Bắt Sấu Rừng U Minh Hạ

Sinx.edu.vn giới thiệu bạn đọc bộ tài liệu Bắt Sấu Rừng U Minh Hạ được biên soạn đúng cấu trúc, chi tiết giúp các bạn ôn luyện đạt được kết quả cao trong bài thi môn Ngữ Văn.

1 60 lượt xem


Bắt Sấu Rừng U Minh Hạ

I. Dàn ý Phân tích tác phẩm Bắt sấu rừng U Minh Hạ

I. Mở bài

– Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Sơn Nam công tác văn nghệ tại khu IX Nam Bộ, do đó có nhiều điều kiện hiểu biết kì về thiên nhiên, lịch sử, con người vùng đất mũi Cà Mau, vùng đất địa đầu cực nam tổ quốc. Hướng về Cà Mau, về Nam Bộ, Sơn Nam có nhiều sáng tác và khảo cứu đầy tâm huyết. Bắt sấu rừng u Minh Hạ là một truyện ngắn đăng trên tuần báo Nhân loại (1957), sau in trong tập truyện Hương rừng Cà Mau (1962).

– Vốn gắn bó quen thuộc với đất rừng phương Nam, qua truyện ngắn Bắt sấu rừng u Minh Hạ, tác giả đem đến cho người đọc một bức tranh độc đáo về thiên nhiên và con người vùng u Minh Hạ.

II. Thân bài

a. Thiên nhiên và con người vùng U Minh Hạ

    Vùng đất u Minh Hạ, qua truyện ngắn Bát sấu rừng u Minh Hạ, có rừng tràm xanh biếc, những cây cỏ hoang dại như lau sậy, mốp, cóc kèn… và thật lạ lùng, ở ngọn rạch Cái Tàu có cái ao sấu nhiều như trái mù u chín rụng. Những con người sống trên vùng đất hoang vu, dữ dội dó thật cần cù, mưu trí, gan góc, can trường, sức sống mãnh liệt, giàu tình nặng nghĩa. Họ thương tiếc những bà con xóm giềng bị hùm tha sấu bắt, họ vượt lên gian khó, hiểm nguy bằng sức mạnh và tài trí của mình. Người thì câu sấu bằng lưỡi sắt, móc mồi bằng con vịt sống, Năm Hên bắt cá sấu bằng tay không, lại có người như Tư Hoạch một tay ăn ong rất rành địa thế vùng Cái Tàu, rồi những người trai lực lưỡng đã từng gài bẫy cọp, săn heo rừng… Chính họ đã mang lại sức sống cho vùng rừng hoang vu nơi đất mũi Cà Mau.

b. Nhân vật trung tâm:  Năm Hên

    Ở điểm nhìn của người trần thuật, Sơn Nam có lối miêu tả rất thô mộc, tự nhiên, gọn gàng mà sáng rõ. Nhân vật Năm Hên được thể hiện bằng một số nét đơn sơ nhưng đã khắc họa sâu đậm dáng vóc con người với những nét tính cách tiêu biểu.

1. Giản dị, khiêm tốn, trọng nghĩa khinh tài

    Năm Hên là người thợ già chuyên bắt sấu ở Kiên Giung dụo. Nghe đồn đại về cái ao sấu, ông bơi xuồng đến ngọn rạch Cái Tàu với vỏn vẹn một lọn nhang trần và một hũ rượu. Lọn nhang dùng để tưởng niệm những người đã bị cá sấu bắt, hũ rượu để tăng thêm sự dũng cảm khi bắt giết cá sấu, trừ họa cho dân lành. Ông còn là một người trọng nghĩa khinh tài: “Nghề bắt sấu có thể làm giàu được, ngặt tôi không màng thứ phú quới đó”.

2. Mưu trí dũng cảm, can trường

    Năm Hên chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưỡi câu. Ông đào sẵn đường thoát, đốt cháy sậy đế, cóc kèn, sấu bị nung nóng, cay mắt, ngộp thở bò lên, bị ông đút vô miệng một khúc mốp dính chặt hai hàm răng. Ông dùng mác xắn lưng sấu, cắt gần đuôi, trói hai chân sau, bắt sấu về.

3. Nghĩa tình với người đời ân nghĩa với người xưa

– Bắt sấu để giúp dân làng Khánh Lâm an tâm lao động sản xuất là mục đích cao đẹp trước mắt của Năm Hên.

– Đặc biệt, Năm Hên còn tưởng niệm người xưa. Bài hát của ông tưởng nhớ hương hồn những người đã bị cá sấu bắt, bị chết một cách oan ức, trong đó có người anh ruột của ông. Lời hát gợi lên bao cảm nghĩ về cuộc sống khác nghiệt ở vùng đất U Minh, nơi nhiều người phải bỏ thân nơi đầu bãi cuối gành vì manh áo chén cơm, đồng thời cũng cho thấy tấm lòng sâu nặng nghĩa tình đồng loại, đồng bào của Năm Hên Ông há để tỏ lòng thương tiếc những người xấu số và bằng hành động mưu trí bắt đàn sấu dữ, rồi đã “lập đàn giải oan” cho người xưa:

Hồn ở đâu đây?

Hồn ơi! Hồn ơi!

Xa cây xa cối,

Xa cội xa nhành,

Đầu bãi cuối gành.

Hùm tha, sấu bắt,

Bởi vì thắt ngặt,

Manh áo chén cơm,

U Minh đỏ ngòm,

Rừng tràm xanh biếc!

Ta thương ta tiếc,

Lập đàn giải oan…

    Bài hát tạo không khí bí hiểm và có phần rùng rợn, tràn đầy cảm xúc, tựa như lời gọi hồn hay bài kinh cầu siêu, giải oan cho những linh hồn bị hùm tha, sấu bắt…

c. Đặc sắc nghệ thuật

– Truyện Bắt sấu rừng U Minh Hạ đã hấp dẫn người đọc bằng cách dựng truyện li kì, những chi tiết gợi cảm, nhân vật giàu chất sống, ngôn ngữ đậm màu sắc Nam Bộ.

– Tác giả dẫn dắt người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, liên tục khêu gợi sự chờ đợi hồi hộp:

+ Bất ngờ thứ nhất (đoạn lược bỏ mở đầu): Sấu tập trung trên rừng chứ không phải dưới sông như thường thấy: Có người lên rừng ăn ong chạy về loan báo: – sấu ở rừng nhiều như trái mù u chín rụng! và dân làng xúm nhau lên rừng để nhìn tận nơi và vô cùng kinh ngạc.

+ Bất ngờ thứ hai: Ông Năm Hên xuất hiện, tuyên bố bắt sấu bằng… hai tay không, thật là phi phàm, thế gian hi hữu.

+ Bất ngờ thứ ba: Tư Hoạch lái xuồng đưa một đàn sấu về bơi theo xuồng nhẹ nhàng như một chiếc bè quái dị, trước con mắt ngạc nhiên của dân làng: không biết thực tế hay là chiêm bao?

+ Bất ngờ thứ tư: Tư Hoạch giải thích cách bắt sấu hết sức đơn giản nhẹ nhàng mà rất hiệu quả của ông Năm Hên.

III. Kết bài

    Đọc truyện Bắt sấu rừng U Minh Hạ, ta như được thám hiểm những vùng đất xa lạ với biết bao điều bí ẩn của thiên nhiên và con người. Xa lạ nhưng rất đỗi thân thuộc, đó vẫn là quê hương ta giàu có và khắc nghiệt, vốn là những con người Việt Nam cần cù, dũng cảm, tài trí và lạc quan yêu đời trong cuộc đấu tranh sinh tồn để mở mang, xây dựng đất nước. Qua đó, người đọc thêm quý thêm yêu vùng đất và con người miền cực nam Tổ quốc, yêu quý nhân dân, đất nước mình.

II. Bài mẫu Phân tích tác phẩm Bắt sấu rừng U Minh Hạ 

Mẫu 1

    Người nông dân Việt Nam luôn phải đối mặt với cuộc sống “một nắng hai sương”, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Họ phải đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt. Thiên nhiên với sức mạnh không tưởng của mình đã trở thành rào cản ngăn cấm con người trong công cuộc lao động mưu sinh. Ngòi bút nhà văn Sơn Nam cũng đã khắc họa mối hiểm họa thiên nhiên mang tên những cá sấu với người dân miền Tây qua truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ.

    Sơn Nam là nhà văn Nam Bộ tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Ông có nhiều đóng góp cho văn học kháng chiến nói riêng, văn học Việt Nam nói chung. Ông sáng tác văn xuyên suốt các thời kì lịch sử của dân tộc. Là cây bút tài năng với tài dựng truyện li kì, xây dựng nhiều chi tiết gợi cảm, ngôn ngữ đậm màu sắc Nam Bộ, nhân vật giàu chất sống.

    Truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ là một trong mười tám truyện ngắn trong tập Hương rừng Cà Mau. Là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Sơn Nam với cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, ấn tượng.

    Thiên nhiên và con người U Minh Hạ để lại ấn tượng sâu sắc trong bạn đọc khi lật mở những trang viết đầu tiên về rừng U Minh Hạ gắn liền với những con cá sấu ăn thịt người. Khu rừng nguyên sơ với vô số loài thực vật khác nhau. Ở đó có rừng tràm xanh biếc, những cây cỏ hoang dại như lau, sậy, mốp, cóc kèn….Và điều lạ lùng là ở ngọn rạch Cái Tàu có nhiều ao cá sấu gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đối mặt với hiểm nguy từ lũ cá sấu là thái độ ngoan cường của những con người sống trên vùng đất hoàng vu đó. Họ thương tiếc trước những hi sinh mất mát của người dân nơi đây: bị hùm tha sấu bắt. Và khi đã gần như bất lực trước những tội ác của những “quái thú” dưới nước thì ông Năm Hên đến với U Minh Hạ như một tia ngờ vực đối với tất cả mọi người. Nhưng họ vẫn một lòng dốc sức giúp đỡ Năm Hên: câu sấu bằng lưỡi sắt, móc mồi bằng con vịt sống, Năm Hên bắt cá sấu bằng tay không, lại có người như Tư Hoạch một tay ăn ong rất rành địa thế vùng Cái Tàu, rồi những người trai lực lưỡng đã từng gài bẫy cọp, săn heo rừng…

    Nhân vật Năm Hên là nhân vật trung tâm của truyện được Sơn Nam khắc họa bằng những nét đơn sơ nhưng lại làm hiện rõ bức chân dung con người miền Tây chân chất.

    Ông là một người giản dị, khiêm tốn, trọng nghĩa khinh tài. Là người thợ già có khả năng và bản lĩnh, ông chuyên bắt sấu. Khi nghe tin về sự độc ác của lũ cá sấu trong rừng U Minh Hạ, ông đã tự bơi xuồng đến rạch Cái Tàu với duy nhất hai thứ mang theo là một lọn nhang trần và một hũ rượu. Đó không phải dụng cụ bắt cá sấu mà là ông dùng để tưởng niệm những người bị cá sấu hại chết.

    Sự mưu trí, can trường của Năm Hên khi đối diện với bầy cá sấu càng chứng minh cho sự tài ba của ông. Ông chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưỡi câu. Ông đào sẵn đường thoát, đốt cháy sậy đế, cóc kèn, sấu bị nung nóng, cay mắt, ngộp thở bò lên, bị ông đút vô miệng một khúc mốp dính chặt hai hàm răng. Ông dùng mác xắn lưng sấu, cắt gần đuôi, trói hai chân sau, bắt sấu về.

    Ông Năm Hên là người nghĩa tình. Công việc ông làm hiểm nguy nhưng với tấm lòng nhiệt thành của một trái tim giàu nhân ái, ông đã vượt trên những khó khăn để cống hiến cho cộng đồng. Bắt sấu để giúp dân làng Khánh Lâm an tâm lao động sản xuất là mục đích cao đẹp trước mắt của Năm Hên. Và ông cũng không quên tưởng niệm những người đã bị cá sấu ăn thịt. Bài hát của ông tưởng nhớ hương hồn những người đã bị cá sấu bắt, bị chết một cách oan ức, trong đó có cả người anh ruột của ông. Lời hát gợi lên bao cảm nghĩ về cuộc sống khắc nghiệt ở vùng đất U Minh, nơi nhiều người phải bỏ thân nơi đầu bãi cuối gành vì manh áo chén cơm, đồng thời cũng cho thấy tấm lòng sâu nặng nghĩa tình đồng loại, đồng bào của Năm Hên. Ông há để tỏ lòng thương tiếc những người xấu số và bằng hành động mưu trí bắt đàn sấu dữ, rồi đã “lập đàn giải oan” cho người xưa:

Hồn ở đâu đây?

Hồn ơi! Hồn ơi!

Xa cây xa cối,

Xa cội xa nhành,

Đầu bãi cuối gành.

Hùm tha, sấu bắt,

Bởi vì thắt ngặt,

Manh áo chén cơm,

U Minh đỏ ngòm,

Rừng tràm xanh biếc!

Ta thương ta tiếc,

Lập đàn giải oan…

    Bài hát tạo không khí bí hiểm và có phần rùng rợn, tràn đầy cảm xúc, tựa như lời gọi hồn hay bài kinh cầu siêu, giải oan cho những linh hồn bị hùm tha, sấu bắt…

    Truyện ngắn dưới ngòi bút Sơn Nam đã cho người đọc cái nhìn sâu sắc về cuộc sống người dân nơi đây. Cách kể truyện li kì, tình tiết hấp dẫn cùng với tình huống truyện độc đáo đã khiến hình ảnh Năm Hên trong phân cảnh diệt trừ những loài cá sấu càng trở nên sâu sắc hơn trong lòng người đọc.

    Bắt sấu rừng U Minh Hạ giúp người đọc được thám hiểm những vùng đất xa lạ với biết bao điều bí ẩn của thiên nhiên và con người. Qua đó, người đọc thêm quý thêm yêu vùng đất và con người miền cực nam Tổ quốc, yêu quý nhân dân, đất nước mình. Trên khắp nẻo đường của đất nước Việt Nam, vẫn luôn có những con người, những vùng đất đang khao khát một cuộc sống yên bình. Và mỗi công dân đều cần có trách nhiệm để phát triển, gìn giữ quê hương, đất nước.

Mẫu 2

    Miền Nam không chỉ xuất hiện trong truyện những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn xuất hiện lại một lần nữa trong truyện bắt sấu rừng U Minh hạ của Sơn Nam. Nhà văn Sơn Nam cũng đã một lần nữ ca ngợi vẻ đẹp của con người Nam Bộ khi phải đối diện với những khó khăn của thiên nhiên nơi đây. Thiên nhiên càng hoang sơ, nguy hiểm biết bao nhiêu thì con người hiện lên càng đẹp biết bao nhiêu. Vẻ đẹp ấy được thể hiện rất rõ qua nhan vật ông Năm Hên.

    Bắt sấu rừng U Minh Hạ là một truyện ngắn in trong tập truyện Hương rừng Cà Mau (NXB Phù Sa, Sái Gòn, 1962). Toàn tập gồm 18 truyện, thể hiện sinh động cảnh quan, đời sống, truyền thống lịch sử và phẩm chất tính cách con người ở mảnh đất cực nam của chúng ta. Tác giả giúp người đọc hiểu và yêu Hòn Cổ Tron, sông Gành Hào, đàn ong mật, những đêm hát bội giữa rừng, cuộc đua ghe ngo, v. v… nổi bật trên bức tranh dân dã quê hương đó là những người nông dân đôn hậu, chất phác, chân thật, dũng cảm ; những người đổ mồ hôi và đổ máu để khai phá và giữ gìn từng tấc đất cho gia đình và cho Tổ Quốc.

    Câu chuyện nổi bật lên hình ảnh thiên nhiên cực nam vô cùng nguy hiểm. Câu truyện như tái hiện lại toàn cảnh thiên nhiên vùng U Minh hạ cũng như cảnh sinh hoạt, mưu sinh của người dân nơi đây. Thiên nhiên hiểm trở đó chính là thiên nhiên rừng xanh nước độc ấy – rùng U Minh, đặc biệt trong chốn rừng thiêng ấy còn có cả đàn sấu. Những con cá sấu nguy hiểm đã giết hại biết bao nhiêu người dân nơi đây. Họ phải vào rừng để kiếm ăn kiếm kế sinh nhai nhưng ở đó cũng có thể địa ngục của họ nếu như họ gặp đàn sấu ấy. Chúng to khỏe và nguy hiểm khiến ai là dân trong vùng ấy đều sợ, họ chỉ biết khóc lóc thương tiếc những người thân xấu số của mình chứ chưa ai dám động đến chúng “nhưng có tiếng khóc sụt sùi đâu đây. Ðó là vài cụ già, bà lão chạnh nhớ đến tổ tiên, đến bạn bè của mình, biết đâu trên bước đường sanh nhai giữa chốn nước đỏ rừng xanh, có thân nhân của họ đã bỏ thân vì đàn sấu này. Bó nhang đang cháy kia có giải oan được cái chết của họ không chớ? ”. đã vậy ở dòng sông ấy, rừng U Minh ấy còn có rất nhiều loại động thực vật phong phú và đa dạng.

    Nói đến đàn cá sấu chúng không thích những nơi sóng gió mà chúng lại leo lên hẳn ngọn nguồn để sinh sống đặc biệt ở những đoạn hẹp của sông U Minh, những nơi ấy thường là chỗ mưu sinh của người dân Nam Bộ. Thế mà giờ thành nơi sinh sống và địa bàn của chúng chẳng khác nào mang thức ăn đến cho chúng nhưng biết làm sao khi người dân nơi đây sống nhờ rừng U Minh ấy, đã vậy họ nổi tiếng là những người sống trên nước “nơi sông rạch, cá sấu là giống hung hăng nhất. Có điều đáng chú ý là chúng không thích những chốn sông nước chảy, có sóng gió. Chúng lên tận ngọn cùng, tìm nơi yên tịnh, chật hẹp. Vùng U Minh hạ, sấu thường đi ngược sông Ông Ðốc, rạch Cái Tàu vào giữa rừng tràm…”.

    Về số lượng của đàn cá xấu tác giả miêu tả thật rõ nét, thật chính xác qua câu “– Sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng !”. đây là một phép so sánh vô cùng hay. Tác giả không dùng biện pháp phóng đại nói quá mà như trong tác phẩm thì người dân ở đây khi đứng lên trên cao nhìn xuống ngoài cái ao lớn ước một công đất, bên bờ, dưới nước, toàn là lau sậy, dây cóc kèn ra thì toàn là những lưng con cá sấu hiện lên thành những vệt đen chi chít. Chúng còn ở đó thì người dân miền nam không thể yên ổn làm ăn được. Có thể nói chúng là mối nguy hiểm lớn nhất của người dân nơi đây.

    Đàn cá sấu ấy không chỉ đông đảo về số lượng mà chúng còn rất khôn lanh “…con thì nằm dài như chiếc xuồng lường, con thì dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo lên trời như họng súng thần công đại bác. Biết có loài người đến quan sát, chúng vẫn điềm nhiên sưởi nắng, bắt cá. Duy có con sấu già trợn mắt hướng về lũ người rồi bò thối lui. Nghi ngờ gì nữa! Con sấu nọ có đốm đỏ ngay giữa tam tinh. Nó là “sấu chúa” sống lâu đời, nhiều phen kịch chiến với loài người. Khi ở trên cạn, sấu khôn nguy hiểm bàng nột con rắn hổ. Sấu chúa khôn lắm, nó toàn dụ địch thủ vào hang của no ù nơi nước sâu. ” Tác giả miêu tả thật sống động những hoạt động của đàn cá sấu khôn lanh và đồng thời qua đó chúng ta thấy nếu không xử lý được chúng thì còn nhiều người dân nữa biến thành thức ăn của chúng.

    Trước những khó khăn ấy nhưng con người nơi đây vẫn đến đây để lập nghiệp và họ cứ đinh ninh rằng đàn cá sấu kia đã giảm bớt lượng đi phàn nào. Có mười thì chắc chán là bảy phẩn chết còn ba phần. thế nhưng chúng vẫn đông đảo lắm. tuy vậy họ không lùi bước họ tìm cách để đánh bại con vật ghê gớm kia. “Trong số những người khi nãy, có kẻ cẩn thận mang theo mác thông, lao, ná lẫy, nhưng họ dư hiểu rằng mớ khí giới ấy chỉ có hiệu lực đối với cọp, heo rừng, đằng này, sấu lại là loài ở nước, ở bùn lầy. Chống xuồng vào thì quá cạn còn đi bộ xuống thì lún ngập gối. ” thế rồi giữa những khó khăn ấy xuất hiện ông Năm Hên một ngươi gan dạ và có một chiến thuật để đánh bại đàn cá xấu ấy. Và đặc biệt chính kế hoạch và tài trí của ông đã tiêu diệt lũ cá sấu ấy chả lại một U Minh hiền lành cho mọi người dân đến đây lập nghiệp. Sự khôn khéo cũng như sức khỏe kiên cường của ông biểu tượng cho người dân sông nước Miền Nam.

    Cảnh bắt cá xấu hiện lên thật đầy nguy hiểm cũng thật hấp dẫn người đọc bởi sự khôn khéo và tài tình của ông Năm Hên. Đi theo ông còn có Tư Hoạch. Ban đầu mọi người không tin ông Năm có thể giết bắt đàn cá xâu nhưng sự thật thì ông có thể. “tới ao sấu, ông Năm hên đi vòng quanh dòn địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó ổng với tôi lấy xuổng đào một đường nhỏ, ngày một cạn, từ bờ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi, ổng biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một đống cây mốp tươi, chặt ra khúc chừng ba tấc. lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy để trong ao. Chập sau, bị khói cay mắt, ngộp thở, phần thì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời, ông Năm Hên chạy lại. Sấu há miệng hung hăng đòi táp ổng. Ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng : như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sấu bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm xách cây mác nhắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Ðuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại, chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình” tất cả những chi tiết ấy đã chứng minh sức khỏe cũng như tài trí của ông Năm Hên. Chuyện bắt cá sấu kết thúc tốt đẹp với hình ảnh “Tiếp theo lái xuồng là một bầy sấu, con này buộc nối đuôi con kia, đen ngòn như khúc cây khô dài. Mỗi con sấu, hai chân sau thúc ké trên lưng, hai chân trước tự do, quạt nước cầm chừng như tiếp sức với Tư hoạch để đẩy chiếc bè quái dị kia đi nhẹ nhàng…”

    Ông Năm Hên trở vè trong sự vui mừng khôn xiết của những người dân nơi đây họ cảm ơn ông. Và trước khi ông đi, ông không quên thắp một nén nhang cho những người đã khuất. Điều đó cho thấy ông Năm Hên là một người rất trọng tình nghĩa.

    Qua đây ta càng thêm yêu những con người miền nam của tổ quốc. Đặc biệt ta cũng thấy được rừng U Minh lúc hoang so ban đầu nguy hiểm như thế nào, thiên nhiên không chỉ mang lại nguồn thức ăn, sự sinh nhai mà còn có cả những loại động vật nguy hiểm như đàn sấu này nữa. Tuy nhiên những con người ấy vẫn kiên cường vượt qua khó khăn và chiến thắng thiên nhiên hoang sơ một cách oanh liệt. Và nhân vật ông Năm Hên đại diện cho vẻ đẹp của những người dân Nam Bộ ấy.

Mẫu 3

    Sơn Nam là một nhà văn có lối kể chuyện mộc mạc, giản dị mà sang rõ mang nét riêng độc đáo của cảnh vật, tính cách con người được vẽ phác bằng đôi nét đơn sơ mà thấm đượm màu sắc Nam Bộ. Tiêu biểu cho phong cách ấy là tác phẩm “Bắt sấu rừng U Minh Hạ”, nhà văn đã dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác qua cuộc truy bắt cá sấu của ông Năm Hên.

    Câu chuyện xoay quanh nhân vật Năm Hên – một ông già làm nghề bắt cá sấu. Năm Hên mang đậm nét tính cách của người dân Nam Bộ trong buổi đầu đi tìm đất mới để sinh cơ lập nghiệp. Trước hết, ông là một người thật thà, đôn hậu, giản dị, khiêm tốn. Tuy cung cách xuất hiện của ông rất lạ: “Trong xuồng, vỏn vẹn có một lọn nhang trần và một hũ rượu. Từ sớm đến chiều, ông bơi xuồng tới lui theo con rạch mà hát”. Lại nữa, bài hát ông nghe sao “ảo não rùng rợn” như thể đang dụ dỗ một linh hồn oan khuất nào đó. Nhưng khi thấy bà con có vẻ nghi ngờ, thiếu tin tưởng về cách bắt sấu bằng tay không của mình, ông Năm Hên đã thật thà bộc bạch: “Tôi đây không tài giỏi chi hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như người khác thì họ nói là bùa phép để kiếm tiền…”

    Ông là một người trọng nghĩa khinh tài. Là một con người thật thà, đôn hậu, ông Năm Hên hành động vì nghĩa, không mang lợi lộc gì cho mình. Ông tâm sự: “Nghề bắt sấu có thể làm giàu được, ngặt tôi không màng thứ phú quý đó”. Người đọc hiểu ra, khi mới đến đây xưng tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, ông đã cải chính cách gọi về nghề nghiệp của mình là “bắt sấu” chứ không phải “câu sấu” là thể hiện sự ẩn giấu một niềm tự hào thầm kín về công việc của mình, một công việc hoàn toàn vì nghĩa. Ông thấy việc cần là làm, thấy người hoạn nạn là không ngại hiểm nguy ra tay giúp đỡ, chẳng chút tính toán thiệt hơn: “không màng thứ phú quý đó”.

    Ông còn là một người tài trí hơn người. Cảnh bắt sấu của ông được Tư Hoạch kể lại quả thật tài tình: “lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao. Chập sau, bị khói cay vào mắt, ngộp thở, phần thì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy… Ổng đút vô miệng sâu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng: như mình ngậm một khúc mạch nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng không được… Ông Năm xách cây mác, nhắm ngay sau lưng sấu, mà sắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Đuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dâu cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại, chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình…” Nghe chuyện này có người đã nhận xét: “Thực là bậc thánh nhân của xứ này rồi! Mưu kế như vật quả thực cao cường”.

    Cũng qua lời tuồng thuật của Tư Hoạch, ai cũng thấy rõ ông Năm Hên là người rất dũng cảm. Phải dũng cảm mới giữ vững được thái độ bình tĩnh trước loài cá sấu dữ mà chẳng chút nao lòng “sợ sấu há miệng hung hăng đòi táp”. Chính nhờ lòng dũng cảm, bình tĩnh, nên ông đã đánh bại được đàn cá sấu ăn thịt người. Bốn mươi năm con cá sấu bị ông thòng cổ cho người xuôi chở về. Loài thủy quái ấy ngoan ngoãn phục tùng cứ như là đã được thuần dưỡng rồi vậy. Với lòng dũng cảm, ông thực sự đã trở thành anh hùng cửa vùng đất hoang dại này.

    Ông còn là một người mang tâm sự u uất. Hãy nghe ông bày tỏ gia cảnh: “Cha mẹ tôi sanh ra chỉ có hai anh em tụi tôi… Ảnh bị cá sấu ở Ngã ba Đình bắt mất”. Đây là một tổn thất lớn lao đối với ông. Bởi vậy ông thề quyết trả thù cho anh mình. Mười hai năm trôi qua, mối thù ấy vẫn chưa giờ phút nào nguôi trong lòng ông. Cảnh cá sấu xuất hiện ở rừng nhiều như trái mù u chín rụng lúc này đã gợi lên trong lòng ông một nỗi đau nhức nhối tâm can, một nỗi cực lòng như chính ông đã chân thành bộc bạch với dân làng. Tâm sự đó ông gửi vào lời hát:

“Hồn ở đâu đây?

……

Lập đàn giải oan….”

    Bài hát của ông Năm Hên đã tạo không khí bí hiểm và có phần rùng rợn cho câu chuyện. Nhà văn miêu tả giọng hát của ông ảo não, rùng rợn: “Tiếng như khóc lóc, nài nỉ. Tiếng như phẫn nộ, bi ai”. Nội dung bài hát buồn thảm không chỉ là nỗi tiếc thương của ông đối với người anh xấu số của mình mà đó còn là tiếng chiêu hồn tưởng nhớ đến, gọi về biết bao mảnh hồn người xa xứ vì “thắt ngặt manh áo chén cơm” Giữa Cảnh “U Minh hạ đỏ ngòm, rừng tràm xanh biếc” đã phải thiệt mạng cho “hùm tha, sấu bắt…” Hình ảnh thảm thương đầy bí ẩn của ông ở cuối truyện, sau khi bắt được đàn sấu: “áo rách vai, tóc rối mù, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay”, cứ tưởng như ông đang nhập đồng phải chăng ông thay mặt cho dân làng ở đây hát lên bài kinh “cầu siêu”, tựa như lời gọi hồn giải oan cho những linh hồn bị “hùm tha sấu bắt”, cho biết bao oan hồn uổng tử đã vất vưởng lang thang nơi “đầu bãi, cuối gành” trong cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn bao đời nay cho cư dân ở đây.

Mẫu 4

    Nhắc đến Sơn Nam, người đọc hầu như ai cũng nghĩ đến một nhà khảo cứu sâu sắc, một nhà văn đầy tâm huyết về miền đất cực nam của tổ quốc. Hầu như tất cả các tác phẩm của ông đều tập trung vào đề tài này.

    Riêng về sáng tác văn học, tác phẩm đặc sắc nhất và tiêu biểu nhất của Sơn Nam chính là tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, trong đó, bắt sấu rừng u minh hạ là một trong các truyện ngắn nổi bật hơn cả của ông. Trên từng trang viết, Năm Hên, ông già bắt sấu, nhân vật chính của truyện đã hiện lên khá sinh động và lôi cuốn người đọc.

    Rừng U Minh Hạ là một khu vực thiên nhiên còn hoang dại: Muỗi vắt nhiều hơn cỏ. Chướng khí mù như sương” (Thay lời tựa Hương rừng Cà Mau). Nơi mà những người dân miền cực nam Tổ Quốc đang khai khẩn và sinh sống. Từng ngày, từng giờ họ sẵn sàng đấu tranh với thiên nhiên và thú dữ để bảo tồn sự sống của mình.

    Những con người “trên phá Sơn Lâm, dưới đâm Hà Bá”. Này đã có công làm cho mảnh đất nơi đây phì nhiêu, màu mỡ bằng cách bón vào lòng đất mới mồ hôi và xương máu của chính mình. Trong cuộc đấu tranh khắc nghiệt đầy sinh tử ấy đã xuất hiện không ít những con người đôn hậu, thật thà nhưng đầy mưu lược và dũng cảm Năm Hên Ông già bắt sấu trong truyện này đúng là một con người như thế.

    Mang đậm nét tính cách của người nông dân Nam bộ trong buổi đầu tìm đất mới để sinh cơ lập nghiệp, ông Năm Hên, trước hết là một con người thật thà đôn hậu. Tuy là cung cách xuất hiện của ông rất lạ: Trong xuồng vỏn vẹn một lọn nhang trần và một hũ rượu. Từ sớm đến chiều, ông bơi xuồng tới lui theo rạch mà hát”.

    Lại nữa, bài hát của ông nghe sao mà “ảo não rùng rợn” như thể đang ru dỗ cho một linh hồn oan khuất nào đó. Nhưng khi thấy bà con có vẻ nghi ngờ, thiếu tin tưởng về cách bắt xấu bằng tay không của mình, ông Năm Hên đã thật thà bộc bạch: Tôi đây không tài giỏi chi hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như người khác thị họ nói là bùa phép để kiếm tiền. Là một người thật thà, đôn hậu, ông Năm Hên hành động vì nghĩa, không màng lợi lộc riêng tư cho mình.

    Ông tâm sự: “Nghề bắt sấu có thể làm giàu được, ngặt nỗi không màng thứ phú quí đó..”, Người đọc hiểu ra, khi mới đến đây xưng tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, ông đã cải chính cách gọi về sự hành nghề của mình là bắt sấu chớ không phải câu sấu là thể hiện sự ẩn giấu một niềm tự hào thầm kín về công việc của mình, một công việc hoàn toàn vì nghĩa.

    Thấy việc cần làm là làm, thấy người hoạn nạn là không ngại hiểm nguy ra sức giúp đỡ chẳng chút tính toán thiệt hơn. “Không màng thứ phú quí đó, đúng như lời nói ông già bắt sấu. Hình ảnh của ông không khỏi gợi chúng ta liên tưởng đến ông Ngư, ông Tiều, ông quán trong truyện Lục Vân tiên của Nguyễn Đình chiểu, như con người luôn ngời sáng một tinh thần hành động vì nhân nghĩa.

“Nào ai tính thiệt so hơn làm gì

Nhớ câu kiến ngãi bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng…

Ngư rằng: “Lòng lão chẳng mơ”

Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn

Nước trong rửa ruột sạch trơn

Một câu danh lợi chi sờn lòng đây”

    Do bộc bạch hết sức chân thành về gia cảnh và động cơ nghề nghiệp của mình, ông Năm Hên đã tạo được niềm tin bước đầu của dân làng. Câu nói của ông lúc đầu: “Tôi đây không tài giỏi chi hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít” là câu nói khiêm tốn, thực tế cho thấy ông là người đầy mưu trí.

    Cách bắt sấu của ông được Tư Hoạch kể lại quả thật là tài tình: Lửa châm vô sậy, đế, cóc kèn xung quanh bắt cháy xuống đám sậy để trong ao. Chập sau bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần thì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hòi nãy… Ông đút vô miệng sấu một khúc mốp.

    Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhà ra cũng không được và: Ông Năm Hên xách cây mác, nhắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Đuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại, chừa hai chân trước để nó bơi tiếp mình…

    Nghe chuyện nầy có người đã nhận xét: “Thực là bậc thánh của xứ nầy rồi! Mưu kế như vậy thực quả cao cường”. Cũng qua lời tường thuật lại chuyện bắt sấu một cách khá cặn kẽ của Tư Hoạch, ai cũng thấy rõ ông Năm Hên là người rất dũng cảm. Phải dũng cảm mới giữ vững được thái độ bình tĩnh trước lời sấu dữ mà chẳng chút nao lòng sợ sấu há miệng hung hăng đòi táp (ổng).

    Ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Chính nhờ lòng dũng cảm, bình tĩnh, nên ông Năm Hên đã đánh gục được đàn sấu ăn thịt người. Bốn mươi lăm con cá sấu bị ông thòng cổ cho người xuôi sông chở về. Loài “thủy quái ấy” ngoan ngoãn phục tùng cứ như là được thuần dưỡng rồi vậy. Với lòng dũng cảm, ông đã thực sự là chủ nhân của vùng đất rừng hoang dại này.

    Chính môi trường sống khắc nghiệt đã khiến con người phải mài sắc mưu mẹo và tài trí của mình để sinh tồn. Trở lại tính cách của hình tượng ông già “bắt sấu rừng U Minh Hạ” này, ta thấy ông còn là một con người mang tâm sự u uất. Hãy nghe ông bày tỏ gia cảnh: Cha mẹ tôi sanh ra chỉ có hai anh em tụi tôi…. Anh bị sấu ở Ngã Ba Đình bắt mất. Đây là một tổn thất lớn lao đối với ông. Bởi vậy ông thề quyết tâm trả thu cho anh mình.

    Mười hai năm trôi qua kể từ ngày đó mối thù ấy vẫn không nguôi. Cảnh sấu xuất hiện ở rừng nhiều như trái mù u chín rụng lúc này được gợi lên trong lòng ông một nỗi đau nhức nhối tâm can, một nỗi cực lòng như chính ông đã chân thành bộc bạch với dân làng. Tâm sự đó, ông gửi vào lời hát:

“Hồn ở đâu đây?

Hồn ơi! Hồn hỡi!

Xa cây xa cối,

Xa cội xa nhành,

Đầu bãi cuối gành

Hùm tha, sấu bắt

Bởi vì thắt ngặt

Manh áo chén cơm

U Minh đỏ ngòm

Rừng tràm xanh biết!

Ta thương ta ta tiếc

Lập đàn giải oan….”

    Thấy nhà văn miêu tả giọng hát của ông ảo não, rùng rợn, “Tiếng như khóc lóc nài nỉ. Tiếng như phẫn nộ bi ải” người đọc đủ hiểu. Lại nữa nội dung bài hát buồn thảm. Đó không chỉ là lời tiếc thương của ông đói với người anh xấu số của mình mà đó còn là tiếng chiêu hồn tưởng nhớ đến, gọi về biết bao mảnh hồn người xa xứ vì “thắt ngặt manh áo chén cơm”. Giữa cảnh “U Minh Hạ đỏ ngòm, rừng tràm xanh biếc” đã phải thiệt mạng do “hùm tha, sấu bắt”…

    Người đọc càng thêm thông cảm ông, một con người sống tinh thần phong phú sâu sắc nên không bận lòng đến cuộc sống vật chất. Vì thế mà hành trang trên đường đi bắt sấu dữ cứu giúp dân lành của ông thật đơn sơ: Trong xuồng có vỏn vẹn một lọn nhang trần và một hũ rượu.

    Đặc biệt, tâm sự u uất của người thợ già chuyên bắt sấu nầy thể hiện rõ nét qua hình ảnh thảm thương đầy bí ẩn của ông ở đoạn cuối truyện, sau khi bắt được đàn sấu: áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay. Cứ tưởng như ông đang nhập đồng. Phải chăng ông thay mặt cho dân làng ở đây hát lên lời “Cầu siêu” cho biết bao oan hồn uổng tử đã vất vưởng lang than nơi “đầu bãi, cuối gành” buổi nào đã từng bỏ mạng vì cá sấu trong cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn bao đời nay cho cư dân ở đây”.

    Như thế, thông qua lời nói, hành động, thể hiện nội tâm nhân vật, đặc biệt là chỉ bằng vài chi tiết đơn sơ, nhà văn Sơn Nam đã thể hiện được tính cách nhân vật chính, ông Năm Hên, người thợ già chuyên bắt sấu ở rừng u Minh Hạ này một cách sinh động với sắc thái Nam bộ rõ nét là thật thà, đôn hậu đầy mưu trí và đặc biệt trọng nghĩa khinh tài.

    Chúng ta đã đọc nhiều tác phẩm văn học từ sau Cách mạng tháng Tám, khắc họa khá thực, cụ thể và sinh động hình tượng người nông dân Nam bộ. Đó là những con người ít nhiều có dáng dấp tinh thần vị nghĩa của Lục Vân Tiên: thật thà, đôn hậu rất mực trung thành với chính nghĩa, với lí tưởng, với cách mạng, dũng cảm bất khuất trước kẻ thù.

    Với nhân vật ông Năm Hên nói riêng, và truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ nói chung của nhà văn Sơn Nam, chúng ta được hiểu thêm một vẻ đẹp của người Nông dân Nam Bộ trong buổi đầu đi tìm đất mới, khai phá đất rừng hoang dại để mưu cầu sự sống còn. Dù mưu trí và dũng cảm đến đâu họ cũng không tránh khỏi biết bao gian lao nguy hiểm, nhiều lúc phải gặp cả những mất mát đau xót. Ngày nay được sống trên mảnh đất yêu thương này, đâu lẽ chúng ta quên lãng công đức của bao lớp tiền nhân…

Mẫu 5

    Sơn Nam là nhà văn Nam Bộ giàu bản sắc, có một phong cách nghệ thuật độc đáo, dung dị, hồn nhiên. Đọc truyện của ông, ta tưởng như đang ngồi nghe một lão nông miệt vườn, một tay ăn ong rừng kể chuyện. Có nhà phê bình đã nói, đọc truyện “Hương rừng Cà Mau” như được đi “thăm thú vùng đất Mũi kì thú mênh mông”. Ta như được vui vầy sống giữa một thiên thiên hoang dã. Rừng tràm bát ngát, nhiều ong mật, cá sấu, rắn rùa, đủ các loài chim quý. Kênh rạch chằng chịt, lắm nước bạc, nhiều phù sa, đầy tôm cá. Một vùng đất giàu có với những con người dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài, ngang tàng, bộc trực,… rất đáng yêu. Tất cả được Sơn Nam tạo nên một không gian nghệ thuật với bao câu chuyện kì thú hấp dẫn, đậm đà màu sắc Nam Bộ, cuốn hút chúng ta. Thấm đượm những trang văn của Sơn Nam là một tấm lòng yêu nước thiết tha, một tình yêu thương chan hòa với thiên nhiên và con người của đất rừng phương Nam Tổ quốc giàu đẹp.

    Truyện “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” là một trong số 18 truyện rút trong tác phẩm “Hương rừng Cà Mau” xuất bản năm 1967. Tác giả kể lại chuyện ông Năm Hên bắt sấu ở ngọn rạch Cái Tàu tại địa phận làng Khánh Lâm, qua đó ca ngợi những phẩm chất như chất phác, dũng cảm, tài tử và trọng nghĩa khinh tài… của người nông dân Nam Bộ…

    Phần đầu truyện, Sơn Nam nói về loài sấu. Nó là giống “hung hăng nhất” ở nơi sông rạch. Giống sấu chỉ thích nơi yên tĩnh, chật hẹp của ngọn cùng, không thích chốn sông sâu, nước chảy, có sóng gió. Sấu thường đi ngược sông Ông Đốc, rạch Cái Tàu, vào giữa rừng tràm vùng u Minh Hạ. Sấu thích ăn thịt người, nhưng tôm cá là “món ăn chính” của nó. Mùa nắng hạn rừng khô, sấu tìm đến các ao, các lung giữa rừng tràm mà lập “căn cứ” rồi “sanh con đẻ cháu”.

    Câu chuyện càng trở nên hấp dẫn qua tình tiết khi có người lên rừng ăn ong chạy về loan báo: “Sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng!”. Chất hoang dã của rừng tràm, của rạch Cái Tàu, vẻ rùng rợn của câu chuyện được gợi ra bằng một câu loan báo nhiều ngạc nhiên và hoảng sợ vì sấu rất hung dữ lại “thích ăn thịt người!”.

    Sơn Nam miêu tả sấu, đàn sấu bằng những chi tiết rất gợi, những hình ảnh đầy màu sắc. Giữa một cái ao lớn ước một công đất toàn lau sậy, dây cóc kèn là đàn sấu nổi lên “những vệt đen chi chít” giữa “bức tranh màu xanh” của rừng tràm, của cây lá. Đàn sấu được đặc tả bằng những so sánh gợi lên cảm giác rùng rợn như khi ta phải đối diện với loài vật hoang dã rất hung dữ và thích ăn thịt người. Có những con sấu to lớn “nằm dài như chiếc xuồng lường” (thuyền độc mộc). Lại có những con sấu rất cảnh giác, hung hăng “dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngỏng mỏ xéo lên trời như họng súng thần công đại bác”. Con sấu già, sấu chúa “trợn mắt” nhìn lũ người, phản ứng tinh khôn “bò thối lui vào giữa lòng ao, để thủ thế”. Sấu chúa có đốm đỏ ngay giữa tam tinh, sống lâu đời, khôn lắm, nó đã nhiều phen “kịch chiến” với loài người, nó toan dụ địch thủ vào hang của nó nơi nước sâu. Có thể nói bức tranh sấu được Sơn Nam vẽ bằng một gam màu đen nổi bật trên màu xanh của rừng với ba nét vẽ về ba con sấu: sấu nằm, sấu bò, sấu trợn mắt. So sánh nào cũng độc đáo, giàu tưởng tượng. Một thiên nhiên hoang dã, rùng rợn, kì thú. Sơn Nam đã mở rộng tầm nhìn, đem đến cho ta những hiểu biết kì lạ, thú vị về thiên nhiên vùng đất mũi bao la chứa đựng bao bí mật.

    Ông Năm Hên là nhân vật trung tâm của truyện “Bắt sấu rừng U Minh Hạ”. Nhân vật xuất hiện bất ngờ, đúng là con người “có kì tài”. Ông là thợ già chuyên bắt sấu ở Kiên Giang đạo. Ông đến vùng Khánh Lâm, ngọn rạch Cái Tàu bằng một chiếc xuồng ba lá nhỏ, trong xuồng “vẻn vẹn một lọn nhang trần và một hủ rượu”. Năm Hên xuất hiện bằng một bài hát nghe “ảo não, rùng rợn” như một bài cầu hồn. Tiếng hát của ông lão vang lên trên con rạch theo nhịp bơi xuồng tới lui từ sớm tới chiều: “Hồn ở đâu đây? Hồn ơi? Hồn hỡi? – Xa cây xa cối – Xa cội xa nhành – Đầu bãi cuối gành – Hùm tha, sấu bắt…”. Bài hát gợi lên màu sắc bi tráng của thiên truyện, góp phần gợi tả tính chất kì bí của nhân vật Năm Hên.

    Năm Hên xuất hiện với bao mong đợi của bà con vùng Khánh Lâm. Chẳng có vũ khí, chẳng có đồ nghề… Một đoạn đối thoại rất hay để giới thiệu Năm Hên là thợ bắt sấu chứ không phải tay câu sấu. Và ông ta chỉ “bắt sấu trên khô”, bắt sấu “bằng… hai tay không”. Tuy bà con vùng Khánh Lâm “nửa tin nửa nghi” nhưng ai nấy đều khâm phục người “bắt sấu bằng tay không quả là phi phàm, thế gian hi hữu”. Ông Năm Hên chẳng phải là một kẻ khoác lác mà là con người đi bắt sấu vì việc nghĩa, chưa hề “nói láo để lường gạt” hoặc “mở miệng xin tiền bạc cơm gạo gì” của xóm Khánh Lâm này, của bất cứ ai. Đó là hình ảnh một con người trọng nghĩa khinh tài sống giữa cộng đồng bà con nông dân Nam Bộ xưa và nay. Ông nói: “Nghề bắt sấu có thể làm giàu được, ngặt tôi không mang thứ phú quới đó”. Tiếng nói ông Năm Hên, cách ứng xử của ông trong nghề bắt sấu khác nào tâm thế ông Ngư trong “Truyện Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu ở thế kỉ XIX:

    Ngư rằng: “Lòng lão chẳng mơ

    Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn.

    Nước trong rửa ruột sạch trơn

    Một câu danh lợi chi sờn lòng đây”.

    Con người của Nam Hên được hé lộ dần. Ông mang một nỗi đau, một mối thù đối với loài sấu hung dữ. Mười hai nãm về trước, người anh trai của ông đi phá rừng lập rảy tại Gò Quao, đã bị sấu ở Ngã Ba Đình bắt mất. Ông đi bắt sấu là để thực hiện một lời thề với vong linh người anh, như ông nói: “Tôi thề quyết trả thù cho anh”, ở đâu có sấu là ông đi tới. Ông “cực lòng” khi nghe tên những con rạch, ngã ba mang tên Đầu Sấu, Lưng Sấu, Bàu Sấu…, đó là những “nơi ghê gớm”, hồi xưa đất còn hoang “sấu lội nhiều”… Vùng đất dữ đó, nhiều người mới chỉ nghe nói đến đã ghê sợ, rụng rời cả chân tay.

    Ông Năm Hên đi bắt sấu ở ngọn Cái Tàu chỉ có một mình, có thêm Tư Hoạch dẫn đường vào ao sấu. Quá ngọ thấy một làn khói đen bốc lên ở phía ao sấu u Minh Hạ, ban đầu ngỡ cháy rừng, chập sau khói lụn xuống. Trời vừa xế, Tư Hoạch đã giong 45 con sấu “còn sống nhăn” trở về. Tư Hoạch reo lên: “Diệu kế! Diệu kế!… Một đời người mới có một lần”. Nhìn đàn sấu “con này buộc nối đuôi con kia đen ngòm như khúc cây khô, dài… hai chân thúc ké trên lưng…” quạt nước bơi theo con thuyền Tư Hoạch, bà con cô bác Khánh Lâm vô cùng ngạc nhiên. Người thì “há miệng sửng sốt rồi toan chạy vào nhà trốn”, người thì “khấn vái lâm râm…”, có người lại bơi xuồng ra giữa sông hỏi han Tư Hoạch “rối rít”.

    Nhà văn Sơn Nam đã khéo léo “hãm chuyện”, cho bà con xứ Khánh Lâm nhìn thấy đàn sấu bị bắt đem về, rồi mới nghe Tư Hoạch kể lại chuyện ông Năm Hên bắt sấu, để làm cho câu chuyện trở nên hồi hộp, thú vị. Đến ao sấu ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế, rồi ngồi xuống uống rượu thật ung dung. Ông chỉ nhờ Tư Hoạch bứt cho một nắm dây cóc kèn để trói sấu. Còn bao nhiêu công việc như đào một đường nhỏ từ ao sấu lên rừng đến chuyện chặt mốp thành từng khúc, từ chuyện đốt sậy để xua dàn sấu đến chuyện đút khúc mốp vào miệng sấu, lấy mác cắt gân đuôi và trói sấu… một mình ông làm tất. Cả bầy sấu 45 con đéu bị ông Năm Hên bắt hết không sót một con nào! Đúng như ông nói: “Tôi đây… chẳng qua là biết mưu mẹo một ít…”. Bà con xứ Khánh Lâm thì trầm trồ, khâm phục: “Thực là bực thánh của xứ này rồi? Mưu kế như vậy thực quá cao cường!…”. Cả xóm muốn “đền ơn ổng một số tiền, nuôi ổng cho tới già”… Ông Năm Hên không chỉ mưu trí dùng hỏa công để lùa sấu theo kế “điệu hổ li sơn”, dẫn sấu vào tử lộ, dùng mốp để khóa miệng sấu, mà ông còn rất dũng cảm khi đối diện với đàn sấu hung hăng đòi táp. Ông đã bình tĩnh đút từng khúc mốp vào miệng lũ sấu dữ hung hăng.

    Nhà văn để ông Năm Hên “cúng đất đai vương trạch” rồi đi bộ về phía sau là một tình tiết đặc sắc tung và hứng rất chặt chẽ. Lần thứ hai, tiếng hát cầu hồn của ông Năm Hên lại cất lên nghe ảo não, rùng rợn:

    Hồn ở đâu đây?

    Hồn ơi! Hồn hỡi!…

    Cùng với tiếng hát cầu hồn, giải oan, là hình ảnh ông Năm Hên “áo vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay “… gợi lên không khí thiêng liêng, dân dã, kì bí, cổ kính. Người đọc cảm thấy những oan hồn bị “hùm tha, sấu bắt” đang kéo về bến sông nhìn đàn sấu bị ông Năm Hên bắt và khóc sụt sùi. Hình như có biết bao oan hồn đang chập chờn trên sông nước, đang chạy theo chiếc xuồng ba lá của ông Năm Hên.

    Truyện “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” có dáng dấp riêng, khó lẫn. Chi tiết rất gợi không khí hoang dã, ngôn ngữ đậm đà màu sắc Nam Bộ, cách dựng truyện li kì. Nếu thiếu đi bài hát cầu hồn, câu chuyện sẽ kém phần thiêng liêng, cổ kính và kì bí. Hình ảnh ông Năm Hên, một thợ già bắt sấu dũng cảm, mưu trí, trọng nghĩa khinh tài, chất phác… cho ta nhiều ấn tượng. Ông là hình ảnh người nông dân Nam Bộ đi bắt sấu để chinh phục thiên nhiên, vì hạnh phúc con người và quê hương. “Bắt sấu U Minh Hạ” như một đoản thiên phiêu lưu kí sáng giá.

1 60 lượt xem