Tác giả tác phẩm Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân (Cánh Diều 2024) Ngữ văn 11 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân Ngữ văn lớp 11 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

1 84 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân - Ngữ văn 11

I. Tác giả Nguyễn Đăng Mạnh

Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 11 Cánh diều

- Nguyễn Đăng Mạnh sinh năm 1930 ở Nam Định, quê quán tại Gia Lâm, Hà Nội. Ông mất vào năm 2018.

- Là cán bộ giảng dạy của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà nghiên cứu phê bình

- Được coi là nhà nghiên cứu đầu ngành về văn học Việt Nam hiện đại và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

II. Đọc tác phẩm Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Ô Những nhà văn có phong cách đều tạo ra cho mình một thế giới nhân vật riêng. Thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân, nói chung, gồm hai loại người đối lập nhau: Loại người tài hoa nghệ sĩ, có nhân cách, có “thiên lương”, tự đặt mình lên trên hạng người thứ hai gồm những kẻ tiểu nhân phàm tục, bằng thái độ ngạo đời, khinh bạc. Loại người thứ nhất, theo Nguyễn Tuân, thường là những linh hồn đẹp còn sót lại của một thời đã qua, nay chỉ còn “vang bóng”. Loại người ấy cố nhiên là hiếm hoi. Còn kẻ tiểu nhân phàm tục thì đầy rẫy trong thiên hạ.

Chữ người tử tù dựng lên một thế giới tăm tối, tù ngục, trong đó kẻ tiểu nhân, bọn độc ác bất lương làm chủ. Trên cái tăm tối ấy, hiện lên ba đốm sáng lẻ loi, cô đơn:

Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại – những con người có tài và biết trọng tài, có nghĩa khí và biết trọng nghĩa khí. Họ tình cờ gặp nhau trong một tình thế oái oăm, từ chỗ ngờ vực nhau, đối địch nhau, dần dần đi đến hiểu nhau và trở thành tri kỉ.

Ba đốm sáng cô đơn ấy cuối cùng tụ lại, tạo thành ngọn lửa ngùn ngụt rực sáng giữa chốn ngục tù – “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Cái đẹp, cái tài, sự trong sạch của tâm hồn đã tập hợp họ lại giữa cái nơi xưa nay chỉ có gian ác, thô bỉ và hội hám: “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”.

Đấy là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái tài, cái đẹp đối với cái nhem nhuốc tục tằn, của thiên lương đối với tội ác.

Lâu nay, nói về những nhân cách cao thượng, người ta thường nhấn mạnh đến tinh thần gang thép, đến cái “vô uý”, cái không biết sợ trước những lực lượng thù địch. Thiên hướng ấy thực ra cũng dễ hiểu đối với một dân tộc luôn phải đương đầu với những bọn xâm lược, với bạo lực hung hăng nhất.

Nhân vật Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại đều có cái “vô uý” ấy. Ở Huấn Cao, con người “chọc trời khuấy nước”, đến “chết chém ông còn chẳng sợ”, ta không cần nói cũng rõ. Nhưng người quản ngục và viên thơ lại cũng gan góc, ngang tàng lắm chứ! Đó là những con người dám thách thức với những đòn trừng phạt ghê gớm có thể giáng xuống đầu, nếu “âm mưu” của họ – bí mật biệt đãi “tên phiến loạn nguy hiểm” — bị cáo giác.

Nhưng thử nghĩ mà xem, con người không biết sợ cái gì trên đời này cả, liệu có phải là con người không? Cái gì cũng “vô uý”, cũng tỏ thái độ sắt thép, nghĩa là không biết mềm lòng trước bất cứ một cái gì, đấy là loài quỷ sứ chứ đâu phải là người! Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân dạy cho người ta hiểu rằng, muốn nên người, phải biết kính sợ ba điều này: cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người (thiên lương). Vậy, kẻ nào không biết sợ cái gì hết, đó là loài quỷ sứ. Loại người này, thực ra rất hiếm hoi, hay nói đúng hơn, không thể có được. Nhưng loại người sau đây thì chắc không ít: sợ rất nhiều thứ, nhất là quyền thế và đồng tiền, nhưng đối với cái tài, cái đẹp, cái thiên lương thì lại không biết sợ, thậm chí sẵn sàng lăng mạ, giày xéo. Đấy là hạng người hèn hạ nhất, thô bỉ nhất, đồi bại nhất.

Phân tích Chữ người tử tù, không những cần đề cao cái thái độ không biết sợ của Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại, mà còn phải biết ngợi ca cái biết sợ của những nhân vật này nữa.

Khi ông Huấn còn coi viên quản ngục chỉ là viên quản ngục, ông đã tỏ thái độ khinh bạc đến mức tàn nhẫn: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều.

Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.”. Nhưng khi hiểu rằng, quản ngục chỉ là một cái áo khoác, đấy thực chất là một tấm lòng biết quý cái tài, cái đẹp, biết trọng cái tốt lành trong sạch, thì ông Huấn đâu có cứng rắn, lạnh lùng nữa: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.”.

Còn viên quản ngục? Cái cử chỉ đẹp nhất, cảm động nhất của nhân vật này chính là cử chỉ khúm núm trước người tử tù ở cái đêm Huấn Cao cho chữ trong nhà ngục.

Sau khi cúi đầu nghe mấy lời khuyên răn của người tù: “Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh.”.

Có những cái cúi đầu làm cho con người trở nên hèn hạ, có những cái lạy làm cho con người đê tiện. Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn. Đấy là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương.

Chính Cao Chu Thần, nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù, có một câu thơ thật đẹp, thật sang:

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

(Một đời chỉ biết cúi đầu vái lạy hoa mai)

Cái cúi đầu của thầy quản ngục vái lạy Huấn Cao chính là cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai vậy.

Bố cục Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân (Cánh diều) chính xác nhất (ảnh 1)

III. Tìm hiểu tác phẩm Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

1. Thể loại

- Văn bản thuộc thể loại: văn bản nghị luận.

2. Xuất xứ và hoàn cảnh ra đời

- Xuất xứ: In trong cuốn: Những bài giảng về tác gia văn học.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: nghị luận.

4. Bố cục Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

- Phần mở đầu: Thế giới nhân vật của các nhà văn, đặc biệt của Nguyễn Tuân

- Phần Nội dung: Đưa ra lí lẽ, luận điểm của vấn đề.

- Phần kết: Khẳng định vẻ đẹp của những con người biết cúi đầu trước cái tài, tâm

5. Tóm tắt Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Văn bản đề cập đến văn bản 'Chữ người tử tù' của Nguyễn Tuân, ông tạo ra một thế giới nhân vật đầy đặc sắc, tập trung vào việc khám phá vẻ đẹp của những con người biết cúi đầu trước cái tài và tâm. Qua các dẫn chứng và lí lẽ trong tác phẩm, Nguyễn Tuân làm sáng tỏ về điều này.

6. Giá trị nội dung

- Ca ngợi vẻ đẹp của các nhân vật trong tác phẩm văn học.

- Gửi gắm bài học giáo dục sâu sắc.

7. Giá trị nghệ thuật

- Cấu trúc bài văn nghị luận chặt chẽ (mở đầu – thân bài – kết luận)

- Giọng điệu đối thoại, vừa trầm lắng nhẹ nhàng, vừa dứt khoát , mạnh mẽ

- Lập luận, lí lẽ chặt chẽ, đầy tính thuyết phục

- Ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu sắc thái biểu cảm.

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

1. Nhan đề

- Lại đọc: Thể hiện sự suy ngẫm,tìm tòi

Chữ người tử tù: Đối tượng tìm hiểu

=> Sự suy ngẫm của tác giả về những vấn đề đặt ra trong 1 tác phẩm văn học

Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 11 Cánh diều

2. Cấu trúc văn bản

- Phần mở đầu: Thế giới nhân vật của các nhà văn, đặc biệt của Nguyễn Tuân

- Phần Nội dung:

Luận điểm 1: Cuộc gặp gỡ của những con người có tài năng và nhân cách

+ Lí lẽ: cái đẹp , cái tài, sự trong sạch của tâm hồn đã tập hợp họ lại

+ Lí lẽ: Trích dẫn: ánh sáng đỏ rực của 1 bó đuốc…

Luận điểm 2: Tinh thần cứng rắn, gan góc của những con người cao thượng

+ Lí lẽ: Khẳng định đó là thiên hướng tất yếu của dân tộc ta khi phải đối diện với kẻ thù

+ Lí lẽ: Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại đều có cái vô uý ấy

- Luận điểm 3: Thái độ của Huấn Cao với người quản ngục.

=> Ca ngợi vẻ đẹp tài hoa, khí phách, thiên lương của các nhân vật trong Chữ người tử tù

Phần kết: Khẳng định vẻ đẹp của những con người biết cúi đầu trước cái tài, tâm.

V. Các đề văn mẫu

Soạn bài Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân sách cánh diều 11 tập 2

Đề bài: Phân tích bài Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Bài tham khảo 1

Truyện ngắn “Chữ người tử tù” được rút trong tập truyện “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, là một tác phẩm thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua nhân vật Huấn Cao, đặc biệt là diễn biến tâm lí, thái độ của Huấn Cao đối với viên quản ngục.

Tác giả Nguyễn Tuân đã khắc họa hình tượng nhân vật Huấn Cao là một người anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, văn võ song toàn và đặc biệt là có tài viết chữ đẹp, thiên lương trong sáng. Ông có lòng nhân ái bao la, không cam chịu sự áp bức bóc lột của gia cấp phong kiến tàn bạo nên đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, tuy nhiên khởi nghĩa không thành công, nên ông đã bị triều đình bát giam, chịu án tử hình. Chính nơi ngục tù là nơi gặp gỡ giữa 2 nhân vật đại diện: một bên là đại diện cho chính quyền phong kiến thối nát – viên quản ngục, một bên là kẻ nổi loạn bất mãn với cường quyền, xã hội ấy – người tử tù Huấn Cao.

Trên bình diện xã hội họ chính là thù địch với nhau. Biết rõ sự đối lập đó nên Huấn Cao đã không tiếc sự coi thường, khinh rẻ viên quản ngục, tưởng rằng viên quản ngục cũng chỉ là lũ xấu xa, bảo thủ. Ngờ đâu con người ấy lại có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, có sở thích cao quý và có tâm nguyện rất lớn đối với tài viết chữ của ông Huấn. Sau khi hiểu được điều đó ở viên quản ngục, Huấn Cao đã thay đổi thái độ, trước ông khinh miệt bao nhiêu thì nay lại cảm kích bấy nhiếu, ông không những quyết định cho chữ viên quản ngục mà còn dành cho những lời khuyên răn của một nhà Nho chân chính đối với viên quản ngục.

Lần đầu tiên Huấn Cao đứng trước uy quyền của nhà lao, ông vẫn tỏ ra đầy khí thế và hiên ngang, giữ thái độ bình thản, coi thường bằng những hành động đầy thách thức: “Rỗ mạnh gông, cúi đầu thúc mạnh đầu thang xuống đất đánh thuỳnh một cáo” phá đi sự trang nghiêm của chốn ngục tù. Tuy ở trong nhà lao rồi nhưng ông biết rõ thân phận của mình, không chịu khúm núm, nhún nhường với những kẻ tàn bạo, xấu xa. Trong suốt thời gian được viên quản ngục “biệt đãi” vì lòng mến chữ, nhưng ông lại “khing miệt đến điều”, xúc phạm viên quản ngục mà chẳng đếm xỉa tới sự trả thù, vẫn rất ung dung, bình thản. Thái độ ấy của Huấn Cao đối với viên quản ngục là tất yếu, bởi Huấn Cao chưa nhận ra tấm lòng của viên quản ngục, Huấn Cao mang trong mình nhân cách và khí phách của một người anh hùng, ông coi viên quản ngục là kẻ tiểu nhân, tay sai cho chính quyền phong kiến tàn lụi mà ông căm ghét: tất cả bọn chúng đều đáng khinh và đáng coi thường mà thôi. Về sau, Huấn Cao đã cảm thấy ân hận, cảm động mà nói “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi”, “Thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Chính vì lí đó mà Huấn Cao vốn chỉ cho chữ những người mà ông coi là tri kỉ thì nay ông đã dành tặng nét chữ cuối đời cho viên quản ngục, xem viên quản ngục trở thành tri kỉ của mình. Khuyên răn viên quản ngục nên từ bỏ chốn lao tù này để bảo vệ được cái đời lương thiện. Cái đẹp có thể sinh ra ở nơi bẩn thỉu, nơi của các ác nhưng không thể để nó sống chung với cái ác. Sự thay đổi thái độ của Huấn Cao với viên quản ngục thực ra không bất ngờ hay phi lí, bởi thực tế Huấn Cao là người khí phách hiên ngang nhưng viên quản ngục cũng không hoàn toàn xấu xa, ông vẫn giữ được một “thiên lương trong sáng”, họ tri âm với nhau bởi lòng yêu mến và tôn sùng cái đẹp. Trong nhân cách Huấn Cao con là người tinh tế, độ lượng, biết trọng người có thiên lương, nơi ngục từ, và trong những giây phút cuối đời, nào ngờ đâu ông lại được gặp một tâm hồn tri âm, tri kỉ. Qua diễn biến tâm lí của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã khẳng định: cái đẹp, cái thiện có thể sinh ra từ cái ác – xấu nhưng không thể sống chung với nó và cái đẹp có thể cảm hóa con người.

Nguyễn Tuân đã xây dựng nên một hình ảnh Huấn Cao vừa cao ngạo vừa bất khuất, chân tình và tài hoa, vừa biết trọng những tấm lòng thiên lương con người. Điều đó đã khẳng định sự thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và một lần nữa ca ngợi phong cách nghệ thuật tài hoa, độc đáo của Nguyễn Tuân.

Bài tham khảo 2

Có thể khẳng định trong nền văn học Việt nam Nguyễn Tuân là một người có tên tuổi lớn: “Nói đến Nguyễn Tuân mà chỉ cần gọi gọn ghẽ là nhà văn theo ý nghĩa thông thường đầy vinh dự của chữ đó e vẫn thấy thiêu thiếu thế nào. Nguyễn Tuân đó là một hiện tượng văn hóa phong cách. Con người ông, phong cách của ông cũng đẹp một cách độc đáo như câu văn ông. Một câu văn một không hai trong nghệ thuật ngôn từ Tiếng Việt” (Phan Huy Chú). Thật vậy, Nguyễn Tuân không chỉ góp một phong cách mà ông còn góp được cho văn học Việt nam những tác phẩm hay. Tiêu biểu trong sáng tác của ông là tác phẩm chữ người tử tù. Đặc biệt qua đó ta thấy được nhân vật Huân Cao không chỉ anh hùng tài giỏi mà ông còn là người rất mực trân trọng thiên lương mà cụ thể ở đây là tấm thiên lương của viên quản ngục.

Truyện kể về nhân vật anh hùng Huấn cao dám một mình đứng lên chống lại triều đình phong kiến. Chính bởi lẽ ấy mà chúng ta thấy được những phẩm chất và tính cách của nhân vật. Huấn Cao là một người không những anh hùng mà lại còn rất có tài nữa mà cái tài ấy chính là tài viết đẹp. Bên cạnh nhân vật Huấn Cao ấy thì ta cũng thấy được một nhân vật cũng đáng quý ấy chính là nhân vật viên quản ngục. Hai người ấy trên lĩnh bình diện xã hội hoàn toàn trái ngược nhau. Thế nhưng họ lại đồng điệu với nhau trong nghệ thuật. Viên quản ngục ấy mến cái tài viết chữ của Huấn Cao có sở nguyện cao quý rằng một ngày kia xin được chữ của Huấn Cao mà treo trong nhà. Cái sở nguyện cao quý cũng như tôn trọng cái đẹp kia phần nào thể hiện được quan niệm của nhà văn về cái đẹp. Có thể nói trong văn Nguyễn Tuân cái đẹp luôn thăng hoa ở mọi lúc mọi nơi mọi hoàn cảnh. Chính cái sở nguyện cao quý của viên quan ngục cũng như sự “ích kỉ” không cho chữ của Huấn Cao đã nói lên điều đó. Không những thế truyện còn mang đến cho chúng ta về vẻ đẹp của cái thiện, cái thiên lương của con người. Tuy nhiên quá trình để cho Huấn Cao thấy được tấm thiên lương của viên quan coi ngục cũng như quá trình để viên quản ngục đạt được sở nguyện cao quý ấy lại là những diễn biến khá dài. Thế nhưng thái độ của Huấn Cao với sự biệt đãi của viên quản ngục như thế nào?. Diễn biến thái độ đó ra sao?.Trước hết là khi Huấn Cao mới bị bắt và được đưa đến nhà giam nơi quan coi ngục này chịu trách nhiệm cai quản. thế nhưng khi ấy Huấn Cao còn tỏ ra rất lạnh lùng và khinh thường viên quản ngục ấy. Đó là khi ông chưa biết được thiên lương của viên quan coi ngục, ông nghĩ rằng viên quan coi ngục kia cũng cùng một ruộng với triều đình và đều là đáng khinh. Về phía quan coi ngục ngay từ khi biết tin Huấn Cao được giải giam tại đây thì ông vui mừng khi gặn được người mà mình kính trọng nể phục. ông tiếp rượu thịt cho Huấn Cao và cho Huấn Cao vào một nhà giam riêng. Huấn Cao không những không cảm kích mà cho rằng viên quan coi ngục đang có âm mưu gì. Huấn Cao cũng nghĩ đến việc viên quan coi ngục hạ độc mình trong những rượu thịt mang đến nhưng ông không sợ vì khi ông đã xác định vào đây thì cũng sẽ bị chết chỉ là sớm hay muộn thôi. Thế cho nên cứ mang đến thì Huấn Cao lại ăn uống no say. Viên quan coi ngục như ngỏ ý mình, ông quan tâm hỏi han Huấn Cao thì Huấn Cao lại đáp lại bằng những câu nói và ánh mắt khinh bỉ như đuổi viên quan coi ngục ra khỏi mình. Có thể nói trong chính Huấn Cao ông không hề mảy may đến những quan tâm đặc biệt của viên quản ngục một chút nào. Trong cái nhà ngục tối tăm ấy Huấn Cao khinh thường tất cả cái gì là của triều đình phong kiến lạc hậu. Và chính thế mà viên quan coi ngục kia cũng không thể nào mà có thể lọt qua mắt hay làm động lòng của người anh hùng ấy.

Qua đây ta thấy như vậy khi mới đến ngục thì Huấn Cao không có một chút chú ý nào đến những người quanh đây mà cụ thể là viên quan coi ngục. Đó là một thái độ khinh bỉ của Huấn Cao dành cho viên quan ngục. vậy thì khi hiểu ra thì thái độ của Huấn Cao với viên quan kia như thế nào?.

Sau bao lâu Huấn Cao đã làm cho viên quản ngục thấy buồn may thay có thầy thơ lại nói cho Huấn Cao hiểu chứ không thì Huấn Cao sẽ đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Chữ Huấn Cao rất quý vì thế ông vốn khoảnh ngoài bạn thân ra thì ông cho ai chữ bao giờ. Thế nhưng khi nghe thầy thơ lại nói về tâm tư nguyện ước của viên quan coi ngục thì Huấn Cao bằng lòng cho ngay. Nghe chuyện mà Huấn Cao không khỏi thốt lên “ Suýt chút nữa thì ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Từ câu nói đó ta có thể thấy thái độ của Huấn Cao với viên quan coi ngục đã khác đi. Huấn Cao không còn khinh bỉ nữa mà còn trân trọng những con người thiên lương như thế.

Khi ông quyết định cho chữ, ba người trong phòng giam với sự đối lập của không gian và cảnh tượng cho chữ vẻ đẹp như thăng hoa. Và cũng chính vì thế mà con người cũng gần nhau hơn. Huấn Cao không còn miệt thị khinh bỉ viên quan coi ngục nữa mà ông lại gần viên quan hơn. Ông dậm tô nét chữ để tặng cho viên quan ngục như chính lời mà ông muốn dành cho viên quan coi ngục. Không những thế khi cho chữ xong thì Huấn Cao còn khuyên viên quan coi ngục nên về quê nếu cứ ở đây thì mất cái thiên lương trong sáng ấy mất. Có thể thấy Huấn Cao đang coi viên quan coi ngục như những người thân, người bạn của mình mà khuyên thật lòng.

Qua đây ta thấy qua những hoàn cảnh khác nhau Huấn Cao biểu thị thái độ của mình với viên quan coi ngục rất rõ. Đó không chỉ là những thái độ mà nó còn thể hiện những ý nghĩa nhất định. Mà tiêu biểu trong những ý nghĩa đó là sự trân trọng thiên lương của người xưa.

1 84 lượt xem