Cách Viết Bài Văn Nghị Luận Xã Hội Lớp 6

Sinx.edu.vn giới thiệu bạn đọc bộ tài liệu Cách Viết Bài Văn Nghị Luận Xã Hội Lớp 6 được biên soạn đúng cấu trúc, chi tiết giúp các bạn ôn luyện đạt được kết quả cao trong bài thi môn Ngữ Văn.

1 102 lượt xem


Cách Viết Bài Văn Nghị Luận Xã Hội Lớp 6

1. “Quy trình” để viết một bài văn, đoạn văn Nghị luận xã hội

Để viết một bài văn, đoạn văn Nghị luận xã hội đạt điểm cao thì học sinh cần phải đảm bảo tuân thủ và làm theo 4 bước sau, nghĩa là phải trả lời được 4 câu hỏi dưới đây:

+ Vấn đề đó là gì?

+ Biểu hiện của vấn đề như thế nào?

+ Tại sao: Nó đóng vai trò gì trong cuộc sống: Tích cực hay tiêu cực?

+ Liên hệ thực tế. Sau đó lấy dẫn chứng tiêu biểu.

Chỉ cần nắm chắc quy trình 4 bước này thì với bất kỳ đề bài nào về văn nghị luận xã hội  học sinh đều có thể viết tốt.

Ví dụ: Với một đề văn nghị luận về lòng biết ơn trong xã hội hiện nay

+ Để trình bày cho người đọc hiểu được vấn đề này thì trước tiên học sinh cần phải giải thích lòng biết ơn là gì – Khẳng định đây là truyền thống quý báu của dân tộc ta.

+ Sau đó đi đến bước liệt kê ra những biểu hiện của lòng biết ơn, có thể lấy ví dụ về các ngày lễ, tri ân như 20/11, 27/7 chính là những ngày tôn vinh công lao của người thầy, người lính – đó chính là biểu hiện của lòng biết ơn trong truyền thông văn hóa dân tộc.

+ Tiếp đó hãy nói đến vai trò của lòng biết ơn trong cuộc sống, nó có mặt tích cực và mặt tiêu cực như thế nào.

+ Cuối cùng là bước liên hệ thực tế, ở bước này cần lấy dẫn chứng tiêu biểu để chứng minh cho vấn đề.

Ngoài chỉ ra quy trình 4 bước như trên, để viết văn tốt học sinh cần phải trải qua bước lập dàn ý. Điều này sẽ giúp học sinh viết một bài văn đúng yêu cầu của đề, không bị thiếu ý hay thừa ý.

Cụ thể sau khi đọc xong đề bài hãy dùng giấy nháp gạch nhanh những luận điểm chính và dẫn ra các luận cứ, dẫn chứng để chứng minh cho yêu cầu của đề. Chỉ với 5, 10 phút thôi nhưng với bước này chắc chắn bài văn sẽ hoàn chỉnh hơn mà không bị đi lạc đề.

Học sinh cần luyện viết thường xuyên để rèn kỹ năng viết bài văn nghị luận hấp dẫn

2. Cần tích lũy vốn sống để biểu đạt vấn đề đa chiều

Không giống như nghị luận văn học với các kiến thức, dẫn chứng, trích dẫn mang tính “kinh điển”, đi cùng năm tháng thì văn nghị luận xã hội lại đòi hỏi sự sáng tạo, mới mẻ và mang tính cấp thiết của thời đại, xã hội được cập nhật từng ngày từng giờ. Do vậy để viết tốt dạng văn này thì học sinh cần phải tích lũy vốn sống, thường xuyên mở mang tri thức.

Cô Trang lưu ý học sinh: “Với văn nghị luận xã hội khi lấy dẫn chứng các em phải lấy dẫn chứng về những nhân vật tiêu biểu, điển hình chứ không nên lấy chung chung. Để bài viết của mình thuyết phục với dẫn chứng phong phú thì cô khuyên các em nên “bỏ túi” sẵn cho mình khoảng 10 tấm gương điển hình về người tốt việc tốt, danh nhân, doanh nhân hay các nhà khoa học tiêu biểu sống trong thời đại mình.” 

Song song với đó học sinh phải thường xuyên cập nhật và tìm hiểu các thông tin, vấn đề xã hội để tích lũy vốn sống và sự hiểu biết cho mình bằng cách đọc sách, xem báo đài. Điều này sẽ giúp người viết thể hiện được cái nhìn đa chiều và quan điểm, chính kiến của bản thân trong bài viết. 

Để viết văn tốt thì học sinh phải thường xuyên rèn luyện và trau dồi kỹ năng diễn đạt của mình. Đó là bài văn phải đảm bảo đúng, đủ yêu cầu của đề. Các phần các đoạn được diễn đạt rành mạch, rõ ràng và sáng ý. Và để làm tốt được điều này thì hãy luyện tập thường xuyên để tự rút ra kinh nghiệm cho mình.

1 102 lượt xem