Tác giả tác phẩm Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người, xã hội (Cánh Diều 2024) Ngữ văn 7 chi tiết nhất
Tác giả tác phẩm Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người, xã hội Ngữ văn lớp 7 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 7. Mời các bạn đón xem:
Tác giả tác phẩm: Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người, xã hội - Ngữ văn 7
I. Tác phẩm Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người xã hội
1. Thể loại
Tục ngữ
2. Phương thức biểu đạt
Biểu cảm
3. Tóm tắt tác phẩm Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người xã hội
Các câu tục ngữ nhằm giải thích hiện tượng tự nhiên, các kinh nghiệm trong lao động sản xuất, con người và xã hội
4. Giá trị nội dung tác phẩm Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người xã hội
- Phản ánh, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của nhân dân trong việc quan sát các hiện tượng thiên nhiên và trong lao động sản xuất.
- Những kinh nghiệm chỉ có tính chất tương đối chính xã vì không ít kinh nghiệm được tổng kết chủ yếu dựa vào quan sát.
5. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người xã hội
- Sử dụng cách diễn đạt ngắn gọn, cô đúc.
- Gieo vần lưng, liệt kê, cách nói ngắn gọn, giàu nhịp điệu…
- Sử dụng cách diễn đạt theo kiểu đối xứng, nhân quả, hiện tượng và ứng xử cần thiết.
- Tạo vần, nhịp cho câu văn dễ nhớ, dễ vận dụng.
II. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người xã hội
Câu 1
Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa
- Câu này có hai vế đối xứng, nhấn mạnh ý: Sự khác biệt về mật độ sao trên bầu trời đêm trước sẽ dẫn đến sự khác biệt về hiện tượng mưa, nắng trong những ngày sau đó.
- Vế Mau sao thì nắng: Mau có nghĩa là dày, nhiều. Đêm nhiều sao thì hôm sau trời nắng.
- Vế vắng sao thì mưa: vắng có nghĩa là ít, thưa… Đêm ít sao thì ngày hôm sau trời sẽ mưa.
- Nghĩa cả câu: Đêm trước nhiều sao báo hiệu ngày hôm sau sẽ nắng. Đêm trước ít sao báo hiệu ngày hôm sau sẽ mưa.
Câu 2
Mưa tháng Ba hoa đất
Mưa tháng Tư hư đất
Kinh nghiệm trong trồng trọt được ông cha ta đúc kết lại qua câu tục ngữ, thường thì đến tháng ba âm lịch hoa màu rất cần nước nên cơn mưa lúc này rất có ích cho hoa màu nhưng đến tháng tư lúc ấy cây trồng đang trong quá trình phát triển ít cần nước nên những cơn mưa lớn tháng tư sẽ làm hư đất, hư cây trồng.
Câu 3
Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống
- Nhất nước: Thứ nhất là Nước. Ruộng lúa phải đảm bảo nước đầy đủ.
- Nhì phân: Thứ nhì là Phân Bón. Phân Bón cần được bón đúng loại, đầy đủ và đúng thời điểm.
- Tam cần: Thứ ba là Cần, tức là lao động, bỏ công sức chăm sóc, ví dụ làm cỏ, diệt trừ sâu bệnh, v.v..
- Tứ giống: Thứ tư là Giống, tức là giống lúa, giống tốt thì mới cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
Đây là 4 yếu tố quan trọng để có một vụ mùa bội thu, năng suất cao.
Câu 4
Tấc đất, tấc vàng
“Tấc đất tấc vàng” chính là sự khẳng định rằng đất đai là tài sản có giá trị lớn của con người. Một tấc đất là chừng đó vàng.
Câu 5
Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng
- Câu tục ngữ muốn nói lên sự vất vả của nghề nuôi tằm, đối nghịch lại với sự nhàn hạ của việc nuôi lợn. Chỉ việc nuôi lợn thì nhàn nhã, người nuôi không tất bật, hối hả, nên có thời gian ăn cơm một cách thoải mái, ví với việc ăn cơm nằm.
- “Nuôi tằm ăn cơm đứng” chỉ sự tất bật, vất vả của những người làm nghề nuôi tằm, suốt ngày phải chầu chực bên nong tằm, đến mức thời gian thoải mái ăn bữa cơm cũng không có, mà phải 'ăn cơm đứng' mà túc trực những nong tằm.
Câu 6
Cái răng, cái tóc là góc con người
- “Cái răng, cái tóc” đều là những bộ phận trên cơ thể con người. Thể hiện vẻ đẹp ngoại hình của con người.
- “Góc con người”: là tính cách, phẩm chất làm nên con người.
→ Ý nghĩa: Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm chút ngoại hình bên ngoài thể hiện đến tính cách bên trong.
Câu 7
Một mặt người bằng mười mặt của
- “Một mặt người” là cách nói hoán dụ dùng bộ phận để chỉ toàn thể, có ý nghĩa tương đương như một người.
- “Mười mặt của”: của ở đây là của cải, vật chất. Vậy nên “mười mặt của” ý nói đến số của cải rất nhiều.
- Tác giả dân gian vừa dùng hình thức so sánh (bằng), vừa dùng hình thức đối lập giữa đơn vị chỉ số lượng ít và nhiều (một - mười) để khẳng định sự quý giá gấp bội của con người so với của cải.
→ Câu tục ngữ muốn đề cao giá trị của con người
Câu 8
Thương người như thể thương thân
- Khuyên nhủ con người hãy thương yêu người khác như thương yêu chính bản thân mình.
- Là truyền thống nhân ái mà nhân dân ta luôn hướng tới và gìn giữ.
Câu 9
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
- Là lời khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết. Mỗi con người nếu tách rời tập thể thì sẽ bị cô lập, không thể vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống.
Câu 10
Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Học ăn, học nói, học gói, học mở là câu tục ngữ nói về những điều căn bản trong cuộc sống mà người ta phải học để có được cách ăn ở, giao tiếp, cách đối nhân xử thế làm sao cho lịch sự, tế nhị, văn minh.
– Học ăn: học những phép lịch sự trong ăn uống.
– Học nói: học nói những điều hay, lẽ phải.
– Học gói: học cách tiết kiệm, giữ gìn, không lãng phí.
– Học mở: học tính rộng lượng, bao dung, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
– Học gói, học mở: cũng có ý nghĩa là học để biết cách làm cái gì trước, cái gì sau, cách sắp xếp công việc, có gói rồi mới đến mở, trong cuộc sống phải biết trước biết sau, chỉ chung về sự khéo léo trong công việc, cách đối nhân xử thế cuộc sống hàng ngày.