Tác giả tác phẩm Minh sư (Kết nối tri thức 2024) Ngữ văn 8 chi tiết nhất
Tác giả tác phẩm Minh sư Ngữ văn lớp 8 sách Kết nối tri thức đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 8. Mời các bạn đón xem:
Nội dung bài viết
Tác giả tác phẩm: Minh sư - Ngữ văn 8
Bài giảng Ngữ văn 8 Minh sư
I. Tác giả Thái Bá Lợi
- Thái Bá Lợi sinh năm 1945, quê ở Nghệ An, là nhà văn quân đội, có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh.
- Tác phẩm của Thái Bá Lợi thể hiện một cái nhìn mới mẻ về hiện thực, một lối viết giản dị nhưng sinh động, dễ đi vào lòng người.
- Lần lượt những tác phẩm của Thái Bá Lợi ra mắt bạn đọc như Vùng chân Hòn Tàu (tập truyện, 1978), Thung lũng thử thách (tiểu thuyết, 1978), Họ cùng thời với những ai (tiểu thuyết, 1981), Bán đảo (tập truyện 1983)…Và gần nhất là Tuyển tập Thái Bá Lợi (NXB Hội Nhà văn, 2021) vừa phát hành.
II. Đọc tác phẩm Minh Sư
Minh Sư
Trích Thái Bá Lợi
Vào năm Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng gần tròn tám mươi tuổi, ông lên Hải Vân để vào Quảng Nam. Suốt chặng đường lên đèo ông chỉ phải nằm cáng hai lần còn thì ngồi trên lưng ngựa. Người lính hầu dắt ngựa đi trên những đoạn đường mòn gập ghềnh cheo leo giữa các bờ đá. Phải đổi ngựa hai lần và gần một ngày ông mới lên được tới đỉnh.
Hôm ấy trời nắng yếu, lưng chừng núi có mây phủ, còn trên đỉnh có sương mù. Đoan Quốc công ngồi trên một phiến đá chờ cả canh giờ mà sương vẫn chưa tan. Gần cuối ngày nhờ có làn gió tây thổi từ trên núi xuống đẩy mây ra biển làm nắng cứng hơn nhìn rõ vịnh biển dưới chân núi và một vùng đất bằng rộng rãi chói chang nắng ấm ở phương nam. Vì vùng đất phương nam rộng rãi này mà vua Lê Thánh Tông gọi đó là Quảng Nam. Nhưng trời chưa trong hẳn, những đám mây nhẹ cứ sà vào đỉnh núi rồi lại kéo đi làm phong cảnh lúc ẩn lúc hiện trong mây. Càng về chiều gió càng thổi mạnh, trời trở lạnh. Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng của ông đêm nay sẽ nghỉ lại trên đỉnh núi. Có sao đâu vì ông thường thích ngủ nghỉ ở nơi cao ráo. Cái lạnh thấu xương trên đỉnh núi đã có đống lửa và những tấm chăn ấm mà đoàn ngựa thồ chở lên.
Quây quần bên đống lửa quanh Đoan Quốc công đêm nay vẫn là những con người đã cùng sống chết với ông mấy chục năm qua, nhưng không còn đầy đủ nữa. Thái phó Nguyễn Ư Dị, Luân quận công Tống Phước Trị lần lượt qua đời. Thân vương Mạc Cảnh Hướng vào vùng Trà Kiệu Quảng Nam giúp rập công việc trong đó. Các con trai lớn của ông là Hà, Hán, Thành, Diễn đã mất sớm trong chiến trận và tật bệnh. Con thứ năm Cẩm quận công Hải đang làm con tin ở triều đình ngoài Đông Đô. Chỉ còn con thứ sáu Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên đang cùng ông vào Quảng Nam chuyến này. Đỗ Chiêu thì sau tuần chay thanh tịnh khai sơn chùa Thiên Mụ đã xin ông xuất gia, giờ không biết đang thọ giáo với pháp sư nào, ở am cốc nào chưa có tin cho ông. Đỗ Chiêu phát nguyện chỉ khi nào tỏ việc, có được chút mùi vị tương chao thì mới về gặp ông. Đoan quốc công hiểu rằng như vậy là ông khó gặp lại Đỗ Chiêu trong hiện đời này. Phạm Dữ, cùng nhiều tướng khác, nhiều người không còn trẻ nữa thì vẫn quanh ông, cùng với cái thân già này nhọc nhằn cáng đáng việc nước.
Nhớ ngày chia tay Đỗ Chiêu, hai con người đã gắn bó với nhau hơn bốn chục năm lại bàn về phước lành. Đỗ Chiêu có kể cho ông nghe câu chuyện Tôn Giả A Na Luật đệ nhất thiên nhân, một trong mười đệ tử lớn của đức Phật, có sức nhìn thấu tam thiên, đại thiên thế giới nhưng mắt thịt bị mù. Một hôm đang vá áo thì hết chỉ, Tôn Giả nói: có ai ở đó không, nhờ xâu cho một múi chỉ. Đức Phật đang ngồi bên cầm lấy kim xâu chỉ cho Tôn Giả. Sau khi vá áo xong biết mũi chỉ mình vừa vá áo là do đức Phật xâu cho, ngài nói: “Bạch đức Thế tôn, công đức của Phật trùm khắp ba cõi, mà Thế tôn phải xâu chỉ cho con. Con thật có lỗi lớn”. Đức Phật từ tốn đáp: “Dù có như ông nói thì hằng ngày ta vẫn bòn mót, gom góp từng chút phước mọn này đây”. Đoan Quốc công nghĩ rằng Đỗ Chiêu kể câu chuyện này với ông như có ý nhắc ông không bao giờ sao nhãng những việc dù lợi ích nhỏ. Lại nhớ một lần khi Phạm Dữ thỉnh ý Đỗ Chiêu nên tụng đọc bộ kinh nào. Đỗ Chiêu đã nói: Ông trì tụng kinh điển vậy là quá nhiều rồi. Bây giờ đến lúc thực hành theo lời Phật dạy đi. Dù ông có thông tỏ Tam tạng giáo điển mà không thực hành cũng như một người bệnh suốt ngày tụng đọc đơn thuốc mà không chịu uống thuốc thì đừng bao giờ mong khỏi bệnh. Đêm nay Đỗ Chiêu lại không có ở đây.
Đoan Quốc công nói với quần thần:
- Sáng mai bọn ta sẽ xuống núi đi vào vùng đất rộng rãi phía nam. Trong đó lành dữ đều có cả, đang chờ bọn ta. Tuy ta kiêm tổng trấn Quảng Nam đã hơn ba mươi năm nhưng sự sâu sát thì chưa nhiều bằng Thuận Hóa, công lao khai khẩn, an dân là của các ông đang ngồi quanh ta đây. Nhiều năm nay, triều đình ngoài Đông Đô, dân chúng các nơi đều coi xứ Thuận Quảng này có chính trị khoan hòa, pháp luật công bằng, quân lệnh nghiêm túc nhờ mọi người cố gắng nên tàn quân nhà Mạc cùng các đảng cướp khác không dòm ngó được, dân trong xứ đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, dân không trộm cắp, cửa ngoài không phải đóng. Đó là người ngoài nhìn vào. Còn bọn ta ở trong lòng Thuận Quảng, ta phải biết rận trong chăn. Người Chiêm đang sống cùng người Việt, tuy bề ngoài có phần hòa hợp nhưng hiềm khích vẫn còn. Cái chết của Đô đốc Bùi Tá Hán cũng đã hơn ba mươi năm luôn nhắc ta nhiều điều. Ngài là người có công lớn, được dân tạc tượng thờ khi còn sống, ở thời ít giặc giã mà cái chết của ngài thật bí ẩn. Người ta chỉ tìm thấy chiếc áo bào đẫm máu của ngài trên cành cây, người và ngựa đều không tìm thấy. Việc tuy đã lâu nhưng chưa cũ đâu. Lần này ta cùng các ông vào trong đó cố mà hiểu ra vì sao lại có những chuyện này.
Càng về khuya khí núi càng lạnh. Lính hầu phải cho thêm củi vào đống lửa. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm đốt lửa trong rừng. Họ tìm những cây bằng lăng còn tươi, chặt thành những khúc ba bốn thước, xếp chạm đầu vào nhau rồi lấy củi khô nhóm lửa. Vài canh giờ sau củi tươi mới bén lửa cháy đượm suốt đêm...
- Ông nào pha thêm một ấm trà mới đi. Cảnh trí thế này thì làm sao mà ngủ được. Đoan Quốc công vừa nói vừa cầm lấy một khúc cây, chọc cho tàn lửa bốc cao lên.
Lúc này, Phạm Dữ vừa cùng đội cấm vệ đi tuần một vòng quanh núi về, đang hơ đôi tay lạnh cóng bên lửa. Đoan Quốc công hỏi:
- Này ông Phạm, tôi nghe nói dưới chân núi có một tộc người Chiêm lớn lắm đã đổi sang họ Việt.
Phạm Dữ vừa xoa tay vừa trả lời:
- Thưa Quốc công đó là tộc Phan ở làng Đà Sơn cách chân núi sáu dặm, trong phủ Điện Bàn. Tộc này đã đổi sang họ Việt đến đời thứ bảy. Hiện Phan Công Hiến có vợ họ Nguyễn đang làm quan trong trấn, chức ngự sử. Ông đang chờ Quốc công dưới làng.
- Vậy thì ngày mai ta phải gặp ông ấy. Bây giờ các ông hãy nghỉ đi giữ gìn sức lực, đường còn xa.
Đoàn tùy tùng tuân lệnh Đoan Quốc công ai về chỗ nấy, chui vào những cái lán dựng tạm quanh các đống lửa. Có khoảng mười đống lửa bập bùng trên đỉnh Hải Vân đêm nay. Đoan Quốc công không thấy buồn ngủ, ông ngồi bên đống lửa uống trà. Khi mọi người đã vào giấc, ông mới đứng dậy dạo một vòng quanh nơi hạ trại. Trăng hạ tuần đang nhô lên từ biển dát ánh bạc lung linh. Những đám mây bay lững thững trên đầu làm bầu trời đầy sao lúc mờ lúc tỏ. Đoan Quốc công cất bước nhẹ nhàng để không làm quân sĩ thức giấc. Ông nghe có tiếng nói chuyện thì thào bên một mô đá. Ông lặng lẽ đi về phía ấy.
Hai người lính gác chống kiếm đứng bên nhau. Gió tây quất từng cơn lạnh ngắt. Bước chân của Đoan Quốc công tới càng gần, tiếng thì thầm nghe càng rõ.
Một người lính nói:
- Quốc công năm nay đã gần tám mươi rồi mà vẫn chưa được nghỉ ngơi. Ngài còn dẻo sức lắm, bữa qua còn xuống ngựa đi bộ một đoạn xa. Chắc là Quốc công cầm quân cho đến ngày nhắm mắt.
Người lính kia góp vào:
- Mình phận lính tráng hiểu sao được tính toán của ngài. Lần này vào Quảng Nam có công tử Nguyên cùng đi, nghe nói ngài sẽ giao công tử trấn thủ Quảng Nam. Ngài là bậc kiệt hiết, mỗi bước đi đều tính toán kỹ càng chứ đâu hồ đồ như bọn ta. Khi ngài rời triều đình vào đây hơn bốn mươi năm trước đã tính cho ngày nay rồi. Mà ngày ấy Quốc công mới trên ba mươi tuổi. Thật là kỳ đặc, tính được thời vận như thần.
- Tôi không nghĩ vậy.
- Ông nghĩ sao?
- Chẳng có tính toán gì đâu. Chẳng qua Quốc công sợ bị Trịnh Kiểm giết, tìm đường chạy thoát thân vào đây, gặp đất rộng thì mở thôi.
Đoan Quốc công đã nghe hết câu chuyện, ông đi thụt lùi để hai người lính không nhận ra mình. Một mảnh rêu dưới chân làm ông trượt ngã. Hai người lính giật mình vội thổi bùi nhùi đốt đuốc lên. Họ nhận ra người vừa đang lóp ngóp bò dậy là Đoan Quốc công. Bó đuốc trong tay họ run bần bật. Đoan Quốc công trấn an họ:
- Không sao đâu. Tắt đuốc đi đừng làm động quân sĩ đang ngủ. Hai anh hãy đi với ta tới đống lửa uống trà.
Hai người lính lại càng run hơn. Miệng họ lắp bắp không nói ra thành tiếng. Họ như hai cái bóng mất hồn theo sau Đoan Quốc công đến đống lửa có cái lán của ông.
- Đừng run. Hãy ngồi xuống đây nói tiếp câu chuyện còn dở ấy cho ta nghe. Ta biết nghe mà, các anh đừng sợ.
Hai người lính vẫn chưa hết run, chắp tay vái Đoan Quốc công lia lịa:
- Chúng con có tội, chúng con có tội, xin ngài xá cho.
- Tội phước chưa nói ở đây, các anh nói chuyện tiếp đi, nhưng nói nhỏ nhỏ thôi để quân sĩ nghỉ.
Hai người lính nhận được cái nhìn hồn hậu của Đoan Quốc công, họ đã dần định thần. Họ đã hiểu chắc mình không bị tội chém vì khi quân, nhưng lời vẫn lúng búng trong miệng không nói ra được. Đoan Quốc công khêu cho đống lửa cháy to hơn:
- Các anh không nói thì ta nói vậy. Các anh có tội là dám nói sau lưng ta. Nhưng đúng là ta sợ chết mà thoát thân vào xứ này. Nào ta có nghĩ ngay được chuyện mở cõi như giờ đâu. Nhưng gặp vận mà không làm là có tội. Cũng như các anh quý mến ta cho ta một bữa ăn khi đang đói, nếu ta tham lam đòi ăn thật nhiều, hoặc khinh khi các anh chê bữa ăn dở thì hai tội ấy như nhau. Các anh đã nhắc ta biết một sự thật mà ta có thể quên thì đó là minh sư của ta. Không phải chỉ có nhiều người gần gũi ta, những người nói điều hợp với lòng ta mà ngay cả những người nói điều trái ý ta, cả những người muốn hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là những bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ đã dạy ta nhiều điều. Đó là lời nói thực lòng, các anh hãy tin ta, không có gì phải sợ sệt cả. Để phạt tội nói chuyện người sau lưng, các anh phải uống trà với ta chờ sáng.
III. Tìm hiểu tác phẩm Minh sư
1. Thể loại
Minh sư thuộc thể loại tiểu thuyết
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
Tác phẩm được tác giả Thái Bá Lợi viết sau khi Đoàn Quốc công Nguyễn Hoàng qua đời, ông muốn bày tỏ sự tôn kính của mình qua nội dung của tác phẩm.
3. Phương thức biểu đạt
Văn bản Minh sư có phương thức biểu đạt là tự sự.
4. Ý nghĩa nhan đề Minh sư
Minh sư có nghĩa là người thầy sáng suốt, thấu tỏ nhiều điều, khôn ngoan trong đối nhân xử thế.
5. Người kể chuyện
Văn bản Minh sư được kể theo ngôi thứ ba
6. Tóm tắt Minh sư
Trong tiểu thuyết Minh sư, tác giả Thái Bá Lợi miêu tả cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật chính là Nguyễn Hoàng. Dù đã tròn 80 tuổi nhưng ông vẫn tham gia chinh chiến với sự kiên cường và khí thế của một tráng sĩ trẻ. Suốt một ngày dài điều động quân đội, Nguyễn Hoàng chỉ ngồi cáng hai lần trên lưng ngựa mà thôi. Tới khi lên đỉnh sương mù, ông và binh đoàn của mình phải nghỉ lại trên đỉnh núi do cái lạnh và sương mù. Đêm đó, ông không ngủ được và hoài niệm về những người đã cùng ông chiến đấu suốt nhiều năm qua nhưng giờ đây đã không còn đầy đủ nữa. Nguyễn Hoàng cảm thấy buồn và thao thức đến mức ông bèn đi dạo quanh nơi hạ trại và tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của hai người lính gác. Một người nói rằng ông phải cầm quân cho đến khi ông chết, trong khi người kia lại cho rằng ông sợ bị Trịnh Kiểm giết nên đã tìm đường chạy thoát thân vào đây. Nghe được những lời này, Nguyễn Hoàng sợ bị lộ và đánh rơi phẩm chất của một anh hùng, nhưng chẳng may ông trượt ngã do một mảnh rêu trên đường. Hai người lính gác phát hiện ra ông và tay chân của họ bắt đầu run lẩy bẩy. Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng không giận dữ và thay vào đó, ông vô cùng bình tĩnh và chân thành khi nói với hai người lính rằng những gì họ nói đều đúng và tất cả chúng ta đều phải tri ân những người đã giúp mở mang kiến thức và tầm nhìn của mình. Nguyễn Hoàng gọi những người này là minh sư, cho thấy sự tôn trọng và biết ơn của mình đối với tất cả những người đã giúp đỡ mình trên con đường sự nghiệp và đời sống.
7. Bố cục văn bản Minh sư
Bố cục gồm 2 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “ta phải biết rận trong chăn”: Đoan Quốc quân với chuyến công du xuống phía Nam.
- Phần 2: Còn lại: Câu chuyện của hai người lính và hoàn cảnh ý nghĩa xuất hiện của “minh sư”.
8. Giá trị nội dung
Văn bản Minh sư tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Đoàn Quốc công Nguyễn Hoàng - người mở đầu cho triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
9. Giá trị nghệ thuật
Những đặc sắc nghệ thuật của truyện lịch sử được thể hiện trong văn bản: tạo dựng bối cảnh, xây dựng cốt truyện, khắc hoạ nhân vật, sử dụng ngôn ngữ kể chuyện.
IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Minh sư
1. Cái nhìn đa chiều về nhân vật Nguyễn Hoàng – người gắn liền với sự nghiệp mở cõi về phía Nam, khẳng định chủ quyền đất nước
Công cuộc mở mang bờ cõi của Chúa Nguyễn Hoàng thật vô cùng kỳ khu và gian khổ. Những cái nhìn của bậc tùy tùng về Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng:
- Đoan Quốc công là người không ngại gian khổ, tuy tuổi cao nhưng vẫn phải cáng đáng việc nước.
- Ngài là bậc kiệt hiệt, mỗi bước đi đều tính toán kĩ càng, tính được thời vận như thần.
- Quốc công sợ bị Trịnh Kiểm giết, tìm đường chạy thoát thân vào đây, gặp đất rộng thì mở thôi.
2. Những đặc sắc nghệ thuật của truyện lịch sử được thể hiện trong văn bản: tạo dựng bối cảnh, xây dựng cốt truyện, khắc họa nhân vật, sử dụng ngôn ngữ kể chuyện,…
- Tạo dựng bối cảnh: Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Tránh được cái chết trước mắt, Nguyễn Hoàng buộc phải rời kinh để đi sâu vào vùng đất phía Nam.
- Xây dựng cốt truyện: Quốc công trong buổi tối đi mở mang bờ cõi, nghe được tùy tùng nói chuyện về mình. Một người lính hết lời ca ngợi chủ tướng, còn người kia thì cho rằng Nguyễn Hoàng do sợ Trịnh Kiểm sát hại mà tìm đường trốn vào Thuận Hóa.
- Khắc họa nhân vật: Chân dung rõ nét của Nguyễn Hoàng: dũng cảm, can trường, khôn khéo, quyết đoán những cũng đầy tình cảm.
- Sử dụng ngôn ngữ kể chuyện: Ngôn ngữ lịch sử, nghệ thuật trần thuật,…
3. Tình cảm, thái độ đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử mà tác phẩm gợi lên trong em
- Người đọc cảm phục trước tinh thần của Nguyễn Hoàng và thái độ mềm dẻo, hồn hậu của ông khi nghe được hai người lính nói chuyện về mình.
- Người đọc sẽ hiểu hơn không chỉ về một giai đoạn lịch sử mà còn hiểu hơn về những con người tưởng đã là huyền thoại. Bên cạnh đó, tác giả Thái Bá Lợi còn cung cấp cho chúng ta những tình tiết lịch sử phức tạp, đưa ra một cái nhìn mới mẻ, nhân văn về lịch sử.
V. Các đề văn mẫu
Đề bài: Phân tích Minh sư
Nhà văn Thái Bá Lợi nổi tiếng với các sáng tác theo phong cách truyền thống với ca từ mới mẻ, lột tả hiện thực rõ nét về chiến tranh. “Minh sư” là tiểu thuyết được ông sáng tác trong suốt 5 năm (2004-2009). Tác phẩm viết về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Hoàng - Đoan Quốc Công trong nhận thức của ông khi đọc kinh Phật.
Nhà văn bắt đầu từ câu chuyện của Đoan Quốc Công thời mở rộng giang sơn bờ cõi. Khi ấy ông gần tám mươi tuổi nhưng vẫn giữ một khí thế hiên ngang, chỉ “nằm cáng hai lần còn thì ngồi trên lưng ngựa”. Trải qua bao nắng gió thao trường, cho đến một hôm trăng thanh, ông có dịp ngồi bên bếp lửa hồi tưởng về những con người đã cùng ông chiến đấu vào sinh ra tử suốt mấy chục năm qua, đến nay lại không còn đủ mặt nữa. Khi ông lắng nghe câu chuyện của hai người lính nói về cuộc đời của mình,một người thì hết lòng ca ngợi ông, một người lại cho rằng ông sợ bị ám sát bởi Trịnh kiểm nên mới tìm đường trốn vào Thuận Hóa. Ông lẳng lặng đi thụt lùi về sau để không bị phát hiện nhưng một mảnh rêu đã làm ông ngã sõng soài trước sự ngạc nhiên sửng sốt của hai tên lính. Tưởng chừng tội này khó dung thứ nhưng ông lại nhìn họ với ánh mắt đôn hậu. Ông thủ thỉ rằng: “Các anh đã nhắc ta biết một sự thật mà ta có thể quên thì đó là minh sư của ta”. Từ “minh sư” đã được xuất hiện khi Nguyễn Hoàng nghe được câu chuyện của hai người lính. Trong tư tưởng của tác giả về “Minh sư” ông định nghĩa rằng: “Minh sư là bất kể ai dám “phản biện” chúa Nguyễn Hoàng”. “Minh sư” trong tác phẩm còn được ông diễn tả với ý nghĩa rộng hơn không phải chỉ gồm những người thân quen, người nói thuận lòng ta mà còn gồm cả những người xa lạ, kẻ thù hay những người nói phật ý ta,... tất cả họ đều là những bậc thầy của ta và ta phải tri ân họ vì họ giúp ta mở mang nhiều điều.
Qua hình tượng “Minh sư” trên cơ sở nhận thức về Phật và sự nhận biết đó theo tác giả đến khi nhấc bút viết nên cuốn sách “Nguyễn Hoàng – người để lại dấu ấn mạnh mẽ trong suy tư của tôi” Đoạn trích trong tác phẩm “Minh sư” trên đem lại cho ta cái nhìn rõ nét về một “minh sư” vừa là thực thể, vừa là nhận biết, một “minh sư” là bậc thầy của bất cứ ai, bất cứ hoàn cảnh nào. Với “Minh sư”, Thái Bá Lợi đã khẳng định một phong cách, qua đó thấy được tình yêu cao đẹp của ông với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.