Tác giả tác phẩm Kiến và người (Chân trời sáng tạo 2024) Ngữ văn 11 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Kiến và người Ngữ văn lớp 11 sách Chân trời sáng tạo đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

1 77 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Kiến và người - Ngữ văn 11

I. Tác giả Trần Duy Phiên

Kiến và người  - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo

- Trần Duy Phiên sinh năm 1942, tại Thừa Thiên Huế

- Ông là nhà văn nổi bật của văn học Việt Nam trước năm 1975

- Đặc điểm nghệ thuật: Ngòi bút xông xáo và lãng mạn là tư tưởng nghệ thuật chính trong các sáng tác của Trần Duy Phiên, tư tưởng đó không chỉ thể hiện ở các tác phẩm truyện ngắn mà còn ở các tác phẩm thơ.

- Tác phẩm chính:

+ Đốt lửa sau mây (truyện dài), 1969

+ Trước khi mặt trời mọc (tập truyện), 1972

+ Trăm năm còn lại (tiểu thuyết), 1996

+ Kiến và Người (tập truyện), 1996

+ Ngược dòng phù hoa (tập truyện), 1997

+ Chim trong thành quách cũ (tập truyện), 2003

II. Đọc tác phẩm Kiến và người

Soạn bài Kiến và người | Hay nhất Soạn văn 11 Chân trời sáng tạo

(Lược dẫn: Người bố đề nghị cả gia đình dọn ra ngoại ô, phá rừng, dựng nhà, canh tác. Qua một vụ mùa, họ phát hiện ra đàn kiến tấn công vào nhà. Sau khi thất bại trong việc nhờ công ty bảo vệ vật nuôi, cây trồng tiêu diệt đàn kiến, gia đình đành phải tự đối phó với đàn kiến đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. “Cuộc chiến” giữa kiến và người để giành lại đất bắt đầu...)

Trưa, bố cháu nuốt không hết chén cơm. Rảo quanh nhà, bố nhìn bốn phía vườn, mong mỏi tìm đường ra. Thoát về bắc, ngược lên núi. Thoát về đông, vượt đồi rồi gặp suối. Về nam, toàn rẫy với rừng thưa. Bọn kiến mai phục khắp nơi và bố cháu không xác định được chúng đổ quân theo hướng nào. Nên thoát về tây, nơi có quốc lộ ngang qua – sau cùng, bố đành chọn như thế. Nếu bọn kiến có bay theo, may ra bố con nhà cháu còn vớ được ô tô. Từ quốc lộ vào nhà cháu không có đường quy hoạch. Chỉ những lối mòn tuỳ tiện. Những lối ấy nay rợp tán cây, màu đất bị phủ bởi sắc kiến đen ánh.

Bố thở dài, quay vào nhà. Bố hỏi những đôi giày vải ngày còn ở thị xã đâu. Bố hỏi đến thùng dầu hôi. Mẹ lôi can nhựa dưới gầm giường cho bố xem. Bố chớp mắt, buồn, cúi xuống. Lượng dầu ít ỏi không đủ dùng cho ý đồ của bố. Mẹ đặt can dầu vào chỗ cũ. Hai người ngồi im. Bố cháu ôm đầu nghĩ ngợi một lúc, rồi đảo mắt quanh nhà.

– Cái mùng! – Bố hét – Bốn người bốn góc, hai đứa nhỏ giữa mùng mà thoát.

Bố nhảy lên giường, giựt đứt tao mùng. Mẹ van:

– Không được! Thứ ấy chỉ cản ruồi, ngăn muỗi, quá lắm là ong. Đằng này bọn chúng từ dưới lên trên xuống, bò ngang phóng dọc đủ cả! Chỉ có cách bay mới thoát, mà mình không có cánh. – Mẹ chép miệng, thở dài.

Bố xuống giường, ngớ ngẩn. Cháu ngồi bó gối nghĩ đến loài chim. Thằng em cháu ra giếng, chưa tắm, vội trở lại. Nó báo tin bọn kiến đã vào tới giếng.

– Bọn chúng buộc cả nhà ta phải chết khô! – Bố nhận định, bước ra hiện.

Cháu theo sát bên bố. Từ thành miệng đến sân giếng, lúc nhúc những kiến. Một đám đang bò lên cần kéo nước. Chúng theo đà ngang ra tới cây dọc, xuống tận gàu.

Mũi tấn công này khiến bố mẹ cháu tái mặt. Sự đe doạ đời sống đã cận kề. Bố ra lệnh tất cả vào nhà, chốt chặn cửa lại. Mẹ soạn ra mớ quần áo cũ, lục lọi những giẻ những bao. Bố soi đèn tìm ngóc hang ngạch kẽ và anh em cháu ra sức bít kín. Công việc này khó khăn như chặn nước thấm qua cát. Bố cháu phát hiện nhiều đường giao thông kiến đào xuyên móng. Chúng cháu thay nhau đái vào các nơi ấy rồi dùng búa tán bằng mặt. Còn bên ngoài, đầu vách, mái nhà... làm sao? Cản gió dễ hơn ngăn kiến. Gió không mắt, thổi có hướng. Đằng này bọn kiến di chuyển tứ phía, biết len lách và tập trung vào mục tiêu. Nghĩ đến đó, cháu thừ người, da rọn gai.

Mẹ tỉnh táo cho đến khi nấu xong nồi cơm tối. Chợt nghe gà oác chái sau, mẹ hốt hoảng, co rúm người rồi ngã sấp lên nền nhà. Sợ hãi của mẹ lan sang lũ em rất nhanh. Bố sửng sốt đứng nhìn. Gà lại kêu tháo lên như những lúc bị chồn đuổi.

Cháu nhận rõ tiếng đập cánh rồi đồ chừng chúng chạy tán loạn ra vườn. Bố cố hết sức mới dỗ được mẹ và lũ cháu ăn cơm. Sau đó gom hai cái giường ra gian giữa, bố động viên mọi người lên giường. Đích thân bố rờ rẫm, tấn kĩ từng góc mùng. Tự dưng, cả nhà không ai dám hé một tiếng, y như sợ bọn kiến bên ngoài nghe. Gần sáng, heo từ nhà bếp kêu thét. Rồi chúng phá chuồng chạy rầm rập. Ban đầu, chúng quần đảo quanh nhà. Rồi như cùng đường, chúng tháo chạy ra đường.

Ngoài trời sáng rất lâu trong nhà mới sáng, cháu đoán chắc như thế. Đêm vừa qua, cháu ngủ khá đầy giấc. Mở bừng mắt, cháu nhắm lại ngay. Cả nhà vẫn nằm yên trên giường. Không ai muốn trời sáng. Đêm đã nhấn chìm bọn kiến vào bóng tối và vận hồi sức cho cả nhà. Riêng bố, không hoàn toàn được như vậy. Đầu hôm, bố trở mình hoài. Nửa đêm về sáng, bố mới nằm im.

Bố cháu vén mùng ra trước. Bố đi lại xó cửa, đái xè xè. Sau đó, lặng im. Cháu xoay người nằm nghiêng và thấy bố cứ đứng ì một chỗ ngửa mặt tứ phía. Cháu là người thứ hai ra khỏi mùng. Mắc tiểu, cháu cũng muốn đến xó cửa. Nhưng khi hiểu bộ tịch ấy, cháu run lên. Bọn kiến đã vào khắp nhà. Chúng bám theo đòn tay, rui, mè,... vẽ nên những ô vuông. Từ nóc, chúng lần theo cột. Dọc vách, hàng trăm dòng kiến đen như nước nhểu. Đầu mấy mối dây treo mùng, tốp tiền sát- nhón nhác chạy đi chạy lại. Vùng an ninh cho gia đình rút lại hai chiếc giường và mấy khoảnh nền xa chân cột, xa móng. Bàn thờ, tủ áo, bồ lúa, bồ mì, thùng đậu, đống khoai,... đều nằm dưới sự kiểm soát của chúng.

Bố cháu ra lệnh mặc thêm quần áo, nhiều lớp càng tốt. Lúc này, kiếm cho được một người hai bộ rất khó. Bố ra lệnh xé cả hai cái mùng và mền ra thành từng dải, rồi quấn vào chân vào tay, vào mặt, vào cổ,... chỉ chừa hai mắt. Bố quấn cho mẹ xong, không còn giẻ cho bố. Mẹ khóc, đòi tháo ở hai cánh tay để quấn chân cho bố.

Bố không chịu. Mẹ cháu lại khóc. Lũ cháu khóc theo. Mẹ cháu đứng lên, rút hai cái bao tời chặn ở cửa bếp xuống, lao đến bồ lúa. Bố cản lại:

– Còn người, còn của! – Bố nói, hai lòng mắt rận đỏ như ngập máu.

Mẹ ném trả cái bao, trở lại bên lũ cháu. Bố cúi xuống gầm giường, lôi can dầu hội ra, lắc lắc, đặt giữa nền nhà. Bố tự xé áo mình đang mặc, tháo một cây thanh giường, quấn vào rồi cẩn thận tẩm dầu. Còn lại một ít, bố trút ra tay, bôi khắp từ bàn chân cho đến bắp đùi. Chưa rõ bố sẽ làm gì, nhưng nhìn bố với cái quần xà lỏn, thân trên gần như trần trụi, mẹ run cầm cập. Bố bảo mở cửa. Cháu dùng chân đạp mạnh. Hai cánh bung ra, ánh sáng ùa vào. Cả nhà kêu rú. Kiến như từ bóng tối ngồn ngộn trồi lên. Bọn chúng đông gấp triệu lần cháu tưởng.

− Chạy! – Bố thét.

Mẹ và lũ cháu ra tới hiền, dừng lại. Từ cây đến cỏ không nơi nào là không có kiến. Bố ra tới hiên, bật lửa châm vào cây thanh giường quấn giẻ. Bố ngần ngại một tí rồi ốp ngọn lửa vào mái tranh. Mẹ xông trở lại níu cứng tay bố.

– Chạy đi! – Bố thét lên, gỡ tay mẹ và lao ra trước.

Ban đầu, bố cháu bước chậm, vừa đi vừa dùng lửa thui kiến mở đường nhưng không vạch được một kẽ chỉ. Kiến bám theo chân bố leo lên. Bố ném cây lửa vào đống rơm ở giữa bốn gốc thông già. Quay lại, bố ôm lấy con út, đôn lên vai, khom mình chạy. Chúng cháu đạp lên bất cứ cái gì, lao theo. Mẹ cháu ra tới đám cà phê, vướng cành ngã uỵch. Cháu quay lại đỡ mẹ. Kiến bu kín hai mẹ con cháu. Mấy lần, cháu đưa tay vóc mắt cho mẹ rồi lại vóc mắt cho mình. Mẹ cứ nói không sao nhưng mỗi lúc một chậm, hơi thở nặng dần. Băng quấn cổ, quấn chân tuột, mẹ thêm lúng túng. Vượt qua đám mì, mẹ cháu lại ngã. Chưa kịp đỡ dậy, mẹ đã ôm mặt kêu thét lên. Kiến rúc vào mắt. Cháu cõng mẹ lao như bay. Tới bờ rào, cháu không đủ sức vượt. Bên kia, bố cháu trở lại. Bố đưa hai cánh tay bám đầy kiến rướm máu rước mẹ. Cháu leo qua bờ rào, mắc chân vào dây kẽm. Giựt không đứt, gỡ không ra. Kiến cánh tứ phía lao tới. Cháu dùng miệng cắn mối buộc, tháo chạy. Cái chân phải cháu có hồi sưng tấy lên là vì thế.

Ra tới quốc lộ, kiểm điểm lại, gia đình đủ cả. Bố cháu ra lệnh cởi bỏ áo quần và các thứ, ném ra xa. Mẹ cháu và em gái cháu xin giữ lại lớp trong. Hai anh em cháu muốn lột sạch nhưng mẹ buộc giữ lại cái quần đùi và áo may-ô. Còn bố chẳng có gì để cỏi ngoài cái quần xà lỏn.

Trong khoảnh khắc ấy, cháu nhìn về hướng đông, lửa leo tót nóc nhà. Ngay chỗ đống rơm, một cột khói theo ngọn thông vươn lên trời cao trong xanh. Gió mang lửa đi khắp vườn, lan ra rẫy. Gia đình cháu vừa giết kiến còn rải rác trên mình vừa chạy về hướng thị xã.

Mẹ cháu bây giờ đã mất. Người ta nói mẹ bị bệnh sốt xuất huyết. Nhưng cháu không tin. Lớn thêm một tuổi, cháu không tin hơn nữa. Mẹ cháu chết vì nọc kiến.

Ba lần bị kiến phủ, đủ lượng độc khiến tim mẹ thôi đập. Mấy bữa, cháu đấm cửa bác sĩ trưởng khoa bày tỏ như thế. Nhưng ông ấy có nghe cháu đâu. Ông bảo chưa có sách vở nào nói tới.

Ba hôm sau cuộc tháo chạy, cháu theo bố trở lại nhà. Nói cho đúng, trở lại rừng, nhà không còn nữa. Thế mà khi ra đi, mẹ cứ mong ngóng vẫn còn.

Từ xa nhìn tới, nhà cửa, vườn rẫy,... cháy sạch. Một bãi hoang tro than mênh mông.

Lâu lâu, gió xoáy hình thành một cột bụi cao dật dờ lướt trên đầu ngọn cây cánh

rừng đông bắc rồi khuất vào eo núi. Trên mỗi bước tháo chạy, trừ mẹ, bố và lũ cháu đều mong đám cháy lan toả như thế này. Cháu bật khóc. Bố cháu đứng trên nền nhà cũ, cười đến vỡ họng, trào nước mắt. Thắng một trận lớn, tan hoang cửa nhà. Một đòi bố có thua ai! Cháu nhớ lại lời mẹ, cúi xuống, mong tìm thấy một đám xác kiến nơi nào đó. Nhưng toàn tro than. Cháu dùng cuốc, cố công đào một hàng mì. Củ không còn, chỉ thấy xác kiến bị hầm chín bầy nhầy với bột nhão. Cháu chạy ra đám khoai, đám chuối nước,... cũng thế cả. Quơ góp được mấy cái tỏ ám khói, một ít vật dụng bằng sắt, cháu mang về. Gia tài còn lại chưa đủ nặng hai vai. Bố cháu đã sai lầm. Bố cháu đào một con sông ngược vào núi. Bố đi từ cái sai này đến cái sai khác.

Bố ở trên thuyền. Và con thuyền nổi trôi trên dòng sông của bố. Nhưng bố là chồng, là cha và bố cứ tin vào con mắt sâu thẳm của mình, quên hẳn cuộc đời. Bề dày cuộc đời chưa có ánh sáng nào xuyên tới. Khi nhận ra được điều đó, bố cháu đủ thành người điên thật sự. [...]

III. Tìm hiểu tác phẩm Kiến và người

1. Thể loại 

Truyện ngắn

2. Phương thức biểu đạt

Văn bản có phương thức biểu đạt chính là Tự sự kết hợp biểu cảm.

3. Xuất xứ

- Truyện ngắn “Kiến và người” in trong Tạp chí Đất Quảng.

Kiến và người  - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo

4. Tóm tắt bài Kiến và người

'Kiến và người' là một tác phẩm kinh điển đã nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống. Tác phẩm kể về câu chuyện của một gia đình bỏ nhà ra phá rừng canh tác, nhưng lại bị một đàn kiến tấn công. Cả gia đình phải chịu đựng một cuộc chiến vô tận với đàn kiến, khiến họ luôn trong trạng thái căng thẳng và lo sợ. Người bố phải thao thức suốt đêm để chặn đường cho đàn kiến không xâm nhập vào nhà. Những người con phải bịt kín mọi ngõ ngách để ngăn chặn đàn kiến. Nhưng đàn kiến vẫn xâm nhập vào nhà và bám đầy khắp nơi. Gia đình quấn hết quần áo và đổ dầu lên người để trốn thoát. Nhưng cuối cùng, kiến vẫn bám vào người của người mẹ và cô đã mất do nọc độc của chúng. Tác phẩm nhấn mạnh vào việc bảo vệ môi trường sống, thông qua việc phê phán hành động cố chấp và tham lam của người bố. Hành động này đã gây ra những hậu quả đáng tiếc cho cả gia đình. Đây là một bài học quý giá về việc tôn trọng và bảo vệ môi trường sống, và tác phẩm đã thành công trong việc đưa ra cảnh báo về hậu quả của việc phá hủy môi trường.

5. Bố cục bài Kiến và người

2 phần:

+ Phần 1: Từ đầu đến “về hướng thị xã”: Cuộc đấu tranh giữa kiến và người.

+ Phần 2: Còn lại: Khung cảnh sau cuộc chiến và bài học để lại.

6. Giá trị nội dung

- Tác phẩm Kiến và người kể về là câu chuyện của sự đấu tranh môi trường sống giữa một gia đình và loài kiến, và con người sẽ không thể chiến thắng nếu như xâm chiếm môi trường sống của các loài trong tự nhiên.

7. Giá trị nghệ thuật

- Khắc họa chân thực thiên nhiên và con người.

- Ngôn ngữ truyện gần gũi và hấp dẫn.

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Kiến và người

1. Những sự kiện chính trong văn bản và dấu hiệu để nhận biết Kiến và người là truyện ngắn

a. Những sự kiện chính của văn bản.

- Người bố đề nghị cả gia đình phá rừng và sinh sống ở đó nhưng bị đàn kiến nổi giận và tấn công khi chỗ ở bị xâm chiếm.

- Cả gia đình tìm mọi cách để thoát khỏi vòng quây của kiến.

- Bọn kiến vào được nhà, tấn công vật nuôi và con người. Người bố đốt ngôi nhà và dẫn cả nhà mở đường chạy thoát đường lộ. Cả gia đình đau đớn nhìn ngôi nhà bị lửa thiêu rụi.

- Người mẹ mất, người con theo cha trở lại ngôi nhà. Mọi thứ điều bị tiêu hủy bởi ngọn lửa. Người bố phát điên khi nhận ra sai lầm của bản thân.

b. Dấu hiệu để nhận biết văn bản trên là truyện ngắn

- Có dung lượng nhỏ

- Có cốt truyện đơn giản: xung quanh 1 tình huống: Bầy kiến nổi giận tấn công gia đình.

- Các sự kiện được tập trung vào một biến cố chính, dồn nén mâu thuẫn trong thời gian ngắn: Gia đình tìm cách chống lại sự tấn công của bầy kiến. (1 ngày, 1 đêm, hôm sau)

- Số lượng nhân vật ít (4 người trong gia đình và bầy kiến)

- Có thông điệp của văn bản: Tập trung làm rõ một khía cạnh của đời sống

(Hiện tượng phá rừng khiến con người chịu hậu quả nặng nề)

- Có các yếu tố tưởng tượng, hư cấu.

2. Ngôi kể, điểm nhìn, tác dụng của việc sử dụng ngôi kể và điểm nhìn trong tác phẩm

- Ngôi kể thứ nhất: Người con trai lớn – xưng “cháu”

- Điểm nhìn chủ yếu từ người con trai lớn, có khi của người bố.

= > Giúp cho việc thể hiện chủ đề và thông điệp của văn bản khách quan và đa diện hơn.

3. Sự tương đồng và khác biệt trong cách ứng xử của người con, người mẹ và người bố trước sự tấn công của đàn kiến

- Sự tương đồng: Cùng nghĩ cách để thoát khỏi đàn kiến

- Sự khác biệt:

+ Người bố quyết liệt, cực đoan và bạo liệt một mất một còn với đàn kiến hơn là quan tâm đến các thành viên khác trong gia đình (tự tay thiêu hủy ngôi nhà và tất cả những thành quả lao động của gia đình)

+ Người mẹ và người con: Ôn hòa, có cái nhìn đa diện nhiều chiều hơn, có những lúc nhìn thấu được nhân quả, lí do đàn kiến giận dữ, tấn công.

4. Ý nghĩa của hình tượng bầy kiến và cách đặt nhan đề của tác giả

a. Ý nghĩa hình tượng bầy kiến

- Đại diện cho các sinh vật tự nhiên bị đẩy khỏi môi trường sống quen thuộc thuận tự nhiên chúng sẽ phản kháng, tiêu diệt những gì làm hại đến cuộc sống của chúng => bản năng tự vệ.

b. Cách đặt nhan đề của tác giả

- Thiên nhiên và con người có vị thế ngang hàng nhau.

- Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh, công bằng (Quan hệ từ “và”)

- Đặt kiến trước người: nhắn nhủ cần quan tâm đến tự nhiên trước vì đó là môi trường sống của tất cả các sinh vật và con người. Con người không thể cho mình là thượng đẳng, trung tâm để áp đặt, tấn công, khai phá bừa bãi tự nhiên.

5. Tác dụng của yếu tố hư cấu, tưởng tượng trong truyện ngắn

- Sức mạnh và sự cuồng nộ của tự nhiên khi bị đẩy đến đường cùng.

- Tác động mạnh đến nhận thức của con người giúp con người thức tỉnh để đối xử công bằng với tự nhiên.

- Tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn, hứng thú đối với độc giả.

V. Các bài văn mẫu

Đề bài: Phân tích bài Kiến và người

Bài tham khảo 1

  Trần Duy Phiên là một tác giả nổi tiếng với những trang truyện ngắn mang tính cá nhân cao, tập trung vào mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Trong đó, truyện 'Kiến và người' đặc biệt nổi bật với câu chuyện về sự đấu tranh giữa một gia đình và loài kiến trong môi trường sống. Tác phẩm nhấn mạnh rằng con người không thể chiến thắng khi xâm chiếm môi trường sống của các loài trong tự nhiên. Được đăng trên Tạp chí Đất Quảng, câu chuyện này thể hiện sự cảm nhận sâu sắc của tác giả về mối quan hệ phức tạp giữa con người và thiên nhiên.

     Khi đọc truyện ngắn 'Kiến và người' của Trần Duy Phiên, người đọc sẽ bị ấn tượng bởi tiêu đề tác phẩm, thể hiện mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Câu chuyện được kể qua mắt nhìn của một đứa trẻ, thể hiện sự ứng xử khác nhau của 'bố cháu', 'mẹ cháu' và 'cháu' khi đàn kiến tấn công. Đàn kiến xâm chiếm từng đàn gà, đàn lợn và bò vào từng ngóc ngách căn nhà, khiến gia đình phải khổ sở và trốn chạy. Mô tả sự xâm chiếm của đàn kiến được thể hiện chân thật và mạnh mẽ, đối lập với trạng thái lo lắng và tình trạng ít ỏi của gia đình. Cả gia đình chạy trốn, nhà bị cháy, và người mẹ thì mất. Truyện cho thấy những hậu quả đáng sợ khi con người phá rừng và xâm lấn môi trường sinh thái tự nhiên.

      Trong câu chuyện 'Kiến và người', tác giả Trần Duy Phiên đã lồng ghép thông điệp rõ ràng về sự cần thiết bảo vệ môi trường sống tự nhiên. Tác phẩm là một bức tranh tương phản giữa con người và thiên nhiên, khi con người phá hủy môi trường sống tự nhiên và phải hứng chịu bài học lớn từ đàn kiến. Tác giả cũng có hai truyện ngắn khác với chủ đề tương tự, 'Mối và người', 'Nhện và người', nhằm lên án tác động của con người đến môi trường sinh thái và nhấn mạnh sự cần thiết bảo vệ môi trường sống tự nhiên. Chỉ khi con người nhận ra quan hệ gắn bó giữa cuộc sống bình thường và thiên nhiên, họ mới có thể chấp nhận bảo vệ và cùng tồn tại với môi trường sống tự nhiên.

Phân tích Kiến và người

    Trong tác phẩm 'Kiến và người', Trần Duy Phiên đã thể hiện được tài năng ngôn từ phong phú của mình thông qua việc sử dụng các từ ngữ chân thật, sống động. Những mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng được thể hiện rõ ràng qua câu chuyện về sự đấu tranh giữa gia đình và loài kiến. Tác giả đã thể hiện rõ ràng những hậu quả khôn lường khi con người tác động đến môi trường sống tự nhiên. 

      Qua đó, tác phẩm đã phản ánh chân thật cuộc sống và góp phần đánh thức nhận thức của người đọc về vấn đề bảo vệ môi trường. Trần Duy Phiên đã làm đúng vai trò của một nhà văn đích thực khi đem con chữ của mình để phản ánh cuộc sống.

Bài tham khảo 2

Truyện ngắn Kiến và người của nhà văn Trần Duy Phiên mang trong mình nhiều giá trị và ý nghĩa sâu sắc. Tác phẩm này không chỉ là một câu chuyện đơn thuần về cuộc đấu tranh giữa con người và kiến, mà còn là một cách ngôn ngữ tinh tế để phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa con người với tự nhiên.

Tác giả đã khéo léo sử dụng tiêu đề Kiến và người để tạo ra một tương phản đáng chú ý. Một bên là con người với sức mạnh và to lớn, bên kia là những con kiến nhỏ bé và yếu đuối. Tuy nhiên, câu chuyện chỉ ra rằng sự đấu tranh của con người không thể chiến thắng nếu họ tiếp tục xâm chiếm và phá hủy môi trường sống của các loài trong tự nhiên. Hình ảnh bầy kiến trong truyện mang ý nghĩa biểu tượng cho hệ sinh thái môi trường và các loài sống trong đó. Chúng phải đối mặt với những nguy cơ xâm chiếm chỗ ở và tàn phá từ con người, đại diện cho sự đe dọa của hoạt động con người đối với môi trường tự nhiên. Mặc dù nhỏ bé, nhưng bầy kiến không chịu khuất phục và quyết tâm đấu tranh, thể hiện sự bất khuất và ý chí kiên cường trong việc bảo vệ tổ ấm và môi trường sống của mình.

Tác giả đã sử dụng tình huống đấu tranh giữa kiến và người để gửi đến độc giả thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường. Mặc dù con người có sức mạnh vượt trội, nhưng câu chuyện cho thấy họ không thể chiến thắng nếu tiếp tục xâm chiếm môi trường sống của các loài khác. Qua việc vượt qua các khó khăn, bầy kiến đã trở thành biểu tượng cho sự kiên nhẫn và sự đoàn kết trong cuộc chiến bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cách đặt nhan đề ngắn gọn và súc tích cũng tạo ra sự tò mò cho người đọc. Từ nhan đề, ta không biết được mối quan hệ giữa kiến và người là gì, điều này tạo thêm sự hứng thú và tò mò để khám phá cốt truyện. Tác giả đã tận dụng điểm này để thu hút sự quan tâm của người đọc và truyền tải thông điệp của mình một cách hiệu quả.

Phân tích truyện ngắn Kiến và người

Việc sử dụng ngôi thứ nhất, thông qua góc nhìn của người con cả trong gia đình, làm cho câu chuyện trở nên chân thực hơn. Điều này cho phép người đọc đắm chìm vào tâm trạng và suy nghĩ của nhân vật chính, cảm nhận được những cảm xúc và trăn trở của họ. Sự lựa chọn này tạo ra một liên kết mạnh mẽ giữa người đọc và câu chuyện, làm cho truyện trở nên hấp dẫn và gần gũi hơn.Ngoài ra, việc sử dụng ngôn ngữ tường minh và hình ảnh sinh động cũng là một yếu tố nghệ thuật nổi bật trong tác phẩm. Tác giả tận dụng sự giàu hình ảnh trong việc miêu tả bầy kiến, những khó khăn mà những chú kiến bé nhỏ phải đối mặt và cuộc chiến đấu của họ. Sự mô tả chi tiết và sống động này giúp tạo nên một cảm giác hiện hữu và thú vị cho người đọc, giúp họ hòa mình vào thế giới của truyện và cảm nhận được tầm quan trọng của cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường.

Kiến và người của Trần Duy Phiên mang trong mình nhiều giá trị về nội dung và nghệ thuật. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ tinh tế và hình ảnh sinh động để miêu tả mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên. Tác phẩm này gửi đến độc giả một thông điệp quan trọng về việc bảo vệ môi trường sống, đồng thời thể hiện sự tài năng của nhà văn trong việc phản ánh cuộc sống và tầm quan trọng của sự giao tiếp giữa con người và thiên nhiên.

 
1 77 lượt xem