Tác giả tác phẩm Xem người ta kìa! (Kết nối tri thức 2024) Ngữ văn 6 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Xem người ta kìa! Ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 6. Mời các bạn đón xem:

1 89 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Xem người ta kìa! - Ngữ văn 6

Bài giảng Ngữ văn 6 Xem người ta kìa - Kết nối tri thức

I. Tác giả
- Tác giả: Lạc Thanh

II. Đọc tác phẩm Xem người ta kìa!

Xem người ta kìa

Lạc Thanh

“Xem người ta kìa!” – đó là câu mẹ tôi thường thốt lên mỗi khi không hài lòng với tôi về một điều gì đó. Cùng với câu này, mẹ còn nói: “Người ta cười chết!”, “Có ai như thế không?”, “Có ai làm việc không?”, “Ai đời lại thế?”,… Tôi là đứa trẻ được dạy nhiều về hiếu thuận(1), tôi đã cố sức vâng lời để mẹ vui lòng. Nhưng mỗi lần như vậy, thú thật, tôi không thấy thoải mái chút nào.

       Giờ đây, mẹ tôi đã khuất(2) và tôi cũng đã lớn. Tôi luôn nhớ về mẹ với niềm xúc động không nguôi(3). Tôi đã hiểu ra, mỗi lần bảo tôi: “Xem người ta kìa!” là một lần mẹ mong tôi làm sao để bằng người, không thua em kém chị, không làm xấu mặt gia đình, dòng tộc, không để ai phải phàn nàn, kêu cau điều gì. Mà có lẽ không riêng gì mẹ tôi. Có người mẹ nào trên đời không ước mong điều đó?

Soạn văn 6 trang 48 Kết nối tri thức - Tập 1

       Mẹ tôi không phải không có lí khi đòi hỏi tôi phải lấy người khác làm chuẩn mực(4) để noi theo. Trên đời, mọi người giống nhau nhiều điều lắm. Ai chẳng muốn thông minh, giỏi giang? Ai chẳng muốn được tin yêu, tôn trọng? Ai chẳng muốn thành đạt? Thành công của người này có thể là niềm ao ước của người kia. Vì lẽ đó, xưa nay, không ít người tự vượt lên chính mình nhờ noi gương những cá nhân xuất chúng(5). Mẹ muốn tôi giống người khác, thì “người khác” đó trong hình dung của mẹ nhất định phải là người hoàn hảo(6), mười phân vẹn mười.

       Tuy vậy, trong thâm tâm(7), tôi không hề cảm thấy dễ chịu mỗi lần nghe mẹ trách cứ.

       Từ khi biết nhìn nhận và suy nghĩ, tôi dần dần hiểu ra rằng, thế giới này là muôn màu muôn vẻ, vô tận và hấp dẫn lạ lùng. Vạn vật trên rừng dưới biển đều thế và xã hội con người cũng thế. Nhớ các bạn trong lớp tôi ngày trước, mỗi người một vẻ, sinh động biết bao. Ngoại hình khác nhau, giọng nói khác nhau đã đành, mà thói quen, sở thích cũng có giống nhau đâu. Người thích vẽ vời, người ưa ca hát, nhảy múa, có bạn chỉ khi ra sân tập thể thao mới thực sự được là mình,… Vể tính cách thì sôi nổi, nhí nhảnh hay kín đáo, trầm tư có đủ hết… Người ta thường nói học trò “nghịch như quỷ”, ai ngờ “quỷ” cũng là cả một thế giới, chẳng “quỷ” nào giống “quỷ” nào! Tôi đã đọc đầu đó một câu rất hay: “Chỗ giống nhau nhất của mọi người trên thế gian này là… không ai giống ai cả”. Chính chỗ “không giống ai” nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người.

       Tôi muốn trở lại với dòng hồi ức(8) được khai mở ở đầu bài. Dù có ý định tốt đẹp, những người thân yêu của ta đôi lúc cũng không hẳn đúng khi ngăn cản, không để ta được sống với con người thực của mình. Ai cũng cần hoà nhập, nhưng sự hoà nhập có nhiều lối chứ không phải một. Mỗi người phải được tôn trọng, với tất cả những cái khác biệt vốn có. Sự độc đáo của từng cá nhân làm cho tập thể trở nên phong phú. Nếu chỉ ao ước được giống người khác, thì làm sao ta có hi vọng đóng góp cho tập thể, cho cộng đồng một cái gì đó của chính mình? Đòi hỏi chung sức chung lòng không có nghĩa là gạt bỏ cái riêng của từng người.

       Càng lớn, tôi càng hiểu nỗi lòng, mong ước của mẹ hơn. Tôi không còn cái cảm giác khó chịu nữa bởi đã nhận thức được rằng, những lời trách cứ(9) mẹ dành cho tôi cũng có thể là câu mà bao người mẹ trên đời đã nói với con. Tôi muốn đổi nội dung câu nói “Xem người ta kìa!” thành một lời khích lệ: Người ta đã khác, đã hay như thế, sao mình lại không khác, không hay, theo cách của mình? Biết hoà đồng, gần gũi mọi người, nhưng cũng phải biết giữ lại cái riêng và tôn trọng sự khác biệt. Chẳng phải vậy sao?

(Theo Lạc Thanh, tạp chí Sông Lam, số 8/2020)

III. Tác phẩm Xem người ta kìa!

1. Thể loại

Văn bản nghị luận

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

Trích từ Tạp chí sông Lam, số 8/2020.

3. Phương thức biểu đạt

Nghị luận

4. Tóm tắt tác phẩm Xem người ta kìa!

Ngày bé, khi mẹ của nhân vật tôi luôn muốn muốn tôi làm sao để không thua kém ai, mẹ luôn nói “Xem người ta kìa!” khiến tôi không thoải mái chút nào. Sau này lớn lên, tôi hiểu rằng lời trách cứ của mẹ là có lí vì mẹ yêu thương và luôn muốn tôi trở nên giỏi giang, hoàn hảo. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta nên biết giữ lại cái riêng, tôn trọng sự khác biệt và hãy khác, hãy hay theo cách của mình.

5. Bố cục tác phẩm Xem người ta kìa!

Gồm 3 phần:

- Phần 1 (Từ đầu đến ...không ước mong điều đó?): Giới thiệu vấn đề

- Phần 2 (Tiếp theo đến ...gạt bỏ cái riêng của từng người): Chứng minh ai cũng có đặc điểm riêng

- Phần 3 (Còn lại): Khẳng định lại vấn đề

6. Giá trị nội dung tác phẩm Xem người ta kìa!

- Mỗi lần bảo tôi: “Xem người ta kìa” là một lần mẹ mong tôi làm sao để bằng người, không thua em kém chị, không làm xấu mặt gia đình, dòng tộc, không để ai phải phàn nàn, kêu ca gì.

- Thế giới muôn màu muôn vẻ, vì vậy mỗi chúng ta cần Biết hòa đồng, gần gũi nhưng phải giữ lại cái riêng và tôn trọng sự khác biệt.

7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Xem người ta kìa!

- Nghệ thuật nghị luận đặc sắc: Dùng lời kể nêu vấn đề, dùng nhiều lí lẽ và bằng chứng  vấn đề đưa ra có sức thuyết phục cao.

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Xem người ta kìa!

Văn bản Xem người ta kìa! (Lạc Thanh ) - Nội dung, Tác giả tác phẩm

1. Mong muốn của mẹ

- Mỗi lần bảo tôi: “Xem người ta kìa” là một lần mẹ mong tôi làm sao để bằng người, không thua em kém chị, không làm xấu mặt gia đình, dòng tộc, không để ai phải phàn nàn, kêu ca gì.

- Lí do khiến mẹ muốn con giống người khác: muốn con hoàn hảo, mười phân vẹn mười (thông minh, giỏi giang, được tin yêu, tôn trọng, thành đạt…)

- NT: Dùng lời kể nêu vấn đề  tăng tính hấp dẫn, gây tò mò; dùng nhiều lí lẽ và bằng chứng  thuyết phục cao.

2. Bài học về sự khác biệt và gần gũi.

a) Thế giới muôn màu muôn vẻ

- Vạn vật trên rừng, dưới biển.

- Các bạn trong lớp mỗi người một vẻ, có hình đáng, sở thích, thói quen khác nhau…

b) Biết hòa đồng, gần gũi nhưng phải giữ lại cái riêng và tôn trọng sự khác biệt.

- Mỗi người phải được tôn trọng, với tất cả những khác biệt vốn có.

- Sự độc đáo của cá nhân làm cho tập thể trở nên phong phú

 Chung sức đồng lòng không có nghĩa là gạt bỏ cái riêng của từng người.

c) Bài học rút ra cho bản thân

- Tôn trọng sự khác biệt của bạn.

Biết hòa đồng, gần gũi nhưng phải giữ lại cái riêng của bản thân.

V. Các bài văn mẫu

Top 6 Bài soạn 'Xem người ta kìa' (Ngữ văn 6 - SGK Kết nối tri thức) hay  nhất - Alltop.vn

Đề bài: Từ văn bản Xem người ta kìa, viết đoạn văn suy nghĩ về giá trị của mỗi người

Bài tham khảo 1

Có đôi lúc bạn sẽ cảm thấy bản thân mình thật vô dụng, những lúc như thế hãy tự nhủ rằng “chắc chắn mỗi người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị sẵn có sẵn và chính bạn hơn ai hết, trước ai hết phải hết mình phải nhận ra những giá trị đó”, “giá trị có sẵn” là những giá trị bản thân vốn có và để nhận ra nó. Con người cần phải kiên nhẫn từng ngày, từng giờ, nỗ lực làm việc, học tập, chúng ta có thể không thông minh nhưng chúng ta có sự chuyên cần để bù đắp. Có thể chúng ta là người không hát hay, nhưng đổi lại chúng ta là người không bao giờ trễ hẹn. Cuộc sống là vậy luôn rất công bằng, bạn có thể không có những khả năng đặc biệt. Những năng khiếu trời phú, những ẩn sâu bên trong bạn là những giá trị tốt đẹp và trước ai hết bạn phải sớm nhận ra nó để có thể phát huy thật tốt những điểm mạnh của mình.Nguyễn Ngọc Ký Nhà giáo ưu tú của Việt Nam, dù bị liệt hai tay nhưng nhận ra rằng đôi chân mình cũng có thể viết được thầy, đã cố gắng nỗ lực rất nhiều và bằng sự thông minh cùng nỗ lực thầy đã trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên trong thực tế, không phải ai cũng có thể nhận ra những giá trị sẵn có của bản thân, những người chỉ biết than thân trách mình vô dụng mà không biết tìm kiếm những giá trị sẵn có. Nhiều người lại cảm thấy xấu hổ với những giá trị của mình không bằng người khác, mỗi người trong chúng ta hãy phê phán những người có những suy nghĩ tiêu cực sai lầm trên, hãy cố gắng tìm ra những giá trị vốn có của mình để tự tin làm những điều mình muốn. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy cố gắng học tập, phát huy thật tốt những giá trị của bản thân và những công việc trong cuộc sống hàng ngày.

Bài tham khảo 2

Con người sinh ra không có ai là hoàn hảo, có người tài giỏi, có người kém hơn nhưng ai cũng có trong mình những giá trị bản thân cần được tôn trọng. Giá trị bản thân dù lớn lao hay nhỏ bé thì nó cũng là yếu tố cốt lõi tạo nên con người bạn, không lẫn với bất kì một ai. Giá trị bản thân không nằm ở việc bạn làm gì, có chức tước gì hay là kiếm được bao nhiêu tiền, nó cũng không nằm ở một kết quả nhất thời mà chính quá trình ta chinh phục cái đích mới là sự thể hiện rõ ràng nhất của giá trị con người. Có những người sinh ra không có trí thông minh cực đỉnh nhưng suốt quãng đường học tập họ luôn chăm chỉ, chịu khó vươn lên. Chính sự miệt mài không quản khó khăn đã để lại trong lòng người khác một sự kính nể và tôn trọng. Có những người, làm chức to, ông này bà kia nhưng lại không nhận được sự tôn trọng của người khác. Bởi vì sao? Chức tước đó là do họ mua chuộc bằng tình, bằng tiền và do những mối quan hệ không sòng phẳng. Thực chất thì họ không có đủ khả năng và trí tuệ để có thể làm được công việc đó. Ở một địa vị cao sang nhưng không thanh liêm thì người khác cũng nhìn vào bằng con mắt khinh thường, chế giễu. Giá trị của bản thân được gây dựng bằng chính đôi bàn tay của chủ thể. Chẳng ai quan tâm bạn bắt đầu, xuất phát ở chỗ nào và cái đích bạn đạt được có cao hay không, chỉ cần quá trình bạn đi đến mục đích nó được xây dựng trên chính nỗ lực và ý chí của bạn. Con đường đi đến thành công chưa bao giờ là bằng phẳng và dễ dàng, nó đầy rẫy những gian nan và thử thách. Chính quá trình vượt qua khó khăn ấy con người mới bộc lộ phẩm chất và giá trị bản thân mình. Đừng đánh giá một ai đó qua cái nhìn mà bạn thấy trước mắt, hãy suy xét thật kĩ lưỡng thực chất bên trong của chúng, bởi vì giá trị sẽ chẳng bao giờ là kết quả ở một thời điểm nhất định, nó là cả một quá trình, một con đường dài mà con người phải trải qua bằng chính sức lực và đôi chân của mình.

1 89 lượt xem