Kết Bài Vợ Chồng A Phủ Của Học Sinh Giỏi
Sinx.edu.vn giới thiệu bạn đọc bộ tài liệu Kết Bài Vợ Chồng A Phủ Của Học Sinh Giỏi được biên soạn đúng cấu trúc, chi tiết giúp các bạn ôn luyện đạt được kết quả cao trong bài thi môn Ngữ Văn.
Kết Bài Vợ Chồng A Phủ Của Học Sinh Giỏi
Mẫu 1
Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc khi lên án tố cáo thế lực cường quyền, thần quyền lạc hậu, cổ hủ và bạo tàn ở vùng núi Tây Bắc đã đẩy người dân vô tội vào tận cùng của đau khổ, đọa đầy. Đồng thời, truyện ngắn này cũng là tiếng nói cảm thông, trân trọng của Tô Hoài đối với những người nông dân nghèo, bất hạnh như Mị và A Phủ. Nhà văn đồng cảm với số phận bất hạnh đầy đau khổ, bị tước đoạt đi tự do, hạnh phúc, qua đó ca ngợi sức sống tiềm tàng mãnh liệt ẩn sâu bên trong những con người khốn khổ ấy.
Mẫu 2
Với những cảnh đời éo le, bất hạnh, với những nỗi khổ đau đến cùng cực, tưởng chừng sẽ mãi mãi phải chìm trong u tối, thì các nhân vật đã thức tỉnh, vùng dậy một cách đầy bất ngờ và cương quyết, đó chính là thành công lớn nhất và lá giá trị cao đẹp của tác phẩm. Tác giả đã có sự xót thương và cảm thông sâu sắc trước nỗi đau của Mị và A Phủ, trân trọng ca ngợi nhân phẩm, khát vọng giải phóng, khát vọng tự do và tin vào khả năng tự làm chủ trước cuộc đời của hai con người đau khổ này.
Mẫu 3
'Văn học là cuộc đời ... Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi đến của văn học, mỗi người nghệ sĩ chân chính đều ý thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa hiện thực và đời sống. Đời sống là những nguồn đề tài không bao giờ vơi cạn cho những sáng tác nảy nở, bước đi trên từng nẻo đường là từng giọt tư tưởng chắt chiu được hình thành. Qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ không chỉ tố cáo lên án bọn quan lại phong kiến chúa đất miền núi, Tô Hoài còn phát hiện ngợi ca vẻ đẹp về khát vọng tự do, hạnh phúc cùng sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người lao động. Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo Cách mạng gắn tình thương vào đấu tranh gắn niềm tin vào tương lai đầy triển vọng của con người. Cùng với cốt truyện sáng tạo tình huống truyện độc đáo nghệ thuật kể chuyện giản dị Vợ chồng A Phủ vẫn giữ nguyên vẹn giá trị của nó qua từng thập kỉ.
Mẫu 4
Khi đi vào thể hiện cảnh ngộ bất hạnh cùng vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ, tác phẩm văn học có điều kiện để đạt tới chiều sâu nhân đạo, để khơi gợi niềm đồng cảm thiết tha ở bạn đọc. Với nhân vật Mị, Tô Hoài đã làm được điều ấy. Vợ chồng A Phủ đã xây dựng thành công một hình tượng người phụ nữ Tây Bắc với vẻ đẹp phong phú, đa dạng. Một cô Mị xinh đẹp, hồn nhiên là thế mà có những lần tìm đến cái chết để tự giải thoát. Một cô Mị dằn lòng chấp nhận kiếp sống nô lệ, tưởng chừng chai lì, mê mụ đi trong cái khổ mà vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Cô Mị ấy đã vùng lên cắt đứt sợi dây trói của cường quyền, thần quyền để đi tới tự do. Thành công của hình tượng này chứng tỏ sự am hiểu, niềm đồng cảm sâu sắc của Tô Hoài đối với người phụ nữ lao động miền núi Tây Bắc, chứng tỏ khả năng nắm bắt và diễn tả tài tình quá trình tâm lí phức tạp, tinh tế của cây bút văn xuôi vào loại hàng đầu trong văn học Việt Nam hiện đại.
Mẫu 5
“Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” (Nguyễn Minh Châu). Với hình tượng nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy khi mang đến cho người đọc một hình tượng nghệ thuật với biết bao vẻ đẹp – nhất là sức sống tiềm tàng mãnh liệt mà không thế lực nào có thể dập tắt được.
Mẫu 6
Như vậy qua hình tượng nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả một cách chân thực thực trạng cuộc sống của những con người nhỏ bé nơi miền núi cao Tây Bắc, họ bị áp bức, bị chà đạp đến cùng cực, nhàu nát, đồng thời lên án, tố cáo, vạch trần tội ác của bọn phong kiến, qua đó ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây, họ là những người có sức sống mãnh liệt, luôn khát khao hướng tới tự do, hạnh phúc. Đó cũng chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc mà tác phẩm này đem lại.
Mẫu 7
Tóm lại qua “Vợ chồng A phủ” Tô Hoài đã để lại những ý nghĩa tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của tác giả với nỗi đau của con người, sự nâng niu, trân trọng nét đẹp tâm hồn mà hơn cả là sự hướng tới giải phóng, hướng tới tự do cho con người tiêu biểu là số phận của Mị và A Phủ.
Mẫu 8
Như vậy, bằng khả năng khắc họa nhân vật tài tình của mình, Tô Hoài đã xây dựng được một nhân vật hết sức tiêu biểu, đại diện cho những chàng trai miền Tây Bắc – A Phủ. Một chàng trai tốt bụng, khỏe mạnh, có tài năng và cá tính mạnh mẽ. A Phủ là một biểu tượng của những chàng trai miền núi mộc mạc, chân chất. Đồng thời, hình tượng nhân vật A Phủ cũng đã góp phần thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo của thiên truyện này.
Mẫu 9
Qua phân tích trên ta thấy Mị là bức chân dung tĩnh lặng. Hầu như trong thời gian làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí, Mị chỉ nói có vài ba câu. Nhưng ẩn sâu trong tâm hồn câm lặng ấy lại là một sức sống mãnh liệt, một khát vọng tự do lớn lao như mạch suối ngầm trong mắt. Đọc xong “Vợ chồng A Phủ” ta nhớ, ta yêu một cô gái tên Mị ở Hồng Ngài càng bị đọa đày, đau khổ lại càng khao khát muốn vươn lên một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Một cô Mị có sức sống mãnh liệt để có thể hiểu hơn một cô Mị du kích Phiềng Sa.
Mẫu 10
Tây Bắc là mảnh hồn thiêng của núi cao sông dài, là miền đất hứa có khả năng sản sinh ra năng lượng dồi dào cũng như truyền cảm hứng mãnh liệt cho biết bao nhà văn, nhà thơ để họ có thể viết nên những trang thơ, trang văn lấp lánh cuốn hút. “Người mẹ của hồn thơ” ấy đã phả hồn vào bao vần thơ đẹp của Chế Lan Viên, đã lấp lánh “chất vàng mười” trong hình tượng của người lái đò của cụ Nguyễn Tuân và phả vào trang viết của Tô Hoài sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người lao động. Đó là sức sống thật sự bền bỉ, tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” mà mỗi lần gấp trang sách lại ta không thể nào quên được.
Mẫu 11
Tóm lại, nhân vật Mị là linh hồn là hơi thở của tác phẩm. Xây dựng nhân vật Mị là một thành công đặc sắc của nhà văn Tô Hoài. Qua việc miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ, Tô Hoài đã khẳng định sức sống tiềm tàng mãnh liệt và khát vọng tự do của nhân dân lao động Tây Bắc dưới sự thống trị của bọn lãnh chúa thổ ty miền núi. Có nhà phê bình đã cho rằng: “Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại. Chỉ riêng mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết”. Đúng vậy, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật Mị cũng đã làm nên sức sống trường tồn, vĩnh cửu của tác phẩm Vợ Chồng A Phủ.
Mẫu 12
Bằng tấm lòng gắn bó cùng vốn am hiểu sâu sắc về đời sống, văn hóa của vùng đất Tây Bắc, trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài không chỉ dựng lên bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, khoáng đạt mà còn giúp người đọc hiểu hơn về văn hóa, về cuộc sống, thân phận những người nông dân Tây Bắc trước cách mạng. Đó là những con người khốn khổ bị vây hãm, chà đạp bởi cường quyền, thần quyền: Mị, A Phủ, thế nhưng dù bị áp bức đến tận cùng thì họ vẫn mang theo niềm tin, sự sống mãnh liệt để vươn lên khỏi cái bạo tàn để giải phóng bản thân.
Mẫu 13
'Vợ chồng A Phủ' của Tô Hoài là truyện ngắn có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc khi lên án thế lực cường quyền, thần quyền lạc hậu, bạo tàn ở vùng núi Tây Bắc đã đẩy con người vô tội vào tận cùng của đau khổ, đọa đầy. Đồng thời, 'Vợ chồng A Phủ' cũng là tiếng nói cảm thông, trân trọng của nhà văn Tô Hoài đối với những người nông dân nghèo, bất hạnh như Mị, A Phủ. Nhà văn đồng cảm với số phận đau khổ, bị tước đoạt đi tự do, hạnh phúc đồng thời ca ngợi, trân trọng sức sống tiềm tàng bên trong những con người khốn khổ ấy.
Mẫu 14
Văn chương không chỉ đơn giản là thú vui bình sinh lúc an nhàn mà còn là “điểm tựa” cho con người mỗi phút giây yếu lòng. Nó đem lại cho ta niềm tin yêu cuộc sống và vững tin vào chính mình để thay đổi. Trong sáng tác văn chương “nhà văn có thể viết về bóng tối nhưng từ bóng tối phải hướng đến ánh sáng”. Phải chăng, cũng vì lẽ đó mà “Vợ chồng A Phủ” đã được Tô Hoài viết lên để gửi gắm những giá trị nhân văn cao cả. Tác phẩm là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu áp bức và vùng lên phản kháng, tìm cuộc sống tự do. Sự “đổi đời” của các nhân vật trong tác phẩm không phải nhờ có phép màu của ông Bụt, bà Tiên mà từ chính sức mạnh, tiềm lực bên trong của họ. Tác phẩm từ đầu đến cuổi đều thể hiện tiếng nói thương yêu, ca ngợi, tin tưởng con người. Đó chính là lí do khiến “Truyện Tây Bắc” đạt giải nhất truyện ngắn – giải thưởng do Hội nghệ sĩ Việt Nam trao tặng năm 1954 – 1955.
Mẫu 15
Tây Bắc là mảnh hồn thiêng của núi cao sông dài, là miền đất hứa có khả năng sản sinh ra năng lượng dồi dào cũng như truyền cảm hứng mãnh liệt cho biết bao nhà văn, nhà thơ để họ có thể viết nên những trang thơ, trang văn lấp lánh cuốn hút. “Người mẹ của hồn thơ” ấy đã phả hồn vào bao vần thơ đẹp của Chế Lan Viên, đã lấp lánh “chất vàng mười” trong hình tượng của người lái đò của cụ Nguyễn Tuân và phả vào trang viết của Tô Hoài sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người lao động. Đó là sức sống thật sự bền bỉ, tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” mà mỗi lần gấp trang sách lại ta không thể nào quên được.
Mẫu 16
Thông qua những miêu tả chi tiết về thái độ cũng như những chuyển biến tâm lí của nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã làm nổi bật lên vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng bên trong Mị hay cũng chính là sức sống của những người nông dân nghèo vùng núi Tây Bắc. Giá trị nhân văn sâu sắc của truyện ngắn này còn thể hiện ở chỗ Tô Hoài không chỉ hướng đến phản ánh cuộc sống khổ đau của người nông dân mà còn hướng họ đến con đường 'sáng' - đi theo cách mạng để giải phóng bản thân, giải phóng quê hương, đất nước.
Mẫu 17
Qua việc khắc họa cuộc sống và số phận của những người nông dân cùng khổ: Mị, A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã mở ra bức tranh hiện thực tăm tối, ngột ngạt của người dân miền núi Tây Bắc dưới chế độ phong kiến đen tối, nơi giai cấp thống trị có thể tự do áp bức, tước đoạt đi tự do, hạnh phúc và cả quyền sống của những người dân nghèo vô tội. Quá trình vượt qua nghịch cảnh, giải phóng bản thân, đi theo cách mạng của Mị và A Phủ cũng chính là quá trình giác ngộ cách mạng của đồng bào dân tộc miền núi. Truyện ngắn không chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo của Tô Hoài khi bênh vực, đồng cảm với số phận con người mà còn thể hiện niềm tin của tác giả vào cách mạng, khẳng định chỉ có đi theo cách mạng con người mới có thể thực sự tìm thấy tự do, phá bỏ xiềng xích áp bức để hướng đến cuộc sống hạnh phúc.
Mẫu 18
Đọc Vợ chồng A Phủ, ta mới thấy được tài năng của Tô Hoài trong việc khắc hoạ tâm lí nhân vật. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ đều gắn với những tính cách, những chuyển biến tâm lí đầy tinh vi của nhân vật được thể hiện rõ nét. Truyện đã vạch trần được những tội ác, sự bất công ngang trái của xã hội xưa, nói lên tiếng nói thương cảm của nhà văn với những người dân miền núi chịu nhiều khổ cực. Ngoài ra, Tô Hoài còn đưa đến một thông điệp về giá trị sống: Trong cực khổ, bần hàn vẫn cần cố gắng, sống và quyết tâm vươn tới những chân trời tự do, tin tưởng ở tương lai tươi đẹp.
Mẫu 19
Qua nhân vật và tình huống truyện, không những nhà văn phản ánh một mặt trận đen tối trong hiện thực xã hội, cùng số phận của người dân nghèo mà còn phát hiện vẻ đẹp tâm hồn của họ. Đó là niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của con người, sự nâng niu nét đẹp tâm hồn mà hơn cả là sự hướng tới giải phóng cho con người.
Mẫu 20
Vợ chồng A Phủ qua việc khắc họa sâu sắc cuộc đời, số phận, tính cách Mị đã tố cáo hùng hồn, đanh thép những thế lực phong kiến, thực dân tàn bạo áp bức bóc lột, đọa đày người dân nghèo miền núi. Đồng thời qua phân tích nhân vật Mị nó cũng khẳng định khát vọng tự do hạnh phúc, sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của những người lao động. Đặc biệt đề cao sự đồng cảm giai cấp, tình hữu ái của những người lao động nghèo khổ. Chính điều này đem lại sức sống và sự vững vàng trước thời gian của Vợ chồng A Phủ
Mẫu 21
Vợ chồng A Phủ qua việc khắc họa sâu sắc cuộc đời, số phận, tính cách Mị đã tố cáo hùng hồn, đanh thép những thế lực phong kiến, thực dân tàn bạo áp bức bóc lột, đọa đày người dân nghèo miền núi. Đồng thời nó cũng khẳng định khát vọng tự do hạnh phúc, sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của những người lao động. Đặc biệt đề cao sự đồng cảm giai cấp, tình hữu ái của những người lao động nghèo khổ. Chính điều này đem lại sức sống và sự vững vàng trước thời gian của Vợ chồng A Phủ trong những ngày tháng sưu cao thuế nặng. Để có tiền nộp sưu cho chồng (thuế thân) và người em chồng đã mất. Chị Dậu đã phải bán con, chị Dậu tưởng khổ đến thế là cùng, nhưng người phụ nữ bất hạnh ấy còn có một gia đình.
Mẫu 22
Sức sống của nhân vật Mị được Tô Hoài khắc họa hết sức tài tình, độc đáo. Từ một con người dường như đã bị mất hết sức sống, nhưng với một nghị lực phi thường, một lòng ham sống mãnh liệt, Mị đã tìm thấy cuộc sống cho bản thân mình và dám đấu tranh với những thử thách để rồi vượt qua. Thật vậy, Nguyễn Khải cũng đã từng triết lý: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy”. Con đường vượt qua những ranh giới của nhân vật Mị phần nào đã chứng minh cho chân lý ấy.
Mẫu 23
Viết về cuộc đời và số phận của nhân vật Mị, nhà văn nhân danh quyền con người để nên án, tố cáo tội ác của bọn thực dân và phong kiến đã áp bức đọa đày tước đoạt quyền sống, quyền làm người của họ. Nhà văn không chỉ thương cảm sâu sắc với nỗi đau khổ con người mà còn đồng tình với khát vọng giải phóng, đồng thời còn mở ra cho họ con đường tươi sáng. Từ đó thấy được chiều sâu nhân đạo của nhà văn.
Mẫu 24
Qua việc miêu tả diễn biến tâm lí và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong hoàn cảnh đau thương, nhà văn Tô Hoài muốn khẳng định không bạo lực đen tối nào có thể vùi dập được sức sống và khao khát tự do của con người ; đồng thời nhấn mạnh rằng, chỉ có sự tự vùng dậy của bản thân theo sự dẫn dắt của cách mạng mới giải phóng được con người ra khỏi kiếp ngựa trâu, nô lệ. Đó chính là giá trị nhân đạo to lớn của tác phẩm.
Mẫu 25
Nhà văn đã miêu tả quá trình diễn biến nội tâm và hành động nhân vật tự nhiên và sống động. Đó cũng là quy luật tự nhiên tất yếu của sự sống. Với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã phải đi, phải nhìn, phải nghe, phải suy ngẫm, phải đào bởi bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử. Đó là tấm lòng của một nhà văn lớn luôn đứng về phía người cùng khổ để sống và viết.
Mẫu 26
Rõ ràng “Vợ chồng A Phủ” mãi mãi là hành trang để chúng ta bước vào cuộc sống. Mỗi 1 tác phẩm văn học chân chính là 1 lời đề nghị về cách sống, có khả năng nhân đạo hóa con người. “Vợ chồng A Phủ” là 1 tác phẩm như vậy. Nó là 1 minh chứng cho lời nhận định của nhà văn Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hy sinh. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…”
Mẫu 27
Có thể nói sức sống tiềm tàng của Mị là sức hấp dẫn của nhân vật này trong thời gian Mị ở Hồng Ngài. Tô Hoài đã đặt Mị trong mối xung đột xã hội gay gắt, những thế lực tàn bạo của xã hội phong kiến thống trị của người H-mông đã chà đạp lên số phận của nàng, tưởng như nàng không còn con đường nào thoát khỏi sự hủy diệt. Vậy mà chính sức sống tiềm ẩn của nàng đã tự cứu nàng. Tô Hoài đã miêu tả một cách xuất sắc sự vận động nội tâm của nhân vật và dẫn đến hành động phản kháng tháo cũi phá lồng giải thoát. Chính sức sống mãnh liệt của Mị khi gặp ánh sáng cách mạng thì như hạt giống tốt gieo lên mảnh đất phù sa. Mị đã trở thành nhân tố tích cực trong đội du kích Phiềng Sa của A Phủ sau này cũng là điều dễ hiểu.
Mẫu 28
Đọc Vợ chồng A Phủ ta thấy Mị là bức chân dung tĩnh lặng. Hầu như trong thời gian ở nhà thống lí Mị chỉ nói có vài ba câu. Nhưng ẩn chứa trong tâm hồn câm lặng ấy là một sức sống mãnh liệt, một khát vọng lớn lao như mạch suối ngầm trong mát. Tiếp xúc với Vợ chồng A Phủ ta nhớ, ta yêu một cô Mị ở Hồng Ngài càng bị đọa đày, đau khổ càng khao khát muốn vươn lên một cuộc sống tốt lành. Một cô Mị tiềm tàng sức sống mãnh liệt để có thể hiểu hơn một cô Mị du kích Phiềng sa sau này.
Mẫu 29
Tô Hoài đã miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị rất tự nhiên, hợp lý và chân thực. Không thấy diễn biến tâm trạng của nhân vật sẽ không hiểu được hành động của nhân vật đó. Hành động cuối cùng của Mị – cởi trói cho A Phủ – có vẻ bất ngờ nhưng lại hợp với quy luật tâm lý con người, quy luật của cuộc sống. Nhà văn không chỉ đem đến cho bạn đọc những nhân vật biết hành động mà quan trọng hơn là vì sao có hành động ấy. Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng một nhân vật có sức sống bên trong mãnh liệt đằng sau khuôn mặt vô hồn, vô cảm của Mị. Bởi vậy, có người đã xem đây là “một nhân vật thành công bậc nhất trong văn xuôi cách mạng đương đại Việt Nam”