Lý thuyết Xác định thành phần cấu tạo nguyên tử
Lý thuyết Xác định thành phần cấu tạo nguyên tử
A. Lý thuyết và phương pháp giải
- Nguyên tử được coi như một quả cầu gồm vỏ nguyên tử và hạt nhân nguyên tử.
+ Vỏ nguyên tử được tạo bởi một hay nhiều electron (hạt electron kí hiệu là e, mang điện tích âm và chuyển động xung quanh hạt nhân).
+ Hạt nhân nguyên tử gồm proton (kí hiệu là p, mang điện tích dương) và neutron (kí hiệu là n, không mang điện tích).
- Một số lưu ý khi làm bài tập:
- Trong nguyên tử: số proton = số electron (nguyên tử trung hoà về điện).
- Tổng số hạt trong nguyên tử = số proton + số electron + số neutron.
- Tổng các hạt trong hạt nhân nguyên tử là = số proton + số neutron.
- Tổng các hạt mang điện trong nguyên tử = số proton + số electron.
B. Ví dụ minh họa
Ví dụ 1: Nguyên tử X có tổng số hạt là 48, trong đó số hạt mang điện nhiều hơn số hạt không mang điện là 16. Số hạt proton trong nguyên tử X là
A. 16. B. 17. C. 18. D. 15.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Gọi số hạt proton, neutron, electron có trong X lần lượt là P, N và E.
Trong đó: P = E (do nguyên tử trung hoà về điện).
Tổng số hạt trong nguyên tử X là 48 nên: P + N + E = 48 hay 2P + N = 48 (1).
Trong nguyên tử X, số hạt mang điện nhiều hơn số hạt không mang điện là 16 nên:
(P + E) – N = 16 hay 2P – N = 16 (2).
Lấy (1) + (2) được 4P = 64 Þ P = 16.
Vậy số hạt proton của nguyên tử X là 16.
Ví dụ 2: Tổng số proton, neutron và electron của nguyên tử X là 46. Trong đó số hạt mang điện nhiều hơn số hạt không mang điện là 14. Số proton, số neutron, số electron của nguyên tử X lần lượt là
A. 15; 15; 15.
B. 15; 16; 16.
C. 15; 15; 16.
D. 15; 16; 15.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Gọi số hạt proton, neutron và electron trong nguyên tử X lần lượt là P, N và E.
Nguyên tử trung hòa về điện nên E = P.
Tổng số proton, neutron và electron của nguyên tử X là 46 nên:
P + N + E = 46 hay 2P + N = 46 (1)
Trong X số hạt mang điện nhiều hơn số hạt không mang điện là 14 nên:
(P + E) – N = 14 hay 2P – N = 14 (2)
Từ (1) và (2) ta có: P = E = 15 và N = 16.
Số hạt proton, neutron và electron của X lần lượt là 15, 16, 15.
Ví dụ 3: Tổng số proton, neutron và electron của nguyên tử X là 10. Số proton có trong nguyên tử X là (biết trong nguyên tử X, số neutron lớn hơn số electron và nhỏ hơn 1,5 lần số electron)
A. 4. B. 2. C. 3. D. 5.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Gọi số proton, electron và neutron trong X lần lượt là P, E, N.
Nguyên tử trung hòa về điện nên E = P.
Tổng số proton, neutron và electron của nguyên tử X là 10 nên:
P + N + E = 10 hay 2E + N = 10 hay N = 10 – 2E.
Trong nguyên tử X, số neutron lớn hơn số electron và nhỏ hơn 1,5 lần số electron nên:
E < N < 1,5E (1)
Thay N = 10 – 2E vào (1) ta được: E < 10 – 2E < 1,5E
⇒ 3E < 10 < 3,5E
Do số electron là số nguyên dương nên E = 3 ( = P) thỏa mãn.