Cách Để Viết Một Bài Văn NLXH Chỉn Chu Nhất

Sinx.edu.vn giới thiệu bạn đọc bộ tài liệu Cách Để Viết Một Bài Văn NLXH Chỉn Chu Nhất được biên soạn đúng cấu trúc, chi tiết giúp các bạn ôn luyện đạt được kết quả cao trong bài thi môn Ngữ Văn.

1 97 lượt xem


Cách Để Viết Một Bài Văn NLXH Chỉn Chu Nhất

1. Khái niệm: Văn nghị luận xã hội là gì?

Văn nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống nói chung. Do đó phạm vi của dạng bài này rất rộng. Nó bao gồm những vấn đề tư tưởng, đạo lí cho đến lối sống, bên cạnh đó một đề văn nghị luận xã hội đôi khi đề cập tới những câu chuyện nổi bật trong cuộc sống hằng ngày.

Hiểu đơn giản, văn nghị luận xã hội là dạng văn yêu cầu viết về vấn đề xã hội. Nó khác với nghị luận văn học ở chỗ, không viết về tác phẩm, nhà văn. Để viết văn nghị luận tốt, học sinh cần rèn luyện 2 kỹ năng: chứng minh và giải thích.

2.Vị trí, vai trò của câu nghị luận xã hội trong cấu trúc đề thi

Nghị luận xã hội là dụng bài nghị luận phổ biến trong đề thi Ngữ văn.

Trong cấu trúc đề thi vào 10 môn Ngữ văn, câu nghị luận xã hội thường chiếm từ 2-3 điểm trong tổng số 10 điểm của đề thi, nghĩa là chiếm khoảng 20 – 30% trong số điểm. Do vậy để bài văn nghị luận xã hội thực sự thuyết phục người đọc và đạt điểm cao thì học sinh lớp 9 cần nắm vững các kỹ năng viết và trình bày bài văn, đoạn văn.

“Tùy theo tiêu chí và yêu cầu về hình thức của đề thi mà sẽ có các dạng bài nghị luận xã hội khác nhau. Đó có thể là dạng viết bài văn nghị luận xã hội – nghĩa là ở phần này các em sẽ phải triển khai thành một bài văn hoàn chỉnh gồm 3 phần là mở bài – thân bài – kết bài. Riêng phần thân bài phải được tách thành các đoạn văn nhỏ. Còn với đề yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội thì vẫn phải đảm bảo được cấu trúc 3 phần với các luận điểm rõ ràng. Đặc biệt thầy lưu ý các em là dạng bài nghị luận xã hội thì chỉ nên viết ngắn gọn trong một mặt của tờ giấy thi hoặc dung lượng dao động từ 12 – 15 câu, điều này vừa đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu của đề vừa có thể giúp các em phân bố thời gian hợp lý để làm các câu khác trong đề thi.”

Theo yêu cầu về nội dung sẽ có dạng bài: Nghị luận về một tư tưởng đạo lý, nghị luận về một hiện tượng đời sống, nghị luận về một vấn đề xã hội được đặt ra từ tác phẩm văn học. Do vậy việc xác định, phân loại được dạng bài văn nghị luận xã hội nhằm mục đích đưa ra cách làm bài sao cho phù hợp nhất và đúng với yêu cầu của đề bài, đạt điểm cao tuyệt đối

3. Các dạng đề Nghị luận xã hội thường gặp.

Có hai dạng đề nghị luận xã hội thường xuất hiện:

* Nghị luận về một hiện tượng đời sống: Đó là những hiện tượng, vấn đề xã hội nổi bật đang được xã hội quan tâm. Để làm tốt dạng nghị luận này, yêu cầu học sinh cần có những kiến thức xã hội.

Ví dụ:

- Hiện tượng có tác động tích cực: tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh,....

- Hiện tượng có tác động tiêu cực: bạo lực học đường, chiến tranh,..

- Nghị luận về một mẩu tin tức, báo chí: một đoạn trích, một mẩu tin trên báo,..

* Nghị luận về một tư tưởng đạo lí: Là việc bàn luận, đánh giá một vấn đề thuộc lĩnh vực đạo đức, tư tưởng, ..với mục đích hướng học sinh đưa ra quan điểm đúng đắn về những giá trị đạo đức tốt đẹp.

Ví dụ:

- Tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức: lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí nghị lực,...

- Tư tưởng không nhân văn: ích kỷ, vô cảm,..

- Nghị luận xã hội về hai mặt tốt xấu trong một vấn đề

- Văn nghị luận xã hội về vấn đề có tính chất bàn luận, trao đổi

- Văn nghị luận xã hội đặt ra trong mẩu truyện nhỏ hoặc đoạn thơ.

Vì sự khác nhau đó nên học sinh cần xác định đúng dạng bài để có hướng giải quyết đúng đắn vấn đề tốt hơn.

*  Giống:

Các dạng bài NLXH đều vận dụng chung các thao tác lập luận là: giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận. Ba thao tác cơ bản nhất là giải thích, chứng minh và bình luận.

Đề thường ra dưới dạng các mệnh lệnh: trình bày suy nghĩ, trình bày quan điểm, nêu ý kiến….

Vấn đề bàn luận có khi khái quát, khi biểu hiện cụ thể (trích trong bài báo hay truyện kể…); có thể gián tiếp hoặc trực tiếp.

 * Khác:

- Nghị luận về sự việc hiện tượng: Từ sự việc, hiện tượng -> giải thích, chứng minh, bình luận -> bài học về tư tưởng, đạo lí.

4Một số đề bài: Có thể là sự việc, hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực  cần bàn luận như:

- Quý trọng thời gian.

- An toàn giao thông. 

- Côvid 19.

- Bạo lực học đường.

5. Hướng dẫn học sinh kĩ năng làm bài:

a, Tìm hiểu đề:

- Đọc kĩ đề, gạch chân các từ ngữ quan trọng.

- Xác định sự việc, hiện tượng cần nghị luận.

- Xác định phạm vi nghị luận

b. Tìm ý:

- Sự việc, hiện tượng đó là gì?

- Biểu hiện như thế nào?

- Vì sao lại có sự việc, hiện tượng đó?

- Tác động của nó ra sao đối với đời sống?

- Trái với sự việc, hiện tượng đó là gì? Tác động?

- Em có đề xuất những giải pháp gì?

- Bản thân có nhận thức và hành động như thế nào trước sự việc, hiện tượng đó?

c. Lập dàn bài:

* Mở bài: Giới thiệu sự việc, hiện tượng: dẫn dắt, nêu sự việc, hiện tượng (thường dẫn dắt từ khái quát đến cụ thể. Nếu đề có lời dẫn thì lấy từ trong đề).

* Thân bài

- Giải thích từ ngữ, khái niệm (nghĩa đen, nghĩa bóng- nếu có) (trả lời câu hỏi: là gì?)

- Thực trạng (biểu hiện) ( trả lời câu hỏi như thế nào?): bàn từng phương diện, theo mức độ tăng dần.

+ Xuất hiện ở đâu? Thời gian nào?

+ Mức độ, phạm vi diễn ra như thế nào?

+ Dẫn chứng, số liệu: đúng đắn, tiêu biểu, chính xác, có cơ sở khoa học

Nguyên nhân (trả lời câu hỏi: vì sao): 

+ Nguyên nhân khách quan

+ Nguyên nhân chủ quan

Tác động, ảnh hưởng: tác động trên những phạm vi nào? Đối với những đối tượng nào?

+ Tác động tích cực

+ Tác động tiêu cực

=> tác động đối với xã hội, đối với các nhân

- Bàn luận mở rộng, nâng cao (phản đề): trái với sự việc, hiện tượng đó là gì? Tác động nhiều chiều?

Giải pháp và nhận thức, hành động của bản thân (trả lời câu hỏi cần làm gì trước sự việc, hiện tượng đó):

+ Phát huy sự việc tích cực

+ Ngăn chặn sự việc tiêu cực

(Giải pháp chung: xã hội, nhà trường, gia đình

Giải pháp riêng của các nhân: từ suy nghĩ đến hành động- nhận thức về vấn đề như thế nào? Cần phải làm gì?.)

Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận, gửi gắm thông điệp đến với mọi người

d. Đề minh hoạ:

Đề 1:

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

…Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối. Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe có thể sắm lại được xe nhưng mất thời gian thì chịu, đố ai có thể tìm lại được. Thời gian là một dòng chảy thẳng; không bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lui. Mọi cơ hội, nếu bỏ qua là mất. Tuổi trẻ mà không làm được gì cho đời, cho bản thân thì nó vẫn xồng xộc đến với tuổi già. Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ đợi sự chậm trễ. Hãy quý trọng thời gian, nhất là trong thời đại trí tuệ này, nền kinh tế trí thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Chưa đầy một giờ, công nghệ Nhật Bản đã có thể sản xuất một tấn thép; con tầu tốc hành của các nước phát triển trong vài giờ đã có thể vượt qua được vài ngàn kilômét. Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế hiện nay. Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước…

                             (Phong cách sống của người đời – nhà báo Trường Giang)

II. Làm văn: (7.0 điểm)

Câu 2: Từ đoạn văn trên, viết đoạn văn 20 dòng,trình bày suy nghĩ về cách sử dụng và quản lí thời gian của bản thân

HƯỚNG DẪN CHẤM

II. Làm văn: (7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

a. Đảm bảo hình thức đoạn văn (0,25)

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cách sử dụng và quản lí thời gian của bản thân (0,25)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm kết hợp các thao tác lập luận (1,0)

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, tham khảo một số ý sau:

- Thời gian là thứ tiền bạc không thể mua được, trôi qua từng ngày, một đi không trở lại.

- Phải biết quý trọng thời gian, sử dụng thời gian một cách hợp lí

- Cách sử dụng thời gian của bản thân

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả (0,25)

e. Sáng tạo: Suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, lập luận sáng tạo (0,25)

d2: Viết đoạn văn 20 dòng, trình bày suy nghĩ về bạo lực học đường

*Dàn ý

1. Mở đoạn

- Giới thiệu vấn đề: Bạo lực học đường

2. Thân đoạn

a Giải thích vấn đề:

- Khái niệm 'Bạo lực học đường':

+ Là những hành vi thô bạo, cách cư xử thiếu đạo đức với bạn bè

+ Là cách cư xử thiếu văn minh, không có giáo dục

+ Là hành vi xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, tinh thần và thân thể của người khác

- Biểu hiện của 'Bạo lực học đường':

+ Xúc phạm, lăng mạ, xỉ nhục, đáy nghiến, chà đạp nhân phẩm, làm tổn thương về mặt tinh thần con người thông qua lời nói

+ Đánh đập, tra tấn, làm tổn hại về sức khỏe, xâm phạm thân thể con người...

- Dẫn chứng:

+ Trên mạng tràn lan các video clip ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh đánh hội đồng một nữ sinh khác

+ Các nam sinh mang gậy gộc, vũ khí đến trường để hành hung bạn nam khác chỉ vì cho rằng mình bị nhìn đểu...

- Nguyên nhân:

+ Do ảnh hưởng của môi trường bạo lực

+ Chưa có sự quan tâm của gia đình

+ Muốn thể hiện bản thân, gây sự chú ý với người khác...

- Hậu quả:

+ Với người bị bạo lực: bị ảnh hưởng về tinh thần và thể chất...

+ Với người gây ra bạo lực: phát triển không toàn diện, bị xã hội chê trách, xa lánh, ảnh hưởng đến tương lai...

- Giải pháp:

+ Nhà trường cần nâng cao tầm quan trọng trong việc giáo dục học sinh

+ Gia đình nên quan tâm con cái nhiều hơn

+ Tự ý thức tránh xa vấn nạn này...

3. Kết đoạn

Liên hệ bản thân

6. Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí

1. Khái niệm: Nghị luận về tư tưởng đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tưtưởng, đạo đức, quan điểm, nhân sinh (như các vấn đề về nhận thức; về tâm hồn, nhân cách, về các quan hệ gia đình xã hội; cách ứng xử, lối sống của con người trong xã hội…)

2. Yêu cầu:

- Nội dung: Nêu rõ được tư tưởng đạo lí, phân tích những biểu hiện, ý nghĩa và bày tỏ thái độ, nhận thức của người viết.

- Hình thức: Bài viết phải có bố cục chặt chẽ; luận điểm rõ ràng; luận cứ đúng đắn, tiêu biểu; phép lập luận phù hợp; lời văn chính xác, sống động.

3. Một số đề bài:

Đề 1: Trình bày suy nghĩ của em về giá trị của một tình bạn đẹp.

Đề 2: Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 từ) bàn về nhận định: khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời

Đề 3: Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến sau: “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa”

Đề 4: Viết một bài văn ngắn (không quá 200) từ trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ của Hi Lạp: “Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào.

Đề 5: Trình bày suy nghĩ của em về vẻ đẹp của tinh thần dân tộc được thể hiện trong đại dịch Covid-19

4. Hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài:

a. Tìm hiểu đề

- Đọc kỹ đề, gạch chân dưới các từ ngữ quan trọng

- Xác định tư tưởng đạo lí cần nghị luận

- Xác định phạm vi nghị luận

b. Tìm ý

- Tư tưởng, đạo lí đó là gì?

- Biểu hiện như thế nào?

- Tư tưởng đạo lí xuất phát từ đâu?

- Ý nghĩa của tư tưởng đạo lí đối với đời sống con người?

- Trái với tư tưởng đạo lí ấy là gì? Tác động?

- Nhận thức của bản thân như thế nào trước tư tưởng, đạo lí

c. Dàn bài

- Mở bài: Giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lí cần nghị luận. Nêu ý chính (vấn đề) hoặc câu nói về tư tưởng, đạo lí mà đề bài đưa ra.

- Thân bài:

* Giải thích: Giải thích tư tưởng đạo lí cần bàn luận (trả lời câu hỏi: là gì)

- Tùy theo yêu cầu đề bài, có thể có những cách giải thích khác nhau:

+ Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung của vấn đề (trực tiếp)

+ Giải thích nghĩa đen của từ ngữ rồi suy luận ra nghĩa bóng, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề (gián tiếp)

+ Giải thích mệnh đề, hình ảnh trong câu nói, trên cơ sở đó xác định nội dung, ý nghĩa của vấn đề mà câu nói đề cập (gián tiếp)

* Bàn luận

- Biểu hiện của tư tưởng, đạo lí (trả lời cho câu hỏi như thế nào):

+ Tùy theo yêu cầu cụ thể từng đề mà có thể chia theo bình diện, khía cạnh để nêu biểu hiện cho hợp lí. Có thể nêu theo các bình diện: đối tượng, không gian, thời gian (theo mức độ tăng dần)

+ Phân tích dẫn chứng (đúng đắn,tiêu biểu)

- Ý nghĩa của tư tưởng, đạo lí đối với đời sống con người

- Bàn luận mở rộng: lật ngược vấn đề để bàn bạc, bác bỏ một số tư tưởng sai lệch sau đó bày tỏ chính kiến của bản thân.

- Đề xuất giải pháp và nhận thức, hành động của bản thân (trả lời câu hỏi: phải làm gì, nhận thức và hành động như thế nào)

+ Giải pháp chung: xã hội, nhà trường, gia đình

+ Giải pháp riêng của các nhân: từ suy nghĩ đến hành động- nhận thức về vấn đề như thế nào? Cần phải làm gì?.

- Kết bài: khẳng định lại tư tưởng đạo lí

7. Một số lưu ý khi viết bài văn nghị luận xã hội

- Để bài văn hoặc đoạn văn nghị luận xã hội chặt chẽ, lời văn, câu văn phải cô đọng, ngắn gọn, lập luận chặt chẽ, cảm xúc trong sáng, lành mạnh, tạo lối viết song song có khen chê rõ ràng.

- Dung lượng chữ cần có trong bài phải đáp ứng yêu cầu của đề, tránh trường hợp thiếu hoặc thừa quá nhiều chữ, sẽ bị trừ điểm.

- Để đạt điểm cao trong phần nghị luận xã hội môn Ngữ văn, học sinh cần chú ý viết ngắn gọn, rõ ràng, nêu bật được vấn đề cần nghị luận, nêu được quan điểm, suy nghĩ của mình một cách thuyết phục, không viết sáo rỗng hay hô hào…

- Đặc biệt lưu ý, để có một bài thi văn đạt điểm tốt, ngoài việc rèn luyện kỹ năng viết, các thí sinh cần dành thời gian tìm hiểu, trau dồi các kiến thức về xã hội.

- Các em nên dành thời gian thống kê các vấn đề liên quan tới nhau để có cho mình những dẫn chứng hay, tạo ấn tượng với người chấm và ghi điểm cao. Các em không nên lấy các dẫn chứng chung chung, không cụ thể, nhấn mạnh các dẫn chứng có tính thời sự chắc chắn bài văn nghị luận xã hội sẽ được đánh giá cao. Đồng thời, nên căn chỉnh, phân bổ thời gian làm bài văn nghị luận xã hội cho phù hợp, tránh lấy mất thời gian của các phần khác trong bài thi( Chú ý thời gian tối đa từ  20 đến 25 phút khỏi mất thời gian,ảnh hưởng đến kết quả bài thi).

1 97 lượt xem