Tác giả tác phẩm Buổi học cuối cùng (Cánh Diều 2024) Ngữ văn 7 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Buổi học cuối cùng Ngữ văn lớp 7 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 7. Mời các bạn đón xem:

1 77 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Buổi học cuối cùng - Ngữ văn 7

I. Tác giả

- An-phông-xơ Đô-đê (1840 - 1897)

- Nhà văn hiện thực lỗi lạc của nước Pháp nửa cuối thế kỉ XIX.

- Tác giả của nhiều tập truyện nổi tiếng.

- Văn chương của ông nhẹ nhàng, trong sáng, diễn tả cảm động những nỗi đâu và tình thương, đặc biệt la tình yêu quê hương, đất nước.

- Là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng: 'Một thời niên thiếu', 'Những cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Tactaranh ở Taraxcông'...

loading...

II. Đọc tác phẩm Buổi học cuối cùng

(1) Buổi sáng hôm ấy, đã quá trễ giờ đến lớp, tôi rất sợ bị quở mắng, càng sợ vì thầy Ha-man (Hamel) đã dặn trước rằng thầy sẽ hỏi bài chúng tôi về các phân từ mà tôi chẳng thuộc lấy một chữ. Tôi thoáng nghĩ hay là trốn học và rong chơi ngoài đồng nội.

Trời sao mà ấm đến thế, trong trẻo đến thế! Nghe thấy sáo hót ven rừng và trên cánh đồng cỏ Ríp-pe (Rippert), sau xưởng cưa, lính Phổ đang tập. Tất cả những cái đó cám dỗ tôi hơn là quy tắc về phân từ; nhưng tôi cưỡng lại được, và ba chân bốn cẳng chạy đến trường.

Khi qua trước trụ sở xã, tôi thấy có nhiều người đứng trước bảng dán cáo thị có lưới che. Từ hai năm nay, chính từ chỗ ấy, lan đến chúng tôi mọi tin chẳng lành, những cuộc thất trận, những vụ trưng thu, những mệnh lệnh của ban chỉ huy Đức; và tôi nghĩ mà không dừng chân: “Lại có chuyện gì nữa đây?”.

Bác phó rèn Oát-stơ (Wachter) đang đọc cáo thị cùng cậu học việc, thấy tôi chạy qua liền lớn tiếng bảo:

- Đừng vội vã thế cháu ơi, đến trường lúc nào cũng vẫn còn là sớm!

Tôi tưởng bác nhạo tôi và tôi hổn hển thở dốc, bước vào khoảnh sân nhỏ nhà thầy Ha-men.

Thông thường, bắt đầu buổi học, tiếng ồn ào như vỡ chợ vang ta tận ngoài phố, nào tiếng ngăn bàn đóng mở, tiếng mọi người vừa đồng thanh nhắc lại rất to các bài học, vừa bịt tai lại cho dễ thuộc và tiếng chiếc thước kẻ to tướng của thầy xuống bàn:

- Yên một chút nào!

Tôi định nhân lúc ồn ào, hỗn độn ấy lẻn vào chỗ ngồi để không ai trông thấy; nhưng đúng ngày hôm đó, mọi sự đều bình lặng y như một buổi sáng Chủ nhật. Qua cửa sổ mở, tôi thấy các bạn đã ngồi vào chỗ, và thầy Ha-men đi đi lại lại với cây thước sắt khủng khiếp kẹp dưới nách. Phải mở cửa đi vào giữa sự lặng ngắt đó, các bạn tưởng tượng xem tôi đỏ mặt tía tai và sợ đến chừng nào!

(2) Thế mà không. Thầy Ha-men nhìn tôi chẳng giận dữ và bảo tôi thật dịu dàng:

– Phrăng, vào chỗ nhanh lên con; lớp sắp bắt đầu học mà vắng mặt con.

Tôi bước qua ghế dài và ngồi ngay xuống trước bàn mình. Chỉ đến lúc ấy, đã hơi hoàn hồn, tôi mới nhận ra thầy giáo chúng tôi mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng. Ngoài ra, lớp học có cái gì đó khác thường và trang trọng. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả, là trông thấy ở phía cuối lớp, trên những hàng ghế thường bỏ trống, dân làng ngồi lặng lẽ giống như chúng tôi, cụ già Hô-de (Hauser), trước đây là xã trưởng với cái mũ ba sừng, bác phát thư trước đây, và nhiều người khác nữa. Ai nấy đều có vẻ buồn rầu; và cụ Hô-de mang theo quyển tập đánh vần sờn mép, để mở rộng trên lòng, cặp kính lớn đặt ngang trang sách.

Tôi còn đang ngạc nhiên về tất cả những điều đó thì thầy Ha-men đã bước lên bục, rồi vẫn với giọng dịu dàng và trang trọng như lúc tôi mới vào, thầy nói với chúng tôi:

– Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con. Lệnh từ Béc-lin (Berlin) là từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng An-dát và Lo-ren... Thầy giáo mới ngày mai sẽ đến. Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con. Thầy mong các con hết sức chú ý.

Mấy lời đó làm tôi choáng váng. A! Quân khốn nạn, thì ra đó là điều chúng vừa niêm yết ở trụ sở xã.

(3) Bài học Pháp văn cuối cùng của tôi!...

Mà tôi thì mới biết viết tập toạng! Vậy là sẽ chẳng bao giờ được học nữa ư, phải dừng ở đó ư?... Giờ đây, tôi tự giận mình biết mấy về thời gian bỏ phí, về những buổi trốn học đi bắt tổ chim hoặc trượt trên hồ2. Những cuốn sách vừa nãy tôi còn thấy chán ngán đến thế, mang nặng đến thế, quyển ngữ pháp, quyển thánh sử của tôi giờ đây dường như những người bạn cố tri mà tôi sẽ rất đau lòng phải giã từ. Cũng giống như thầy Ha-men. Cứ nghĩ thầy sắp ra đi và tôi không còn được gặp thầy nữa, là tôi quên cả những lúc thầy phạt, thầy vụt thước kẻ.

Tội nghiệp thầy!

Chính để tôn vinh buổi học cuối cùng này mà thầy đã vận y phục đẹp ngày Chủ nhật và bây giờ tôi hiểu vì sao các cụ già trong làng lại đến ngồi ở cuối lớp học. Điều đó như nói rằng các cụ tiếc đã không lui tới ngôi trường này thường xuyên hơn. Dường như đó cũng là một cách để tạ ơn thầy giáo chúng tôi về bốn mươi năm phụng sự hết lòng, và để trọn đạo với Tổ quốc đang ra đi...

Tôi đang suy nghĩ mung lung thì bỗng nghe gọi tên mình. Đến lượt tôi đọc bài. Giá mà tôi đọc được trót lọt cái quy tắc về phân từ hay ho ấy, đọc thật to, thật dõng dạc, không phạm một lỗi nào thì dù có phải đánh đổi gì cũng cam; nhưng tôi lúng túng ngay từ đầu và tôi cứ đứng đung đưa người trước chiếc ghế dài, lòng rầu rĩ, không dám ngẩng đầu lên. Tôi nghe thấy thầy Ha-men bảo tôi:

– Phrăng ạ, thầy sẽ không mắng con đâu, con bị trừng phạt thế là đủ rồi... con thấy đó. Ngày nào người ta cũng tự nhủ: “Chà! Còn khối thì giờ. Ngày mai ta sẽ học.”. Và rồi con thấy điều gì xảy đến... Ôi! Tại hoạ lớn của xứ An-dát chúng ta là bao giờ cũng hoãn việc học đến ngày mai. Giờ đây, những kẻ kia có quyền bảo chúng ta rằng: “Thế nào? Các người tự nhận là dân Pháp, vậy mà các người chẳng biết đọc, biết viết tiếng của các người!...”. Dù thế nào, thì Phrăng tội nghiệp của thầy ạ, con vẫn chưa phải là người đáng tội nhất! Mà tất cả chúng ta ai cũng có phần đáng tự chê trách. Cha mẹ các con không thiết tha lắm với việc thấy các con có học thức. Cha mẹ thích cho các con làm việc đồng áng hoặc vào làm nhà máy sợi để kiếm thêm dăm xu. Cả thầy cũng không có gì để trách mình ư? Thầy đã chẳng sai các con tưới vườn thay vì học hành đó. Và khi thầy muốn đi câu cá hương, thầy có ngại ngùng cho các con nghỉ học đâu?...

(4) Thế rồi, từ điều này sang điều khác, thầy Ha-men nói với chúng tôi về tiếng Pháp, bảo rằng đó là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất: giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó, bởi vì khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù...

Rồi thầy cầm một quyển ngữ pháp và đọc bài học cho chúng tôi. Tôi kinh ngạc thấy sao mình hiểu đến thế. Tất cả những điều thầy nói, tôi thấy thật dễ dàng, dễ dàng. Tôi cũng cho là chưa bao giờ mình chăm chú nghe đến thế, và cả thầy giáo nữa, chưa bao giờ thầy kiên nhẫn giảng giải đến thế. Cứ như thể trước khi ra đi, con người tội nghiệp muốn truyền thụ toàn bộ tri thức của mình, muốn đưa ngay một lúc tri thức ấy vào đầu óc chúng tôi.

Xong bài giảng, chuyển sang viết tập. Thầy Ha-men đã chuẩn bị cho ngày hôm đó những tờ mẫu mới tinh, trên có viết bằng chữ rông thật đẹp: Pháp, An-dát, Pháp, An-dát. Những tờ mẫu treo trước bàn học trông như những lá cờ nhỏ bay phấp phới khắp xung quanh lớp. Ai nấy đều chăm chú hết sức và cứ im phăng phắc! Chỉ nghe thấy tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy. Có lúc, những con bọ dừa bay vào nhưng chẳng ai để ý, ngay cả những trò nhỏ nhất cũng vậy, chúng đang cặm cụi vạch những nét sổ với một tấm lòng, một ý thức, như thể cái đó cũng là tiếng Pháp... Trên mái nhà trường, chim bồ câu gù thật khẽ, và tôi vừa nghe vừa tự nhủ:

- Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ?

Chốc chốc, ngước mắt khỏi trang giấy, tôi thấy thầy Ha-men đứng lặng im trên bục và đăm đăm nhìn những đồ vật quanh mình như muốn mang theo trong ánh mắt toàn bộ ngôi trường nhỏ bé của thầy... Bạn nghĩ mà xem! Từ bốn mươi năm nay, thầy vẫn ngồi ở chỗ ấy, với khoảnh sân trước mặt và lớp học y nguyên không thay đổi. Có chăng những chiếc ghế dài, những bàn học dùng nhiều đã nhẵn bóng, những cây hồ đào ngoài sân đã lớn, và cây hu-blông tự tay thầy trồng giờ đây quấn quýt quanh các khung cửa sổ lên tận mái nhà. Con người tội nghiệp hẳn phải nát lòng biết mấy khi giã từ tất cả những vật ấy, khi nghe thấy tiếng người em gái đi đi lại lại, đóng hòm xiếng, ở gian phòng bên trên, vì ngày mai họ phải ra đi, rời khỏi xứ sở này mãi mãi.

Tuy nhiên, thầy vẫn đủ can đảm dạy chúng tôi cho đến hết buổi. Sau tiết viết tập đến bài Lịch sử, rồi những trò nhỏ cất tiếng đọc đồng thanh như hát Ba Be Bi Bo Bu. Đằng kia, cuối phòng học, cụ Hô-de đã đeo kính lên, và nâng cuốn sách vỡ lòng bằng hai tay, cụ đánh vần từng chữ theo bọn trẻ. Cả cụ cũng chăm chú, giọng cụ run run vì xúc động; nghe cụ đọc thật kì cục, đến nỗi tất cả chúng tôi muốn cười và cũng muốn khóc... Ôi! Tôi sẽ nhớ mãi buổi học cuối cùng này!

(5) Bỗng đồng hồ nhà thờ điểm mười hai giờ, rồi đến chuông cầu nguyện buổi trưa. Cùng lúc đó, tiếng kèn của bọn lính Phổ đi tập về vang lên ngoài cửa sổ... Thầy Ha-men đứng dậy trên bục, người tái nhợt. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thầy lớn lao đến thế.

– Các bạn, – Thầy nói – hỡi các bạn, tôi... tôi...

Nhưng cái gì đó khiến thầy nghẹn ngào, không nói được hết câu.

Thầy bèn quay về phía bảng, cầm một hòn phấn và dằn mạnh hết sức, thầy cố viết thật to:

“NƯỚC PHÁP MUỐN NĂM!”.

Rồi thầy đứng đó, đầu dựa vào tường, và chẳng nói, giơ tay ra hiệu cho chúng tôi: “Kết thúc rồi... đi đi thôi!”.

III. Tác phẩm Buổi học cuối cùng

1. Thể loại

Truyện ngắn

2. Xuất xứ

- Truyện lấy bối cảnh từ một biến cố lịch sử

- Sau cuộc chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870 – 1871, nước Pháp thua trận, phải cắt vùng Andát và Loren (2 vùng tiếp giáp với Phổ) cho Phổ (Đức)

- Các trường ở đây bị buộc phải học tiếng Đức.

3. Phương thức biểu đạt

Tự sự kết hợp miêu tả

4. Ý nghĩa nhan đề

- Tác phẩm phần nào hé lộ cho độc giả biết nội dung chính của tác phẩm.

- Đây là buổi học tiếng Pháp cuối cùng của người dân Pháp

5. Tóm tắt tác phẩm Buổi học cuối cùng

Như thường lệ, buổi sáng hôm ấy cậu bé Phrăng đến lớp học, trên đường đi cậu thấy có rất nhiều sự khác lạ so với mọi hôm, cả khi vào trường cũng vậy, sân trường bỗng dưng yên ắng như một ngày chủ nhật. Bước vào lớp cậu càng ngạc nhiên hơn vì thấy mọi người im phăng phắc, thầy Ha-men ăn mặc rất trang trọng, trong lớp lại còn có cả các cụ già cùng đến học. Qua lời nói xúc động của thầy giáo, cậu mới hiểu rằng hôm nay là buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp. Phrăng vô cùng ân hận vì sự ham chơi trước đây của mình, xấu hổ vì mình đã không đọc được bài như mong muốn. Thầy Ha-men nói về vẻ đẹp của tiếng Pháp về sự quý giá của tiếng nói dân tộc, ai nấy đều xúc động thiêng liêng... Cuối buổi học thầy giáo Ha-men viêt lên bảng dòng chữ “Nước Pháp muôn năm”.

Buổi học cuối cùng - Ngữ văn lớp 7 - Cánh diều (ảnh 1)

6. Bố cục tác phẩm Buổi học cuối cùng

Chia làm 3 phần

- Phần 1.  Từ đầu ...'vắng mặt con': Trước khi diễn ra buổi học cuối cùng.

- Phần 2. Tiếp theo...'cuối cùng này': Diễn biến buổi học cuối cùng.

- Phần 3. Còn lại: Cảnh kết thúc buổi học cuối cùng.

7. Giá trị nội dung tác phẩm Buổi học cuối cùng

- Qua câu chuyện buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở vùng An-dát bị quân Phổ chiếm đóng, Phrăng hiện lên là một chú bé hiếu động, thông minh, nhạy cảm, có tình yêu chân thành với người thầy, yêu nước sâu sắc.

8. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Buổi học cuối cùng

- Lựa chọn nhân vật kể chuyện hợp lí: Người kể (ở ngôi thứ nhất) là một cậu bé.

- Cách kể chân thực vì cậu là người trong cuộc - chứng kiến một cách đầy đủ buổi học cuối cùng.

- Nghệ thuật khắc hoạ chân dung nhân vật (cả ngoại hình lẫn nội tâm) đều chính xác, tinh tế.

- Miêu tả nhân vật qua ý nghĩ, tâm trạng.

- Giọng kể tự nhiên, linh hoạt, ngôn ngữ vừa chính xác vừa mang tính biểu cảm cao.

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Buổi học cuối cùng

Soạn văn bài Buổi học cuối cùng lớp 7 trang 21 - HoaTieu.vn

1.  Nhân vật Phrăng

* Quang cảnh hôm diễn ra buổi học cuối cùng

- Trên đường đến trường: nhiều người đứng trước bảng dán cáo thị.

→ Khác lạ

- Ở trường

+ Mọi sự bình lặng y như một buổi sáng chủ nhật.

+ Lớp học trang trọng, thầy Ha-men dịu dàng, mặc đẹp hơn mọi ngày, mọi người trong làng đều đi học với vẻ buồn rầu.

→ Yên tĩnh, trang nghiêm, khác thường.

⇒ Phrăng ngạc nhiên, dường như báo hiệu một cái gì nghiêm trọng, khác thường.

* Diễn biến tâm trạng của Phrăng

- Thái độ đối với việc học tiếng Pháp

+ Định trốn học và rong chơi ngoài đồng nội.

+ Cưỡng lại được, vội vã đến trường

+ Phrăng choáng váng, sững sờ, hiểu ra nguyên nhân của sự khác lạ, tiếc nuối ân hận vì sự lười nhác học tập, ham chơi của mình.

+ Xấu hổ và tự giận mình không chịu học các qui tắc phân từ.

+ Chăm chú nghe giảng, kinh ngạc thấy mình hiểu bài đến thế.

→ Từ lơ là đến thiết tha, lo lắng cho việc học.

* Thái độ với thầy Ha-men

- Lẻn vào chỗ ngồi, đỏ mặt tía tai khi thấy thầy cầm thước. 

- Nhận ra giọng nói của thầy thật dịu dàng.

- Thấy tội nghiệp cho thầy

- Hiểu được lời khuyên của thầy

- Chưa bao giờ thấy thầy lớn lao đến thế.

→ Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí sâu sắc

⇒ Từ sợ hãi, thân thiết, quý trọng thầy.

⇒ Phrăng là cậu bé hồn nhiên, chân thật, biết lẽ phải, yêu tiếng nói dân tộc, quý trọng và biết ơn thầy.

2. Thầy giáo Ha-men

* Trang phục

- Mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục

- Đội mũ bằng lụa đen thêu

→ Trang phục rất trang trọng mà thầy chỉ mặc vào những ngày đại lễ thể hiện ý nghĩa vô cùng quan trọng của buổi học cuối cùng.

* Thái độ đối với học sinh

- Rất mực ân cần, dịu dàng tha thiết, không quở trách như mọi ngày khi Phrăng đến muộn

- Nhiệt tình truyền giảng bài học bằng cả tâm huyết của mình

→ Thầy muốn truyền thụ toàn bộ tri thức của mình, muốn đưa ngay toàn bộ tri thức vào học sinh trước khi ra đi.

* Những lời nói về việc học tiếng Pháp

- Tâm niệm của Thầy: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá ở chốn lao tù

→ Giữ được tiếng nói tức là giữ được linh hồn của dân tộc, không để kẻ địch đồng hoá, đó là vũ khí tốt nhất khi chưa thể đánh đuổi quân thù.

* Hành động, cử chỉ lúc buổi học kết thúc

- Người tái nhợt, nghẹn ngào, không nói nên câu

- Thầy dường như kiệt sức

→ Bao nhiêu tinh lực, tâm huyết thầy đã dồn hết cho buổi học cuối cùng.

- Khuyên mọi người hãy yêu quý, giữ gìn ngôn ngữ của dân tộc

→ Ca ngợi sự giàu đẹp của dân tộc.

- Dằn mạnh và cố viết thật to dòng chữ: 'NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM'.

- Đứng im, đầu dựa vào tường

→ Thể hiện sự đau đớn dữ dội về tinh thần.

⇒ Thầy đã thắp lên ngọn lửa yêu nước cháy bừng trong tim mọi người.

V. Các bài văn mẫu

Soạn bài Buổi học cuối cùng (trang 21, 22, 23, 24, 25, 26) | Ngắn nhất Soạn  văn 7 Cánh diều

Đề bài: Phân tích bài Buổi học cuối cùng

Bài tham khảo 1

“Buổi học cuối cùng” của An-phông-xơ Đô-đê là những lời tâm sự hồn nhiên, ngây thơ nhưng vô cùng xúc động của chú bé Phrăng về buổi học Pháp văn cuối cùng.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc Phrăng đi học muộn. Thiên nhiên được miêu tả với bầu trời trong trẻo, những tiếng sáo hót véo von như có một mãnh lực ghê gớm khiến chú bé muốn bỏ trốn buổi học ngày hôm nay. Nhưng Phrăng đã cưỡng lại được và một mạch chạy đến trường. Khi đi qua trụ sở xã, mọi người tụ tập rất đông với bầu không khí đầy căng thẳng, họ đứng ở bảng dán cáo thị - nơi thường đăng những tin chẳng lành: thất trận, các mệnh lệnh của chỉ huy Đức.

Khi đến lớp học, Phrăng đã cảm nhận được mọi điều đang diễn ra thật kì lạ. Nếu thông thường buổi học là những “tiếng ồn ào như chợ vỡ vang ra tận ngoài phố” “tiếng ngăn bàn đóng mở”… thì hôm nay tất cả chỉ là sự yên lặng, các bạn của cậu đều đã ngồi vào chỗ. Đặc biệt hơn nữa, thầy Ha-men đối xử ân cần với Phăng thay vì giận dữ khi cậu bé đi học muộn: “Phăng, vào chỗ nhanh lên con, lớp học sắp bắt đầu mà không có con”. Thầy Ha-men ăn vận thật đẹp đẽ, sang trọng. Thầy mặc bộ quần áo chỉ dành cho những dịp quan trọng: chiếc áo rơ-đanh-gốt, màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu, cùng với đó là sự xuất hiện của những người lớn tuổi.

Không khí của lớp học trở nên trang trọng, khác thường. Buổi học bắt đầu, thầy Ha-men bằng giọng dịu dàng đã thông báo đây là buổi học Pháp văn cuối cùng. Nghe những điều thầy thông báo Phăng cảm thấy choáng váng. Trước nỗi xúc động tột cùng, cậu bé đã không kìm được cảm xúc mà bật lên tiếng nguyền rủa: “A! Quân khốn nạn…” - lời nói ấy không còn là của một chú bé ngây thơ, mà đó là lời của một con người yêu nước. Sau giây phút ấy chú bé đã vô cùng hối hận vì những lần đã trốn học hay lãng phí thời gian. Phrăng quên cả những lời thầy mắng mỏ khi không thuộc bài. Lúc này đây, những lời thầy Ha-men nói như chạm vào tâm can mỗi học trò. Đặc biệt nhất là khi nghe những lời tâm sự của thầy, tất cả mọi người trong lớp học đều cảm thấy xúc động.

Ai nấy đều chú ý lắng nghe, như nuốt từng lời thầy giảng. Ai cũng đều khắc ghi lời giảng của thầy Ha-men về tiếng Pháp: “tiếng Pháp là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất: phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó, bởi vì khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ được tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù…”. Đặc biệt hơn nữa trong những giờ phút cuối cùng của buổi học thầy Ha-men đã viết lên bảng dòng chữ: “Nước Pháp muôn năm” và ra hiệu cho mọi người kết thúc buổi học. Hành động của thầy vừa cho thấy lòng yêu nước nồng nàn vừa đượm buồn, đồng thời như lời thúc giục mọi người hãy lên đường đấu tranh, đem tiếng Pháp trở lại.

Tác phẩm “Buổi học cuối cùng” được viết ở ngôi thứ nhất qua những suy nghĩ, cảm nhận của chú bé Phrăng làm cho câu chuyện trở nên chân thật, giàu cảm xúc. Ngôn ngữ dung dị nhưng sâu sắc, giàu sức biểu cảm đã thể hiện trọn vẹn tình yêu nước của các nhân vật.

Bằng cách diễn đạt giản dị nhưng lôi cuốn, truyện đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa muôn đời đó chính là lòng yêu nước gắn liền với tình yêu tiếng mẹ đẻ. Qua đó tác giả muốn nhấn mạnh chân lí: giáo dục lòng yêu nước từ những gì bình dị, nhỏ bé nhất.

Bài tham khảo 2

Tất cả các cuộc chiến tranh từ cổ chí kim, dù là từ hàng vạn năm về trước hay cho tới những trận chiến vì mục đích tranh giành lãnh thổ của một bộ phận những kẻ chuyên quyền, thích thống trị và tham lam bằng những trận chiến phi nghĩa, đều đem đến cho con người những bi kịch. Bên cạnh những bi kịch mất mát tài sản, tính mạng, gia đình, người thân một cách tàn khốc, thì đó còn là những bi kịch đến từ sâu trong tâm hồn, khi một dân tộc nào đó có khả năng sẽ vĩnh viễn mất đi thứ ngôn ngữ, văn hóa mà họ hằng tha thiết tôn thờ. Còn nỗi đớn đau, xót xa nào cho lòng tự tôn dân tộc khi không được phép học ngôn ngữ của mình mà phải dằn lòng học một thứ tiếng xa lạ vì thua trong trận chiến giành lãnh thổ. Bài học cuối cùng của tác nhà người Pháp An-phông-xơ Đô-đê, được viết dựa trên trận đánh Pháp-Phổ năm 1870-1871, Pháp thua trận và hai vùng Lo-ren và An-dát bị buộc nhập vào lãnh thổ Phổ (một nước dưới chế độ chuyên chế của Đức), và các trường học bị buộc phải dạy tiếng Đức thay vì tiếng Pháp.

Câu chuyện diễn ra ở vùng An-dát của nước Pháp, nhan đề 'Buổi học cuối cùng', chính là chỉ buổi học tiếng Pháp cuối cùng của khu vực này sau khi bị quân đội Phổ chiến đóng, họ sẽ bị buộc phải học tiếng Đức. Nhan đề không chỉ đơn thuần giới thiệu cho người đọc chủ đề câu chuyện mà còn ẩn chứa cả sự ngậm ngùi, nuối tiếc và đau đớn của tác giả trước tình cảnh của những người dân nước Pháp của dân tộc. Đồng thời buổi học cuối cùng cũng là sự chính thức thừa nhận thất bại trước sự xâm chiếm của quân đội Phổ, Pháp đã mất chủ quyền trên hai vùng An-dát và Lo-ren, buộc chấp nhận cảnh chia cắt đất nước một cách đau đớn.

Nhân vật chính của câu chuyện là cậu bé tên Phrăng, cậu bé vốn ham chơi và không thích học hành mấy, thế nên thường đến lớp rất trễ, hay lẻn vào lớp những khi lớp ồn ào và thầy giáo thì không để ý. Cho đến buổi học vào sáng hôm ấy, Phrăng cũng tiếp tục ham chơi, trì hoãn giờ tới lớp, thậm chí toan trốn học vì vẫn chưa thuộc những phân từ mà thầy giáo dạy trên trường. Tuy nhiên một điều gì đó đã khiến cậu cưỡng lại được niềm ham thích và chạy thật nhanh đến lớp học, trên đường cậu thấy người ta xem bảng thông báo, gặp cả bác thợ rèn Oát-stơ với câu nói 'Đừng vội thế cháu, đến trường lúc nào cũng hãy còn sớm', làm cậu khó hiểu và nghĩ đó là lời giễu cho sự muộn học của cậu. Tuy nhiên khung cảnh bên ngoài lớp học của thầy Ha-men khiến cậu thấy có gì đó khác lạ. Cậu không thể ngờ rằng đây là lần cuối cùng cậu có thể được học tiếng Pháp - ngôn ngữ mẹ đẻ trên chính mảnh đất quê hương mình mà thay vào đó là thứ tiếng Đức của kẻ xâm lược. Một sự thật đớn đau với bất kỳ cư dân Pháp nào ở thời điểm ấy. Ban đầu Phrăng còn lo sợ bị thầy Ha-men đánh đòn vì tội tới muộn, lòng cậu tràn ngập sự sợ hãi và lo lắng khi nhìn thấy cái thước sắt kẹp ở nách thầy. Thế nhưng kỳ lạ, lớp học yên tĩnh và thầy thì rất hiền từ, thậm chí là đang đợi cậu tới lớp. Thầy không đánh mắng hay bắt phạt, Phrăng bắt đầu nhận ra sự khác biệt của buổi học hôm nay, nó có gì đó trang trọng hơn cả, thầy của cậu đã mặc bộ đồ đẹp nhất 'chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen xếp nếp mịn và và cái mũ tròn bằng lụa thêu mà thầy chỉ mặc những hôm có thanh tra và phát phần thưởng'. Đồng thời cuối lớp còn xuất hiện cả những người dân làng, cụ già Hô-de với quyển tập viết cũ nhàu, bác phát thư và nhiều người khác nữa. Khi Phrăng vẫn chưa hết ngạc nhiên và khó hiểu thì lời phát biểu từ tốn của thầy Ha-men trên bục giảng đã khiến cậu nhận thức được vấn đề. Phrăng choáng váng và giận dữ, câu nói 'Hôm nay là lần cuối cùng thầy dạy các con. Lệnh từ Béc-lin là từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các vùng An-dát và Lo-ren...Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con...' đã khiến cậu bừng tỉnh một sự thật rằng Pháp thua trận, An-dát và Lo-ren trở thành địa phận của quân Phổ, từ nay sẽ bị cai trị bởi những kẻ xâm lược 'khốn nạn'. Việc phát hiện ra sự thật kinh hoàng ấy đã khiến lòng cậu bé chùng xuống 'Bài học Pháp văn cuối cùng của tôi!...' chất chứa ở trong đó là biết bao sự nuối tiếc, ân hận, buồn rầu và đau đớn. Cậu nghĩ đến những ngày học trước kia mình đã chán ghét và phung phí như thế nào, thì giờ đây lại trở thành sự xót xa khi cậu chị mới biết viết tiếng Pháp một cách 'chập choạng', còn sách vở trước kia vốn thấy nặng nhọc, khó khăn thì giờ đối với cậu lại trở thành những người bạn 'cố tri' và cậu phải giã từ trong đau xót. Đối với thầy Ha-men, Phrăng từng rất sợ và lo ngại với những trận đòn, trận mắng của thầy nhưng giờ phút này khi biết ngày mai thầy phải ra đi, lòng cậu bỗng quặn lại, đau đớn, Phrăng bỗng thấy thương thầy, tội nghiệp thầy biết bao nhiêu. Như vậy có thể thấy sự kiện bàng hoàng đã hoàn toàn thay đổi nhận thức của Phrăng về việc học tiếng Pháp cũng như tình cảm của cậu với thầy giáo của mình. Ngay trong lúc cậu đang bần thần nghĩ về cảnh giã từ, thì được gọi lên đọc quy tắc phân từ, sự ấp úng, ngượng ngập vì không nhớ được bài cũ đã khiến lòng Phrăng trào lên biết bao cảm xúc hối hận và xấu hổ vì đã không học tiếng Pháp một cách nghiêm túc thay vì ham hố rong chơi.

Trước lỗi lầm của Phrăng thầy Ha-men đã không trách phạt, mà trái lại với tư cách của một người thầy dạy tiếng Pháp 40 năm cống hiến cho đất nước, thầy đã nhẹ nhàng chỉ ra sai lầm của tất thảy mọi người nơi đây. Đó là sự trì hoãn thậm tệ trong sự học hành tiếng mẹ đẻ và chính điều đó đã đẩy họ vào tai họa trở thành sự chế giễu cho bè lũ quân xâm lược khốn kiếp rằng 'các người tự nhận là dân Pháp vậy mà các người chẳng biết đọc, biết viết tiếng của các người!...'. Đó là nỗi đau, nỗi nhục lớn của cả một cộng đồng dân tộc, rõ ràng họ đã chính tay đánh mất tự tôn và văn hóa của dân tộc bằng cách lười biếng và coi rẻ sự học hành tiếng mẹ đẻ của mình. Chủ quyền của một dân tộc được khẳng định một phần chính là nhờ vào sự khác biệt trong ngôn ngữ, trong văn hóa, thế nhưng người ta đã lỡ làng để quên nó đi. Đó là bài học đầu tiên mà thầy Ha-men đã dạy mọi người trong buổi học cuối cùng này. Một bài học nữa cũng không kém phần sâu sắc ấy là thầy Ha-men đã nói rất nhiều về vẻ đẹp của tiếng Pháp 'đó là thứ ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất' để khơi gợi trong lòng mọi người sự yêu mến tiếng Pháp, đồng thời cũng dạy rằng 'đừng bao giờ quên lãng nó', bởi ngôn ngữ của một dân tộc chính là chìa khóa giải phóng con người ra khỏi chốn lao tù, chỉ cần ta nắm vững nó và không bao giờ để nó bị mai một, thì tinh thần và văn hóa dân tộc vẫn còn đấy. Rồi khi thầy giảng bài học tiếng Pháp cuối cùng thầy thật chăm chú và kiên nhẫn như muốn dành hết cả tâm huyết cuộc đời để truyền thụ lại cho mọi người trong buổi học cuối này. Điều ấy khiến người ta không khỏi thương cảm và yêu mến thầy Ha-men hơn bởi tấm lòng tận tụy đến tận giây phút cuối. Mà không chỉ thầy, Phrăng và cả những nhân vật khác xuất hiện trong lớp học cũng trở nên chăm chú và im phăng phắc như muốn cố gắng thu góp được những kiến thức Pháp cuối cùng, trước khi phải chia xa nó. Tất cả các nhân vật trong truyện đều có sự giác ngộ muộn màng, thế nhưng ở họ lại bộc lộ một tấm lòng yêu quê hương đất nước tha thiết, thế nên họ mới thấu hiểu những bài học của thầy Ha-men đến thế. Buổi học cuối cùng ấy đã để lại trong lòng mỗi người dân Pháp những nỗi lòng khó tả, sự hối tiếc, đau đớn, sự bồi hồi xúc động, một thứ tình cảm len lỏi và xúc động len lỏi khắp tâm hồn. Đặc biệt là ở thầy Ha-men, nhân vật đặc sắc nhất truyện, tâm huyết 40 năm của thầy ở mảnh đất này cuối cùng cũng đến ngày kết thúc, thầy phải rời xa mảnh đất ấy sau bao nhiêu gắn bó, bởi sự xua đuổi của kẻ thù. Sự đau đớn và xót xa khiến thầy nhìn chăm chăm mọi ngóc ngách của ngôi trường trong bùi ngùi, yên lặng dường như muốn mang hết những thứ nơi đây theo nhờ ánh mắt của mình. Đặc biệt cuối truyện chi tiết thầy muốn truyền thụ lại bài học cuối cùng của mình bằng tiếng Pháp mà không thể cất lời, chỉ đành viết lên trên bảng bốn chữ to 'Nước Pháp muôn năm', khiến người đọc lặng người đi vì xúc động. Đó là bài học về tấm lòng yêu nước sâu nặng, không chịu khuất phục trước sự xâm lược trước kẻ thù của người thầy vĩ đại, và tin chắc rằng trong lớp học ngày hôm ấy ai cũng hiểu sâu sắc bài học quý giá này.

Như vậy có thể thấy rằng, buổi học cuối cùng này, không chỉ đơn thuần là buổi học tiếng Pháp cuối ở mảnh đất An-dát mà đúng hơn nó là một buổi học đầy ý nghĩa và cảm động về lòng yêu và bảo vệ ngôn ngữ dân tộc, đồng thời là tấm lòng tự tôn, yêu hòa bình nước nước thiết tha mà thầy Ha-men muốn truyền thụ cho học trò của mình. Sự thức tỉnh của nhân vật Phrăng chính là minh chứng cho sự thấu hiểu sâu sắc về ý nghĩa của ngôn ngữ mẹ đẻ của người dân Pháp, cũng như niềm tin vào một tương lai nước Pháp lại thống nhất mà tác giả muốn truyền tải đến độc giả.

1 77 lượt xem