Tác Dụng Của Việc Kết Hợp Từ Bất Thường Trong Văn Học

Sinx.edu.vn giới thiệu bạn đọc bộ tài liệu Tác Dụng Của Việc Kết Hợp Từ Bất Thường Trong Văn Học được biên soạn đúng cấu trúc, chi tiết giúp các bạn ôn luyện đạt được kết quả cao trong bài thi môn Ngữ Văn.

1 81 lượt xem


Một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường lớp 11 (Lý thuyết, Bài tập)

I. Quy tắc ngôn ngữ là gì?

- Khái niệm: Quy tắc ngôn ngữ là những chuẩn mực chung về cách phát âm, dùng từ, cấu tạo cụm từ, cấu tạo câu, dấu câu.... được mọi người trong cộng đồng thống nhất sử dụng để bảo đảm giao tiếp hiệu quả.

- Ví dụ về quy tắc ngôn ngữ: Một câu văn hoàn chỉnh phải có ít nhất một cụm Chủ - Vị

Cô bé / rất xinh xắn.

  C     V

II. Hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường là gì?

- Khái niệm: Hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường là hiện tượng người nói và người viết phá vỡ có chủ ý một số quy tắc để thể hiện những sự vật, hiện tượng, cảm xúc, nhận xét đặc biệt nhằm tăng cường hiệu quả giao tiếp.

- Ví dụ về hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường:

Đàn cò trắng

Khiêng nắng

Qua sông

(Trần Đăng Khoa, Em kể chuyện này)

→ Nắng được hình dung là vật thể có hình dạng, khối lượng, có thể khiêng được.

III. Nhận biết những hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường​​​​​​​

- Tách rời các tiếng trong từ.

Ví dụ:

Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

(Ca dao)

- Tạo ra những kết hợp từ trái logic nhằm “lạ hóa” đối tượng được nói tới.

Ví dụ:

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

(Xuân Diệu, Vội vàng)

- Chuyển từ loại.

Ví dụ: Năm nay, ta lại nhớ bốn câu thơ của Bác Hồ, vừa rất thơ, vừa rất thép.

(Phạm Văn Đồng)

- Sử dụng hình thức đảo ngữ để nhấn mạnh một đặc điểm nào đó của đối tượng miêu tả, thể hiện.

Ví dụ:

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc

(Hồ Xuân Hương, Đèo Ba Dội)

- Cung cấp nét nghĩa mới cho từ ngữ nhằm đưa đến phát hiện bất ngờ về đối tượng được đề cập.

Ví dụ:

Vừa thoáng tiếng còi tàu

Lòng đã Nam đã Bắc

(Xuân Quỳnh, Sân ga chiều em đi)

- Bổ sung chức năng mới cho dấu câu (khi trình bày văn bản trên giấy).

Ví dụ:

Ngẩng đầu ngẫm mãi chưa xong nhớ,

Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya

(Xuân Diệu, Buồn trăng)

- Tách các thành phần câu thành những câu độc lập với dụng ý nhấn mạnh hoặc bộc lộ cảm xúc.

Ví dụ: Đã có năm nhà nhận bán. Tiền họ đã nhận ngay từ bây giờ. Nhưng vừa mới lúc nãy đây, họ đến bảo không bán thóc nữa, mà là bỏ tiền. Mà trả có hai mươi. Thế có giết người ta không! Bây giờ tôi đang chết dở đây.

(Nguyễn Khắc Trường, Mảnh đất lắm người nhiều ma)

- Tỉnh lược thành phần chính của câu.

Ví dụ: Người con trai đầu của cô Hiền vừa tốt nghiệp trung học, tình nguyện đăng kí xin đi đánh Mỹ. Tháng 4 năm 1965, lên Thái Nguyên huấn luyện. Tháng 7 rời Thái Nguyên vào Nam.

(Nguyễn Khải, Một người Hà Nội)

- Sử dụng câu đặc biệt.

Ví dụ: Chập tối. Gió ở bến sông Châu thổi quằn quặn.

(Sương Nguyệt Minh, Người ở bến sông Châu)

IV. Tác dụng của việc phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường

- Thể hiện cái nhìn độc đáo của người viết về đối tượng.

- Gợi những liên tưởng lạ lùng, mới mẻ cho người đọc.

- Làm mới cách biểu đạt, tránh tự sáo mòn trong sử dụng từ ngữ,...

V. Bài tập về hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường

Bài 1. Phân tích hiệu quả của hiện tượng tách biệt trong các trường hợp sau:

a. Cháu nhớ lại lời mẹ, cúi xuống, mong tìm thấy một đám xác kiến nơi nào đó. Nhưng toàn tro than.

(Trần Duy Phiên,Kiến và người)

b. Cháu cũng mẹ lao như bay. Tới bờ rào, cháu không đủ sức vượt. Bên kia, bố cháu trở lại. Bố đưa hai cánh tay bám đầy kiến rướm máu nước mẹ. Cháu leo qua bờ rào, mắc chân vào đây kẽm. Giựt không đứt, gỡ không ra.

(Trần Duy Phiên, Kiến và người)

c. Từ quốc lộ vào nhà cháu không có đường quy hoạch. Chỉ những lối mòn tùy tiện. Những lối ấy nay rợp tán cây, màu đất bị phủ bởi sắc kiến đen ánh.

(Trần Duy Phiên, Kiến và người)

Trả lời

a. Việc tách thành phần câu “Nhưng toàn tro than” thành câu độc lập có tác dụng nhấn mạnh sựviệc ngôi nhà đã bị cháy tan thành tro, không còn dấu vết đám xác của đàn kiến, đồng thời bộc lộ cảm xúc thất vọng, buồn bã của nhân vật “cháu”.

b. Việc tách thành phần câu “giựt không đứt, gỡ không ra” thành câu độc lập có tác dụng nhấn mạnh tình trạng bị mắc chân vào dây kẽm của nhân vật “cháu”, làm tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt.

c. Việc tách thành phần “chỉ những lối mòn tuỳ tiện” thành câu độc lập có tác dụng nhấn mạnh ý từ quốc lộ vào nhà nhân vật “cháu” chỉ có “những lối mòn tuỳ tiện”, đồng thời làm tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt.

Bài 2. “Ban đêm chúng tôi khóc rền. Gọi ba gọi mẹ”

(Svetlana Alexievich, Những nhân chứng cuối cùng - Solo cho giọng trẻ em)

Hai câu văn trên đã sử dụng hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường nào? Phân tích tác dụng của việc phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường đó.

Trả lời:

- Hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường: Tỉnh lược thành phần chính của câu (tỉnh lược chủ ngữ “chúng tôi” ở câu thứ 2).

- Phân tích: Trong hai câu: “Ban đêm chúng tôi khóc rền. Gọi ba gọi mẹ”, câu “Gọi ba gọi mẹ, là câu không có chủ ngữ. Nhưng nhờ quan hệ với câu trước đó mà câu này không sai về ngữ pháp. Người đọc sẽ hiểu “chúng tôi” ở câu trước cũng chính là chủ thể của hành động “gọi ba gọi mẹ” ở câu sau. Điều này giúp làm mới cách biểu đạt và nhấn mạnh tiếng khóc rền ai oán, đáng thương của những đứa trẻ phải xa bố mẹ vì chiến tranh.

1 81 lượt xem