Lý thuyết KHTN 8 (Kết nối tri thức 2024) Bài 20: Hiện tượng nhiễm điện do cọ xát
Tóm tắt lý thuyết Bài 20: Hiện tượng nhiễm điện do cọ xát sách Khoa học tự nhiên 8 Kết nối tri thức ngắn gọn, chính xác sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt KHTN 8.
Video bài giảng KHTN 8 Bài 20: Hiện tượng nhiễm điện do cọ xát - Kết nối tri thức
Khoa học tự nhiên 8 Bài 20: Hiện tượng nhiễm điện do cọ xát
A. Lý thuyết KHTN 8 Bài 20: Hiện tượng nhiễm điện do cọ xát
I. Vật nhiễm điện
- Chuẩn bị:
Một chiếc đũa bằng nhựa và một chiếc đũa bằng thuỷ tinh.
Một mảnh vải len hoặc dạ và một mảnh vải lụa.
Một số mẩu giấy vụn.
- Tiến hành:
Đưa chiếc đũa nhựa lại gần các mẫu giấy (Hình 20.1), quan sát hiện tượng xảy ra.
Cọ chiếc đũa nhựa vào mảnh vải len hoặc dạ sau đó đưa lại gần các mẫu giấy vụn, quan sát hiện tượng xảy ra.
Làm thí nghiệm tương tự, thay đũa nhựa bằng đũa thuỷ tinh được cọ xát vào mảnh vải lụa, quan sát hiện tượng xảy ra.
Mô tả hiện tượng xảy ra và rút ra nhận xét.
Nhận xét:
Các vật sau khi bị cọ xát có tính chất hút được các vật khác (mẩu giấy vụn) được gọi là vật nhiễm điện hay vật mang điện tích.
Thí nghiệm 2
- Chuẩn bị:
Hai đũa nhựa và một đũa thuỷ tinh.
Mảnh vải len (hoặc dạ) và mảnh vải lụa. Giá thí nghiệm và dây treo.
- Tiến hành:
Lấy một đũa nhựa cọ vào mảnh vải len, sau đó treo lên giá thí nghiệm. Lấy chiếc đũa nhựa thứ hai cọ vào mảnh vải len rồi đưa lại gần đầu đũa nhựa kia (Hình 20.2a). Quan sát hiện tượng xảy ra.
Thay đũa nhựa bằng đũa thuỷ tinh đã cọ vào mảnh vải lụa, rồi đưa lại gần đũa nhựa (Hình 20.2b). Quan sát hiện tượng xảy ra.
Nhận xét:
- Hai chiếc đũa nhựa cùng cọ xát vào mảnh vải len nhiễm điện như nhau; hai chiếc đũa thuỷ tinh cùng cọ xát vào mảnh vải lụa nhiễm điện như nhau.
- Chiếc đũa nhựa và chiếc đũa thuỷ tinh nhiễm điện khác nhau.
- Hai vật nhiễm điện như nhau thì đẩy nhau; hai vật nhiễm điện khác nhau thì hút nhau.
- Có hai loại điện tích. Người ta quy ước diện tích xuất hiện ở đũa thuỷ tinh sau khi cọ xát vào mảnh vải lụa là điện tích dương (+); điện tích xuất hiện ở đũa nhựa sau khi cọ xát vào mảnh vải len là điện tích âm (-).
II. Giải thích sơ lược về sự nhiễm điện do cọ xát
Vận dụng kiến thức về cấu tạo nguyên tử giải thích sự nhiễm điện dương của đũa thuỷ tinh khi bị cọ xát vào vải lụa hoặc sự nhiễm điện âm của đũa nhựa khi bị cọ xát vào vải len:
- Khi đũa thuỷ tinh cọ xát vào lụa thì các electron từ đũa thuỷ tinh dịch chuyển sang vải lụa. Đũa thuỷ tinh mất bớt electron nên nhiễm điện dương, mảnh vải lụa nhận thêm electron nên nhiễm điện âm.
- Khi cọ xát đũa nhựa vào vải len, các electron từ vải len dịch chuyển sang đũa nhựa. Đũa nhựa nhận thêm electron nên nhiễm điện âm, mảnh vải len mất bớt electron nên nhiễm điện dương.
Sơ đồ tư duy KHTN 8 Bài 20: Hiện tượng nhiễm điện do cọ xát
B. Bài tập trắc nghiệm KHTN 8 Bài 20: Hiện tượng nhiễm điện do cọ xát
Câu 1: Có thể làm thước nhựa nhiễm điện bằng cách nào dưới đây?
A. Áp sát thước nhựa vào một cực của pin.
B. Áp sát thước nhựa vào một đầu của thanh nam châm.
C. Hơ nóng nhẹ thước nhựa trên ngọn lửa.
D. Cọ xát thước nhựa bằng mảnh vải khô.
Đáp án đúng là D
Ta có thể làm thước nhựa nhiễm điện bằng cách cọ xát thước nhựa bằng mảnh vải khô.
Câu 2: Làm thế nào để biết một vật bị nhiễm điện?
A. Đưa vật lại gần các vụn giấy, nếu vật hút các mẩu giấy thì kết luận vật bị nhiễm điện.
B. Đưa vật đến gần các vật khác đã bị nhiễm điện, nếu chúng hút hay đẩy nhau thì kết luận vật nhiễm điện.
C. Đưa vật lại gần các vụn giấy, nếu vật đẩy các mẩu giấy thì kết luận vật bị nhiễm điện.
D. Câu A và C đều đúng.
Đáp án đúng là A
Để biết một vật bị nhiễm điện hay không ta có thể đưa vật lại gần các vụn giấy, nếu vật hút các mẩu giấy thì kết luận vật bị nhiễm điện.
Câu 3: Chọn câu đúng.
A. Thanh thuỷ tinh sau khi được cọ xát bằng mảnh lụa thì có khả năng hút được vải khô.
B. Thanh thuỷ tinh sau khi được cọ xát bằng mảnh lụa thì có khả năng hút được nilông.
C. Thanh thuỷ tinh sau khi được cọ xát bằng mảnh lụa thì có khả năng hút được mảnh giấy vụn.
D. Thanh thuỷ tinh sau khi được cọ xát bằng mảnh lụa thì có khả năng hút được thanh thước nhựa.
Đáp án đúng là C
A – sai vì không biết là tấm vải khô hay mẩu vải khô.
B – sai vì chỉ hút được mảnh vụn nilong.
D – sai vì thanh thủy tinh sau khi bị nhiễm điện do cọ xát không hút được thanh thước nhựa.
Câu 4: Có mấy loại điện tích:
A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.
Đáp án đúng là B
Có hai loại điện tích là điện tích dương, điện tích âm.
Câu 5: Khi đưa một cây thước nhựa lại gần một sợi tóc:
A. Cây thước hút sợi tóc.
B. Cây thước đẩy sợi tóc.
C. Cây thước sau khi cọ xát vào mảnh vải khô sẽ hút sợi tóc.
D. Cây thước sau khi cọ xát vào mảnh vải khô sẽ đẩy sợi tóc ra xa.
Đáp án đúng là C
- Trước khi cây thước nhựa bị cọ xát thì nó không có phản ứng gì với sợi tóc.
- Sau khi cây thước nhựa bị cọ xát vào mảnh vải khô nó sẽ trở thành vật nhiễm điện và có thể hút sợi tóc.
Câu 6: Các vật nhiễm điện ….. thì đẩy nhau …….. thì hút nhau.
A. khác loại, cùng loại.
B. cùng loại, khác loại.
C. âm, dương.
D. dương, âm.
Đáp án đúng là B
- Hai vật nhiễm điện cùng loại (cùng dấu) thì đẩy nhau.
- Hai vật nhiễm điện khác loại (khác dấu) thì hút nhau.
Câu 7: Nhiều vật sau khi cọ xát ………… các vật khác.
A. có khả năng đẩy.
B. có khả năng hút.
C. có khả năng hút hay đẩy.
D. không có khả năng hút hay đẩy.
Đáp án đúng là C
Ta có, nhiều vật sau khi bị cọ xát sẽ nhiễm điện.
Mà vật nhiễm điện là vật có khả năng hút hay đẩy các vật khác.
→ Nhiều vật sau khi cọ xát có khả năng hút hay đẩy các vật khác.
Câu 8: Tại sao cánh quạt trong các quạt điện thường xuyên quay mà vẫn có rất nhiều bụi dính vào?
A. Vì các hạt bụi nhỏ và rất dính.
B. Vì cánh quạt khi quay sẽ cọ xát với không khí nên bị nhiễm điện.
C. Vì cánh quạt có điện.
D. Vì các hạt bụi bay trong không khí bị nhiễm điện.
Đáp án đúng là B
Cánh quạt trong các quạt điện thường xuyên quay mà vẫn có rất nhiều bụi bám vào vì cánh quạt khi quay sẽ cọ xát với không khí ⇒ bị nhiễm điện ⇒ hút các hạt bụi bẩn.
Câu 9: Một vật nhiễm điện âm nếu
A. nhận thêm electron.
B. mất bớt electron.
C. nhận thêm hoặc mất bớt electron.
D. Cả A, B, C đều sai.
Đáp án đúng là A
Một vật nhiễm điện âm nếu nhận thêm electron, nhiễm điện dương nếu mất bớt electron.
Câu 10: Chọn câu sai?
A. Có thể làm nhiễm điện nhiều vật bằng cách cọ xát.
B. Vật bị nhiễm điện có khả năng hút các vật khác.
C. Vật mang điện tích có khả năng hút các vật khác.
D. Các vật bị nhiễm điện chỉ có khả năng hút nhau.
Đáp án đúng là D
A, B, C – đúng
D – sai vì: Vật nhiễm điện là vật có khả năng hút hay đẩy các vật khác hoặc phóng tia lửa điện sang các vật khác.