; chỗ nào đoàn trẻ chăn trâu, người thợ rèn đi theo Gióng; chỗ nào Gióng nhổ bụi tre khống lồ. Hội Gióng hằng năm cũng dựng lại cảnh không khí dân làng nuôi Gióng, bức tranh Gióng ra trận. Tất cả những chứng tích ấy như những viện bảo tàng thiên nhiên, bảo tàng lịch sử, bảo tàng văn hoá về Gióng, như muốn minh chứng rằng câu chuyện có thật, làm mọi người tin vào truyền thống giữ nước của dân tộc.
(Theo Phân tích tác pham văn học dân gian trong nhà trường, NXB Giá)
III. Tác phẩm Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước
1. Thể loại
Nghị luận văn học
2. Xuất xứ
Trích Phân tích tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường (2012).
3. Phương thức biểu đạt
Nghị luận
4. Tóm tắt tác phẩm Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước
Khẳng định Thánh Gióng thuộc loại tác phẩm hay nhất thuộc chủ đề đánh giặc giữ nước. Sự ra đời kì lạ của Gióng, nhân dân muốn nhân vật có xuất thân phi thường kỳ lạ thì tất lẽ sẽ lập nên những chiến công kỳ lạ. Gióng lớn lên cũng rất kì lạ, Gióng lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng của nhân dân chứng tỏ Gióng không còn là con của một bà mẹ mà là con của toàn thể dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh của toàn dân tộc ta. Khi Gióng vươn vai ra trận, cái vươn vai phát triển của Gióng thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của cả dân tộc khi đất nước có giặc ngoại xâm. Khi ra trận Gióng đánh giặc bằng văn hóa của dân tộc Việt Nam từ roi sắt, gậy sắt, ngựa sắt, cụm tre. Hình ảnh Gióng đánh giặc xong bay lên trời để thể hiện sự phi thường, bất tử của Gióng, đồng thời thể hiện thái độ trân trọng, biết ơn đối với người anh hùng đánh giặc cứu nước của nhân dân.
5. Bố cục tác phẩm Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước
Chia văn bản thành 5 phần
- Phần 1: Chủ đề đánh giặc cứu nước
- Phần 2: Gióng ra đời kì lạ
- Phần 3: Gióng lướn lên cũng kì lạ
- Phần 4: Gióng vươn vai ra trận đánh giặc
- Phần 5: Gióng bay lên trời và dấu xưa còn lại
6. Giá trị nội dung tác phẩm Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước
- Bài văn nghị luận chứng minh rằng Thánh Gióng là tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước của Bùi Mạnh Nhị.
7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước
- Văn nghị luận sắc bén, chặt chẽ.
- Sử dụng các luận điểm, luận cứ, dẫn chứng thuyết phục.
IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước
1. Nêu vấn đề
- Chủ đề yêu nước là chủ đề lớn, cơ bản, xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam.
- Tác phẩm Thánh Gióng thể hiện tập trung chủ đề đánh giặc cứu nước, thuộc loại tác phẩm hay nhất cho chủ đề này.
2. Gióng ra đời kì lạ
- Mẹ Gióng có thai không bình thường: ướm vào vết chân khổng lồ, mang thai 12 tháng.
- Nêu ra cách ra đời kì lạ trong các truyện dân gian khác.
- Ý nghĩa của sự ra đời kì lạ: để nhân vật trở nên phi thường.
3. Gióng lớn lên kì lạ
- Ba năm không nói không cười, tiếng nói đầu tiên là tiếng nói yêu nước, cứu nước.
- Lớn nhanh như thổi, bằng thức ăn thức mặc của nhân dân.
Gióng tiêu biểu cho sức mạnh của toàn dân.
4. Gióng vươn vai ra trận đánh giặc
- Sự vươn vai của Gióng là mô típ truyền thống: người anh hùng phải có tầm vóc, sức mạnh phi thường.
- Quang cảnh ra trận hùng vĩ, hoành tráng. Đó là sức mạnh của ý chí cộng đồng, thành tựu lao động, văn hóa.
5. Gióng bay lên trời và dấu xưa còn lại
- Sự ra đi phi thường thể hiện khát vọng về người anh hùng được bất tử hóa.
- Chiến công còn lại: chứng tích địa danh, sản vật…
V. Các bài văn mẫu
Đề bài: Nghị luận tình thần yêu nước của nhân dân ta
Bài tham khảo 1
Từ ngàn đời nay, nhân dân Việt Nam luôn có một lòng nồng nàn yêu nước. Vậy tinh thần yêu nước là gì? Là cảm xúc, tình cảm, tinh thần yêu thương, tích cực về quê hương, đất nước hay cội nguồn của một cá nhân hay tập thể, trong đó quê hương có thể là một vùng, một thành phố hoặc là cả một quốc gia dân tộc. Yêu nước, sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc là những hành động vô cùng ý nghĩa. Trong lịch sử, rất nhiều vị anh hùng vĩ đại đã chứng tỏ tinh thần yêu nước to lớn, là đại diện tiêu biểu của dân tộc ta, như: Thánh Gióng, Bà Trưng, Bà Triệu, Hưng Đạo đại vương, Lê Lợi, Quang Trung… Họ là những người sẵn sàng xả thân cứu nước, dùng tất cả trí tuệ và sức lực của họ để bảo vệ bờ cõi. Để rồi đến hiện tại, tinh thần yêu nước đó lại tiếp tục được phát huy. Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ… ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Nam nữ nông dân và công nhân hăng hái tăng gia sản xuất. Hay những y bác sĩ đang ngày đêm gồng mình chiến đấu chống giặc covid lây lan, những nhà hảo tâm sẵn lòng quyên góp giúp đỡ những người gặp khó khăn trong hoàn cảnh dịch bệnh… Họ đều là những tấm gương sáng đáng để noi theo, để học tập. Thế mới thấy tinh thần yêu nước luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay nghề nghiệp, giai cấp. Một đất nước dân tộc mà ai cũng tràn đầy tình yêu thương với đồng bào, sục sôi tinh thần yêu nước thì sẽ trở thành một đất nước hưng thịnh, phát triển nhà nhân văn. Tinh thần yêu nước giúp con người gắn kết gần nhau hơn, chúng ta có thể xa nhau bởi khoảng cách nhưng chúng ta luôn là những người anh em cùng chung dòng máu dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những con người có tinh thần yêu nước sâu sắc thì còn có những thành phần sống vô tâm, ích kỉ, không có tinh thần xây dựng bảo vệ đất nước. Họ chỉ biết nghĩ cho bản thân, thấy nguy hiểm là chạy trốn, thấy đồng bào gặp nạn mà không cứu giúp… đó là những thành phần đáng lên án và chê trách. Với tư cách là một học sinh còn ngồi trong ghế nhà trường, em luôn ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm của bản thân. Là công dân của đất nước Việt Nam, em tự hứa sẽ luôn học tập chăm chỉ, rèn luyện không ngừng để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Bài tham khảo 2
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…” – đó là điều mà chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng khẳng định. Quả thực, trong suốt lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, lòng yêu nước luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử dân tộc. Tinh thần yêu nước ấy tồn tại ngay từ buổi đầu dựng nước thời Hùng Vương, với hình tượng người anh hùng Phù Đổng quét sạch giặc n ra khỏi bờ cõi xâm lược. Phải chăng chính vì vậy mà có ý kiến đã khẳng định: “Thánh Gióng là một hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp, là truyện cổ tràn đầy tinh thần yêu nước”.
Trước hết, qua truyền thuyết “Thánh Gióng”, ta cảm nhận rõ Thánh Gióng quả thực là một hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp. Được xây dựng bằng những chi tiết nghệ thuật giàu màu sắc tưởng tượng kì ảo, Thánh Gióng là biểu tượng tuyệt đẹp cho ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước; đồng thời cũng thể hiện được quan niệm của nhân dân ta về người anh hùng chống ngoại xâm trong buổi đầu lịch sử. Chi tiết kì ảo đầu tiên về Gióng là tiếng nói của chú bé lên ba lại là tiếng nói đòi đánh giặc. Chú bé lên ba không biết nói biết cười, vậy mà khi nghe thấy có sứ giả tới tìm người tài cứu nước, lại cất lên tiếng nói đầu tiên: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con” và yêu cầu sứ giả: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ đánh tan lũ giặc”.
Câu nói đầu tiên ấy của đứa trẻ lên ba lại là về một vấn đề thiêng liêng, gắn liền với vận mệnh dân tộc, điều đó chứng tỏ tinh thần yêu nước luôn thường trực trong tâm khảm mỗi người Việt, khiến cho khát vọng đánh giặc đã hình thành ngay từ trong tâm hồn ấu thơ. Sau khi sứ giả trở về, Gióng bỗng đòi ăn, càng ăn càng lớn nhanh như thổi, khiến cho mẹ cậu bé phải nhờ đến sự cưu mang, đùm bọc của bà con làng xóm cùng góp gạo, thổi cơm mới đủ cho Gióng ăn. Chi tiết này vừa thể hiện truyền thống yêu thương, đoàn kết cộng đồng của người Việt, vừa cho thấy Gióng đã trở thành người con chung của quê hương, làng xóm, là người anh hùng của cộng đồng, dân tộc. Phải chăng chính nhờ có tình yêu thương, đùm bọc lớn lao ấy mà Gióng mới có đủ năng lực, sức mạnh để vụt lớn thành một tráng sĩ. Sự phát triển kì diệu, vượt bậc đó của Gióng đã phản ánh một chân lý: trong thời đại đất nước nguy vong, thì dù là một con người bình thường, nhỏ bé, yếu đuối như một cậu bé lên ba cũng đều sẽ vụt lớn lên thành người anh hùng với sức mạnh phi thường để cứu nước.