Tác giả tác phẩm Chạy giặc (Chân trời sáng tạo 2024) Ngữ văn 8 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Chạy giặc Ngữ văn lớp 8 sách Chân trời sáng tạo đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 8. Mời các bạn đón xem:

1 111 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Chạy giặc - Ngữ văn 8

I. Tác giả Nguyễn Đình Chiểu

KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY SINH DANH NHÂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888)

1. Tiểu sử

- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai

- Quê: làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định

- Ông xuất thân trong gia đình nho học, năm 1843 thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định.

- Trên đường ra Huế học chuẩn bị thi tiếp (năm 1846) ông nhận được tin mẹ mất, phải bỏ thi về quê chịu tang, dọc đường ông bị đau mắt nặng rồi bị mù

- Không chịu khuất phục trước số phận, về quê ông mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, tiếng thơ ông Đồ Chiểu vang khắp lục tỉnh

- Khi Pháp xâm lược ông hăng hái giúp các nghĩa quân bàn mưu tính kế, bị giặc dụ dỗ mua chuộc ông khẳng khái khước từ

⇒ Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng ngời về nghi lực và đạo đức đặc biệt là thái độ một đời gắn bó chiến đấu không mệt mỏi vì lẽ phải, vì lợi ích của nước của dân

2. Sự nghiệp sáng tác

- Các tác phẩm chính: chủ yếu bằng chữ Nôm

+ truyện thơ dài: truyện Lục Vân Tiên, Dương Tử- Hà Mậu được sáng tác trước khi thực dân Pháp xâm lược

+ một số tác phẩm mang nội dung tư tưởng tình cảm, nghệ thuật: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư tiều y thuật vấn đáp... sáng tác sau khi Pháp xâm lược

- Nội dung thơ văn

+ Mang nặng lí tưởng đạo đức nhân nghĩa:

• Đạo lí làm người của ông mang tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho nhưng lại đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc

• Những mẫu người lí tưởng trong sáng tác của ông là những con người nhân hậu, ngay thẳng, thủy chung, dám đấu tranh với các thế lực tàn bạo, cứu độ nhân thế

+ Lòng yêu nước thương dân:

• Thơ văn chống Pháp của ông ghi lại chân thực một thời đại đau thương của đất nước, tố cáo tội ác kẻ thù: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ trong trận vong Lục tỉnh...

• Khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân ta

• Biểu dương các anh hùng, nghĩa sĩ đã chiến đấu vì đất nước: Văn tế Trương Định, Kì Nhân Sư trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp

- Nghệ thuật thơ văn:

+ Bút pháp trữ tình nồng đậm hơi thở cuộc sống

+ Đậm đà sắc thái Nam Bộ

+ Lối thơ thiên về kể mang màu sắc diễn xướng

II. Đọc tác phẩm Chạy giặc 

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay.

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ bầy chim dáo dác bay.

Bến Nghé của tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nỡ để dân đen mắc nạn này?

III. Tìm hiểu tác phẩm Chạy giặc

1. Thể loại 

Thơ 7 chữ

Chạy giặc - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Hiện nay, chưa thấy tài liệu nào nói rõ thời điểm ra đời của bài thơ Chạy giặc.

- Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu và nhất là nội dung tác phẩm, có người cho rằng bài thơ này đã được tác giả viết ngay sau khi thành Gia Định bị thực dân Pháp bắt đầu tấn công (ngày 17/2/1859).

3. Phương thức biểu đạt

Văn bản Chạy giặc có phương thức biểu đạt là biểu cảm

4. Ý nghĩa nhan đề Chạy giặc

Nhan đề “Chạy Giặc” giúp người đọc dễ dàng hình dung hình ảnh chân thực một khung cảnh hoảng loạn của nhân dân, sự chết chóc, tang thương của đất nước trong buổi đầu có thực dân Pháp xâm lược.

5. Bố cục bài Chạy giặc

Gồm 2 phần:

+ Sáu câu đầu: Cảnh đất nước và nhân dân khi thực dân Pháp đến xâm lược

+ Hai câu cuối: Tâm trạng, thái độ của tác giả

6. Tóm tắt Chạy giặc

Bài thơ Chạy giặc miêu tả cảnh đau thương của đất nước. Cảnh hoảng loạn của nhân dân, sự chết chóc, tang thương của đất nước trong buổi đầu có thực dân Pháp xâm lược. Tâm trạng của tác giả vô cùng đau buồn, xót thương trước cảnh nước mất nhà tan. Tác giả mong mỏi có người hiền tài đứng lên đánh đuổi thực dân, cứu đất nước và thái độ căm thù giặc của tác giả.

7. Giá trị nội dung

+ Văn bản đã tái hiện chân thực cảnh quê hương khi thực dân Pháp đến tàn sát. Đồng thời cũng thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết của nhà thơ.

8. Giá trị nghệ thuật

- Các biện pháp tu từ: từ láy, phép đối

- Hình ảnh thơ gợi hình, gợi cảm

- Ngôn ngữ thơ tinh tế, giàu cảm xúc

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Chạy giặc

Phân Tích Bài Thơ Chạy Giặc Của Nguyễn Đình Chiểu

1. Cảnh đất nước và nhân dân khi thực dân Pháp đến xâm lược (6 câu đầu)

* Hai câu đề:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây

Một bàn cờ thế phút sa tay”

- Giặc đến:

+ Thời điểm: tan chợ → nơi đông đúc, thời khắc hướng về sự đoàn viên, sum họp, quây quần.

+ Âm thanh: súng Tây → lần đầu tiên xuất hiện trong văn học → gợi sự tàn bạo, hủy diệt hàng loạt.

→ Sự hoảng loạn, kinh hoàng của con người trước âm thanh ghê rợn, gây tàn sát trong thời điểm không ngờ tới.

- Đất nước: bàn cơ thế/phút/sa tay

→ Tình thế bất ngờ, thất thế, mất chủ động

→ Giặc đến phá tan cuộc sống yên bình của nhân dân. Đất nước rơi vào tình trạng nguy ngập.

* Hai câu thực:

- “Bỏ nhà”, “lơ xơ chạy”, “mất ổ”, “dáo dát bay” → sự tan nát, tán loạn, hãi hùng

- “Lũ trẻ”, “đàn chim” → hai hình ảnh điển hình cho nỗi đau thương của nhân dân

- Nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh: bỏ nhà, mất ổ → tạo nỗi ám ảnh bi thương về cảnh chạy giặc của dân làng

→ Cảnh chạy giặc trong nỗi kinh hoàng của nhân dân

* Hai câu luận:

“Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”

- Các địa danh nổi tiếng Bến Nghé cửa tiền → tan bọt nước; Đồng Nai tranh ngói

→ nhuốm màu mây.

→ Cảnh trù phú, sầm uất, tươi đẹp, bình yên trước kia đã bị hủy diệt đến kiệt cùng, tan hoang khi giặc đến.

Như vậy, sáu câu thơ với hình ảnh chân thực, tiêu biểu đã vẽ lại toàn cảnh quê hương khi giặc đến. Một cuộc sống an bình không còn, thay vào đó là sự tan hoang, đau thương.

2. Tâm trạng, thái độ của tác giả (hai câu cuối)

- Tâm trạng của tác giả được thể hiện qua câu hỏi tu từ:

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng

Lỡ để dân đen mắc nạn này

→ Tái hiện hiện thực: quê hương ngập tràn bóng giặc nhưng triều đình không có một biểu hiện động thái nào → Từ đó bộc lộ tâm trạng phẫn uất, thất vọng đồng thời thể hiện nỗi chờ mong khắc khoải sự xuất hiện của trang dẹp loạn để cứu nước

→ Đó là lời kêu gọi tha thiết lòng yêu nước trong mỗi người để hành động chống lại kẻ thù xâm lược.

→ Tấm lòng yêu nước sâu sắc của cụ Đồ Chiểu

V. Các đề văn mẫu

Tìm hiểu văn bản: Chạy giặc - Nguyễn Đình Chiểu - Tạp Chí Tao Đàn

Đề bài 1: Phân tích bài thơ Chạy giặc

Bài thơ 'Chạy giặc' là một tác phẩm thể hiện lòng yêu nước và sự phản đối xâm lăng của người Việt Nam. Năm 1859, khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Định, quê hương của người Việt Nam đã trải qua một thời kỳ đen tối. Nguyễn Đình Chiểu sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú để ghi lại sự kiện này trong bài thơ 'Chạy giặc.'

Hai câu đầu của bài thơ đã nêu lên bối cảnh thời cuộc và tình hình đất nước. Cuộc tấn công của quân Pháp đến lúc 'tan chợ' được thể hiện qua câu thơ: 'Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây, Một bàn cờ thế phút sa tay.' Trước đây, cuộc sống yên bình của nhân dân thường diễn ra tại những buổi họp chợ, nhưng bất ngờ, tiếng súng Pháp đã khiến cuộc sống này bị đảo lộn. Câu 'Một bàn cờ thế phút sa tay' tượng trưng cho cuộc chiến đấu ác liệt và nhanh chóng đã bắt đầu.

Bài thơ tiếp tục mô tả sự tàn phá của quân Pháp khi họ xâm lược. Sử dụng các từ ngữ như 'lơ xơ' và 'dáo dác' trong câu 'Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy, Mất ổ, đàn chim dáo dác bay,' Nguyễn Đình Chiểu tạo ra hình ảnh một cảnh kinh hoàng và thất thủ, trong đó trẻ em lạc trên đường và đàn chim mất tổ bay đi. Cách sắp xếp câu thơ và việc sử dụng 'lơ xơ' và 'dáo dác' tạo nên một thước đo của sự tuyệt vọng và hoảng loạn.

Bài thơ tiếp tục đưa ra các hình ảnh tượng trưng để mô tả sự tàn phá của quân Pháp. 'Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây' diễn tả cảnh quê hương trở nên hoang tàn. Bến Nghé và Đồng Nai trước đây là những nơi trù phú, nhưng giờ đây chúng trở thành đống tro tàn do quân Pháp cướp giữ. Câu 'tan bọt nước' và 'nhuốm màu mây' tạo nên hình ảnh của sự phá hoại và thiệt hại nghiêm trọng.

Cuối cùng, bài thơ đặt ra câu hỏi: 'Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng, Nỡ để dân đen mắc nạn này?' Nhà thơ trách móc sự thiếu vắng của anh hùng trong bối cảnh này, và đặt câu hỏi về tại sao dân tộc đang phải chịu đựng mất mát và khốn khó. Bài thơ 'Chạy giặc' thể hiện tình yêu quê hương, căm hận xâm lăng và khát khao tự do, và nó đã trở thành một tượng đài của thơ ca yêu nước trong văn học Việt Nam.

Bài thơ 'Chạy giặc' sử dụng ngôn ngữ đơn giản và màu sắc Nam Bộ, và sử dụng nhiều kỹ thuật nghệ thuật như đảo ngữ, phép đối, và so sánh ẩn dụ để thể hiện cảm xúc và ý nghĩa lịch sử quan trọng của nó.

Đề bài 2: Cảm nhận khi đọc bài thơ Chạy giặc

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của đất nước ta trong thế kỉ 19. Mắt bị mù loà giữa thời trai trẻ, con đường, công danh sự nghiệp dở dang, nhưng ông đã không chịu khoanh tay trước những bất hạnh cay đắng. Ông đã mở trường dạy học, làm thầy thuốc săn sóc sức khoẻ của nhân dân, viết văn làm thơ, tiếng tăm lừng lẫy, trở thành ngôi sao sáng trong nền văn nghệ Việt Nam cuối thế kỉ 19.

Tên tuổi Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với những truyện thơ đậm đà màu sắc cổ điển như Truyện Lục Vân Tiên, truyện Ngư Tiều y thuật vấn đáp... Đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu là những bài văn tế, những bài thơ yêu nước như Chạy giặc, Xúc cảnh, Văn tế Trương Công Định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, ... Đánh giá giá trị các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trong những năm thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ, có ý kiến khẳng định: “Sáng tác của ông sống dậy và hướng tới chúng ta như những bài ca yêu nước...”

Thơ, văn tế của Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân. Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu, đã “diễn tả thật sinh động những tình cảm của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân vốn là nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước” (Phạm Văn Đồng). Khi Tổ quốc bị xâm lăng súng giặc đất rền, những người áo vải chân đất dân ấp dân lân đã quật khởi đứng lên đánh giặc với chí căm thù sôi sục: Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; Ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ. Họ đánh giặc là để bảo vệ tấc đất ngọn rau, để giữ lấy bát cơm manh áo ở đời.

Vì thế, chỉ một lưỡi dao phay, một gậy tầm vông cũng ào ào xung trận. Tư thế chiến đấu vô cùng hiên ngang lẫm liệt:

Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia,

Gươm đeo dùng bằng lưỡi một dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Đất nước quê hương bị giặc Pháp giày xéo, tuy bị mù loà, ông vẫn dùng ngòi bút và tấm lòng yêu nước tham gia đánh giặc. Ông gọi lòng trung nghĩa của mình là lòng đạo chung thuỷ, sắt son, sáng ngời: 'Sự đời thà khuất đôi tròng thịt, Lòng đạo xin tròn một tấm gương'. Có thể nói, những câu văn, vần thơ của Nguyễn Đình Chiểu chứa chan tinh thần yêu nước, đã làm sống dậy và hướng tới chúng ta như những bài ca yêu nước.

Vì thế mà niềm mơ ước của ông vẫn là niềm mơ ước của hàng triệu con người Việt Nam trong thế kỉ qua về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc và hoà bình:

Chừng nào thánh đế ân soi thấu,

Một trận mưa nhuần rửa núi sông.

(Xúc cảnh)

Chạy giặc là một bài ca yêu nước chống xâm lăng. Năm 1859, thực dân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Đất nước rơi vào thảm hoạ, Nguyễn Đình Chiểu viết bài thơ Chạy giặc bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật ghi lại sự kiện bi thảm này.

Hai câu đề nói lên thời cuộc và thế nước. Giặc Pháp tấn công thành Gia Định vào lúc tan chợ:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay.

Cảnh họp chợ, cảnh tan chợ là nhịp sống yên bình của nhân dân ta. Tiếng súng Tây bất ngờ nổ rền trời đã làm cho nhịp sống ấy bị đảo lộn. Cảnh chiến tranh đã bắt đầu. Một bàn cờ thế là hình ảnh ẩn dụ nói về thời cuộc, về cuộc chiến giằng co, ác liệt. Ba tiếng phút sa tay trong câu thơ Một bàn cờ thế phút sa tay nói lên sự thất thủ nhanh chóng của quân triều đình tại thành Gia Định. Hai câu thơ đầu như một thông báo về sự kiện lịch sử bi thảm diễn ra vào năm 1859. Đằng sau câu thơ là nỗi lo lắng và kinh hoàng của nhà thơ trước thảm hoạ quê hương đất nước thân yêu của mình bị giặc Pháp chiếm đóng và giày xéo.

Hai câu trong phần thực đối nhau, phép đảo ngữ vận dụng sắc sảo: Vị ngữ bỏ nhà và mất ổ được đặt lên đầu câu thơ nhằm nhấn mạnh nỗi đau thương tang tóc của nhân dân ta khi giặc Pháp tràn tới:

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ, đàn chim dáo dác bay.

Nếu viết Lũ trẻ bỏ nhà lơ xơ chạy và Đàn chim mất ổ dáo dác bay thì ý vị câu thơ và giá trị biểu cảm sẽ không còn nữa! Cặp từ láy lơ xơ và dáo dác gợi tả sự hoảng loạn và kinh hoàng đến cực độ. Cảnh trẻ con lạc đàn, chim vỡ tổ là hai thi liệu chọn lọc điển hình theo cách nói của dân gian tả cảnh chạy giặc vô cùng thảm thương.

Hai câu luận, ý thơ được phát triển và mở rộng. Tác giả lên án tội ác của giặc Pháp càn quét, đốt nhà, giết người, cướp của, tàn phá quê hương. Phép đối và đảo ngữ được vận dụng sáng tạo. Nhà thơ không viết: Của tiền Bến Nghé tan bọt nước và Tranh ngói Đồng Nai nhuốm màu mây, mà đã viết:

Bến Nghé của tiền tan bọt nước.

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Câu thơ đã vẽ lên một vùng địa lí bao la và trù phú (Bến Nghé, Đồng Nai) phút chốc biến thành đống tro tàn. Bến Nghé, Đồng Nai trong thế kỉ XIX vốn đã là vựa lúa và nơi buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền, thế mà chỉ trong khoảnh khắc đã bị giặc Pháp tàn phá tan hoang. Tiền của, tài sản của nhân dân ta bị giặc cướp phá sạch tan bọt nước. Nhà cửa xóm làng quê hương nhà thơ bị đốt cháy, lửa khói nghi ngút nhuốm màu mây.

1 111 lượt xem