Giá Trị Nội Dung Của Một Tác Phẩm Văn Học

Sinx.edu.vn giới thiệu bạn đọc bộ tài liệu Giá Trị Nội Dung Của Một Tác Phẩm Văn Học được biên soạn đúng cấu trúc, chi tiết giúp các bạn ôn luyện đạt được kết quả cao trong bài thi môn Ngữ Văn.

1 84 lượt xem


Giá Trị Nội Dung Của Một Tác Phẩm Văn Học

Thời hiện đại, các thể loại văn chương chỉ là tương đối. Nhiều tác phẩm được sáng tạo ra nếu quy chiếu theo tiêu chí thì có khi nó chẳng nằm ở thể loại nào. Lại có những tác phẩm ở những thể loại tưởng chừng rất tầm thường nhưng có rất nhiều người đọc, trở thành những cuốn sách bán chạy nhất trong năm, lập những kỷ lục về xuất bản. Tất cả là ở tài năng. Tài năng tự nó sẽ biết tìm thể loại phù hợp để gửi gắm và tỏa sáng.

1. Danh họa Picatxô từng nói: Tôi vẽ những điều tôi nghĩ, chứ không phải những điều tôi thấy. Trừ những ông thầy bói xem voi (thầy bói xưa thường là những người mù) còn mọi người cùng nhìn một sự vật thì đều thấy sự vật đó giống như nhau, hoặc gần giống như nhau. Nếu văn nghệ sĩ cứ thể hiện những điều mình thấy thành tác phẩm thì sẽ có những tác phẩm na ná nhau. Đó là những tác phẩm mô phỏng hiện thực. Mà mô phỏng thì không bao giờ đầy đủ, phong phú bằng hiện thực. Khi mọi người đã chứng kiến hiện thực rồi, thì còn cần gì một tác phẩm mô phỏng?

Đó chính là một nguyên lý của nghệ thuật. Người nghệ sĩ phải thể hiện hiện thực theo cách nghĩ của riêng anh. Cùng một giai đoạn lịch sử dân tộc 1930-1945, hiện thực cuộc sống đã được thể hiện khác nhau trong ba dòng văn học: văn học lãng mạn, văn học hiện thực phê phán, văn học yêu nước và cách mạng. Trong mỗi dòng văn học này, mỗi tác giả thể hiện hiện thực cũng hoàn toàn khác nhau. Bởi vậy, văn học thời kỳ này vô cùng phong phú và đa dạng, đã để lại những tên tuổi lớn: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam...

Văn chương thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, do yêu cầu của lịch sử. Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc thì quả thật yêu cầu nghệ thuật, phải lùi xuống hàng thứ hai; cách suy nghĩ riêng của cá nhân mỗi con người phải đứng sau lời hiệu triệu của Tổ quốc: Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta. Nhưng những phong cách văn chương ở nhiều nhà văn có bản lĩnh vẫn nổi rõ: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Ma Văn Kháng...

Chỉ tiếc rằng, cho đến tận bây giờ, trong những tác phẩm văn chương nghệ thuật, đặc biệt là kịch và phim vẫn còn nhiều tác phẩm mô phỏng hiện thực. Cuộc sống xã hội có vụ việc gì được mọi người chú ý là lập tức được thể hiện trong những tác phẩm một cách tương tự. Những tác phẩm như thế, dẫu có được nhiều người theo dõi, nhưng chắc chắn không phải thuộc giới văn nghệ sĩ. Những người hiểu nghề thường có yêu cầu thưởng thức giá trị nghệ thuật cao. Giá trị của một tác phẩm là đặt ra được vấn đề gì và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào theo cách riêng của người nghệ sĩ.

2. Những người làm thơ cho rằng thơ là một loại cao sang, giống như rượu được chưng cất, còn văn xuôi chỉ như cơm gạo. Người viết tiểu thuyết thì cho rằng, tiểu thuyết mới là những đỉnh núi đồ sộ của văn chương, có dung lượng bao trùm cuộc sống. Những tác giả truyện ngắn lại tự hào, truyện ngắn giống như những thanh đoản kiếm, tuy nhỏ nhưng sắc và có công dụng lớn. Người viết ký tự hào về tính nhanh nhạy, kịp thời với tính chiến đấu cao… Còn các nhà phê bình thì sao? Họ bảo nếu không có họ thì ai hướng dẫn dư luận bạn đọc, ai xếp chỗ cho các nhà văn… Vâng, ai cũng có ý kiến riêng của mình, ai cũng muốn thể loại mình viết ra mới cao quý. Chả cao quý thì viết để làm gì. Chả cao quý thì lịch sử đã sàng lọc bỏ đi rồi.

Trong những cách quan niệm trên, có cả những tác giả nổi tiếng, các nhà thơ nhà văn lớn. Nhà thơ Abutalíp (Đaghextan - Nga) bảo: Viết một bài thơ bốn câu khó hơn viết một bài phê bình dài, nhà thơ Chế Lan Viên thì nói: Nhà sáng tác học ba tháng thì thành nhà phê bình, còn nhà phê bình học ba mươi năm cũng không thể sáng tác nổi. Một nhà phê bình ôn tồn bày tỏ: Đọc tác phẩm phê bình hay có khi còn thích hơn đọc tiểu thuyết… Tôi thì cho rằng, thể loại nào cũng cao quý, nhà văn viết ở thể loại nào cũng đáng trân trọng. Thực ra, tự mỗi thể loại thì có gì hơn nhau? Nó chỉ là hình thức thể hiện điều mà nhà văn muốn nói mà thôi. Lịch sử văn chương nhân loại đã tôn vinh các nhà văn, các tác phẩm ở tất cả các thể loại. Và tất cả các tác phẩm, tác giả xoàng ở mọi thể loại đều chịu chung một số phận như nhau.

Không ai dám nói rằng L. Tônxtôi, V.Huygô, Sếchpia vĩ đại hơn Đỗ Phủ, Tago, Nguyễn Du. Cũng không ai dám bảo rằng Viên Mai, Kim Thánh Thán, Bilinxki không cao quý bằng các nhà thơ nhà văn nói trên. Chỉ có những người mới viết và chưa có thành tựu gì mới nghĩ nhiều đến việc viết thể loại nào là cao quý. Còn các nhà thơ, nhà văn lớn, tác phẩm của họ ra đời một cách tự nhiên, chứ họ đâu có lựa chọn. Mà lựa chọn làm sao được, đấy là tư chất tự nhiên của họ. Bảo Lý Bạch đi viết tiểu thuyết và Banzắc làm thơ thì khác gì đánh đố.

Andecxen chỉ viết truyện cổ tích mà có bao giờ cũ đâu. Bác Tô Hoài thì viết nhiều thể loại, có những thể loại rất mới, hình thức viết hiện đại nhưng nghe ra cũng không vượt được truyện thiếu nhi viết về chú Dế mèn nhỏ bé xứ đồng làng. Nhà phê bình Hoài Thanh làm sách Thi nhân Việt Nam, chủ yếu là công việc chọn lọc và giới thiệu thơ của các thi nhân mà cũng để lại sừng sững một tên tuổi. Thì ra, cứ đốt hết mình sẽ biết anh là ai, chứ đâu phải đi tìm thể loại để dán tên tuổi vào. Anh có dán, có sơn, thậm chí khắc chữ vào bia đá thì rồi nó cũng bong, cũng phai, cũng mòn thôi.

Thời hiện đại, các thể loại văn chương chỉ là tương đối. Nhiều tác phẩm được sáng tạo ra nếu quy chiếu theo tiêu chí thì có khi nó chẳng nằm ở thể loại nào. Lại có những tác phẩm ở những thể loại tưởng chừng rất tầm thường nhưng có rất nhiều người đọc, trở thành những cuốn sách bán chạy nhất trong năm, lập những kỷ lục về xuất bản. Tất cả là ở tài năng. Tài năng tự nó sẽ biết tìm thể loại phù hợp để gửi gắm và tỏa sáng.

3. Có lẽ tả cảnh, tả người là thủ pháp nghệ thuật đơn giản nhất của người làm thơ viết văn. Nên các nhà thơ thường không để tâm nhiều đến điều này, mà tập trung vào những điều cao siêu, sâu xa của tư tưởng, tình cảm. Nhưng thực tế cho thấy thể hiện những điều to tát cao siêu mà nghệ thuật không cao thì cũng không được ai nhớ đến. Ngược lại, chỉ miêu tả thôi nhưng đặc sắc độc đáo thì cũng sống với muôn đời.

Bài thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu đời Đường (Trung Quốc) còn lưu truyền đến mai sau, thực chất chỉ là một bài thơ miêu tả. Tả cảnh, tả tình. Kim Thành Thán đã bình rồi. Mọi người yêu thơ ai ai cũng thuộc, nên tôi không trích dẫn nữa. Có gì cao siêu đâu, chỉ có 8 câu thơ miêu tả trực tiếp, nhưng mỗi câu là một thanh minh châu dựng thành một lầu ngọc cho nghìn năm ngắm mãi không chán.

Đại thi hào nguyễn Du có nhiều đoạn thơ tả cảnh đặc sắc mà những người mê Kiều nhiều thế hệ vẫn truyền tụng. Nhưng có lẽ tài năng của Tố Như đặc sắc nhất là miêu tả vẻ đẹp hai chị em Thúy Kiều để nhiều người mê mẩn. Đẹp như Kiều đã thành câu cửa miệng của lời khen. Nhưng cụ Nguyễn không trực tiếp tả Thúy Kiều mà người dùng phương pháp tả mây lẩy trăng, tức là cụ đi tả Thúy Vân:

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn,
nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc,
tuyết nhường màu da

Từ đó mà gián tiếp tôn thêm vẻ đẹp Thúy Kiều: Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn. Rồi cụ tập trung vào đôi mắt, bởi vì thần tại lưỡng mục: Làn thu thủy, nét xuân sơn, và so sánh Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh... Thế là đủ để người đẹp sống muôn đời.

Miêu tả trực tiếp, miêu tả gián tiếp đều có những sức mạnh riêng. Thậm chí chỉ ký họa thôi, nhưng biết thổi hồn vào từng nét thì bức tranh vẫn lung linh. Đó là trường hợp nhà thơ Tố Hữu miêu tả Bác Hồ trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên:

Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng
về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng
quân hò quân reo...
Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi, Bác vẫn
nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác
giờ này đợi trông.

Tác giả chỉ vẽ có một vài nét, thực ra là chỉ có một nét chính: Bác đang cúi xuống bản đồ. Một nét thật tài tình bắt đúng được cái thần của Bác. Còn mấy nét mờ phỏng đoán và tưởng tượng về Bác chứ Tố Hữu lúc này có ở cạnh Bác đâu mà miêu tả trực tiếp. Có điều mấy nét phụ này cũng tự nhiên như nét chính nên hình ảnh Bác vừa độc đáo vừa sống động. Không chắc những trường ca về Bác có thể vượt qua.

Chỉ miêu tả cũng bất tử, chứ đâu cần cao siêu. Miễn là nhà thơ bằng tài năng phải như người họa sĩ vẽ chim, khi bức vẽ hoàn hảo chỉ cần nhỏ một chấm mực cuối cùng vào mắt chim là chim vỗ cánh bay lên.

1 84 lượt xem