Lý thuyết KHTN 8 ( Cánh diều 2024) Bài 15: Tác dụng của chất lỏng lên vật nhúng trong nó

Tóm tắt lý thuyết Bài 15: Tác dụng của chất lỏng lên vật nhúng trong nó sách Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều ngắn gọn, chính xác sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt KHTN 8.

1 82 lượt xem


Khoa học tự nhiên 8 Bài 15: Tác dụng của chất lỏng lên vật nhúng trong nó

A. Lý thuyết KHTN 8 Bài 15: Tác dụng của chất lỏng lên vật nhúng trong nó

I. Lực đẩy của chất lỏng lên vật đặt trong nó

- Khi một vật được đặt trong chất lỏng, nó sẽ chịu một lực hướng thẳng đứng từ dưới lên, được gọi là lực đẩy Archimedes.

- Nội dung định luật Archimedes: Lực đẩy Archimedes mà chất lỏng tác dụng lên vật đặt trong nó có độ lớn bằng trọng lượng phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ.

Công thức: FA = d.V

Trong đó:

+ d là trọng lượng riêng của chất lỏng (N/m3).

+ V là thể tích phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ (m3) hoặc phần thể tích vật chìm trong chất lỏng (m3).

+ FA là độ lớn lực đẩy Archimedes (N).

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 15: Tác dụng của chất lỏng lên vật nhúng trong nó

II. Điều kiện định tính để một vật nổi hay chìm trong trong một chất lỏng

Nếu thả vật vào trong chất lỏng thì:

- Vật nổi lên khi khối lượng riêng của vật nhỏ hơn khối lượng riêng của chất lỏng.

- Vật lơ lửng trong chất lỏng khi khối lượng riêng của vật bằng khối lượng riêng của chất lỏng.

- Vật chìm xuống khi khối lượng riêng của vật lớn hơn khối lượng riêng của chất lỏng.

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 15: Tác dụng của chất lỏng lên vật nhúng trong nó

B. Bài tập trắc nghiệm KHTN 8 Bài 15: Tác dụng của chất lỏng lên vật nhúng trong nó

Câu 1: Lực đẩy Acsimét phụ thuộc vào các yếu tố

A. trọng lượng riêng của vật và thể tích của phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ.

B. trọng lượng riêng của chất lỏng và thể tích của vật.

C. trọng lượng của chất lỏng và thể tích của phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ.

D. trọng lượng riêng của chất lỏng và thể tích của phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ.

Đáp án đúng là D

Lực đẩy Acsimét phụ thuộc vào các yếu tố trọng lượng riêng của chất lỏng và thể tích của phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ.

Câu 2: Phát biểu nào sau đây đúng khi nói về tác dụng lực đẩy của chất lỏng lên vật đặt trong nó.

A. Lực có hướng thẳng đứng lên trên.

B. Lực có hướng thẳng đứng xuống dưới.

C. Lực xuất hiện theeo mọi hướng.

D. Một hướng khác.

Đáp án đúng là A

Lực đẩy của chất lỏng tác dụng lên vật có hướng thẳng đứng từ dưới lên.

Câu 3: Một vật nặng 50 kg đang nổi trên mặt chất lỏng. Lực đẩy Ác-si-mét tác dụng lên vật bằng:

A. lớn hơn 500 N.

B. bằng 500 N.

C. nhỏ hơn 500 N.

D. Không xác định được.

Đáp án đúng là B

Một vật đang nổi một phần trên mặt chất lỏng. Lực đẩy Ác-si-mét tác dụng lên vật bằng trọng lượng vật: FA= P = 10.m = 500 N.

 Câu 4: Một vật ở trong nước chịu tác dụng của những lực nào?

A. Lực đẩy Acsimét.

B. Lực đẩy Acsimét và lực ma sát.

C. Trọng lực.

D. Trọng lực và lực đẩy Acsimét.

Đáp án đúng là D

Một vật ở trong nước thì chịu tác dụng của lực đẩy Acsimét và trọng lực.

Câu 5: Một quả cầu bằng sắt treo vào 1 lực kế ở ngoài không khí lực kế chỉ 1,7 N. Nhúng chìm quả cầu vào nước thì lực kế chỉ 1,2 N. Lực đẩy Acsimét có độ lớn là

A. 1,7 N.

B. 1,2 N.

C. 2,9 N.

D. 0,5 N.

Đáp án đúng là D

Lực đẩy Acsimét có độ lớn là 1,7 – 1,2 = 0,5 N.

Câu 6: Phát biểu nào sau đây đúng?

A. Lực đẩy Ác-si-mét tác dụng lên một vật nhúng trong chất lỏng bằng trọng lượng của vật.

B. Lực đẩy Ác-si-mét tác dụng lên một vật nhúng trong chất lỏng bằng trọng lượng của chất lỏng.

C. Lực đẩy Ác-si-mét tác dụng lên một vật nhúng trong chất lỏng bằng trọng lượng phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ.

D. Lực đẩy Ác-si-mét tác dụng lên một vật nhúng trong chất lỏng bằng trọng lượng của phần vật nằm dưới mặt chất lỏng.

Đáp án đúng là C

Lực đẩy Acsimét có độ lớn bằng trọng lượng của phần chất lỏng mà vật chiếm chỗ.

Câu 7: Hai quả cầu được làm bằng đồng có thể tích bằng nhau, một quả đặc và một quả bị rỗng ở giữa (không có khe hở vào phần rỗng), chúng cùng được nhúng chìm trong dầu. Quả nào chịu lực đẩy Acsimet lớn hơn?

A. Quả cầu đặc.

B. Quả cầu rỗng.

C. Lực đẩy Acsimet tác dụng lên hai quả cầu như nhau.

D. Không so sánh được.

Đáp án đúng là C

Ta có lực đẩy ác-si-mét: FA = d.V, trong đó:

+ d: trọng lượng riêng của chất lỏng

+ V: thể tích phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ

Ở đây ta có thể tích của 2 quả cầu như nhau và đều được nhấn chìm trong dầu.

 Độ lớn lực đẩy ác-si-mét do dầu tác dụng lên 2 quả cầu là bằng nhau.

 Câu 8: Móc 1 quả nặng vào lực kế ở ngoài không khí, lực kế chỉ 30 N. Nhúng chìm quả nặng đó vào trong nước số chỉ của lực kế thay đổi như thế nào?

A. Tăng lên.

B. Giảm đi.

C. Không thay đổi.

D. Chỉ số 0.

Đáp án đúng là B

Nhúng chìm quả nặng đó vào trong nước số chỉ của lực kế giảm đi vì trong nước vật chịu thêm tác dụng của lực đẩy Archimedes có phương thẳng đứng, chiều hướng lên.

Câu 9: Trong công thức lực đẩy Acsimet FA = d.V. Các đại lượng d, V là gì? Hãy chọn câu đúng.

A. d là trọng lượng riêng của vật, V là thể tích của vật.

B. d là trọng lượng riêng của chất lỏng, V là thể tích của vật.

C. d là trọng lượng riêng của chất lỏng, V là thể tích phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ.

D. Một câu trả lời khác.

Đáp án đúng là C

Công thức tính lực đẩy Ác-si-mét:  FA = d.V 

trong đó:

+ d: là trọng lượng riêng của chất lỏng (N/m3).

+ V: thể tích phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ (m3).

Câu 10: Hai thỏi đồng có thể tích bằng nhau, một thỏi được nhúng vào nước, một thỏi được nhúng vào dầu. Thỏi nào chịu lực đẩy Ác si met lớn hơn? Vì sao?

A. Thỏi đồng ở trong dầu chịu lực đẩy Ác si met lớn hơn vì TLR của dầu lớn hơn TLR của nước.

B. Thỏi đồng ở trong nước chịu lực đẩy Ác si met nhỏ hơn vì TLR của nước lớn hơn TLR của dầu.

C. Thỏi đồng ở trong nước chịu lực đẩy Ác si met lớn hơn vì TLR của nước lớn hơn TLR của dầu.

D. Lực đẩy Ác si met tác dụng lên hai thỏi như nhau vì cả hai thỏi cùng chiếm trong chất lỏng một thể tích như nhau.

Đáp án đúng là C

Thỏi đồng ở trong nước chịu lực đẩy Ác si met lớn hơn vì TLR của nước lớn hơn TLR của dầu.

1 82 lượt xem