30 câu Trắc nghiệm KHTN 7 (Cánh diều 2024) Bài 22: Các yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào có đáp án
Bộ 30 câu hỏi trắc nghiệm Bài 22: Các yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào đầy đủ các mức độ sách Khoa học tự nhiên 7 (có đáp án) Cánh diều giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm KHTN 7 Bài 22.
Nội dung bài viết
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 22: Các yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào
Phần I. Bài tập trắc nghiệm KHTN 7 Bài 22: Các yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào
Câu 1. Nồng độ khí carbon dioxide khoảng bao nhiêu thì thuận lợi cho hô hấp tế bào?
A. Khoảng 0,02%.
B. Khoảng 0,01%.
C. Khoảng 0,03%.
D. Khoảng 0,04%.
Đáp án đúng: C
Nồng độ khí carbon dioxide khoảng 0,03% (chính bằng hàm lượng khí carbon dioxide trong không khí) thì thuận lợi cho hô hấp tế bào.
Câu 2. Cho các yếu tố sau:
1. Ánh sáng
2. Nhiệt độ
3. Độ ẩm và nước
4. Nồng độ khí oxygen
5. Nồng độ khí carbon dioxide
Số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hô hấp tế bào là
A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 5.
Đáp án đúng: C
Trong các yếu tố trên, các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hô hấp tế bào bao gồm: nhiệt độ, độ ẩm và nước, nồng độ khí oxygen, nồng độ khí carbon dioxide.
Câu 3. Vì sao khi sốt cao, nhịp thở lại tăng lên?
A. Vì khi sốt cao, quá trình hô hấp tế bào tăng lên khiến nhiệt độ cơ thể tăng và nhịp hô hấp tăng lên.
B. Vì khi sốt cao, quá trình tổng hợp trong tế bào tăng lên khiến nhiệt độ cơ thể tăng và nhịp hô hấp tăng lên.
C. Vì khi sốt cao, quá trình hô hấp tế bào giảm khiến nhiệt độ cơ thể tăng và nhịp hô hấp tăng lên.
D. Vì khi sốt cao, quá trình tổng hợp trong tế bào giảm khiến nhiệt độ cơ thể tăng và nhịp hô hấp tăng lên.
Đáp án đúng: A
Vì khi sốt cao, quá trình hô hấp tế bào tăng lên khiến tỏa ra nhiều nhiệt làm nhiệt độ cơ thể tăng đồng nhịp hô hấp tăng lên để đảm bảo cung cấp đủ oxygen và đào thải khí carbon dioxide do hô hấp tế bào tạo ra.
Câu 4. Vì sao có thể giữ các loại thực phẩm (thịt, cá, các loại hạt,…) lâu ngày trong túi chân không?
A. Vì trong túi chân không kín khí nên vi sinh vật không vào được.
B. Vì trong túi chân không hàm lượng khí oxygen rất thấp, hạn chế quá trình hô hấp của thực phẩm.
C. Vì trong túi chân không hàm lượng khí oxygen ổn định, hạn chế quá trình hô hấp của thực phẩm.
D. Vì trong túi chân không hàm lượng khí oxygen tăng cao, hạn chế quá trình hô hấp của thực phẩm.
Đáp án đúng: B
Hút chân không tạo ra môi trường tương đối không có không khí. Do đó, có thể giữ các loại thực phẩm (thịt, cá, các loại hạt,…) lâu ngày trong túi chân không vì trong túi chân không hàm lượng khí oxygen rất thấp, hạn chế quá trình hô hấp của thực phẩm.
Câu 5. Vì sao người ta lại bảo quản nhiều loại trái cây trong môi trường có nồng độ khí carbon dioxide cao?
A. Vì nồng độ khí carbon dioxide cao ức chế nhiều hoạt động trao đổi chất làm hô hấp tế bào giảm.
B. Vì nồng độ khí carbon dioxide cao ức chế nhiều hoạt động trao đổi chất làm hô hấp tế bào tăng.
C. Vì nồng độ khí carbon dioxide cao thúc đẩy nhiều hoạt động trao đổi chất làm hô hấp giảm.
D. Vì nồng độ khí carbon dioxide cao thúc đẩy nhiều hoạt động trao đổi chất làm hô hấp tăng.
Đáp án đúng: A
Người ta bảo quản nhiều loại trái cây trong môi trường có nồng độ khí carbon dioxide cao vì nồng độ khí carbon dioxide cao ức chế nhiều hoạt động trao đổi chất làm hô hấp tế bào giảm.
Câu 6. Cho các điều kiện sau:
1. Nhiệt độ thấp
2. Hàm lượng nước trong tế bào giảm
3. Nhiệt độ cao trong giới hạn cho phép
4. Nồng độ khí oxygen trong tế bào cao
5. Nồng độ khí oxygen trong tế bào thấp
6. Nồng độ khí carbon dioxide cao
7. Nồng độ khí carbon dioxide thấp
Trong các điều kiện kể trên, điều kiện làm cho hô hấp tế bào giảm là
A. 1, 2, 5, 6.
B. 2, 3, 4, 7.
C. 2, 3, 4, 6.
D. 1, 2, 4, 6.
Đáp án đúng: A
Hô hấp tế bào giảm ở nhiệt độ thấp, hàm lượng nước trong tế bào giảm, nồng độ khí oxygen trong tế bào thấp và nồng độ khí carbon dioxide cao.
Câu 7. Nhiệt độ thuận lợi cho quá trình hô hấp tế bào ở sinh vật là khoảng
A. 25oC - 30oC.
B. 20oC - 30oC.
C. 25oC - 35oC.
D. 30oC - 35oC.
Đáp án đúng: D
Nhiệt độ thuận lợi cho quá trình hô hấp tế bào ở sinh vật là khoảng 30oC - 35oC.
Câu 8. Cây bị ngập úng lâu ngày sẽ chết vì
A. lá cây không quang hợp được.
B. rễ cây không hô hấp tế bào được.
C. rễ cây hấp thụ quá nhiều nước.
D. lá cây không thoát hơi nước kịp.
Đáp án đúng: B
Vì khi cây bị ngập nước, oxygen trong không khí không thể khuếch tán vào đất khiến cho rễ cây không thể lấy oxygen để hô hấp tế bào → Rễ cây chết dần → Cây không hấp thụ được nước và muối khoáng → Cây sẽ chết.
Câu 9. Vì sao khi chơi thể thao hoặc lao động chân tay trong thời gian dài lại có thể dẫn đến tình trạng chuột rút?
A. Do khi vận động, cơ bắp chúng ta cần nhiều carbon dioxide hơn lúc bình thường, nếu thiếu carbon dioxide có thể dẫn đến tình trạng chuột rút.
B. Do khi vận động, cơ bắp chúng ta cần nhiều oxygen hơn lúc bình thường, nếu thiếu oxygen có thể dẫn đến tình trạng chuột rút.
C. Do khi vận động, cơ bắp chúng ta cần nhiều nhiệt năng hơn lúc bình thường, nếu thiếu nhiệt năng có thể dẫn đến tình trạng chuột rút.
D. Do khi vận động, cơ bắp chúng ta cần nhiều nước hơn lúc bình thường, nếu thiếu nước có thể dẫn đến tình trạng chuột rút.
Đáp án đúng: B
Khi chơi thể thao hoặc lao động chân tay trong thời gian dài lại có thể dẫn đến tình trạng chuột rút do khi vận động, cơ bắp chúng ta cần nhiều oxygen hơn lúc bình thường để tiến hành hô hấp tế bào tạo năng lượng; nếu thiếu oxygen, tế bào cơ thiếu hụt năng lượng có thể dẫn đến tình trạng chuột rút.
Câu 10. Cho các biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm sau:
1. Bảo quản lạnh
2. Bảo quản khô
3. Bảo quản trong điều kiện nồng độ khí carbon dioxide cao
4. Bảo quản trong điều kiện nồng độ khí oxygen thấp
Đối với các loại hạt như thóc, ngô, đỗ,… người ta thường ưu tiên sử dụng biện pháp bảo quản là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Đáp án đúng: B
Đối với các loại hạt như thóc, ngô, đỗ,… người ta thường ưu tiên sử dụng biện pháp bảo quản khô. Vì khi làm giảm hàm lượng nước ở những loại hạt này vừa giúp giảm cường độ hô hấp tế bào vừa không ảnh hưởng đến chất lượng của hạt.
Câu 11. Đối với các loại thực phẩm như rau củ quả, thịt, cá,… tại gia đình chúng ta ưu tiên sử dụng phương pháp bảo quản nào?
A. Bảo quản lạnh.
B. Bảo quản khô.
C. Bảo quản trong điều kiện nồng độ khí carbon dioxide cao.
D. Bảo quản trong điều kiện nồng độ khí oxygen thấp.
Đáp án đúng: A
Đối với các loại thực phẩm như rau củ quả, thịt, cá,… tại gia đình chúng ta ưu tiên sử dụng phương pháp bảo quản lạnh. Đây là biện pháp dễ áp dụng và đảm bảo được chất lượng của thực phẩm trong khoảng thời gian nhất định.
Câu 12. Vì sao khi chơi thể thao hoặc lao động chân tay trong thời gian dài lại dẫn đến tình trạng đau mỏi cơ?
A. Vì khi đó cơ thể thừa oxygen dẫn đến tế bào phải hô hấp có khí oxygen, quá trình đó sinh ra acid lactic, gây ra hiện tượng đau mỏi cơ.
B. Vì khi đó cơ thể thiếu oxygen dẫn đến tế bào phải hô hấp không có khí oxygen, quá trình đó sinh ra acetic acid, gây ra hiện tượng đau mỏi cơ.
C. Vì khi đó cơ thể thiếu carbon dioxide dẫn đến tế bào phải hô hấp không có khí carbon dioxide, quá trình đó sinh ra acid lactic, gây ra hiện tượng đau mỏi cơ.
D. Vì khi đó cơ thể thiếu nước dẫn đến tế bào phải hô hấp không có nước, quá trình đó sinh ra acetic acid, gây ra hiện tượng đau mỏi cơ.
Đáp án đúng: B
Khi chơi thể thao hoặc lao động chân tay trong thời gian dài dẫn đến tình trạng đau mỏi cơ là vì khi đó cơ thể thiếu oxygen dẫn đến tế bào phải hô hấp không có khí oxygen, quá trình đó sinh ra acid lactic, gây ra hiện tượng đau mỏi cơ.
Câu 13. Vì sao trong các biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm người ta lại phải khống chế sao cho hô hấp luôn ở mức tối thiểu?
A. Vì hô hấp tế bào làm cho lương thực thực phẩm nhanh thối và hỏng.
B. Vì hô hấp tế bào phân giải chất hữu cơ của tế bào, dẫn đến làm giảm số lượng và chất lượng của lương thực, thực phẩm sau một thời gian bảo quản.
C. Vì hô hấp tế bào góp phần tổng hợp chất hữu cơ của tế bào, dẫn đến làm tăng số lượng và chất lượng của lương thực, thực phẩm sau một thời gian bảo quản.
D. Vì hô hấp tế bào sinh ra các chất độc hại khiến lương thực, thực phẩm trở thành nguồn gây bệnh cho người dùng.
Đáp án đúng: B
Trong các biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm người ta lại phải khống chế sao cho hô hấp luôn ở mức tối thiểu vì hô hấp tế bào phân giải chất hữu cơ của tế bào, dẫn đến làm giảm số lượng và chất lượng của lương thực, thực phẩm sau một thời gian bảo quản.
Câu 14. Dựa vào kiến thức đã học em hãy cho biết nồng độ oxygen trong không khí chiếm bao nhiêu %?
A. 20%.
B. 21%.
C. 30%.
D. 31%.
Đáp án đúng: B
Nồng độ oxygen trong không khí chiếm khoảng 21%, nồng độ này thích hợp cho quá trình hô hấp tế bào.
Câu 15. Để có một cơ thể khỏe mạnh, tránh hiện tượng đau mỏi cơ và hiện tượng chuột rút thì chúng ta cần:
1. Lao động và chơi thể thao thường xuyên
2. Vận động nhẹ nhàng vừa sức
3. Trước khi tham gia các hoạt động thể thao cần có các động tác khởi động
4. Bổ sung các chất kích thích để có thêm năng lượng
5. Mang vác các vật nặng thường xuyên
Số đáp án đúng là
A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 5.
Đáp án đúng: B
Để có một cơ thể khỏe mạnh, tránh hiện tượng đau mỏi cơ và hiện tượng chuột rút, chúng ta cần phải thực hiện một số biện pháp giúp cơ thể thực hiện được hô hấp tế bào hiệu quả như: lao động và chơi thể thao thường xuyên, vận động nhẹ nhàng vừa sức, trước khi tham gia các hoạt động thể thao cần có các động tác khởi động.
Phần II. Lý thuyết KHTN 7 Bài 22: Các yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào
I. MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÔ HẤP TẾ BÀO
Các yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào là: nhiệt độ, độ ẩm và nước, nồng độ carbon dioxide, nồng độ khí oxygen,…
Các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hô hấp tế bào
- Nhiệt độ: Nhiệt độ thuận lợi cho quá trình hô hấp tế bào là khoảng 30 – 35oC. Nhiệt độ quá cao hay quá thấp sẽ làm ức chế hoạt động của các enzyme hô hấp dẫn đến làm giảm tốc độ hô hấp tế bào.
- Độ ẩm và nước: Nước vừa là môi trường, vừa tham gia trực tiếp vào các phản ứng hóa học trong hô hấp tế bào → Hàm lượng nước thấp sẽ ức chế sự hô hấp tế bào.
- Nồng độ oxygen: Oxygen là nguyên liệu tham gia trực tiếp vào quá trình hô hấp tế bào → Khi thiếu oxygen, hô hấp tế bào giảm, có thể dẫn đến ngừng hẳn.
- Nồng độ carbon dioxide: Nồng độ carbon dioxide trong không khí khoảng 0,03% thì thuận lợi cho hô hấp tế bào. Nếu nồng độ quá cao sẽ gây ức chế quá trình hô hấp.
II. VẬN DỤNG HÔ HẤP TẾ BÀO TRONG THỰC TIỄN
1. Vận dụng hô hấp tế bào trong bảo quản lương thực, thực phẩm
- Tác hại của hô hấp tế bào: Hô hấp tế bào phân giải chất hữu cơ của tế bào → làm giảm số lượng và chất lượng của lương thực, thực phẩm sau một thời gian.
- Nguyên tắc của biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm: Trong quá trình bảo quản lương thực, thực phẩm cần khống chế hô hấp tế bào ở mức tối thiểu.
- Các biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm:
+ Bảo quản lạnh: Nhiệt độ thấp làm chậm quá trình hô hấp của tế bào. Ví dụ: bảo quản thịt, cá,… bằng đông lạnh giữ được thực phẩm trong thời gian dài.
Bảo quản lạnh cá, thịt
+ Bảo quản khô: Hàm lượng nước thấp làm hô hấp tế bào ở mức tối thiểu. Ví dụ: phơi khô thóc, ngô, đậu xanh,… để bảo quản trong thời gian dài.
Bảo quản khô các loại hạt
+ Bảo quản trong điều kiện nồng độ khí oxygen thấp: Nồng độ oxygen thấp, quá trình hô hấp tế bào giảm. Ví dụ: bảo quản thực phẩm bằng việc hút chân không.
Bảo quản thực phẩm bằng hút chân không
+ Bảo quản trong điều kiện nồng độ khí carbon dioxide cao: Khi tế bào hô hấp, lượng khí oxygen sẽ giảm, khí carbon dioxide sẽ tăng. Nồng độ carbon dioxide cao ức chế nhiều hoạt động trao đổi chất làm hô hấp giảm. Ví dụ: bảo quản trái cây trong các kho có nồng độ khí carbon dioxide cao.
Bảo quản trái cây bằng nồng độ khí carbon dioxide cao
→ Tùy thuộc vào từng đối tượng mà chọn biện pháp bảo quản khác nhau hoặc chọn phối hợp các phương pháp bảo quản cho phù hợp.
2. Vận dụng hô hấp tế bào trong sản xuất nông nghiệp và đời sống
- Trong sản xuất nông nghiệp, cần giữ đất luôn tơi xốp, thoáng khí để tạo điều kiện cho rễ cây hô hấp tế bào giúp rễ thực hiện hấp thụ được nước và chất dinh dưỡng tốt hơn.
Cày xới đất giúp đất thoáng khí
- Trong lao động, hoạt động thể thao cần chú ý tránh thiếu oxygen gây chuột rút,…
Chuột rút vận động mạnh trong tình trạng thiếu hụt oxygen