Tác giả tác phẩm Hai loài khác biệt (Kết nối tri thức 2024) Ngữ văn 6 chi tiết nhất
Tác giả tác phẩm Hai loài khác biệt Ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 6. Mời các bạn đón xem:
Tác giả tác phẩm: Hai loại khác biệt - Ngữ văn 6
Bài giảng Ngữ văn 6 Hai loại khác biệt - Kết nối tri thức
I. Tác giả
- Tiến sĩ Giong-mi Mun (Youngme Moon) – Giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School), Phó khoa về Chiến lược và Đổi mới (Senior Associate Dean for Strategy and Innovation).
- Cô đã từng được nhận không ít giải thưởng nhờ vào quá trình giảng dạy xuất sắc cũng như những nghiên cứu có giá trị về sự giao thoa giữa kinh doanh, thương hiệu và văn hóa.
- Cô là người phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên được bổ nhiệm tại Trường Kinh doanh Harvard.
II. Tác phẩm Hai loại khác biệt
1. Thể loại
Văn bản nghị luận
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
Trích từ Khác biệt - thoát khỏi bầy đàn cạnh tranh, theo Dương Ngọc Lâm dịch, NXB Khoa học xã hội và An-pha-búc, Hà Nội, 2017.
3. Phương thức biểu đạt
Tự sự, Nghị luận
4. Người kể chuyện
Ngôi thứ nhất
5. Tóm tắt tác phẩm Hai loại khác biệt
Khi nhân vật tôi còn học trung học, giáo viên đã giao cho tôi một bài tập là phải làm sao để trở thành một người khác biệt trong 24 tiếng. Khi thực hiện bài tập này, tôi mặc bộ đồ ngủ đến trường và tôi thấy cũng rất nhiều bạn chọn cách ăn mặc quái dị, để kiểu tóc và hành động kì lạ. Nhưng, chỉ có J vẫn ăn mặc như bình thường. Tiết học hôm đó, J luôn giơ tay, đứng lên phát biểu mạch lạc, thưa gửi rõ ràng, cuối giờ học còn bắt tay cảm ơn thầy giáo. Cuối cùng, J đã giúp tôi nhận ra hành động của cậu mới chính là sự khác biệt có ý nghĩa, sự khác biệt thật sự.
6. Bố cục tác phẩm Hai loại khác biệt
Gồm 3 phần:
- Phần 1 (Từ đầu đến …trong phòng ăn trưa): Giới thiệu bài tập “trở nên khác biệt”
- Phần 2 (Tiếp theo đến ...khá là mẫu mực): Hành động của J
- Phần 3 (Còn lại): Ý nghĩa của sự khác biệt
7. Giá trị nội dung tác phẩm Hai loại khác biệt
- Hai loại khác biệt đã phân biệt sự khác biệt thành hai loại: có nghĩa và vô nghĩa. Người ta chỉ thực sự chú ý và nể phục những khác biệt có ý nghĩa.
8. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Hai loại khác biệt
- Lập luận chặt chẽ, lí lẽ xác đáng, dẫn chứng xác thực.
III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Hai loại khác biệt
1. Mỗi người cần có sự khác biệt
- Bài tập: Trong suốt 24 giờ đồng hồ, mỗi người phải cố gắng trở nên khác biệt.
- Mục đích: Để mỗi người bộc lộ một phiên bản chân thật hơn.
- Yêu cầu: không được gây hại, làm phiền người khác, vi phạm nội quy nhà trường.
- GV đã tạo điều kiện cho HS được trải nghiệm thực tế, để mỗi HS tự rút ra được ý nghĩa của hoạt động
cách giáo dục giúp người học chủ động, tích cực nắm bắt vấn đề.
2. Bằng chứng: Những bằng chứng thể hiện sự khác biệt của số đông học sinh trong lớp và J
- Số đông : chọn cách thể hiện cá tính bản thân qua cách ăn mặc, hành động quái dị, khác thường.
- Học sinh J chọn cách thể hiện sự khác biệt khác với ngày thường mình : thay vì nhút nhát, ít nói, cậu đã giơ tay và phát biểu trong các tiết học, xưng hô lễ độ với mọi người
Cách thể hiện sự khác biệt của mỗi người là khác nhau.
3. Lí lẽ: Cách để tại nên sự khác biệt
- Tác giả đã phân chia sự khác biệt thành hai loại: sự khác biệt vô nghĩa và sự khác biệt có nghĩa.
- Đa số chọn loại vô nghĩa, vì nó đơn giản và chẳng mất công tìm kiếm nhiều. không cần huy động khả năng đặc biệt gì.
4. Kết luận vấn đề
- Sự khác biệt thực sự, có ý nghĩa ở mỗi người sẽ khiến mọi người đặc biệt chú ý.
IV. Các bài văn mẫu
Đề bài: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về việc chấp nhận sự khác biệt trong cuộc sống
Bài tham khảo 1
Không khó để nhận thấy, những xung đột xảy ra ở lớp trẻ ngày càng nhiều, ngày càng dễ dàng. Ngoài lý do về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự giáo dục không chu đáo chính là nguyên nhân cơ bản. Từ gia đình cho tới nhà trường đều chưa chú ý giáo dục cho các con một điều quan trọng, đó là biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt.
Gần đây, trên mạng xã hội, một cuộc hôn nhân rất đẹp của cặp vợ chồng chênh lệch tuổi khá nhiều bị dân mạng “đánh hội đồng” không thương tiếc, thậm chí chửi bới, sỉ nhục, chỉ vì họ đã không yêu và lấy nhau theo cách thông thường là vợ ít tuổi hơn chồng. Một tục lệ có ở một số làng quê là đi ăn cỗ lấy phần đem về cũng bị ném đá tơi bời trên mạng mặc dù nó không làm hại đến ai cả, chủ nhà cũng vui vẻ vì không sợ thừa cỗ, lại còn chuẩn bị sẵn túi nilon để khách mang phần về.
Báo chí từng dẫn ra khá nhiều những vụ đụng độ dẫn đến đổ máu chỉ vì trông đối phương gây “ngứa mắt”. Lên các trang mạng xã hội, không khó để tìm thấy những bài viết, những bình luận có sắc thái phân biệt vùng miền, dân tộc, tôn giáo. Còn có thể kể ra muôn vàn ví dụ về sự phân biệt, kì thị vô lý như vậy. Tất cả chỉ vì người ta không biết cách tôn trọng sự khác biệt của người khác.
Vậy tại sao cần phải tôn trọng sự khác biệt? Bản chất của cuộc sống, của thế giới là sự đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, độc đáo không trộn lẫn, không lặp lại. Ngay cả những cặp anh chị em sinh đôi, có cùng cha mẹ, cùng hưởng thụ một cách nuôi dưỡng, một nền giáo dục gia đình, cũng không hoàn toàn giống nhau, thậm chí sự khác biệt cũng rất rõ nét. Vậy làm sao có thể bắt người khác giống mình về sở thích, khiếu thẩm mĩ, quan điểm sống và nhiều thứ khác nữa?
Bởi vậy, không thể hình thành một xã hội đồng phục: đồng phục về trang phục, lối sống, đồng phục về quan điểm, cách cư xử, thậm chí đồng phục về tư tưởng. Nếu có một xã hội như vậy, thì nó thật sự phản nhân văn. Vấn đề là mỗi người phải biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt. Cha mẹ cần dạy con điều này nếu muốn con có suy nghĩ và hành xử đúng đắn. Khi ta kì thị người khác, tức là ta đang đứng trên, tự cho mình là ở tầng lớp trên, đẳng cấp cao hơn kẻ khác. Cách suy nghĩ này cho thấy óc hẹp hòi, bảo thủ, tầm suy nghĩ hạn hẹp và ích kỷ.
Biết chấp nhận sự khác biệt, tức là con đang hướng đến một cách sống bao dung, độ lượng, vị tha. Điều đó giúp con chan hòa với mọi người, với cuộc sống chung, và đương nhiên con sẽ có thêm nhiều cơ hội tốt trong cuộc sống. Biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, con đang tiến dần đến sự chín chắn, trưởng thành.
Tôn trọng sự khác biệt không phải là tự đánh mất mình, cũng không phải là xuôi chiều, ba phải. Đơn giản là con yêu những màu sắc phong phú của cuộc sống, như yêu hoa hồng kiêu sa lộng lẫy thì vẫn có thể yêu hoa xuyến chi giản dị, khiêm nhường, yêu hoa tigon hồng hình trái tim tan vỡ, hoa sim hoang dại mà ngan ngát màu chiều…và khi đó, con mới biết chấp nhận cuộc sống như nó vốn có. Chỉ khi con biết tôn trọng sự khác biệt của người khác, con mới nhận được sự tôn trọng của mọi người.
Tôn trọng sự khác biệt, chính là tôn trọng tự do cá nhân của mỗi người. Không thể bắt một con cá leo cây, cũng như không thể bắt một con ong phải sống dưới nước. Con cần biết tôn trọng lựa chọn của người khác: quần áo, đầu tóc, quan điểm sống…cũng như tôn trọng tự do cá nhân của chính mình.
Con nên nhớ, chiếc áo không làm nên thầy tu, những biểu hiện bên ngoài đó chưa phải là tất cả để nói lên bản chất con người. Con không nên vội vàng đánh giá người khác chỉ dựa vào những biểu hiện bề ngoài.
Tôn trọng sự khác biệt, khó nhất là chấp nhận sự khác biệt về văn hóa. Con cần hiểu rằng đã là văn hóa thì không có cao hay thấp, chỉ có sự khác biệt mà thôi. Chỉ khi nào nét văn hóa riêng biệt đó nó phản nhân văn, phản khoa học thì mới coi là hủ tục, mới đáng lên án, bài trừ. Con không nên phân biệt vùng miền, lại càng không nên chỉ trích nét văn hóa đặc trưng của vùng miền nào đó.
Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống riêng cho mình. Con không nên kỳ thị người đồng tính, kỳ thị dân tộc, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo… Con cần hết sức tránh thái độ xoi mói, xâm phạm vào đời tư, vào quyền riêng tư của người khác. Tọc mạch là một thói xấu, một cách hành xử hết sức đáng chê trách. Sống với thái độ kỳ thị, chính là đào sâu thêm hố ngăn cách biệt giữa người với người, làm cho mối quan hệ giữa người với người xấu đi.
Một xã hội văn minh, tốt đẹp là một xã hội con người biết tôn trọng lẫn nhau, biết tôn trọng tự do cá nhân của nhau, biết chấp nhận sự khác biệt từ người khác. Con hãy sống chân thành với thái độ tôn trọng mọi người, rồi cuộc sống sẽ mỉm cười với con. Hãy là một người sống và cư xử văn minh, con nhé.
Bài tham khảo 2
Trong cuộc sống, mỗi người có một quan điểm sống, một tư tưởng sống khác nhau tạo nên sự đa dạng cho xã hội. Chúng ta ngoài việc bảo vệ quan điểm của mình thì cũng rất cần phải biết tôn trọng sự khác biệt của người khác. Sự khác biệt chính là những cá tính, nét riêng, đặc trưng của một người, một sự vật nào đó mà khi chỉ cần nhắc về đặc điểm đó ta sẽ hình dung ra ngay người, vật ấy. Mỗi người, mỗi vật đều có những nét đặc trưng riêng, sự khác biệt riêng, chúng ta cần biết tôn trọng những đặc điểm đó. Người biết tôn trọng sự khác biệt là người biết lắng nghe những quan điểm, chia sẻ, góc nhìn của người khác một cách trân trọng và tỉ mỉ. Chúng ta có thể đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của người khác nhưng không tìm cách vùi dập hoặc coi thường suy nghĩ của họ. Từ những quan điểm, góc nhìn của người khác, chúng ta biết chọn lọc và rút ra ý nghĩa từ quan điểm đó làm bài học cho chính bản thân mình, việc rút ra bài học từ quan điểm của người khác giúp chúng ta có bài học và hoàn thiện bản thân mình hơn. Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người không biết tôn trọng quan điểm của người khác, sự khác biệt của người khác, luôn cho mình là nhất, quan điểm của mình là đúng và người khác là sai,… chúng ta không nên học theo những người này bởi đây là lối suy nghĩ chưa đúng đắn. Mỗi chúng ta có những sự khác biệt và người khác cũng vậy. Hãy biết tôn trọng người khác, tôn trọng chính mình để xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, con người hòa đồng với nhau hơn. Sự khác biệt làm đa dạng hóa xã hội, giúp cho cuộc sống con người thêm đa màu sắc hơn, từ đó giúp con người phát triển tốt hơn. Hiểu được tầm quan trọng của sự khác biệt, mỗi người hãy sống và thích nghi với những sự khác biệt mới mẻ để cảm nhận được trọn vẹn cuộc sống nhiều hơn nữa.