Tác giả tác phẩm Thu điếu (Kết nối tri thức 2024) Ngữ văn 8 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Thu điếu Ngữ văn lớp 8 sách Kết nối tri thức đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 8. Mời các bạn đón xem:

1 112 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Thu điếu - Ngữ văn 8

Bài giảng Ngữ Văn 8 Thu điếu

I. Tác giả Nguyễn Khuyến

BLOG CHUYÊN VĂN: GIÁ TRỊ HIỆN THỰC TRONG THƠ NÔM NGUYỄN KHUYẾN

- Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) quê ở xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ đầu cả ba kì thi nên thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

- Thơ Nguyễn Khuyến thể hiện tình cảm tha thiết gắn bó với quê hương và ẩn chứa tâm sự yêu nước cùng nỗi u uẩn trước thời thế. Đặc biệt Nguyễn Khuyến đã đưa cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống thân thuộc, bình dị của làng quê vào trong thơ một cách tự nhiên tinh tế.

- Ngòi bút tả cảnh của ông vừa chân thực vừa tài hoa; ngôn ngữ thơ giản dị mà điêu luyện.

II. Đọc tác phẩm Thu Điếu

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

III. Tìm hiểu tác phẩm Thu Điếu

1. Thể loại

Văn bản Thu điếu thuộc thể thơ thất ngôn bát cú đường luật.

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ Thu điếu là một trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến.

- Nhà thơ sáng tác bài thơ này khi mùa thu trải rộng trên bầu trời vùng quê nông thôn thanh bình yên tĩnh. Nhà thơ về quê ở ẩn vui những thú vui tuổi già đó là đi câu cá, cảnh tượng mùa thu diễn ra lặng lẽ êm đềm cộng hưởng với tâm trạng buồn bế tắc của nhà thơ lo lắng cho số phận người nông dân đã bật lên tứ thơ thu điếu.

3. Phương thức biểu đạt

Văn bản Thu điếu có phương thức biểu đạt là biểu cảm.

4. Ý nghĩa nhan đề Thu điếu

Thu điếu có nghĩa là mùa thu câu cá, đây là một trong 3 bài thơ mùa thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến.

5. Tóm tắt Thu điếu

Bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến là một tác phẩm thơ đẹp về mùa thu. Nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh và từ ngữ tuyệt vời để miêu tả những nét đẹp của mùa thu, với sự yên bình và tĩnh lặng của cảnh vật, tạo nên một tác phẩm thơ đầy cảm xúc và sức sống. Nhà thơ đã dùng những hình ảnh và từ ngữ tinh tế để miêu tả cảm giác mát mẻ của mùa thu, với ánh nắng vàng rực rỡ và những chiếc lá rơi khắp nơi.

6. Bố cục văn bản Thu điếu

Bố cục: đề – thực – luận – kết.

+ Cảnh thu: 6 câu thơ đầu.

+Tình thu: 2 câu thơ cuối.

7. Giá trị nội dung

Vẻ đẹp của bức tranh mùa thu, tình yêu thiên nhiên, đất nước và tâm trạng thời thế của tác giả.

8. Giá trị nghệ thuật

- Cách gieo vần đặc biệt: Vần “eo” (tử vận) khó làm, được tác giả sử dụng một cách thần tình, độc đáo, góp phần diễn tả một không gian vắng lặng, thu nhỏ dần, khép kín, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khúc của nhà thơ.

- Lấy động nói tĩnh- nghệ thuật thơ cổ phương Đông.

- Vận dụng tài tình nghệ thuật đối.

Bài thơ: Thu Điếu | Nguyễn Khuyến - YouTube

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Thu điếu

1. Cảnh thu

- Điểm nhìn từ trên thuyền câu → nhìn ra mặt ao nhìn lên bầu trời → nhìn tới ngõ vắng → trở về với ao thu.

→ Cảnh thu được đón nhận từ gần → cao xa → gần. Cảnh sắc thu theo nhiều hướng thật sinh động với hình ảnh vừa đối lập vừa cân đối, hài hòa.

- Mang nét riêng của cảnh sắc mùa thu của làng quê Bắc bộ: Không khí dịu nhẹ, thanh sơ của cảnh vật:

+ Màu sắc: Trong veo, sóng biếc, xanh ngắt

+ Đường nét, chuyển động: Hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, mây lơ lửng.

→ Hình ảnh thơ bình dị, thân thuộc, không chỉ thể hiện cái hồn của cảnh thu mà còn thể hiện cái hồn của cuộc sống ở nông thôn xưa.

“Cái thú vị của bài Thu điếu ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh trúc, xanh trời, xanh bèo” ( Xuân Diệu ).

- Không gian thu tĩnh lặng, phảng phất buồn:

+ Vắng teo + Trong veo + Khẽ đưa vèo       

+ Hơi gợn tí + Mây lơ lửng         

–> Các hình ảnh được miêu tả trong trạng thái ngưng chuyển động hoặc chuyển động khẽ.

- Đặc biệt câu thơ cuối tạo được một tiếng động duy nhất: Cá đâu đớp động dưới chân bèo → không phá vỡ cái tĩnh lặng, mà ngược lại nó càng làm tăng sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật → Thủ pháp lấy động nói tĩnh.

2. Tình thu

- Nói chuyện câu cá nhưng thực ra là để đón nhận cảnh thu, trời thu vào cõi lòng.

+ Một tâm thế nhàn: Tựa gối ôm cần

+ Một sự chờ đợi: Lâu chẳng được.

+ Một cái chợt tỉnh mơ hồ: Cá đâu đớp động..

- Không gian thu tĩnh lặng như sự tĩnh lặng trong tâm hồn nhà thơ, khiến ta cảm nhận về một nỗi cô đơn, man mác buồn, uẩn khúc trong cõi lòng thi nhân.

-> Nguyễn khuyến có một tâm hồn hồn gắn bó với thiên nhiên đất nước, một tấm lòng yêu nước thầm kín mà sâu sắc.

V. Các đề văn mẫu

Thu Điếu | Trường THPT Vĩnh Viễn TPHCM

Đề 1: Viết bài văn phân tích tác phẩm Thu Điếu 

Thu Điếu hay còn được gọi là Câu cá mùa thu chính là một trong ba bài thơ về mùa thu nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Cho đến nay, đây vẫn được xem là một thi phẩm tiêu biểu về mùa thu của vùng quê Bắc Bộ, và về nghệ thuật sáng tác thơ thất ngôn bát cú Đường Luật của thơ ca trung đại Việt Nam.

Bài thơ đi theo cấu trúc quen thuộc của những bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật, với bố cục gồm bốn phần đề - thực - luận - kết. Trong đó, sáu câu thơ đầu sẽ tập trung khắc họa hình ảnh thiên nhiên, còn riêng hai câu thơ cuối sẽ là nơi tác giả gửi gắm những tình cảm, suy tư của chính mình.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

Hai câu đề đã phác họa những nét đầu tiên, cơ bản nhất của bức tranh thiên nhiên mùa thu. Các tính từ lạnh lẽo, trong veo, tẻo teo đã gieo liên tục các vần “eo” - một vần có âm điệu kéo dài, rất giàu sức biểu cảm, gây ấn tượng dùng dằng, dài dòng không ngắt hẳn trong âm điệu. Với nhà thơ, mùa thu cũng có màu riêng của nó, đó là màu trong veo - một gam màu dịu nhẹ, thanh tao, thuần khiết vô ngần. Trong bầu không ấy, xuất hiện một mặt ao làm trung tâm. Những chiếc ao ở trong vườn chính là đặc trưng tiêu biểu của những ngôi nhà ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Giữa mặt ao, xuất hiện một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Sự nhỏ bé của chiếc thuyền vô tình làm rộng ra không gian xung quanh, không gian của mặt hồ. Gợi lên sự lạc lõng của chiếc thuyền trong không khí thu lạnh lẽo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Sau khi phác họa chung về mùa thu, nhà thơ Nguyễn Khuyến bước sang phần thực với những chi tiết giàu sức gợi, sức tả hơn về cảnh vật mùa thu. Đó là những gợn sóng trên mặt hồ mang màu “biếc”. Không rõ đó là màu xanh của nước hồ hay là màu xanh của mây trời trên cao kia soi bóng xuống. Nhưng chắc chắn một điều rằng, sắc xanh biếc ấy đã đem lại một không khí mát mẻ, dịu nhẹ, trong lành, rất hòa hợp với sắc trong veo của cả mùa thu được tả ở câu đề. Cùng với đó, là sự xuất hiện của “lá vàng”. Lá vàng là một hình ảnh mang tính ước lệ vô cùng quen thuộc trong thơ trung đại. Nhắc đến lá vàng là người ta nhớ ngay đến mùa thu. Chỉ một hình ảnh chiếc lá vàng bay trong gió, nhà thơ đã thành công khắc họa một hàng cây xơ xác trong gió thu, với những chiếc lá héo úa, run rẩy trong gió lạnh, chờ được thổi về với cội nguồn. Cách mượn một chi tiết nhỏ nhưng tiêu biểu và đặc trưng để tả cả một cảnh thiên nhiên rộng lớn ấy, chính là bút pháp chấm phá điểm nhãn đặc trưng trong thi pháp văn học trung đại. Tinh tế hơn nữa, chính là cách mà Nguyễn Khuyến miêu tả những chuyển động của các sự vật đó. Sóng biếc chỉ “hơi gợn tí”, lá vàng chỉ “khẽ đưa vèo”. Các chuyển động ấy đều rất nhẹ và rất khẽ, không đủ để phá vỡ không gian yên tĩnh xung quanh, nhưng cũng đủ để tạo nên những nhịp thở cho bức tranh mùa thu thêm phần sống động. Nhờ sự chuyên chú và nhạy cảm của mình, nhà thơ đã bắt được những biến chuyển tinh tế ấy, và khắc họa lại trong câu thơ. Cảnh mùa thu ấy không hoành tráng, to lớn mà rất bình dị, mộc mạc, dân dã. Đó là chính là chất quê, là hồn quê rất riêng, rất thuần của Nguyễn Khuyến - điều mà vàng son chốn kinh kì chẳng thể mờ phai được.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Bước sang phần luận, bức tranh mùa thu lại được mở rộng hơn. Nếu ở các câu thơ trước, tác giả chủ yếu miêu tả theo chiều ngang, thì lúc này lại mở rộng thêm cả về chiều cao và chiều sâu. Ở trên cao xa kia, là những tầng mây lơ lửng, là nền trời xanh ngắt. Khác với màu xanh biếc dễ chịu của mặt ao, sắc xanh ngắt của nền trời là một màu xanh đậm hơn, rõ rệt hơn và không hề pha thêm một sắc nào khác trên diện tích rộng lớn. Điều đó làm cho bầu trời bỗng nhiên chẳng còn biên giới nào, dường như vô tận. Đây là một đặc trung rõ nét của bầu trời mùa thu - được nhà thơ miêu tả một cách trực tiếp, chân thực thay vì sử dụng các hình ảnh ước lệ thường gặp. Sau khi lên tít trên cao, Nguyễn Khuyến lại đi sâu vào đến tận cùng những ngõ ngách. Càng đi sâu ông càng nhận ra sự vắng vẻ, yên ả, tĩnh lặng của nơi này. Cùng với ao hồ, những ngõ nhỏ có tường rào là hàng trúc xanh cũng là nét đẹp tiêu biểu của làng quê Bắc Bộ. Hình ảnh ấy chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở bất kì một thôn xóm nào. Chỉ với hai câu luận, Nguyễn Khuyến đã mở rộng đến vô cùng cả ba chiều kích (chiều rộng, chiều cao và chiều sâu). Càng mở rộng, không gian càng thoáng đãng, bao la, nhưng cũng càng thêm trống trải, vắng vẻ, lạnh lẽo và cô đơn. Chính vì vậy, tầm mắt lại đành quay về trung tâm của bức tranh lúc ban đầu - chiếc thuyền trên mặt ao:

Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Nhân vật trữ tình xuất hiện trong tư thế “tựa gối, buông cần” cho thấy ông đang thực hiện hành động câu cá, trên một chiếc thuyền con giữa ao thu. Dù câu đã lâu nhưng chẳng được con cá nào mắc câu cả, nhưng ông vẫn rất thảnh thơi, đủng đỉnh, không có chút gì là vội vàng. Có lẽ ông đang tận hưởng thiên nhiên mùa thu tươi đẹp xung quanh mình, chứ không phải tập trung để câu cá. Nhân vật trữ tình đã hòa làm một với thiên nhiên, đồng điệu vào bức tranh thu tĩnh lặng. Nét động duy nhất trong cảnh ấy chính là chú cá kiếm mồi dưới chân bèo. Nhưng cái động ấy thật sự quá bé nhỏ, không đủ để tạo nên một âm thanh hay biến động nào trên mặt nước như những cơn sóng biếc. Nhưng bởi vì không gian xung quanh tĩnh lặng, yên ắng quá đỗi, nên tác giả mới có thể cảm nhận được chuyển động tinh vi này. Đó chính là nghệ thuật lấy động để tả tĩnh. Lấy cái chuyển động bé nhỏ để làm bật lên cái tĩnh lặng của cả không gian rộng lớn. Rõ ràng là cá vẫn đang kiếm ăn ở dưới chân bèo, nhưng cần câu buông mãi lại không có cá cắn câu. Điều đó khiến em cho rằng thực ra dây câu chẳng hề có lưỡi câu, nên cá cứ bơi qua, bơi lại mãi vẫn chẳng mắc. Nhà thơ chỉ mượn việc câu cá, để được thư giãn, được thảnh thơi hòa mình vào không gian. Tại đây, ông để cho tâm hồn mình được lắng lại, để tự thẩm thấu những cô đơn, hiu quạnh trong nội tâm. Khi đất nước đứng trước cảnh lầm than, mà bản thân ông lại chẳng thể góp sức, hiện đang lánh đời ở một làng quê nhỏ. Nỗi lòng ấy của nhà thơ, khiến ông nhìn bức tranh thu quanh mình càng thêm trống trải, heo hắt. Bởi cái trống vắng và tĩnh lặng ấy đến từ chính bản thân ông. Mà người ta vẫn thường nói “Người buồn thì cảnh có vui bao giờ”.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến thực sự là một nghệ sĩ tài hoa khi thuần thục sử dụng các thi pháp văn học trung đại một cách tinh tế vào từng câu thơ, như đăng đối, lấy tĩnh tả động, ước lệ, chấm phá điểm nhãn… Nhờ vậy, ông đã khắc họa nên một bức tranh mùa thu tuyệt đẹp với những đặc trưng của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Cho đến nay, mùa thu vẫn luôn là một nàng thơ khiến biết bao thi sĩ ngợi ca, nhưng Thu Điếu của Nguyễn Khuyến vẫn luôn là một thi phẩm tiêu biểu khó có thể thay thế được.

Đề 2: Phân tích 2 câu thơ ấn tượng trong Thu điếu

Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, nhuốm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lí Đông phương. Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình. Có thể nói cả trên hai lĩnh vực, Nguyễn Khuyến đều thành công. Thu điếu được trích từ chùm thơ thu gồm ba bài: Thu điếu, thu vịnh. Cả ba thi phẩm đều được viết bằng từ chương, bút pháp thi trung hữu họa, lấy động tả tĩnh của văn học trung đại, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn riêng của một trong những bậc thầy thơ Nôm đường luật xuất sắc. Cảnh vật được đón nhận từ gần đến cao xa rồi từ cao xa trờ lại gần. Từ điểm nhìn của một người ngồi chiếc thuyền nhìn ra mặt ao, nhìn lên bầu trời, nhìn tới ngõ vắng rồi lại trở người về với ao thu, nhà thơ đã quan sát không gian, cảnh sắc thu theo người lương thật sinh động.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

Nguyễn Khuyến đã chọn những chi tiết rất tiêu biểu cho mùa thu xứ Bắc (ao thu, gió thu, trời thu). Ao thu là thứ ao rất riêng chỉ mùa thu mới xuất hiện. Nguyễn Khuyến đã ghi nhận được hai đặc trưng của ao thu là lạnh lẽo và trong veo – ao lạnh nước yên, trong đến tận đáy. Ao là nét thường gặp trong thơ Nguyễn Khuyến, nói đến ao là gợi đến một cái gì rất gần gũi, thân quen, tâm hồn Nguyễn Khuyến là thế: thân mật, bình dị, chân thành với hồn quê. Trời thu trong xanh cũng là hình quen thuộc trong thơ Nguyễn Khuyến. Bầu trời thu xanh ngắt xưa nay vẫn là biểu tượng đẹp của mùa thu. Những án mây không trôi nổi bay khắp bầu trời mà lơ lửng. Xanh ngắt trong thơ Nguyễn Khuyến là xanh trong, tinh khiết đến tuyệt đối, không hề pha lẫn, không hề gợn tạp. Đường nét chuyển động nhẹ nhàng, mảnh mai, tinh tế: hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, mây lơ lửng, đường bao thanh mảnh của rặng trúc, đường gợn của lượn sóng ao thu. Cảnh vật toát lên sự hài hòa, xứng hợp: Ao nhỏ – thuyền bé; gió nhẹ – sóng gợn; trời xanh – nước trong; khách vắng teo – chủ thể trầm ngâm tĩnh lặng. 

1 112 lượt xem