Tác giả tác phẩm Trái tim Đan-kô (Cánh Diều 2024) Ngữ văn 11 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Trái tim Đan-kô Ngữ văn lớp 11 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

1 123 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Trái tim Đan-kô - Ngữ văn 11

I. Tác giả Mác-xim Go-rơ-ki

Trái tim Đan-kô - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 11 Cánh diều

- Mác-xim Go-rơ-ki là nhà văn kiệt xuất của Nga.

- Xuất thân gia đình lao động trên bờ sông Vôn Ga.

+ Sớm mồ côi cha lẫn mẹ

+ Đam mê đọc sách và bươn chải: tạo cảm hứng và năng lực sáng tác văn chương.

- Phong cách nghệ thuật: Triết lí nhân sinh.

- Tác phẩm chính: Thời thơ ấu (1913-1914); Kiếm sống (1916); Những trường Đại học của tôi (1923) và Người mẹ (1906-1907)

II. Đọc tác phẩm Trái tim Đan-kô

Bà lão im lặng và nhìn ra thảo nguyên, ở đó bóng tối mỗi lúc một dày đặc lại. Những tia lừa từ trái tim cháy của Đan-kô bắn ra, sáng bừng lên ở nơi nào phía xa, nom như những bông hoa xanh bay lượn trên không, chỉ nở ra trong giây lát.

“Đan-kô dẫn họ đi. Mọi người nhất loạt đi theo anh, họ tin anh. Đường đi thật khó khăn! Rừng tối om, cứ bước một bước, đầm lầy lại há cái mõm tham lam hôi thối ra nuốt mất người, và cây cối sừng sững chặn đường như một bức thành kiên cố. Cành cây quấn quýt lấy nhau; rễ bò lan khắp nơi như đầu rắn, và cứ mỗi bước đi, họ lại phải tốn bao nhiều mồ hôi và máu. Họ đi lâu lắm... Rừng mỗi lúc một dày rậm, sức lực mỗi lúc một suy kiệt! Họ bắt đầu oán trách Đan-kô, trách anh trẻ người non dạ', đưa họ đi vào chỗ vu vơ. Nhưng anh vẫn dẫn đầu đoàn người, hăng hái và tươi tỉnh.

Rồi một hôm, giông bão gầm thét trên rừng, cây cối ào ào ghê rợn. Trong rừng bỗng tối mù tối mịt, tưởng chừng như bao nhiêu đêm tối trên đời kể từ khi có rừng đến nay đều tụ cả lại. Những con người nhỏ bé đi giữa những cây lớn, trong tiếng sấm đáng sợ. Họ đi, còn những cây khổng lồ lắc lư, nghiến ken két và gào lên những bài ca thịnh nộ. Ánh chớp bay trên các ngọn cây, loé ánh lửa xanh lạnh lẽo, rọi sáng trong khoảnh khắc và biến mất cũng nhanh như khi xuất hiện, làm mọi người kinh sợ. Cây cối được ánh chớp lạnh lẽo rọi sáng, nom như những vật sống, đang dang rộng những cánh tay dài ngoằn ngoèo, đan thành một mạng lưới dày xung quanh đoàn người, cố ngăn chặn họ. Từ trong đám cành tối tăm, có cái gì đáng sợ, hắc ám, lạnh lẽo nhìn đám người đang đi. Đường đi gian nan, đoàn người mệt lả, mất tinh thần. Nhưng họ xấu hổ, không dám thú nhận sự yếu hèn của mình, vì thế họ trút căm hờn và giận dữ vào Đan-kô, con người vẫn dẫn đầu họ. Họ trách anh không biết dẫn dắt họ, thế đấy!

Họ dừng lại, và giữa tiếng gầm gào đắc thắng của rừng rú, trong bóng tối run rẩy, những con người mệt mỏi và dữ tợn ấy bắt đầu kết tội Đan-kô.

- Mi là kẻ hèn mọn làm hại chúng tao, – Họ bảo anh – Mi dẫn chúng tao đi và làm chúng tao kiệt lực, vì vậy mi phải chết.

- Các người bảo: “Dẫn chúng ta đi!” và tôi dẫn các người đi, – Đan-kô hét lên, hiên ngang đứng trước mặt họ. – Tôi có gan dẫn đường, và tôi dẫn các người đi! Còn các người chỉ cắm cổ đi và không biết giữ sức để đi được dài hơn! Các người chỉ mải miết đi như đàn cừu!

Nhưng những lời đó làm họ càng điên tiết hơn.

- Mi phải chết! Mi phải chết! – Họ gầm lên.

Rừng cũng gầm lên, gầm mãi lên, hoà với tiếng hét của họ, và ánh chớp xé toang bóng tối thành từng mảnh. Đan-kô nhìn đám người mà anh đã ra công khó nhọc vì họ, và thấy rằng họ là những con thú. Nhiều người xúm quanh anh, nhưng trên mặt họ không có chút gì là cao thượng, và không thể mong đợi họ tha thứ cho anh. Thế là trong tim anh cũng bùng lên niềm phẫn nộ sục sôi, nhưng lòng thương hại mọi người đã dập tắt ngọn lửa uất giận ấy. Anh yêu họ và nghĩ rằng không có anh, có lẽ họ chết mất. Trong tim anh bừng lửa nhiệt thành, thiết tha muốn cứu thoát họ, đưa họ lên con đường dễ dàng, và những tia lửa của niềm mong muốn mãnh liệt ấy loé lên trong mắt anh... Còn họ thấy thế, lại tưởng anh nổi khùng nên mắt mới sáng quắc lên như vậy, họ liền giữ miếng như những con chó sói, chờ xem anh đánh lại họ, họ tiến sát đến, vây chặt lấy anh để dễ bề bắt và giết anh hơn. Còn anh đã hiểu ý nghĩ của họ, vì thế ngọn lửa trong tim anh càng cháy rực hơn nữa, vì ý nghĩ của họ làm anh buồn rầu.

Rừng vẫn hát bài ca thê lương', sấm chớp đùng đùng, mưa như trút nước.

- Ta sẽ làm gì cho mọi người đây? — Đan-kô gào to hơn sấm.

Bỗng nhiên, anh đưa hai tay lên xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu.

Trái tim cháy sáng rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời, và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn

đuốc của lòng thương yêu vĩ đại đối với mọi người. Trước ánh sáng của trái tim Đan-kô, bóng tối tan tác và run lẩy bẩy, nhào xuống cái mõm hôi thối của đầm lầy nơi rừng sâu núi thẳm. Đoàn người sửng sốt, đứng trơ ra như phỗng.

- Đi thôi! — Đan-kô thết lớn và xông lên phía trước, về chỗ của mình, tay giơ cao trái tim cháy rực, soi đường cho mọi người.

Họ xông lên theo anh, sung sướng mê cuồng. Rừng lại bắt đầu ồn ào, ngạc nhiên lắc lư các ngọn cây, nhưng tiếng ồn ào của rừng bị tiếng chân người rầm rập át đi. Họ chạy nhanh và mạnh bạo, cảnh tượng kì diệu của trái tim cháy lôi cuốn họ. Bây giờ vẫn có người trong bọn họ chết, nhưng họ chết không than vãn và khóc lóc. Còn Đan-kô thì luôn luôn đi ở phía trước và trái tim anh vẫn cháy bùng bùng, sáng rực!

Bỗng nhiên, rừng giãn ra nhường lối cho anh, giãn ra và lùi lại ở phía sau, dày đặc và câm lặng, còn Đan-kô và tất cả đám người ấy lập tức chìm vào cái biển ánh sáng mặt trời và không khí trong lành được nước mưa gột sạch. Giông bão ở đăng kia, sau lưng họ, trên khu rừng, còn ở đây là mặt trời rực rỡ, thảo nguyên thở đều, cỏ ngời sáng vì những giọt mưa chói lọi như kim cương và sông lấp lánh ánh vàng... Trời đã về chiều và dưới ánh hoàng hôn, sông đỏ như dòng máu nóng hổi phụt ra từ bộ ngực bị xé rách của Đan-kô.

Chàng Đan-kô can trường và kiêu hãnh đưa mắt nhìn thảo nguyên bao la trước mặt, sung sướng nhìn khoảng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào. Rồi anh gục xuống và chết.

Đoàn người vui sướng và tràn đầy hi vọng, không để ý rằng Đan-kô đã chết và không thấy trái tim can đảm của anh vẫn cháy bừng bừng cạnh xác anh. Chỉ có một người vốn tính cẩn thận nhận thấy điều đó, và sợ xảy ra chuyện gì không hay, liền giẫm chân lên trái tim kiêu hãnh ấy… Trái tim tóe ra một loạt tia sáng, rồi tắt ngấm…”.

- Đấy, duyên do của những ánh lửa xanh thường xuất hiện trên thảo nguyên vào lúc trước cơn giông là như vậy!

Bây giờ khi bà lão kể xong câu chuyện truyền thuyết tuyệt đẹp của mình, thảo nguyên bỗng yên tĩnh lạ thường, như kinh ngạc về sức mạnh của chàng Đan-kô dũng cảm đã đốt cháy trái tim mình soi đường cho mọi người và chết mà không đòi hỏi gì cả.

Bà lão thiu thiu ngủ. Tôi nhìn bà cụ và nghĩ: “Trong trí nhớ của bà lão còn lưu lại bao nhiêu truyện kì diệu và biết bao nhiêu hồi ức nưa?”. Rồi tôi nghĩ về trái tim cháy hùng vĩ của Đan-kô và về trí tưởng tượng của nhân loại đã sáng tạo nên biết bao nhiêu truyền thuyết đẹp đẽ và đầy khí phách.

III. Tìm hiểu tác phẩm Trái tim Đan-kô

Soạn bài Trái tim Đan-kô | Ngắn nhất Soạn văn 7 Chân trời sáng tạo

1. Thể loại

- Văn bản thuộc thể loại: Truyện ngắn.

2. Xuất xứ và hoàn cảnh ra đời

- Đoạn trích “Trái tim Đan-kô” là phần thứ ba của tác phẩm “Bà lão I –déc-ghin”.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: Tự sự.

4. Ý nghĩa nhan đề

Trái tim Đan-kô được hiểu là những người luôn hết lòng vì người khác, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh bản thân, quyền lợi của mình cho mọi người, xuất phát duy nhất từ lòng yêu thương.

5. Tóm tắt Trái tim Đan-kô

Một hôm, giông bão ập đến, đường đi gian nan hơn khiến mọi người đều mất tinh thần. Dù những người được Đan- kô dẫn đường quay ra oán trách Đan-kô nhưng anh vẫn hăng hái, tươi tỉnh dẫn mọi người đi. Anh tha thiết muốn cứu họ. Cuối cùng, Đan-kô gục xuống và chết còn đoàn người lại vui sướng, có người còn giẫm lên trái tim của Đan-kô.

6. Bố cục Trái tim Đan-kô

- Phần 1: Phong cảnh thiên nhiên kỳ lạ ở thảo nguyên.

- Phần 2: Tình cảnh của đoàn người phải vượt qua khu rừng bóng tối và đầm lầy.

- Phần 3: Ngoại hình, lời nói, hành động và tình cảm của Đan-kô dành cho mọi người.

- Phần 4: Tâm trạng, thái độ của đoàn người muốn vượt qua khu rừng.

7. Giá trị nội dung

- Văn bản Trái tim Đan-kô kể chuyện về người anh hùng Đan-kô: một thủ lĩnh can đảm, yêu tự do, giàu lòng vị tha, yêu thương mọi người nhưng phải chịu nhiều tổn thương. Cuối cùng Đan-kô đã chết nhưng trái tim nhân ái của ông vẫn rực cháy.

8. Giá trị nghệ thuật

- Tình huống truyện đặc sắc

- Cốt truyện li kì, hấp dẫn; Sử dụng yếu tố giả tưởng để tạo nên người anh hùng đầy khí phách và một truyền thuyết đẹp.

- Không gian vũ trụ, thời gian quá khứ nguyên sơ của loài người;

+ Không gian: vùng thảo nguyên, khu rừng…hoang đường

+ Thời gian: thưở xưa càng tăng thêm màu sắc hoang đường cho truyện

- Lời kể có sự kết hợp ngôi kể thứ nhất (tôi) ngôi thứ 3 (lời kể của bà lão I –déc –ghin) khiến diễn tiến câu chuyện lô-gic, dễ theo dõi.

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Trái tim Đan-kô

1. Tình huống truyện

Dù bị đoàn người hèn nhát kết tội và muốn giết mình nhưng Đan-kô với lòng thương người và muốn cứu thoát họ, anh đã xé lồng ngực, dứt trái tim để soi sáng đường đi cho bộ tộc, cứu thoát họ khỏi cái chết.

=> tình huống độc đáo cho thấy phẩm chất tốt đẹp của người anh hùng Đan-kô.

Trái tim Đan-kô - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 11 Cánh diều

2. Bối cảnh không gian và thời gian

- Không gian: Không gian rừng già, đầm lầy nguyên sinh.

+ Bóng tối bao trùm lên khắp nơi, chỉ có toàn là đầm lầy, cây cối rậm rạp, to lớn.

+ Không có được một tia nắng mặt trời chiếu xuống đây.

=> U ám, tăm tối

- Thời gian: Mơ hồ, không xác định, được bao phủ trong màn sương của huyền thoại, của kí ức xa xưa qua lời kể của bà lão I-déc-ghin

3. Các nhân vật

a. Hình tượng đoàn người

- Sống trong khu rừng phải vượt qua bóng tối và đầm lầy để đến với thảo nguyên

+ Buồn rầu, sợ hãi, hèn nhát

Mệt lã, mất tinh thần, không dám thú nhận sự yếu hèn của mình.

- Tâm trạng, thái độ của đoàn người muốn vượt qua khu rừng đối với Đan-kô

+ “Rừng rậm rạp”, cây cối sừng sững khiến bước đi không dễ dàng nên họ đã tức giận, mất niềm tin vào người lãnh đạo của mình.

+ Họ không dám thú nhận mình yếu hèn khi giông bão đến khiến đường đi gian nan hơn

+ Trút căm hờn, giận dữ, phản đối và chỉ trích Đan-kô

- Khi đến với thảo nguyên xanh, “mặt trời rực rỡ”, “biển ánh sáng mặt trời và không khí trong lành”; Đan-kô gục xuống.

+ Đoàn người vui sướng

+ Có người còn giẫm lên trái tim đang hấp hối của Đan-kô.

=> Vô tâm, kẻ vô ơn, ích kỷ và tham lam

b. Hình tượng nhân vật Đan-kô

- Ngoại hình: chàng trai trẻ, đẹp

- Lời nói, hành động:

+ Đứng lên dẫn đường đưa bộ tộc thoát khỏi sự tăm tối

+ Đoàn người muốn vây bắt và giết anh-anh vẫn tha thứ cho lỗi lầm của họ mà cứu họ ra khỏi cái chết trước mắt.

+ Xé toang lồng ngực, giơ trái tim soi đường. Đan Kô chết- không đòi hỏi gì cả.

- Tính cách: Yêu tự do, gan dạ, quả cảm, giàu lòng vị tha, dám xả thân, hi sinh bản thân vì người khác.

4. Thông điệp của tác giả

- Trong cuộc sống, khi chúng ta đối mặt với khó khăn, liệu chúng ta có thể giữ vững trái tim yêu thương và lòng tốt mà không cần đền đáp.

- Hãy giữ vững tình người trong cuộc sống. Mỗi cá nhân phải vì cộng đồng.

V. Các đề văn mẫu

Soạn bài Trái tim Đan-kô - Sách cánh diều 11 tập 2

Đề bài: Phân tích bài Trái tim Đan-kô 

Bài tham khảo 1

Truyện ngắn Trái tim Đan-kô của Mác-xim Go-rơ-ki là một tác phẩm chứa đầy cảm xúc và vô cùng sâu sắc. Nó nêu bật về tình yêu thương và sự hy sinh cao cả của nhân vật chính, cũng chính là một người anh hùng. Tác giả sử dụng những chi tiết tường minh và hình ảnh mạnh mẽ để truyền tải thông điệp sâu sắc về lòng nhân ái và ý nghĩa cuộc sống.

Ngay từ đầu câu chuyện, tác giả đã tạo nên một bối cảnh u ám với thảo nguyên và khu rừng rợp bóng tối. Cảnh tượng này tượng trưng cho khó khăn và sự tuyệt vọng mà những nhân vật đang phải đối mặt. Trong hoàn cảnh này, Đan-kô xuất hiện như một anh hùng, một người mang trong mình lòng yêu thương và hy vọng. Anh ta đứng lên để dẫn dắt những người khác đang chìm trong bóng tối vượt qua khó khăn, đánh bại nỗi sợ hãi và tạo ra một con đường mới cho cuộc sống của họ. Chàng đã phá bỏ đi bóng tối và tuyệt vọng bao phủ những con người ấy, đưa họ trở về với ánh sáng.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hoàn cảnh khi Đan-kô gặp phải sự phản đối và chỉ trích từ phía những người anh em cùng bản mình. Họ trách móc và lên án chàng ta, đẩy Đan-kô vào tình thế khó khăn và đau khổ khi đứng trước sự lựa chọn phản bội của những người thân thiết. Tuy nhiên, thay vì trả đũa hay tức giận, Đan-kô thể hiện sự vị tha và tình yêu thương vô điều kiện đối với những người này. Chàng nhìn thấy sự bất hạnh của họ và tin rằng việc còn sống là sự cứu rỗi cho cuộc sống của bọn họ.

 

Một điểm đáng chú ý khác trong truyện là hành động hy sinh đầy tình người của Đan-kô. Anh ta tự tay rạch lồng ngực mình, lấy trái tim làm ngọn đuốc để chỉ đường cho đoàn người. Hành động này tượng trưng cho sự hy sinh và tình yêu thương không điều kiện của Đan-kô đối với những người anh em của mình. Ngọn lửa trong trái tim Đan-kô không chỉ dẫn dắt họ thoát khỏi sự tăm tối, mà còn mang lại hy vọng và sự sống mới cho cuộc sống của họ. Mặc dù Đan-kô đã cống hiến tất cả, thậm chí là hy sinh cả tính mạng nhưng cuối cùng anh ta đã chết mà không có ai nhớ đến. Điều này phản ánh sự vô tâm và thiếu tôn trọng của những người anh em cùng bản mình, vì họ vốn dĩ là những kẻ vô ơn. Tuy nhiên, tác giả không chỉ đề cao hành động của Đan-kô mà còn thể hiện được sự đối lập giữa người anh hùng và những kẻ vô ơn. Từ đó, dường như ông đã khám phá ý nghĩa của cuộc sống và sự liên kết của con người. Truyện tạo ra một câu hỏi sâu sắc: trong cuộc sống khi chúng ta đối mặt với khó khăn, liệu chúng ta có thể giữ vững trái tim yêu thương và lòng tốt mà không cần đền đáp?

Tác phẩm Trái tim Đan-kô của Mác-xim Go-rơ-ki là một câu chuyện đầy cảm xúc và ý nghĩa. Nó truyền tải thông điệp về lòng yêu thương và sự hy sinh cao cả, cũng như tầm quan trọng của việc giữ vững tình người và lòng tốt trong cuộc sống. Câu chuyện này làm cho chúng ta suy ngẫm về những giá trị sống và mối quan hệ giữa con người trong cuộc sống hiện thực.

 

Bài tham khảo 2

Mác-xim Gơ-ro-ki đã từng nói “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Chính vì vậy các tác phẩm của ông thường hướng tới tình cảm giữa con người với con người. Nhân vật Đan-kô trong “Trái tim Đan-kô” trích “Bà lão I-đéc-ghin” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về chàng thanh niên vừa dũng cảm, quả quyết vừa nhân ái, khoan dung. 

Phân tích hình tượng nhân vật Đan-kô (tính cách, phẩm chất)

Mở đầu đoạn trích là không gian đáng sợ của thảo nguyên về đêm. Bầu trời bị bao phủ chủ yếu bởi những đám mây đen nặng nề, lần lượt che hết ngôi sao này đến ngôi sao khác. Ánh sáng từ mặt trăng cũng chỉ còn lại một vệt sáng đục, đôi khi bị đám mây che mất. Không gian dường như bị bóng tối nuốt chửng, những ánh sáng yếu ớt cũng dần bị che lấp bởi bóng đêm. Không chỉ thiếu ánh sáng, bầu không khí còn đầy mùi kì lạ, âm u và đáng sợ hơn nữa là sự xuất hiện chập chờn của các đốm lửa xanh lam. Việc lý giải những ánh lửa xanh này chính là lúc bà lão I-đéc-ghin kể lại câu chuyện về chàng Đan-kô. Chàng là một thanh niên trẻ đẹp, sống cùng đoàn người vui vẻ, khỏe mạnh và dũng cảm ở một vùng đất xa được rừng rậm bao bọc. Thế nhưng nghịch cảnh đã xuất hiện: đoàn người  bị một bộ lạc khác đuổi khỏi chỗ ở trước kia, buộc phải đi vào rừng sâu. Trong rừng chỉ có đầm lầy, các cây lớn với cành cây chằng chịt và bóng tối; ánh sáng Mặt Trời dường như không thể xuyên qua được, chỉ toàn mùi hôi thối bốc lên...Càng ngày càng có nhiều người chết, sự suy kiệt về thể xác lẫn tinh thần đang dần giết chết nhóm người này. Họ phải đứng giữa hai lựa chọn – thứ nhất là quay lại phía sau có kẻ thù mạnh và hung dữ, có thể họ sẽ phải làm nô lệ, thứ hai là tiếp tục đi vào rừng sâu với những hiểm nguy. Ở tình huống này, nhân vật Đan-kô hiện lên là chàng trai dũng cảm, can đảm, không chịu khuất phục trước khó khăn. Đan-kô đã là người đứng ra động viên, dẫn dắt mọi người cùng tiến lên phía trước. Đường đi khó khăn, bóng tối bao trùm, các cây lớn, đầm lầy như giăng bẫy nhưng Đan-kô vẫn dẫn đầu đoàn người một cách hăng hái, tươi tỉnh.  Trong đêm bão lớn, rừng càng gào thét dữ dội cùng sấm chớp nhưng chàng vẫn dẫn dắt đoàn người. Mặc dù bị đổ lỗi, trút giận nhưng chàng vẫn hiên ngang, bảo vệ quan điểm của mình mà không hề sợ hãi, nao núng. Chàng tiếp tục cuộc hành trình của mình, cho tới khi vượt qua rừng, thoát khỏi bóng tối, chàng đã kiêu hãnh đưa mắt nhìn  ánh sáng thảo nguyên cùng khoảng đất tự do, tự hào rồi gục xuống. Như vậy cuộc hành trình dẫn dắt đoàn người của Đan-kô đã đi tới kết quả tốt đẹp, chàng hiện lên như một vị anh hùng, sẵn sàng hi sinh cả mạng sống của mình. 

Không chỉ dũng cảm, gan dạ - Đan-kô còn là chàng trai sống trách nhiệm, giàu lòng nhân ái và khoan dung. Vì không thể chứng kiến sự chết dần chết mòn của mọi người, chàng đã đứng ra chịu trách nhiệm dẫn đầu đoàn đi. Khi bị mọi người kết tội, oán hận, mặc dù trong tim Đan-kô có phẫn nộ sục sôi nhưng vì lòng thương hại, ngọn lửa giận dữ đã dập tắt và thay vào đó là tình yêu, gánh nặng trách nhiệm với đoàn người. Mặc dù mọi người không đặt mình vào vị trí của chàng để cảm thông, chia sẻ mà chỉ biết oán trách, đổ lỗi nhưng chàng vẫn hiểu cho họ. Đan-kô biết rằng đó là tâm lý bình thường của con người khi rơi vào trạng thái tuyệt vọng, không còn đường thoát. Do vậy không những chàng không trách móc mà còn nghĩ rằng nếu không có mình, bản thân không hành động thì tất cả mọi người sẽ chết. Chính vì suy nghĩ ấy chàng đã hành động một cách dứt khoát : dùng tay xé toàn lồng ngực, đưa trái tim rực sáng của mình dẫn mọi người băng qua khu rừng. Vượt qua những tình cảm nhỏ nhe đời thường, chàng đã quyết định hi sinh một cách cao thượng. Chính tình yêu, trách nhiệm giữa chàng và đoàn người đã thắp sáng và đốt cháy trái tim mãnh liệt của Đan-kô. Chàng vừa là anh hùng, vừa là người có tấm lòng vị tha cao cả, chàng đã dùng tính mạng của mình để đổi lấy cuộc sống hạnh phúc, tự do cho mọi người. 

Như vậy bằng việc sử dụng kinh hoạt ngôi kể: kết hợp ngôi kể thứ nhất (xưng tôi) và ngôi kể thứ ba (bà lão I-đéc-ghin) góp phần làm cho câu chuyện vừa khách quan, thuyết phục vừa sinh động, cụ thể. Điểm nhìn trần thuật cũng vì thế trở nên linh hoạt, đa dạng hơn. Bên cạnh đó việc kết hợp các chi tiết hoang đường, kì ảo cùng tình huống truyện đặc sắc đã khắc họa thành công vẻ đẹp của nhân viên Đan-kô. Đồng thời tác phẩm cũng để lại bài học sâu sắc về tình thương và lòng vị tha giữa cá nhân với cộng đồng. 

1 123 lượt xem