300 câu hỏi ôn tập Ngữ văn có đáp án (Phần 22)

Bộ 4000 câu hỏi ôn tập môn Ngữ văn có đáp án Phần 22 chi tiết nhất được biên soạn và chọn lọc giúp bạn ôn luyện và đạt kết quả cao trong bài thi môn Ngữ văn.

1 101 lượt xem


300 câu hỏi ôn tập Ngữ văn (Phần 22)

ĐỌC

Kiến thức Ngữ văn trang 36

Câu 1: Thơ là gì?

Lời giải:

- Thơ (hay thơ ca, thi ca) là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống với những cảm xúc chất chứa, cô đọng, những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ, trong ngôn ngữ hàm xúc, giàu hình ảnh, và nhất là có nhịp điệu.

Câu 2: Trình bày những yếu tố hình thức của bài thơ.

Lời giải:

Những yếu tố hình thức của bài thơ:

- Dòng thơ gồm các tiếng được xếp thành hàng, có thể giống nhau về độ dài, ngắn

- Vần là phương tiện tạo nhạc tính cho thơ. Vần có vị trí ở cuối gọi là vần chân, có vị trí ở giữa gọi là vần lưng.

- Nhịp là những điểm ngắt hơi khi đọc một dòng thơ.

Câu 3: Nêu đặc điểm của thơ.

Lời giải:

- Đặc điểm của thơ:

+ Mỗi bài thơ thường được sáng tác theo một thể thơ nhất định với những đặc điểm riêng về số tiếng trong mỗi dòng, số dòng trong mỗi bài,…

+ Ngôn ngữ thơ cô đọng, giàu nhạc điệu và hình ảnh, sử dụng nhiều biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,…).

+ Nội dung chủ yếu của thơ là tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc sống. Thơ có thể có yếu tố tự sự (kể lại một sự việc, câu chuyện) và miêu tả (tái hiện những đặc điểm nổi bật của đối tượng) nhưng những yếu tố ấy chỉ là phương tiện để nhà thơ bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

Câu 4: Thế nào là thơ lục bát?

Lời giải:

Thơ lục bát:

- Là thể thơ truyền thống của dân tộc

- Mỗi bài có ít nhất hai dòng, với số tiếng cố định dòng sáu tiếng (dòng lục), dòng tám tiếng (dòng bát), thơ lục bát gieo vần chân và lưng, thường ngắt nhịp chẵn mỗi nhịp hai tiếng.

Câu 5: Biện pháp tu từ là gì?

Lời giải:

Biện pháp tu từ

- Là việc sử dụng ngôn ngữ một cách đặc biệt làm cho lời văn hay hơn, đẹp hơn.

Câu 6: Biện pháp tu từ được chia làm mấy loại? Kể tên?

Lời giải:

- Biện pháp tu từ được chia làm 10 loại chính : So sánh, hoán dụ, ẩn dụ, nhân hóa, phép điệp, liệt kê, nói quá, nói giảm – nói tránh, chơi chữ, phép đối

Câu 7: Ẩn dụ là gì? Nêu ví dụ.

Lời giải:

- Ẩn dụ (so sánh ngầm) là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình, gợi tả cho sự diễn đạt.

- Ví dụ:

“ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

VĂN BẢN ĐỌC

Văn bản 1: À ơi tay mẹ

Câu 1: “À ơi tay mẹ” thuộc thể loại gì?

Lời giải:

“À ơi tay mẹ” thuộc thể thơ lục bát

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “À ơi tay mẹ” là?

Lời giải:

- Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “À ơi tay mẹ” là biểu cảm.

Câu 3: Tác giả của văn bản “À ơi tay mẹ” là ai? Nêu khái quát thông tin về tác giả.

Lời giải:

- Tác giả của văn bản “À ơi tay mẹ” là Bình Nguyên.

- Thông tin về tác giả:

+ Bình Nguyên: Tên thật là Nguyễn Đăng Hào.

+ Sinh ngày 25 tháng 1 năm 1959. Quê quán xã Ninh Phúc, Tp Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

+ Sự nghiệp văn học: Ông vừa là nhà thơ vừa là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện nay tác giả Bình Nguyên đang làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình. Nhà thơ của cố đô Hoa Lư này đã nhận tới hai giải “Thơ lục bát” (Giải A-2003; Giải Ba-2010) trên báo Văn Nghệ.

+ Các tác phẩm tiêu biểu: Tập thơ Lang thang trên giấy (NXB Văn học - 2009) và Những ngọn gió đồng (NXB Hội Nhà văn - 2015).

Câu 4: Nêu bố cục của văn bản “À ơi tay mẹ”.

Lời giải:

+ Khổ 1: 2 câu đầu: Bàn tay mẹ trước giông bão cuộc đời

+ Khổ 2: 4 câu tiếp: Bàn tay mẹ dịu dàng nuôi nấng con

+ Khổ 3: 4 câu tiếp: Bàn tay mẹ hi sinh vì con

+ Khổ 4: 4 câu tiếp: Lời ru của người mẹ hiền

+ Khổ 5: 2 câu tiếp. Bàn tay mẹ nhiệm màu

+ Khổ 6: 4 câu tiếp. Ý nghĩa lời ru và bàn tay mẹ

Câu 5: Nội dung chính của văn bản “À ơi tay mẹ” là?

Lời giải:

- Nội dung chính của văn bản “À ơi tay mẹ”: À ơi tay mẹ là bài thơ bày tỏ tình cảm của người mẹ với đứa con nhỏ bé của mình. Qua hình ảnh đôi bàn tay và những lời ru, bài thơ đã khắc họa thành công một người mẹ Việt Nam điển hình: vất vả, chắt chiu, yêu thương, hi sinh...đến quên mình.

Câu 6: Nêu nội dung, nghệ thuật của bài thơ “À ơi tay mẹ”.

Lời giải:

- Nội dung: À ơi tay mẹ là bài thơ bày tỏ tình cảm của người mẹ với đứa con nhỏ bé của mình. Qua hình ảnh đôi bàn tay và những lời ru, bài thơ đã khắc họa thành công một người mẹ Việt Nam điển hình: vất vả, chắt chiu, yêu thương, hi sinh...đến quên mình.

- Nghệ thuật:

+ Thể thơ lục bát nhịp nhàng như lối hát ru con.

+ Phối hợp hài hòa các biện pháp tu từ: ẩn dụ, điệp từ, điệp cấu trúc.

Câu 7: Nhan đề và bức tranh minh họa trong SGK Ngữ văn 6 Cánh diều tập 1 trang 38 gợi cho em cảm nhận gì?

Lời giải:

Nhan đề và tranh minh họa gợi cho em về người mẹ thân yêu của mình cùng những lời ru ấm áp, ngọt ngào khi em còn thơ ấu.

Câu 8: Tìm hình ảnh, chi tiết thể hiện “phép nhiệm mầu” của bàn tay mẹ. Những dòng thơ nào nói lên đức hi sinh của người mẹ?

Lời giải:

- Hình ảnh, chi tiết thể hiện “phép nhiệm mầu” của bàn tay mẹ: bàn tay mẹ chắn mưa xa, chắn bão qua mùa màng, thức một đời, chắt chiu dãi dầu, thức một đời, Mai sau bể cạn non mòn/ À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru, Bàn tay mang phép nhiệm mầu/ chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôiRu cho chỗ dột ngoại ngồi vá khâu, À ơi... mẹ chẳng một câu ru mình.

Câu 9: Em nhỏ trong bài thơ được gọi bằng những từ ngữ nào? Cách gọi đó nói lên điều gì về tình cảm mẹ dành cho con?

Lời giải:

- Em nhỏ trong bài thơ được gọi bằng những từ ngữ như: Trăng vàng, trăng, Mặt Trời bé con

- Người mẹ gọi con bằng những hình ảnh đẹp đẽ, trong sáng nói lên rằng người con chính là tình yêu là lẽ sống, ánh sáng của cuộc đời mẹ.

Câu 10: Trong bài thơ, cụm từ “à ơi” được lặp lại nhiều lần. Hãy phân tích tác dụng của sự lặp lại ấy.

Lời giải:

- Từ “À ơi” được lặp lại nhiều lần khiến cho câu thơ ngọt ngào, dịu dàng như một bài hát du, làm cho nhịp điệu bài thơ da diết, đầy cảm xúc

Câu 11: “Bàn tay mang phép nhiệm mầu / Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi.” Em có đồng ý với tác giả không? Vì sao?

Lời giải:

- Em có đồng ý với tác giả

- Vì: Phép nhiệm màu là những điều phi thường, lớn lao mà những người mẹ đã chịu đựng biết bao lam lũ vất vả để có thể lo lắng, che chở cho con mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Câu 12: Hình ảnh “bàn tay mẹ” trong bài thơ tượng trưng cho điều gì?

Lời giải:

- Hình ảnh “bàn tay mẹ” tượng trưng cho những vất vả, lo toan đồng và cả tình yêu vô bờ dành cho con mình.

Câu 13: Em thích khổ thơ nào nhất trong bài thơ “À ơi tay mẹ”? Vì sao?

Lời giải:

- Em thích khổ thơ thứ 3 trong bài thơ “À ơi tay mẹ”

- Vì: Ở khổ thơ thứ 3, gười mẹ gọi con bằng những hình ảnh đẹp đẽ, trong sáng nói lên rằng người con chính là ánh sáng của cuộc đời mẹ và dẫu cho sau này có bất cứ chuyện gì xảy ra thì mẹ vẫn luôn yêu thương, che chở cho con.

Văn bản 2: Về thăm mẹ

Câu 1: “Về thăm mẹ” thuộc thể loại gì?

Lời giải:

“Về thăm mẹ” thuộc thể thơ lục bát

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Về thăm mẹ” là?

Lời giải:

- Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Về thăm mẹ” là biểu cảm.

Câu 3: Tác giả của văn bản “Về thăm mẹ” là ai? Nêu khái quát thông tin về tác giả.

Lời giải:

- Tác giả của văn bản “Về thăm mẹ” là Đinh Nam Khương.

- Nêu khái quát thông tin về tác giả:

- Đinh Nam Khương sinh năm 1949, quê Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Ông là phó chủ tịch Hội Đông y Mỹ Đức, Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

- Giải thưởng:

+ Giải A cuộc thi thơ 1981-1982 - Báo Văn nghệ

+ Tặng thưởng bài thơ hay nhất 1992 - Báo Văn nghệ Quân đội

+ Tặng thưởng chùm thơ hay nhất 2001 - Báo Văn nghệ

+ Giải B cuộc thi thơ Lục bát 2002-2003

- Các tác phẩm tiêu biểu: Về thăm mẹ, Lã Vọng, Nhớ Trường Sơn, Nhớ trăng, Cỏ may,...

Câu 4: Nêu bố cục của văn bản “Về thăm mẹ”.

Lời giải:

Bố cục của văn bản “Về thăm mẹ”.

+ Khổ 1: 4 câu đầu: Hình ảnh mẹ gắn liền với bếp lửa

+ Khổ 2, 3: Tình yêu thương của mẹ gắn với những sự vật gần gũi

+ Khổ 4: 2 câu cuối: Tình cảm của người con với mẹ

Câu 5: Nội dung chính của văn bản “Về thăm mẹ” là?

Lời giải:

- Nội dung chính của văn bản “Về thăm mẹ” là: bài thơ thể hiện tình cảm của người con xa nhà trong một lần về thăm mẹ mình. Mặc dù mẹ không ở nhà nhưng hình ảnh mẹ hiễn hữu trong từng sự vật thân thuộc xung quanh. Mỗi cảnh, mỗi vật đều biểu hiện sự vất vả, sự tần tảo, hi sinh và đặc biệt là tình thương yêu của mẹ dành cho con.

Câu 6: Nêu nội dung, nghệ thuật của văn bản “Về thăm mẹ”

Lời giải:

- Nội dung: Về thăm mẹ là bài thơ thể hiện tình cảm của người con xa nhà trong một lần về thăm mẹ mình. Mặc dù mẹ không ở nhà nhưng hình ảnh mẹ hiễn hữu trong từng sự vật thân thuộc xung quanh. Mỗi cảnh, mỗi vật đều biểu hiện sự vất vả, sự tần tảo, hi sinh và đặc biệt là tình thương yêu của mẹ dành cho con.

- Nghệ thuật:

+ Thể thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm.

+ Kết hợp thành công các biện pháp tu từ: ẩn dụ, liệt kê.

Câu 7: Từ nhan đề bài thơ và tranh minh họa, hãy đoán xem người trong tranh là ai? Tâm trạng của người đó như thế nào?

Lời giải:

- Theo em, nhân vật trong bức tranh là người con

- Tâm trạng của người đó nặng trĩu, buồn bã.

Câu 8: Bài thơ là lời của ai? Thể hiện cảm xúc về ai? Cảm xúc như thế nào? (Đối chiếu với dự đoán ban đầu của em để xác nhận hoặc điều chỉnh).

Lời giải:

- Bài thơ là lời của người con

- Thể hiện cảm xúc về người mẹ của mình

- Cảm xúc trân trọng, biết ơn, đầy yêu thương.

Câu 9: Cảnh vật quanh ngôi nhà của người mẹ hiện lên với những hình ảnh nào? Những hình ảnh ấy đã giúp tác giả thể hiện được tình cảm gì?

Lời giải:

Cảnh vật trong ngôi nhà của mẹ hiện lên với: Bếp chưa lên khói, mưa rơi, chiếc nón mê cũ và rách, áo tơi, đàn gà con,...

- Những hình ảnh đó giúp thể hiện tác giả thương xót, lo lắng trước cuộc sống đơn sơ, mộc mạc, quá đỗi giản dị của người mẹ

Câu 10: Xác định biện pháp tu từ ở khổ thơ thứ hai và chỉ ra tác dụng của biện pháp ấy.

Lời giải:

- Biện pháp tu từ ẩn dụ “nón mê” “áo tơi”

- Tác dụng: Tượng trưng cho hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ

Câu 11: Điều gì làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…”?

Lời giải:

- Điều làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…” là khi tận mắt chứng kiến cuộc sống mộc mạc đơn sơ, những vất vả, cực nhọc và hơn cả là tình cảm của mẹ đối với mình.

Câu 12: Nhận xét cách gieo vần lục bát trong câu:

“Áo tơi qua buổi cày bừa

Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.”

Lời giải:

Trong cặp lục bát trên có sự đối xứng nhau trong các thanh ở các tiếng 2,4,6. Câu lục là B – T – B “tơi- buổi- bừa”; câu bát là B – T – B – B “còn- củn- hờ- rơm'

Câu 13: Hình dung và tái hiện lại cảnh người con về thăm ngôi nhà của mẹ trong bài thơ bằng cách vẽ tranh minh hoạ hoặc miêu tả bằng lời văn.

Lời giải:

Hôm nay, sau khi hoàn tất công việc, tội vội vàng lên đường về quê thăm mẹ. Nhưng mẹ không có nhà, tôi ngồi đợi mẹ và ngắm nhìn xung quanh. Ôi cảnh vật xung quanh căn nhà mẹ ở vẫn giản dị như ngày nào. Chiếc nón mê cũ, chiếc áo tơi đã sờn rách, đàn gà con mới nở chạy quanh nhà. Ngước mắt nhìn lên cây na, những quả na mẹ dành phần cho đứa con lâu ngày mới về. Nhìn những cảnh vật đó, tôi bỗng thấy thương mẹ vô cùng. Mẹ tôi cả một đời lam lũ, tần tảo chỉ mong con mình được sống hạnh phúc.

Thực hành tiếng Việt trang 41

Câu 1: Ẩn dụ là gì? Nêu ví dụ.

Lời giải:

- Ẩn dụ (so sánh ngầm) là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình, gợi tả cho sự diễn đạt.

- Ví dụ:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

Câu 2: Tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ.

Lời giải:

- Sử dụng biện pháp ẩn dụ nhằm mục đích chính là tăng khả năng gợi hình, gợi cảm.

Câu 3: Tìm từ láy trong những câu thơ dưới đây. Chỉ ra nghĩa và tác dụng của chúng đối với việc thể hiện nội dung mà tác giả muốn biểu đạt.

a, Bàn tay mang phép nhiệm mầu

Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi.

(Bình Nguyên)

b, Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…

Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

(Đinh Nam Khương)

Lời giải:

Các từ láy trong hai câu thơ:

a) chắt chiu, dãi dầu

b) nghẹn ngào, rưng rưng

- Ý nghĩa và tác dụng của các từ láy:

a) Các từ láy nhằm nhấn mạnh tình cảm thiêng liêng của mẹ dành cho con đồng thời cũng thể hiện những lo toan, vất vả trong cuộc sống của mẹ

b) Các từ láy nhằm nhấn mạnh vào tình cảm thương yêu, xót xa mà người con dành cho người mẹ của mình.

Câu 4: Tìm ẩn dụ trong những câu thơ dưới đây. Nêu tác dụng của các ẩn dụ đó đối với việc miêu tả sự vật và biểu cảm.

Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng

À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon

À ơi này cái trăng tròn

À ơi này cái trăng còn nằm nôi…

[…]

À ơi này cái Mặt Trời bé con…

(Bình Nguyên)

Lời giải:

- Các ẩn dụ trong đoạn thơ trên là: cái trăng vàng, trăng tròn, trăng, mặt trời bé con.

- Tác dụng: Hình ảnh trăng trong tự nhiên thường là sự vật tỏa ánh sáng dịu dàng, nhẹ nhàng. Tác giả mượn hình ảnh trăng để nói về em bé như để nhấn mạnh em bé chính là nguồn ánh sáng soi rọi cuộc đời mẹ.

Câu 5: Trong cụm từ và các tục ngữ (in đậm) dưới đây, biện pháp tu từ ẩn dụ được xây dựng trên cơ sở so sánh ngầm giữa những sự vật, sự việc nào?

a, Ru cho cái khuyết tròn đầy

Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.

(Bình Nguyên)

b, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

(Tục ngữ)

c, Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

(Tục ngữ)

Lời giải:

a) Cái khuyết tròn đầy ẩn dụ cho em bé

b) Ăn quả ẩn dụ cho những người được hưởng may mắn hạnh phúc.

Kẻ trồng cây ẩn dụ cho những người đã nỗ lực cố gắng xây đắp hạnh phúc

c/ Mực ẩn dụ cho những người, đối tượng có phẩm chất xấu/ Đèn ẩn dụ cho những người có phẩm chất tốt, đạo đức tốt.

Đen ẩn dụ cho sự thụt lùi, không phát triển/ Rạng ẩn dụ cho việc sẽ tỏa sáng, phát triển tốt

Câu 6: Viết một đoạn văn (khoảng 4-5 dòng) về chủ đề tình cảm gia đình, trong đó sử dụng ít nhất một ẩn dụ.

Lời giải:


Đoạn văn mẫu tham khảo

Bà nội tôi là một người bà vô cùng tuyệt vời. Bà dạy tôi học, chăm cho tôi ăn từ ngày bé khi bố mẹ tôi phải đi làm xa. Bà nhắc nhở tôi phải biết đạo lí, kính trên nhường dưới, vâng lời thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè. Bà thường lấy những câu chuyện đời thường thể hiện điều nhân nghĩa kể cho tôi nghe qua đó giáo dục tôi. Bà tôi ngày ngày thắp những tia lửa sáng để sưởi ấm cho tâm hồn tôi.

THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU

Ca dao Việt Nam

Câu 1: Ca dao là gì?

Lời giải:

- Ca dao là lời thơ trữ tình dân gian, thường có sự kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người.

Câu 2: Ca dao được chia làm mấy loại? Là những loại nào?

Lời giải:

- Ca dao chia thành 6 loại gồm: Đồng daoca dao về lao động, ca dao để ru ngủ, ca dao về các nghi lễ, ca dao trào phúng, ca dao trữ tình.

Câu 3: Nêu những đặc trưng cơ bản của ca dao.
​​Lời giải:

+ Lời thơ thường ngắn gọn.

+ Sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể.

+ Ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ.

+ Lối diễn đạt bằng một số hình thức mang đậm sắc thái dân gian.

Câu 4: Tác giả của bài ca dao trên là ai?

Lời giải:

- Bài ca dao trên được sưu tầm trong dân gian nên không rõ tác giả.

Câu 5: Mỗi bài ca dao trên là lời của ai nói với ai? Và mỗi bài ca dao đó nói về tình cảm nào trong gia đình?

Lời giải:

- Mỗi bài ca dao trên là lời cha ông nói với con cháu. Và mỗi bài ca dao đó nói về tình cảm nào trong gia đình là:

Bài 1: Nói về tình cảm, công lao của cha mẹ

- Bài 2: Con người luôn phải nhớ về ông cha tổ tiên của mình

- Bài 3: Tình cảm anh em thuận hòa

Câu 6: Hãy chọn và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong một bài ca dao.

Lời giải:

- Phép tu từ so sánh được sử dụng trong bài ca dao 1

+ Công cha được so sánh với núi ngất trời

+ Nghĩa mẹ được so sánh với nước ở ngoài biển Đông.

- Tác dụng: Nhằm nhấn mạnh công lao trời biển của cha mẹ, không thể đo đếm cụ thể được. Đồng thời cũng giúp câu văn thêm sinh động, gợi hình, gợi tả.

Câu 7: Em thích bài ca dao nào nhất? Vì sao?

Lời giải:

- Em thích nhất bài ca dao thứ 1

- Vì qua bài ca dao đó em thấu hiểu và biết ơn nhiều hơn với những ơn nghĩa mà cha mẹ dành cho em.

Câu 8: Nếu minh hoạ cho bài ca dao thứ nhất (Công cha như núi ngất trời), em sẽ vẽ như thế nào? Hãy vẽ hoặc miêu tả nội dung bức tranh bằng lời.

Lời giải:

- Miêu tả nội dung bức tranh:

+ Em sẽ vẽ ngọn núi cao, biển rộng mênh mông và vẽ một người con đang nghĩ và nhớ ơn tới hành động cha mẹ lo lắng, chăm sóc cho mình từng bữa ăn, giấc ngủ.

VIẾT

Tập làm thơ lục bát

Câu 1: Nêu quy tắc luật thanh khi làm thơ lục bát.

Lời giải:

- Quy tắc luật thanh khi làm thơ lục bát: Quy tắc luật thanh của thơ lục bát mà người làm thơ cần nắm là 'nhất, tam, ngũ bất luận, nhị, tứ, lục phân minh'. Trong đó, các tiếng thứ 1, 3 và 5 có thể là những tiếng tự do, nhưng tiếng thứ 2, 4 và 6 phải tuân theo quy tắc.

+ Ở câu lục (6) sẽ gieo theo trình tự các tiếng 2 - 4 - 6 là thanh bằng - trắc - bằng.

+ Ở câu bát (8) sẽ gieo theo trình tự các tiếng 2 - 4 - 6 - 8 là thanh bằng - trắc - bằng - bằng.

Câu 2: Trình bày cách gieo vần khi làm thơ lục bát.

Lời giải:

- Cách gieo vần khi làm thơ lục bát: Thơ 6 – 8 cũng có quy định nghiêm ngặt về cách gieo vần: hiệp vần ở tiếng thứ 6 của 2 dòng và giữa tiếng thứ 8 của dòng bát với tiếng thứ 6 của dòng lục.

+ Vần bằng: là các vần có thanh huyền và thanh ngang (không dấu)

+ Vần trắc: là các vần có các dấu còn lại: sắc, hỏi, nặng, ngã

+ Vần chân: hiệp vần ở tiếng thứ 6 câu lục và tiếng thứ 8 câu bát.

+ Vần yêu: là vần ở cuối câu lục hiệp với tiếng thứ 6 câu lục.

Câu 3: Trình bày cách ngắt nhịp khi làm thơ lục bát.

Lời giải:

- Cách ngắt nhịp khi làm thơ lục bát:

+ Thơ lục bát thông thường sẽ được ngắt nhịp chẵn 2/2/2 ở câu lục và nhịp 4/4 ở câu bát. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ được tác giả đổi qua nhịp 3/3, 3/5… để nhằm nhấn mạnh ý câu thơ hơn.

Câu 4: Theo em, để làm được thơ lục bát chúng ta cần phải làm gì?

Lời giải:

- Theo em, để làm được thơ lục bát chúng ta cần phải:

+ Nắm được quy tắc luật thanh

+ Nắm được cách gieo vần

+ Nắm được cách ngắt nhịp

Câu 5: Việc sáng tác thơ lục bát ảnh hưởng như thế nào đến thơ ca truyền thống của dân tộc?

Lời giải:

Việc sáng tác thơ lục bát có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy thơ ca truyền thống của dân tộc.

Câu 6: Viết một thơ lục bát (ngắn dài tùy ý) về đề tài mà em yêu thích (thiên nhiên, gia đình, bạn bè…)

Lời giải:

Bài thơ mẫu

“Kìa cánh đồng lúa xanh xanh

Cuộn trong mây trắng, bao quanh mây vàng

Kìa tiếng diều sáng vang vang

Những con cò nhỏ ngỡ ngàng nhìn lên

Hàng thông vẫn đứng lặng yên

Chợt ngân bản nhạc rộn miền hoang sơ”

NÓI VÀ NGHE

Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ

Câu 1: Em hiểu thế nào là kể lại một trải nghiệm đáng nhớ?

Lời giải:

- Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của em về người thân trong gia đình (ông, bà, cha, mẹ,...) là kể về một sự việc, một hành động,... của người ấy mà em đã chứng kiến và có ấn tượng sâu sắc. Trong bài nói, người kể sử dụng ngôi thứ nhất, thường xưng “tôi”.

Câu 2Em có suy nghĩ gì khi muốn chia sẻ một trải nghiệm đáng nhớ của mình với những người xung quanh?

Lời giải:

- Em có suy nghĩ muốn chia sẻ những cảm xúc, thái độ, tâm tư, tình cảm của mình về trải nghiệm đó cho những người xung quanh.

Câu 3: Khi nghe xong những chia sẻ về trải nghiệm đáng nhớ của các bạn, em có suy nghĩ gì?

Lời giải:

- Khi nghe xong những chia sẻ về trải nghiệm đáng nhớ của các bạn, em có suy nghĩ: thấu hiểu, trân trọng với các bạn về trải nghiệm mà các bạn đã kể cho mình nghe.

Câu 4: Để kể lại một trải nghiệm đáng nhớ về người thân trong gia đình em cần phải làm gì?

Lời giải:

Để kể lại một trải nghiệm đáng nhớ về người thân trong gia đình em cần phải:

+ Xác định một sự việc, hành động, tình huống,... của người thân trong gia đình (ông, bà, cha, mẹ,...) mà em đã chứng kiến và đẻ lại ấn tượng sâu sắc.

+ Xác định đối tượng người nghe và thời gian em sẽ kẻ để có cách trình bày phù hợp.

+ Tìm ý và lập dàn ý cho bài nói.

+ Chuẩn bị các tư liệu, tranh ảnh liên quan đến trải nghiệm sẽ kẻ (nếu có).

+ Nêu lên cảm xúc, suy nghĩ hoặc bài học em rút ra từ trải nghiệm đáng nhớ đó.

+ Sử dụng nét mặt, ánh mắt, hành động,... phù hợp với cân chuyện đẻ tác động đến người nghe.

Câu 5: Lập dàn ý chi tiết cho bài nói: Kể lại cho các bạn nghe câu chuyện mà em đã trải nghiệm và có ấn tượng sâu sắc về một người thân trong gia đình.

Lời giải:

Dàn ý mẫu:

1. Mở đầu

Xin chào tất cả các bạn có mặt ở đây để nghe về trải nghiệm mà mình sắp kể.

- Dẫn dắt vào câu chuyện mình định kể

2. Thân bài

Kể câu chuyện theo trình tự thời gian các sự việc diễn ra

- Hôm đó trời mưa tôi và các bạn đã rủ nhau ra sân trường đùa nghịch

- Bọn tôi thi nhau nhảy qua những vũng nước mưa lớn

- Tôi hiếu thắng nhảy qua vũng nước rất to và trũng kết quả em đã bị ngã

- Về nhà em đã bị mẹ mắng và bị cảm lạnh đến một tuần trời

3. Kết bài

Phát biểu suy nghĩ của em: Em ăn năn, hối hận và từ đó em nghe lời mẹ nhiều hơn

- Cảm ơn mọi người đã lắng nghe phần trình bày của mình và mong muốn nhận được sự góp ý, nhận xét.

Tự đánh giá: Những điều bố yêu

Đọc văn bản Những điều bố yêu (SGK Ngữ văn 6 tập 1 trang 47, 48) và trả lời các câu hỏi:

NHỮNG ĐIỀU BỐ YÊU

Ngày con khóc tiếng chào đời

Bố thành vụng dại trước lời hát ru

Cứ “À ơi, gió mùa thu”

“Con ong làm mật”, “Mù u! bướm vàng”…

Sau yêu cái chỗ con nằm

Thơm mùi sữa với chiếu thâm mấy quầng

Yêu sao ngang dọc, dọc ngang

Những hàng tã chéo mẹ giăng đầy nhà.

Thêm yêu dìu dịu nước hoa

Khi con muỗi đốt, bà xoa nhẹ nhàng

Và yêu một góc mặt bàn

Mèo con, chút chít xếp hàng đợi chơi.

Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”

Bước đi chập chững, Mặt Trời nhòm coi

Bao ngày, bao tháng dần trôi

Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con.

Để khi con vắng một hôm

Bố ngơ ngẩn nhớ, quên cơm bữa chiều.

Con ơi có biết bao điều

Sinh cùng con để bố yêu một đời.

(Nguyễn Chí Thuật, Báo Giáo dục và Thời đại Chủ nhật, số 35, 1999)

 

Câu 1: Bài thơ Những điều bố yêu được viết theo thể thơ nào?

Lời giải:

- Bài thơ Những điều bố yêu được viết theo thể thơ lục bát.

Câu 2: Bài thơ là lời bày tỏ cảm xúc của ai?

Lời giải:

- Bài thơ là lời bày tỏ cảm xúc của người bố.

Câu 3: Trình bày cách ngắt nhịp để thể hiện đúng nghĩa của khổ thơ?

Ngày con khóc tiếng chào đời

Bố thành vụng dại trước lời hát ru

Cứ “À ơi, gió mùa thu”

“Con ong làm mật”, “Mù u bướm vàng”…

Lời giải:

Cách ngắt nhịp nào thể hiện đúng nghĩa của khổ thơ:

Ngày con khóc tiếng chào đời /

Bố thành vụng dại / trước lời hát ru

Cứ 'À ơi, / gió mùa thu”

“Con ong làm mật”, / “Mù u bướm vàng”...

Câu 4: Điệp từ nào được sử dụng trong bài thơ để thể hiện trực tiếp tình cảm mà tác giả muốn bộc lộ?

Lời giải:

- Điệp từ “yêu” được sử dụng trong bài thơ để thể hiện trực tiếp tình cảm mà tác giả muốn bộc lộ.

Câu 5: Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì trong dòng thơ “Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con”?

Lời giải:

- Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ trong dòng thơ “Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con”

Câu 6: Hai dòng thơ nào nói được tất cả những điều mà người bố yêu?

Lời giải:

Hai dòng thơ nào nói được tất cả những điều mà người bố yêu là:

“Con ơi có biết bao điều

Sinh cùng con để bố yêu một đời.”

Câu 7: Trong khổ thơ thứ nhất, những tiếng nào được gieo vần với nhau?

Lời giải:

- Trong khổ thơ thứ nhất, những tiếng được gieo vần với nhau là: Đời-lời; ru-thu-u.

Câu 8: Bài thơ Những điều bố yêu có điểm gì khác với bài thơ À ơi tay mẹ (Bình Nguyên) và Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương)?

Lời giải:

- Bài thơ Những điều bố yêu khác với bài thơ À ơi tay mẹ (Bình Nguyên) và Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương) là:

+ Bài thơ Những điều bố yêu diễn tả tâm trạng của người cha

+ Còn bài thơ À ơi tay mẹ (Bình Nguyên) và Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương) nói về tình cảm mẹ con.

Câu 9: Bài Những điều bố yêu giống các bài thơ và ca dao (Bài 2) ở điểm nào?

Lời giải:

- Bài Những điều bố yêu giống các bài thơ và ca dao (Bài 2) ở điểm: đều là thể thơ lục bát.

Câu 10: Viết một đoạn văn (khoảng 5 – 7 dòng) phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ Những điều bố yêu.

Lời giải:

Đoạn văn mẫu tham khảo

Đọc bài thơ “Những điều bố yêu” em thấy thấm thía và trân trọng vô cùng về tình cảm cha con. Bố tuy không giỏi biểu lộ nhưng luôn chân thành, nồng thắm khi chăm sóc đứa con mới chào đời của mình. Bố yêu tất cả những gì xung quanh cuộc sống của em bé từ những điều nhỏ nhặt… Em bé dường như trở thành niềm vui, niềm hi vọng và là cả cuộc sống của bố.

 

 

1 101 lượt xem