Tác giả tác phẩm Đi trong hương tràm (Cánh Diều 2024) Ngữ văn 10 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Đi trong hương tràm Ngữ văn lớp 10 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 10. Mời các bạn đón xem:

1 68 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Đi trong hương tràm - Ngữ văn 10

I. Tác giả Hoài Vũ

-  Hoài Vũ, 1935

Văn bản: Đi trong hương tràm - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 10 - Cánh diều (ảnh 1)

Quê quán: Quảng Ngãi

- Phong cách nghệ thuật: Nhẹ nhàng, trong sáng, thiết tha

- Tác phẩm chính: Tiếng sáo trúc, Rừng dừa xào xạc…

II. Đọc tác phẩm Đi trong hương tràm

Em gửi gì trong gió trong mây
Ðể sáng nay lên Vàm Cỏ Tây
Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp nơi mây hương toả bay!

Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay mầu
Dù trái tim em không trao anh nữa
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau

Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hy vọng
Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?

Dù đi đâu và xa cách bao lâu
Anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngát
Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát
Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao…

III. Tác phẩm Đi trong hương tràm

1. Thể loại

Thơ tự do

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

in trong “Tuyển tập thơ Việt Nam”.

3. Phương thức biểu đạt

Biểu cảm

4. Bố cục tác phẩm Đi trong hương tràm

Soạn bài Đi trong hương tràm | Ngắn nhất Soạn văn 10 Cánh diều

Khổ 1: Khung cảnh thiên nhiên

Khổ 2: Hương tràm trong niềm thương nỗi nhớ của những người yêu nhau

Khổ 3: Thiên nhiên, cảnh vật trong mùa hoa tràm

Khổ 4: Hương tràm trong tâm trí con người

5. Giá trị nội dung tác phẩm Đi trong hương tràm

- Bức tranh Đồng bằng sông Cửu Long đầy sắc hương 

- Khung cảnh sinh hoạt nơi sông nước

- Tình cảm nhớ thương của người đi xa khi nhớ về nhà

6. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Đi trong hương tràm

- Biện pháp so sánh, nhân hóa, điệp từ điệp ngữ được sử dụng hiệu quả

- Ngôn ngữ thơ trong sáng thiết tha

III, Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Đi trong hương tràm

1. Khung cảnh thiên nhiên

- Khung cảnh đẹp đẽ, thơ mộng

+ Gió mây

+ Hoa tràm e ấp – vòm lá

=>  Khung cảnh nên thơ trữ tình

- Nhân hóa “mây trời tỏa bay” 

=> Ước mơ khát vọng của con người sông nước

2. Hương tràm trong niềm thương nỗi nhớ của những người yêu nhau

- Không gian , thời gian

+ Xa cách bao lâu

+ Gió mây đổi hướng thay màu

+ Trái tim em không trao a nữa

- Tình cảm: hương tràm – ta bên nhau

=>  Hương tràm kết nối, nâng đỡ tâm hồn, cảm xúc của những người yêu nhau

3. Thiên nhiên, cảnh vật trong mùa hoa tràm

- Thiên nhiên mang đậm hương vị Đồng bằng sông Cửu Long

+ Gió thổi

+ Trời cao

+ Cánh đồng rộng

- Tâm trạng con người

- Nỗi nhớ thương hương tràm còn mà người không còn

=> Biện pháp liệt kê nhấn mạnh vào nỗi nhớ thương da diết của nhân vật trữ tình

4. Hương tràm trong tâm trí con người

- Điệp từ: “Anh vẫn” 3 lần

- Liệt kê: Bóng tràm, lá tràm, hương tràm

=> Hương tràm đã ăn sâu vào tâm trí của con người nơi đây, dù có cách xa thì “em” cùng hương tràm vẫn mãi luôn gắn bó và trở thành nỗi nhớ trong “anh”

 

IV. Các đề văn mẫu

Đi trong hương tràm - Báo Khánh Hòa điện tử

Đề bài: Phân tích bài Đi trong hương tràm

Bài tham khảo 1

“Đi trong hương tràm” của Hoài Vũ là một trong những bài thơ đi cùng năm tháng. Với giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, bài thơ bộc bạch cảm xúc của nhân vật trữ tình – người con trai với nỗi nhớ “em” da diết. Mỗi lần “đi trong hương tràm” là mỗi lần hình bóng “em” lại ùa về trong nỗi nhớ của anh. Bởi hương tràm luôn gắn bó với “em”, nên nhìn cảnh lại nhớ đến người. Nỗi nhớ tình yêu gắn kết những tâm hồn xa cách. Chính những điều trên, đã tạo thành nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Đi trong hương tràm. Điều đó, được thể hiện cụ thể qua đoạn thơ sau:

“Em gửi gì trong gió trong mây…Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao…”

Trong thời chống Mỹ ở Long An, có lần nhà thơ Hoài Vũ đã tận mắt chứng kiến tấm gương hi sinh vô cùng anh dũng của một nữ chiến sĩ giao liên vùng Đồng Tháp Mười, nơi có đồng tràm mênh mông bên dòng sông Vàm Cỏ Tây. Sau ngày giải phóng, nhà thơ có dịp trở lại chiến trường xưa, chợt nhớ về hình ảnh cô giao liên hi sinh ngày ấy, ông cảm xúc viết bài thơ này. Bài thơ “đi trong hương tràm” được trích trong tập thơ “Tuyển tập thơ Việt Nam”.

Bài thơ là một lời độc thoại triền miên không dứt. Những hồi ức, những kỉ niệm về một tình yêu da diết, nỗi nhớ mênh mông… Nỗi buồn dường như xóa nhòa cả ranh giới giữa quá khứ và hiện tại, bao trùm lên cả không gian và thời gian… Tất cả đều trang nghiêm và lặng lẽ như một khúc tưởng niệm. Hình như người còn sống đang cố gắng huy động khả năng cảm nhận của các giác quan để dựng lại chân dung của người đã khuất từ trong tất cả những cái vô hình và hữu hình ở thế giới xung quanh:

“Em gửi gì trong gió trong mâyÐể sáng nay lên Vàm Cỏ TâyHoa tràm e ấp trong vòm láMà khắp nơi mây hương tỏa bay!”

Người đang sống lắng nghe trong gió, dõi nhìn theo mây để trò chuyện với người đã khuất về những điều chỉ có hai người mới có thể chia sẻ cho nhau, đó là những điều riêng tư thầm kín đã được hình tượng hóa thanh hoa tràm e ấp trong vòm lá. Hoa là biểu tượng của cái đẹp, nhưng rất phù du. Lá là biểu tượng của tuổi xuân và sự sống, nhưng cũng không thể vĩnh cửu. Dường như nỗi đau mất mát khiến cho cả gió và mây, hoa, lá … cũng ngơ ngác, thẫn thờ. Nhưng có lẽ chính trong nỗi đau tận cùng ấy, vẻ đẹp của một tình yêu chung thủy đã thăng hoa thành giá trị tinh thần bất tử:

“Mà khắp trời mây hương tỏa bay!”

Hình như toàn bộ không gian, thời gian đây đều thấm đẫm nỗi xót thương, nhung nhớ, thổn thức… để tạo nên sự giao hòa âm dương thiêng liêng và bí ẩn.

Một loạt các mệnh đề phủ định được dùng để khẳng định lòng chung thủy của tình yêu:

“Dù đi đâu dù xa cách bao lâuDù gió mây kia đổi hướng thay màuDù trái tim em không trao anh nữa”

Dù cuộc chia li là vĩnh viễn, dù thiên nhiên đổi thay thất thường, dù trái tim em đã thuộc về một thế giới khác vô hình, vô ảnh, …; nhưng sức mạnh bí ẩn của tình yêu đã biến tất cả những cái không thể ấy thành cái có thể:

“Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”.

Cái thoáng qua của gió, của hương mơn man dịu dàng biết bao. Thiên nhiên hay tình yêu đã an ủi con người trong những khoảnh khắc cô đơn, chòng chành, hụt hẫng? Tình yêu đã thăng hoa thành hương tràm hay hương tràm là dư vị của một mối tình dang dở? Chỉ biết rằng hương tràm là cái sẽ còn mãi, mãi mãi là chứng nhân cho một tình yêu cao đẹp.

“Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâuCó nỗi thương đau có niềm hy vọng”

Hay câu thơ được ngắt nhịp khác nhau (5/3 và 4/4) dường như để tô đậm một nỗi đau không gì là bù đắp nổi: những con gió nối tiếp nhau như xoáy vào trái tim trống vắng cô đơn nhưng trong nỗi đau ấy dường như lại tiềm tàng một sức mạnh kì diệu, nó giúp cho con người không bị gục ngã trong tuyệt vọng bởi chính cái hào quang của một tình yêu cao thượng.

Dù biết rằng khi phải đối mặt với sự thật, nhất là sự thật về những mất mát là rất khó khăn:“Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng

Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?”

Bầu trời và cánh đồng là những sự vật lớn trong thiên nhiên, tồn tại vĩnh cửu, có thể quan sát được. Nhưng bầu trời và cánh đồng thì quá cao và rộng, nó khiến cho con người có mặc cảm bé nhỏ, lạc loài, bơ vơ. Hương tràm thì vô hình, không thể nhìn thấy, nhưng có thể cảm nhận bằng linh cảm của tình yêu. Hương tràm cũng tồn tại vĩnh viễn cùng bầu trời và cánh đồng. Như vậy, tất cả vẫn đang hiện hữu, chỉ trừ em. Ý thơ trên, làm ta chợt nhớ đến câu thơ của Vũ Cao trong bài Núi đôi:

“Núi vẫn đôi mà anh mất em”

Có thể nói, sự mất mát trong tình yêu lứa đôi ở bài thơ “Đi trong hương tràm” đã trở thành nỗi ám ảnh không nguôi trong trái tim của người đang sống:

“Dù đi đâu và xa cách bao lâuAnh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngátAnh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mátAnh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao…”

Dù sự thật là em đã vĩnh viễn đi xa, nhưng tình yêu mà em dành cho anh và anh dành cho em vẫn nguyên vẹn và tinh khôi như buổi ban đầu bằng cấu trúc câu “Anh vẫn có … anh vẫn thấy … Anh vẫn nghe …” trong cái màu xanh thanh xuân vô tận của bóng tràm bát ngát, lá tràm xanh mát, hương tràm xôn xao, … Tất cả những gì thuộc về em đã được hóa thân thiêng liêng và gần gũi biết chừng nào?

Bài thơ kết thúc bằng một điệp khúc khẳng định “anh vẫn …” giống như tiếng vọng của một lời thề giao hòa giữa hai cõi âm dương … Lời thề ấy vừa rất hiện thực, lại vừa vô cùng bí ẩn, mơ hồ,… Phải chăng đó mới chính là nỗi ám ảnh không chỉ vì mất một người yêu cụ thể, tan vỡ một mối tình cụ thể, mà cao hơn đó là lẽ sống hướng về cái tận thiện tận mĩ của những con người có trái tim vô cùng nhạy cảm trước thiên nhiên, cuộc sống và thủy chung với tình yêu.

Bằng thể thơ tự do, ngôn từ mộc mạc gần gũi, nhà thơ Hoài Vũ đã vẽ ra trước mắt người đọc một mối tình trong sáng, giản dị nhưng sâu sắc, chân thành không kém phần da diết. Giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, cách ngắt nhịp biến đổi linh hoạt, khắc họa tâm tư, tình cảm của nhà thơ nhớ về người con gái ấy khi đi trong hương tràm. Tác giả vận dụng rất thành công nhiều biện pháp tu từ: điệp cấu trúc, điệp từ, điệp ngữ, câu hỏi tu từ, … làm cho bài thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, giàu cảm xúc.

Qua bài thơ “Đi trong hương tràm”, thế hệ trẻ chúng ta nhận thấy sự hi sinh to lớn của thế hệ cha ông đi trước. Họ chiến đấu, sẵn sàng hi sinh, quên đi hạnh phúc cá nhân. Tình yêu quê hương đất nước quá đỗi thiêng liêng, để rồi sau chiến tranh, nhân vật trữ tình, đi trong hương tràm nhớ về người con gái mình yêu. Tình yêu của họ quá đỗi chân thành, trong sáng và cao thượng. Là thế hệ trẻ ngày nay, chúng ta cần phải có trách nhiệm kế thừa và phát huy vẻ vang lịch sử dân tộc, yêu nước, cố gắng học tập để dựng xây đất nước, xứng đáng với sự hi sinh của người đi trước.

Tóm lại, bốn khổ thơ, mỗi khổ thơ đều quấn quyện hương tràm, tưởng như cả bài thơ ngập trong cái hương tràm xôn xao kia. Khổ thứ nhất “khắp trời mây hương tỏa bay”, khổ thứ hai “một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”, khổ thứ ba “hương tràm bên anh mà em đi đâu?”, khổ thứ tư “anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao”. Mỗi khổ thơ là một khổ hương tràm, một sắc thái của hương tràm và một nỗi niềm của tác giả, của nhân vật trữ tình, của nhân vật “anh”. Tất cả đều đắm say trong hương tràm, trong tình em. Bài thơ vì thế mà trở thành ấn tượng sâu sắc, thiết tha trong lòng người về một tình yêu đẹp, về cảnh sắc thiên nhiên Nam Bộ thân thương, gần gũi, thấm đẫm tình người.

Bài tham khảo 2

Nhà thơ Hoài Vũ quê gốc ở Quảng Ngãi. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ, ông tích cực tham gia hoạt động văn học ở miền Nam. Các sáng tác của ông thường lọt vào 'mắt xanh' của nhiều nhạc sĩ. Trong đó, tiêu biểu nhất là tác phẩm 'Đi trong hương tràm'. Với những đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật, bài thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm cho độc giả.

Đúng như tên nhan đề, xuyên suốt trong 'Đi trong hương tràm' là hình ảnh hoa tràm tỏa hương. Mỗi lần nhân vật trữ tình nhắc đến 'hương tràm', hình bóng 'em' sẽ xuất hiện. Có thể nói, hương tràm gắn bó sâu sắc với 'em', trở thành biểu tượng chính của tác phẩm.

Đọc bài thơ, ta thấy đây giống như lời độc thoại kéo dài không dứt. Lời độc thoại ấy được cất lên từ cảm xúc thương nhớ da diết của nhân vật trữ tình, người xưng 'anh'. Những hồi ức sâu xa, những nỗi buồn mênh mông gắn liền với hình ảnh hoa tràm cứ thế được gợi ra. Trước hết, ta bắt gặp cảnh tượng:

'Em gửi gì trong gió trong mâyĐể sáng nay lên Vàm Cỏ TâyHoa tràm e ấp trong vòm láMà khắp trời mây hương tỏa bay!'

Tác giả đã cảm nhận sự vật bằng các giác quan. Từ hình ảnh thiên nhiên, người 'anh' khéo léo gửi gắm tâm sự riêng tư của bản thân tới 'em'. Mở đầu là 'gió', 'mây' rồi 'hoa tràm' và 'vòm lá'. Sau những lớp lá xanh tươi, hoa tràm đang e ấp, thẹn thùng khoe sắc. Hoa mang trong mình vẻ đẹp thanh khiết, tinh khôi. Càng ngắm nhìn cảnh vật quanh mình, nhân vật trữ tình càng cảm thấy bồi hồi. Dường như, những điều thầm kín tự sâu trong nỗi lòng đã hòa với cảnh vật 'Mà khắp trời mây hương tỏa bay!'. Giờ đây, toàn bộ không gian, thời gian, sự vật đã thấm đẫm nỗi nhớ thương của con người. Cảm xúc ấy tiếp tục được khắc họa qua:

'Dù đi đâu dù xa cách bao lâuDù gió mây kia đổi hướng thay màuDù trái tim em không trao anh nữaMột thoáng hương tràm cho ta bên nhau'

Điệp từ 'dù' lặp đi lặp lại ở đầu ba câu thơ chính là lời khẳng định, 'tuyên thệ' cho tấm lòng chung thủy trong tình yêu của 'anh'. Dù vạn vật đổi thay, dù lòng 'em' không thể trao cho 'anh' nhưng chắc chắn một điều, tình cảm đôi ta vẫn mãi trường tồn. Một lần nữa, hình ảnh 'hoa tràm' lại xuất hiện bên cạnh hình bóng 'em'. Phải chăng, hương tràm chính là dư vị ngọt ngào của một mối tình dở dang? Phải chăng, tình yêu ấy được bao bọc bởi 'một thoáng hương tràm' kia?

Cô đơn đứng giữa thế gian rộng lớn, nhân vật trữ tình không khỏi cảm thấy xót xa, hụt hẫng:

'Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâuCó nỗi thương đau có niềm hi vọng

Với cách ngắt nhịp khác nhau 5/3, 4/3, giọng thơ chậm rãi, hai câu thơ đầu như muốn nhấn mạnh vào nỗi đau trong lòng con người. Nỗi đau ấy giống cơn gió thổi sâu, xoáy sâu vào tâm trạng 'anh'. Nó biến tình yêu đôi ta thành sự xót xa nhưng đồng thời, tạo nên sức mạnh nâng đỡ và cổ vũ con người hãy sống xứng đáng với tình cảm ấy.

Thiên nhiên cao rộng, trống trải tiếp tục được tác giả phác họa qua câu thơ:

'Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộngHương tràm bên anh, mà em đi đâu'

'Bầu trời', 'cánh đồng' là những thứ luôn tồn tại vĩnh hằng trong đất trời, là đại diện cho sự rộng lớn, mênh mông. Đối diện với hai không gian này, nhân vật trữ tình không khỏi cảm thấy lẻ loi, hiu quanh. Nếu trước kia, anh có 'hương tràm', có 'em' cạnh bên thì bây giờ, anh lại một mình bơ vơ với 'hương tràm'. Giống như bầu trời và cánh đồng, hương tràm vẫn luôn hiện hữu, duy chỉ có 'em' là không. Câu hỏi tu từ 'Hương tràm bên anh, mà em đi đâu' vừa là lời độc thoại mà nhân vật trữ tình tự hỏi mình, vừa là câu hỏi tha thiết mà 'anh' hướng tới 'em'. Sau tất cả, nỗi ám ảnh nghịch lí còn - mất, nỗi ám ảnh về sự cô đơn đã khắc sắc trong tâm trí nhân vật trữ tình.

Cuối cùng, vượt lên mọi thứ, người 'anh' mạnh mẽ bày tỏ tấm lòng của bản thân:

'Dù đi đâu và xa cách bao lâuAnh vẫn có bóng em, giữa bóng tràm bát ngátAnh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mắtAnh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao.'

Câu thơ 'Dù đi đâu và xa cách bao lâu' tiếp tục được nhắc lại lần thứ hai đã nhấn mạnh vào tình cảm sắt son, bền chặt của nhân vật trữ tình. Dù thời gian, khoảng cách có cách trở xa xôi thì 'anh' mãi nhớ tới 'em'. Điệp từ 'anh vẫn' đặt ở đầu câu giống như lời hứa, lời thề về tình yêu mà anh dành cho em. Tất cả những gì gắn với mối tình tinh khôi của đôi ta sẽ luôn vĩnh hằng. Giờ đây, hình bóng 'em' đã hóa thân vào bóng tràm, lá tràm và hương tràm, biến thành loài cây mãi tươi tốt, xanh tươi và nảy nở theo thời gian. Để rồi, mỗi lần nhìn thấy cây tràm, 'anh' lại nghĩ đến 'em' và kỉ niệm đôi ta. Như vậy, tình yêu giữa 'anh' và 'em' là bất tử, không gì chia cắt.

Bằng hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc; ngôn ngữ trong sáng, mộc mạc, nhà thơ Hoài Vũ đã dựng lên một bức tranh thiên nhiên có hương tràm là hình ảnh trung tâm. Thông qua đó, khéo léo bộc lộ tình cảm nhớ thương sâu sắc của nhân vật trữ tình. Ngoài ra, việc sử dụng thành công biện pháp điệp ngữ 'dù', 'anh vẫn' cũng góp phần diễn tả cảm xúc, tâm trạng ở người 'anh'.

Với bốn khổ thơ ngắn gọn, 'Đi trong hương tràm' dễ dàng đi sâu vào tâm trí nhiều độc giả. Đọc bài thơ, ta cảm nhận được cái dư vị sâu lắng của một tình yêu dang dở, của một mối tình không trọn vẹn. Mong rằng, những vần thơ da diết trong tác phẩm sẽ luôn tỏa sáng rực rỡ theo dòng chảy thời gian.

1 68 lượt xem