Tác giả tác phẩm Cây khế (Kết nối tri thức 2024) Ngữ văn 6 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Cây khế Ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 6. Mời các bạn đón xem:

1 59 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Cây khế - Ngữ văn 6

Bài giảng Ngữ văn 6 Cây khế - Kết nối tri thức

I. Đọc tác phẩm Cây khế

Cây Khế

TÔ HOÀI

Văn bản Cây Khế (Tô Hoài) - Nội dung, Tác giả tác phẩm - Ảnh 1

Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn. Khi hai anh em lập gia đình, người anh muốn ra ở riêng. Hắn ta nhận hết tất cả nhà cửa ruộng vườn, chỉ để lại cho người em một mảnh đất nhỏ với một cây khế.

Người em không một lời ca thán, hai vợ chồng dựng lều trên mảnh đất ấy và hết lòng chăm sóc cho cây khế. Trời không phụ lòng người, năm đó cây khế trong vườn rất sai trái, quả nào quả nấy cũng mọng nước và vàng ruộm. Người em phấn khởi chờ đến ngày đem khế đi bán để lấy tiền đong gạo.

Nhưng một hôm, có một con chim lạ rất to từ đâu bay tới ăn khế. Thấy chim ăn trái, người em liền cầm lấy một cây gậy để đuổi chim bay đi. Người em nói:

- Chim ơi, vợ chồng ta chỉ có mỗi cây khế này là tài sản đáng giá. Nay chim đến ăn hết khế của ta rồi, chúng ta lấy gì mà sống.

Bỗng nhiên, con chim cất tiếng nói:

- Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.

Hai vợ chồng người em nghe chim nói tiếng người, cảm thấy vô cùng kỳ lạ, nhưng anh cũng bảo vợ lấy một chiếc áo cũ may chiếc túi ba gang như chim nói.

Hôm sau chim lại tới ăn khế, ăn xong chim bảo người em cưỡi lên lưng. Chim bay đi rất xa, bay qua một ngọn núi cao, qua một vùng biển rộng. Cuối cùng chim đáp lại một hòn đảo hoang chứa đầy vàng bạc và châu báu. Người em lấy đủ số vàng bạc vào chiếc túi ba gang rồi lại cưỡi trên lưng chim trở về nhà.

Từ ngày đó, người em trở nên giàu có, vì tiền bạc nhiều mà ăn cũng chẳng hết, người em lấy một số ra để giúp đỡ những người nghèo trong vùng. Ai ai cũng yêu quý người em vì tính tình tốt bụng lại biết giúp đỡ người.

Người anh thấy người em giàu có bất thường nên mon men sang hỏi chuyện. Người em thực thà kể lại cho anh nghe câu chuyện mình được chim thần chở đi lấy vàng ở hòn đảo nọ. Nghe xong, lòng tham nổi lên, anh ta đòi đổi toàn bộ gia tài lấy mảnh vườn và cây khế của người em. Chiều lòng anh, người em cũng bằng lòng.

Vào mùa năm sau, cây khế vẫn tiếp tục sai trái. Một hôm, chim lại bay tới để ăn khế, vợ chồng người anh giả nghèo giả khổ khóc lóc kêu than, chim bèn nói:

- Ăn một qủa, trả cục vàng, may túi ba gang, mang theo mà đựng.

Người anh mừng quá, giục vợ may túi không phải 3 gang mà là 12 gang để đựng được nhiều vàng.

Hôm sau chim thần tới đưa người anh đi lấy vàng. Anh ta bị lóa mắt bởi vàng bạc châu báu trên hòn đảo, nhồi đầy túi rồi, người anh còn cố nhét vàng quanh người. Chim giục mãi anh ta mới chịu leo lên lưng chim để trở về.

Đường thì xa, vàng thì nặng, chẳng mấy chốc chim thần đã thấm mệt. Mấy lần chim bảo người anh vứt bớt vàng đi cho nhẹ nhưng anh ta vẫn khăng khăng ôm lấy túi vàng không chịu buông. Khi bay qua biển, bất ngờ có một cơn gió lớn thổi lên, chim không chịu nổi nữa liền nghiêng cánh. Thế là người anh tham lam cùng túi vàng rơi tòm xuống biển...

(Bùi Mạnh Nhị (Chủ biên), Văn học dân gian : Những tác phẩm chọn lọc)

II. Tác phẩm Cây khế

1. Thể loại

Truyện cổ tích

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

+ Theo Bùi Mạnh Nhị (chủ biên), Văn học dân gian: những tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo dục, 2008, tr209-211.

3. Phương thức biểu đạt

Tự sự

4. Người kể chuyện

Ngôi thứ ba

5. Tóm tắt tác phẩm Cây khế

Ở nhà nọ có 2 anh em sớm mồ côi cha mẹ. Người anh chia gia tài, người em chỉ được cây khế. Cây khế có quả, chim đến ăn, người em phàn nàn và chim hẹn trả ơn bằng vàng. Chim chở người em bay ra đảo lấy vàng, nhờ thế người em trở nên giàu có. Người anh biết chuyện, đổi gia tài mình lấy cây khế, người em bằng lòng. Chim lại đến ăn, mọi chuyện diễn ra như cũ nhưng người anh may túi quá to và lấy quá nhiều vàng. Người anh bị rơi xuống biển và chết. 

Cây khế - Ngữ văn lớp 6 - Kết nối tri thức (ảnh 1)

6. Bố cục tác phẩm Cây khế

Gồm 3 phần:

+ Phần 1 (Từ đầu đến lại với em nữa): Giới thiệu về nhân vật người em và cách phân chia tài sản của hai anh em.

+ Phần 2 (Tiếp đến trở nên giàu có): Chuyện ăn khế trả vàng của người em.

+ Phần 3 (Còn lại): Âm mưu của người anh và sự trừng phạt.

7. Giá trị nội dung tác phẩm Cây khế

+ Truyện Cây khế là câu truyện về bài học đền ơn đáp nghĩa, niềm tin ở hiền sẽ gặp lành và may mắn của nhân dân.

8. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Cây khế

+ Sử dụng thể loại truyện cổ tích với những chi tiết hoang đường, kì ảo.

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Cây khế

1. Hai nhân vật

Nhân vật

 

Đối lập

Người anh

Người em

Hành động

- Chiếm hết tài sản.

- Nịnh nọt người em đổi hết tài sản lấy cây khế.

 

- May túi 12 gang.

- Cố vơ vét hết vàng trên đảo.

- Thương anh, biết phận mình nên không đòi hỏi.

- Chăm sóc cây khế.

- May túi ba gang, lấy vàng trên đảo.

- Sẵn sàng chia sẻ cây khế với anh.

Kết cục

Bị rơi xuống biển, “tham thì thâm”

Sống sung túc, “ở hiền gặp lành”

Nhận xét

Ích kỷ, keo kiệt, tham lam, vô ơn, sống không có tình nghĩa.

Tốt bụng, thật thà, lương thiện, biết ơn, giàu tình nghĩa

2. Bài học

- Không tham lam, biết vừa đủ.

- Sống nhân hậu, tình nghĩa, biết giữ lời hứa, biết đền đáp ơn nghĩa.

- Anh em trong gia đình phải biết thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau.

- Trung thực, chăm chỉ, hiểu được ý nghĩa của lao động chân chính.

+ Phê phán những kẻ tham lam, ích kỉ.

+ Ca ngợi con người hiền lành, chăm chỉ, nhân hậu.

+ Ước mơ của nhân dân về công bằng và sự sung túc.

IV. Các bài văn mẫu

Truyện cổ tích Cây khế - Sự tích ăn khế trả vàng

Đề bài: Phân tích bài Cây khế

Bài tham khảo 1

Lòng tham của con người là vô tận. Và lòng tham có thể giết chết tình bạn, tình anh em, họ hàng…thậm chí lòng tham có thể giết chết chính chúng ta. Thế nên, dân gian ta từ xa xưa đã rút ra nhiều bài học quý báu để lại cho đời sau với những câu chuyện vô cùng ý nghĩa về lòng tham, trong đó có truyện cổ tích “Cây khế”.

Cây khế xoay quanh câu chuyện về hai anh em ruột. Sau khi bố mẹ đột ngột qua đời, do lời xúi giục của vợ mà người anh cả chiếm hết tài sản chỉ chia cho người em một mảnh đất nhỏ với cây khế. Và câu chuyện trở nên hấp dẫn với chính cây khế, người anh chia cho người em. Một chú chim lạ, to lớn đã đến ăn những quả khế chín mọng khiến vợ chồng người xem xót xa, chạy ra xua đuổi. Nhưng thay vì bỏ đi, chú chim đã mang đến cho đôi vợ chồng nghèo, tốt bụng món quà với lời hứa, “ăn một quả trả cục vàng”. Và thực tế, chú chim không chỉ trả một cục vàng mà còn cả bao tải ba gang vàng cho vợ chồng người em.

Đọc đến đây, độc giả, nhất là những đôc giả nhỏ tuổi không khỏi vui mừng hạnh phúc, bởi trải qua bao khó khăn, thiệt thòi, sự chèn ép của vợ chồng người anh, hai vợ chồng người em đã gặp may mắn với chính lòng tốt, và sự giản dị của mình. Họ được trả công và sứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu như câu chuyện dừng ở đó thì thật bình thường. Vợ chồng người anh sau khi biết được vì sao người em từ nghèo khó bỗng chốc giàu sang đã quyết định đổi gia tài của mình chỉ để lấy cây khế. Nhưng thay vì may túi ba gang tay, vợ chồng người anh đã may cái túi to đến chín gang tay. Và họ đã chết bởi chính lòng tham của mình, khi vàng quá nặng, chú chim không thể chở nổi đã hất cả vợ chồng người anh lẫn vàng bạc xuống biển sâu.

Đến đây, không chỉ vui khi vợ chồng người em được hạnh phúc với cuộc sống đầy đủ, sung túc mà còn hả hê trước hậu quả mà người anh phải gánh chịu. Như vậy, với truyện “Cây khế”, người em đại diện cho những người hiền lành, thật thà, chịu thương, chịu khó, biết chia sẻ, nhường nhịn. Còn người anh đại diện cho những kẻ tham lam, bủn xỉn, ích kỷ thậm chí là độc ác. Như bất kỳ một câu chuyện cổ tích hay ngụ ngôn trong dân gian, truyện cây khế không dài và diễn biến câu chuyện không phức tạp, nhưng qua câu chuyện, qua mối quan hệ giữa hai anh em cho chúng ta những bài học ý nghĩa ở đời.

Trước hết, đó là bài học về tình anh em máu mủ ruột già. Trong bất cứ trường hợp nào, anh em phải biết yêu thương lẫn nhau và đừng như người anh trong câu chuyện, thật ích kỷ, hẹp hòi chỉ nghĩ đến bản thân mình mà đẩy mọi khó khăn khăn về cho người em. Sự tham tham của lòng người khiến cho người anh bất chấp tình anh em mà không chia gia tài bố mẹ để lại, để rồi, trong khi người anh được sống sung sướng thì người em phải sống hoàn cảnh khó khăn. Nếu như, người anh bớt đi sự hẹp hòi ích kỷ của mình, thì tình anh em của họ sẽ bền chặt biết bao, họ sẽ trở thành chỗ dựa cho nhau.

Bài học thứ hai đó là sự cần cù, chăm chỉ, siêng năng sẽ được đáp trả xứng đáng. Người em trong câu chuyện cây khế là một ví dụ điển hình. Dù không được người anh chia sẻ của cả nhưng bằng sự cần cù, chịu thương, chịu khó của mình mà người em vẫn có một cuộc sống, dù không đủ đầy về vật chất nhưng không thiếu về tinh thần. Phần thưởng mà chú chim mang đến với họ dù thật bất ngờ và nhuốm màu “cổ tích” nhưng đó là món quà xứng đáng cho sự thật thà, chăm chỉ. Cuộc sống hiện thực cũng vậy, sự chăm chỉ, siêng năng sẽ luôn nhận được sự chia sẻ của mọi người.

Nhưng có lẽ bài học sinh động nhất, chân thực nhất và ý nghĩa nhất mà “Cây khế” mang lại cho chúng ta chính là bài học về lòng tham. Nếu như chúng ta bị lòng tham làm mờ mắt thì sẽ gây ra biết bao hậu họa. Lòng tham sẽ giết chết tình anh, khiến cho tình anh em trở nên xa cách, thậm chí thù hằn như những người xa lạ. Và lòng tham có thể giết chết chính chúng ta như nhân vật người anh trong câu chuyện này. Những người nông dân khi sáng tác truyện “Cây khế” thật hài hước khi lấy chi tiết túi “ba gang” và túi “chín gang” tay để đo lòng tham con người. Người em biết mình, biết ta, sự thật thà từ tính cách mà nghe theo đúng lời chỉ dẫn của chú chim. Còn người anh, do bị lòng tham làm mờ mắt mà không cam tâm may túi 3 gang mà may cái túi những chín gang tay để đựng vàng. Và hậu quả, vàng thì chẳng nhận được mà người cũng chết theo. Cảm nhận đến đây, ta không thể không nhớ tới những câu tục ngữ, ca giao mà dân gian ta đã răn dạy, như:

“Tham vàng bỏ đống gạch dầy

Vàng thì ăn hết, gạch xây nên thành

Tham vàng bỏ ngãi anh ơi

Vàng thì ăn hết ngãi tôi vẫn còn

Người sao một hẹn thì nên

Tham vì nết chẳng hết chi người”

Truyện “cây khế” dù được những người nông dân lao động sáng tác từ xa xưa nhưng cho đến nay nó vẫn mang tính thời sự, vẫn là bài học ý nghĩa cho mỗi chúng ta.

Bài tham khảo 2

Trong kho tàng văn học Việt Nam, có vô vàn những thể loại văn xuất sắc, mang ấn tượng, trải qua thời kỳ lâu dài nhưng truyện cổ tích vẫn giữ được giá trị và sức hấp dẫn mãnh liệt, nó nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ để chúng lớn lên mang những bài học đạo đức hành trang cho cả cuộc đời. Với những ngôn từ đơn giản, nhưng đầy sức hấp dẫn diệu kì, truyện cổ tích cây khế vì thế mà đã in đậm trong lòng mỗi người khi nhớ về.

Câu truyện được tác giả dân gian tâm huyết viết nên bằng cốt truyện đầy sâu sắc. Tình huống truyện xuất phát từ chính những mối quan hệ tưởng chừng như quá quen thuộc trong một gia đình là anh em trai, sống hòa thuận với nhau, nhưng khi cha mẹ qua đời đã để lại cho hai người con một chút ít tài sản của họ dự phòng từ bao nhiêu năm cũng như dặn dò những lời tận đáy lòng rằng hai người bao giờ cũng phải đùm bọc, sống hòa thuận với nhau. Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như hai người nghe theo lời như ý nguyện của bố mẹ, và biết tiết chế, giữ cân bằng sự ham muốn, biết suy nghĩ cho người khác của cả hai. Khi lòng tham của con người ta nổi lên, thì thật đáng sợ, sẽ bất chấp làm mọi thứ chỉ để có được thứ mình mong muốn, cụ thể ở đây chính là tiền của. Cũng một phần do hoàn cảnh của người anh trai giờ đây đã có vợ, anh ta quên hết cả người em ruột thịt mà ngang nhiên lấy đi hết tài sản, vun vén cho hạnh phúc riêng của mình, chẳng hề đắn đo chỉ đề lại cho người em túp lều nhỏ và một cây khế ra quả ăn nơi góc vườn. Người em vốn là người mang bản tính thật thà và tốt bụng, chàng trai ấy đã thương cho hoàn cảnh anh chị làm lụng vất vả, còn mình một thân một mình hoàn toàn có thể tự lo được không cần nhờ nữa vì gây phiền phức, chàng đã nhanh chóng chấp nhận không mảy may nghi ngờ, so đo gì.

Chăm chỉ cỡ nào vẫn bị anh chị cả ghẻ lạnh, khinh rẻ, không hề có sự cảm thông, giúp đỡ, thấy sự tình ngày một tệ hơn, chàng bất lực, đành ở riêng. Cây khế ngày nào được chăm sóc, qua ngày tháng đã nhanh cho ra những lứa quả ngon, ngọt, anh thường chọn quả to ngon để cúng giỗ cha mẹ mỗi dịp lễ, và để ăn. Ngày nọ, một con chim phượng hoàng đã bị thu hút bởi cây khế, nó xà xuống ăn quả, anh chàng thấy vậy ra sức đuổi đánh chim. Nhưng vì đây là một con chim thần nên nó đã cầu xin tha thứ và nói vang vọng:

“Ăn một quả khế

Trả một cục vàng

May túi ba gang

Mang đi mà đựng”

Con chim ấy biết giữ lời, mấy ngày sau đến như đã hẹn chở người em ra đảo lấy vàng, cho thấy được tinh cách của một con vật, nó còn hơn hẳn con người anh sống phụ bạc. Người em thật thà đem câu chuyện mình được bởi con chim thần mà giàu lên trông thấy, nói cho người anh, ông ta vẫn lợi dụng em mình và còn hòng chiếm đoạt lợi ích, khai thác từ con chim người anh đã dàn dựng sự đổi chác địa vị, để mong muốn giàu có hơn, háo hức với dự định của mình từ lâu, sáng sớm hôm sau người anh đã leo lên mình con chim vượt biển, đến nơi hắn bị mê hoặc, nhét đầy túi vàng khắp người. Điều ấy đã đưa đến cái chết đáng giá cho nhân vật ở cuối câu truyện. Đó là cảnh báo của con chim thần đã đúng, vì con người quá cố chấp không chịu nghe, nên đã tự rước họa vào thân, vĩnh viễn bỏ xác mình nằm lại nơi biển khơi.

Nhân dân ta vốn là người nhân hậu, nhưng trước những sự việc như thế này, trời đất không dung tha. Họ nêu lên hết suy nghĩ của mình trong câu chuyện. Dường như sử dụng nhiều những hình ảnh mang tính chất thần kỳ đậm tính cổ tích cũng chính là nói lên ý nghĩa của một cuộc sống đúng mực ai ai cũng đều mơ tới- là hình ảnh con chim thần biểu thị cho sự công lý, sự biết giữ lời, sống có tình nghĩa ở người xưa, là hinh ảnh chiếc túi ba gang mà chim dặn mang đi cũng nói lên rằng cái gì trong cuộc sống cũng cần phải sống đúng có chừng mực, đừng để lòng tham che mờ mắt, nhận được kết quả đắt giá.

Câu chuyện cây khế quả thực rất hay, câu chuyện một lần nữa dạy cho ta những bài học đầy tính thiết thực về cách đối nhân xử thế nhất là đối với anh em trong nhà phải đùm bọc, che chở cho nhau dù cho có khó khăn hoạn nạn thế nào, qua đây ta còn hiều thêm về một ví dụ lòng biết ơn đáp nghĩa vốn đã thấm vào dòng máu Việt bao đời, ta cần phát huy thêm truyền thống đó, đừng bao giờ nuôi dưỡng một tâm hồn tham lam sẽ dễ đánh mất chính mình và đôi khi phải trả giá rất đắt, hay đôi khi chỉ khiến ta tin rằng trên đời vẫn còn sự “ở hiền thì sẽ gặp lành”, không ngừng làm những việc thiện, có ích cho xã hội sẽ nhận lại những việc phước báo về sau này.

Hẳn vậy mà những câu truyện cổ tích vẫn chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc, nhớ có nó để nuôi dưỡng tâm hồn, để nhận sự giáo dục thông qua sách truyện cũng là một cách rất tốt đặc biệt cần thiết cho thế hệ trẻ. Truyện cổ tích cây khế sẽ mãi ở đó, tồn tại mãi với thời gian để làm phong phú thêm giá trị cho nguồn văn học Việt bất tận.

1 59 lượt xem