Tác giả tác phẩm Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI (Cánh diều 2024) Ngữ văn 8 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI Ngữ văn lớp 8 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 8. Mời các bạn đón xem:

1 120 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI - Ngữ văn 8

I. Đọc tác phẩm Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI

loading...

Không chỉ Đồng bằng sông Cửu Long mà còn rất nhiều khu vực ven biển khác trên thế giới đang phải đối diện với hệ quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Một trong những tác động có tính lâu dài và quy mô rộng lớn của biến đổi khí hậu là hiện tượng nước biển dâng. Làm thế nào để con người thích ứng một cách có hiệu quả là một trong những bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI.

Thay đổi mực nước biển và nguyên nhân.

Hình thành từ hàng triệu năm trước, biển và đại dương đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Biển và đại dương tạo ra hơn một nửa nguồn oxi mà chúng ta thở hằng ngày, cung cấp một nguồn hải sản đa dạng, giúp vận chuyển 3/4 hàng hoá tiêu dùng, và chứa đựng trong lòng nó nguồn tài nguyên thiết yếu như dầu mỏ. Liên hợp quốc ước tính có chừng 40% dân số cư ngụ gần biển, với 600 triệu người sinh sống trong khu vực cao hơn mực nước biển từ 10 mét trở xuống. Việt Nam có 28 trên tổng số 64 tỉnh thành ven biển, với đường bờ biển dài hơn 3000 ki-lô-mét. Chính bởi vậy, những thay đổi dù nhỏ của mực nước biển sẽ có tác động mạnh mẽ tới cuộc sống của chúng ta.

Về diện tích, biển và đại dương bao phủ 72 % bề mặt Trái Đất. Mực nước biển của Trái Đất không phẳng lặng mà luôn có sự lên xuống hằng ngày và hằng giờ, mỗi khu vực có một biên độ khác nhau. Sự thay đổi ấy do tác động đồng thời của nhiều yếu tố, bao gồm thuỷ triều, ảnh hưởng của gió, bão và tác động của khí hậu. Trong khi thuỷ triều hay nước dâng do gió và bão dễ quan sát được bằng mắt thường vì có biên độ lớn, thì sự thay đổi mực nước bởi tác động của khí hậu tương đối khó nhận biết. Thuỷ triều là yếu tố có dao động lớn và tác động thường xuyên nhất đến sự thay đổi của mực nước biển. Dao động thuỷ triều được hình thành do lực hút của Mặt Trăng và Mặt Trời tác động lên Trái Đất, làm khối chất lỏng trên bề mặt nó (biển và đại dương) biến đổi. Khoảng dao động tổng hợp có độ lớn trung bình từ 2 – 3 mét, tuỳ địa điểm dọc bờ biển. Một số nơi như vịnh Phăn-đi (Fundy)–Ca-na-đa (Canada) và cửa sông Xe-vân (Severn) –Anh, biên độ thuỷ triều hằng ngày có thể đạt tới 15 – 16 mét. Ở Biển Đông, mỗi ngày thuỷ triều có hai lần dâng lên đạt đỉnh và hai lần mực nước đạt thấp nhất, được kết hợp từ các thành phần nhật triều' và bản nhật triều có tần số và biên độ khác nhau của sóng biển.

Bên cạnh thuỷ triều, mực nước biển còn bị ảnh hưởng bởi tác động của khối không khí trên mặt biển, đặc biệt là gió. Không chỉ góp phần tạo nên các hoàn lưu và dòng chảy trên biển, gió còn khiến cho mực nước dâng cao hơn hay hạ thấp xuống. Tác động của gió và áp suất khí quyển trở nên rõ ràng nhất khi xảy ra bão.

Khi bão hay áp thấp nhiệt đới hình thành trong vòng vài ngày, mực nước biển nằm gần khu vực cơn bão đi qua cũng tăng tạm thời khoảng 1 – 2 mét. Hiện tượng này còn gọi chung là nước dâng do bão. Ngoài ra, động đất hay va chạm kiến tạo dưới đáy biển cũng có tiềm năng sinh ra sóng thần, là hiện tượng nước biển dâng cao đến vài mét trong ngắn hạn. Ở Đông Nam Á, trận sóng thần năm 2004 ở In-đô-nê-xi-a (Indonesia) đã giết hại hơn 200 000 người.

Không chỉ có gió mạnh của các cơn bão, mực nước biển còn bị thay đổi bởi các loại gió yếu hơn. Trong một nghiên cứu thực hiện cách đây nhiều năm tại Đại học Quốc gia Xin-ga-po (Singapore), chúng tôi thấy rằng gió mùa Đông Bắc trên thực tế làm hạ mực nước biển trung bình ở vịnh Bắc Bộ chừng 10 xăng-ti-mét trong những tháng mùa đông. Mực nước trung bình ở Biển Đông nhìn chung dao động trong khoảng chừng 20 – 30 xăng-ti-mét, chủ yếu do tính chất thay đổi theo mùa của gió, dòng chảy và tác động của các thành phần có chu kì dài của thuỷ triều. Dao động của thủy triều và gió mùa diễn ra đều đặn hằng năm, đã như vậy từ hàng ngàn năm trước và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai với sự thay đổi không đáng kể.

Trong khi đó, nước biển dâng do biến đổi khí hậu diễn ra âm thầm hơn. Sự dâng lên này thường rất nhỏ, chỉ vài mi-li-mét mỗi năm. Do đó, rất khó nhận biết trực tiếp bằng mắt thường mà không có các đo đạc và quan trắc. Thế nhưng, lượng tăng sẽ trở nên rất đáng kể trong dài hạn vài chục năm. Tầm quan trọng của nước biển dâng là ở chỗ: không giống như thuỷ triều hay nước dâng do bão hết lên rồi lại xuống, lượng tăng lên này là vĩnh viễn và không đảo ngược được. Khi kết hợp với triều cường, chúng sẽ có tác động rất lớn đến tương lai của những nơi có cư dân đông đúc như các thành phố Niu Oóc (New York), Van-cu-vơ (Vancouver), Am-xtéc-đam (Amsterdam), Xit-ni (Sydney), Men-bon (Melboume), Tô-ki-ô (Tokyo), Băng-cốc (Bangkok), Xin-ga-po, Thành phố Hồ Chí Minh,...

Vậy biến đổi khí hậu liên quan thế nào đến nước biểndâng? Trước hết, do nhiệt độ tăng cao, các khối băng tuyết từ Bắc Cực, Nam Cực và các đỉnh núi cao tan ra, chảy ra biển. Dù lượng băng này sẽ tan ra vào mùa hè và được bổ sung vào mùa đông, khí hậu ấm khiến lượng băng tan nhanh hơn và lượng đóng băng giảm đi. Thử đến, nước dâng do hiện tượng dân nở nhiệt của nước biển. Khi nước biển ấm hơn, thể tích sẽ tăng lên, dẫn tới việc mực nước biển sẽ dâng cao hơn. Các nguyên nhân khác gắn với địa vật lí biển và khí hậu, như thay đổi của dao động khí hậu, biến đổi dòng chảy, biến dạng hình Trái Đất,... ...

Mực nước biển sẽ dâng bao nhiêu?

Bằng cách kết hợp nhiều nguồn dữ liệu mực nước đo tại trạm thuỷ triều, từ vệ tinh và những quan sát khác với việc phân tích tinh vi, các nhà khoa học đã tải xây dựng nhiều bản đồ mực nước trung bình của Trái Đất. Các thảo luận do Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) chủ trì đã đưa đến một đánh giá tương đối thống nhất và toàn diện. Theo đó, trong báo cáo đánh giá khoa học mới nhất của IPCC, mực nước biển toàn cầu đã dâng lên hơn 20 xăng-ti-mét từ thời kì cách mạng công nghiệp lần thứ nhất cho đến nay.

Nước biển dâng bao nhiêu trong dài hạn chủ yếu tuỳ thuộc vào tốc độ ấm lên toàn cầu nhanh hay chậm. Do sự tương tác phức tạp trong hệ thống khí hậu, mực nước biển dâng là không đều. Tại một số khu vực, mực nước biển tăng nhanh hơn nơi khác, đặc biệt là quanh hai cực của Trái Đất nơi băng tan ra, và gần “bể nước nóng nhiệt đới” giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, được biết đến là địa điểm hình thành các cơn bão thường xuyên đổ bộ vào Biển Đông của chúng ta.

Mực nước biển dâng ở các giai đoạn khác nhau là không đều nhau. Ngược dòng về quá khứ, đã có những giai đoạn nước biển thấp hơn ngày nay đến 300 – 400 mét, hay cũng có những thời kì mực nước dâng cao hơn cả chục mét so với ngày nay. Có một số giai đoạn nước biển dâng có chững lại, nhưng ngay sau đó lại tăng lên với tốc độ nhanh hơn. Trong những năm gần đây, mực nước biển dâng trung bình khoảng 3 mi-li-mét mỗi năm. Điều đáng nói là việc tăng này có gia tốc, nghĩa là mức tăng của năm sau sẽ cao hơn năm trước. [...]

Theo kịch bản xấu nhất, nước biển trên Trái Đất sẽ dâng lên 86 xăng-ti-mét so với ngày nay. Điều đó cho thấy, nhiều khả năng chúng ta sẽ đối diện với nguy cơ nước biển tăng từ 50 xăng-ti-mét trở lên, lượng tăng hơn gấp đôi so với một thế kỉ trước. Kể cả khi chúng ta chấm dứt hoàn toàn việc thải vào khí quyển khí nhà kính, thì không chỉ nhiệt độ toàn cầu mà cả mực nước biển về dài hạn vẫn tiếp tục tăng chứ không giảm đi. [..]

Lời kết

Trong dài hạn, mực nước biển trung bình toàn cầu liên tục thay đổi. Thời xa xưa, có giai đoạn mực nước biển thấp hơn ngày nay đến vài trăm mét với tốc độ tăng thường rất chậm. Tuy nhiên, sự ra đời cảu các cuộc cách mạng công nghiệp đã khiến cho Trái Đất ấm dần lên. Kéo theo đó là mực nước biển toàn cầu bắt đầu tăng với tốc độ ngày càng nhanh hơn do nhiều nguyên nhân khác nhau: băng tan, dãn nở của nước và các thay đổi trong hệ thống khí hậu Trái Đất. Các đo đạc khoa học từ các trạm thủy triều và ảnh vệ tinh đã chỉ ra tốc độ dâng của nước biển do biến đổi khí hậu chừng 3 mi-li-mét một năm với gia tốc dương. Dự kiến vào cuối thế kỉ tới, mực nước biển sẽ tăng lên trong khoảng 35 – 85 xăng-ti-mét, gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu hàng ngàn tỉ đô la Mỹ với nhiều hệ lụy về phát triển. Tìm giải pháp thích ứng một cách hiệu quả là một trong những bài toán khó nhất mà loài người chúng ta cần hợp tác giải quyết trong thế kỉ này.

II. Tìm hiểu tác phẩm Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI

1. Thể loại

- Văn bản Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI thuộc thể loại văn bản thông tin.

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Theo LƯU QUANG HƯNG, tiasang.com.vn, 25-3-2020.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: thuyết minh.

4. Tóm tắt văn bản

- Sự thay đổi mực nước biển và nguyên nhân.

- Mực nước biển sẽ dâng bao nhiêu?.

- Lời kết.

5. Bố cục văn bản

- Phần 1 (từ đầu đến …biến dạng hình Trái Đất): chỉ ra sự thay đổi mực nước biển và các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó

- Phần 2 (tiếp đến …tăng chứ không giảm đi): Sự dâng của mực nước biển trong những năm gần đây.

- Phần 3 (phần còn lại): lời kết khẳng định việc giải quyết bài toán nước biển dâng.

6. Giá trị nội dung

- Văn bản nói về sự ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng đến cuộc sống con người là bài toán khó cần giải quyết trong thế kỉ XXI.

7. Giá trị nghệ thuật

- Văn bản thông tin trình bày logic, rõ ràng, rành mạch làm tăng hiệu quả diễn đạt thông tin của văn bản.

- Văn bản sử dụng các kênh chữ, kênh hình có sự so sánh trong biểu đồ nhằm tăng tính thuyết phục cho văn bản.

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI

Nước biển dâng: Bài toán khó nhân loại cần giải trong thế kỷ 21

1. Thay đổi mực nước biển và nguyên nhân

- Sa-pô: giúp hình dung, nắm bắt được vấn đề trọng tâm của văn bản đề cập.

- Tác dụng của các số liệu: tăng tính xác thực, giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về tình trạng nghiêm trọng của hiện tượng nước biển dâng sẽ tác động mạnh mẽ như thế nào tới cuộc sống con người.

- Các yếu tố tác động đến sự thay đổi của mực nước biển:

+ Thủy triều: dao động lớn và tác động thường xuyên nhất.

+ Gió, bão: tác động của gió và áp suất khí quyển trở nên rõ ràng nhất khi xảy ra bão. Bão hay áp thấp nhiệt đới hình thành trong vài ngày → nước dâng do bão.

+ Khí hậu: diễn ra âm thầm.

- Sự khác nhau:

+ Do biến đổi khí hậu: diễn ra âm thầm, sự dâng lên thường rất nhỏ, chỉ vài mi-li-mét mỗi năm. Vì vậy, rất khó nhận biết trực tiếp bằng mắt thường mà không có các đo đạc và quan trắc. Lượng nước biển dâng tăng lên là vĩnh viễn và không đảo ngược được.

+ Do các nguyên nhân khác: do tính chất thay đổi theo mùa của gió, dòng chảy và tác động của các thành phần có chu kì dài của thủy triều. Dao động của thủy triều, gió hay do bão diễn ra đều đặn hàng năm nên không có sự thay đổi đáng kể.

2. Mực nước biển sẽ dâng như thế nào?

- Hình 1: Mực nước biển từ năm 1880 đến năm 2000 đã dâng lên đến hơn 0,2 mét (tương đương với 20 xăng-ti-mét)

→ Nước biển dâng phụ thuộc vào tốc độ ấm lên toàn cầu nhanh hay chậm.

- Điểm khác biệt: giai đoạn dâng không đều nhau. Có giai đoạn nước biển dâng chững lại, nhưng ngay sau đó lại tăng lên với tốc độ nhanh hơn. Trong những năm gần đây, mức tăng trung bình khoảng 3 mi-li-mét mỗi năm và việc tăng này có gia tốc, mức tăng của năm sau cao hơn hơn năm trước.

- Văn bản triển khai theo trình từ mức độ quan trọng của hiện tượng, giúp truyền tải thông tin đến người đọc một cách rõ ràng, cụ thể và chính xác → giúp người đọc nắm bắt được những dữ liệu quan trọng về hiện tượng này theo trình tự hợp lí, đầy logic.

3. Lời kết

- Nội dung: tóm gọn lại những thông tin chính trong văn bản, đồng thời chỉ ra mối đe dọa trong tương lai của hiện tượng nước biển dâng khi con người đang trong thời kì cách mạng công nghiệp hóa.

- Thông điệp: muốn con người có ý thức bảo vệ môi trường, cuộc sống của chúng ta.

- Vấn đề đặt ra trong văn bản không chỉ ảnh hướng tới riêng Việt Nam mà còn rất nhiều khu vực ven biển khác trên thế giới đang phải đối mặt.

→ Đặt ra thách thức với con người trong việc tìm hướng giải quyết, khắc phục hiệu quả về hiện tượng nước biển dâng.

- Một số đề xuất:

+ Các giải pháp bảo vệ chú trọng đến các can thiệp vật lý, giải pháp kĩ thuật công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng tường biển, tôn cao các tuyến đê, kè sông, kè biển, xây dựng đập ngăn nước mặn hoặc kênh mương để kiểm soát lũ lụt...

+ Chú trọng về các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái như tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển, đầu tư vào đất ngập nước, bổ sung đất cho các bãi biển, cải tạo các cồn cát ven biển, trồng rừng ngập mặn…

IV. Các đề văn mẫu

Soạn bài Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI SGK Ngữ văn  8 tập 1 Cánh diều - chi tiết | Soạn văn 8 - Cánh diều chi tiết

Đề bài: Từ các văn bản Sao băng, Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI hoặc Lũ lụt là gì? Nguyên nhân và tác hại, hãy viết bài thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên mà em đã chứng kiến ở địa phương mình sinh sống hoặc đã đọc được trên báo chí, sách vở. 

Một trong những vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm nhất hiện nay, đó chính là biến đổi khí hậu. Khi cuộc sống của con người ngày càng phát triển, sự tác động đến môi trường ngày càng lớn, dẫn đến khí hậu sẽ bị biến đổi trên toàn cầu. Đây đang là vấn đề đáng lo ngại không chỉ của riêng một quốc gia nào mà là của toàn nhân loại.

Biến đổi khí hậu có thể hiểu đó là sự thay đổi của khí hậu, âm thầm ngày ngày diễn ra trong một khoảng thời gian, tác động trực tiếp đến khí hậu, đến môi trường sống của loài người cũng như hàng nghìn sinh vật khác trên trái đất. Biến đổi khí hậu có thể là sự nóng lên của trái đất, nước biển dâng cao do hiện tượng băng tan, hay đó là sự thay đổi hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển…Và những thiên tai mà nhân loại đang phải hứng chịu trước mắt đó chính là những thiên tai như động đất, núi lửa, sóng thần… dẫn đến sự thiệt hại vô cùng lớn cho nhân loại.

Vậy nguyên nhân do đâu, vì đâu dẫn đến biến đổi khí hậu? Đầu tiên phải kể đến chính là do sự tác động của con người đến thiên nhiên như chặt phá rừng dẫn đến hệ sinh thái bị mất cân bằng; sử dụng bừa bãi các loại hóa chất, thuốc trừ sâu có hại cho môi trường… rồi chất thải công nghiệp được thải ra từ những nhà máy sản xuất công nghiệp, khói thải ra từ đô thị, giao thông… dẫn đến hiệu ứng nhà kính và sự nóng dần lên của trái đất. Chính con người đang ngày đêm đục khoét, khai thác những nguồn tài nguyên quý giá, làm biến dạng lớp vỏ trái đất. Không chỉ thế, chiến tranh nổ ra liên miên với bom đạn, vũ khí hạt nhân.., cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của chúng ta. Tất cả sẽ như một ngòi nổ dẫn đến sự giận dữ của thiên nhiên, dẫn đến sự diệt vong của trái đất và loài người trong một tương lai không xa.

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những sinh vật trên trái đất, bao gồm cả loài người. Những hiện tượng xảy ra liên tiếp gần đây như bão lũ, sóng thần, động đất, núi lửa… đã làm cho chúng ta phải gánh chịu biết bao đau thương. Chưa kể đến sự xuất hiện ngày càng nhiều của những căn bệnh lạ mà y học thế giới chưa tìm ra nguyên nhân cũng như phương án chữa trị, tất cả đều do biến đổi khí hậu, biến đổi môi trường sống mà ra.

Để ngăn chặn cũng như làm chậm hơn quá trình biến đổi khí hậu, mỗi người chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường sống xung quanh. Mỗi một người chỉ cần có ý thức, sẽ giúp cho trái đất hàng ngày không phải gánh chịu những tổn hại nặng nề thêm nữa. Ngoài ra nhà nước, các cơ quan chức năng, ban ngành cần phải có biện pháp cứng rắn, trừng phạt thích đáng những kẻ chuyên chặt phá rừng, xả chất thải gây hại cho môi trường không khí, môi trường nước. Tuyên truyền, vận động mỗi cá nhân tích cực hơn, có ý thức bảo vệ môi trường sống, để giảm thiểu tối đa những tác hại đến thiên nhiên.

Thật vậy, có thể thấy biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của riêng mỗi người, mà là của toàn xã hội, toàn thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay xây dựng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, vì một tương lai tươi đẹp ở phía trước.

1 120 lượt xem