Tác giả tác phẩm Đường về quê mẹ (Cánh diều 2024) Ngữ văn 8 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Đường về quê mẹ văn lớp 8 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 8. Mời các bạn đón xem:

1 294 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Đường về quê mẹ - Ngữ văn 8

I. Tác giả Đoàn Văn Cừ

loading...

- Nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913 - 2004) quê gốc ở xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông được bạn đọc biết đến từ những bài thơ viết về hội hè, đình đám, chợ tết nông thôn đăng trên báo Ngày nay của nhóm Tự lực văn đoàn. Ông vốn là một giáo viên tiểu học, hay làm thơ và đã từng có tập thơ Thôn ca in từ năm 1939.

- Ông còn có các bút danh khác là Kẻ Sỹ, Cư sỹ Nam Hà, Cư Sỹ Sông Ngọc và ngoài thơ cũng sáng tác văn xuôi.

- Từ năm 1948 đến 1952, ông phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam.

- Từ năm 1955, ông công tác ở Chi hội văn nghệ Liên khu II, sau đó công tác ở NXB Phổ thông. Đến tuổi nghỉ hưu ông về lại quê hương xã Trực Nội, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vui với thú điền viên xưa cũ.

- Ông viết không nhiều. Sau tập Thôn ca I (1939) ông có tập Thôn ca II (1960), NXB Văn học ấn hành. Năm 1979, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh cho in tập Dọc đường xuân tập hợp một số bài thơ của ông.

II. Đọc tác phẩm Đường về quê mẹ

Soạn bài Đường về quê mẹ | Hay nhất Soạn văn 8 Cánh diều

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.

Tôi nhớ đi qua những rặng đề,
Những dòng sông trắng lượn ven đê.
Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,
Người xới cà, ngô rộn bốn bề.

Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,
Đoàn người về ấp gánh khoai lang,
Trời xanh cò trắng bay từng lớp,
Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.

Tà áo nâu in giữa cánh đồng,
Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.
Bóng u hay bóng người thôn nữ
Cúi nón mang đi cặp má hồng.

Tới đường làng gặp những người quen.
Ai cũng khen u nết thảo hiền,
Dẫu phải theo chồng thân phận gái
Đường về quê mẹ vẫn không quên.

III. Tìm hiểu tác phẩm Đường về quê mẹ

1. Thể loại

- Đường về quê mẹ thuộc thể loại: thơ bảy chữ.

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ “Đường về quê mẹ” được trích từ tập “Thơ Mới 1932 – 1945: Tác giả và tác phẩm”, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: miêu tả, biểu cảm, PTBĐ chính: biểu cảm.

4. Tóm tắt Đường về quê mẹ

Bài thơ Đường về quê mẹ tập trung khắc họa những suy tư, dòng hoài niệm của nhân vật “con” khi về quê cùng mẹ, mùa xuân đến, những cành hoa đâm chồi nảy lộc, mẹ lại dẫn con về quê ngoại thăm họ hàng, hình ảnh đẹp của con đường về quê, khung cảnh yên bình, khắc họa hình ảnh mẹ hiền lành, hình ảnh áo nâu và làm việc trên cánh đồng, một người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời, ấy thế mà mỗi lần mẹ dẫn đàn con về quê, tác phẩm đã diễn tả một tâm trạng phấn khích, vui mừng của con mỗi lần về quê với mẹ. Người con đã thể hiện những yêu thương, tình cảm và sự tự hào vô cùng về người mẹ của mình.

5. Bố cục bài Đường về quê mẹ

- Khổ 1: không gian và thời gian khi “tôi” về quê.

- Khổ 2, 4: bức tranh thiên nhiên và con người nơi làng quê.

- Khổ 3, 5: hình ảnh người mẹ trên con đường về quê.

- Khổ 6: những tâm tư, tình cảm của tác giả về nơi cội nguồn.

6. Giá trị nội dung

Văn bản nói về những dòng hoài niệm của người con về những lần cùng mẹ về quê ngoại. Trong kí ức đẹp đẽ ấy, cứ mỗi độ xuân về mẹ lại dẫn đàn con về quê của mẹ, diễn tả được tâm trạng vui mừng, háo hức của người con mỗi lần cùng mẹ về quê ngoại. Đồng thời còn thể hiện tình cảm yêu mến, niềm tự hào của con về vẻ xinh đẹp, nết na của mẹ.

7. Giá trị nghệ thuật

- Miêu tả các hình ảnh thiên nhiên và con người sinh động, tràn đầy sức sống, hiện lên một bức tranh thôn quê với những màu sắc và đường nét được phối hài hòa.

- Ngôn từ giản dị, gần gũi với người đọc.

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Đường về quê mẹ

1. Không gian và thời gian khi “tôi” về quê

- Thời gian: mỗi mùa xuân để nhận họ hàng.

- Không gian: làng quê.

2. Bức tranh thiên nhiên và con người nơi làng quê

loading...

- Nhân vật trữ tình “tôi” nhớ lại những hình ảnh gắn với làng quê đó: rạng đề, dòng sông uốn lượn ven đê, cồn xanh, bãi tía, đường làng, trời xanh, phơi xác lá bàng và cả những người xới cà, ngô bộn bề, đoàn người gánh khoai làng.

=> Ta thấy được thiên nhiên và con người hiện lên đầy vẻ mộc mạc, giản dị đến lạ nhưng cũng đầy thân thương, yên bình của một làng quê, mà khiến cho ai đi đâu cũng nhớ về.

- Cảnh vật vừa sinh động, tràn đầy sức sống, hiện lên như một bức tranh thôn quê với những màu sắc và đường nét được phối hài hòa. Con người nơi đây đang rộn ràng trong khung cảnh lao động quen thuộc: Người xới cà, ngô rộn cánh đồng. Khung cảnh đầy bình yên và ấm áp.

3. Hình ảnh người mẹ trên con đường về quê

- Các hình ảnh tác giả khắc họa về người mẹ trên con đường về quê: thúng cắp bên hông, nón đội đầu, khuyên vàng, áo thắm, áo the nâu, mắt sáng, môi hồng, má đỏ au, bóng u hay bóng người thôn nữ.

=> Người mẹ được hiện lên qua bài thơ thật đẹp nhưng cũng thật bình dị, gần gũi. Đó là hình ảnh người phụ nữ xưa với vẻ đẹp truyền thống. Qua lời thơ hình ảnh ấy lại càng hiện lên rõ nét, người mẹ đẹp cái đẹp của làng quê gắn với hình ảnh cô thôn nữ như tác giả so sánh.

4. Những tâm tư, tình cảm của tác giả về nơi cội nguồn

- Tác giả đã ngầm thể hiện sự biết ơn quá khứ, biết ơn người mẹ.

- Bài thơ đã diễn tả được tâm trạng vui mừng, háo hức của nhà thơ mỗi lần cùng mẹ về quê ngoại.

=> Ta thấy được tình cảm gắn bó của tác giả đối với quê hương, và sự yêu mến, niềm tự hào của người con về vẻ xinh đẹp, đằm thắm của người mẹ.

V. Các đề văn mẫu

Soạn bài Đường về quê mẹ| Văn 8 tập 1 cánh diều

Đề bài 1: Đoạn văn cảm nhận bài thơ Đường về quê mẹ 

Bài thơ Đường về quê mẹ gợi cho người đọc nhiều cảm xúc. Qua sáu khổ thơ, tác giả đã gửi gắm tình yêu quê hương, cũng như nỗi niềm nhớ thương người mẹ. Mở đầu bài thơ là tiếng gọi “U tôi” vang lên sao mà thật thân thương, tình cảm. Sau đó, tác giả kể về những kỉ niệm thơ ấu. Vào mỗi mùa xuân, tôi được mẹ đưa về thăm quê. Con đường về quê hiện lên với những hình ảnh đầy quen thuộc, gần gũi. Đó là dặm liễu, rặng đề nơi ven đường. Cảnh sắc thiên nhiên lúc này thật tươi đẹp với áng mây trắng ngần, dòng sông trắng lượn ven đê. Cả những cồn xanh, bãi mía bạt ngàn, nhấp nhô bóng người đang xới cà, ngô rộn. Hình ảnh “u tôi” hiện lên dù đã đứng tuổi nhưng vẫn không khác gì thời con gái với thúng cắp bên hông, đầu đội nón lá, đeo khuyên vàng, mặc yếm thắm, áo the nâu. Dường như tuổi tác cũng không thể làm mất đi nét hồng hào ở u - mắt sáng, môi hồng, má đỏ au. Đến hai khổ thơ cuối, người đọc thấy được thấy những hoài niệm của nhân vật “tôi” về người mẹ. Tà áo nâu cùng chiếc nón lá, u “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Dưới gió chiều bụi mịt mù, bóng lưng chăm chỉ làm tác giả phân vân không biết là của mẹ hay của thiếu nữ nào. Trên con đường về quê, “tôi” gặp lại những người quen, được nghe lời khen về u mà lòng thấy hãnh diện vô cùng.

Đề bài 2: Phân tích Đường về quê mẹ (ngắn gọn)

Hoài Thanh đã viết: “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ'. Câu nói đã như một lời khẳng định Đoàn Văn Cừ luôn hướng ngòi bút của mình tới quê hương, và “Đường về quê mẹ” là một trong số tác phẩm như thế.

Chỉ với sáu khổ thơ, tuy không dài nhưng cũng không ngắn nhưng cũng đã đủ thể hiện tình cảm yêu thương về quê hương, đặc biệt về mẹ của tác giả. Trong sáu khổ thơ, hai khổ thơ đầu của bài đã thể hiện rõ nỗi nhớ về quê hương và kỉ niệm về con đường về quê cùng mẹ.

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,

Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,

Lại dẫn chúng tôi về nhận họ

Bên miền quê ngoại của hai thân.

Tôi nhớ đi qua những rặng đề,

Những dòng sông trắng lượn ven đê.

Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,

Người xới cà, ngô rộn bốn bề.

“U tôi”, một tiếng gọi thân thương cũng như một lời khẳng định. Vào mỗi mùa xuân, u sẽ đưa tôi về quê ngoại, nhận lại họ hàng và thăm mọi người ở quê. Có con đường nào đẹp bằng con đường về quê, nơi có người luôn yêu thương và chờ đợi ta. Con đường về quê luôn đẹp với những rặng liễu, rặng đề ven đường, trời trong xanh với những áng mây trắng bay. Đường về quê luôn có dòng sông trắng uốn lượn chào đón, luôn có những cồn xanh bãi tía cùng người nông dân bộn bề việc nông. Quang cảnh tả thực chứ không hề tô vẽ, phóng đại. Tuy nhiên, cái đẹp của quang cảnh cũng không thể nào sánh được với vẻ đẹp của u.

Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,

Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu

Trông u chẳng khác thời con gái

Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.

U chính là đại diện cho những nét đẹp của người con gái Việt Nam thời xưa. Dù đã lớn tuổi nhưng u vẫn không khác gì thời con gái với thúng cắp bên hông, đầu đội nón lá, đeo khuyên vàng, mặc yếm thắm, áo the nâu. Tuổi tác cũng không che được những nét hồng hào ở u. Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au, tất cả đã làm bừng sáng cả bài thơ. Đối với tác giả, với cương vị là người con và dưới con mắt đa tình của nhà thơ, u luôn đẹp, luôn trẻ, luôn hiện hữu bên cạnh mình, để chỉ cần nhấc bút là có thể vẽ lên mẹ trên những vần thơ.

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,

Đoàn người về ấp gánh khoai lang,

Trời xanh cò trắng bay từng lớp,

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.

Tuy nhiên, sự thật vẫn luôn là sự thật. Ở khổ thơ bốn, tác giả đã mượn cảnh đông vui của làng quê để che giấu đi nỗi buồn, nỗi cô đơn trong lòng mình. Dù con đường về quê vẫn vậy, dù cảnh sắc thiên nhiên vẫn thế, nhưng mùa xuân này, tác giả lại về quê một mình. Thời gian cứ trôi, con người vẫn luôn miệt mài trong cuộc sống của họ, những hình ảnh bình dị về quê hương như những buổi chiều mát, con đường đón nhận những tia nắng vàng cùng đoàn người gánh khoai lang ra về. Tất cả vẫn còn hiện hữu, chỉ có người cùng mình về quê mỗi mùa xuân là không còn. Mùa xuân đến cũng là lúc lá bàng lìa khỏi cây. “Xác lá bàng” ở đây chỉ là cái lá rụng rơi trên mặt đất còn hồn lá bàng đã đi theo sự tan biên của mùa đông. Qua hình đó, tác giả đã thể hiện sự biết ơn và nỗi nhớ về mẹ.

Tà áo nâu in giữa cánh đồng,

Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.

Bóng u hay bóng người thôn nữ

Cúi nón mang đi cặp má hồng.

Tới đường làng gặp những người quen.

Ai cũng khen u nết thảo hiền,

Dẫu phải theo chồng thân phận gái

Đường về quê mẹ vẫn không quên.

Hai khổ thơ cuối đã cho ta thấy những hoài niệm của tác giả về u. Không chỉ mang nét đẹp ngọt ngào, dịu dàng mà còn mang nét đẹp lao động cần mẫn, chăm chỉ. Tà áo nâu cùng chiếc nón lá, u “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Dưới gió chiều bụi mịt mù, bóng lưng chăm chỉ làm tác giả phân vân không biết là của mẹ hay của thiếu nữ nào. Còn gì vui hay tự hào khi về quê, nghe được những lời khen ngợi về gia đình. Cũng chính vì nết na, thảo hiền, lại chăm chỉ, biết lẽ đúng, u luôn được người làng khen ngời hết lời. U không chỉ là đại diện cho nét đẹp thời xưa của con gái Việt Nam mà còn là biểu tượng đẹp nhất trong lòng con.

Với ngôn từ giản dị, với những nét bút tả thực, hình ảnh làng quê cùng người mẹ đã hiện lên thật đẹp và ý nghĩa. Có thể nói, với mỗi nhà thơ, nhà văn, việc viết lên trang giấy những dòng chữ cùng chính là cách mà họ lưu giữ lại những kỉ niệm, những điều mà họ muốn giữ lại đến muôn đời, và mẹ cùng đường về quê mẹ chính là thứ mà Đoàn Văn Cừ muốn lưu giữ cho bản thân mình.

1 294 lượt xem