Lý thuyết Bài tập về hydrogen halide và các hydrohalic acid

1 151 lượt xem


1. Hydrogen halide

- Hợp chất gồm nguyên tố halogen và nguyên tố hydrogen, có dạng HX, được gọi chung là hydrogen halide.

- Các hydrogen halide đều phân cực, trong đó xu hướng phân cực giảm dần từ HF đến HI.

- Từ hydrogen chloride đến hydrogen iodide nhiệt độ sôi tăng dần, do:

+ Sự tăng khối lượng phân tử từ HCl đến HI.

+ Sự tăng kích thước và số lượng electron trong các phân tử từ HCl đến HI.

- Riêng hydrogen fluoride có nhiệt độ sôi cao bất thường so với các chất còn lại trong dãy do giữa các phân tử hydrogen fluoride còn tạo liên kết hydrogen với nhau:

… F – H … F – H …

2. Hydrohalic acid

- Các hydrogen halide đều dễ tan trong nước, dung dịch hydrogen halide trong nước được gọi là hydrohalic acid (hay các acid HX).

- Tính acid của các dung dịch HX tăng theo dãy từ HF đến HI, trong đó hydrofluoric acid là acid yếu do chỉ phân li một phần trong nước.

3. Tính khử của một số ion halide X-

- Tính khử của các ion X- tăng dần từ Cl- đến I-.

- Ví dụ xét phản ứng của các hợp chất chứa ion Cl-; Br-; I- với H2SO4 đặc:

+ Ion Cl- không thể hiện tính khử.

+ Ion Br- thể hiện tính khử và khử S trong H2SO4 từ số oxi hóa +6 về số oxi hóa +4 trong SO2.

+ Ion I- thể hiện tính khử và  khử S trong H2SO4 từ số oxi hóa +6 về số oxi hóa -2 trong H2S.

4. Phân biệt các ion halide X-

Sử dụng dung dịch silver nitrate (AgNO3) để phân biệt các ion halide.

- Khi X- là F- thì không thấy hiện tượng xảy ra.

- Khi X- là Cl- thì xuất hiện kết tủa trắng là AgCl (silver chloride).

- Khi X- là Br- thì xuất hiện kết tủa vàng nhạt là AgBr (silver bromide).

- Khi X- là I- thì xuất hiện kết tủa màu vàng là AgI (silver iodide).

1 151 lượt xem