30 câu Trắc nghiệm Quan hệ giữa ba cạnh của một tam giác (có đáp án 2024) – Toán 7 Kết nối tri thức
Bộ 30 câu hỏi trắc nghiệm Toán 7 (có đáp án) Bài 3: Quan hệ giữa ba cạnh của một tam giác đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Toán 7 Bài 3.
Trắc nghiệm Toán 7 Bài 33: Quan hệ giữa ba cạnh của một tam giác
Câu 1. Cho tam giác ABC với hai cạnh BC = 1cm, AC = 9cm. Tìm độ dài cạnh AB, biết rằng độ dài này là một số nguyên.
A. AB = 9cm;
B. AB = 7cm;
C. AB = 6cm;
D. A,B,C đều sai.
Đáp án đúng là: A
Ta có:
AB + BC > AC ⇒ AB + 1 > 9 ⇒ AB > 8 (1)
AB – BC < AC ⇒ AB – 1 < 9 ⇒ AB < 10 (2)
Mà độ dài AB là số nguyên (3)
Từ (1), (2), (3) ta suy ra AB = 9cm.
Câu 2. Bộ ba độ dài đoạn thẳng nào sau đây không thể tạo thành một tam giác ?
A. 15cm; 20cm; 18cm;
B. 5cm; 14cm; 6cm;
C. 13cm; 14cm; 16cm;
D. 40cm; 45cm; 42cm.
Đáp án đúng là: B
Ta có:
5 < 14 – 6 = 8
Do đó, bộ ba độ dài đoạn thẳng 5cm; 14cm; 6cm không thể tạo thành một tam giác.
Câu 3. Cho ΔABC có cạnh AB = 1cm và BC = 4cm. Độ dài cạnh AC (là số nguyên) là:
A. 1cm;
B. 2cm;
C. 3cm;
D. 4cm.
Đáp án đúng là: D
Ta có:
AB + AC > BC ⇒ 1 + AC > 4 ⇒ AC > 3 (1)
AC – AB < BC ⇒ AC – 1 < 4 ⇒ AC < 5 (2)
Mà độ dài AC là số nguyên (3)
Từ (1), (2), (3) ta suy ra AC = 4cm.
Câu 4. Cho tam giác ABC biết AB = 1cm, BC = 9cm và cạnh AC là một số nguyên. Chu vi tam giác ABC là:
A. 17cm;
B. 18cm;
C. 19cm;
D. 16cm.
Đáp án đúng là: C
Ta có:
AC + AB > BC ⇒ AC + 1 > 9 ⇒ AC > 8 (1)
AC – AB < BC ⇒ AC – 1 < 9 ⇒ AC < 10 (2)
Mà độ dài AC là số nguyên (3)
Từ (1), (2), (3) ta suy ra AC = 9cm
Chu vi tam giác ABC là: AB + AC + BC = 1 + 9 + 9 = 19 (cm).
Câu 5. Một tam giác cân có độ dài hai cạnh 3,9cm và 7,9cm.Chu vi cả tam giác này là:
A. 15,5cm;
B. 17,8cm;
C. 19,7cm;
D. 20,9cm.
Đáp án đúng là: C
TH1: hai cạnh bên có độ dài là 3,9cm; cạnh đáy có độ dài 7,9cm
Ta có:
7,9 > 3,9 + 3,9 = 7,8
Do đó, không thể có tam giác cân có hai cạnh bên có độ dài là 3,9cm, cạnh đáy có độ dài 7,9cm
TH2: hai cạnh bên có độ dài là 7,9; cạnh đáy có độ dài 3,9cm
Ta có:
7,9 < 7,9 + 3,9 = 11,8
3,9 < 7,9 + 7,9 = 15,8
Do đó, tồn tại tam giác cân có hai cạnh bên có độ dài là 7,9cm, cạnh đáy có độ dài 3,9cm
Chu vi tam giác đó là: 7,9 + 7,9 + 3,9 = 19,7
Câu 6. Khẳng định nào sau đây là đúng ?
A. Trong một tam giác, độ dài của một cạnh bất kì luôn lớn hơn hiệu độ dài hai cạnh còn lại;
B. Trong một tam giác, độ dài của một cạnh bất kì luôn nhỏ hơn hiệu độ dài hai cạnh còn lại;
C. Trong một tam giác, độ dài của một cạnh bất kì luôn bằng hiệu độ dài hai cạnh còn lại;
D. Trong một tam giác, độ dài của một cạnh bất kì luôn lớn hơn hoặc bằng hiệu độ dài hai cạnh còn lại.
Đáp án đúng là: A
Trong một tam giác, độ dài của một cạnh bất kì luôn lớn hơn hiệu độ dài hai cạnh còn lại.
Câu 7. Chọn khẳng định đúng:
A. Trong một tam giác, độ dài của một cạnh bất kì luôn lớn hơn tổng độ dài hai cạnh còn lại;
B. Trong một tam giác, độ dài của một cạnh bất kì luôn nhỏ hơn tổng độ dài hai cạnh còn lại;
C. Trong một tam giác, độ dài của một cạnh bất kì luôn bằng tổng độ dài hai cạnh còn lại;
D. Trong một tam giác, độ dài của một cạnh bất kì luôn nhỏ hơn hoặc bằng tổng độ dài hai cạnh còn lại.
Đáp án đúng là: B
Trong một tam giác, độ dài của một cạnh bất kì luôn nhỏ hơn tổng độ dài hai cạnh còn lại.
Câu 8. Bộ ba độ dài đoạn thẳng nào sau đây tạo thành một tam giác ?
A. 3cm; 4cm; 1cm;
B. 3cm; 4cm; 10cm;
C. 5cm; 7cm; 2cm;
D. 2cm; 2cm; 3cm.
Đáp án đúng là: D
Các đoạn thẳng cùng đơn vị đo nên ta không cần đổi.
+ Ta có: 3 + 1 = 4, do đó bộ ba độ dài đoạn thẳng ở đáp án A không tạo thành một tam giác.
+ Ta có: 3 + 4 = 7 < 10, do đó bộ ba độ dài đoạn thẳng ở đáp án B không tạo thành một tam giác.
+ Ta có: 5 + 2 = 7, do đó bộ ba độ dài đoạn thẳng ở đáp án C không tạo thành một tam giác.
+ Ta có:
3 – 2 = 1 < 2
2 – 2 = 0 < 3
2 + 2 = 4 > 3
Vậy bộ ba độ dài 2cm; 2cm; 3cm có thể tạo thành một tam giác.
Câu 9. Bộ ba độ dài đoạn thẳng nào sau đây tạo thành một tam giác ?
A. 5cm; 4cm; 1cm;
B. 1cm; 4cm; 10cm;
C. 5cm; 2cm; 2cm;
D. 3cm; 4cm; 5cm.
Đáp án đúng là: D
Ta có:
3 > 5 – 4 = 1
4 > 5 – 3 = 2
5 > 4 – 3 = 1
Vậy bộ ba độ dài 3cm; 4cm; 5cm có thể tạo thành một tam giác.
Câu 10. Bộ ba độ dài đoạn thẳng nào sau đây không thể tạo thành một tam giác ?
A. 15cm; 25cm; 10cm;
B. 5cm; 4cm; 6cm;
C. 15cm; 18cm; 20cm;
D. 11cm; 9cm; 7cm.
Đáp án đúng là: A
Ta có:
15 = 25 – 10
Do đó, bộ ba độ dài đoạn thẳng 15cm; 25cm; 10cm không thể tạo thành một tam giác.
Câu 11. Cho tam giác ABC có BC = 1cm, AC = 8cm và độ dài cạnh AB là một số nguyên (cm). Tam giác ABC là tam giác gì ?
A. Tam giác vuông tại A;
B. Tam giác cân tại A;
C. Tam giác vuông cân tại A;
D. Tam giác cân tại B.
Đáp án đúng là: B
Ta có:
AB + BC > AC ⇒ AB + 1 > 8 ⇒ AB > 7 (1)
AB – BC < AC ⇒ AB – 1 < 8 ⇒ AB < 9 (2)
Mà độ dài AB là số nguyên (3)
Từ (1), (2), (3) ta suy ra AB = 8cm
Do đó, AC = AB = 8cm
Vậy tam giác ABC cân tại A.
Câu 12. Cho tam giác ABC với hai cạnh BC = 2cm, AC = 8cm. Độ dài cạnh AB có thể là:
A. AB = 9cm;
B. AB = 5cm;
C. AB = 6cm;
D. A,B,C đều sai.
Đáp án đúng là: A
Ta có:
AB + BC > AC ⇒ AB + 2 > 8 ⇒ AB > 6 (1)
AB – BC < AC ⇒ AB – 2 < 8 ⇒ AB < 10 (2)
Mà độ dài AB là số nguyên (3)
Từ (1), (2), (3) ta suy ra AB có thể có độ dài là: 7cm hoặc 8cm hoặc 9cm.
Câu 13. Cho tam giác ABC, chọn khẳng định sai ?
A. AB + BC > AC;
B. BC – AB < AC;
C. BC – AB < AC < BC + AB;
D. AB – AC > BC.
Đáp án đúng là: D
Do trong tam giác độ dài của một cạnh bất kì luôn lớn hơn hiệu độ dài hai cạnh còn lại nên trong tam giác ABC thì AB – AC < BC, do đó đáp án D sai.
Câu 14. Cho tam giác ABC có AB > AC. Kẻ tia phân giác AD của góc A (D thuộc BC). Trên đoạn AD lấy một điểm E tùy ý (E không trùng với A, D). Hãy chọn khẳng định đúng.
A. AB + AC > EB – EC;
B. AB + AC < EB – EC;
C. AB – AC = EC – EC;
D. Cả ba đáp án trên đều sai.
Đáp án đúng là: A
Xét tam giác ABC có:
AB + AC > BC (1)
Xét tam giác EBC có:
EB – EC < BC (2)
Từ (1), (2) ta có: AB + AC > EB – EC.
Câu 15. Cho tam giác ABC cân tại A có một cạnh bằng 5cm. Tính cạnh BC của tam giác đó, biết chu vi của tam giác là 17cm.
A. BC = 7cm hoặc BC = 5cm;
B. BC = 7cm hoặc BC = 3cm;
C. BC = 6cm hoặc BC = 5cm;
D. BC = 6cm hoặc BC = 7cm.
Đáp án đúng là: A
TH1: AB = AC = 5cm
Ta có:
BC < AB + AC ⇒ BC < 5 + 5 = 10
BC > AB – AC ⇒ BC > 5 – 5 = 0
Do chu vi của tam giác là 17cm nên ta có:
AB + AC + BC = 17 ⇒ BC = 17 – 10 = 7 (cm) (thỏa mãn)
TH2: BC = 5cm
Ta có:
Do tam giác ABC cân tại A nên AB = AC
AB > BC – AC ⇒ 2AB > BC ⇒ 2AB > 5 ⇒ AB > 2,5
AB < BC + AC ⇒ BC > 0 (thỏa mãn)
Do chu vi của tam giác là 17cm nên ta có:
AB + AC + BC = 17 ⇒ 2AB + 5 = 17 ⇒ AB = AC = 6 (cm) (thỏa mãn)
Vậy BC = 7cm hoặc BC = 5cm.