Tác giả tác phẩm Thời thơ ấu của Hon – da (Cánh Diều 2024) Ngữ văn 6 chi tiết nhất
Tác giả tác phẩm Thời thơ ấu của Hon – da Ngữ văn lớp 6 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 6. Mời các bạn đón xem:
Tác giả tác phẩm: Thời thơ ấu của Hon – da - Ngữ văn 6
I. Tác giả
- Hon-đa Sô-i-chi-rô (1906 – 1991), sinh ra ở Ha-ma-mát-su, tỉnh Si-dư-ô-ca, Nhật Bản.
- Gia đình: Cha ông là Ghi-hai làm nghề thợ rèn, sau mở cả cửa hàng sửa chữa xe đạp. Mẹ là Mi-ca làm nghề thợ dêt. Ông là anh trai cả của 9 đứa em.
→ Tình yêu với nghề cơ khí là điều mà tác giả thừa hưởng từ cha.
- Năm 1922, ông cùng cha lên Tô-ki-ô, làm việc cho cửa hàng sửa chữa ô tô Art Shokai. Đây cũng là nơi ông học việc, giúp ông phát triển sự việc sau này.
- Năm 1928, ông được phép mở chi nhánh A-a-tô Sô-ư-ka-i (Art Shokai) ở làng của mình tại Ha-ma-mát-su. Sau đó, ông làm ăn phát đạt và trở nên giàu có, nổi tiếng trong thị trấn.
- Năm 1948, Hon-đa bắt đầu sản xuất xe máy trong cương vị chủ tịch Công ty Hon-đa. Ông đã biến công ty thành một tập đoàn đa quốc gia giá trị hàng tỉ đô la chuyên sản xuất ra những xe máy bán chạy nhất thế giới.
- Ông qua đời vào ngày 5 tháng 8 năm 1991 vì bệnh thận, thọ 84 tuổi.
II. Đọc Tác phẩm Thời thơ ấu của Hon – da
Thời thơ ấu của Hon-đa
HON- ĐA SÔ -I-CHI-RÔ
(1) Tôi sinh năm 1906 tại làng Kô-mi-ô (Komyo), quận I-qua-ta (Iwata), nay là thành Ten-ri-u (Tenryu), thuộc thành phố Ha-ma-mát-su (Hamamatsu), tỉnh Si-dư-ô-ca (Shizuoka). Cha tôi là Ghi-hai (Gihei), làm nghề thợ rèn và tôi đã lớn lên trong tiếng phì phò của ống thổi lò, với âm thanh chan chát của tiếng đe, tiếng búa. Nhà tôi rất nghèo, đời ông tôi làm nghề nông, đến đời cha tôi mới bắt đầu theo nghề rèn. Là trưởng nam trong gia đình, hằng ngày tôi phải cõng em gái tôi đến trường và giúp cha đạp ống thổi lửa. Tuy còn nhỏ, chưa hiểu việc rèn những miếng sắt vụn làm gì nhưng tôi rất thích thú với công việc đập búa “chùm cheng”, sửa chữa đồ dùng và làm ra công cụ làm nông.
(2) Chưa được đi học, nhưng tôi rất thích chơi đùa với máy móc và động cơ. Cách nhà tôi khoảng 4 ki-lô-mét có một tiệm xay lúa. Vào thời đó, một tiệm xay có máy nổ hoạt động như vậy là hiếm lắm. Tôi thường được ông tôi cõng đến tiệm này chơi và bị lôi cuốn bởi âm thanh “bùm chát, bùm chát” của máy nổ và luồng khói xanh có mùi dầu cháy rất khó tả. Cách đó không xa có một tiệm xẻ gỗ, ở đó có tiếng máy nổ “bùm bùm” và bánh răng cưa quay tít, tôi vẫn lân la sang ngắm nhìn và thích thú vô cùng. Chỉ cần nhìn máy móc chuyển động, tôi cũng thấy sung sướng không diễn tả được.
(3) Suốt thời gian học tập ở Trường Tiểu học Y-a-ma-hi-ga-si (Yamahigashi), từ lớp 1 cho tới lớp 5, tôi rất kém môn thực vật và sinh vật nhưng lên lớp 6, tôi thích thú hơn khi bắt đầu thấy xuất hiện pin, cân, ống nghiệm và máy móc […]
Khi tôi đọc sách, mọi thông tin vào đầu tôi rất chậm, nhưng khi xem ti vi bằng tai và mắt thì tôi cảm nhận mọi việc nhạy bén hơn nhiều. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ lần đầu tiên làng tôi có điện. Lúc đó, tôi vô cùng cảm phục những chú thợ điện với túi đồ nghề gồm kìm, tuốc nơ vít cột ngang lưng trèo lên cột điện nối dây cáp. […]
Vào khoảng năm lớp 2 hoặc lớp 3 tôi không nhớ rõ, một hôm, trên đường đi học về, tôi nghe nói có một chiếc ô tô chạy về làng. Tôi quên hết mọi việc, phi như bay về và thấy một chiếc xe bọc vải bạt bò ọc ạch trên con đường làng chật hẹp. Đôi chân bé nhỏ của tôi chẳng mấy chốc đã đuổi kịp và chạy bám theo sau xe một quãng dài. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ô tô. Chắc khó ai hiểu được sự phấn khích này của tôi. Khi xe dừng lại, dầu nhểu ra có mùi đặc biệt rất khó tả. Tôi gí mũi xuống mặt đất, ngửi khịt khịt như chó ngửi, lấy tay quệt quệt dầu rồi đưa lên mũi hít vào đầy lồng ngực. Trong đầu tôi chợt nảy ra một ước mơ rất trẻ con: “Biết đâu, có lúc nào đó mình cũng làm được một chiếc xe như thế nhỉ?”. Sau ngày đó, ở phố bên cạnh thường có ô tô chạy, cứ đi học về là tôi lại cõng em chạy đi xem.
(4) Mùa thu năm 1914, khi đang học lớp 2, tôi nghe nói có cuộc biểu diễn máy bay ở Liên đội Bộ binh Ha-ma-mát-su, cách nhà tôi khoảng 20 ki-lô-mét. Từ trước tới giờ, tôi chỉ được xem máy bay qua hình vẽ chứ chưa bao giờ được nhìn thấy tận mắt. Biết là có nài xin, cha tôi cũng không cho phép, nên trước đó vài ngày, chọn lúc cả nhà không ai để ý, tôi lén lấy 2 xu để làm tiền lộ phí[3].
Rồi ngày đó đã đến, tôi giả bộ bình thản lén lấy xe đạp của cha đạp một mạch đến Ha-ma-mát-su. Tất nhiên là tôi trốn học. Với một cậu học sinh lớp 2 thì xe đạp của người lớn là quá to, không thể ngồi lên yên xe được, nên tôi phải thòng một chân qua khung xe hình tam giác rồi liên tục đạp không nghỉ. Đến khi nhìn thấy doanh trại Liên đội ở phía trước thì tự nhiên tim tôi đập liên hồi không sao ngừng được.
Nhưng sự vui sướng đó chỉ đến trong chốc lát. Bãi huấn luyện quân đội được rào kín, vé vào cửa là 10 xu mà trong túi tôi chỉ có 2 xu, không lẽ lại ôm xe đạp mà nhìn. Đã bỏ công đến đây thì phải xem bằng được. Nghĩ thế, tôi ngước lên nhìn thấy cây thông lớn và lập tức leo phóc lên. Sợ có người nhìn thấy, tôi bẻ cành để ngụy trang phía dưới.
Và tôi đã thoả ước nguyện của mình. Ở trên cây, tuy tầm nhìn có hơi xa một chút, nhưng lần đầu tiên tôi được thấy máy bay thật và vô cùng cảm kích khi thấy chiếc Nin Xmít (Neils Smith) bay lên. Trên đường về, việc thòng chân qua khung xe để đạp xe, tôi thấy thật nhẹ nhàng, không còn biết mệt là gì. Hình ảnh người phi công của chiếc máy bay Nin Xmít với vành mũ lật ngược ra phía sau, đeo kính bay trông thật hùng dũng. Ấn tượng này giải thích lí do tại sao sau này tôi vẫn thường đội ngược cái mũ học trò. […]
Sau đó, tôi khẩn khoản xin cha mua cho tôi một chiếc mũ kết và tự tay tôi làm một cặp kính đeo mặt của phi công bằng bìa các tông rồi gắn quạt gió bằng tre lên xe đạp. Tiếp đó, tôi bắt chước phi công của chiếc máy bay Nin Xmít đội mũ quay ngược vành ra phía sau gáy và đắc ý đạp chiếc xe ấy chạy vòng quanh. Con người mê máy móc và động cơ như tôi rất dở về chữ nghĩa, học hành rất tệ nhưng nói về chuyện nghịch ngợm thì không chịu thua ai bao giờ. […]
(Hon-đa Sô-i-chi-rô, Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới (Bản lí lịch đời tôi), Nguyễn Trí Dũng dịch, NXB Văn hoá Sài Gòn – Báo Sài Gòn giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006)
III. Tác phẩm Thời thơ ấu của Hon – da
1. Thể loại
Hồi kí.
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
Trích từ Biển giấc mơ thành sức mạnh đi tới (Bản lí lịch đời tôi).
3. Phương thức biểu đạt
Tự sự
4. Tóm tắt tác phẩm Thời thơ ấu của Hon – da
Sinh ra trong một gia đình nghèo làm nghề thợ rèn tại Nhật Bản, Hon-đa sớm đã rất thích thú với công việc sửa chữa và chế tạo công cụ làm nông. Dù chưa được đi học nhưng cậu bé rất sung sướng khi được chơi đùa với máy móc và động cơ. Nhớ hồi học tiểu học cậu học kém môn thực vật và sinh nhưng lại có hứng thú với pin, cân, ống nghiệm và máy móc,… Khi nhìn thấy chiếc ô tô đầu tiên chạy về làng, cậu phấn khích chạy theo để quan sát. Năm lớp 2 cậu lén trốn học đi xem máy bay thật biểu diễn ở bãi huấn luyện. Sau đó cậu bắt chước những trang bị của phi công đội mũ quay ngược vành, gắn quạt gió bằng tre lên xe đạp chạy vòng quanh,… Qua đây có thể thấy: Tuổi thiếu niên là thời gian chuẩn bị quan trọng cho giai đoạn trưởng thành của đời người sau này.
5. Bố cục tác phẩm Thời thơ ấu của Hon – da
- Bố cục tác phẩm gồm 3 phần:
+ Phần 1: Từ đầu đến 'không diễn tả được': Xuất thân và tuổi thơ của nhân vật tôi.
+ Phần 2: Tiếp đến 'cõng em chạy đi xem': Quãng thời gian đi học và niềm hứng thú của nhân vật tôi với ô tô.
+ Phần 3: Còn lại: Kỉ niệm đi xem cuộc biểu diễn máy bay của nhân vật tôi.
6. Giá trị nội dung tác phẩm Thời thơ ấu của Hon – da
- Đoạn kí Thời thơ ấu của Hon-đa kể về tuổi thơ sớm nhận ra hứng thú của Hon-đa với máy móc, kĩ thuật.
- Qua đó, tác phẩm cũng nêu lên ước mộng của tác giả, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của ông sau này.
7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Thời thơ ấu của Hon – da
- Tác phẩm viết theo thể hồi kí.
- Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm.
IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Thời thơ ấu của Hon – da
1. Xuất thân và tuổi thơ của nhân vật tôi
- Xuất thân:
+ Sinh năm 1906.
+ Quê: Làng Komyo, quận Iwata, nay là thành Tenryu, thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizouka.
- Gia đình:
+ Cha là Gihei, làm nghề thợ rèn.
+ Nhà rất nghèo, đời ông làm nông.
+ Là trưởng nam trong gia đình, hàng ngày phải cõng em gái đến trường, giúp cha đạp ống thổi lửa.
- Thời thơ ấu:
+ Lớn lên trong tiếng phì phò thổi của ống thổi lò, với âm thanh chan chát của tiếng đe, tiếng búa.
+ Hay được ông cõng đến tiệm xay lúa chơi.
+ Thể hiện sự hứng thú với kĩ thuật, máy móc từ rất sớm.
Từ nhỏ đã được tiếp xúc với máy móc, kĩ thuật nên có hứng thú từ sớm.
2. Quãng thời gian đi học và niềm hứng thú của nhân vật tôi với ô tô
- Thuở thơ ấu:
+ Thích thú với công việc đập búa “chùm cheng”, sửa chữa đồ dùng và làm ra công cụ làm nông.
+ Chưa được đi học nhưng tôi rất thích chơi đùa với máy móc và động cơ.
+ Chỉ cần nhìn máy móc chuyển động, tôi cùng thấy sung sướng không diễn tả được.
- Khi đi học:
+ Thích thú khi thấy xuất hiện pin, cân, ống nghiệm và máy móc.
+ Cảm phục những chú thợ điện với túi nghề gồm kìm, tuốc nơ vít cột ngang lưng trèo lên cột điện nối dây cáp.
+ Chạy bám theo sau xe một quãng dài, gí mũi xuống mặt đất, ngủi khịt khịt như chó ngửi…
+ Trốn học, một mình đi xem máy bay rồi về nhà bắt chước phi công.
Niềm đam mê của Hon-đa từ khi còn nhỏ đã làm nên thành công của ông ở hiện tại.
3. Kỉ niệm đi xem cuộc biểu diễn máy bay của nhân vật tôi
- Thời gian: mùa thu 1914.
- Sự kiện: cách nhà 20 ki-lô-mét có cuộc biểu diễn máy bay ở Liên đội Bộ binh Ha-ma-mát-su.
- Diễn biến:
+ Chuẩn bị: trước đó vài ngày, lén lúc cả nhà không để ý, lấy 2 xu làm tiền lộ phí.
+ Lén gia đình đi: Đến ngày đó, lấy xe đạp cha đạp đến, trốn học, đạp xe không dễ dàng.
+ Khi gặp khó khăn: không đủ tiền vé vào cửa, trèo lên cây thông lớn, bẻ cành để ngụy trang phía dưới.
+ Khi về, vì quá ấn tượng nên xin cha mua cho chiếc mũ kết, tự tay làm cặp kính, gắn quạt gió lên xe đạp, bắt chước phi công.
- Cảm xúc:
+ Khi nhìn thấy doanh trại Liên đội thì tim đập liên hồi không ngừng.
+ Vô cùng cảm kích khi thấy chiếc Neils Smith bay lên.
+ Trên đường về đạp xe không biết mệt. Ấn tượng với hình ảnh người phi công hùng dũng.
Sự hứng thú đã dần trở thành đam mê, ước mơ. Hon-đa là cậu bé có ước mơ, có nỗ lực và không chịu khuất phục bởi hoàn cảnh.
Lý giải cho sự nghiệp và sự thành công sau này của ông.
V. Các bài văn mẫu
Đề bài: Cảm nhận về cậu bé Hon-đa
Bài tham khảo 1
Tác giả Hon-đa-sô-i-chi-ro (Soichiro Honda) sinh ngày 17 tháng 11 năm 1906, mất ngày 5 tháng 8 năm 1991), quê ở Si-dư-ô-ca, ông là một kỹ sư và nhà công nghiệp Nhật Bản. Hon-đa có một tuổi thơ khá vất vả và khổ cực, ông lớn lên trong một gia đình nghèo có cha làm thợ rèn, phải giúp đỡ cha mẹ làm việc, cõng em đi học và tích góp từng đồng để có thể theo đuổi niềm đam mê và yêu thích của mình. Ông có tình yêu với máy móc và xe ô tô ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Hồi đi học ông rất hứng thú với môn thực vật và sinh vật vì những thí nghiệm, máy móc của nó, còn từng bỏ học, thậm chí lấy trộm tiền để đi xem biểu diễn máy bay, ô tô. Là một cậu bé tuy có học hành chểnh mảng nhưng về khoản nghịch ngợm thì không thua ai bao giờ. Em rất khâm phục nghị lực và sự chăm chỉ của cậu bé.
Bài tham khảo 2
Tác giả Hon-đa hồi nhỏ được miêu tả trong văn bản là một cậu bé khá hiếu động và thông minh. Tuy lớn lên trong một gia đình nghèo, phải giúp cha mẹ làm việc nhưng không hề than vãn, oán trách hay tỏ ra lười biếng, nản chí mà luôn cố gắng tận dụng mọi cơ hội để theo đuổi niềm đam mê của mình. Điều đó cho thấy ông là một cậu bé chăm chỉ, hiếu thảo và có nghị lực, biết vượt lên khỏi hoàn cảnh. Đó không phải là suy nghĩ mà bất cứ cậu bé nào cũng có thể ngộ ra và hiểu được, cũng có thể thấy hoàn cảnh éo le đã giúp Hon-đa biết suy nghĩ và trưởng thành hơn các bạn cùng trang lứa. Vì nhà nghèo, không có tiền đi xem biểu diễn máy bay mà cậu bé mười tuổi đã trốn học đạp xe hai mươi cây số để tới nơi biểu diễn, khi không đủ tiền mua vé vào cửa đã nghĩ ra cách leo lên cây để xem. Cách làm tuy có lạ lùng, táo tợn nhưng đã thể hiện sự nhanh trí và ứng xử, quyết không chịu thua của chú bé mười tuổi trên hành trình theo đuổi đam mê. Hon-đa ngay từ khi còn nhỏ đã rất thông minh, vượt lên hoàn cảnh và cương quyết, thích thứ gì là sẽ theo đuổi đến cùng. Ở cậu bé mười tuổi ấy, ta nhận thấy sự chịu thương chịu khó, nghị lực và cả sự quyết tâm, cố gắng trong nghịch cảnh.