300 câu hỏi ôn tập Ngữ văn có đáp án (Phần 24)

Bộ 4000 câu hỏi ôn tập môn Ngữ văn có đáp án Phần 24 chi tiết nhất được biên soạn và chọn lọc giúp bạn ôn luyện và đạt kết quả cao trong bài thi môn Ngữ văn.

1 104 lượt xem


 

300 câu hỏi ôn tập Ngữ văn (Phần 24)

(Nghị luận văn học)

ĐỌC

Kiến thức Ngữ văn trang 72

Câu 1: Văn bản nghị luận là gì?

Lời giải:

- Văn bản nghị luận là loại văn bản nhằm thuyết phục người đọc, người nghe về một vấn đề nào đó.

Câu 2: Văn bản nghị luận được chia làm mấy loại? Kể tên.

Lời giải:

Văn bản nghị luận được chia làm 2 loại:

+Nghị luận xã hội

+ Nghị luận văn học

Câu 3: Nêu tác dụng của văn bản nghị luận.

Lời giải:

Tác dụng của văn bản nghị luận là: thuyết phục được người nói, người nghe đồng tình với ý kiến của mình.

Câu 4: Văn bản nghị luận có những đặc trưng cơ bản nào?

Lời giải:

- Có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục

- Những tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống thì mới có ý nghĩa.

Câu 5: Thành ngữ là gì? Nêu ví dụ.

Lời giải:

- Thành ngữ là những cụm từ cố định quan dùng, thường ngắn gọn, có hình ảnh

- Ví dụ: Một cổ hai tròng, nhà tranh vách đất,...

Câu 6: Nêu tác dụng của thành ngữ.

Lời giải:

Tác dụng của thành ngữ: Việc sử dụng thành ngữ giúp cho lời ăn tiếng nói sinh động, có tính biểu cảm cao.

Câu 7. Dấu chấm phẩy có công dụng gì?

Lời giải:

- Công dụng của dấu chấm phẩy:

+ Đánh dấu ranh giới giữa các vế của một câu ghép có cấu tạo phức tạp ;

+ Đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong một phép liệt kê phức tạp.

Văn bản 1: Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ

Câu 1: Văn bản “Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ” thuộc thể loại gì?

Lời giải:

Văn bản “Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ” thuộc thể loại văn bản nghị luận

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ” là?

Lời giải:

- Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ” là nghị luận.

Câu 3: Tác giả của văn bản “Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ” là ai? Nêu khái quát thông tin về tác giả.

Lời giải:

- Tác giả của văn bản “Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ” là Nguyễn Đăng Mạnh.

- Nêu khái quát thông tin về tác giả:

+ Nguyễn Đăng Mạnh sinh năm 1930

+ Quê quán: Nam Định, nguyên quán tại Gia Lâm, Hà Nội.

+ Đặc điểm cuộc đời:

Thiếu thời, ông theo học ở trường Chu Văn An, Hà Nội.

Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, trường ông học sơ tán lên Phú Thọ, rồi trường bị giải tán.

Ông theo học trường trung cấp sư phạm ở Tuyên Quang và bước vào nghề giáo.

Năm 1960, Nguyễn Đăng Mạnh được giữ lại trường Đại học Sư phạm Hà Nội làm cán bộ giảng dạy.

Về già sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau một thời gian lâm bệnh, GS Nguyễn Đăng Mạnh đã từ trần vào chiều ngày 9/2/2018 tại Bệnh viện hữu nghị Việt –Xô Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi.

+ Tác phẩm tiêu biểu: Mấy vấn đề phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chí Minh (1987)/ Văn học Việt Nam 1945–1975, 2 tập (chủ biên, 1988–1990)/ Nguyên Hồng, con người và sự nghiệp (1988)/ Chân dung văn học, tập I (1990)/ Văn và dạy học văn (1993)

Câu 4: Nêu bố cục của văn bản “Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ”.

Lời giải:

- Bố cục của văn bản “Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ”.

+ Phần 1: (từ đầu… đến nhạy cảm của mình): Nguyên Hồng là nhà văn dễ xúc động

+ Phần 2 (tiếp … đến tôi đâu): Hoàn cảnh gia đình là một nguyên nhân tạo nên con người nhạy cảm của Nguyên Hồng

+ Phần 3 Còn lại: Môi trường sống đã tạo nên “chất dân nghèo” ở tác phẩm của ông

Câu 5: Văn bản viết về vấn đề gì? Nội dung của bài viết có liên quan như thế nào với nhan đề Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ? Nếu được đặt nhan đề khác cho văn bản, em sẽ đặt là gì?

Lời giải:

Văn bản viết về nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn của những người cùng khổ

- Nội dung của văn bản có liên quan chặt chẽ tới nhan đề, trong phần nội dung tác giả đã đưa ra những lí lẽ, bằng chứng rõ ràng, thuyết phục để làm sáng tỏ nhan đề.

- Nếu được đặt nhan đề khác cho văn bản, em sẽ đặt là: “Nguyên Hồng – nhà văn luôn đồng cảm với những mảnh đời khổ đau.”

Câu 6: Để thuyết phục người đọc rằng: Nguyên Hồng “rất dễ xúc động, rất dễ khóc”, tác giả đã nêu lên những bằng chứng nào (ví dụ: “khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí từng chia bùi sẻ ngọt”,…)?

Lời giải:

Để thuyết phục người đọc rằng “Nguyên Hồng rất hay khóc” tác giả đã đưa ra những bằng chứng sau:

+ Khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí từng chia ngọt sẻ bùi

+ Khóc khi nhớ đến đời sống khổ cực của nhân dân mình ngày trước

+ Khóc khi nói đến công ơn của Tổ quốc...

+ Khóc khi kể lại những oan trái, đau khổ của những nhân vật là đứa con tinh thần do mình “hư cấu”

Câu 7: Ý chính của phần (1) trong văn bản là: Nguyên Hồng “rất dễ xúc động, rất dễ khóc”. Theo em, ý chính của phần (2) và (3) là gì?

Lời giải:

- Theo em, ý chính của phần (2) là tuổi thơ bất hạnh khi thiếu đi tình cảm gia đình của Nguyên Hồng.

- Ý chính của phần (3) là cuộc sống cơ cực, thiếu thốn cả về cả vật chất. Đây cũng là nguyên nhân làm nên “chất dân nghèo, chất lao động” trong những sáng tác của ông.

Câu 8: Văn bản trên cho em hiểu thêm gì về nội dung đoạn trích Trong lòng mẹ đã học ở Bài 3?

Lời giải:

- Qua văn bản này em mới thấm thía những lời văn sinh động, chân thật mà rất sâu sắc được Nguyên Hồng viết ra ở đoạn trích Trong lòng mẹ là do cuộc đời thực của Hồng: thiếu thốn tình cảm gia đình sâu sắc, luôn khao khát được yêu thương.

Câu 9: Viết một đoạn văn thể hiện cảm nghĩ của em về nhà văn Nguyên Hồng, trong đó có sử dụng một trong các thành ngữ sau: chân lấm tay bùn, khố rách áo ôm, đầu đường xó chợ, tình sâu nghĩa nặng.

Lời giải:

Nguyên Hồng nhà văn đã để lại cho nền văn học dân tộc biết bao tác phẩm có giá trị nhưng ít ai biết rằng ông đã phải trải qua một tuổi thơ đầy cơ cực. Cha mẹ lấy nhau do sự sắp đặt chứ không hề có tình yêu. Lên 12 tuổi cha mất, mẹ đi làm ăn xa, Nguyên Hồng phải ở với người cô cay nghiệt. Cảnh ngộ ấy đã ném nhà văn vào môi trường với những người khắc khổ “khố rách áo ôm” ở dưới đáy của xã hội. Nhờ vậy, những trang văn của ông “đậm đà chất dân nghèo, chất lao động” mà không thể bắt gặp ở bất cứ đâu.

Câu 10: Nêu nội dung, nghệ thuật của văn bản: Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ.

Lời giải:

- Nội dung: Qua Nguyên Hồng - nhà văn của những người cùng khổ, Nguyễn Đăng Mạnh đã chứng minh Nguyên Hồng là nhà văn nhạy cảm, khao khát tình yêu thương và đồng cảm với phụ nữ, trẻ em, người lao động và người dân nghèo. Sự đồng cảm và tình yêu đặc biệt ấy xuất phát từ chính hoàn cảnh xuất thân và môi trường sống của ông

- Nghệ thuật:

+ Văn nghị luận sắc bén, chặt chẽ.

+ Sử dụng một số biện pháp tu từ: liệt kê, so sánh, điệp ngữ.

Vẻ đẹp của một bài ca dao

Câu 1: Khái niệm ca dao là gì?

Lời giải:

- Ca dao là lời thơ trữ tình dân gian, thường có sự kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người.

Câu 2: Theo em, ca dao là những sáng tác của ai? Thường được bắt nguồn từ đâu?

Lời giải:

- Theo em, ca dao là những sáng tác của nhân dân

- Ca dao thường được bắt nguồn từ cuộc sống sinh hoạt và lao động của nhân dân

Câu 3: Thể thơ phổ biến của ca dao là thể thơ nào?

Lời giải:

- Thể thơ phổ biến của ca dao là thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể.

Câu 4: Bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát” có gì giống và khác với các bài ca dao đã học ở Bài 2?

Lời giải:

So sánh bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát” với các bài ca dao đã học ở Bài 2:

- Giống nhau

+ Đều là ca dao

- Khác nhau

+ Bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát là thể thơ hỗn hợp, nói về vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp của người con gái.

+ Các bài ca dao trong Bài 2 thuộc thể thơ lục bát, nói về tình cảm gia đình.

Cau 5: Nội dung chính của văn bản Vẻ đẹp của một bài ca dao là gì? Nhan đề đã khái quát được nội dung chính của văn bản chưa?

Lời giải:

Nội dung chính của bài Vẻ đẹp của một bài ca dao là phân tích bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát qua góc nhìn của tác giả.

- Theo em, nhan đề đã khái quát và thể hiện được nội dung chính của văn bản.

Câu 6: Theo tác giả, bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng có những vẻ đẹp gì? Vẻ đẹp ấy được nêu khái quát ở phần nào của văn bản? Vẻ đẹp nào được tác giả chú ý phân tích nhiều hơn?

Lời giải:

- Bài ca dao trên có hai vẻ đẹp:

+ Vẻ đẹp thiên nhiên

+ Vẻ đẹp đẹp con người

- Vẻ đẹp ấy được khái quát ở phần (1) của văn bản.

- Vẻ đẹp của con người được tác giả chú ý phân tích nhiều hơn.

Câu 7: Để làm rõ vẻ đẹp của bài ca dao, tác giả Hoàng Tiến Tựu đã dựa vào những từ ngữ, hình ảnh nào? Em hãy chỉ ra một số ví dụ cụ thể trong văn bản.

Lời giải:

- Tác giả đã sử dụng một số từ ngữ để miêu tả vẻ đẹp của bài ca dao qua một số ví dụ như:

“Cái hay đấy là cái hay riêng của bài ca dao này, không thấy ở bất kì một bài ca dao nào khác”.

Hình ảnh ' chẽn lúa đòng đòng đang phất phơ trước gió nhẹ và ' dưới ngọn nắng hồng ban mai' mới đẹp làm sao!

Câu 8: Hãy tóm tắt nội dung chính của phần (2), (3), (4) trong văn bản vẻ đẹp của một bài ca dao theo mẫu sau:

Phần (1)

Nêu ý kiến: Bài ca dao có hai vẻ đẹp

Phần (2)

 

Phần (3)

 

Phần (4)

 

Lời giải:

Phần (1)

Nêu ý kiến: Bài ca dao có hai vẻ đẹp

Phần (2)

Hình ảnh đẹp về con người trong hai câu ca dao đầu

Phần (3)

Cánh đồng lúa mênh mông trong hai câu đầu

Phần (4)

Phân tích vẻ đẹp của cô gái ra thăm đồng trong hai câu ca dao cuối

Câu 9: So với những gì em biết về ca dao ở Bài 2, văn bản của tác giả Hoàng Tiến Tựu cho em hiểu thêm được những gì về nội dung và hình thức của ca dao? Em thích nhất câu, đoạn nào trong văn bản nghị luận này?

Lời giải:

So với những gì em biết về ca dao ở Bài 2, văn bản của tác giả Hoàng Tiến Tựu cho em hiểu thêm được những điều về nội dung và hình thức của ca dao là:

- Nội dung: Ca dao rất đa dạng về nội dung có thể là phong cảnh thiên nhiên, ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, ca ngợi tình yêu đôi lứa chỉ không chỉ đơn thuần là tình cảm gia đình.

- Hình thức: Ngoài việc sử dụng phổ biến thể thơ lục bát ca dao cũng rất đa dạng về thể loại. Ví dụ, thể hỗn hợp (hợp thể) như bài ca dao này.

Thực hành tiếng Việt trang 78

Câu 1: Giải thích nghĩa của các thành ngữ (in đậm) trong những câu dưới đây:

a, Gióng lớn nhanh như thổi, “cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc đã căng đứt chỉ”. (Bùi Mạnh Nhị)

b, Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta nào chịu được. (Tô Hoài)

c, Hai đứa trẻ kia bắt tôi mang về làm miếng mồi béo cho con gà chọi, con họa mi, con sáo mỏ ngà của chúng xơi ngon. Bọn cá chậu chim lồng ấy mà vớ được món ăn mỡ màng như thằng tôi thế này thì phải biết là thích. (Tô Hoài)

d, Mai sau bể cạn non mòn

À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

(Bình Nguyên)

e, Ngòi bút của ông dẫn ta đi vào những xóm lao động nghèo đói, lam lũ nhất ngày trước, nơi sống chen chúc những thợ thuyền phu phen, những người buôn thúng bán lưng... (Nguyễn Đăng Mạnh)

Lời giải:

- Lớn nhanh như thổi: Sự phát triển nhanh chóng hơn mức bình thường

- Hôi như cú mèo: Thể hiện sự bẩn thỉu không sạch sẽ

- Cá chậu chim lồng: Cảnh bị bó buộc, giam giữ trong một không gian nhất định

- Bể cạn non mòn: Chỉ sự thay đổi lớn của thiên nhiên, trời đất, vạn vật.

- Buôn thúng bán bưng: Kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, vặt vãnh thường là ở đầu đường góc chợ.

Câu 2: Thành ngữ ở các câu a, b trong bài tập 1 đều gồm hai yếu tố có quan hệ so sánh với nhau (được biểu thị bởi từ như chỉ sự so sánh). Hãy tìm thêm một số thành ngữ được cấu tạo theo kiểu như vậy và giải thích nghĩa của chúng.

Lời giải:

- Đen như quạ: Nhấn mạnh sự đen đủi

- Hót như khướu: Ý chỉ những người nói nhiều.

- Nhanh như cắt: Thể hiện sự nhanh chóng, mau lẹ.

Câu 3: Thành ngữ ở các câu c, d trong bài tập 1 đều gồm hai vế tương ứng với nhau (trong đó có sự đan xen giữa các từ ở mỗi vế). Ví dụ: cá – chim, chậu – lồng; bể – non, cạn – mòn. Hãy tìm thêm một số thành ngữ được cấu tạo theo kiểu như vậy và giải thích nghĩa của chúng.

Lời giải:

- Chân cứng đá mềm: Chỉ sự mạnh mẽ, kiên cường có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong cuộc sống

- Lên thác xuống ghềnh: Chỉ sự khó khăn gian khổ

- Có mới nới cũ: Ý nói sự phụ bạc, không thủy chung

Câu 4: Ghép thành ngữ ở cột bên trái với nghĩa tương ứng ở cột bên phải. Cho biết các thành ngữ ấy sử dụng biện pháp tu từ nào.

Thành ngữ

Nghĩa

1) Thả con săn sắt bắt con cá sộp

2) Thả mồi bắt bóng

3) Chuột sa chĩnh gạo

4) Buồn ngủ gặp chiếu manh

5) Bóc ngắn cắn dài

a) làm ra ít tiêu pha nhiều

b) may mắn rơi vào hoàn cảnh sung túc

c) may mắn có được cái đang cần tìm

d) bỏ cái có thực chạy theo cái hư ảo

e) bỏ mối lợi nhỏ để thu mối lợi lớn

Ví dụ: 1) – e)

Lời giải:

1) – e)

2) – d)

3) – b)

4) – c)

5) – a)

Câu 5: Tìm các dấu chấm phẩy được dùng trong những câu dưới đây và chỉ ra tác dụng của chúng trong câu:

a, Ai từng tiếp xúc với Nguyên Hồng đều thấy rõ điều này: ông rất dễ xúc động, rất dễ khóc. Khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí từng chia bùi sẻ ngọt; khóc khi nghĩ đến đời sống khổ cực của nhân dân mình ngày trước; khóc khi nói đến công ơn của Tổ quốc, quê hương đã sinh ra mình, đến công ơn của Đảng, của Bác Hồ đã đem đến cho mình lí tưởng cao đẹp của thời đại. (Nguyễn Đăng Mạnh)

b, Chẳng hạn, truyện dân gian kể, lúc Lê Lợi sinh ra có ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi hương lạ khắp xóm; còn Nguyễn Huệ, khi ra đời, có hai con hổ chầu hai bên. (Bùi Mạnh Nhị)

Lời giải:

- Các dấu chấm phẩy được dùng:

a, Ai từng tiếp xúc với Nguyên Hồng đều thấy rõ điều này: ông rất dễ xúc động, rất dễ khóc. Khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí từng chia bùi sẻ ngọt; khóc khi nghĩ đến đời sống khổ cực của nhân dân mình ngày trước; khóc khi nói đến công ơn của Tổ quốc, quê hương đã sinh ra mình, đến công ơn của Đảng, của Bác Hồ đã đem đến cho mình lí tưởng cao đẹp của thời đại. (Nguyễn Đăng Mạnh)

 Tác dụng: Trong câu trên dấu chấm phẩy dùng để đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong 1 phép liệt kê phức tạp khi kể về tính cách dễ xúc động của nhà văn Nguyên Hồng.

b) Chẳng hạn, truyện dân gian kể, lúc Lê Lợi sinh ra có ánh sáng đổ đầy nhà, mùi hương lạ khắp xóm; còn Nguyễn Huệ, khi ra đời, có hai con hổ chầu hai bên. (Bùi Mạnh Nhị).

 Tác dụng: Dấu chấm phẩy đã giúp ngăn cách hai nội dung quan trọng được liệt kê ở trên.

Câu 6: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 5-7 dòng) về một tác phẩm, tác giả hoặc nhân vật trong những tác phẩm văn học em đã học; trong đoạn văn có sử dụng biện pháp tu từ so sánh như trong câu sau:

Có thể nói mỗi dòng chữ ông viết ra là một dòng nước mắt nóng bỏng tình xót thương ép thẳng ra từ trái tim vô cùng nhạy cảm của mình. (Nguyễn Đăng Mạnh)

Lời giải:

Trong các tác phẩm được đọc em thích nhất là truyện cổ tích Thạch Sanh. Ở Thạch Sanh hội tụ đủ tất cả những yếu tố của một người anh hùng thần thoại. Anh ấy khỏe mạnh, tài giỏi lại chăm chỉ, cần cù, chịu khó. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng Thạch Sanh không hề có lòng tham lam, hư vinh như Lý Thông. Lúc nào anh cũng yêu thương và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Nhờ Thạch Sanh, biết bao người dân đã thoát cảnh hiểm nguy, chia xa gia đình. Thạch Sanh như một anh hùng bước ra từ huyền thoại.

THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU

Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước

Câu 1: Văn bản “Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước” thuộc thể loại gì?

Lời giải:

- Văn bản “Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước” thuộc thể loại nghị luận.

Câu 2: Nêu nội dung, nghệ thuật của văn bản “Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước”

Lời giải:

- Nội dung:

Qua văn bản Thánh Gióng - tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước, Bùi Mạnh Nhị đã chứng minh rằng Thánh Gióng là một tác phẩm thành công, tiêu biểu viết về lòng yêu nước của dân tộc.

- Nghệ thuật:

- Nghệ thuật lập luận sắc bén.

Câu 3: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước” là?

Lời giải:

- Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước” là nghị luận.

Câu 4: Tác giả của văn bản “Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước” là ai? Nêu khái quát thông tin về tác giả.

Lời giải:

- Tác giả của văn bản “Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước” là Bùi Mạnh Nhị.

- Nêu khái quát thông tin về tác giả:

+ Tên: Bùi Mạnh Nhị sinh ngày 21-02-1955

Quê quán: Xã Thành Lợi, Huyện Vụ Bản, Nam Định.

Vị trí: Tiến sĩ khoa học; là Nhà giáo Ưu tú; Từng được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

+ Những tác phẩm nghiên cứu nổi tiếng của ông: Bùi Mạnh Nhị (1980), Sen Tháp Mười (Ca dao miền Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh), Nxb TP.HCM,100 tr/ Bùi Mạnh Nhị (1980), Phương ngôn Việt Nam, Luận văn Cao học, bảo vệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội/Bùi Mạnh Nhị (1982),Một số đặc điểm nghệ thuật của ca dao - dân ca Nam Bộ, in trong Kỷ yếu “Văn hóa văn nghệ truyền thống đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ Văn hóa.

Câu 5: Nêu bố cục của văn bản “Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước”.

Lời giải:

Bố cục của văn bản “Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước”.

- Phần 1: (từ đầu… đến chủ đề này): Thánh Gióng thể hiện tập trung chủ đề đánh giặc cứu nước

- Phần 2 (tiếp … đến kì lạ): Sự ra đời kì lạ của Gióng

- Phần 3 (tiếp … đến Lê Trí Viễn): Sự lớn lên kì lạ của Gióng

- Phần 4: (tiếp … đến được giặc): Gióng ra trận đánh giặc

- Phần 5: Còn lại: Gióng bay lên trời và dấu xưa còn lại

Câu 6: Việc ra đời kì lạ của Thánh Gióng mang lại ý nghĩa gì?

Lời giải:

- Việc ra đời của Gióng mang ý nghĩa: khiến nhân vật trở nên phi thường; thể hiện sự yêu mến, tôn kính với nhân vật; đặt niềm tin vào những chiến công kì lạ.

Câu 7: Văn bản viết về vấn đề gì? Vấn đề ấy được nêu khái quát ở phần nào? Qua văn bản, em hiểu truyền thuyết Thánh Gióng có ý nghĩa như thế nào?

Lời giải:

- Văn bản phân tích cụ thể những chi tiết trong truyện Thánh Gióng từ đó khẳng định đây là tác phẩm tiêu biểu cho chủ đề đánh giặc giữ nước của dân tộc.

- Vấn đề đấy được khái quát ở phần (1) của tác phẩm

- Qua văn bản em hiểu truyền thuyết Thánh Gióng có ý nghĩa ca ngợi người anh hùng vĩ đại, ca ngợi sự đoàn kết chung sức chung lòng của nhân dân, là bài học về tinh thần yêu nước cho các thế hệ mai sau.

Câu 8: Các mục (2) Gióng ra đời kì lạ; (3) Gióng lớn lên cũng kì lạ; (4) Gióng vươn vai ra trận đánh giặc; (5) Gióng bay lên trời và dấu xưa còn lại đều dựa vào trình tự các sự kiện trong truyện Thánh Gióng nhưng tác giả không kể lại các sự kiện mà chủ yếu nêu lên nội dung gì? ​​

Lời giải:

- Các mục (2) Gióng ra đời kì lạ; (3) Gióng lớn lên cũng kì lạ; (4) Gióng vươn vai ra trận đánh giặc; (5) Gióng bay lên trời và dấu xưa còn lại đều dựa vào trình tự các sự kiện trong truyện Thánh Gióng nhưng tác giả không kể lại các sự kiện mà chủ yếu giải thích ý nghĩa của những sự kiện đó.

Câu 9: Vì sao văn bản Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước là văn bản nghị luận văn học? Em hãy chỉ ra các lí lẽ và bằng chứng mà tác giả nêu ra trong văn bản.

Lời giải:

Đây là văn bản nghị luận vì nó thể hiện một quan điểm của người viết: Thánh Gióng là tác phẩm hay về chủ đề đánh giặc giữ nước, Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước.

- Để làm sáng tỏ tư tưởng này tác giả đã chứng minh qua các lí lẽ sau:

+ Sự ra đời kì lạ phi thường thì tất cũng sẽ lập được chiến công phi thường. Để làm sáng tỏ nội dung này tác giả còn lấy dẫn chứng về sự ra đời của Nguyễn Huệ.

+ Gióng lớn lên trong sự đùm bọc, nuôi nấng của bà con, bằng chứng là bà con đã góp thức ăn, thức mặc nuôi lớn Gióng.

+ Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ đánh giặc cứu nước.

+ Giặc tan Gióng bay về trời những Gióng không mất đi mà bất tử sống mãi với người dân, bằng chứng là những dấu vết còn sót lại cho tận tới ngày nay

Câu 10: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 4 – 5 dòng) về hình tượng Thánh Gióng, trong đó có sử dụng thành ngữ “độc nhất vô nhị” (“có một không hai”)

Lời giải:

Thánh Gióng là một hình tượng mà em vô cùng ấn tượng. Thánh Gióng có xuất thân kì lạ, đặc biệt nhưng lớn lên lại lập được chiến công phi thường giúp dân, giúp nước. Hình ảnh người tráng sĩ độc nhất vô nhị, oai phong lẫm liệt ra chiến trường diệt sạch quân xâm lược. Lập được chiến công, bảo vệ được đất nước, Thánh Gióng bay về trời mà không cần được ghi công. Thánh Gióng thực sự là một tấm gương về sự dũng cảm, ý chí anh hùng mà thế hệ trẻ cần noi theo.

VIẾT

Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát

Câu 1: Thơ lục bát là gì?

Lời giải:

- Thơ lục bát là thể loại thơ dân gian gồm các cặp câu thơ kết thành một bài. Thường thì câu đầu là 6 chữ, câu sau là 8 chữ, cứ nối tiếp cho tới hết bài.

Câu 2: Theo em, tại sao lại cần viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát?

Lời giải:

Theo em, cần viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát vì: những bài thơ lục bát là sản phẩm lao động trí tuệ của các tác giả. Khi ta viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát là ta đang cảm nhận, trân trọng những bài thơ lục bát của tác giả.

Câu 3: Để viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về thơ lục bát, chúng ta cần chú ý gì?

Lời giải:

- Để viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về thơ lục bát, chúng ta cần chú ý:

+ Đọc kĩ dể hiểu bài thơ

+ Lựa chọn một số yếu tố trong bài thơ mà em thấy yêu thích, thú vị nhất.

+ Viết đoạn văn nêu rõ: Em thích nhất chi tiết, yếu tố,... nào trong bài thơ?

Câu 4: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Lời giải:

Đoạn văn mẫu tham khảo

Đã từ lâu, công cha nghĩa mẹ, ơn nghĩa sinh thành đã được nhân dân ta đề cao và ca tụng. Có rất nhiều bài ca dao viết về đề tài này. Tiêu biểu trong đó phải kể đến bài ' công cha như núi thái sơn'. Bài ca dao đã cho thấy công lao to lớn như trời bể của cha mẹ. Sinh con ra vốn đã là một điều vất vả, nuôi dạy con nên người lại là điều càng khó hơn. Âý vậy mà cha mẹ không một lời than vãn, vẫn tận tâm tận lực yêu thương và dạy dỗ chúng ta nên người. Công lao to lớn ấy làm sao mà kể hết. Bởi vậy cho nên bổn phận của người làm con là cần yêu thương và phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu. Con cái cần phải hiếu thảo với cha mẹ và làm tròn chữ hiếu bởi đạo làm con không gì bằng tận hiếu với cha mẹ của mình.

Câu 5: Em hãy viết một đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát “À ơi tay mẹ”

Lời giải:

Đoạn văn mẫu tham khảo

“À ơi tay mẹ” của Bình Nguyên là một trong những bài thơ hay viết về tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng - “đôi bàn tay” để nhắc về người mẹ. Đôi bàn tay kì diệu mang phép nhiệm màu che chở cho con. Chỉ là một đôi bàn tay rất bình thường, nhưng dường như lại có sức mạnh phi thường. Điều đó xuất phát từ tình yêu sâu sắc mà người mẹ dành cho đứa con của mình. Mẹ đã bảo vệ, che chở con qua “mưa sa”, “bão mùa màng”. Không chỉ vậy, người mẹ gọi con “vầng trăng” và “mặt trời bé con”. Cách gọi đó cho thấy tình cảm yêu thương của mẹ đối với con. Với mẹ, con chính là ánh trăng hay mặt trời, bất kể là đêm hay ngày đều đem lại nguồn sống cho mẹ. Dù vạn vật có biển chuyển không ngừng thì đôi bàn tay của mẹ vẫn sẽ ôm lấy con, lời ru của mẹ vẫn cất lên. Tình yêu của mẹ là không có gì thay đổi. Lời ru ngọt ngào đó đã cho con giấc ngủ êm đềm, đã tác động đến vạn vật trong cuộc sống. Và đôi bàn tay của mẹ đã làm nên phép màu. Nó không những là ru con vào giấc ngủ yên lành mà còn nâng niu con trên từng bước đường đời. Thật vậy, “À ơi tay mẹ” của Bình Nguyên đem đến tình cảm ngọt ngào, mà sâu lắng cho mỗi người đọc.

Câu 6: Em hãy viết một đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát “Về thăm mẹ”

Lời giải:

Đoạn văn mẫu tham khảo

Bài thơ “Về thăm mẹ” của tác giả Đinh Nam Khương để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn người đọc. Trước hết là bởi bài thơ vẽ nên một bức tranh cuộc sống bình dị với bao vật quen thuộc nơi làng quê như: chum tương, nón mê, áo tơi, bù nhìn, đàn gà, cái nơm… Chính từ không gian làng quê yên bình. Từ khoảng lặng trong tâm hồn, người đọc lại càng xúc động trước hình ảnh của những người mẹ Việt Nam tảo tần, giàu đức hi sinh. Cả đời mẹ gió sương, vất vả sớm lo toan cho gia đình. Đời mẹ luôn nghĩ cho con, dành những điều tốt đẹp nhất cho con: “Bất ngờ rụng ở trên cành - Trái na cuối cùng của mẹ dành cho con”. Những “món quà” giản dị nhưng chan chứa tình yêu thương vô bờ bến của mẹ khiến con xúc động, rưng rưng khó nói thành lời: “Nghẹn thương mẹ nhiều hơn…”. Dấu chấm là một khoảng lặng, cho thấy con không lớn, trưởng, đã tìm hiểu những khó khăn, gian khổ của đời mẹ. Và cũng bởi vậy, bài thơ nên viết từ những câu chuyện “đơn giản ngày thường” nhưng ấm áp, thân thương, cảm xúc khiến trái tim người đọc cảm động.

Câu 7: Em hãy viết một đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài ca dao Việt Nam đã học.

Lời giải:

Đoạn văn mẫu tham khảo

“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”

Bài ca dao được viết theo thể thơ lục bát mang âm điệu trầm bổng tựa như lời ru ngọt ngào của người mẹ. Mượn những hình ảnh thiên nhiên để nói đến công lao to lớn của cha mẹ đối với con cái. Tác giả dân gian đã dùng cái to lớn, vĩ đại của thiên nhiên - đó là “núi”, “biển” để thể hiện công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Người cha có công sinh thành, dưỡng dục và dạy dỗ cho con nhiều điều hay lẽ phải. Người mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày. Không chỉ vậy, đứa con sinh ra còn được mẹ chăm sóc, bảo vệ từng miếng ăn, cái mặc. Hình ảnh “cù lao chín chữ” ở đây gồm có sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (theo dõi tính tình mà uốn nắn), phúc (che chở). Từ đó, chúng ta thấy được công lao của cha mẹ nuôi con vất vả nhiều bề. Và con cái cần yêu mến, hiếu thảo với cha mẹ. Qua bài ca dao, người đọc mới thấu hiểu được công ơn của cha mẹ lớn đến nhường nào.

NÓI VÀ NGHE

Trình bày ý kiến về một vấn đề

Câu 1: Theo em, trình bày ý kiến về một vấn đề là gì?

Lời giải:

- Trình bày ý kiến về một vấn đề là người viết nêu lên những suy nghĩ, nhận xét, đưa ra những lí lẽ và bằng chứng cụ thể để làm sáng tỏ ý kiến cho mình.

Câu 2: Để có thể trình bày ý kiến về một vấn đềchúng ta cần phải thực hành theo mấy bước? Kể tên.

Lời giải:

Để có thể trình bày ý kiến về một vấn đềchúng ta cần phải thực hành theo 4 bước:

+ Chuẩn bị

+ Tìm ý và lập dàn ý

+ Nói và nghe

+ Kiểm tra và chỉnh sửa

Câu 3: Em có ý kiến gì về vấn đề ô nhiễm nguồn nước hiện nay.

Lời giải:

- Ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt của con người ngày càng cạn kiệt. Do đó, chúng ta cần phải đưa ra những giải pháp hiệu quả để bảo vệ được nguồn nước sạch.

Câu 4: Lập dàn ý chi tiết cho bài nói: Em có ý kiến gì về nhận xét “Đi tham quan, du lịch, chúng ta sẽ được mở rộng tầm mắt, học hỏi được nhiều điều”?

Lời giải:

Dàn ý mẫu tham khảo

1. Mở đầu: Giới thiệu họ tên và vấn đề cần trình bày.

2. Nội dung chính:

- Nêu ý kiến của bản thân về vấn đề đặt ra. (Gợi ý: Có nhiều cách làm giàu hiểu biết. Một trong những cách đó là việc tham quan, du lịch)

- Giải thích tham quan, du lịch là gì? (Gợi ý: Tham quan, du lịch là đi thăm những vùng đất mới, những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử,...; nêu một số địa danh du lịch nổi tiếng có thực của đất nước và thế giới)

- Nêu lợi ích của hoạt động tham quan, du lịch. (Gợi ý: Khi tham quan, du lịch, chúng ta có thể được mở mang kiến thức về nhiều lĩnh vực (địa lý, lịch sử, văn học...); Có thời gian thư giãn, ngắm nhìn đất nước;...)

- Nên đi tham quan, du lịch như thế nào để có hiệu quả? (Gợi ý: Phải luôn chú ý quan sát, thường xuyên hỏi những gì mình chứng kiến; ghi chép, ghi hình lại những điều lí thú,...)

3. Kết thúc:

- Khẳng định lại ý kiến của mình về lợi ích của việc đi tham quan du lịch.

- Nêu nguyện vọng và dự định của mình nếu được đi tham quan, du lịch.

Tự đánh giá: Con cò trong ca dao

Đọc văn bản Con cò trong ca dao (SGK Ngữ văn 6 tập 1 trang 86) và trả lời các câu hỏi.

CON CÒ TRONG CA DAO

(1) Trong ca dao dân ca Việt nam, có rất nhiều bài nói đến con cò. Những câu ca dao hay và có lẽ cũng rất cổ của ta, hầu hết mở đầu bằng “con cò…”: con bay lả bay la, con cò bay bổng bay cao, con cò lặn lội bờ ao, con cò trắng bạch như vôi, con cò vàng, con cò kì, con cò quăm,… Tại sao trong khi hát, nhân dân lao động Việt Nam lại hay nói nhiều đến loài chim ấy mà không nói đến loài chim khác?

(2) Trong các loài chim kiếm ăn ở đồng ruộng, chỉ có con cò thường gần nhiều với người nông dân hơn cả. Những lúc cày cuốc, cấy hái, người nông dân Việt Nam thường thấy con cò bên họ: con cò lội theo luống cày, con cò bay trên đồng lúa bát ngát, con cò đứng trên bờ ruộng rỉa lông, rỉa cánh, ngắm nghía người nông dân làm lụng.

(3) Bạn thân nhất của người nông dân trong lao động và sản xuất là con trâu. Nhưng trâu phải cái nặng chình chịch, đi đứng vững vàng thật, nhưng chậm chạp, sống một cuộc đời gò bó, vất vả không mấy lúc thảnh thơi, cho nên chỉ những lúc nghĩ đến cuộc đời nhọc nhằn, cực khổ của mình, người nông dân mới liên hệ đến con trâu, con vật tiêu biểu nhất cho sức sản xuất nơi đồng ruộng.

(4) Còn những lúc người dân lao động Việt Nam xúc cảm, tâm trí muốn vươn lên, muốn ca hát cho tâm hồn bay bổng thoải mái trong khi làm lụng, thì chỉ có con cò gợi hứng cho họ nhiều. Con cò trắng bạch kia tuy ngày đêm lặn lội, nhưng nhiều lúc lại bay lên mây xanh. Nó cũng vất vả, nhưng có vẻ trong trắng, thanh cao, có những lúc nó vẫy vùng thoải mái, nó sống một cuộc đời mà người dân lao động nước ta thời xưa hằng mong ước.

(Theo Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Văn học. Hà Nội, 2002)

Câu 1: Mục đích chính của đoạn trích trên là gì?

Lời giải:

Mục đích chính của đoạn trích trên là: Giải thích vì sao trong ca dao hay nhắc tới con cò.

Câu 2: Phương án nào sau đây thể hiện rõ yếu tố nghị luận trong đoạn trích trên?

Lời giải:

- Phương án thể hiện rõ yếu tố nghị luận trong đoạn trích trên là: B. Lí lẽ và bằng chứng

Câu 3: Câu nào sau đây là câu nêu vấn đề để bàn luận?

Lời giải:

- Câu nêu vấn đề để bàn luận :Tại sao trong khi hát, nhân dân lao động lại hay nói nhiều đến con cò.

Câu 4: Ý nào sau đây nêu đúng nhiệm vụ của đoạn (1) trong văn bản “Con cò trong ca dao” trên?

Lời giải:

- Ý nêu đúng nhiệm vụ của đoạn (1) trong văn bản “Con cò trong ca dao” trên là: B. Nêu vấn đề cần bàn luận.

Câu 5: Nội dung chính của đoạn (2) bài “Con cò trong ca dao” là gì?

Lời giải:

- Nội dung chính của đoạn (2) bài “Con cò trong ca dao” là: Nói về sự gắn bó giữa con cò và người nông dân

Câu 6: Ý chính của đoạn (3) bài “Con cò trong ca dao” là gì?

Lời giải:

- Ý chính của đoạn (3) bài “Con cò trong ca dao” là: Giải thích vì sao và khi nào người nông dân mới liên hệ đến con trâu.

Câu 7: Câu nào sau đây nêu được ý chính của đoạn (4)?

Lời giải:

- Câu sau đây nêu được ý chính của đoạn (4) là: Con cò phù hợp với tâm trạng muốn ca hát khi làm lụng của nông dân.

Câu 8: Dòng nào nêu bằng chứng làm sáng tỏ cho lí lẽ: “Những câu ca dao hay và có lẽ cũng rất cổ của ta, hầu hết mở đầu bằng “con cò…”?

Lời giải:

- Dòng nêu bằng chứng làm sáng tỏ cho lí lẽ: “Những câu ca dao hay và có lẽ cũng rất cổ của ta, hầu hết mở đầu bằng “con cò…” là: Con cò bay lả bay la, con cò bay bổng bay cao, con cò lặn lội bờ ao,...

Câu 9: Dòng nào sau đây nói đúng về hiện tượng từ mượn trong văn bản Con cò trong ca dao?

Lời giải:

Dòng nói đúng về hiện tượng từ mượn trong văn bản Con cò trong ca dao là: C. Chỉ dùng từ thuần Việt

Câu 10: Viết một đoạn văn (khoảng 3 – 4 dòng) để trả lời cho câu hỏi: “Vì sao văn bản trên là văn bản nghị luận?”.

Lời giải:

Đoạn văn mẫu tham khảo

Văn bản trên là văn bản nghị luận vì ở đó tác giả đã đưa đến vấn đề con cò trong ca dao để bàn luận. Và để chứng minh ý kiến đó tác giả cũng đã đưa ra các lí lẽ thuyết phục, sáng rõ. Ở mỗi lí lẽ đều có những bằng chứng xác thực cụ thể để chứng minh cho quan điểm của mình.

 

1 104 lượt xem